Philip Kosloski
Nhiều vị thánh đề nghị dành một khoảng thời gian dài để cầu nguyện sau khi Rước Lễ.
Khi kết thúc Thánh lễ, hầu hết chúng ta đều có những phận sự và trách nhiệm khác nhau khiến chúng ta không thể ở lại nhà thờ để cầu nguyện. Sống trong một thế giới hối hả, thật khó để dừng lại vài phút tạ ơn Chúa về hồng ân Thánh Thể.
Tuy nhiên, nhiều vị thánh đã khuyến khích thực hành lòng đạo là duy trì việc cầu nguyện trong một khoảng thời gian dài sau khi Rước Lễ.
Năm 1980, Bộ Phụng tự và Bí tích xuất bản một tài liệu, Inaestimabile donum, khuyến khích mọi người tiếp tục cầu nguyện.
Các tín hữu được khuyên không nên bỏ qua việc tạ ơn riêng sau khi rước lễ. Họ có thể cầu nguyện trong thánh lễ qua thời gian im lặng, với bài thánh ca, thánh vịnh hoặc một bài hát ngợi ca khác, hoặc sau thánh lễ, nếu có thể ở lại cầu nguyện trong một thời gian thích hợp.
Bạn nên ở lại cầu nguyện bao lâu?
Không có thời gian “chính thức” để cầu nguyện. Các thánh trong nhiều thế kỷ đã đề xuất nhiều lựa chọn khác nhau.
Thánh Josemaria Escriva đã viết: “Nếu lời tạ ơn của chúng ta cân xứng với sự khác biệt giữa ơn sủng và những khô cằn của chúng ta, liệu có nên biến cả ngày thành một thánh lễ liên tục, một lời tạ ơn liên tục không? Đừng rời khỏi nhà thờ ngay sau khi lãnh nhận Bí tích. Chắc chắn bạn không có việc gì quan trọng đến nỗi bạn không thể dành cho Chúa 10 phút để nói lời cảm tạ. Tình yêu được đền đáp bằng tình yêu”
Thánh Peter Julian Eymard cũng có một gợi ý tương tự: “Những khoảnh khắc trang trọng nhất trong cuộc đời của bạn là những lúc bạn dành để tạ ơn, khi Vua của trời và đất, Đấng Cứu Rỗi và Thẩm Phán của bạn, là của bạn, Ngài sẵn sàng ban cho bạn tất cả những gì bạn cầu xin. Nếu có thể được, hãy dành nửa giờ cho việc tạ ơn này hoặc ít là 15 phút. Thay vì rút ngắn việc tạ ơn của bạn, tốt hơn hết, bạn nên rút ngắn phần chuẩn bị của mình; vì không có khoảnh khắc thánh thiện nào, không có khoảnh khắc nào ích lợi hơn khi bạn sở hữu Chúa Giêsu trong thể xác và trong tâm hồn mình”.
Các vị thánh khác đã dành trọn một giờ sau khi Rước Lễ, tận hưởng từng phút ở với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Dù bạn dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện, hãy tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể và hãy để tình yêu của Người rửa sạch tâm hồn bạn.
G. Võ Tá Hoàng
Xem thêm:
1. Chúa Giêsu hiện diện bao lâu trong Bí tích Thánh thể sau khi chúng ta rước lễ2. Tôi có được rước lễ khi không đi lễ thường xuyên?
3. Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Chúa Kitô
4. Không được rước lễ thì tại sao tôi phải đi lễ?
5. Nếu không thể rước lễ, đây là cách để thực hiện việc rước lễ thiêng liêng
6. Rước lễ trên tay hay trên miệng
7. Có thể rước lễ mà trước đó chưa xưng tội không?