Suy niệm mỗi ngày, Tuần 18 Thường niên - năm lẻ




TUẦN XVIII

THỨ HAI

DS 11,4b-15; Mt 14,13-21

Theo Lời Chúa hôm nay, việc dẫn dắt Dân được tuyển chon và Giáo Hội thành công được là do hai yếu tố chính: tình thương của Chúa và sự đóng góp của các cộng sự viên của Chúa. Hai yếu tố này đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau, khi yếu tố này thất bại, thì yếu tố kia bù đắp. Khi cả hai yếu tố cùng thành công thì đó là lúc công cuộc của Chúa tiến triển khả quan.

Trong bài đọc I, trước hết ta thấy phía Thiên Chúa thất bại: mặc dù được giải thoát khỏi cảnh lầm than ở Aicập, nhưng vì phải phiêu bạt giữa sa mạc hoang vu, và chỉ có một thứ lương thực là manna, Dân được tuyển chọn ngày càng chán nản. Họ thích được trở về với nếp sống quen thuộc khi trước, có nhiều món ăn ngon miệng và thay đổi. Đây là chi tiết ám chỉ đến việc Dân được tuyển chon không quảng đại đi theo Thiên Chúa trong đời sống từ bỏ thế gian, mà chỉ muốn trở với nếp sống xác thịt và trần tục. Sự phản loạn của họ trở thành gánh nặng cho Môisen là cộng sự viên của Thiên Chúa. Ở đây Môisen tỏ ra ngã lòng và muốn tháo lui trước gánh nặng vượt quá sức mình chịu đựng, khác với trường hợp khác ông đã là người đứng ra bênh vực cho dân, khi Thiên Chúa muốn tru diệt, để gầy tạo một dân mới hẳn. Do sự ngã lòng của Môisen, ở đây ta có thể nghĩ công cuộc của Thiên Chúa lần này có lẽ đã ở vào lúc khó khăn nhất, tuy chưa đến nỗi thảm hại.

Ngược lại, hôm Chúa Giêsu ở giữa đám đông tuôn đến nghe Ngài, tình cảnh chắc chắn sáng sủa hơn: một mặt Chúa thi thố tình thương và quyền năng của Ngài qua việc quan tâm đến nhu cầu của quần chúng và hóa bánh ra nhiều nuôi họ. Mặt khác, các cộng sự viên của Chúa là các tông đồ được Chúa tin tưởng và đã tích cực cộng tác với Chúa vì quần chúng tất tưởi chấm kết quả là mọi người được no nê và phấn khởi. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho việc Chúa ân cần dìu dắt dưỡng nuôi Dân mới và việc dìu dắt ấy thành công nhờ có sự cộng tác nhiệt thành của nhóm cộng sự viên.

Chính vì thế, hôm nay chúng ta đặc biệt nhớ đến các vị mục tử trong Giáo Hội để cầu nguyện cho các ngài, để cảm tạ Chúa đang tin tưởng vào sự cộng tác của con người trong việc dẫn dắt Giáo Hội.

Chúng ta cũng không quên nhớ đến vai trò của chính mình trong Giáo Hội. Bởi lẽ dù ở bất cứ địa vị nào, mỗi người cũng đều được mời gọi trở nên cộng sự viên của Chúa, để góp phần vào công cuộc của Chúa thành đạt. Trong Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô, hết mọi người đều liên đới với nhau. Khi anh chị em khác gặp khủng hoảng, nếu ta sốt sắng và thánh thiện thì sự thánh thiện của ta có thể mang lại niềm tin và sức nâng đỡ cho anh chị em đó. Một người tội lỗi sẽ kéo cả Giáo Hội xuống theo mình. Một người đạo đức sẽ nâng Giáo Hội lên theo mình.

Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là chủ chăn luôn ân cần đối với đàn chiên là chúng ta và đang dùng Thịt Máu mình làm manna mới dưỡng nuôi chúng ta. Bên cạnh tình thương ấy của Ngài, mỗi người chúng ta hãy là cộng sự viên nhiệt thành, vị tha, hy sinh để góp phần làm cho việc Ngài dìu dắt Giáo Hội hôm nay được thành công tốt đẹp.



THỨ BA

Ds 12,1-13; Mt 14,22-36

Hai bài Kinh Thánh hôm nay, nối tiếp ý tưởng hôm qua, nêu rõ lòng ưu ái của Chúa đối với các cộng sự viên của mình. Theo bài Cựu ước, Thiên Chúa phạt nhãn tiền tội nói xấu ông Môisen, người được Thiên Chúa quí như bạn nghĩa thiết và từng diện đối diện trò chuyện: đó là Maria tức khắc bị phong cùi, da dẻ nên trắng như tuyết. Còn theo bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đang cầu nguyện trên núi đã đích thân đến cứu các môn đệ đang gặp sóng gió giữa biển.

Hiểu được lòng ưu ái đó của Chúa, chúng ta là những người sống trong Giáo Hội cũng hãy có thái độ đúng đắn đối với các vị Chúa đã chọn làm đại diện và cộng sự của Ngài. Trước hết, chúng ta hãy quí mến và tuân phục các vị ấy, bởi vì như Chúa nói: "Ai nghe các con là nghe Ta". Nhất là chúng ta hãy nhớ cầu nguyện luôn cho các vị, bởi vì biết rằng nhiệm vụ của các vị quan trọng và những đòi hỏi của Chúa đối với các vị thật nặng nề đối với thân phận xác thịt yếu hèn. Theo hai bài Kinh Thánh, nhiệm vụ của các vị là điều khiển Dân Chúa và khi Dân gặp cảnh ngặt nghèo các vị cầu cùng Chúa cho Dân, như Môisen van xin Chúa cho Maria và bà sẽ chỉ bị phạt trong bảy ngày. Đặc biệt bài Tin Mừng gởi đến nhiều đòi hỏi nặng nề của Chúa đối với các vị: chẳng hạn phải có tinh thần từ bỏ, không được bám vào thành công hay thế giá, như các môn đệ phải lên thuyền rời bỏ nơi vừa xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều, không được để dân chúng tôn vinh mình – hoặc phải luôn luôn phấn đấu trong lòng tin, phải gắn bó vào Chúa mọi lúc, ý thức rằng chỉ một mình Chúa mới cứu được Giáo Hội, không được quên Chúa và nhìn vào sóng gió, kẻo bị chìm xuống như Phêrô. Vậy ta cần cầu nguyện nhiều để các vị có thêm đức tin, có thêm tinh thần từ bỏ thế gian và sống cho Chúa. Khi các vị có những yếu hèn, khuyết điểm, thay vì nói xấu hoặc chỉ trích, ta cần thiết tha cầu nguyện và chân thành nâng đỡ các vị hơn.

Trong lúc đó, ta cũng đừng quên rằng, không phải Chúa chỉ ưu ái một số người, trái lại Chúa hằng quí mến hết mọi kẻ thuộc về Ngài. Địa vị làm cộng sự viên của Chúa là địa vị được đề nghị với hết mọi người trong Giáo Hội. Mỗi người - bất luận già trẻ lớn bé, theo đạo đã lâu hay mới theo đạo - đều được mời gọi trở nên môn đệ và đại diện của Chúa. Mỗi người đều có thể đóng góp phần quí giá và to lớn của mình vào công cuộc chung của Chúa là giúp cho con thuyền Giáo Hội đang đi giữa biển đời được yên hàn và ngày càng tiến gần bến bờ vinh quang.

Không trừ ai, chúng ta đều là những thủy thủ trên con thuyền Giáo Hội mà Đức Giêsu phục sinh đang là thuyền trưởng. Tất cả những ai ra sức sống đúng tư cách Kitô hữu, bằng cách gắn bó với Đức Giêsu, thiết tha tin tưởng nơi Ngài và dẹp bỏ những gì là trần tục tội lỗi nơi mình, tất cả những kẻ đó đều là cộng sự viên đắc lực của Chúa trong việc bảo vệ và điều khiển con thuyền Giáo Hội.



THỨ TƯ

Ds 13,2-26; 14,1.26-35; Mt 15,21-28

"Lòng Mẹ bao la như biển thái bình dạt dào,

Lòng mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào".

Với những vần thơ được phổ nhạc trên, nhạc sĩ Y Vân đã để lại một tác phẩm có thể được gọi là bất hủ để diễn tả lòng mẹ. Lòng mẹ thương con thật bao la, thiết tha như dòng suối… thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn…

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thêm một bằng chứng cụ thể nữa về tấm lòng thương con bao la và thiết tha này: "Con gái tôi bị quỉ ám, khốn cực lắm".

Đó là đối tượng và nỗi lo âu duy nhất xâm chiếm trọn tâm hồn bà mẹ đến xin Chúa Giêsu cứu giúp. Tình yêu thương của bà này đối với đứa con gái phải mãnh liệt lắm mới thúc đẩy bà cầu khẩn hết lời, và nhất là hạ mình chịu đựng những hất hủi, khinh miệt đến tột độ.

Trước hết, bà kêu van xin Chúa Giêsu thương xót. Tiếp đến, bà quì lạy xin cứu giúp. Và cuối cùng, bà chấp nhận nghe lại lời người Dothái so sánh dân bà với chó má.

Nhưng ngoài tình mẹ thương con cao độ, còn có một điểm khác đáng chú ý trong câu chuyện, đó là sự phát triển niềm tin nơi bà mẹ. Trước tiên, bà gọi Thầy Giêsu là con vua Đavít, một tước hiệu mang tính cách trần thế, có nghĩa là chỉ nhìn thầy Giêsu như một con người. Tiếp đến, khi nghe Thầy Giêsu bảo: "Bổn phận của Ngài là được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel" thì bà đã chấp nhận Ngài là một vị tiên tri. Và còn hơn thế nữa, bà gọi Thầy Giêsu là: "Lạy Ngài", một danh hiệu mang tính cách thiêng liêng, tương tự như danh hiệu "Lạy Chúa". Điều này chứng tỏ là cuối cùng bà đã chấp nhận thiên tính nơi thầy Giêsu. Sự phát triển niềm tin này đã giúp bà để khiêm nhượng hơn để trả lời: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống".

Và cũng chính niềm tin này là đức tính mà Chúa Giêsu đã chú ý thử thách bà qua cử chỉ ruồng rẫy lúc ban đầu. Bằng một câu nói nặng với mục đích duy nhất là hội đủ điều kiện để có thể cứu chữa con gái bà, đồng thời cứu chữa cả bà mẹ, ban cho bà một đức tin như lời Chúa Giêsu đã ca ngợi: "Này bà, bà có đức tin mạnh".

Tóm lại, tình yêu chân thành và niềm tin mãnh liệt là những chiếc chìa khóa để mở cửa lòng nhân hậu của Thiên Chúa.



THỨ NĂM

Ds 20,1-18; Mt 16, 13-19

Sau khi nghe các môn đệ trình bày một vài dư luận khác nhau về chính bản thân Ngài, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi trực tiếp với các ông: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?". Với bản tính mau mắn thường ngày, Simon Phêrô không chần chừ, đáp ngay: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đức Giêsu đã chấp nhận câu trả lời rất chính xác của ông.

Chính nhờ lời tuyên xưng này mà Chúa Giêsu đã đặt Phêrô lên một địa vị quan trọng: "Thầy bảo cho con biết: con là Đá, trên Đá này, thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được".

Sự rắn chắc và vững vàng của tảng đá đã được Chúa Giêsu dùng để ám chỉ Phêrô, từ nay con sẽ là nền tảng vững chắc để xây nên một Giáo Hội muôn đời trường tồn, Giáo Hội nhờ đó cũng trở thành một tảng đá kiên cố để không ngừng ban phát ơn thánh của Chúa cho loài người, chẳng khác gì tảng đá trong sa mạc đã được Môisen dùng gậy đập vào, làm cho nước từ tảng chảy ra cho toàn dân và súc vật uống no nê .

Từ nay, Simon được gọi bằng một tên mới. Phêrô, người đã khẳng khái tuyên bố sẵn sàng chết cho Thầy của mình, nhưng đã vội chối bỏ Thầy đến ba lần khi đứng trước một lời chế nhạo khiến cho ông sợ. Và ngay khi đặt tên mới cho Phêrô, Đức Giêsu đã phải nặng lời quở trách ông, vì ông đã lên tiếng can ngăn không chịu chấp nhận để Thầy mình lên Giêrusalem chịu khổ nạn… "Hỡi Satan hãy lui ra đằng sau, con làm cớ vấp phạm cho Ta, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người".

Lời quở trách này của Chúa Giêsu có khác nào một cái tát vào mặt Phêrô: có lẽ trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nhận lấy những cái tát như thế. Đôi lúc chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào các bậc thánh nhân để nghĩ rằng những tín hữu tầm thường như chúng ta khó có thể đạt tới sự thánh thiện đó, do đó chúng ta cứ chấp nhận sống trong sự trì trệ hoặc xuống dốc cách thảm bại. Câu chuyện của thánh Phêrô trên đây và những lời lẽ của thánh Phaolô trong thơ Côrintô có thể giúp chúng ta sửa chữa những nhận định sai lầm ấy: "Chính những điều thế gian coi là điên rồ thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan, và những điều thế gian coi là yếu đuối thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ" (1Cr 1,27-29).

Cho dù Phêrô đã chối Chúa, ông vẫn là Phêrô, vẫn là Đá Tảng, cho dù bản thân ông quả thật có yếu đuối. Nói đúng hơn: chính vì những yếu đuối của mình mà Phêrô đã trở thành Đá Tảng: Đức Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài không phải trên sức mạnh của con người nhưng là trên Tảng Đá của sự yếu hèn của con người. Điều này quả thật đã làm cho tất cả chúng ta được an ủi và vững tâm.



THỨ SÁU

Tl 14,32-40; Mt 16,24-28

Trong bài trích sách Đệ Nhị Luật, Môisen đã giảng cho dân Dothái về quyền năng cao cả của Thiên Chúa luôn luôn ngự trị trên suốt dòng lịch sử của dân Dothái. Môisen muốn cho dân xác tín rằng "trên trời, dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác".

Nhưng sự cao cả của quyền năng Thiên Chúa đó sẽ chỉ xuất hiện khi: "Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người cùng các thiên thần của Người". Còn khi nhập thế làm người, Con Thiên Chúa tạm thời rời bỏ vinh quang đó để chấp nhận con đường thập giá.

Vì thế trong bài Tin Mừng hôm nay, liền sau khi mạc khải cho các tông đồ biết về cái chết khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu cũng mạc khải về cái chết và khổ nạn của các đồ đệ muốn theo Ngài: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta".

Đoạn Tin Mừng này tiếp liền theo đoạn Tin Mừng hôm qua: sau khi xác nhận lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ về cái chết của Ngài: "Tại Giêrusalem Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, do các thượng tế và các lãnh đạo dân chúng, Con Người sẽ bị giết đi…". Lúc đó Phêrô theo phản ứng tự nhiên đã lên tiếng cản ngăn Chúa và bị Chúa quở trách: "Hỡi Satan, hãy cút đi, vì con không suy nghĩ như Thiên Chúa mà suy tưởng theo loài người".

Phải, trong cái nhìn nhân loại thì khó mà hiểu và chấp nhận sự hy sinh chịu chết trên thập giá của một vị Thiên Chúa. Và cũng thế, theo suy tưởng của loài người thật là khó chấp nhận sự hy sinh mạng sống để theo Chúa Giêsu. Nhưng lời Chúa đã rõ ràng: "Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình vác lấy thập giá…". Như kẻ bị kết án khổ hình thời xưa, bị người ta ghen ghét, bị người ta ruồng bỏ, bị người ta lên án mà theo Chúa.

Đây là giây phút chúng ta cần xét lại thái độ sống và những ước vọng riêng của mình. Khi dấn bước theo Chúa, chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, chấp nhận đi qua con đường thập giá Chúa đã đi qua trước chúng ta, hay chúng ta chỉ theo Chúa khi được mọi điều may lành, được hạnh phúc vật chất; còn khi gặp khó khăn thử thách thì quay lại chống đối Chúa.

Xin cho chúng ta được vững tin vào Chúa, chấp nhận sống như Chúa đã sống và sẵn sàng vác lấy thập giá mà theo Chúa.


THỨ BẢY

Tl 6,4-13; Mt 17,14-19

Tình yêu của người cha đối với đứa con đã khiến người đàn ông trong bài Tin Mừng hôn nay phải uốn gối quì lạy xin Chúa Giêsu cứu chữa con mình, và nhất là niềm tin của ông khiến chúng ta phải chú ý.

Những gì thánh Phaolô viết về tình yêu trong thơ Côrintô: "Người có đức ái tha thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự" (1 Cr 13,7). Điều ấy đều có thể áp dụng cho người có niềm tin như người cha này. Lòng yêu con và niềm tin đã giúp cho người cha giữ vững lòng cậy trông. Vì khi các môn đệ đã thất bại trong việc chữa con mình khỏi bệnh, người cha vẫn không vì thế mà thất vọng. Sự thất bại của các môn đệ vẫn không làm người cha chùn chân, không cản trở đôi gối ông ta uống cong quì lạy để tỏ lòng tin tưởng vào con người của Chúa Giêsu.

Đó là niềm tin mà Chúa Giêsu xác định là các môn đệ của Ngài còn yếu kém. Và đó cũng là niềm tin mà Chúa Giêsu đã quả quyết: "Nếu các con có niềm tin lớn bằng hạt cải thì các con có khiến núi này rằng: Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được.

Cùng với người cha trong câu chuyện hôm nay, chúng ta hãy quì gối trước mặt Chúa Giêsu để không chỉ van xin một ân huệ nào, nhưng để cầu khẩn xin Chúa cho chúng ta đức tin. Một đức tin giúp chúng ta không câu nệ những cái bên ngoài, kể cả những thất bại, những yếu đuối của những người lãnh đạo trong Giáo Hội để chúng ta tìm gặp và tin tưởng cậy trông vào chính Thiên Chúa.

Chỉ có Thiên Chúa, ngày hôm qua, ngày hôm nay và mãi mãi chỉ là một, Ngài là nền tảng, là viên đá gốc, chúng ta phải bám lấy để xây dựng tòa nhà đức tin và đạo giáo của chúng ta. Chính Thiên Chúa đã được Môisen rao giảng cho dân Dothái trong bài đọc I: "Hỡi Israel hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa độc nhất, hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi…Ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi, hãy làm tôi một mình Người".

Nhưng thành thật mà nói, lòng tin của Thiên Chúa nhiều khi còn yếu kém nên dễ gặp thất bại trong các công tác. Cũng như các môn đệ xưa, khi phải đương đầu với những thử thách, những nhu cầu của con người, như cứu chữa con người bị quỉ ám, họ đã thất bại vì kém lòng tin. Được Chúa giáo huấn, họ hiểu rằng cần phải có lòng tin vững mạnh để đương đầu và thắng vượt những thử thách, những nhu cầu mà con người có thể đặt ra.

Xin Chúa ban thêm đức tin cho mỗi người chúng ta để đủ sức phục vụ anh chị em xung quanh vì lòng mến Chúa.

Mới hơn Cũ hơn