Suy niệm hằng ngày, Tuần 25 Thường niên, năm lẻ




THỨ HAI

CHIẾC ĐÈN CHÁY SÁNG

(Lc 8,16-18)


Đọc cuốn “ngìn lẻ một đêm”, ai lại không nhớ đến chiếc đèn thần. Người nào được chiếc đèn thần, cứ lấy tay xoa một cái và ước bất cứ điều gì đều được. Đó là chuyện thần thoại, nhưng cũng nói lên rằng có chiếc đèn là có được nhiều lợi ích.

Thật vậy chiếc đèn không thể thiếu vắng trong nhà, nhất là về đêm, đèn là một vật dụng tỏa ra ánh sáng soi sáng cho mọi người. Hiện nay đèn có nhiều loại. Đèn được sử dụng nhiều nhất là đèn điện. Nhưng tại nhiều nơi vẫn còn dùng cây đèn nến, đèn dầu. Có những loại đèn không phải để soi sáng nhưng để chữa trị bệnh tật. Người ta dùng đèn để trang trí, quảng cáo đèn màu như “Black light” (đóng một vai trò thiết yếu cho sân khấu, phòng ăn, phòng tranh để làm nổi màu sắc). Người ta cũng dùng một loại đèn để hút hơi ẩm, để sửa ấm gà ấp trứng. Người La-Hy xưa chế ra đèn bằng đất sét và đốt dầu ôliu. Người Do Thái cùng có thói quen đốt đèn dầu ôliu để trên bạo cửa. Như vậy vừa soi sáng cho người trong nhà và cả người ngoài sân nữa.

Một ngọn đèn thắp lên là lôi cuốn sự chú ý của nhiều người. Trong đêm tối, chỉ cần một tia sáng hắt lên là đủ cho lạc bước tìm về chỗ trọ. Trong đêm giông bão, một ánh đèn pha rọi vào cũng đủ cứu sống bao sinh mạng lao đao trong biển cả. Cho nên có đèn là có bình an bảo đảm. Người Do Thái xưa đi đêm thường sắp trên giày dép một ngọn đèn ôliu nho nhỏ để soi bước đi. Vì thế mà có lời Thánh vịnh: “Lời Chúa là đèn dọi bước chân con” (Tv 119). Cho nên ngọn đèn thắp lên là soi sáng được nhiều người. Một ngọn đèn thắp lên là hy vọng thắp sáng được nhiều chiếc đèn khác nữa. Nhưng ngược lại, nếu một chiếc đèn tắt đi, là gây tăm tối cho nhiều người. Càng gần đèn thì càng được tỏ. Càng nhiều đèn thì càng sáng. Chứ đừng sống theo lối “Đèn nhà ai người nấy thắp sáng”. Nhưng phải sáng soi cho nhau. Sáng trăng sáng cả vườn đào.

Chiếc đèn mang một ý nghĩa ích lợi cho anh em, sáng soi cho mình và anh em mình, chiếc đèn còn có một ý nghĩa nữa :

Chiếc đèn là biểu trưng của sự trung thành. Xưa kia nơi đền thờ, phải có những cô trinh nữ luôn coi sóc để đèn sáng thường xuyên. Chiếc đèn sáng là dấu lòng người trung thành với Thiên Chúa và nói lên sự cầu nguyện liên lỉ. Sách Xuất hành kể dân Israel ngày đêm hằng đốt sáng một ngọn đèn chầu Thiên Chúa trong thánh điện (Xh 27,20).1Sm 3,3). Để đèn tắt là dấu từ bỏ Thiên Chúa (2St 29,7).

Chiếc đèn còn mang ý nghĩa nữa là sự hiện diện, có mặt trong nhà. Kinh Thánh đã từng dùng hình ảnh như thế để nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. “Lạy Giavê, chính Ngài là đèn soi tín hữu” (Tv 119,105. Cn6,23).

Đèn sáng còn mang một ý nghĩa nữa là tỉnh thức chờ đợi như các trinh nữ khôn ngoan (mt 25,1-8), hay như người đầy tớ trung tín (Lc 12,35) luôn luôn giữ đèn sáng.

Bài Phúc âm hôm nay còn nói lên một ý nghĩa nữa là phải đặt đèn vào vị trí đúng giá đèn (c.16 ; x.Mt 5,15t). Không ai dại gì đốt đèn mà lại để dưới gầm giường hay dưới đáy thùng. Để như vậy thà đừng đốt. Thánh Phaolô bảo “Anh em phải chiếu sáng lên như lò lửa sáng” (Ph 2,15). Hay như Êlia là “Bừng cháy tựa đuốc sáng”, hay như Gioan Tiền hô “chiếc đèn đang cháy sáng và chiếu sáng” (Ga 5,35), để làm chứng cho ánh sáng thật (1,7t).

Mỗi một người là chiếc đèn sáng và chiếu tỏa ánh sáng, ánh sáng đèn là đức tin.


THỨ BA

GIA ĐÌNH THIÊN QUỐC

(Lc 8, 10-21)



Đoạn Phúc âm hôm nay hé mở cho chúng ta thấy thể nào là gia đình đích thực. Gia đình là nền tảng của xã hội. Nước lấy nhà làm gốc (Mạnh Tử).

Cây có gốc mới mở xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc ở đâu

Có cha có mẹ rồi sau có mình !

Cái chân lý ấy chúng ta đã thuộc trong lòng. Chúa Giêsu đã yêu thương gia đình tự nhiên ấy. Người sinh ra có một người mẹ một và một người cha mới (Mt1,18; Lc 2,1). Chúa Giêsu đã sống 9/10 cuộc đời trần thế tại Nazareth, đã sống nghề lao động thợ mộc để nuôi gia đình này. Chúa Giêsu đã chôn cất người cha già theo tang tục Do Thái và gửi gắm người mẹ hiền cho Gioan (Ga 19,270). Thiên Chúa đã ra điều răn thứ 4 để bảo đảm cho gia đình Chúa yêu thương trẻ em là hoa quả của gia đình (Mc 10,10).

Nhưng chúng ta biết khi nhập thể, Chúa Giêsu đã có ý cho chúng ta thấy một gia đình thiên quốc. Chúa Giêsu xuống trần gian để thiết lập và bảo vệ gia đình ấy. Đó là mục đích chính của Ngài. Ngay từ hồi lên 12 tuổi, Ngài đã hé mở cho chúng ta thấy Ngài thuộc về một gia đình thiên quốc “cha mẹ không biết rằng con phải ở lại nơi nhà con sao”(Lc 3,49). Và sau này, Chúa cho thấy muốn thuộc về gia đình của Chúa phải biết từ bỏ gia đình trần thế: -Khi một người thanh niên muốn theo chân Chúa, nhưng xin phép về an táng cha già, Chúa Giêsu đã nói “Phần con cứ theo thầy, hãy để cho kẻ chết chôn kẻ chết” (Mt 8,20). Kẻ nào theo Ta mà không chê ghét cha mẹ, vợ con, anh em và chính mình… (Lc 14,27). Nhưng câu đó không hiểu theo nghĩa đen của chư dân. Nhưng Chúa muốn nói rằng, nếu có sự thử thách, trắc trở giữa Chúa và gia đình, thì phải chọn Chúa làm phần hơn, để được sống vĩnh cửu. Chúng ta thấy rõ ý Chúa trong 3 năm cuối đời. Chúa đã không mang theo người mẹ đi truyền giáo, nhưng thu họp số môn đệ và một số các bà giúp Chúa. Chúa đưa ra tiêu chuẩn cho nhưng ai muốn vào gia đình đó.

1. Cũng như một gia đình trần thế, cái làm nên một gia đình là được sinh ra bởi cùng cha mẹ.

Gia đình thiên quốc cũng thế. Chúng ta cũng được Thiên Chúa sinh ra giống hình ảnh của Ngài (St 1,26). Chúng ta tất cả đều được tái sinh bởi Phép rửa tội. Chúng ta có chung một người cha là Thiên Chúa, mà Kinh Lạy cha vẫn dạy cho chúng ta biết mối tình phụ tử đó.

2. Cái làm nên một gia đình nữa là cùng ăn cùng ở trong gia đình.

Bữa ăn tạo nên tình cảm gia đình. Chúng ta có chung của ăn là lời Chúa và Mình Thánh Chúa hằng ngày. “Người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn sống bởi lời của Thiên Chúa” (Mt 4,4). “Ai ăn thịt Ta và sống…”(Ga 6,54).

3. Cái làm nên gia đình là tình yêu thiên bẩm.

“Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Trong một gia đình, các phần tử thương yêu nhau, đồng cam chịu khổ, vinh nhục có nhau. Cũng thế, gia đình của Thiên Chúa là Chúa đã hy sinh Con Một Người để tỏ rõ tình yêu (Ga 3,16). Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Chúa dạy : “ các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34t). Chúa còn nói: “yêu thương mọi người kể cả kẻ thù của mình” (Mt 6,44). Chúng ta hãy nhớ lại xem trong một gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội, đã bao nhiêu hi sinh đổ ra cho chúng ta được sống. Bao nhiêu lời cầu nguyện, bao nhiêu dòng máu tử đạo, bao nhiêu công trình bác ái tinh thần vật chất… để gọi là lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng.

4. cái làm nên một gia đình là cùng một niềm tin

Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng cùng nhau nhìn về một hướng. Hướng đó là Đức tin. Thuận vợ thuận chồng, bể Đông cũng cạn. Hiểu trên phạm vi đức tin, vợ chồng con cái mà không cùng một lòng tin rồi nghi ngờ nhau, tan vỡ ! Thánh Phaolô nói với chúng ta “chỉ có một Đức tin một phép rửa, một Thiên Chúa…”. Để thuộc về gia đình Thiên quốc thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình đi, làm theo thánh ý Thiên Chúa qua bổn phận, và ơn kêu gọi của mỗi người nơi trần thế này.


THỨ TƯ

TIN CẬY CHÚA QUAN PHÒNG

(Lc 9,1-6)


Thánh sử Luca tả lại ngày Chúa sai 12 tông đồ ra đi truyền giáo. Cứ bình thường thì làm việc là phải có dụng cụ và phương tiện. Nhưng ở đây, khi sai các môn đệ ra đi hành nghề truyền giáo, Chúa ra lệnh : “đừng đem thứ gì đi đàng cả, không gậy, không bị, không bánh, không tiền bạc, đừng mang hai áo” (c.3).

1. Cái gậy dù sao cũng là thứ cần thiết để tự vệ, để dò đường, để chống đỡ tuổi già, để nghỉ mệt hay gánh gồng…, nhưng Luca bảo không được.

2. Còn giày dép ư ? Giày dép là thứ vật dụng tối thiểu để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm đôi chân của bộ hành. Không được !

3. Hai áo ư ? Một bị thôi. Không ! tất cả vấn đề ở đây không phải là bị, gậy, giày dép, trang phục. Vấn đề căn bản Chúa muốn nói là thái độ tâm hồn. Ra đi không bị, không giày, tức là ra đi thảnh thơi, không bồn chồn, bịn rịn, để đi tới đâu cũng là “nợ tang bồng, tay trắng vỗ tay reo”, đi đâu cũng như là “thênh thang thuyền về”. Chúa không muốn các tông đồ của Ngài trở thành những hành khách được trang bị đầy đủ để không còn lo sợ rủi ro bất trắc. Không, nhất định không. Chúa muốn họ gặp bất trắc để vì bấp bênh mà họ dám bíu vào Thiên Chúa quan phòng.

Kinh nghiệm đã minh chứng rằng một khi được bảo hiểm toàn diện thì lập tức người ta liền bỏ mất sự quan phòng của Thiên Chúa. Dân Israel xưa kia được nhiều vàng bạc rồi đã đúc tượng bò vàng mà quỳ thờ lạy ngâu tượng thay thế cho Thiên Chúa. Là người, ai ai cũng cần tiền. Tiền không cần ai, nhưng ai cũng cần nó. Tiền không bao giờ nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về tiền. Cần tiền, nhưng không dễ mà có. Muốn có phải lo tìm. Tìm mà không đủ, phải làm cho đủ ; và từ cần tiền đến mê tiền mà bỏ bê Thiên Chúa.

Hẳn chúng ta còn nhớ một trong ba chước cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu đó là mê của cải (Mt 4,8). Chúa đi vào hoang địa để cầu nguyện chay tịnh hầu đặt kế hoạch cho ba năm cứu rỗi. Ba năm đó cũng phải tiêu pha dữ lắm. Kiểu như thế nên tà thần mon men đến cám dỗ về tính tham lam của cải mà nhân loại thường mắc phải. Nhưng Chúa đã chiến thắng, làm gương cho nhân loại đó. Kinh Thánh đã cảnh cáo : “Hỡi con cái loài người sao còn trìu mến sự phù vân và tìm sự giả trá…” . “Một xứ đầy vàng bạc và vô số ngựa xe chóng biến thành một xứ đầy ngẫu tượng” (Is 2,7t). “Ai đặt tin tưởng vào của cải sẽ chìm đắm trong đó” (Cn 11,28. Grm 9,22).

Trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi, đi tay trắng. Ra đi từ bỏ, thoát ly hoàn toàn. Thánh sử Luca là người chủ trương từ bỏ tuyệt đối. Trong các bản văn của Luca, hay có chữ từ bỏ “hết tất cả mọi sự, hoàn toàn…”. Trong câu chuyện “Người thanh niên giàu có”, Luca ghi rằng : “Ngươi còn thiếu một điều nữa là hãy bán hết gia tài mà phân phát…” (Lc 18,22 ; x.Mc 2,14. Lc 5,11). Khi Chúa gọi Lêvi làm tông đồ, Lêvi đứng dậy bỏ hết mọi sự theo Chúa (x.Lc 5,28). Chúng ta biệt đó là một loại ơn kêu gọi chứ Chúa không bó buộc mọi người phải trở nên như vậy, mà đó chỉ là lời mời gọi cho môn đệ của Thiên Chúa.

Người theo Chúa phải có hai thái độ :

- Dễ dàng từ bỏ, không tham lam. Tham lam là tự đào hố chôn mình.

- Biết sử dụng đúng những của cải theo thánh ý Thiên Chúa quan phòng.

“Xin Chúa đừng để con nghèo, cũng đừng ban cho con giàu sang, nhưng chỉ xin được hằng ngày dùng đủ, vì e rằng khi được sung túc, con sẽ trở mặt nói rằng “Chúa là ai đó”, hoặc khi gặp túng quẫn, con sẽ đi trộm cắp làm ô danh Chúa của con” (Cn 30,8t).



THỨ NĂM

ÔNG NÀY LÀ AI ?

(Lc 9,7-9)


Bài Phúc âm cho chúng ta biết về tiểu sử của Hêrôđê và quan niệm của ông về Chúa Giêsu. Hêrôđê mà chúng ta bàn hôm nay là vua Hêrôđê Antipas. Ông là con của vua cha cùng tên là Hêrôđê Cả và Hoàng hậu Malthake. Vua Hêrôđê Cả có 10 bà hoàng hậu chính phi sinh được 8 hoàng tử. Trong số đó có hai người chúng ta biết đó là Hêrôđê Philip và Hêrôđê Antipas. Vua cha đã cưới nàng Hêrôđiađê cho Philip và được đứa con gái là Salômê (Mc 6,17-17). Nhưng Hêrôđê Philip đã không được nối nghiệp vương đế. Chỉ có Hêrôđê Antipas được hưởng nghiệp đế. Hêrôđê Antipas đã cưới công chúa của vua Arêtas IV. Nhưng rồi hai người li dị vì H.Antipas mê bà chị dâu là Hêrôđiađê. Và ông đã dùng quyền mà cướp mất người vợ của anh, làm cho anh ông phải phiêu bạt và chết ở Rôma. Việc cướp chị dâu là hoàn toàn sai luân lý. Chỉ có mình Gioan Tiền hô dám lên tiếng phản đối và đã lãnh nhận hậu quả là cái chết (Mc 6,12-29).

Thật ra H.Antipas không phải là vua. Vì ông chỉ được trao quyền coi hai vùng Galilê và Pêrê. Nhưng dân chúng vùng đó quen gọi ông là vua (Lc 3,1 ; Mc 6,14). Ông là một người Do Thái chính tông, nhiệt thành, rất khôn khéo và mưu lược. Chúa Giêsu đã phải công nhận ông khôn như con cáo (Lc 13,32). Ông dám chống đối quan Philatô, người có quyền thế trên ông, và là đại diện trực tiếp của vua Cêsa.

Cuộc đời Hêrôđê trong 40 năm cai trị đã làm nhiều việc kinh hoàng : Giết các hài nhi mới sinh dịp Chúa Giêsu giáng trần, cướp vợ người anh, giết Gioan Tiền hô sỉ nhục và lên án giết Chúa Giêsu.

Ông sống với một tâm hồn rất bất an và lo lắng. Ông đã từng nghe biết việc Chúa Giêsu làm. Cá nhân ông thì không tin gì Chúa. Ông cho rằng đó là Gioan sống lại (Mt 14,2 ; Mc 6,14). Điều này tỏ rõ ông tin vào huyết luân hồi và phần nào tin vào sự sống đời sau. Một đàng thì ông phân vân là chính ông đã hạ lệnh giết Gioan rồi mà sao bây giờ ông ta lại sống lại, hồi sinh được. Chính vì thế mà ông nóng ruột muốn gặp Chúa Giêsu (c.9). chắc chắn việc ông muốn gặp đây một phần vì tò mò, một phần vì sợ sệt nữa. Vì nếu ông Gioan sống lại thì Hêrôđê nghĩ rằng mình sẽ gặp nguy hiểm, bị trả thù chăng. Bởi vậy ông muốn gặp Chúa Giêsu để giải tỏa mối lo toan canh cánh bên lòng. Thật ra trong thâm tâm ông muốn giết Chúa Giêsu là người mà ông nghĩ là Gioan Tiền hô tái sinh. Lúc ấy có người có thiện cảm với Chúa đã đi báo cho Chúa biết ý định đó của Hêrôđê. Kinh Thánh ghi rằng : “Vào giờ ấy có một người biệt phái đến gặp Chúa Giêsu, xin Người ra khỏi đó vì Hêrôđê muốn giết Chúa” (Lc 13,31). Và đó là lý do ông chưa gặp được Chúa hôm nay. Chúng ta biết ông chỉ gặp được Chúa khi giờ Chúa đến là lúc Chúa chịu tử nạn (Lc 23,8)

Cuộc đời H.Antipas cho chúng ta thấy :

Ác giả ác báo, gieo gió gặt bão. Cuối đời vua Arêtas IV kéo quân trả thù khủng khiếp, đốt sạch để trả thù cho việc ông bị rẫy bỏ. Hêrôđê và Hêrôđiađê bị đi đày ở Lyon và chết cô độc ở đó. Nghĩ tới Hêrôđê hôm nay, người ta không hề nghĩ tới những điều tốt đẹp ông đã làm, nhưng là những tội ác của đời ông.



THỨ SÁU

THẦY LÀ AI ?

(Lc 9,18-22)

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất cho năm ngàn người ăn no nê thì Chúa Giêsu muốn xem phản ứng của dân chúng nghĩ thế nào về chính Chúa. Chúa hỏi các môn đệ : “Dân chúng nghĩ Thầy là ai ?”(c.18). các môn đệ trả lời : người thì cho là Gioan Tiền hô chết sống lại, người thì cho là Êlia là người không chết và trở lại lập vương quốc Israel, người khác cho là một tiên tri nào đó. Đó là 3 quan niệm của dân chúng về Chúa Giêsu.

Để hiểu được tâm trạng của dân chúng, chúng ta cũng nên hiểu rằng người Do Thái rất khát mong một vị cứu tinh, vì suốt gần 500 năm bị đô hộ bởi đế quốc Assyrie, Batư, La mã. Đến thời các tiên tri, họ hằng nhắc đến một vị Cứu tinh được Thiên Chúa hứa ban qua Abraham. Lời hứa đó có ba điều :

1. Người sẽ thành lập một dân tộc đông đúc.

2. sẽ chiếm hữu tất cả xứ Canaan mãi mãi.

3. mọi dân sẽ được chúc lành bởi dòng họ đó.

Dựa vào những lời hứa trước đó, dân Do Thái trông mong khao khát từng ngày một vị Cứu tinh. Nhưng khi Chúa đến thì Người lại đến trong quan niệm siêu nhiên. Vì thế người Do Thái nghĩ về Chúa mỗi người một khác, như chúng ta đã thấy.

Trong thực tế người Do Thái quan niệm về Chúa như thế nào ? Chúng ta có thể tóm tắt ý tưởng của họ. Họ tin Chúa Giêsu là một Đấng siêu nhiên, là miêu duệ của vua Đavít. Nhưng họ cho rằng Người đến để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ, phục hưng xứ sở mình và khuất phục khắp chư dân quy uy dân Do Thái. Vị Cứu tinh đó sẽ mở rộng bờ cõi Do Thái vừa là Nước Chúa. Thật ra dân Do Thái đã từng nghi ngờ về Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa. Nhưng khi thấy không hợp với quan niệm của họ, thế là họ từ chối và chỉ coi Người như một thánh nhân thôi.

Thật ra Chúa dư biết quần chúng nghĩ gì về mình. Nhưng Chúa hỏi như vậy là để nhắc nhở họ hiểu sai rồi. Cũng như xưa, Adong và Eva phạm tội thì họ đã trốn. Chúa hỏi : Adong ơi, ngươi ở đâu ? Chúa hỏi vậy không vì Chúa không biết, nhưng để nói rằng Adong đã phạm tội. Sau khi hỏi quan niệm của dân chúng, Chúa quay hỏi ý kiến các môn đệ nghĩ gì về Chúa (c.20). Phêrô đại diện trả lời : “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa”(c.20).

Chữ Kitô là phiên âm bởi chữ Xistos, nghĩa là Đấng được xức dầu. Xức dầu để trao ban một sứ mệnh cao cả. Đó là một tục lệ. Thánh Phaolô đã thích dùng danh xưng này tới 200 lần để chỉ về Chúa Giêsu. Vậy kiểu nói “Đức Kitô của Thiên Chúa” là nói đến nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ mệnh cứu rỗi. Ở đây Phêrô đã nhân danh các tông đồ phát biểu đúng câu trả lời. Phêrô đã nói lên được chân lý rằng : Đức Kitô là người được Thiên Chúa sai đến trần gian.

Sở dĩ Phêrô nói đúng được, là do ơn mạc khải. Mặt khác Phêrô đã từng chứng kiến nhiều pháp lạ như : Nhạc phụ của ông được Chúa Giêsu chữa lành, sự kiện biến hình trên núi Tabor, bánh hóa nhiều…. Giờ đây, Phêrô không còn hồ nghi gì về Đấng Cứu Thế nữa. Phêrô đã một lần tuyên xưng Đức tin của ông. Và để cho các môn đệ đứng vững trong những thử thách, Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn với những chi tiết về thời gian, không gian và những cực hình phải chịu.

Có lẽ hôm nay Chúa cũng đang hỏi chúng ta rằng : “Theo con, Ta là ai?”. Chúa Giêsu còn một ảnh hưởng gì trên mỗi chúng ta không ?



THỨ BẢY

LOAN BÁO CUỘC TỬ NẠN

(Lc 9,43-45)

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu tiên báo riêng cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người (lần 1 : 9,22). Chúa nói : “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời” (c.44). Cuộc khổ nạn này sẽ diễn ra đúng như dự định của Thiên Chúa. Trước lời tiên báo này, phản ứng của các môn đệ là ngạc nhiên không sao hiểu được. Họ cứ nghĩ làm sao Đấng Cứu thế như Phêrô mới tuyên xưng (9,21) mà lại có thể bị Thiên Chúa bỏ rơi, làm sao lại có thể bị trao vào tay người Do Thái để đem đi giết được (c.15).

Nhưng cái không hiểu cũng là một phần mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Và nếu như họ hiểu rõ thì chưa chắc họ đã đủ can đảm theo chân Chúa đến cùng, hay rồi lại có hữmg phản ứng không mấy tốt đẹp như kiểu Phêrô tự vệ chém đứt tai người đày tớ (Mt 26,61) mà rồi không gây được ảnh hưởng gì cho Đức tin. Các môn đệ hiểu chút ít, nhưng phó thác nhiều, càng tốt vì như vậy là đủ rồi. Để khi sự thật xẩy đến, họ chỉ cần biết rằng việc đó đã được báo trước và nay ứng nghiệm thì Đức tin của họ khôg bị lung lay dù bị thử thách đến độ quay cuồng.

Chúa Giêsu đã tuyên báo hai lần như vậy là có ý nhắc nhở các môn đệ biết là Người chấp nhận cái chết dữ trong vâng phục, trong yêu thương. Tuy nhiên, việc Thiên Chúa muốn chọn cái chết này vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm vì qua cái chết, mà mọi tội lỗi được tẩy sạch. Mầu nhiệm vì cái chết này là dấu chứng tuyệt vời của tình yêu, là một của lễ xứng đáng cao cả nhất dâng lên làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.

Trái lại, một cái chết bình thường không thể có như vậy. Cái chết bình thường của con người chúng ta là cảm thấy hư vô và đi vào vô định, một đêm tối bắt đầu, một kết thúc không tương lai. Nhưng với Chúa Kitô, cái chết là khởi đầu vinh quang ( Ga 13, 31-32; 17, 1-2). Chết là trở về cùng Thiên Chúa Cha (Ga 13, 1) và từ thân xác hay chết trở về thân xác bất diệt (1Pr 3, 18). Chúa Giêsu đã nhìn thấy cái chết và phục sinh và Ngài đã tuyên bố hai lần như thế. Chúa sẽ chết để sống lại nắm lấy chìa khóa của sự chết và âm phủ (Kh 1, 17). Sự chết sẽ không còn quyền hành gì trên Người nữa (1Pr 8, 2) và ngày thế mạt bao người sẽ được phục sinh vinh quang như Ngài nữa (Ga 6, 39-40; 1Cr 15, 26).

Cái chết đối với Chúa là như thế. Nhưng đối với các môn đệ là một sự sợ hãi kinh hoàng (c. 45). Có lẽ trong đời người ai mà không lo âu sợ hãi. Nhất là sợ cái chết. Sợ hãi là một trong những thất tình của con người. Theo tâm lý học thì sợ hãi là phản ứng của tâm sinh lý. Hồi bé chúng ta sợ mọi thứ, sợ tối, sợ ma… Lớn lên sợ cái gì đáng sợ thôi. Có thể nói con người bẩm sinh là sợ hãi.

Sợ hãi gắn liền với con người. Ngay từ khi con người xa cách Thiên Chúa, như Adong thì đã bắt đầu sợ hãi rồi. Adong và Eva sợ cái gì ? Thưa, sợ chết. Trong các cái sợ đó, thì cái chết là gây ám ảnh nhiều nhất, vì bước hẳn sang một thế giới hoàn toàn xa lạ không kinh nghiệm nào có được. Ở vào tình trạng nửa biết nửa không, càng đáng sợ. Các môn đệ sợ hãi nữa là vì thấy sự nghiệp Chúa còn đang lên, đời Chúa còn nhiều sự nghiệp mà phải chết. Họ sợ thêm nữa vì đối với Chúa là một cây xanh như vậy còn chết huống gì là cây khô như họ. Các môn đệ quên đi một chân lý chết và phục sinh.

Qua sự kiện các môn đệ sợ hãi trước cái chết của Chúa được tiên báo đây. Chúng ta học được qua họ rằng chúng ta có những lần sợ cho mình và cho anh em mình. Nhưng trên hết là sợ Thiên Chúa, Đấng có quyền giam cả hồn và xác…thứ đến là chúng ta phải biết sợ. Biết sợ là một sự khôn ngoan, là một sự sống đó là sợ tội. Biết một việc là tội mà vẫn cứ vơ vẫn gần thí nghiệm thì mắc mưu ma quỉ, là một nguy hiểm chết cho linh hồn. Điều phải làm là chạy trốn tội trước đi, đào vi thượng sách.

G.
Mới hơn Cũ hơn