Suy niệm mỗi ngày, tuần 24 thường niên, năm lẻ



THỨ HAI 
LÒNG TIN CỦA NGƯỜI NGOẠI GIÁO

(Lc 7,1-10)


Phép lạ chữa lành người đầy tớ viên sĩ quan ngoại giáo do thánh Mathêu và Luca ghi lại (Mt 8,2-13 ; Lc 7,1-10). Nơi xẩy ra phép lạ là Caphanaum, nơi trú đóng của vị sĩ quan coi khoảng 100 binh sĩ.

Viên sĩ quan này ngoại giáo, là người La mã, chứ không phải là Do thái. Ông ăn ở tốt lành đối với những người dưới quyền ông. Ông lại có thiện cảm với đạo Do thái, nên có thể gọi ông như một dự tòng ngoài cửa. Chính tay ông đã xây nguyện đường cho người Do thái (c.5). Những thái độ này ngược hẳn với thái độ của những người La mã khác là ghét người Do thái và ghét hơn mọi thứ người khác. Vị sĩ quan này có một đầy tớ ốm liệt giường gần chết. Thánh Mathêu ghi rằng người ấy bị tê liệt nguy kịch. Là cương vị một sĩ quan trưởng đồn, chắc hẳn ông đã được nhiều thầy thuốc giúp đỡ nhưng vô hiệu.

Có lẽ ông đã được nghe nói đến Chúa Giêsu, đã được biết đến danh tiếng các phép lạ Người làm, biết đến lòng tốt của Người đối với người thu thuế và các tội nhân. Cho nên ông nghĩ chắc Chúa không nỡ từ chối lời kêu xin của ông. Nghĩ thế, ông gửi một phái đoàn gồm những bậc lão thành đạo đức trong dân Do thái ở đó. Ông đã không cử người biệt phái hay luật sĩ lúc ấy có uy quyền đến gặp Chúa. Ông cũng không tự ý đến xin Chúa vì dù sao ông cũng biết luật của người Do thái là nhiệm nhặt không được tiếp xúc với người ngoại giáo như ông. Vì thế ông cử một số người Do thái đến xin dùm ông, để Chúa ban phép lạ cho người đầy tớ mà ông yêu quý. Và chiều lòng họ, Chúa Giêsu đã ra đi theo họ (c.6).

Nhưng khi Chúa tới gần nhà ông, thì ông lại nhờ một nhóm khác nói với Chúa rằng ông không dám và không đáng được mời Chúa bước tới nhà ông là đất của ngoại giáo. Kinh Thánh nói rằng : Ông tự nghĩ không xứng đáng đến với Chúa và chỉ xin Chúa phán một lời thôi (c.7). Câu nói này minh chứng ông có một đức tin vững mạnh : tin rằng Chúa có thể làm phép lạ từ xa, chứ không cần đến gần như một ông thầy thuốc bình thường. Ông là một người am hiểu hơn ai hết trong lãnh vực nghề nghiệp của ông. Ông nhận ra uy quyền của ông và của Chúa Giêsu. Ông biết Người có quyền trên lãnh vực sự sống nên ông mới mời và xin nhận một lời thôi. Ông nhận ra quyền hạn của ông và quyền hạn của Chúa. Gia nhân ông đau, ông không thể hò hét binh lính bảo cho cơn bệnh rút lui được. Ông suy nghĩ rằng qua việc chỉ huy binh sĩ, bảo người này người kia, ai ai cũng tuân lệnh răm rắp, vì ông có quyền. Nay ông nghĩ rằng Chúa Giêsu đã có quyền, thì chỉ ra lệnh là xong. Nghĩ thế ông xin Chúa phán một lời thôi. Ông xin như vậy và Chúa đã ban như ý ông xin.

Phép lạ này cho chúng ta những bài học sau đây :

1. Chúa Giêsu đến với tất cả mọi người lương dân cũng như Do thái và người Do thái chỉ là phương tiện, là dụng cụ, là cứ địa để Chúa đi tới các dân tộc khác. Và bất cứ nơi đâu có những người cần tới Chúa, những người buồn phiền khóc lóc, túng thiếu của bát phúc thì đều có Chúa. Kinh Thánh cũng đã từng loan báo trước Chúa Giêsu như một tiên tri cho tất cả mọi người. Và cũng như Êlia, Êlisê đã không được dân mình tiếp nhận thì Chúa Giêsu cũng bị đuổi khỏi Nazareth đến với các dân tộc (x. Lc 4,25-27).

2. Hoàng kim bất phụ hảo tâm. Chúa chúc phúc cho người có lòng ngay lòng tốt (Lc 2,14). Trong phạm vi siêu nhiên, hễ muốn là được. Không phải vì muốn chúng ta toàn năng đâu, nhưng vì chúng ta được ân sủng toàn năng của Thiên Chúa trợ giúp.

3. Chúa Giêsu đã ca tụng lòng tin của ông là bậc nhất, vì:

a. Ông là lương dân, là người La mã ngoại quốc thống trị mà ông lại tin vào một người Do thái bị trị.

b. Ông là một người tin nhận ra Chúa có quyền trên ông và đó là quyền tối, tối cao.

c. Ông tin Chúa toàn năng, một lời đủ rồi.

4. Ông đã qua trung gian những người đạo hạnh tới xin Chúa Giêsu. Không xin cho ông nhưng cho người ở của ông. Chúng ta xin cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Xin cùng Chúa Giêsu qua Đức Mẹ.

5. Chúa Giêsu thưởng cho lòng tốt và đức tin của ông.



THỨ BA 

TÌNH THƯƠNG CỨU SỐNG

(Lc 7,11-15)

Chỉ một mình thánh Luca ghi lại phép lạ này. Cũng dễ hiểu vì mỗi thánh sử khi chép Phúc âm, đã nhằm tới một mục đích khác nhau. Thánh Luca khi chép Phúc âm muốn trình bày Chúa Giêsu là Đấng phổ quát nhân từ. Hơn nữa, Luca là một y sĩ nên có phép lạ nào về bệnh tật, ông ghi thật cẩn thận, kỹ lưỡng.

Phép lạ hôm nay của riêng Luca thuật lại để minh chứng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Phép lạ này xẩy ra ở Naim là một ngôi làng cách Caphanaum chừng 7-8 giờ đi bộ. Xưa kia gần Naim, tiên tri Êlisê cũng làm phép lạ cho con của bà Sanamite (2V 3,32-37) được sống lại. Có người nói rằng có lẽ vì hơi dựa vào phép lạ của tiên tri Êlisê mà thánh sử Luca đã phịa ra gán cho Chúa. Nhưng chúng ta biết lời nói đó không có làm chứng gì. Ngoài ra không ai chối được lịch sử của Phúc âm. Chúng ta cũng nên biết thêm những phép lạ cho kẻ chết sống lại của Chúa Giêsu, cũng hay xảy ra ở gần vùng này. Con viên sĩ quan Gairô xảy ra ở Caphanaum (Mt9,23-26). Lazarô ở Giêrusalem (Ga11,23-44), phép lạ bà Naim cũng gần Carphanaum. Còn xét về phép lạ tiên tri Elia (1v 17,17-24) có vài bố cục hơi giống với Naim, cả hai đều chết đều là con bà góa. Sau khi xảy ra phép lạ, thì Êlia được bà ta nhận là người của “Thiên Chúa” (c.24). Còn Chúa Giêsu được gọi là tiên tri cả (c.16). Đúng ra Êlia chỉ là hình bóng và những phép lạ của Chúa Giêsu là thực hiện lời tiên báo (Is29,18-19;35,5-6) và phép lạ của Chúa nhằm tiên báo một phục sinh của chính Ngài sau này. Phép lạ con bà góa Naim sống lại hôm nay cũng thế.

Chúng ta hãy nhìn lại diễn tiến phép lạ này để rút ra được những gì Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay. Số là các môn đệ và Chúa đi vào trong thành nhỏ bé này. Thành này có một cổng ra ngoài, nên Chúa dễ dàng gặp được đám tang đi ra. Nói tới đám tang có lẽ ai trong chúng ta cũng rất quen thuộc. Đám tang nào cũng vậy, dù đơn giản tối thiểu cũng có người chết, có người khóc, có đau thương, có kèn trống, tiễn đưa. Đó cũng là câu chuyện của Naim, mà dẫn đầu là người khóc mướn và kèn độc điệu thổi buồn rũ rượi ra nơi an nghỉ cuối cùng. Nên biết rằng ở vùng Palestine, đất đá pha trộn nên rất khó đào lỗ để chôn. Nên người ta tìm hang hốc để đặt xác chết, rồi kiếm phiến đá để chắn cửa hang bảo vệ xác. Xác không đặt vào hòm hay quan tài như chúng ta mà đặt trên một cái cáng để khiêng đi, trông dễ thảm hơn. Người Do thái gọi cáng đó là quan tài. Còn xác thì được khâm liệm tử tế, ướp lá và thuốc thơm theo kiểu Ai cập, bên ngoài bọc những lần vải kĩ lưỡng lắm. Trông thấy cảnh đau khổ của mẹ góa con côi, Chúa Giêsu đã xót thương thân phận làm mẹ, từ đây lấy ai nâng đỡ tuổi già. Và Chúa bảo quan tài dừng lại, làm phép lạ cho cậu thanh niên chỗi dậy (c.15) trước sự kinh ngạc của đám tang (c.16).

1. Đây cũng là một bài học nói lên Chúa Giêsu yêu thương các bà mẹ, nhất là những người mẹ đau khổ cô độc. Chúa thương những người mẹ mất con vì bệnh tật, vì hoàn cảnh chinh chiến. Nước mắt của họ sẽ không vô ích đâu. Nhưng được chúc phúc (Mt 5,5 ; x.2Cr 4,7.7 ; Kh 3,7.21,4). Hãy coi nước mắt của bà mẹ có tên Monica! Chắc hẳn nỗi khóc thương của bà mẹ Naim và niềm vui chan chứa của bà cũng là của Đức Mẹ sau này.

2. Đám tang có lẽ là một việc quan trọng nhất trong cuộc đời. Cuộc đời con người có 3 cái quan trọng : sinh, sống, chết. Sinh ra thì không biết lúc nào, còn giờ chết càng không. Còn lại cuộc sống thì người ta thường hay quên đi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúa Giêsu đã để ý đến khía cạnh này là sinh, bệnh, lão, tử. Đối với đứa con của bà góa, đã sinh ra, đã bệnh và đã chết. Giờ đây Chúa Giêsu can thiệp vào tất cả các vấn đề đó. Nếu như đời con người chỉ toàn hạnh phúc an vui thì hẳn chẳng cần đến Chúa. Nhưng chúng ta phải cần đến Người vì không ai trong chúng ta không gặp đau thương sầu khổ. Anh chị em có bao giờ gặp một đau khổ đầy ứ mà không ai biết đến, hay không ai thông cảm chăng ? Nếu có, hãy nhớ rằng, cái chết là cái đau khổ lớn nhất mà Chúa đã can thiệp vào và chính Người đã gánh lấy cho chúng ta rồi. Hãy chân nhận rằng tất cả mọi đau khổ lớn bé, tinh thần vật chất, Chúa đều biết và thông cảm cứu giúp.

Xin được hỏi anh chị em, giờ này đây, nỗi ưu sầu lớn nhất của anh chị em là gì ? Bệnh tật, oán hờn, chia ly ư ? Anh chị em hãy cứ trình bày nỗi lòng ấy lên Thiên Chúa đi. Chúng ta không nghe được, chúng ta bất xứng. Nhưng có Chúa nghe được. Chẳng những Chúa nghe mà còn cứu giúp vì Người là Cha tốt lành.


THỨ TƯ 

TỘI CỐ CHẤP

(Lc 7,31-35)

Trẻ con ở đâu cũng vậy, thích hiếu động chơi đùa. Chúng chơi giỡn khắp nơi. Chỗ nào cũng có thể là sân chơi của chúng. Ở Đông phương cũng vậy, gặp được những cảnh trời thanh gió mát, trẻ con Do thái thường tụm năm tụm ba lại ở đầu đình quán chợ để vui đùa nhộn nhịp. Mỗi nhóm chơi những trò chơi khác nhau. Có nhóm dùng sáo quyển để thổi và ca hát vỗ tay nhảy múa. Có nhóm buồn buồn tổ chức chơi diễn lại một đám tang. Chúa Giêsu đã quan sát bầy trẻ chơi đùa như thế và đưa vào dụ ngôn hôm nay vài bài học.

1. Chúa đến để đem ơn cứu rỗi, nhưng những người biệt phái chống đối tới cùng, không cộng tác. Gioan tiền hô đến tuyên bố “Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Nhưng người biệt phái lại đóng cửa lại (Mt 23,13). Gioan làm gương trong việc ăn uống và áo sống kham khổ (Mc 1,6), thì người biệt phái lại biến ăn chay cầu nguyện thành mặc áo thụng giữa phố xá (Mt 6,1t.). Gioan không ăn uống như người ta thì bị coi là quỉ ám (c.33). Nhưng khi Chúa Giêsu đến, Người dự tiệc cưới Cana và tiệc nhà ông Lêvi (Mc 3,15) thì người biệt phái và luật sĩ bảo “ăn uống với bọn thu thuế và tội lỗi” (Mc 3,16) và kết án Chúa là người “mê ăn, chè chén”(c.34).

Trên đường cứu nhân độ thế, Chúa không trừ ma quỉ thì bị họ gán cho là thông đồng với tướng quỉ Beelzebuth (Mt 12,24). Chúa làm phép lạ cho Lazarô sống lại thi họ định giết ông cho chết một lần nữa (Ga 12,10). Chúa muốn đền thánh Giêrusalem là nơi cầu nguyện (Mt 21,13) mà họ đã để trở thành nơi buôn bán. Chúa muốn người ta sống biết ơn nhau và biết ơn Người, nhưng 9 người phong cùi đã vô ơn (Lc 17,11). Chúng ta dễ ăn cháo đái bát, vắt chanh bỏ vỏ. Chúa muốn cứu con chiên rơi xuống hố ngày Sabat, cứu bệnh nhân ngày hưu lễ thì người biệt phái cấm chỉ vì đó là ngày nghỉ (Mt 12,9-11. Ga 5,9).

Thiếu phụ kia đáng lẽ bị ném đá thì Chúa lại tha (Ga 8,1-11). Có người đòi xin lửa bởi trời, thì Chúa đã không cho, Chúa không muốn dập tắt một tim đèn còn khói. Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13). Đã có lần người môn đệ vung gươm chém đứt tai người đầy tớ, nhưng Chúa đã bảo “xỏ gươm vào vỏ” và chữa lành tai cho người đầy tớ đó (Mt 25,52). Đối với cụ già, Chúa bảo phải tái sinh (Ga 3,5). Đối với trần gian, hạnh phúc là tiền rừng bạc bể, là danh vọng chức quyền, nhưng Chúa lại bảo : “Phúc cho kẻ khóc lóc nghèo khó …, chứ tiền của làm mồi cho mối mọt” (Mc 5).

Quả thực chúng ta không hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Mới đọc Kinh Thánh, chúng ta cứ tưởng đâu toàn những chuyện ngược đời cả. Nhưng đọc kĩ chúng ta mới thấy đường lối Thiên Chúa cao vời khôn ví (Is 55,8) và chúng ta mới là người yếu kém hết chỗ nói. Nhưng cái khổ là chúng ta không nhận ra những yếu điểm đó, để tự hạ, tự khiêm, để rồi chúng ta cứ phản đối Chúa, oán giận Người cho rằng Người không cần hay là bất lực. Như vậy là chúng ta cứ giơ chân đạp mũi nhọn hoài mà cứ cho là mình khỏe mạnh, làm vinh danh Chúa.

2. Dụ ngôn này cũng muốn nói lên rằng một khi chúng ta sống chai lì trong tội lụy, thì chúng ta không hơn gì bầy trẻ con, nô chơi phí hoài thời gian. Trẻ con dễ thay lòng đổi dạ. Nhưng đối với trẻ con còn hi vọng sửa chữa, giáo dục, chứ một khi chúng ta đã lớn mà còn cố chấp thì hết đường hi vọng. Tội cố chấp chai lì trong tội là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, không tha thứ được, vì chính chúng ta không muốn được tha.

Xin Chúa cho chúng ta thấy một lần khổ sở như đứa con hoang đàng mà vội vã trở về. Xin Chúa quật ngã chúng con trên đường Đa mát để nhận ra Chúa thật tốt lành.


THỨ NĂM

 ĐƯỢC THA NHIỀU VÌ YÊU NHIỀU

(Lc 7,36-50)

Trong Phúc âm có ba thiếu phụ được Chúa tha tội. Bài Phúc âm hôn nay kể ra một người trong con số 3 đó. Xin đừng lầm chị này với một người xức dầu chân Chúa ở nhà ông Simon, phong cùi (Mt 26, 6-13). Cũng đừng lầm chị hôm nay với chị Maria ở Bêtania là chị em với Martha và Lazarô (Lc 10,38t), cũng đừng lầm với chị Maria Mađalêna được Chúa cho trừ 7 quỷ (Lc 8, 2-3) rồi đi giúp việc truyền giáo cho Chúa.

Bài Phúc âm hôm nay cho Chúa Giêsu đến dự tiệc tại nhà một người Biệt phái có tên là Simon (Simon là tên rất thông dụng ở Dothái). Có lẽ Simon này mời Chúa đến không phải vì tình cảm đâu, vì ông không theo đúng phong tục là “không dội nước chân và không hôn chân” (c.44,45). Có lẽ ông mời Chúa đến tăng uy tín cho cá nhân ông , hoặc để thứ quyền năng Chúa hoặc có dịp bắt bớ Chúa. Về nơi dự tiệc cũng không dược rõ rệt là ở Giêrusalem, hay ở Carphanaum.

Còn về chính chị ta cũng không rõ tên tuổi. Chỉ biết chị ta là một người tội lỗi. Không hẳn tội lỗi như người ta tưởng, hay gán cho điểm đàng trắc nết. Nếu là thứ đó không dễ gì mà vào được một nhà biệt phái đạo hạnh. Chỉ có một tội công khai nào đó mà cả thành này đều biết. Riêng chị cũng đặc biệt nhận mình là tội nhân và chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa từ bi tha thứ cho. Thế là chị ta xách bình ngọc nước hoa đi giữa đám thực khách mà vào. Nhưng người Dothái ăn tiệc hơi nằm ngã người ra phía sau và chân để tràn ra ngoài chiếc phản, cho nên chị này đã xối nước mắt, nước hoa lên chân Chúa. Đó là một lần chị thú tôi công khai. Chị đau đớn thống hối lỗi lầm đời mình giữa một đám tiệc tùng ồn ào và vui nhộn. Hẳn là cuộc đời đổi mới của chị từ đây phải là bài học đắt giá cho những người dự tiệc hôm ấy. Chị hơn những thực khách là dám thú tội mình. Chị đã khóc nhiều. Khóc cho đời mình, khóc vì đứng trước Đấng 3 lần Chí Thánh. Những giọt nước mắt nóng hổi ăn năn rơi trên chân Chúa và chị lấy mái tóc dài mà lau. Chị đổ dầu thơm và hôn chân Chúa không ngừng (c.45).

Những cái hôn của chị không được thích hợp. Chả thế mà ông Simon đã lẩm bẩm trong bụng nọ kia và nghi ngờ. Không phải ông nghi ngờ đức trinh khiết của Chúa vẹn tuyền chí thánh. Nhưng nghi ngờ rằng một người tội lỗi như vậy mà sao một vị tiên tri không biết mà lại còn cho một đặc ân như vậy nữa. Dù sao với hành động như vậy, và nếu câu chuyện xảy ra bất cứ ở đâu trên trái đất này nhất nữa ở nước ta thì hẳn không ai để yên cho cô ta đâu. Người ta như thế, còn Chúa thì sao? Chúa trách cái hôn của Giuđa và bênh đỡ chị này. Với Giuđa thì đó là cái hôn giả tạo bên ngoài đúng với phong tục, đúng với luật xã giao, nhưng tình nghĩa bên trong thì xấu. Nhưng còn chị này bên ngoài bị hiểu lầm mà tấm lòng thì lại đẹp. Qua đó, chúng ta hiểu được rằng tấm lòng mới là yếu tố quyết định và từ đó đừng cố vội phán đoán bên ngoài.

Chúng ta có thói quen như người biệt phái là xét đoán kẻ khác. Từ đây, chúng ta hãy nhớ rằng chính chúng ta đã được Chúa tha thứ nhiều để chúng ta bớt phán xét anh em, vì chúng ta có thái độ nào với anh em thì Thiên Chúa cũng trả lại y như thế với chúng ta.

“ Chị được tha nhiều vì đã yêu nhiều”. Nói như thể không có nghĩa là xúi dục phạm tội nhiều để được Chúa yêu nhiều đâu! Không phải là cứ ở lỳ trong đống tội mà được yêu nhiều đâu! Không. Chắc chắn không (Rm 6,1). Chắc chắn chúng ta có lòng thống hối đó không? Ơn thánh có đủ cho chúng ta không? Chúng ta có lòng yêu nhiều không?


THỨ SÁU

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

(Lc 8, 1-3)

Bất cứ một dấu vết gì Chúa để lại qua Kinh Thánh cũng đều là một bài học ích lợi cho cuộc sống chúng ta. Bài Kinh Thánh hôm nay kể ra một số các bà đạo đức theo chân Chúa, giúp đỡ Ngài trên đường truyền giáo. Trong số đó có bà mang nợ Chúa vì được Ngài cho khỏi bệnh hồn xác. Bà Maria Madalêna được Chúa trừ cho khỏi 7 quỉ, không hẳn chị này tội lỗi đâu, nhưng chỉ biết chị khổ sở vì bị quỉ ám và được Chúa chữa lành và từ đó chị hiến thân phục vụ đời tông đồ (c. 2). Người thứ hai là bà Gioana là vợ một viên sĩ quan quản lý của vua Hêrôđê (c. 3). Người thứ bà là bà Suzana có nghĩa là hoa huệ. Ngoài ra còn nhiều bà khác được thánh Marcô ghi (15, 40) là Maria mẹ Giacôbê, Giôsê, Salômê. Có lẽ các bà đã giúp vật chất (c. 3), ăn uống để Chúa và các tông đồ dễ dàng truyền giáo.

Sự hiện diện của các bà trên đường truyền giáo của Chúa chắc hẳn phải có một ý nghĩa. Nói như vậy là chúng ta thử tìm hiểu xem thái độ của Chúa Giêsu ra sao và thân phận người nữ nói chung.

Trước hết xét ngay trên phạm vi tự nhiên, ta thử hỏi bất cứ người nữ nào xem nếu như họ có quyền lựa chọn thì liệu họ có đồng ý chọn làm người nữ không ? Hầu hết đều trả lời là không. Và nếu như hỏi cả giới nam như thế họ cũng sốt sắng trả lời ngay bằng chữ không. Họ trả lời như thế cũng là vì họ quá biết thân phận người nữ như:

-Hạt mưa sa/ hạt vào đài các, hạt ra ruộng bùn

-Thân em như tấm lụa đào

-Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

-Nhất vợ nhì trời …nhưng rồi thập nữ viết vô

Đó là thân phận bèo mây làm họ chua xót. Có lẽ cái chua xót nhất là thái độ của đời sống đối với họ. Trong xã hội xưa, nhất là ở Do thái, người nữ bị coi như là giềng mối của tội ác và là chước mốc ma quỉ. Tây Ban Nha có câu: “Khi Chúa Giêsu xuống thế làm người thì ma quỉ biến thành đàn bà”. Nhưng có là võ đoán, chứ thật ra nhân loại đã nhờ một người nữ là Đức Maria lên tới tột đỉnh danh vọng của nhân loại đó. Đọc Phúc âm, chúng ta thấy rõ quan điểm của Chúa khi nâng họ lên bằng nam giới trong luật bất khả phân ly. Chúng ta còn có thể nhìn ra ít là hai thái độ này của Chúa Giêsu đối với nữ giới.

1. Thái độ kính trọng

Chúa Giêsu tiếp đón bất cứ ai cần đến Ngài, bất luận là nam nữ Chúa đã không ngại nói chuyện đạo lý với nhiều phụ nữ Samari (Ga 45, 42), mặc dầu việc đó gây thắc mắc nhiều cho các môn đệ. Gia đình của ba chị em Martha, Maria. Lazarô được Chúa dạy bảo ăn uống và làm phép lạ (Ga 11). Trong khi người ta khinh miệt một góa phụ nghèo bỏ đồng xu vào đền thờ thì Chúa tuyên dương danh bà. Cả hạng đàng điếm bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa cũng để cho họ xức đầu thống hối (Mt 21,31), và cho vào nước trời trước.

2. Thái độ tế nhị bao dung

Đọc Phúc âm chúng ta thấy phía trước các ông nhiều lần bị Chúa nặng lời. Ngài quở trách các môn đệ kém lòng tin (Mt 8,25). Thánh Phêrô bị mắng là satan (Mt 16,23). Nhưng đối với người nữ, bao giờ Chúa cũng tỏ ra khoan dung tha thứ. Khi chị cả Matta trách Chúa “sao để…”. Chúa trả lời nhẹ nhàng: “chỉ có một điều cần…”(Lc 10.42). Trước mồ Lagiarô, Chúa bảo hãy đẩy phiến đá ra. Chị cả cho rằng đã bị thối rữa ra rồi và như không tin vào quyền năng Chúa có thể cho một xác chết cho sống lại. Nhưng Chúa chỉ nói “nếu con tin, con sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa chứ sao” (Gio1,39). Vụ án người đàn bà ngoại tình lại tăng giá trị bao dung của Chúa (Gio 8,1). Chúa đã ca tụng đức tin của một người ngoại giáo (Mt 25,21). Chúa thương quả phụ Naim. Bà cụ bỏ tiền xu bác ái. Chúa dùng các bà vào việc truyền giáo là việc của Chúa.


THỨ BẢY

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

(Lc 8,4-15)

Dụ ngôn gieo giống được cả 3 Phúc âm Nhất lãm ghi lại (Mt 13, 1-9. Mc 4,1-9). Thánh Luca cũng ghi lại, nhưng vắn tắt hơn cả, bỏ đi nhiều yếu tố mô tả, thời gian. Lối văn của Luca có trật tự hơn và chia làm bốn phần đều nhau.

Về ý nghĩa chính của dụ ngôn được cắt nghĩa khác nhau tùy tác giả.

Có tác giả cắt nghĩa là sự cần thiết phải tiếp nhận Lời Chúa như hạt giống tốt và phải bảo vệ hạt giống Lời Chúa đó khỏi bị hư hỏng bởi những hạt giống khác bị hư hốt (Sainz).

- Dụ ngôn trình bày Lời Chúa gặp những chống đối thất bại một phần nào đó (Fonck).

- Số phận Lời Chúa nói chung (Lagrange). Số phận Lời Chúa nơi những thính giả khác nhau (Buzu). Đất tốt cần cho hạt giống thì tấm lòng tốt cũng cần cho Lời Chúa triển nở như vậy.

Một lần nữa minh chứng tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời con người. Lời Chúa được gọi là khuôn vàng thước ngọc. Nhưng nếu chúng ta có Lời Chúa, mà chỉ để đó, không đem sử dụng, thì làm sao gọi là quí như vàng như ngọc được. Lời Chúa là khiên mộc chở che (Tv 17,31). Nếu chúng ta không dùng tới Lời Chúa làm sao có được sự che chở của Người. Nơi hoang địa Chúa Giêsu chịu cám dỗ và Người chỉ đọc lên một lời Kinh Thánh “ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi”(Dnl 6,16. Lc 4,12), ma quỉ liền bỏ cuộc chạy dài. Lời Chúa là một loại Manna bởi trời. Bảo tồn sự sống cho những kẻ tin (Kn 16,26. Dnl 8,5), nhắc nhở chúng ta phải dùng Lời Chúa hằng ngày mới có sự sống tâm hồn. Chúa nói : “người ta sống không nguyên bởi bánh, mà sống bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Dnl 8,3). Cơm bánh ta ăn hàng ngày cho sự sống phần xác, còn tâm hồn cần sự sống của Lời Chúa. Qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa cho thấy rõ chúng ta còn có một sự sống siêu nhiên được ban qua nước và Chúa Thánh Thần (Ga 3,5). Sự sống siêu nhiên ấy phải có của ăn siêu nhiên là Lời Chúa và Mình Chúa.

Chúng ta khi đi chợ mua vải cần có thước để đo, muốn biết nặng nhẹ phải có cân. Vậy trên con đường về trời, để hiểu được chân giả, chúng ta lấy gì mà đo, chúng ta dựa vào đâu, đâu là nền tảng, đâu là cẩm nang, đâu là quân sư ? Nếu chúng ta không dùng tới Lời Chúa, chúng ta sẽ không được sự sống của Chúa soi dẫn, vì Chúa nói : “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con” (Tv 118,105). Không sống Lời Chúa, chúng ta sẽ không phải là kẻ lớn nhất trong Nước Trời nghĩa là không được vào Nước Trời. Không có Lời Chúa, chúng ta sẽ không là cha mẹ của Chúa (Mt 12,50), sẽ là xây nhà trên cát lún (Lc 7,48).

Chúng ta cần nói và nhắc nhở nhau hôm nay là nêu phạm vi giáo dục con cái sẽ chẳng có cách nào giáo dục hữu hiệu hơn là Lời Thiên Chúa. Dùng chính Lời Chúa mà giáo huấn con cái đó là dùng chính Chúa. Thiên Chúa hiện diện qua Lời của Người. Anh em cứ dùng Lời Chúa mà giáo dục đi, nhất định chúng ta sẽ thấy sự đổi mới của Lời Chúa nơi tâm hồn con cái. Chúa từng quả quyết Lời Chúa là hằng sống và linh nghiệm như gươm hai lưỡi sắc bén (Dt4,12). Sắc bén ở chỗ cắt đứt mọi tính hư nết xấu của chúng ta. Nhưng với điều kiện là chúng ta phải ham, phải sử dụng Lời Chúa. Sáp ong có chảy ra được là nhờ gần lửa. Chúng ta có gần Lời Chúa chưa ? Gần đèn thì sáng. Chúng ta nên biết Thiên Chúa rất kính trọng sự tự do của mỗi người khi còn sống ở trần gian này. Chính vì ở điểm đó mà Lời Chúa bị trở ngại.
Mới hơn Cũ hơn