THỨ HAI
CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ
Hôm nay, chúng ta mừng kính các Thiên thần Hộ mệnh của chúng ta! Các Thiên Thần là kho tàng quí giá và là người nâng đỡ chúng ta từng ngày trong cuộc sống.
Vài ngày trước chúng ta tôn vinh các Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Trong suy tư đó chúng ta xem xét trật tự các thụ tạo do Thiên Chúa dựng lên. Mặc dù các Thiên thần Hộ mệnh nằm ở cuối danh sách đó, nhưng họ cũng không kém phần vinh quang và rực rỡ so với các thiên thần khác.
Theo truyền thống, các Thiên thần Hộ mệnh được tạo ra với mục đích là thờ phượng Thiên Chúa (Mt 18,10) và phục vụ cho những nhu cầu cần thiết của chúng ta (Tv 90). Đúng vậy, Thiên Chúa có thể trực tiếp chăm sóc chúng ta mà không cần đến các Thiên thần, nhưng Ngài không làm như vậy. Ngài đã chọn tạo ra các Thiên thần như trung gian ơn sủng và sự chăm sóc của Ngài dành cho chúng ta.
Công bằng mà nói thì các Thiên thần Hộ mệnh của chúng ta yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn. Các Thiên thần giúp chúng ta lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa; Theo Kinh thánh, sự hiện diện của các ngài cạnh chúng ta đưa chúng ta vào mối tương quan với Thiên Chúa. Các ngài biết rõ chúng ta, quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta luôn trở nên thánh thiện. Mục đích chính của các Thiên thần là đưa chúng ta về Thiên đàng và lôi kéo chúng ta lên đỉnh cao của sự thánh thiện.
Các Thiên thần đã làm điều đó như thế nào?
Các Thiên thần làm điều đó qua ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. "Thiên thần" có nghĩa là sứ giả. Vì vậy, các Thiên Thần đóng một vai trò chính trong việc truyền đạt ý muốn và tư tưởng của Thiên Chúa cho chúng ta. Họ có thể nói tất cả những gì Chúa muốn nói với chúng ta. Họ cũng là những người bảo vệ bằng cách mang ơn sủng của Thiên Chúa đến trong những trường hợp cụ thể của cuộc sống để chiến đấu chống lại sự dữ, giúp chúng ta thực hành điều tốt.
Hôm nay, chúng ta hãy suy gẫm về vị Thiên thần Hộ mệnh của riêng mình. Các Thiên thần được tạo ra với mục đích để chăm sóc chúng ta và đưa chúng ta về thiên đàng. Hãy cầu nguyện với các Thiên thần của bạn mỗi ngày, trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng.
Kinh cầu nguyện cùng Đức Thánh Thiên Thần:
Con thân Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay cho khỏi tay quỷ. Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Chúa Trời đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỉ dữ cám dỗ được con. Con lạy Đức Thánh Thiên Thần khấn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.
THỨ BA
ĐẤNG NHÂN HẬU KHOAN DUNG
(Lc 9,51-56)
Thánh Luca trình bày giai đoạn cuối cùng của Chúa lên Giêrusalem để đi tới Thập giá và Phục sinh. Con đường ngắn nhất từ Galilêa lên Giêrusalem là đi ngang qua Samaria. Vì đường rất xa nên cần phải trọ ngang đường. Chúa đã cẩn thận sai một số môn đệ (Lc 6,13;10,1) vào thành để lo chuyện nhà trọ và ăn uống. Nhưng những người trong thành này đã nhất định từ chối. Họ từ chối bất cứ người Do thái nào. Họ từ chối vì kỳ thị chủng tộc.
Chúng ta biết dân Do thái và Samaria kình địch nhau từ lâu. Trước kia họ cũng là con cháu của tổ phụ Giacob. Nhưng họ chia rẽ nhau từ năm 935, khi vua Salomon băng hà. Người miền Bắc xây đền thờ ở Garisim là nơi Noê đã lập đền thờ tạ ơn. Còn người miền Nam chọn thủ đô Giêrusalem. Từ đó Garisim và Giêrusalem chống đối nhau. Vào thời Chúa Giêsu sự chia rẽ đó càng trầm trọng (Ga 4,9). Cho nên, những người Do thái ở Galilê thay vì đi tắt qua Samaria, họ phải đi vòng qua thung lũng Giorđan lên Giêrusalem. Đối với người Do thái, chữ Samaria trở thành chữ nhục nhã. Khi chửi rủa ai, họ thường dũng chữ “đồ Samaria” (Ga 8,48).
Bắt đầu Phúc âm của Chúa Giêsu cũng không được rao giảng ở vùng Samaria. Nhưng về sau, Chúa đã giảng Tin Mừng…
Trên Núi Sọ, chúng ta thấy dân Do Thái tội rõ rành rành. Thế mà Chúa còn tìm cách bênh che và cắt nghĩa : “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23,34).
Gia kêu là nhân viên thu thuế có tiếng tham lam, dân chúng lánh xa. Nhưng Chúa đã đến thăm gia đình ông, dù ông chưa dám mời (19,1).
Matthêu cũng bị nhiều tiếng chê bai trong nghề, thế mà Chúa đã đến dùng bữa tại nhà ông và những người thu thuế xấu nết khác (Mt 9,9).
Khi các trẻ đến níu áo Chúa, thì các tông đồ đuổi đi chơi chỗ khác, còn Chúa, Chúa bảo : “Hãy để trẻ nhỏ…” (Mc 10,14).
Ngay đoạn Phúc âm hôm nay cũng đủ nói lên lòng nhân từ thương xót bao dung của Chúa. “Hãy học cùng Ta,…” (Mt 11,29)... là Đấng không nỡ bẻ gãy cây lau, hay dập tắt tim đèn còn khói.
THỨ TƯ
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
(Lc 9,57-62)
Trên con đường lên Giêrusalem lần chót, Chúa Giêsu gặp được 3 ơn kêu gọi. Và qua đó, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ những bài học đích thực của người tông đồ của Chúa. Thánh Luca kể ra ba trường hợp ơn kêu gọi, thánh Matthêu kể hai (Mt 8,19-22), để nói lên ba tư tưởng của Chúa.
1. Người môn đệ phải từ bỏ mọi sự bình an bảo đảm (c.57-58) mà đi theo Chúa.
Một chàng thanh niên nào đó, đến xin Chúa đi bất cứ đâu. Ít ra, anh cũng mang một bầu nhiệt huyết lý tưởng hăng say. Nhưng có lẽ anh chưa hiểu mình muốn nói gì. Phần Chúa, Chúa lên Giêrusalem và chịu nạn ở đó. Cho nên Chúa trả lời : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu…” Hẳn Chúa muốn nhắc chúng ta đến Bêthlem máng cỏ hoang lạnh xa xưa (Lc 2,7) và Ngài cũng muốn ám chỉ tới cái chết không phải trên giường, trên phản mà trên thánh giá (Mt 27,60). Chúa muốn dạy chúng ta ở đây một bài học nghèo khó của Ngài. Chúa sinh ra trong cảnh gia đình lao động , làm trẻ sơ sinh yếu đuối (Lc 2,16). Lớn lên trong cảnh quê nghèo mền Nazareth (2,51). Sống bằng đôi tay thợ mộc. Khi đi truyền giáo, Ngài không có chỗ tựa đầu, đến nỗi Phêrô hỏi “vậy con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, phần chúng con sẽ được gì” (Mt 19,27). Với người thanh niên hôm nay, Chúa cũng cho biết Ngài không có chỗ nào nhất định. Đó là điều kiện của người môn đệ. Người môn đệ của Chúa phải là người lạ lẫm, là khách bộ hành lữ thứ dong duỗi qua trần gian (1Pr 2,11). Họ không có môt thành trì vững chắc nơi trần thế (Dt 13,14). Theo Chúa là chấp nhận mọi sự bất an phiêu du mong manh nhất.
2. Phải tìm của Nước Trời trước hết, tiên quyết ưu tiên (c.59-60).
Một thanh niên khác muốn theo lắm rồi, nhưng vướng với người cha già. Anh xin được Chúa để được về chôn táng người cha đó, trước khi theo Chúa(c. 59). Trường hợp của anh đây không hẳn là khẩn thiết đâu. Người Do Thái nếu chết là chôn một ngày. Cho nên đây không phải là trường hợp cần thiết cùng ngày đâu. Nhưng có lẽ người cha của anh chưa chết. Anh muốn về phụng dưỡng chữ hiếu một thời gian trước đã. Nhưng Chúa bảo “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (c.60). Chúa muốn nói rằng “công việc đó đã có người khác lo”. Muốn theo Chúa người môn đệ phải thoát ly từ bỏ mọi bịn rịn trần thế. Ai không chết cho trần gian, không thể làm môn đệ hoàn toàn của Chúa. Người môn đệ đích thực là rao giảng Tin Mừng Nước Trời tiên quyết và trên hết. Cho nên nếu trường hợp có thử thách nan giải giữa gia đình và Thiên Chúa, thì phải hy sinh gia đình để lo công cuộc Nước Trời trước tiên. Chúa Giêsu không hề bao giờ khinh khi bổn phận gia đình (Mt 15,39; 1Tm 5,8). Nhưng khi có sự tranh chấp như thế thì: Nước Trời phải được ưu tiên. Tình yêu Thiên Chúa là tuyệt đối còn mọi sự khác là thứ yếu.
3. Phải dứt bỏ quá khứ mà nhìn về tương lai (c. 61-62).
Cũng giống như người thứ nhất, nhân vật thứ ba này xin về để từ giã gia đình hay trối trăng gì nữa… lần cuối cùng. Chúa bảo “người cầm cày mà ngó lại đằng sau thì không xứng đáng…” (c. 61). Trường hợp nhắc tới Êlisê được tiên tri Êlia gọi làm tiên tri (1V19, 19-21). Ở đây, Chúa từ chối để nói lên rằng theo Chúa là phải can đảm dứt khoát từ bỏ quá khứ, từ bỏ những gì ràng buộc với quá khứ không có lợi cho ơn kêu gọi đời tông đồ. Cho nên kẻ cầm cày mà ngoái cổ lại là dấu chưa dứt khoát, chưa từ bỏ, như bà Lot vẫn còn muốn hương hảo, vẫn còn hai lòng, chân trong chân ngoài. Người môn đệ đích thực phải từ bỏ hoàn toàn quá khứ (Ph 3,8) và cuộc đời mới nhắm hướng Chúa Kitô mà đi (Dt 12,16). Đó là môn đệ đích thực của Chúa.
THỨ NĂM
ĐƯỢC SAI ĐI
(Lc 10, 1-12)
Bên cạnh 12 tông đồ, Chúa Giêsu còn gửi thêm 72 môn đệ đi truyền giáo. Việc gửi 72 môn đệ này là do riêng thánh Luca ghi lại. Con số 72 cũng mang một ý nghĩa là theo như bảng thống kê về dân tộc trong sách Sáng thế chương 10 thì nhân loại này gồm có 72 dân tộc khác nhau. Đó là con ssố người lương. Con số 12 mới là khởi đầu cho lương dân và con số 72 như chính là số công khai.
1. Chúa gửi họ ra đi từng hai người một (c. 2).
Đi từng đôi để họ nâng đỡ nhau, giúp đỡ ý kiến cho nhau, yêu thương nhau mà làm chứng cho Chúa giữa lương dân. Ở Israel khi có hai người đồng ý kiến về một việc gì thì lời chứng của họ được xác thực và có giá trị pháp luật (Đnl 19,15. Mt 18, 16). Hơn nữa, Chúa muốn rằng việc truyền giáo là công việc nặng nề vất vả cần có sự hiệp nhất của nhiều người chứ đừng đơn độc cá nhân. Cả hai người cùng giảng dạy về Chúa Kitô, thì chứng của họ càng vững chắc hơn là một người. Hai người cùng làm một việc dĩ nhiên công việc được nhiều hơn một người.
2. Dù sao con số 12 và 72 kia cũng là quá ít ỏi cho cánh đồng truyền giáo mà Chúa nhắm tới là cả nhân loại. Cho nên Chúa nhắc chúng ta hãy cầu nguyện cho việc truyền giáo. Cầu nguyện là nhiệm vụ người biết lo lắng cho công việc truyền giáo. Như thế cũng nhắc nhở cho người thợ truyền giáo rằng họ cũng cần đến công lao của bao lời cầu nguyện. Như lời thánh Phaolô : “Tôi có là gì là nhờ ơn Thiên Chúa” (Icr 15,10). “Tôi trồng, Appôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên…”. Chúng ta chỉ là những cộng sự viên của Thiên Chúa. “Anh em là thửa vườn của Thiên Chúa” (1Cr 3,7-10). Và người thợ phải nhận ra mình là đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa (Lc 17,10).
3. Chúa bảo họ : “Hãy ra đi” (c.3). Ra đi là một nhiệm vụ. Ra đi có nghĩa là đi nữa, không dừng lại đâu cả, là làm việc luôn. Họ ra đi, đi giữa vùng đất lở, lạc lõng xa lạ mà đức tính của họ phải là con chiên yếu đuối dịu hiền, không tự vệ gì cả. Họ ra đi không mang bị gậy và dày dép để họ hoàn toàn bám víu vào Thiên Chúa quan phòng. Họ ra đi trong vội vã đến nỗi Chúa bảo : “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (c.4). Đây đừng hiểu về vấn đề lịch sự nữa. Chúa không đến dạy chuyện này. Chúa muốn nói các môn đệ là những người đưa Tin Mừng. Tin đó phải đưa tới người nhận sớm hết sức mà không rao vãi dọc đường. Cho nên dừng lại chào hỏi ở dọc đường để chuyện phiếm là xúc phạm tới sứ điệp của Thiên Chúa. Người Do Thái có thói quen hay chào hỏi dọc đường nói chuyện hươu vượn mất giờ mà họ gọi là “Salamalecs” : câu chuyện của những người ăn không ngồi rồi, thăm viếng xã giao lúc trà dư tửu hậu, cho người môn đệ phải cẩn thận và mau lẹ lắm. Chúa đã bảo : “Ta bảo thật các con, các con sẽ không rảo khắp các thành trước khi Con Người đến” (Mt 10,23).
4. Khi tới nhà nào hãy chào “Bình an” (c.5), còn nếu không xứng đáng thì…. Câu này không cố ý nói là người môn đệ có được nhiều bình an hơn dân. Nhưng muốn nói lời cầu chúc của họ có một giá trị trước Thiên Chúa. Chữ bình an đây không phải là lời chào suông mà là ơn huệ của Thiên Chúa. Kinh Thánh vẫn coi “Bình an và Chúa Thánh Thần” là hai ơn huệ lớn lao nhất Thiên Chúa ban cho loài người. Chúa còn bảo đừng thay đổi nhà này tới nhà khác (c.7) để khỏi mất giờ và khỏi gây hiểu lầm cho những nơi đầu tiên có tấm lòng tốt.
5. Khi đi đến đâu, Chúa nói trước đừng lo lắng của ăn thức uống. “Người thợ xứng đáng với đồng lương của mình” (1Tm 5,18). Còn nếu như trường hợp họ không tiếp nhận, thì phó mặc cho Thiên Chúa và Chúa dạy : “Phủi bụi ra đi…” (c.11) và đi tới nữa. Đó là nhiệm vụ của người môn đệ mà cuộc đời là một cuộc hành trình dài.
THỨ SÁU
NHỮNG LỜI CẢNH CÁO
(Lc 10,13-16)
Đọc bài Phúc âm hôn nay, chúng ta có cảm tưởng là những lời chúc dữ quá nghiêm thẳng. Từ khởi thủy đã có một lời chúc dữ đầy hiệu quả là “con rắn phải bò bằng bụng, ăn đất suốt đời…”. Còn con người sau khi phạm tội tổ tông phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để lấy miếng ăn. Ngưòi phụ nữ phải mang nặng đẻ đau (St 3,14). Lời chúc dữ có thể hướng về con người, của cải (Đnl 28,15-46) và muôn thế hệ (Xh 20,5). Lụt hồng thủy, tháp Babel sụp đổ là lời chúc dữ. Chúc dữ là một lời phán xét cuối cùng. Trong Cựu ước, người ta rất kiêng lời chúc dữ. chính Pharaon, Balac (Ds 24,8) đã phải van xin con cái Israel đừng chúc dữ cho mình mà hãy xin Thiên Chúa của họ chúc lành cho họ (Xh 12,3)
Trong Tân ước Chúa Giêsu cấm chúc dữ. Chúa dạy phải chúc lành cho kẻ chúc dữ cho mình (Lc 6,28), tha thứ cho kẻ nói xấu mình (Mt 5,43-48). Chúng ta thấy một đời Chúa Giêsu không chúc dữ ai. Tuy nhiên Ngài không quên sử dụng những lối nói khủng khiếp nhất đối với những ai no say ở trần thế (Lc 6,24). Chúa cảnh cáo nhóm Luật sĩ và Biệt phái với thế hệ đầy tội lỗi của Israel (Mt 23,13). Hôm nay đây, qua bài Phúc âm, chúng ta gặp những bài cảnh cáo của Chúa trên các thành Corazain, Bétsaiđa, Carphanaum. Những lời cảnh cáo nghiêm trọng này có tính cách giáo huấn, là những lời nhắc nhớ báo trước đau khổ mà không bao giờ trút hình phạt ngay.
Betsaiđa là quê hương của Philiphê, Anrê và Phêrô (Ga 1,44), là một thành phố nằm sát bờ biển hồ Tibêria. Nơi đây Chúa làm những phép lạ như đi trên nước (Mc 6,45), người mù được sáng mắt (Mc 8,22). Còn thành phố Corozain và Carphanaum cũng được chứng kiến phép lạ như nhau, vì hai thành phố này gần sát bên nhau (cách chừng 3 cây số), Carphanaum là thành phố giao thương tấp nập, cũng là cứ địa đầu tiên cho đời truyền giáo của Chúa. Chúa làm nhiều phép lạ ở đây : trừ quỉ ám (Mc 1,23), bệnh sốt rét (Mc 1,29-31). Chính nơi đây, Chúa tuyên xưng mình có quyền tha tội (Mc 2,10) và đến để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2,17), luật bác ái là tiên quyết ưu tiên (Mc 2,18.3,5). Nơi đây, Chúa làm phép lạ cho con ông Giairo sống lại (Ga 6,22-71). Nhưng rồi cuối cùng Chúa đã phải đau lòng vì dân ở đây mặc dù được hồng ân mà lòng họ chai đá từ chối Đức tin. Điều này cho chúng ta những ý nghĩa sau đây :
1. Nếu người nào nghe Lời Chúa mà không tuân giữ, không phải là Chúa sẽ xét đoán họ…, nhưng Lời Chúa rao giảng sẽ kết án họ trong ngày sau hết.
2. Mỗi người đều được ơn thánh sủng và ơn hiện sủng. Chúa ban ơn sủng tùy theo địa vị và bổn phận. Cũng như Chúa trao nén bạc cho từng người khác nhau. Ai nhận nhiều thì bị đòi nhiều. Cho nên ơn sủng đòi hỏi trách nhiệm. Ai từ chối hay cất giấu, tránh né, đều phải chịu trách nhiệm.
3. Người càng nhiều ơn thánh thì càng bị nhiều thử thách. Ma quỉ khôn ngoan, không dại gì cám dỗ người đã thuộc về mình. Càng cám dỗ được người bề trên, thì càng là chiến công lớn.
4. Người ở trong ơn thánh phải ý tứ kẻo ngã. Người ở trong ơn thánh dễ hợm mình lắm. Người ta kể một cây tùng cổ thụ ở Colorado đã sống được suốt bốn thế kỷ, bị sét đánh 14 lần, bị tuyết băng giông bão không biết bao nhiêu lần, mà vẫn cứ sống. Nhưng về sau bị một đám sâu nhỏ đục khoét, gặm mỗi ngày một tí và rồi nó bị đổ lăn kềnh. Như vậy, một cây khổng lồ cổ thụ đã chống nỗi với thời gian, sấm sét, giông bão mà rút cục bị hạ, vì những con sâu nhỏ xíu. Đó mãi vẫn còn là bài học : Hãy ý tứ kẻo ngã !
THỨ BẢY
NIỀM VUI ĐÍCH THỰC
(Lc 10,17-24)
Đoạn Phúc âm cho thấy 72 môn đệ đã được cử đi truyền giáo nay trở về bên Chúa, như đứa con trở về nhà cha mẹ. Cuộc ra đi của họ thật phiêu lưu, mạo hiểm và đầy gian khổ. Nhưng có khó mới có miếng ăn. Ra đi càng vất vả thì ngày trở về càng hân hoan vui mừng. Chúng ta đã từng kinh nghiệm về nghề nông làm lụng vất vả quanh năm từ sáng tới tối, từ bình minh đến xế chiều. Nhưng đến ngày mùa rộn ràng ánh lên bao nhiêu niềm vui và hi vọng. Đến Kinh Thánh cũng diễn tả rằng :
Những ai gieo vãi trong châu lệ
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở
Mang hạt giống vãi gieo.
Lúc trở về, về reo hớn hở
Vai nặng lúa chín vàng. (Tv 125)
Ở đây, các môn đệ cũng dào dạt niềm vui ngày trở về bên Chúa. Ngày mà Chúa gửi họ ra đi không có gì độ thân tự vệ. “Không giày dép, áo sống bao bị” (Lc 10,1t). Chúa sai họ ra đi như những con chiên lạc lõng, đơn độc, xa lạ, sợ hãi. Nhưng nay họ trở về trong tiếng cười vang. Họ không mang thêm gậy, thêm áo, nhưng đem các linh hồn mà thần sa tan đã rút lui nhường lại cho họ. Họ vui mừng kháo láo với Chúa rằng các thần ngụy từ trời rơi xuống như chớp sáng lòe rồi vụt tắt. Nghĩa là Nước Chúa mở rộng tới các lương dân, các tội nhân ăn năn sám hối. Hình ảnh ngụy thần từ trời rớt xuống nhắc nhở tới Lucife xa xưa (Is 14,12. 2P 1,19).
Các môn đệ vui mừng quây quần bên Chúa, kể lể thành quả mùa màng. Thế nhưng Chúa Giêsu nhắn nhủ họ rằng sự vui mừng ấy không phải là do công tay họ làm ra đâu, nhưng vui mừng vì tên họ được ghi khắc trên trời (c.20). Ở đời, chúng ta vẫn hãnh diện khi tên tuổi mình được ghi khắc trên bảng đồng, trên bằng khen, trên trái tim vàng…. Còn Chúa, Chúa nói : “Tên các con được ghi khắc trên Nước Trời” (c.20). Tiên tri Đaniel và sách Khải huyền có nói đến một thứ sách ghi chép tên những ai được chọn vào Nước Trời (Đn 12,1. Kh 3,5.13,8.17,3.20,15.21,27), có nghĩa là ơn cứu rỗi của họ được bảo đảm rồi. Cho nên trước niềm vui ấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa Cha thay cho họ (c.21). Lời tạ ơn của Chúa xác nhận lại rằng ơn cứu rỗi không phải ban cho những ai thông thái, tự mãn tự cao, nhưng là do Thiên Chúa quan phòng toàn năng ban cho những tâm hồn khiêm hạ. Cũng như nước lã và nước mưa chỉ đọng lại những chỗ trũng. Cho nên ai tự mãn, tự cao, sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc cho trở về cát bụi hư vô. Khiêm nhường là căn bản đầu tiên của ơn lộc.
Còn một tư tưởng nữa trong đoạn Phúc âm này, Chúa nói : “Không ai biết con, trừ ra Cha…” (c.22). Chúa có ý tỏ Người là Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa Cha và Người là đồng bản tính, cùng hiểu biết. Còn những người khác hiểu về Người, về Thiên Chúa Cha là do Người mặc khải cho.