Suy niệm mỗi ngày, Tuần 27 Thường niên, năm lẻ



THỨ HAI

Gn 1,1-2,1.11; Lc 10,25-37

Sống giới luật yêu thương

"Ai là anh em của tôi?".

Một câu hỏi thật dễ trả lời, nhưng lại khó thực hiện. Một vấn nạn thật đơn sơ, nhưng lại liên hệ rất mật thiết đến sự sống đời đời của con người, mà mỗi người phải tự đặt ra, và phải tự tìm lấy một lời giải đáp thỏa đáng, nếu chúng ta muốn đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Thái độ của ngôn sứ Giôna được diễn đạt trong bài đọc I, là một dẫn chứng sống động, phản ánh trung thực khuynh hướng tự nhiên của mình trong tương quan đối với tha nhân. Giôna đã tìm cách thoái thác và đào ngũ trước lời mời gọi vào sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ủy thác cho ông, vì ông tự nghĩ tại sao lại phải đi Ninivê? Chắc chắn đây là một hành trình đầy gian khổ và đầy bất trắc. Hơn nữa, chắc gì dân thành Ninivê lại đón nhận lời rao giảng của Giôna, khi ông muốn vạch trần nếp sống tội lỗi của họ và tiên báo một thảm họa đang đe dọa họ? Thay vì những lời tán thưởng, rất có thể là thái độ chống đối và những hình phạt sẵn chờ… Vả lại, cho dù dân thành Ninivê có bị Thiên Chúa trừng phạt thì cũng đáng, vì đó là hậu quả tất yếu của một nếp sống sa đọa… và điều đó có liên hệ gì đối với Giôna? Thiên Chúa đã không chấp nhận lối suy tư hẹp hòi đó. Người đã cảnh cáo Giôna và bằng một trận cuồng phong trên đường đào thoát, Người đã đưa Giôna đến thành Ninivê, để cuối cùng buộc Giôna phải thực hiện ý định của Người là loan báo sứ điệp sám hối cho dân thành Ninivê.

Lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay còn thúc bách chúng ta phải đi xa hơn nữa trong nối tương quan tình yêu giữa con người với nhau. Ngài đã minh họa giới luật yêu thương bằng dụ ngôn "Người Samaria nhân hậu". Qua dụ ngôn này, Đức Kitô đã muốn trình bày giáo huấn của Ngài về những điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với nhau: Ngài đã khẳng định tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, con người không được tự đặt ra những giới hạn của tình yêu, như những hàng rào ngăn cản về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ hay giai cấp… con người cũng không được dựa vào bất cứ một lý do nào, cho dù là những lý do rất chính đáng về lề luật tôn giáo như trong trường hợp của thầy tư tế và thầy trợ tế… để tự cho phép thoái thác yêu thương và giúp đỡ tha nhân… Như vậy, theo giáo huấn của Đức Kitô giới luật yêu thương không còn phải là một quyền lợi, nhưng là một nghĩa vụ thiết yếu của người Kitô hữu và là một điều kiện tất yếu để đón nhận sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Giờ đây, Đức Kitô sẽ tự hiến trên bàn thờ để trao ban Mình và Máu Chúa làm lương thực nuôi sống chúng ta, chúng ta hãy hiến dâng chính chúng ta làm lễ vật tình yêu cho Thiên Chúa và hãy trở thành "tấm bánh được bẻ ra" cho tha nhân.


THỨ BA

Gn 3,1-11; Lc 10,38-42

Giá trị của Lời Chúa

Khuynh hướng tự nhiên của con người thời đại ngày nay là thích nói hơn thích nghe, thích hoạt động hơn suy nghĩ, thích bầu khí náo động hơn trầm lặng… Vậy đâu là thái độ khôn ngoan của người Kitô hữu? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về giá trị của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta. Trước hết, Lời Chúa có giá trị đổi mới tâm hồn và đời sống của con người. Đó là lời khẳng định của bài đọc I mà chúng ta vừa nghe. Thật vậy, dân thành Ninivê trước kia đã ngày càng chìm đắm trong nếp sống tội lỗi, sa đọa… Nhưng những lời cảnh cáo của Chúa qua sứ điệp của ngôn sứ Giôna, toàn thể dân thành ấy đã thành tâm sám hối và trở về với Chúa. Nhờ đó họ đã đón nhận được ơn tha thứ của Chúa và đổi mới được nếp sống của họ. Như vậy, chính Lời Chúa và chỉ có Lời Chúa mới có sức mạnh đổi mới tâm hồn và đời sống của con người.

Hơn nữa, Lời Chúa đem lại sự sống và hạnh phúc đích thực cho con người. Đó là niềm khát vọng sâu xa nhất và là phần thưởng quí báu nhất của con người. Chắc chắn Chúa Giêsu không phủ nhận những tình cảm sâu đậm, hay muốn đánh giá thấp những công việc phục vụ của Martha… Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa chỉ muốn ân cần nhắc nhở Martha hãy ý thức và biết chọn lựa phần tốt nhất trong đời sống, đó là lắng nghe Lời Chúa, vì người ta không sống chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa" (Mt 4,4) và như lời tuyên tín của Phêrô sau phép lạ hóa bánh nhiều: "Lạy Ngài, chúng con sẽ bỏ đi theo ai? Ngài có những lời đem đến sự sống đời đời" (Ga 6,68).

Vì thế, Lời Chúa hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta, giữa những mối bận tâm và hoạt động của đời sống, dĩ nhiên chúng ta cần phải nổ lực chu toàn những trách nhiệm của mình, nhưng cũng đừng quên điều quan trọng nhất trong đời sống của mình là phải gặp gỡ và sống thân mật với Chúa, nhất là phải luôn chân thành lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa đem lại hạnh phúc đích thực cho mình và cho tha nhân.

Và thật ra, không phải là chúng ta phục vụ Chúa nhưng hằng ngày, chính Đức Kitô vẫn dọn sẵn cho chúng ta một bàn tiệc cao quí, đó là bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, giờ đây chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để được kết hợp với Chúa.


THỨ TƯ

Gn 4,1-11; Lc 11,1-4

Xin dạy chúng con cầu nguyện

Cầu nguyện là sinh hoạt truyền thống của các tôn giáo. Chúng ta đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng ta phải khiêm tốn để nhận thức rằng chúng ta chưa biết cầu nguyện. Vì thế, giờ đây chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ ngày xưa để thành tâm xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện.

Bài đọc I đã kể cho chúng ta những lời đối thoại thân mật giữa Thiên Chúa và ngôn sứ Giôna. Giôna đã không thể hiểu và cũng không muốn chấp nhận tình thương và lòng khoan dung của Thiên Chúa đối với dân thành Ninivê… Trước phản ứng khá bộc trực và thẳng thắn của Giôna, Chúa đã dựa vào một vài hiện tượng thiên nhiên, để kiên nhẫn giải thích cho Giôna về đường lối nhiệm mầu của Người vì như lời Người đã phán: "Chẳng có lẽ Ta lại muốn cho ác nhân phải chết, chứ không muốn nó bỏ đường tà mà được sống sao?" (Ez 18,23). Như vậy, chính khi cầu nguyện, ngôn sứ Giôna đã dần dần khám phá ra tình yêu và ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Và đó cũng là điều mà các tông đồ đã cảm nghiệm được khi các ngài cảm kích trước tâm tình cầu nguyện của Chúa Giêsu và khi được chính Ngài dạy cho họ biết cách thức cầu nguyện theo tinh thần của Kinh Lạy Cha, một mẫu mực tuyệt hảo. Qua Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ cho các tông đồ những kinh nghiệm cầu nguyện của chính Ngài. Trước hết, cầu nguyện là phải đi vào trong mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người với tâm tình thân mật của người con hiếu thảo với người cha nhân hiền. Đồng thời, lời cầu nguyện đích thực cần phải được quy hướng về Thiên Chúa và những nhu cầu của Nước Trời, trước khi chúng ta cầu nguyện cho những nhu cầu tinh thần và vật chất của đời sống con người.

Nhất là, chúng ta đừng quên rằng lời cầu nguyện phải được đi đôi với hành động có nghĩa là chúng ta phải sống, phải thực hiện những tâm tình cầu nguyện của chúng ta, thì lời cầu nguyện đó mới có giá trị trước mặt Chúa, và đem lại những lợi ích thiêng cho đời sống chúng ta và cho tha nhân. Người giáo dân Việt Nam chúng ta vẫn thường được đánh giá cao về đời sống đạo đức, vì chúng ta rất chuyên cần đọc kinh, lần hạt và tham dự thánh lễ… Nhưng nếp sống đạo của chúng ta chưa sâu sắc và trưởng thành, vì chúng ta chưa biết cầu nguyện. Vì thế, hằng ngày chúng ta hãy nổ lực đổi mới đời sống cầu nguyện, nhất là hãy chuyên cần cầu nguyện theo đúng tinh thần của Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

Hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta chỉ đẹp lòng Chúa, nếu chúng ta biết kết hiệp lời cầu nguyện của chúng ta với hy lễ của Đức Kitô trên bàn thờ, Đấng đã tự hiến để chuyển cầu cho chúng ta.


THỨ NĂM

Mal 3,13-4,2a; Lc 11,5-13

Thái độ kiên trì cầu nguyện

Có những lúc chúng ta bị rơi vào tình trạng khủng hoảng của niềm tin. Chúng ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa và không còn muốn cầu nguyện nữa… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tiếp tục đào sâu về đời sống cầu nguyện. Qua sứ điệp của ngôn sứ Malakia, Thiên Chúa khẳng định Người luôn lắng nghe và đón nhận lời cầu nguyện của những người yêu mến Chúa và tuân giữ các giới luật của Người. Trong đời sống hiện tại, những người kiêu ngạo có thể được thịnh vượng, còn những người khiêm tốn lại phải chịu đựng nhiều thiệt thòi… Nhưng trong ngày Chúa quang lâm, tất cả những giá trị hiện tại đều bị đảo lộn, vì Chúa sẽ "hạ những ai quyền thế, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu"… vì thế, chúng ta cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện.

Đó là nội dung sứ điệp của Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn "Người bạn xin bánh", Chúa Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ta luôn thâm tín: là người cha nhân hiền, Chúa luôn thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu thiết thực của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta phải kiên tâm cầu nguyện, vì Người mong muốn chúng ta ngày càng ý thức sâu xa hơn về thân phận yếu hèn và sự bất lực của con người trước những nhu cầu và khát vọng của đời sống, nhờ đó, chúng ta ngày càng đặt niềm tin bền vững hơn về tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Để khích lệ chúng ta chuyên cần cầu nguyện, Ngài đã đoan hứa với chúng ta về sự hiệu nghiệm của lời cầu nguyện: "Hãy xin thì sẽ được". Hơn nữa, qua sự so sánh với tình thương của những người cha trần thế luôn mong ước những điều tốt lành cho con cái, Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta là Thiên Chúa không những luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng Người còn ban tặng những hồng ân cao quí, nhiều hơn lòng mong đợi của chúng ta, nhất là Người luôn ban Thánh Thần, là bảo chứng tình yêu và sự vĩnh cửu của Người cho chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy luôn đặt niềm tin vào tình thương cao vời của Thiên Chúa bằng thái độ chuyên cần cầu nguyện, nhất là khi chúng ta gặp những khó khăn, thử thách và đau khổ trong đời sống.

Bàn tiệc Thánh Thể mà cộng đoàn phụng vụ chúng ta sắp cử hành là một bằng chứng sống động về tình thương của Thiên Chúa. Vì giờ đây, Thiên Chúa sẽ ban tặng cho chúng ta một kho tàng cao quí nhất ngoài sự mong đợi của chúng ta, đó chính là người Con Một yêu quí của Người, để chúng ta được sống và được sống dồi dào với Chúa.



THỨ SÁU

Ge 1,13-15; 2,1-2; Lc 11,15-26

Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ngươi

Giữa những khó khăn, trở ngại, thử thách và đau khổ trong đời sống, nhiều người đã nghi ngờ về sự hiện hữu và quyền năng của Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa đã chết hay ít ra cũng đành bất lực trước những sự dữ và tội ác của con người. Có thật như vậy không? Lời Chúa hôm nay là một lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn nạn trên đây của chúng ta.

Một điều chúng ta không thể nghi ngờ hay phủ nhận: xã hội hiện nay có tràn ngập bởi những bạo lực và tội ác. Thế giới vẫn còn lẫn lộn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tội lỗi và ân sủng. Và con người vẫn phải đối diện trước biết bao đau khổ và bất hạnh… Đó chính là thân phận và kiếp sống của con người trong cuộc lữ thứ trần gian này. Nhưng chúng ta đừng quá bi quan và tuyệt vọng… Qua sứ điệp của ngôn sứ Gioel, Thiên Chúa đã khẳng định: vào ngày cách chung, ngày quang lâm, Thiên Chúa sẽ đến để xét xử toàn thể vũ trụ và nhân loại. Trong ngày đó, tất cả đều được đổi mới và Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho những người luôn yêu mến Người và trung thành bước đi trong đường lối của Người. Vì thế, chúng ta hãy thành tâm sám hối đời sống và quảng đại cộng tác với Chúa để xây dựng Trời Mới và Đất Mới.

Sứ điệp mà ngôn sứ Gioel đã loan báo, được thể hiện một cách sống động qua con người và sự nghiệp cứu thế của Đức Kitô. Qua những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt qua những phép lạ trừ quỉ, Đức Kitô muốn minh chứng về sứ mạng cứu thế của Ngài là giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ của ma quỉ, và những hậu quả tất yếu của tội lỗi, đó là những đau khổ và sự chết… để thiết lập Nước Thiên Chúa, vương quốc của tình yêu và chân lý.

Là những Kitô hữu, chúng ta hãy luôn đặt niềm tin vào sự hiện diện và sự hoạt động cứu thế của Đức Kitô phục sinh trong đời sống chúng ta. Hơn nữa, là những người được vinh dự chia sẻ quyền vương đế của Đức Kitô, chúng ta hãy nổ lực đẩy lui những tiêu cực và tệ đoan nơi bản thân và trong các môi trường sống của chúng ta, để góp phần xây dựng Trời Mới Đất Mới, nhờ đó Nước Thiên Chúa mau hiển trị.

Và giờ đây, Nước Thiên Chúa đang ở giữa cộng đoàn phụng vụ của chúng ta qua hy lễ thập giá của Đức Kitô sắp được cử hành trên bàn thờ. Vì thế, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Nước Thiên Chúa và hồng ân cứu độ của Người.


THỨ BẢY

Ge 3,12-21; Lc 11,27-28

Sống Lời Chúa

Một quan niệm khá phổ biến về nếp sống đạo nơi một số người Kitô hữu là đọc kinh, lần hạt, tham dự thánh lễ… Điều đó đúng nhưng lại chưa đủ. Vậy, muốn sống đạo đích thực, chúng ta phải làm gì?

Bài đọc I hôm nay tiếp nối tư tưởng của bài đọc I hôm qua để giúp chúng ta đào sâu hơn nữa về chủ đề: "Ngày của Chúa". Nếu không ai trong chúng ta còn nghi ngại về cái chết của con người, thì cũng không còn ai có thể phủ nhận về "Ngày của Chúa". Trong ngày cánh chung, Đức Kitô sẽ trở lại trong uy quyền và vinh quang, để xét xử toàn thể vũ trụ và nhân loại. Trong ngày đó, mọi người sẽ được thưởng phạt công minh, những người tội lỗi sẽ phải gánh lấy những hậu quả khốc hại do tội ác của họ gây nên, còn những người lành thánh sẽ đón nhận được phần thưởng tối hậu, là được chia sẻ vinh quang và sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa trên Nước Trời là Giêrusalem thiên quốc. Nhưng để có thể trung thành với niềm tin cho đến ngày Chúa đến, chúng ta cần phải chuyên cần lắng nghe và sống Lời Chúa như lời giáo huấn của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay. Dĩ nhiên khi trả lời khen ngợi của người phụ nữ đối với thân mẫu của Ngài, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận địa vị cao quí của Mẹ Maria, người đã được diễm phúc cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Chúa Giêsu, cũng như Ngài không có ý đánh giá thấp những quan hệ tình cảm tốt đẹp của con người, như tình mẫu tử…

Nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn mời gọi chúng ta thăng tiến mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Mối tương giao này không chỉ dựa trên những liên hệ tự nhiên về xác thịt, nhưng phải dựa trên bình diện của niềm tin, đó là thái độ "xin vâng" được thể hiện cụ thể qua việc chuyên cần lắng nghe và sống Lời Chúa, như bài Tin Mừng của thánh Gioan đã khẳng định: "Còn những ai đón nhận họ Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài. Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra" (Ga 1,12-13). Đức Maria, người mẹ thân thương của chúng ta, mẹ vừa là người tín hữu đầu tiên, vừa là mẫu gương tuyệt hảo về nếp sống đạo đích thực, vì mẹ luôn trung thành sống trung thành sống tinh thần "xin vâng" bằng thái độ chuyên cần lắng nghe và sống Lời Chúa, nhất là qua tâm tình đón nhận và thực hành thánh ý Chúa trong suốt đời sống của Mẹ. Giờ đây, cũng như Mẹ Maria ngày xưa, chúng ta được diễm phúc cưu mang Chúa trong tâm hồn chúng ta qua bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta hãy cảm tạ tình yêu của Chúa và mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa.
Mới hơn Cũ hơn