THỨ HAI
Rm 1,1-9; Lc 11,29-32
Bài Tin Mừng của thánh Luca hôm nay có thể nói phản ánh tâm lý của mỗi người chúng ta, những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô ở mọi thời đại.
Thật vậy, dân Do Thái xưa sống vào thời Đức Giêsu, họ đã tận mắt chứng kiến biết bao phép lạ của Ngài, thế mà còn quá nhiều yêu sách, họ đòi Ngài cho một dấu lạ, có lẽ để chứng thực Ngài là một vị tiên tri đang được Ngài sùng bái và cũng có lẽ để họ có thể kết luận Ngài thực là một vị thủ lãnh, một Đấng Thiên Sai theo nghĩa trần gian, sẽ phục hưng đất nước họ khỏi sự đô hộ của đế quốc La Mã. May thay cho chúng ta không được sống vào thời đại ấy, để không phải đón nhận lời quở trách của Chúa Giêsu: "Thế hệ này là một thế hệ xấu xa…".
Thế nhưng, lời trách cứ của Chúa Giêsu sẽ còn âm vang mãi cho đến thời đại và thế hệ chúng ta hôm nay và còn vang mãi cho cả những thế hệ mai sau. Bởi vì vào một lúc nào đó, và ở một hoàn cảnh nào đó, con người chúng ta dường như cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ quên chúng ta, Người như không nghe thấy tiếng chúng ta kêu cầu, Người không đáp ứng mọi nguyện vọng của chúng ta. Và trong những giây phút thất vọng nhất chúng ta thường ước mơ, thường chờ đợi Thiên Chúa nhậm lời chúng ta như một phép lạ để giữ vững, để củng cố niềm tin cho chúng ta. Nhưng, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi sự, Người biết rõ chúng ta cần gì trước khi chúng ta xin người (Mt 6,8), nên đôi khi việc Người làm khiến chúng ta thất vọng, chán nản, trách hờn Người và từ đó có thể hình ảnh Người sẽ bị lu mờ đi, sẽ bị xóa nhòa khỏi tâm trí chúng ta, và tình cảnh sẽ trở nên bi đát khi chúng ta dần dần lìa xa Người.
Chúng ta hãy nghe lại câu trả lời của Chúa Giêsu: "Vì Giona đã nên một dấu lạ cho dân Ninivê thế nào thì Con Người cũng như thế cho thế hệ này". Quả vậy, Thiên Chúa đã dùng việc để cho Giona ở trong bụng cá ba ngày để gia tăng giá trị cho lời rao giảng thống hối của ông, nhờ đó dân Ninivê đã nghe lời kêu gọi của Giona mà ăn năn hối cải. Còn Thiên Chúa, Người dùng chính cái chết thập giá và sống lại của Con Một Người để chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta (Ga 15,13), chứng tỏ ơn cứu rỗi của Người cho chúng ta, để làm luận cứ cho lời rao giảng của tông đồ và của Giáo Hội tông truyền sau này ở mọi thời đại, và đó chính là dâu lạ độc đáo chỉ có nơi sáng kiến của Thiên Chúa.
Chúng ta cầu xin Chúa soi sáng để con mắt đức tin chúng ta luôn nhận ra rằng mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống hằng ngày đều không ở ngoài thánh ý Chúa, để như Mẹ Maria, chúng ta luôn biết đón nhận bằng tinh thần vâng phục và lòng thống hối chân thành, để trong ngày phán xét chúng ta sẽ không bị kết án bởi lòng cứng cỏi như dân Do Thái ngày xưa.
THỨ BA
Rm 1,16-25; Lc 11,37-41
Phụng vụ Giáo Hội thật sâu sắc khi kết hợp hai bài Thánh thư và Tin Mừng cho chúng ta nghe hôm nay. Bởi vì rõ ràng bài thư Roma như soi sáng, như giải đáp cho lời trách cứ của Chúa Giêsu đối với biệt phái, và qua đó đối với mỗi người chúng ta.
Trước hết, khởi đi từ bài Tin Mừng Luca, tường thuật cho chúng ta việc người biệt phái mời Chúa Giêsu dự bữa trưa tại nhà ông, và khi thấy Chúa Giêsu vào và lên ngay giường ăn mà không thanh tẩy trước theo luật thì người biệt phái ngạc nhiên, Chúa Giêsu lên tiếng cùng người ấy… chúng ta hãy dừng lại ở đây mà khoan nghe những lời Chúa Giêsu nói, bởi câu người biệt phái ngạc nhiên làm chúng ta muốn quay trở lại dòng tư tưởng của ngày hôm qua, để một lần nữa xác nhận quả thật: Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, bởi lẽ người ấy chỉ mới tỏ ra ngạc nhiên chứ chưa nói lên thành lời, thì Người đã biết mà lên tiếng nói: "… các ngươi rửa sạch bề ngoài chén dĩa, mà bên trong các ngươi lại đầy tham ô, độc ác…". Một điều làm chúng ta đáng chú ý hơn nữa là có lẽ Luca không thể vô tình khi viết ra: "Các ngươi", một đại danh từ dành cho số đông, đang khi diễn biến chỉ xảy ra cho một người, mà cũng chính người biệt phái ở đây làm nổi bật thêm bài trích thơ gởi tín hữu Rôma của thánh Phaolô. Chúng ta đã biết biệt phái và luật sĩ là những am tường Kinh Thánh và luật Do Thái, nhưng họ chỉ là những người áo chùng xúng xính, họ nói mà lại không làm, những kẻ ấy sẽ lãnh án nặng hơn (Mc 12,38-40).
Lời Chúa luôn luôn có giá trị cho mọi người ở mọi thời đại, do đó tiếng "các ngươi" trong trình thuật của Luca nhằm cho chúng ta hơn là nói riêng cho người biệt phái hôm ấy. Chúng ta không là những người đã biết, đã tin vào Tin Mừng, vào Đức Kitô phục sinh sao? Thế nhưng cuộc sống thực tế cuộc sống của chúng ta có làm chứng được gì cho niềm tin vào Đức Giêsu? hay chúng ta cũng chỉ tẩy rửa bề ngoài chén dĩa, mà bên trong lại đầy những ích kỷ, ganh tị, tham lam, nham hiểm… Điều đó không gì lạ đối với chúng ta, những kẻ mà thánh Phaolô nói là: "Đã biết Thiên Chúa, lại đã không tôn vinh Người như Thiên Chúa" và là những "kẻ lấy bất chính hãm cầm Sự Thật". Mà Sự Thật là gì?
Sau cuộc nói chuyện về vấn đề hòa giải với khoảng 6.000 sinh viên của Đức Gioan Phaolô II, một người đáng tin cậy đến hỏi ngài: "Nếu chỉ được chọn một câu và chỉ một câu thôi trong Kinh Thánh, thì Đức Thánh Cha sẽ chọn câu gì?". Không cần suy nghĩ Đức Thánh Cha trả lời: "Câu nói của thánh Phaolô: Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta". Đúng, Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta nếu chúng ta biết tìm đến với Đấng đã tuyên bố: "Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6).
THỨ TƯ
Rm 2,1-11; Lc 11,42-46
Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp những lời Chúa Giêsu nói với người biệt phái ngày hôm qua. Ngài đã thẳng thắn chỉ trích hành động giả hình của họ bằng những lời chúc dữ: khốn cho các ngươi.
Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Ngài không hề phủ nhận và bỏ qua một điều luật nào của con người, như chúng ta đã biết trong vấn đề nộp thuế đền thờ (Mt 17,24-27) bởi vì Ngài đã nói: "Ta không đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri, mà để làm trọn" (Mt 5,17). Nhưng tại sao Ngài lại trách mắng biệt phái, những người thông hiểu và dạy người ta tuân giữ lề luật?
Lề luật được con người đặt ra với những điều khoản phải giữ và những điều phải tránh, trong đó đôi khi người ta đưa ra những điều quá khắt khe đến nỗi lắm khi gây thiệt thòi cho kẻ khác; những kẻ nắm giữ lề luật bắt người ta nộp thuế thập phân về rau cỏ là những thứ nhỏ nhặt không đáng giá, đang khi ấy lòng yêu mến Thiên Chúa, dạ chính trực, xem ra là những phương thế giúp con người được hạnh phúc, được bình an trong tâm hồn thì họ lại bỏ qua, Chúa Giêsu không đòi hỏi họ bỏ điều nọ, lấy điều kia, nhưng Ngài muốn họ có thái độ dung hòa, thi hành lề luật của con người mà đồng thời cũng là tuân giữ luật Thiên Chúa.
Mà luật Thiên Chúa là gì nếu không phải tất cả qui tụ ở lòng mến, do lòng mến chúng ta sẽ không bất công với kẻ khác, chúng ta sẽ không đoán xét hay kết án anh em, chúng ta sẽ không chất những gánh nặng lên vai anh em khi chúng ta không đụng đến gánh nặng đó bằng một ngón tay. Chính Thiên Chúa, một khi nảy ra sáng kiến cứu rỗi con người, Người đã ban chính người Con Một nhập thể để sống, để chia sẻ kiếp làm người với con người. Khi dạy người ta về giá trị của cuộc sống lao động, vị Thiên Chúa làm người ấy đã không nề công việc của người thợ mộc (Mt 14,55), khi dạy người ta phải thương yêu nhau thì Ngài đã yêu thương họ đến cùng, yêu cho đến chết trên thập giá (Ga 15,18).
Nếu đây là mối ưu tư hàng đầu trong cuộc sống chúng ta, chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày phán xét dành cho những kẻ bất tuân Sự Thật, chiều theo bất chính như lời cảnh tỉnh của thánh Phaolô trong thư Rôma hôm nay. Mà hơn thế nữa, ngay từ bây giờ chúng ta sẽ không phải đón nhận những lời quở trách của Chúa Giêsu qua những người biệt phái, mỗi khi lắng nghe Lời Chúa trong phụng vụ.
THỨ NĂM
Rm 3,21-29; Lc 11,47-54
Những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự liên đới trong vấn đề phạm tội khiến chúng ta tự nhiên phải trở về nguồn là tội tổ tông.
Từ những ngày tạo thiên lập địa, Ađam, Eva, nguyên tổ của loài người được sống trong hạnh phúc giữa vườn địa đàng. Thế rồi, sau những cám dỗ của satan dưới hình con rắn họ đã phạm tội mất lòng Chúa, họ xấu hổ đi trốn Người, và kể từ đó tội lỗi đã thành hình và chờ đợi mọi sơ hở để xâm nhập, để chi phối vào kiếp sống con người. Và thế là tội lỗi đã có cơ may để phát triển khi con người sống chung với nhau bởi vì nguồn gốc tội lỗi đã đâm rễ nơi con người, và họ đã bắt đầu chia rẽ nhau ở tháp Babel, Cain đã giết chết em mình là Abel… cứ thế, xã hội càng văn minh, tội lỗi càng tinh vi hơn; và như thế con người dần chìm ngập vào trong bóng tối, vì tội lỗi luôn luôn đồng lõa với tối tăm, với đêm đen.
Rồi mỗi lúc Thiên Chúa lại thấy con người càng chìm đắm hơn vào vũng lầy tội lỗi ấy. Người thấy thương con người quá sức, nên nảy ra sáng kiến ban Con Một mình đến làm ánh sáng soi dẫn họ ra khỏi bóng tối đau thương kia, nhưng con người đã không tiếp nhận Ngài (Ga 1,11) và kết quả của việc không tiếp nhận ấy là cái chết tự hiến trên thập giá của Ngài để hoàn tất chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Bởi đó, chúng ta xác tín rằng mỗi lần cá nhân ta phạm tội, là ta vô tình làm tổn thương đến Giáo Hội duy nhất, thánh thiện mà Đức Giêsu đã thiết lập bằng chính Máu Ngài đổ ra, để tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội ấy trở nên chi thể của một thân thể, và phạm tội cũng là một cách nào đó chúng ta đã bước lại dấu chân chạy trốn của Ađam và Eva xưa, hay chúng ta đã cùng chung tay cộng tác với cha ông để xây mồ chôn dấu các tiên tri.
Nhưng, hạnh phúc cho chúng ta, những kẻ đã được tuyển chọn để tin vào Đức Giêsu Kitô, vì sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện để giải án tuyên công cho những kẻ tin vào Người như thánh Phaolô đã mách bảo cho chúng ta trong thơ Rôma hôm nay.
Vậy, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi ngày chúng ta biết hoán cải đời sống mình, đồng thời biết xây cất những nấm mồ không phải để chôn dấu các tiên tri mà để chôn dấu mọi tội lỗi của mình đã phạm đến Thiên Chúa, hầu thăng tiến niềm tin của chúng ta, để chúng ta thêm hy vọng và tin tưởng chờ đợi ngày giải án tuyên công của Thiên Chúa.
THỨ SÁU
Rm 4,1-12: Lc 12,1-7
Sau bao nhiêu phép lạ đi kèm với lời giảng dạy, uy tín của Chúa Giêsu càng gia tăng và lan rộng. Bởi thế, hôm nay dân chúng tụ tập lại quanh Ngài, đông đến nỗi dẫm cả lên nhau, và đây lại là cơ hội để Ngài tiếp tục giảng dạy cho họ về giáo lý của Ngài.
Mở đầu những lời giảng dạy hôm nay, Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc nhở mọi người đừng noi theo những thái độ và việc làm giả hình của biệt phái, bởi vì mọi sự rồi phải được phơi bày ra ánh sáng. Do đó, mọi kẻ được gọi là môn đồ của Ngài đã được nghe biết mọi điều Ngài đã dạy dẫu là trong bóng tối hay rỉ tai sẽ đem ra rao trên sàn gác. Nhưng ai là môn đồ theo đúng ý của Chúa Giêsu? Trở lại chương hai của Tin Mừng thánh Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói: "Phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và noi giữ". Và còn hơn thế nữa, những người được chúc phúc ấy còn được đồng hàng với con Một Thiên Chúa khi Ngài gọi họ là bạn hữu (Lc 12,4; Ga 15,14-15). Mà đã là bạn hữu, chúng ta không thể không chia sẻ mọi tình huống cuộc sống của bạn mình. Chúng ta không quên câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, khi đáp lại thắc mắc của các môn đồ vì Ngài không cần dùng đến bữa ăn mà họ đã tìm về, Chúa Giêsu nói: "Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người" (Ga 4,34). Cũng vậy, đã có lần Ngài đã xác nhận: "Ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời thì là anh em và là Mẹ Ta" (Mt 12,50). Thế nên, chúng ta phải làm thế nào để được gọi là môn đồ, là bạn hữu và là anh em của Chúa Giêsu một khi chúng ta đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn người trong sự quan phòng của Người.
Bài trích thơ của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma hôm nay soi sáng cho chúng ta điều ấy. Ngài nói: "Abraham đã tin vào Thiên Chúa và sự ấy đã được kể cho ông như sự công chính". Mỗi người chúng ta cũng đã được lãnh nhận niềm tin qua bí tích rửa tội, và niềm tin ấy còn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình, Máu Thánh Chúa trong thánh lễ mỗi ngày. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn khao khát lắng nghe và thành tâm thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để chính thứ lương thực Thần Linh của Chúa Giêsu ấy sẽ nuôi dưỡng, bồi bổ cho niềm tin của chúng ta ngày càng kiên vững và càng trưởng thành hơn, hầu chúng ta xứng đáng với danh hiệu là môn đệ, là bạn, và là anh em của Chúa Giêsu.
THỨ BẢY
Rm 4,13.16-18; Lc 12,8-12
Cầu nguyện là một điều không thể thiếu đối với người tín hữu, vì có thể nói cầu nguyện là hơi thở của đời sống đức tin. Do đó, cầu nguyện phải là lẽ sống của người Kitô hữu, vì chúng ta không thể sống khi không còn hơi thở. Nhưng phải cầu nguyện như thế nào và với ai?
Cứ sự thường, những lúc gặp thử thách, hoạn nạn, đau khổ là những lúc người ta tìm đến với Chúa nhiều nhất, cầu xin với Chúa tha thiết nhất. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài luôn cầu nguyện, nghĩa là nơi nào, lúc nào Ngài cũng luôn cầu nguyện, vì cầu nguyện không chỉ có nghĩa là cầu xin mà còn là lời chúc tụng, là lời ngợi khen Thiên Chúa (Ga 17,24). Và mọi điều Ngài có, Ngài làm, Ngài đều muốn chúng ta làm theo: "Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mt 12,29). Nhưng thường thường lúc cầu nguyện chúng ta ít nghĩ đến Chúa Thánh Thần hay có thể nói Thánh Thần Thiên Chúa có lúc dường như mất hẳn chỗ đứng trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta quên mất rằng hoạt động của Người lại rất quan trọng cho chính chúng ta. Câu cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay chứng minh cho chúng ta điều đó. Đồng thời, chúng ta không thể quên lời nói của Chúa Giêsu trước lúc chịu thương khó để hoàn tất chương trình cứu chuộc: "Ta sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bầu Chữa khác: Thần Khí Sự Thật" (Ga 14,16-17), bởi vì Chúa Giêsu đã biết trước chúng ta phải cần đến sự trợ của Chúa Thánh Thần.
Abraham nhờ tin vào lời hứa của Thiên Chúa mà ông đã trở nên cha của nhiều dân tộc.
Đức Maria do lòng tin vào lời loan báo của Sứ Thần Thiên Chúa đã trở nên Mẹ Thiên Chúa.
Và chúng ta khi tin vào lời hứa của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ đón nhận được Thần Khí Sự Thật, Người sẽ hoạt động trong chúng ta để đưa chúng ta vào trong tất cả Sự Thật, và như thánh Phaolô đã nói: "Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta". Thế mà chúng ta lại không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, tức là không đến với Người, và như vậy có nghĩa là không đến với Sự Thật, mà không đến với Sự Thật là chúng ta còn chuộng sự gian dối, mà gian dối là đồng lõa với bóng tối vì gian dối sẽ sợ ánh sáng (Ga 3,20) mà ánh sáng chính là Đức Giêsu: "Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 9,5).
Ai trong chúng ta lại không cần đến ánh sáng. Chính ánh điện, một thứ ánh sáng nhân tạo, còn làm chúng ta thích thú, thỏa mái và trở thành một nhu cầu tối cần cho cuộc sống chúng ta, không lẽ sự sáng đích thực (Ga 1,9) lại không là điều, là cái chúng ta cần có hay sao?
Chúng ta xin Đức Giêsu dùng ánh sáng của Ngài soi sáng con mắt tâm hồn chúng ta để dẫn đưa chúng ta đến với Sự Thật, yêu mến và hằng chạy đến kêu cầu Đấng là Thần Khí Sự Thật trong mọi lúc và mọi lời cầu nguyện, để Sự Thật giải thoát chúng ta và đem chúng ta về cùng Sự Sáng.