Suy niệm mỗi ngày - Tuần 29 Thường niên, năm lẻ




THỨ HAI

Rm 4,20-25; Lc 12,13-21

Đời sống của Abraham và nhất là đời sống của Chúa Giêsu là bằng chứng cho thấy: kẻ sống cho Thiên Chúa thì nhận được những thành quả tồn tại lâu dài và đời họ có ảnh hưởng tông đồ cho nhiều thế hệ.

Theo bài đọc I, tổ phụ Abraham là kẻ hết lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Ông đã từ bỏ hết mọi sự để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Cả đời ông là đời bấp bênh nay đây mai đó, không xây dựng được gì vững bền. Đặc biệt ông tiếp tục tin vào tương lai mà Thiên Chúa đã hứa hẹn cho mình, mặc dù thân xác cằn cỗi của ông và tuổi già tàn tạ của người vợ chẳng hứa hẹn gì nữa về mặt nhân loại. Vì tin vào Thiên Chúa một cách không nao núng, ông từ bỏ tất cả mọi bảo đảm thuộc trần gian. Đối lại, ông nhận được những phúc lành cao quí. Việc tin vào Thiên Chúa đã có lợi cho bản thân ông. Hơn nữa, đời ông đã trở nên tấm gương cho bao thế hệ tìm hiểu và bắt chước. Chính thánh Phaolô cũng nhìn lại đời ông, tìm hiểu thấu đáo và nêu lên những tấm gương chói lọi trước các tín hữu.

Đàng sau đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy chính Chúa Giêsu - con người từ bỏ mọi sự vì Thiên Chúa, Ngài đã thiết tha khuyên nhủ chúng ta hãy lo sống cho Thiên Chúa.

Trước hết, đoạn Tin Mừng kể lại việc Ngài được nhờ chia gia tài cho hai anh em. Vào thời ấy, việc chia gia tài do cha mẹ quá cố để lại có thể là không công bằng và không kịp thời, nhất là khi người anh hay người em có tính tham lam, muốn kéo phần lợi về cho mình. Trong những trường hợp này, người ta có thể đưa ra kiện cáo trước cơ quan pháp luật, hoặc để tránh thủ tục phức tạp và tốn phí, người ta xin những người có uy tín trong xã hội giúp đỡ. Lần này, Chúa Giêsu được nhờ đến, vì uy tín của Ngài bây giờ có khả năng thu xếp những việc như thế. Ta thấy Chúa Giêsu đã từ chối vai trò đứng ra làm trọng tài.

Nhưng câu chuyện chia gia tài bằng lời dạy mà Chúa Giêsu nói ra nhân cơ hội này. Ngài khuyên người ta hãy trách mọi sự tham lam, hãy trách việc miệt mài tìm sự sung túc, vì đời sống con người chưa hẳn sẽ được chắc chắn nhờ nơi của cải. Ngài chứng minh thêm điều đó bằng dụ ngôn về người phú hộ tưởng có nhiều của là được hạnh phúc vững bền. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu không hề có ý lên án việc làm ăn ở đời, nhưng chủ đích của Ngài là mời gọi người ta không nên chỉ lo chất chứa cho mình. Trái lại, khi làm ăn, khi có của cải, người ta cũng phải nghĩ đến tha nhân và xã hội nữa, nhất là khi Ngài có ý khuyên người ta hãy biết làm giàu nơi Thiên Chúa, hãy biết thu tích vào kho trên trời những của vững bền, mối mọt không đục khoét được.

Đó thật là những lời quí giá. Nhưng điều giá hơn nữa là đàng sau lời dạy đó, chúng ta còn gặp chính con người của Chúa Giêsu. Trước khi khuyên dạy kẻ khác, Ngài đã là Đấng sống trước những lời mình khuyên dạy, đã là Đấng coi thường những của cải phù vân và sống cho các thực tại Nước Trời. Nhờ sống cho Nước Trời, Ngài là con người hạnh phúc, được có sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình, được chiếm hữu những thực tại Nước Trời. Và đời Ngài trở nên tấm gương cho các thế hệ tín hữu nhìn ngắm, tìm hiểu và noi theo.

Cuộc đời chúng ta cũng chỉ có hạnh phúc thật và giá trị tông đồ lâu dài khi ta sống cho Nước Trời và tìm kiếm những giá trị của Nước Trời. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để Ngài ở lại với chúng ta, để Ngài nên trung tâm đời sống hôm nay của chúng ta. Với thời gian và tuổi tác, chúng ta hãy dần nghiệm ra rằng chẳng có sự xây dựng nào mà ta thực hiện ở đời này lại ở mãi với ta. Tất cả sẽ ra khỏi tay ta dần dần, cuối cùng chỉ Chúa còn tồn tại và chỉ những giờ phút ta sống cho Chúa và những việc ta làm vì Chúa là tồn tại. Chúa muốn chúng ta hằng ngày đến với Ngài trong thánh lễ, để khi ra về, ta có thêm ơn Thánh cho linh hồn và ta biết nghĩ đến cõi trời và nhớ đến tha nhân nhiều hơn, giữa khi phải tính toán làm ăn vì nhu cầu hay bổn phận của đời sống.



THỨ BA

Rm 5,12-21; Lc 12,35-38

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta nhìn đến diễm phúc mình đã được cứu rỗi nhờ Đức Giêsu Kitô và lo cố gắng duy trì diễm phúc ấy.

Trong đoạn thơ Rôma, thánh Phaolô quả quyết là do Ađam, sự tội và sự chết đã vào trần gian, nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được cứu rỗi một cách dồi dào hơn. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng, điều mà thánh Phaolô muốn nhấn mạnh không phải là việc Ađam đã phạm tội và gây ra sự chết chóc trong loài người, nhưng điều ngài muốn nhấn mạnh là việc Đức Giêsu Kitô đã vâng phục Thiên Chúa Cha và do đó, đã mang lại cho chúng ta ơn huệ và sự sống công chính của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô muốn làm nổi bật công lao cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, muốn mọi người nhìn vào Đức Giêsu Kitô mà vui sướng lên, vì nhờ Ngài, sự sống đã ùa vào trong trần gian mạnh hơn sức xâm nhập của sự chết, tình thương của Thiên Chúa đã được ban dư dật cho chúng ta hơn là hậu quả xấu do việc Ađam phạm tội. Đoạn thơ của thánh Phaolô thật sự là một Tin Mừng, một lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa tình yêu, vì Người đã cứu độ chúng ta. Thánh Phaolô sung sướng nghĩ đến diễm phúc của mọi kẻ đã tin vào Đức Giêsu Kitô: họ là những người không còn ở trong tội và không còn mang án chết nữa. Trái lại, họ đã thuộc về thế hệ những kẻ được thương và được sống.

Bổ túc cho Tin Mừng ấy của thánh Phaolô, bài Tin Mừng vạch ra cho chúng ta phương thế để duy trì mãi mãi diễm phúc ấy. Tuy đã được cứu rỗi, nhưng chúng ta đang còn sống giữa thời giằng co giữa tội và ân sủng, giữa được rỗi và bị hư mất. Thời hiện tại là thời chúng ta có nguy cơ bị mọi phía đe dọa và phải xác định mình chọn sự sống hay sự chết. Chúa Giêsu so sánh thời hiện tại của chúng ta với lúc ông chủ đi ăn cưới chưa về. Ngài khuyên chúng ta hãy biết xăn áo, đai lưng (như người Do Thái mặc áo dài lụng thụng, phải xăn lên và đai lưng lại lúc làm việc). Nghĩa là Ngài bảo chúng ta hãy sẵn sàng. Ngài cũng khuyên chúng ta chong đèn sáng, nghĩa là phải tỉnh thức và cảnh giác đồng thời phải luôn luôn làm việc trong sáng, vì chúng ta là con cái sự sáng từ khi ta chịu phép rửa tội và được nhận cây nến sáng.

Cũng lời khuyên ấy, Chúa cũng nói trước về phần thưởng mà Ngài dành cho những kẻ bền tâm đến cùng: "Phúc cho đầy tớ nào còn thức để cửa ngay cho chủ, khi ông vừa về tới nhà". Nhưng Chúa không phải là chủ thường… Chẳng người chủ nào làm như Ngài đã làm và sẽ làm. Ngài sẽ cho đầy tớ của Ngài là chúng ta được ngồi vào bàn ăn và Ngài sẽ đi dọn bữa cho chúng ta. Đó là hình ảnh bình dân để diễn tả phúc thiên đàng mà chúng ta sẽ nhận được.

Tuy vậy, ngay trong hiện tại, ta đã được hưởng diễm phúc ấy một phần. Vì mỗi khi chúng ta tham sự thánh lễ, chúng ta lại gặp chính Chúa Giêsu, Đấng mang đến cho chúng ta ơn cứu rỗi dư đầy. Ơn tha tội nơi Ngài giờ đây có thật và mạnh sức hơn việc Ađam và cá nhân chúng ta phạm tội. Diễm phúc mà chúng ta hiện có lớn lao và có thật hơn nỗi bất hạnh mà chúng ta phải chịu do phạm tội. Chúa đã đến với chúng ta và mời gọi chúng ta kiên tâm chờ đợi ngày Ngài hiện đến trong vinh quang. Trong khi chờ đợi, mỗi khi chúng ta sẵn sàng mở cửa lòng cho Ngài là Ngài đã đi vào nhà linh hồn của chúng ta và ban Máu Thịt, ban ân sủng, ban Lời Ngài cho chúng ta, thậm chí Ngài còn lưu lại và dùng bữa với chúng ta.

Chúng ta hãy xin Đức Giêsu Kitô ban ơn sức để không bao giờ chúng ta để mất diễm phúc đã được. Trái lại, chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng cho đến ngày Chúa đến, bất chấp những đe dọa hay cám dỗ của thế gian.



THỨ TƯ

Rm 6,12-18; Lc 12,39-48

Nối tiếp Lời Chúa hôm qua, hai bài Kinh Thánh hôm nay vẫn mời gọi chúng ta duy trì diễm phúc mình đã được bằng thái độ bền tâm và tỉnh thức.

Thật ra, với câu hỏi của Phêrô và câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói được rằng Lời Chúa hôm nay có ý khuyên nhủ đặc biệt những kẻ có trách nhiệm cao trọng trong Giáo Hội, như người quản lý được chủ đặt coi sóc gia nhân của mình. Đó là những người đã được Chúa yêu quí hơn, tin tưởng hơn, ban nhiều đặc ân hơn và cũng là những người gần Chúa hơn để hiểu được ý muốn của Chúa hơn người khác. những người đó chắc chắn có bổn phận nặng nề và cũng bị trừng phạt nặng nề hơn, nếu làm sai ý Chúa và thiếu xót trong việc thi hành nhiệm vụ của Chúa trao phó, bởi vì "đã giao cho ai nhiều thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Thế nhưng mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng được nói cho hết hạng người trong Giáo Hội. Bởi vì trước mặt Chúa, tất cả mọi kẻ tin đều là môn đệ của Ngài. Hơn nữa, theo lời thánh Phaolô trong đoạn thơ vừa rồi, hết mọi kẻ tin đều là những "kẻ đã sống lại từ trong cõi chết", đã bước ra khỏi thế giới chết chóc và bước vào thế giới sự sống. Do đó, hết mọi kẻ tin, không trừ ai, đều có bổn phận loại trừ ảnh hưởng của sự tội nơi thân xác mình và hiến dâng các chi mình để phục vụ cho sự công chính và phục vụ Thiên Chúa.

Như thế, không ai trong chúng ta có quyền coi mình như hạng "đầy tớ không biết ý chủ", nhất là dửng dưng với việc sống cho Thiên Chúa. Dù ở bậc tu trì, hay giáo dân, chúng ta đã được diễm phúc lớn lao là được làm con cái Thiên Chúa và đã biết rõ ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã được sống lâu năm trong đạo Chúa.

Do đó, hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho các vị có vai trò lãnh đạo trong dân Chúa để các ngài luôn luôn là những đầy tớ trung trực, biết chu toàn ý chủ. Đồng thời, chúng ta cũng cần quyết tâm sống đạo đức với tư cách là những kẻ đã được sống lại từ cõi chết cùng với Đức Giêsu Kitô. Bất cứ ở địa vị nào, không ai trong chúng ta được thờ ơ đối với việc sống đạo. Và bất cứ lúc nào, ngày nào, chúng ta cũng luôn là những kẻ sẵn sàng chờ Chúa, vì Chúa nói đi nói lại để chúng ta nhớ kỹ rằng Ngài sẽ đến một cách hết sức bất chợt, vào giờ ta không biết, vào ngày ta không ngờ. Đừng bao giờ chúng ta ở đó để tính khi nào Chúa đến, mà vấn đề chính là mọi lúc, hãy sống như Chúa đang đến, hãy ở trong tư thế đón Chúa và mở cửa cho Chúa vào. Ta đừng lo tự hỏi: bao giờ Chúa đến với tôi, mà hãy lo tự hỏi: lúc này đây, tôi có đang sẵn sàng đón Chúa hay chưa?

Thánh lễ mỗi ngày hiện tại hóa việc Đức Giêsu Kitô vượt qua từ cõi chết sang cõi sống. Ngài đem chúng ta vượt qua cùng với Ngài. Ta hãy kết hợp với Ngài bằng thái độ chết cho thế gian, hiến thân cho đời sống mới, để ngày hôm nay, ta được bắt đầu ở trong niềm vui sâu xa của kẻ đã đón Chúa vào trong linh hồn, đã bước vào Nước Trời vinh quang.


THỨ NĂM

Rm 6,19-23; Lc 12,49-53

Hôm qua, chúng ta đã suy nghĩ về hết mọi thành phần trong dân Chúa - nhất là những kẻ có trách nhiệm cao - phải duy trì diễm phúc mình đã được. Hôm nay, Lời Chúa đề cập đến một khía cạnh khác: đó là chúng ta phải phấn đấu để duy trì diễm phúc ấy.

Đoạn thơ Rôma, một lần nữa muốn chúng ta nhìn vào diễm phúc lớn lao của kẻ đã tin vòa Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô có ý dùng lối nói đơn giản dễ hiểu và rõ ràng để giúp chúng ta ý thức rằng nhờ Đức Giêsu mà nay chúng ta không còn làm nô lệ cho sự ô uế nữa, nhưng đã nên kẻ phục vụ cho đức công chính. Khi còn làm nô lệ cho sự tội thì chúng ta chỉ nhận được hậu quả là sự chết. Còn nay, khi phục vụ Thiên Chúa, chúng ta nhận được sự sống đời đời.

Đó thật là trang sử mới cho đời của chúng ta. Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta đã chính thức bước vào một thế giới mới. Nhưng đoạn Tin Mừng được tiếp ngay vào để nhắc nhớ chúng ta phải phấn đấu để duy trì diễm phúc lớn lao đó mà mình đã nhận được. Chúa không muốn chúng ta chủ quan và để đánh mất diễm phúc chúng ta đã có. Bởi thế, Ngài nói ngay là Ngài đến trần gian không phải là để đem lại sự bình an, nghĩa là sự thong dong dễ dãi, mà đòi hỏi sự cố gắng phấn đấu. Con đường Ngài đi không phải là con đường thênh thang mà là con đường hẹp.

Những lời Ngài nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay có vẻ khác lạ và chói tai. Ngài nói đến lửa và sự chia rẽ. Chúng ta phải hiểu "lửa" đây chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nôn nao được ban cho chúng ta Thánh Thần, nhưng vì Thánh Thần chỉ được ban khi Ngài chịu treo trên thập giá, nên Chúa Giêsu khát khao mong mỏi được chịu chết để đốt lửa kia lên, tức là để ban dồi dào ơn Thánh Thần cho chúng ta. Vậy, đối với Chúa Giêsu mầu nhiệm thập giá là trung tâm của cả đời sống và cả Tin Mừng của Ngài. Do đó, đạo Chúa cũng là đạo phấn đấu và hy sinh.

Nói đến đạo Chúa mà không muốn nói đến phấn đấu và hy sinh thì đó là phản Tin Mừng. Kẻ muốn theo Chúa cũng dứt khoát phải đi qua con đường hẹp. Chỉ có những ai có sức mạnh và lòng kiên cường mới thành công. Điều này có nghĩa là: ai muốn theo Chúa phải cố gắng nhiều, chiến đấu nhiều. Chiến đấu lại các khuynh hướng xác thịt và tội lỗi nơi bản thân. Chiến đấu chống lại các sức ép của xã hội xấu, vì sức mạnh của satan còn nằm trong thế gian. Thậm chí, chiến đấu với những trở ngại mà chính tổ ấm gia đình có thể gây ra cho đời sống đức tin nữa. Hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã báo trước sự thật đau buồn đó, và chính lịch sử hay kinh nghiệm cũng làm chứng là có những trường hợp chúng ta phải can đảm đi ngược với sức ép của người nhà, khi người nhà muốn kéo chúng ta đi trệch đường lối của Chúa.

Vậy diễm phúc của chúng ta rất lớn lao, nhưng diễm phúc đó cũng đòi chúng ta cố gắng thật nhiều để giữ vững. Chúa Giêsu Thánh Thể - Đấng đã vì chúng ta mà đi con đường thập giá - hằng ngày đang ban "lửa Thánh Thần" để chúng ta có sức bước theo Ngài. Chúng ta hãy sung sướng khi được góp những hy sinh từ bỏ của mình vào cuộc sống khổ nạn của Ngài, bởi vì phần thưởng lớn lao - tức là sự sống đời đời - đang được dành cho những hy sinh từ bỏ ấy.



THỨ SÁU

Rm 7,18-25a; Lc 12,54-59

Đức Giêsu Kitô Đấng Thiên Sai đã đến, đời sống mới mẻ và hồng phúc đã bắt đầu: chúng ta hãy biết suy nghĩ và nắm lấy thời cơ, đừng để lỡ dịp. Đó là những điều mà Lời Chúa hôm nay muốn khuyên nhủ chúng ta.

Trước hết, Chúa Giêsu than phiền về thái độ dại khờ và chậm chạp của con người trước các dấu chỉ của thời đại. Trong việc đoán trước về thời tiết gió, mưa, người ta thường nhanh trí và ít sai lầm: thấy đám mây nổi lên ở phía tây, người ta đoán ngay được là trời sắp mưa. Thấy gió nam thổi đến người ta lại đoán ngay được là trời sắp nóng nực. Trong việc giao dịch với kẻ khác, người ta cũng lanh lợi và khôn ngoan không kém: ví dụ khi bị đối phương kiện cáo và lôi đến tòa án, người ta thường biết thu xếp với kẻ đó trước khi bị ra trước tòa, nhờ đó sự việc được êm xuôi, hoặc người ta chỉ bị thiệt hại ít.

Còn những chuyện liên quan đến Thiên Chúa và phần rỗi, người ta lại quá kém cỏi. Với sự có mặt Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, loài người đang ở vào một thời buổi nghiêm trọng: vì đây là lúc Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người và con người phải nắm lấy cơ hội, phải chọn lựa dứt khoát giữa hồng ân Thiên Chúa và sự hư mất đời đời. Qua những lời của Chúa Giêsu, Ngài muốn cho thấy tính cách cấp bách của việc người ta phải có lập trường đón nhận hay từ khước Ngài cũng như nguy cơ người ta đánh mất dịp may, nếu người ta chần chừ và không biết suy nghĩ.

Chỉ có một sự chọn lựa đưa đến hạnh phúc: đó là chọn lựa Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô cũng muốn nói như thế trong đoạn thơ Rôma mà chúng ta vừa nghe. Thánh nhân hiểu rằng chỉ có một cách để ra khỏi tình trạng đáng buồn của con người, đó là nhìn về Đức Giêsu Kitô và bám vào sự giải phóng của Ngài đã mang đến. Bởi vì ngoài Đức Giêsu Kitô, người ta không sao vượt thắng được ảnh hưởng của sự tội nơi mình, người ta sẽ không có sức để thực thi điều lành, vì điều lành mình muốn làm thì không làm, còn sự dữ mình không muốn làm thì lại làm. Thánh Phaolô đã gặp được sự giải phóng do Đức Giêsu Kitô mang lại và ngài sung sướng hô lớn lên lời cảm tạ Thiên Chúa.

Vậy, kẻ khôn ngoan thật trước "thời điểm", nghĩa là trước những dấu chỉ của thời đại là kẻ ý thức rằng chỉ có hạnh phúc thật nơi Đức Giêsu Kitô mà thôi và vội vã hướng về Ngài, chọn Ngài, gắn bó với Ngài. Kẻ đó đã biết chụp lấy thời cơ và nắm lấy được cơ hội độc nhất vô nhị. Sự hiện diện của Chúa Giêsu tử nạn phục sinh trong mầu nhiệm Thánh Thể luôn là tiếng nhắc nhở cho thế gian rằng giữa cảnh đời phù vân, đã có một thực tại vững bền đáng người ta quên mọi sự để nắm lấy cho được. Sự hiện diện của Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy lanh lẹ đối với những sự thuộc hạnh phúc vĩnh cửu, dù có phải dại khờ và thua thiệt về mọi điều thuộc về thế gian, để như thánh Phaolô, chúng ta cảm nếm được hạnh phúc sâu xa của một đời sống sống trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.



THỨ BẢY

Rm 8,1-11; Lc 13,1-9

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hối cải để đáp lại lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa.

Theo lời thánh Phaolô ai trong chúng ta cũng đều được Thiên Chúa xót thương. Bởi vì giữa khi chúng ta bất lực không thể sống công chính được, do mang nặng xác thịt yếu hèn, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trong xác thịt, mang lấy những hậu quả tội lỗi của chúng ta, để xóa tan sự tội nơi xác thịt và làm cho sự công chính thành tựu nơi chúng ta.

Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng vừa cho thấy ai trong chúng ta cũng đều là tội nhân, nhưng Ngài cũng ám chỉ rằng hết mọi người đang được xót thương. Khi người ta đưa tin cho Ngài biết về vụ Philatô mới giết một số người Galilê, lúc họ dâng lễ, Ngài đáp ngay: các ngươi tưởng đó là những người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Không đâu, nếu không hối cải, các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Ngài còn nói thêm về vụ mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết và cũng kết luận: "Nếu các ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt như thế". Vậy, đối với Ngài, ai cũng có tội hết, chẳng những người ở Galilê hay ở Giêrusalem, mà cả những người đang ở trước mặt Ngài và nghe Ngài nói: tất cả đều có tội.

Chỉ có điều là Thiên Chúa đang xót thương và còn gia hạn cho một thời gian để mời gọi người ta hối cải. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn về cây vả. Ở đây, Ngài vừa cho thấy lòng nhẫn nại lạ lùng của người chủ vườn là Thiên Chúa, vừa loan báo về tính cách khẩn trương của việc người ta phải hối cải.

Chắc chắn chúng ta cũng đều là những kẻ có tội, chứ chưa phải là những cây vả đã cho trái trăng đầy dẫy. Chắc chắn chúng ta đang được sống trong một hiện tại đầy tình thương của Thiên Chúa và đang được Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi một sự đáp trả tương xứng. Đây là lúc chúng ta cần thành tâm sửa đổi đời sống, vì ý thức về tình thương quá dạt dào và quá nhẫn nại của Thiên Chúa đối với mình. Đây là lúc - nói như thánh Phaolô - ta đừng tiếp tục sống theo xác thịt nữa, nhưng sống theo tinh thần, để tưởng ước những sự thuộc về tinh thần và để có được sự sống và sự bình an Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta.

Để được như vậy, chúng ta rất cần ơn sức của Chúa Thánh Thần, vì chỉ ai có Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô mới thuộc về Đức Kitô và được sống lại trong đời sống mới. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giờ đây ban cho chúng ta Thánh Thần và ơn đổi mới của Ngài, để đời sống đức tin của chúng ta đơm bông kết trái, làm rạng danh Thiên Chúa.



Mới hơn Cũ hơn