Suy niệm mỗi ngày - Tuần 30 Thường niên, năm lẻ


THỨ HAI

HÃY ĐỨNG THẲNG LÊN

(Lc 13,10-17)

Để giúp cho người Do thái ăn năn thống hối, Chúa Giêsu đã tiếp tục giảng dạy và làm phép lạ. Phép lạ hôm nay, Chúa làm giữa công chúng trong hội đường nơi người Do thái hay lui tới học lề luật, Kinh Thánh. Đang khi Chúa giảng dạy, có một bệnh nhân bị còng lưng vì bệnh tật không hẳn vì ma quỉ ám nhập (c.16). Bà này bị bệnh còng lưng, đầu không thể ngước nhìn lên trời được như thế đã 18 năm rồi. Thấy hoàn cảnh của bà, hẳn là Chúa lưu ý và nhiều người cũng rình xem Chúa có làm gì giúp bà trong ngày Sabát hay không ?

Cứ sự thường, bệnh nhân kêu xin và tỏ bày lòng tin vào uy quyền tối cao của Thiên Chúa, rồi Chúa mới làm phép lạ. Nhưng lần này thì chính Chúa đi bước trước là mời bà tới và nói : “Bà được lành rồi đó” (c.12). Và rồi Chúa Giêsu đã đưa tay đặt lên bệnh nhân để cho mọi người biết đó là một phép lạ. Bà ta liền được khỏi bệnh, đứng thẳng lên tạ ơn Chúa là tác giả, là chủ của phép lạ này. Nhưng dưới mắt người chủ hội đường, việc khỏi bệnh này lại là một gương mù đáng trách. Thật ra người Biệt phái cũng có ngày Sabát cấm làm 38 điều, đa số là chữa bệnh, cấm tiếp bệnh nhân, dù bệnh nặng kinh niên, chỉ trừ trường hợp cấp cứu thôi. Người Biệt phái cũng biết người bệnh nhân này đã lâu năm khổ sở vì con bệnh day dứt rồi. Về phía bệnh nhân cũng không do người ta khiêng cáng tới mà tự ý bà ta lần mò tới. Về phía Chúa thà Người không phải là thầy thuốc có bằng cấp hành nghề. Nên họ không có lí do gì để bắt bẻ Chúa cả. Vì thế người chủ hội đường không giám trách thẳng Chúa mà chỉ quay nói với dân là “đã có 6 ngày để làm việc…”(c 11). chữa bệnh cho dân lúc ấy bằng cách trả lời rằng “ngày hưu lễ cũng cỡi bò lừa…”(c.15). Hơn thế nữa, sách Đệ nhị luật có ghi “Nếu ngươi thấy anh em mình có con lừa hay con bò té chỏng ở dọc đường ngươi đi qua, ngươi hãy lo giúp cho nó đứng dậy” (22,24). Vậy thì đối với một con người, một nhân mạng, một linh hồn, nhất là một linh hồn đã 18 năm xa vắng Chúa, thì càng phải cởi dây tội lỗi, càng cần phải giúp họ đứng dậy khỏi chỗ sình lầy mới phải. Nếu Nước Trời không để cho con vật khát nước ngày Sabát, thì càng không thể để cho thiếu phụ đó khát đã 18 năm rồi. Nhưng càng vì thế, nhóm biệt phái lại càng xa cách Chúa. Họ bực tức và tìm cách tiêu diệt Người sớm hơn. Điều này cho thấy rằng :

1. Trước hết không hi vọng gì mà hoán cải được hết mọi tâm hồn. Không ai giảng thuyết hướng dẫn thiêng liêng lành nghề hơn Chúa Giêsu đâu, thế mà Người đã không hoán cải được những người Biệt phái. Thiên Chúa tôn trọng tối đa sự tự do của mỗi người. Và vì đó mà chúng ta lầm lẫn ý mình và ý Chúa. Nhưng chúng ta nên biết, ngày nào chúng ta lầm lẫn như thế hay là cho hai ý đó bằng nhau, thì tình trạng chúng ta không hơn gì số thiên thần bị sa ngã, bị phạt, không hơn gì Babel sụp đổ, không hơn gì ông bà nguyên tổ ra khỏi vườn Địa đàng.

2. đoạn văn này chúng ta xét mình lại xem chúng ta có cố chấp cố tình trước Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ? Chúng ta có dám tự sửa đổi, dám làm lại cuộc đời ơn thánh, hay là cứ cho rằng mình là đúng là phải, còn anh em mới là sai là trật ?

3. Chúng ta thấy bệnh nhân chưa kịp xin gì, mà Chúa đã gọi ban phép lạ cho bà. Đó, Thiên Chúa thấu suốt


THỨ BA

HẠT CẢI VÀ MEN

(Lc 13, 18-21)

I. Dụ ngôn hạt cải (c. 19)

Hạt cải là loại hạt nhỏ bé tầm thường của nhà nông Do Thái. Loại cải này thường thấy nhiều ở Palestin trong cánh đồng Giorđan. Nhất là xung quanh biển hồ Tibêria. Hạt cải nho nhỏ thánh Matthêu (13, 31-32) và Marcô (6, 30 – 32) nói là hạt nhỏ nhất. Thật ra không hẳn là nhỏ nhất đâu. Nhưng người Do Thái có thói quen sánh ví cái gì nhỏ bé là nhỏ như hạt cải cũng như kiểu nói ở Việt Nam “nhỏ như con kiến”. Nói hạt cải nhỏ là nhỏ tương đối thôi. Khi còn là hạt thì day trên đầu ngón tay, nhưng khi lớn lên thành cây thì cao tới 4 m rủ bóng mát. Mùa hè trái chín, chim trời và trẻ con đến ăn trái chín. Trái chín người ta còn dùng làm bánh hay nấu canh.

Vậy thì một sự tăng trưởng nhỏ bé đến thành cây là chúng ta thấy một sự sống vươn lên mãi. Nếu anh chị em đã từng biết đến hạt quả đa, hạt cây trứng cá… như thế nào thì đủ hiểu về cây của bên Do thái, dụ ngôn này cho chúng ta những ý nghĩa :

1. Đời sống con người cũng bắt đầu từ cái nhỏ bé mà thành cái lớn. Không có gì nhảy vọt trong thiên nhiên. Trăm năm trồng người. Chúng ta tất cả sinh ra đều nhỏ bé yếu đuốii đến nỗi tự sức chúng ta không thể sống được. Trong các bậc vĩ nhân đã làm ích cho nhân loại như bao bậc thánh nhân, tiến sĩ, đồng trinh, tử đạo. Trên lãnh vực trần thế có những nhà bác học như Ampere, Pasteur.

2. Hạt cải này được coi như hạt đức tin mà Giáo hội đã gieo vào tâm hồn mỗi người từ khi chịu bí tích rửa tội và dần dần ơn thánh tăng trưởng làm chúng ta trở nên con cái nước trời qua cuộc sống làm chứng nhân cho Chúa

3. Dụ ngôn này ám chỉ giáo hội của Chúa khởi đầu chỉ có mình Ngài với 12 tông đồ với những phương tiện truyền giáo hết sức nghèo nàn, không thuyền, không nhà, không tiền, không uy quyền và cuối cùng đều gục chết tức tưởi nhục nhã. Nhưng cái chết của Chúa đã làm cả nhân loại mang ơn. Cái chết của các tông đồ đã được bao nhiêu tín hữu tôn kính. Đó là những hạt giống tự mục nát để sinh nhiều hoa trái hơn (Ga 12, 24) mà cụ thể là từ con số khiêm hạ 12 đó, số con cái Chúa hôm nay là 1 tỷ 24 triệu. Đó không là con số hãnh diện gì, nhưng là con số đầy trách nhiệm nặng nề.

4. Cây cải đây còn ám chỉ Giáo hội như một cây toả mát gây sức sống cho con cái được ví như bầy chim tước. Như loài chim sống nhờ cây cổ thụ, làm tổ sinh sống thế nào, thì Giáo hội cũng là một cây nuôi sống con cái qua các bí tích như thế… Đó là cách cắt nghĩa của các giáo phụ và các nhà Kinh Thánh tân thời.

II. Dụ ngôn nấm men (c. 20)

Những ai làm bánh đều biết tới tầm quan trọng của men :

1. Trong dụ ngôn hạt cải ám chỉ sự bành trướng chiều rộng của nước Chúa thì dụ ngôn men bột ám chỉ sự bành trướng chiều sâu của nước trời. Chúng ta có thấy được men của phúc âm Chúa không ? Nhờ Kinh Thánh mà biết bao bộ lạc và dân tộc được văn minh và hiền thục. Biết bao nhiêu tệ đoan được thay đổi như nô lệ, đa thần, dị đoan… Lời Chúa và Mình Chúa đã cảm hoá được bao nhiêu tội nhân và là sức mạnh của bao nhiêu thánh nhân, của mọi tầng lớp lứa tuổi.

2. Tấm men do một phụ nữ bỏ vào đấu bột… có người nói là vai trò mẹ Maria. Cũng từ đó suy ra vai trò xúc tác quan trọng của các bà mẹ. Người mẹ phải biết khích lệ thúc đẩy con cái. Họ phải là thứ dẫn điện, là men cho con cái nên người của nước trời trước hết phải là mẹ đức tin.



THỨ TƯ

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

(Mt 5,1-12a)



Quyết định đầu tiên của mỗi khách lữ hành phải thực hiện là chọn đích điểm. Chỉ khi nào biết mình đi đâu người ta mới quyết định chọn lựa mình sẽ dùng những phương tiện gì trên đường đi : xe hơi, đi bộ, tàu thủy, máy bay... Người khôn ngoan cũng tuân thủ lớp lang như thế trong việc thu xếp cuộc sống, bởi lẽ cuộc đời mình là một chuyến đi : đi tìm cuộc sống mai sau, đi tìm hạnh phúc. Tại sao đi tìm hạnh phúc ? Đi tìm hạnh phúc là quy luật ngàn đời của con người, nhưng hạnh phúc ở đâu ? Đã không ít người đi tìm hạnh phúc trong của cải chóng qua ở đời này. Họ cho rằng : hạnh phúc là vinh quang, là quyền lực, là của cải... để rồi rút cuộc họ chỉ gặp thấy thất vọng chán nản ê chề... nếu không muốn nói những thứ đó chỉ là những đám phù vân rỗng tuếch. Chính vì thế để giúp ta đạt tới đích, Giáo Hội đã không ngừng nhắc nhở chúng ta là phải đi đường cho đúng. Nói khác đi để chúng ta phải sống thế nào. Hôm nay Giáo Hội đặt chúng ta trước những tấm gương chói lọi của các thánh là những người đã đi trươc chúng ta và đã đạt tới đích. Nhìn vào những tấm gương đó chúng ta sẽ thấy gì ? Và sẽ học được gì nơi các ngài ? Phải nói ngay rằng : các thánh là những người vĩ đại. Thật vậy, các ngài vĩ đại vì các ngài có tầm nhìn cao và lý tưởng cao.

Trước hết, các thánh có tầm nhìn cao :

Chúng ta xem loài người đã sản sinh biết bao bậc anh hùng, vĩ nhân... Đó là những con người vĩ đại. Họ có tầm nhìn cao, họ ước mơ vươn tới những cái cao thượng : kẻ thì lo trau dồi kiến thức để sáng chế, phát minh làm cho con người sống sung sướng hơn ; kẻ thì đặt ra những lý thuyết, chủ nghĩa làm sao giúp cải thiện đời sống xã hội ; kẻ thì viết sách... tất cả vì có một tầm nhìn cao. Nhưng các thánh đã có một tầm nhìn cao hơn cả. Các ngài nhìn vũ trụ bao quát cả đời này lẫn đời sau. Các ngài luôn vươn tới một cuộc sống không chết. Các ngài lo cho mình được hạnh phúc đời đời và lo cho kẻ khác cũng được hạnh phúc như thế.

Thứ đến các thánh có tư tưởng cao.

Trong khi các vĩ nhân chỉ đóng khung trong mơ ước của mình, đóng khung trong thời gian. Còn các thánh nghĩ và nói như thánh Gióp cách đây hơn 3000 năm : “Tôi biết Đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại, và tôi lại được nhìn thấy Chúa tôi”. Là một con người mơ ước được nhìn thấy Thiên Chúa và được Thiên Chúa làm chủ mình. Điều đó thật là vĩ đại. Tuy nhiên, không phải có tầm nhìn cao, có tư tưởng cao là trở thành nhà triết học, nhà khoa học... Sở dĩ được gọi là nhà triết học, nhà khoa học, không những có tầm nhìn cao, có tư tưởng hơn người nhưng phải có việc làm. Việc làm cao thượng tài giỏi và nhân đạo. Một Pasteur nhốt mình trong phòng thí nghiệm hàng tháng, trong một khí hậu oi bức để tìm ra nguyên nhân một căn bệnh. Thế nhưng sánh đâu được việc làm của các thánh, các ngài còn dũng cảm hơn nhiều.

Các ngài đã dũng cảm trong vệc bỏ mình để đi theo lời mời gọi của Chúa : “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”. Những người giàu có nhà cao cửa rộng, các ngài đã bán hết, cho hết, chấp nhận túng thiếu, vui vì được thanh bạch, nhà cao cửa rộng không ở, lên rừng ở hang, ở lán, thức khuya dậy sớm. Nhiều người phải chịu cái rét quanh năm ở vùng Bắc cực, người khác phải chịu cái nắng như thiêu như đốt ở xích đạo. Ngay cả những người ở lại sống bậc gia đình, cũng cam chịu những trái nghịch về tính tình trong cuộc sống chung, hi sinh ý riêng để giữ gìn hòa thuận. Một người chồng cắn răng chịu đựng sự bất xứng của người vợ, một người vợ chấp nhận những bất công của chồng, một bà mẹ mất ngủ đêm này qua đêm khác để săn sóc đứa con. Đó là những việc tưởng là tầm thường, nhưng thực là việc làm của các thánh.

Biết bao người được gọi là anh hùng không chịu nổi một sự tủi nhục, một sự khinh chê... thậm chí có kẻ tìm cách thoát nhục bằng cách giết mình hay giết kẻ làm nhục mình. Các thánh dũng cảm hơn nhiều : các ngài vượt lên trên tự ái : dĩ ân báo oán, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta. Các ngài làm theo lời dạy và nhất là gương của Chúa : báo thù kẻ làm nhục mình bằng cách yêu thương họ, làm ơn cho họ... Các ngài còn dũng cảm trong cả cái chết. Vẫn biết rằng có những người đời, những người vô đạo cũng tỏ ra dũng cảm trong cái chết, nhưng sánh làm sao được với sự dũng cảm hy sinh các thánh tử đạo của chúng ta : voi dày, ngựa xéo, lăng trì, bá đao, kìm sắt nung đỏ... Tất cả đều đã can đảm đón lấy cái chết, thách đố với cái chết lòng phấn khởi, mặt vui tươi. Ngay cả các thánh chết cái chết trên giường bệnh các ngài cũng tỏ ra can đảm lạ lùng. Vâng, các thánh là những người đã sống và đã làm như thế.

Nói tóm lại các thánh là những người vĩ đại vì có tầm nhìn cao và tư tưởng cao. Nói khác đi các ngài là những người biết được đâu là hướng đi đích thực của cuộc sống, đâu là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống và từ chỗ đó các ngài đã không ngại ngùng hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chia sẻ số phận đau thương của người khác.

Hôm nay chúng ta mừng lễ các thánh nhằm để tôn vinh các ngài và đem các ngài ra để nhắc nhủ và khích lệ chúng ta. Trước hết các ngài nhắc nhủ chúng ta về ơn gọi nên thánh của chúng ta, nghĩa là chúng ta được kêu gọi sống ở đời này làm sao để sau khi từ giã cõi đời, chúng ta cũng có được một cuộc sống như các ngài. Thứ đến các ngài khích lệ chúng ta, các ngài nói cho chúng ta biết làm một vị thánh là điều có thể, chứ không phải vượt quá khả năng của chúng ta. Làm một vị thánh không phải là bắt chước một vị nào đó đã tử đạo cách đây hàng trăm năm về trước. Làm một vị thánh có nghĩa là bắt chước những người bình thường sống trong một hoàn cảnh bình thường. Bắt chước những người biết khóc biết cười, bắt chước những người đã từng phạm tội và đã biết chạy đến bí tích cáo giải, bắt chước những người đã luôn cố gắng tránh tội nhưng thỉnh thoảng vẫn tái phạm. Còn nếu như những vị ấy có điều gì khác thường thì ở chỗ họ không bao giờ ngừng sống theo Tin Mừng mỗi ngày.

Trong Thánh lễ này chúng ta được nhắc nhở về ơn gọi nên thánh của chúng ta đồng thời được các vị khích lệ để chúng ta tiếp tục ơn gọi ấy. Để kết thúc, chúng ta hãy trưng dẫn lời của thi sĩ Ô-dan-nam :

"Trước mắt mỗi người, có một con đường mở ra, đường cao và đường thấp.

Linh hồn cao thượng chọn nẻo cao ;

Linh hồn thấp kém chọn lối thấp.

Số còn lại trôi vật vờ quạ lai

Trên đám bình nguyên mù sương ở giữa.

Tuy nhiên trước mỗi người đều mở ra một con đường.

Đường cao và đường thấp.

Mỗi người phải quyết định xem

Linh hồn mình sẽ bước theo lối nào".

Cầu xin các thánh đã đi trước, khẩn cầu cho chúng ta có được lòng can đảm chấp nhận mọi khó khăn để được chốn cao sang, thanh nhàn.



THỨ NĂM

LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

1. Người xưa biết gì về linh hồn ?

Socrate, nhà tư tưởng đại danh, người Hy-lạp, sống vào thế kỷ thứ V, trước Chúa Giêsu, trước khi chết, người bạn là Aristos, hỏi ông muốn được chôn cất như thế nào. Ông nói : “Anh cứ chôn xác tôi thế nào cũng được, còn tôi, anh không chôn được tôi đâu”.

Việc nghiên cứu của các nhà khảo cổ về các hang tiền sư,í đã khám phá ra những dấu vết chắc chắn, người xưa tin ở sự sống đời sau. Khắp năm châu, các mộ của những người sơ khai cho ta thấy nghi thức tẩm liệm người xưa là nhằm bảo đảm cho người chết về tận thế giới bên kia : người thì đang nằm nghiêng bên phải, tư thế của người ngủ, vũ khí sẵn sàng, người khác vừa có vũ khí, vừa có lương ăn..., người ta vẽ lên các vách hang huyệt những cảnh săn bắn mà họ tin là người chết sẽ tổ chức ở thế giới bên kia.

Những bút tích của một số dân tộc Trung Đông và Ấn Độ biểu hiện rất rõ nét về niềm tin của người thời cổ về thế giới thần linh cũng như sự lệ thuộc của con người đối với thế giới đó. Và để bày tỏ niềm tin của mình các tôn giáo đã hình thành với nhiều sắc thái khác nhau.

2. Mạc khải Kinh Thánh về linh hồn

Tuy nhiên, qua nhiều thiên niên kỷ, nhân loại vẫn chưa có được ý niệm khả dĩ đúng về linh hồn con người cũng như nguyên ủy của vũ trụ. Thế rồi, một biến cố lớn lao đã xảy đến trong lịch sử nhân loại : Thiên Chúa đã phá vỡ sự thinh lặng, đã ra khỏi huyền nhiệm của Người để ngỏ lời với nhân loại và bộc lộ cho nhân loại những bí nhiệm về đời sống thâm sâu của Người và tình trạng mai hậu của nhân loại. Sự bộc lộ này tiệm tiến theo sự trưởng thành về nhận thức của con người đối với các yếu tố liên hệ.

Dân tộc đã được chọn trước tiên cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy rằng dân đã sớm có ý niệm về mối liên hệ giữa hai thế giới. Chẳng những họ tin tưởng vào sự sống bên kia cái chết mà họ còn cho thấy những liên hệ hỗ tương giữa người sống và người đã qua đời. Sách 2 Macabê là thí dụ điển hình : 2 Mcb 7,9 và 2 Mcb 14,46 quả quyết về người chết sống lại ; 2 Mcb 6, 26 nói về những hình phạt đời sau ; 2 Mcb 15,12-16 nói về việc các thánh nhân cầu bầu cho kẻ sống ; 2 Mcb 12,41-46 nói về việc cầu nguyện của kẻ sống cho kẻ chết như sau (sau khi Giuđa thắng trận) : “Đoạn ông quyên tiền nơi mỗi người và đã gửi về Giêrusalem lối hai ngàn quan tiền để dâng lễ tế đền tội : ông đã làm một việc rất tốt lành và cao quí, bởi nghĩ đến sự sống lại ; vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn ; còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thành và đạo đức ; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi”.

Một số sách khác của Cựu Ước, trong đó có sách tiên tri Isaia, cho thấy hạnh phúc đích thực của các bạn hữu Thiên Chúa, những người được tuyển chọn.

Khi Đức Giêsu xuất hiện thì những vấn nạn quan trọng mà bấy lâu con người mò mẫm đã được sáng tỏ. Qua đời sống, lời rao giảng, đặc biệt là sự chết và phục sinh của người, rồi những lần hiện ra sau phục sinh đã cho chúng ta thấy sự liên kết hữu cơ của đời sống con người ở hai trạng thái hiện hữu trước và sau khi qua biên giới sự chết.

Thư 1Cor 15,51, Thánh Phaolô bày tỏ rằng : “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này : không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi.”

3. Một số kinh nghiệm về linh hồn

Bác sĩ Paul Nagai, Nhật Bản, trước cái chết của người Mẹ đã nói rằng : “... tự nhiên tôi cảm thấy : linh hồn mẹ tôi có, linh hồn mẹ tôi lìa khỏi xác, nhưng còn tồn tại mãi mãi. Con người tôi đã đổi hẳn, dầu tôi làm hết sức cũng không thể làm cho tôi tin phục rằng : cái đã gọi là mẹ tôi đã hoàn toàn tiêu diệt... con mắt tôi lần đầu tiên mở ra nhìn thấy cái thế giới siêu hình.”

Con người, “thụ tạo đặc biệt” của Thiên Chúa, được tạo nên giống hình ảnh Người, chẳng những tác động với nhau bằng năng lực cơ học mà còn tác động với nhau mạnh mẽ hơn bằng năng lực tâm linh (hay nói theo cha Teilhard de Chardin : năng lực xuyên tâm), một loại năng lực nằm ngoài tầm kiểm soát của khoa học thực nghiệm.

Những vật mà ta cho là vô tri trong vũ trụ còn tác động mạnh mẽ với nhau và với con người, huống chi là giữa con người với nhau. Lịch sử nhân loại cho thấy tương quan giữa người với người ngày càng diễn ra trên phạm vi sâu rộng hơn : ở Xã Hội Nguyên Thủy, tương quan đó chỉ giới hạn trong phạm vi nhóm người hay sắc tộc, qua nhiều biến chuyển, Xã Hội Hiện Đại cho thấy tương qua đó diễn ra trên phạm vi toàn cầu, điển hình là nhiều tổ chức xuyên quốc gia được thành lập trong thế kỷ này, hầu giải quyết những công việc liên hệ đến mọi người sống trên trái đất, cho dù họ thuộc sắc tộc, màu da, tôn giáo nào. (những từ như : xã hội hóa, toàn cầu hóa, đa dạng hóa vv... mới xuất hiện trong thời gian gần đây).

Trong cuộc sống tại thế, mỗi một hành động, cử chỉ, lời nói của con người đều có giá trị tốt, xấu trước mặt Chúa và mỗi người phải chịu trách nhiệm về các điều đó. Khi qua thế giới bên kia, mỗi người mang theo tất cả những hậu quả của chúng và ở đây họ còn phải được thanh luyện để trở nên xứng đáng hơn với ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Cha François Brune, thần học gia Công giáo người Pháp, qua hàng chục năm nghiên cứu và tổng hợp những bằng chứng của những người được coi là chết đi sống lại, cho thấy, đa số các người đó đã trải qua 3 giai đoạn :

- Giai đoạn 1 : Việc linh hồn ra khỏi xác, một cảm giác nhẹ nhàng, không đáng sợ.

- Giai đoạn 2 : điểm lại cuộc đời quá khứ. Như một cuộn phim chiếu nhanh vô cùng, từng chi tiết một của người đó, dù nhỏ nhặt nhất cũng hiện lên một cách rõ ràng hết sức.

- Giai đoạn 3 : gặp gỡ Hữu Thể Ánh Sáng

Cha cũng nói tới hai nguyên tắc chỉ đạo việc tổ chức thế giới bên kia :

- Nguyên tắc 1 : mỗi kẻ qua đời được đặt ngay vào bậc tương ứng với mức độ tình yêu của mình.

- Nguyên tắc 2 : mỗi người đều được kêu gọi thanh tẩy không ngừng để làm thế nào luôn yêu thương hơn nữa và như thế, nâng mình lên những bậc cao hơn.

(Bà Betty. J. Eadie, người Mỹ nói rất rõ về kinh nghiệm trên trong cuốn sách “Người về từ cõi chết”).

Bác sỹ Raymond Moody trong cuốn sách “Life Ater Life” (Sự Sống Sau Sự Sống - cuốn sách này bán được 7 triệu bản) đã thu thập hàng trăm chứng từ của những người cận tử cho thấy họ cũng có kinh nghiệm như sự trình bày của cha François Brune.

Thánh Grégoire de Nysse, người đã nói ngay từ thế kỷ thứ IV rằng : “Chúng ta sẽ đi từ khởi điểm này tới khởi điểm kia, qua những bước đầu không bao giờ chấm dứt”.

4. Việc cầu bầu hỗ tương giữa người sống và người đã qua đời

Như vậy, mỗi người sau khi qua khỏi cuộc đời trần thế vẫn còn được thanh luyện ở thế giới bên kia. Và mỗi người xét như là thành viên của gia đình Thiên Chúa luôn luôn có sự ảnh hưởng hỗ tương lên nhau. Tín điều Các Thánh Thông Công chỉ rõ điểm này. Những lời cầu nguyện, những nghĩa cử yêu thương của chúng ta có ý chỉ cho ai đó, đều hữu ích, được Chúa chấp nhận và làm cho sự hiện hữu của đối tượng ta nhắm tới được tinh tuyền hơn trước mặt Chúa. Ngược lại, những người đã trực kiến Thiên Chúa cũng có ảnh hưởng lớn trên đời sống chúng ta. Những mối dây chúng ta tạo lập được với nhau trên trần gian, sẽ được bền chặt và thuần khiết hơn ở thế giới bên kia.

Việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử con người và là mối dây liên lạc giữa Thiên Chúa và con người trong những biến cố lịch sử, đồng thời tái hợp hình ảnh Thiên Chúa nơi con người và cho con người dự phần vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa là quyền năng cứu độ muôn người.

Cầu xin cho một người khác là đặc điểm của một tâm hồn biết thương xót tha nhân như Thiên Chúa và điều này đã thấy nhiều trong Cựu Ước. Nay trong thời của Giáo Hội, sự chuyển cầu Ki-tô giáo dự phần vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô : đó là sự tỏ bày niềm hiệp thông của các thánh. Người cầu nguyện không tìm kiếm lợi ích bản thân, nhưng nghĩ đến những lợi ích của người khác.

Nhìn vào những người được xem là không theo tôn giáo nào xung quanh chúng ta, chữ “hiếu” luôn luôn được họ ấp ủ, trân trọng và được biểu hiện qua những cử chỉ đầy yêu thương của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Nếu các vị đó qua đời thì họ bày tỏ niềm thương tiếc tri ân bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu trung qua đó họ muốn thể hiện lòng biết ơn cũng như muốn cho sợi dây linh thiêng giữa con cháu đối với những người đi trước luôn bền chặt và họ coi những thành đạt của bản thân cũng như dòng tộc là nhờ “lộc” của tổ tiên vậy.

Trong tương quan gần, chúng ta ai cũng có những người thân yêu ruột thịt, nhất là những người sinh thành và có ảnh hưởng trực tiếp đến ơn gọi và đời sống chúng ta, chúng ta cần ghi ơn và nhớ đến họ luôn mãi. Cách riêng trong thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa bỏ qua những lầm lỗi, thiếu sót của họ, để họ được trong sáng hơn trước mặt Chúa.

5. Bài học rút ra từ lễ cầu hồn

Với thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những người đã qua đời bằng lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức, đồng thời biết ý thức hơn về thân phận mỏng dòn của bản thân mình trong cuộc đời vắn vỏi tại thế mà đề ra chương trình sống xứng đáng. Giáo Hội cũng mời gọi mỗi chúng ta có thái độ, tâm tình, hành động yêu thương cụ thể đối với những người xung quanh, những người đang cùng sánh bước với chúng ta trên đường về với Chúa. Kinh nghiệm liên lỉ cho ta thấy rằng cứ mãi qui về mình là phương pháp chắc chắn nhất dẫn đến thất bại trong mọi lãnh vực.

Trong bài Tin Mừng Chủ nhật XXXI này, Chúa Giê-su cũng nói cho anh thanh niên giàu có biết, tựu trung, cũng chỉ có hai giới luật mà thôi : yêu Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình.

Ước gì mỗi chúng ta luôn thể hiện tình yêu thương của mình trong cuộc sống đối với anh em, để tình yêu này góp phần vào khối tình yêu của nhân loại ngày càng bao trùm con người và trái đất, chuẩn bị cho sự đổi mới chung cuộc mà qua đó thụ tạo được hòa nhập vào môi trường Thiên Chúa.


THỨ SÁU
LÀM VIỆC LÀNH HAY VIỆC DỮ

(Lc 14,1-6)


Chúa Giêsu hay chữa bệnh vào ngày Sabát, cho nên người biệt phái bực tức và bất bình. Các môn đệ của Chúa bứt lúa ăn vào ngày Sabát (Mt 12, 2). Một người bất toại ở Bêtsaiđa được chữa lành, vác chõng ra đi ngày Sabát (Ga 3, 10). Một thiếu phụ bị còng lưng từ 18 năm, cũng được chữa lành vào ngày Sabát (Lc 13, 10-26). Đến hôm nay phép lạ dành cho một người mắc bệnh thuỷ thủng cũng là vào ngày Sabát.

Thật ra Chúa Giêsu vẫn giữ luật ngày Sabát là ngày vào hội đường nghe giảng dạy hoặc dạy Thánh Kinh (Lc 1, 16-22), nhưng Chúa minh chứng rằng ngày Sabát là ngày của Thiên Chúa và làm việc cho Thiên Chúa như Thiên Chúa đã từng làm việc luôn luôn (Ga 5, 17). Phép lạ hôm nay cũng trong chiều hướng vinh danh Thiên Chúa.

Bệnh thuỷ thủng ta vẫn gọi là phù thủng. Căn nguyên của bệnh này là do tuỵ tạng, thận và phế bị hư hỏng. Vì hư cả ba bộ phận chính đó nên bệnh nhân rất đau đớn vàthầy thuốc rất khó chữa trị, vì chữa được một bộ phận mà chưa chắc đã cứu vãn được các bộ phận kia hay lại làm tình trạng nặng hơn lên. Bệnh thuỷ thủng phát hiện ra bên ngoài trông rất dễ sợ. Cả người sưng to phù mập mạp, lấy tay ấn thành lỗ trũng sâu, rồi thì lại lấp đầy như cũ. Bệnh này đối với thời xưa cũng là bệnh nan y, nhất là khi con bệnh biếng ăn lâu ngày thì coi như bất trị.

Một con bệnh cỡ đó đến với Chúa trong một bữa tiệc do một người đầu mục biệt phái có thiện cảm mời Chúa. Biệt phái không có ai làm đầu chính thức cả, cho nên chữ đầu mục biệt phái đây có nghĩa là một người biệt phái có ảnh hưởng hơn những người khác. Những người biệt phái khác thì rìm xem Chúa có làm gì hôm nay không (c. 1). Thế là một con bệnh chậm chạp len vào giữa đám thực khách. Có thể là họ biết trước Chúa đến đây vì số thực khách bao giờ cũng được chỉ định rõ rệt trước. Có lẽ bệnh nhân này ai cũng biết vì dáng đi lại và thân hình hộ pháp như thế đi giữa những người khoẻ mạnh, là thực khách sang trọng, vì là khách của người biệt phái có tiếng hẳn phải đàng hoàng phép tắc đúng lễ nghi. Nhưng trước khi ăn, bệnh nhân này đã đứng trước mặt mọi người như trời trồng và xin Chúa chữa bệnh (c. 2).

Hẳn là số khách hôm đó khó chịu lắm. Nhưng đồng thời họ cũng mở cờ trong bụng vì đây là dịp tốt xem Chúa có giữ luật ngày Sabát hay không. Biết ý họ, Chúa liền hỏi ý kiến họ trước bằng một câu ý như lần đã chữa người bại tay : “ngày hưu lễ được phép chữa hay không ?” (c. 3). Câu hỏi đó làm họ mắc họng, mắc nghẹn. Nếu trả lời không còn gì là đạo đức, còn gì là tình thương. Nếu trả lời có là về phe Chúa rồi. Cho nên họ đành láng lơ im lặng. Im lặng là thái độ cố chấp rồi. Im lặng cũng có nghĩa là đồng tình đồng ý rồi. Mặc dù bên trong chẳng muốn. Và rồi Chúa đã đưa tay nắm lấy bệnh nhân làm cho khỏi tức trước mặt mọi người.

Chúa giêsu thích làm bằng cử chỉ hơn lời nói để thấy được giá trị việc Chúa làm phép lạ thứ thiệt, chứ không phải là áo thuật hay bùa chú gì. Chúa đưa tay làm một cử chỉ, để chữa bệnh cũng nói lên thái độ Chúa không muốn giữ luật bên ngoài của người biệt phái lúc ấy. Thật ra trong Đệ nhị luật, cũng có một luật “nếu ngươi thấy anh em mình có một con lừa hay con bò nằm tê ở dọc đường người đi qua, hãy giúp nó đứng dậy” (22, ef Lc 23,5). Nhưng những người biệt phái đã coi thường luật này. Theo một tờ báo “…”(1. 61 1911 p.198) có những người Do thái rất ngặt nghèo dù gặp một con vật rơi xuống hay ai rớt ngày đó, họ cũng không vớt. Họ còn giữ nghiêm ngặt hơn cả người biệt phái nữa.

Ở đây Chúa hỏi những người biệt phái rằng “Ai có con bò…” (c. 5). Con vật đó ít ra cũng được kéo lên để làm thịt nhậu hay đem bán chứ. Nếu như vậy tại sao lại không cứu người, một linh hồn quý hơn châu báu trần gian. Có ai lại bỏ bê đồng lúa chín ?Có ai lại không hăm hở đi tìm kho tàng và viên ngọc ? Biết được một linh hồn muốn trở về với Chúa chúng ta không kể thời gian… Cứu bệnh như cứu hoả. Còn linh hồn ? Giới luật nào cũng phải có tình yêu bao trùm. Có tình yêu là có tất cả.


THỨ BẢY

TÌM CHỖ CUỐI CÙNG

(Lc 14, 7-11)


Theo thánh Luca, Chúa giêsu hay được những người biệt phái mời dự tiệc (Lc 7, 36; 11,37; 14, 1). Chúa Giêsu đã không từ chối lời mời của họ. Ngài vẫn cố gắng đem ơn cứu độ cho họ nữa. Và đó là lý do Chúa đi dự tiệc giữa họ. Bữa tiệc hôm nay có Chúa cùng dự tại nhà một người biệt phái có thế giá. Trong bữa tiệc này, Chúa giêsu quan sát thấy người ta tranh giành nhau chỗ nhất trong đám tiệc. Và vì thế mà Chúa giêsu đưa ra dụ ngôn nho nhỏ là đừng có tự cao tự đại chỉ tìm phúc lợi cho cá nhân mình.

Nhóm biệt phái hay tìm chỗ nhất và ghế danh dự trong hội đường (Lc 1, 43.20, 46; Mt 23, 6; Mc 12, 38) và nơi phòng tiệc (Lc 0, 46; Mt 23, 6; Mc 12, 38) và thích được vái chào nơi phố xá (Lc 12, 46). Thấy đó làthái độ cấn sửa sai, Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên : “Khi ngươi được mời dự tiệc cưới chớ đặt mình ngay vào chỗ nhất” (c. 8). Thật ra trong cựu ước cũng đã có những lời khuyên tương tự : “Trước mặt vua, con chớ vênh váo và đừng ngồi chỗ của kẻ quyền cao” (Cn 25, 56. X. Gs 7, 4. 13, 0-10). Trong một luật xưa được ghi trong Lêvi 1, 5 khuyên rằng “ Hãy ngồi dưới hai hoặ ba chỗ, vì thà người ta mờ mình lên hơn là bảo xuống “ (Hillel (20c). Tôi nâng mình lên là tôi hạ mình xuống và hạ mình xuống là nâng lên. Rabbi Simon bên Azzai (110) cũng khuyên thế. Những lời đó rất gần với lời Chúa sau này “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên…” (Ez 21, 31; Lc 1, 52 ; Tv 147, 6).

1. Dụ ngôn này cho chúng ta một bài học rằng trong một đám cưới xin, chỗ ngồi đã được xác định xếp đặt cẩn thận. Cho nên tự đặt mình vào chỗ trọng vọng hơn mình đáng được thì đó là chiếm chỗ và sẽ phải xấu hổ khi được chủ mời xuống, và lúc ấy làm phiền tới nhiều người khác. Nếu không thì phải xuống chỗ bét. Đây cũng là bài học về tính tư cao tự đại. Chúng ta hãy dựa vào một số khả năng, một số uy quyền của mình để cho rằng mình có quyền trên tất cả. Chúng ta thành công trên mọi mặt. Cho rằng mình không thể thua kém gì ai, mình là nhất.

Đối với anh em, thì mình chỉ mơ ước đưa mình lên đến trời và tìm cách hạ anh em mình xuống tận bùn đen. Tự cao tự mãn thường hay phóng đại công việc của mình, khoe mà cầu danh, phô trương hỡm hĩnh, tự hào về những chuyện nhỏ nhen, tức bực về chuyện sơ suất của người khác. Người tự cao luôn luôn cho mình hơn người mà không hơn được thì khổ tâm dằn vặt. Đó là chính mình làm khổ mình.

2. Trong Kinh thánh, Chúa dạy chúng ta phải trở nên nhỏ bé khiêm hạ như trẻ con (Mt 14, 8), phải có lòng hối cải tự hạ trước Thiên Chúa (Lc 17, 10. 18, 10-14). Thật vậy, không gì làm Thiên Chúa chán ngắt chúng ta cho bằng tính tự phụ. Khi chúng ta mắc tính này, Thiên Chúa để mặc chúng ta. Lịch sử của Adong, Babel, các nền văn minh vẫn còn đó.

3. Chúa Kitô cũng nhiều lần dự tiệc. Chúa dùng bữa tại nhà Lazarô (Lc 10, 38-42), tại Cana (Ga 2, 1-11), tại nhà Simon biệt phái (Lc 7, 36-50). Chúa đồng bàn với những người thu thuế như Matthêu (Mt 9, 20), Giakêu (Lc 19, 2-10). Nhưng khi dự tiệc như thế, Chúa Giêsu nhắm tới một bài học : tiệc tùng là một niềm vui (Mt 9, 15), là sự tha thứ (Lc 7, 47), Chúa khuyên khi mở tiệc như thế hãy mời những kẻ ăn mày, tàn tật, què quặt đui mù (c. 13-14) là những người không có hy vọng ăn miếng trả miếng. Chúa muốn nói lên rằng chúng ta phải lo lắng đến những Lazarô nghèo khó (Lc 16, 21), biết giúp đỡ ủi an họ mà không trông mong đền đáp. Trường hợp ấy Chúa nói : “Ngươi có phúc” (c. 14).

4. Hãy coi lại gương Chúa Giêsu, là một vị Thiên Chúa đã từ bỏ tất cả xuống làm thân đầy tớ nô bộc(Ph 2, 6-8).

5. Hãy: “kính trọng người khác hơn mình” (Ph 2,3). Lưu ý tới anh em. Chúa Giêsu đã chết vì yêu, chúng ta không có quyền sống ích kỷ mãi đâu.
Mới hơn Cũ hơn