THỨ HAI
Rm 11,29-36; Lc 14,12-14
Có rất nhiều bữa tiệc mà Chúa Giêsu đã được mời tham dự trong cuộc đời của Ngài: tiệc cưới có, tiệc ly có, tiệc của "người tội lỗi" có, tiệc của kẻ cho mình là công chính cũng có nữa…
Cũng có nhiều dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã dùng để dạy dỗ dân chúng có nội dung là những bữa tiệc: tiệc cưới hoàng tử, tiệc của nhà phú hộ…
Có thể nói, Chúa Giêsu đã dự nhiều bữa tiệc do nhiều hạng người khác nhau mời và khách được mời cũng gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Nhưng nếu những bữa tiệc đó chỉ dừng lại nơi chuyện ăn uống cho vui vẻ no say thì chẳng có gì đáng nói. Điều đáng cho ta suy nghĩ là một bữa tiệc có Đức Giêsu tham dự, mỗi câu chuyện có nội dung là bữa tiệc mà Đức Giêsu kể, đều để lại trong lòng người một ấn tượng mãnh liệt, một hình ảnh sống động và một ý nghĩa sâu xa.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy, nó làm cho người nghe cảm thấy có cái gì còn trắc trở. Chưa hài lòng với bản tính tự nhiên của con người nhưng lại nói lên một sự thật không thể chối cãi. Chẳng lẽ từ đây, khi đã nghe Lời Chúa, mỗi khi thiết tiệc chúng ta phải bỏ rơi anh em, bạn bè, thân thuộc, để chỉ mời những kẻ xấu số thôi hay sao? Chiều sâu của lời mời gọi "đổi mới" này là gì?
Thật ra đó chỉ là một cách Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự ích kỷ, vị lợi mà con người hay mắc phải khi sống với nhau; đồng thời, Ngài mời gọi chúng ta hãy biết chú tâm sống vì người khác, để tâm đến nhu cầu của những kẻ đói khát túng thiếu luôn luôn có bên cạnh chúng ta. Cái cách sống "có vay có trả", "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại" làm chúng ta đánh mất đi phần thưởng đời sau khi kẻ chết sống lại, trong khi điều sẽ tồn tại cho đến cuộc sống đời đời là lòng bác ái yêu thương, là cách sống vô vị lợi, cho đi mà không mong được cho lại. Hãy nhớ lại câu chuyện "người phú hộ" ngày ngày yến tiệc linh đình với bạn bè quan khách, nhưng lại bỏ rơi không mời người ăn mày Lazarô nằm nơi cổng và vì vậy phú hộ đã chẳng nhận được dù là một chút đền ơn của Lazarô vào ngày kẻ chết sống lại.
Giờ đây, chúng ta bước vào Tiệc Thánh Thể. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu thực hiện điều Ngài đã dạy ngày hôm nay: Ngài mời gọi chúng ta là những kẻ xấu số, "đui mù, tàn tật, què quặt" vào bàn tiệc Mình Máu Ngài, những người sẽ chẳng có gì để đền đáp lại cho cân xứng, nhưng sẽ là những người - nhờ Tiệc Thánh Thể này - mà được thêm sức mạnh để có thể thực thi Lời Chúa hôm nay.
THỨ BA
Rm 12,6-16b; Lc 14,15-24
Có nhiều người trong dân Israel thuộc Kinh Thánh, nhất là họ nhớ kỹ lời tiên tri Isaia nói về một bữa tiệc mà Thiên Chúa sẽ đãi Dân trên Núi thánh (Is25,6). Họ mơ ước mình sẽ là người được tham dự bữa tiệc đó. Cho nên khi nghe Chúa Giêsu khuyên người ta hãy đổi mới cách dự tiệc và cách mời người dự tiệc thì họ nhận thấy ngay: một bữa tiệc như vậy sẽ giống như bữa tiệc mà Isaia đã loan báo, nên một người đồng bàn đã nói "phúc cho kẻ dự tiệc trong Nước Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đã không làm ông ta thất vọng. Việc tham dự bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa đó, ông ta sẽ được mời, vì Thiên Chúa đã quyết định từ đây sẽ mời tất cả mọi người, bất luận là hạng người nào, vào tham dự bữa tiệc đó, kể cả những người không cùng một gốc Israel với ông ta.
Bằng dụ ngôn "tiệc cưới hoàng tử", thật là rõ ràng: Thiên Chúa muốn mời ưu tiên những người thân thuộc bạn bè Israel, nhưng những người này đã coi thường lời mời. Những lo lắng phần đời khiến họ từ chối lời mời ân huệ đó. Từ đây, Thiên Chúa muốn mời tất cả: Nước Thiên Chúa sẽ không còn là độc quyền của ai nữa.
Thật hạnh phúc cho chúng ta là những kẻ đã được mời vào trong Nước Thiên Chúa, mà ở trần gian này Nước đó là Giáo Hội.
Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa không phải là đám dân ô hợp lộn xộn, nhưng là một Nước gồm những người ăn mặc "áo cưới". Bộ áo cưới đó là gì? Chúng ta đã nghe thánh Phaolô nói rất rõ: đó là phải mặc lấy tâm tình khiêm tốn và yêu thương khi sống với anh em của mình. Khiêm tốn để phục vụ trong chức vụ của mình và theo ơn riêng mà Thiên Chúa đã ban cho, hầu làm chi thể lẫn cho nhau trong cùng một thân mình. Yêu thương để kính trọng nhau, cầu nguyện và chúc lành cho nhau, chia sẻ của cải cho nhau, vui với người vui, khóc với người khóc…
Và bây giờ, chúng ta hãy mặc áo cưới đó để bước vào dự tiệc Thánh Thể. Chúng ta không còn phải đợi đến ngày cánh chung nữa, nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta đã được tham dự vào bàn tiệc của Chúa, vì ở đâu có Đức Giêsu Kitô thì ở đó có Tiệc Nước Trời.
THỨ TƯ
Rm 13,8-10; Lc 14,25-33
Thoạt nghe Lời Chúa nói trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, ai trong chúng ta cũng thấy rằng: theo Chúa Giêsu Kitô để làm môn đệ của Ngài thật là vất vả và đầy những khó khăn.
Phải yêu Chúa trên hết, hơn cả những người thân yêu. Phải yêu mến đồng loại như chính bản thân của mình và đừng mắc nợ ai điều gì trừ phi là yêu mến nhau. Phải bỏ của cải, mạng sống, và phải vác thập giá.
Trong khi đó, chúng ta thường yêu thương những ai thuộc về mình, gắn bó với mình. Chúng ta thường bảo vệ những gì thuộc về chúng ta: của cải và nhất là sự sống. Chúng ta không thích phải hy sinh, phải từ bỏ vì thế là đau khổ, là thập giá.
Thế mà việc theo Chúa để làm môn đệ đòi hỏi phải đấu tranh giữa hai đòi hỏi ấy: là của bản tính tự nhiên và của lời mời gọi trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Chính cuộc đấu tranh này khiến chúng ta cảm thấy thập giá đã xuất hiện trong đời. Nói cách khác, thập giá chính là đấu tranh để từ bỏ những gì làm cản trở lòng chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu mến anh em như chính mình, là chấp nhận những hy sinh thiệt thòi do cuộc đấu tranh ấy gây ra.
Thật vậy, cuộc sống nào mà có thập giá? Điều quan trọng là chúng ta có chấp nhận thập giá như là một phương tiện để đạt tới ơn cứu rỗi hay không? Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta bằng thập giá, do đó nếu cuộc sống nào không có thập giá hay chối bỏ vác thập giá, thì cuộc sống đó không phải là cuộc sống của người môn đệ Đức Giêsu Kitô.
Thập giá mà chúng ta phải vác nhiều lúc xem ra thật nặng nề, nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách vác sao cho thật nhẹ nhàng, đó là hãy vác theo sau Chúa để học biết cách vác của Ngài. Hơn thế nữa, bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến tham dự bây giờ sẽ là nguồn sức mạnh bồi dưỡng cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta đủ sức mà vác thập giá mình để đi theo Chúa và trở nên môn đệ của Ngài.
Hãy nhớ Lời Chúa mời gọi "Hãy đến với Ta, hỡi những kẻ lao đao vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức" (Mt 11,28).
THỨ NĂM
Rm 14,7-22; Lc 15,1-10
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một hướng sống: sống hay chết đều do Chúa. Chúng ta sẽ tìm hiểu qua hai bài đọc thư Rôma và Tin Mừng Luca.
Trước hết, trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô chỉ trích thái độ trịch thượng tự mãn của những người thích xét đoán người khác. Thánh nhân nêu lý do sâu xa là mọi người đều phải ra trước tòa án của Thiên Chúa, do đó Chúa là cùng đích của mọi hành động của chúng ta, dù là những hành động bất khả kháng như sự sống hay sự chết. Thánh phaolô đã mở ra cho các tín hữu một hướng sống là phải hướng cuộc đời của mình về với Chúa, nghĩa là phải quên hẳn con người của mình đi, "không ai trong anh em được sống cho mình… nhưng là sống cho Thiên Chúa". Từ hướng sống đó, chúng ta phải có trách nhiệm về hành vi của mình, không những đối với người khác mà nhất là đối với Thiên Chúa: "Mỗi người chúng ta phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa". Thế nhưng đối với Thiên Chúa là Đấng chí thánh, làm sao chúng ta xứng đáng được.
Bài Tin mừng của thánh Luca giải đáp cho chúng ta về điều ấy. Giới luật sĩ và biệt phái luôn tự coi mình là hạng người hoàn hảo và coi những người khác là kẻ tội lỗi. Họ kêu trách Chúa vì Chúa đã cùng ngồi ăn uống với quân tội lỗi. Chúa Giêsu đã đưa ra hai dụ ngôn: "Con chiên lạc" và "Đồng bạc bị mất" để cùng đưa đến một kết luận: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải". Thật vậy, trước nhan Chúa ai dám cho mình là vô tội? Chỉ có những người không có hướng sống "cho Chúa" mới dám cho mình là vô tội, là hoàn hảo. Còn những ai có hướng sống đó chỉ dám nhận mình là tội nhân. Do đó, thái độ của họ phải là sám hối không ngừng. Và đó chính là thái độ mà Chúa chờ đợi để Người thể hiện lòng yêu thương của mình.
Giờ đây, chúng ta được mời gọi đồng bàn để dự tiệc yêu thương là chính Thịt Máu Chúa Giêsu, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình sám hối, để xứng đáng hưởng lòng nhân ái của Ngài. Chúng ta hãy luôn luôn tâm niệm: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì con được sạch".
THỨ SÁU
Rm 15,14-21; Lc 16,1-8
Đứng trước sứ mạng truyền giáo mà Giáo Hội đặc biệt mời gọi chúng ta trong ngàn năm thứ ba này, nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy bế tắc, đôi khi nản lòng nữa. Nhưng may mắn thay, Lời Chúa hôm nay như khích lệ chúng ta.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu đoạn Tin Mừng của thánh Luca mà chúng ta vừa nghe. Thoạt nghe, chúng ta có cảm tưởng là dường như Chúa khen ngợi một hành vi bất trung của người quản lý và khuyến khích người ta gian dối. Nhưng không! Chúa không bao giờ dạy người ta như thế. Ngài chỉ muốn nói lên một chân lý, đó là khi ở bước đường cùng, người ta có thể có những sáng kiến bất chợt, và sáng kiến ấy có hiệu quả. Điều này càng đúng khi chúng ta suy tư về vấn đề truyền giáo. Những ai có thao thức truyền giáo chắc chắn có kinh nghiệm này: biết bao lần chúng ta cảm thấy mình bất lực, bất lực trước một trường hợp cứng lòng, trước một hư nết xấu, trước một hoàn cảnh vô vọng… Nhưng lúc ấy, nhiều khi chúng ta bắt gặp một giải đáp mà bình thường chúng ta không nghĩ ra, hay không dám nghĩ tới. Tất nhiên về phương diện này, chúng ta gọi đó là ơn linh hứng.
Chính Chúa Giêsu đã có lần nói với chúng ta: "… Lúc đó chúng con đừng nghĩ mình phải nói gì, vì chính Thánh Thần sẽ nói trong chúng con" (Mt 10,10-20). Như vậy, chúng ta không bao giờ được nản lòng, buông xuôi, trước những khó khăn trên bước đường truyền giáo, vì trong tình huống nào cũng có thể có giải pháp, nếu chúng ta nổ lực tìm kiếm. Đó là điều mà thánh Phaolô vị tông đồ dân ngoại muốn nói với chúng ta trong bài thơ gửi cho tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe.
"Họ sẽ thấy, những kẻ không được nghe loan báo về Người và những người không hề biết sẽ hiểu": lời này phải thôi thúc chúng ta, như đã từng thúc đẩy thánh nhân, làm cho thánh nhân trở thành tư tế của Đức Giêsu Kitô nơi các dân ngoại mà việc hành lễ là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Lời mời gọi đó càng có ý nghĩa đặc biệt trong ngày hôm nay, ngày chúng ta kính nhớ Thánh Tâm Chúa. Chúa đã yêu thương tất cả mọi người và Ngài đang chờ đợi con người đáp trả lại. Nhưng làm sao họ có thể đáp trả lại, khi họ không nhận ra được tình yêu của Chúa? Qua hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể mà Chúa ban cho chúng ta hôm nay, Chúa thêm sức để giúp chúng ta hăng say rao giảng Chúa cho muôn dân. Ước gì sau thánh lẽ này, chúng ta đều trở thành tông đồ truyền giáo.
THỨ BẢY
Rm 16,3-9.16.22-27; Lc 16,9-15
Những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe đã được Ngài nói ra trong cuộc hành trình đi lên Giêrusalem (Lc 9,51-19,28). Ngài lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, mà cũng để được tôn vinh. Ngài đang càng lúc càng tiến gần "giờ" của đời Ngài, giờ chu toàn sứ mạng, giờ thực hiện công cuộc cứu thế. Đây là giai đoạn quyết định của đời Ngài, và cũng là lúc Ngài được mời gọi con người hãy coi là "thời buổi cấp bách" và hãy lo có những quyết định kịp thời, kẻo cơ hội độc nhất vô nhị.
Hôm qua ta đã nghe dụ ngôn của Ngài về người quản lý biết xử trí kịp thời khi ông ta biết mình sắp bị sa thải. Chúa Giêsu muốn mọi người biết khôn lanh trước giờ phút quyết định giống như người quản lý ấy. Chính vì thế, sau khi kể dụ ngôn kia, Ngài nhân thể đưa ra một số lời khuyên thực tế, để hướng dẫn chúng ta trong việc xử trí cho đúng với thời buổi cấp bách: chẳng hạn phải khôn khéo dùng của cải tạm bợ của đời này mà sắm lấy cho mình những thứ có giá trị đời đời - phải sống trung tín, ngay từ trong những việc nhỏ mà Thiên Chúa trao phó cho mình - phải dứt khoát chon con đường làm tôi Thiên Chúa và xa rời con đường làm tôi của cải - phải tránh sự ham của ham danh để đừng bị coi là con người đáng ghê tởm trước mặt Thiên Chúa… Tóm lại là hãy lo sống cho Nước Trời và cho những giá trị đời đời.
Cuộc đời của Chúa Giêsu đang đi vào giờ phút quyết định. Đây sẽ là giờ phán xét thế gian. Đây cũng là giờ người ta bị phán xét hay được cứu rỗi tùy theo thái độ của mình. Loài người đã ở vào giai đoạn cẳng thẳng, buộc phải có những quyết định gấp rút.
Chúa sung sướng biết bao, nếu với tư cách là môn đệ của Ngài, chúng ta biết mau mắn thực thi những lời khuyên thực tế hôm nay của Ngài. Bởi vì khi đó, chúng ta trở thành những kẻ biết khôn lanh xoay sở để tự cứu lấy mình giữa giờ phút nguy kịch, giống như người quản lý trong dụ ngôn Chúa kể.
Chúa sung sướng biết bao nếu chúng ta sống được như những tín hữu gương mẫu mà thánh Phaolô trong đoạn thư vừa rồi đã cẩn thận nêu đích danh. Có người đã là cộng sự viên của ngài trong Đức Giêsu Kitô, có người đã liều mất đầu để cứu mạng sống ngài, để cứu lấy một vị tông đồ cho dân ngoại, có người đã cùng với ngài cam chịu cảnh lao tù gian khổ. Đó là những con người, tuy đang sống giữa xã hội trần gian, đã biết cho thế gian, để miệt mài sống cho Chúa phục sinh và chịu đựng mọi sự vì Tin Mừng.
Do đâu họ đã sống được như vậy? Đoạn Kinh thánh của thánh Phaolô gián tiếp trả lời: do việc họ đã sống theo Lời Chúa Giêsu đã giảng dạy và Tin Mừng mà thánh Phaolô loan báo. Đó chính là mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được mạc khải ra cho loài người, đặc biệt cho dân ngoại. Chính việc mộ mến Lời Chúa, cố gắng uốn nắn đời mình theo Lời Chúa đã giúp các tín hữu đầu tiên đó ngày càng nên vững vàng và có một lối sống gương mẫu, phù hợp với thời cứu rỗi.
Hằng ngày chúng ta có thánh lễ là nơi Chúa Giêsu phục sinh chấm dứt thời cũ của thế gian, mạc khải thời mới của Nước Trời. Mỗi lần đến dự lễ, chúng ta hãy nhớ rằng Nước Trời đã hiện diện, thời thế mạt hay tận thế đã khởi đầu. Đây là lúc chúng ta giống như người ở vào thời buổi cấp bách phải lo gấp rút quyết định một cách sáng suốt, kẻo mãi mãi lỡ dịp. Chúng ta hãy quyết tâm sống cho Chúa và tìm kiếm Nước Trời bằng cách mộ mến và thực thi Lời Chúa. Quyết tâm ngay từ hiện tại, ngay hôm nay, chứ không phải là đợi đến lúc tận thế hay lúc sắp xuôi tay mới quyết định.