Suy niệm mỗi ngày, Tuần 32 thường niên, năm lẻ

 




TUẦN XXXII

Thứ Hai

Kn 1,1-7; Lc 17,1-6

Hai bài Kinh Thánh hôm nay đều gồm những câu ngắn, những ý tưởng được diễn tả một cách vắn gọn, nhất là những câu được viết trong bài Tin Mừng. Cách diễn tả này khiến chúng ta có cảm tưởng như mình vừa đọc hay vừa nghe một số tư tưởng hay lời khuyên của bậc hiền nhân nào đó. Chẳng hạn của Khổng Tử, của triết gia Hy Lạp hay triết gia Latinh. Bởi vì, sách của các hiền nhân và các triết gia ấy cũng thường gồm những câu khuyên dạy ngắn gọn.

Thế nhưng, khi suy nghĩ thêm chúng ta phải nói rằng những lời của hai bài đọc Kinh thánh hôm nay vừa khác vừa hơn hẳn so với tư tưởng của các hiền nhân trên thế gian. Bởi vì đàng sau những lời này, rõ ràng chúng ta có Thiên Chúa, có những con người biết có cuộc sống đời đời và biết có Nước Trời.

Trước hết, những lời của sách Khôn Ngoan là những lời vượt hơn hẳn những tư tưởng thông thường. Chúng do một tác giả sâu sắc tin vào Thiên Chúa viết ra. Tác giả này có lẽ là người đã sống trong cộng đoàn những người Do Thái ở Aicập và ông đã chép sách này vào đầu thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Sách Khôn Ngoan được coi là sách Cựu ước được viết sau cùng. Lúc sách này được viết ra, người Do Thái đang bị người ngoại ngược đãi và bị các tôn giáo khác quyến rũ. Tác giả sách Khôn Ngoan chép sách với mục đích giúp họ kiên trì hơn. Bởi đó, ông nêu lên vinh hiển Thiên Chúa ban cho kẻ lành và hình phạt dành cho kẻ ác, cũng như nêu lên việc Thiên Chúa luôn che chở bênh vực Dân Người.

Trong đoạn ta vừa nghe, tác giả tin chắc rằng những ai tin mến Thiên Chúa và tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ trong sạch, họ sẽ gặp được Người và sẽ nhận được sự khôn ngoan của Người. Tác giả cũng quả quyết rằng thần trí Thiên Chúa tràn ngập hoàn cầu và Người nắm giữ mọi sự, thông biết mọi lời. Đó thật là những tư tưởng của một kẻ có đức tin sâu xa đối với Thiên Chúa và nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự.

Cũng thế, những câu nói có vẻ rời rạc của Chúa Giêsu hôm nay thực ra là những câu nói diễn tả những điều rất sâu sắc. Đàng sau những câu nói đó, đúng là có cả một quan niệm, một tấm lòng của một vị Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, Người không muốn để mất một ai, nhất là không muốn trông thấy một kẻ nhỏ hèn phải hư đi vì gây nhiễm gương xấu, nên Người phạt rất nặng kẻ nào gây ra gương xấu và cớ vấp phạm. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, nên Người chỉ biết tha thứ, chỉ lấy sự tha thứ làm niềm vui, và Người muốn chúng ta liên lỉ tha thứ cho những kẻ phạm đến chúng ta, dù phạm đến bảy lần trong một ngày.

Có lẽ chỉ vì còn yếu kém về đức tin, giống như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay, mà chúng ta chưa thấy được hình ảnh và tấm lòng của Thiên Chúa đàng sau những câu nói có vẻ đơn sơ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xin cho mình được có thêm đức tin và sự khôn ngoan để hiểu biết Lời Chúa, nhất là hiểu biết lòng Chúa. Khi có đức tin và biết suy niệm các lời của Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi lời của Chúa là một ánh sáng cho đời của chúng ta, bởi vì mỗi lời của Chúa là một lời dạy còn sâu sắc và có sức cứu rỗi hơn ngàn vạn lời khôn ngoan của người đời. Và nếu thành thực ngẫm nghĩ, và đem ra thực thi đến cùng, dù chỉ một lời rất ngắn, rất đơn sơ của Chúa, chúng ta có thể có cơ may đi vào tất cả mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa, nhất là có cơ may gặp được chính Chúa, chính cách cư xử của Chúa.

Giờ đây trong thánh lễ, chúng ta được gặp Chúa Giêsu là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến giữa trần gian. Ngài không chỉ dạy lẽ khôn ngoan bằng lời nói, mà còn bằng đời sống, nhất là bằng mầu nhiệm thập giá mà thế gian cho là điên rồ. Xin Ngài ban cho ta ánh sáng đức tin để ta ngày càng hiểu Ngài và ngày càng sống như Ngài.



THỨ BA

Kn 2,23-3,9; Lc 17,10

Lời khuyên của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay có vẻ lạ tai. Ngài khuyên chúng ta hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng, không được gì hơn là phận sự phải làm, sau khi chúng ta đã làm được việc này việc nọ cho Chúa. Chúa như muốn đẩy ta về địa vị thấp kém của ta và bắt ta xác định địa vị tôi tớ của mình, chứ không được kể công hoặc coi mình như người quan trọng.

Qua những lời ấy, phải chăng Chúa Giêsu có ý coi thường công lao của ta và không tôn trọng cho đủ? Hoàn toàn không. Ngài chỉ muốn thiết tha mời gọi chúng ta hãy có tinh thần khiêm tốn như Ngài trong khi phục vụ. Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường để ta được nên giống như Ngài và đó chính là vinh dự lớn nhất cho người phàm chúng ta. Chính khi chúng ta tự ở vào địa vị tôi tớ và lòng khiêm tốn sâu xa, lại là khi chúng ta đang xử sự theo đúng cách Chúa đã chọn để xử sự.

Thật vậy, trước khi khuyên chúng ta sống như tôi tớ và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, chính Chúa đã tự trở nên tôi tớ. Tự xóa mình đi và không hề kể công trước mặt Cha trên trời. Làm được gì, nói được gì, Ngài đều nhận là chính do bởi Cha mà Ngài làm hoặc nói được như thế.

Đàng khác, tuy bảo chúng ta hãy tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, nhưng chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại đã không hề coi chúng ta là vô dụng. Trái lại, chính Chúa luôn ban thưởng hậu hỉ vượt xa mọi công lao có thể có của chúng ta. Điều này đã được tác giả sách Khôn Ngoan đã minh chứng: Thiên Chúa luôn coi chúng ta là con cái của Người, bởi Người đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người, và ban cho chúng ta được sống vĩnh viễn. Hồng ân quí giá nhất Người có thể ban cho chúng ta là cho chúng ta tiếp tục tồn tại sau khi chết, là ghé mắt nhìn đến chúng ta và cho chúng ta được sống bên Người, thậm chí được cùng với Người xét xử các dân tộc và thống trị các quốc gia. Trước mặt Người, con người đã là con cái, chứ không còn là tôi tớ và không bao giờ là tôi tớ.

Nối tiếp Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu còn làm nhiều hơn nữa cho chúng ta: Ngài đã nâng ta lên hàng bạn hữu của Ngài, thậm chí đã làm tôi tớ cho con người, tôn con người lên hàng người chủ của Ngài. Đó là điều Ngài đích thân thực hiện trong quãng đời tại thế và nhất là trong cuộc khổ nạn của Ngài: Ngài đã đến, không chỉ để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ (Mt 20,28). "Còn Ta, Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu bàn" (Lc 22,27). "Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã chỗi dậy, bỏ áo xống đi và rửa chân cho các môn đệ" (Ga 13,4-5).

Đặc biệt, mỗi khi thánh lễ được cử hành, chúng ta lại thấy mình đúng là vị khách quí, những người chủ được Chúa Giêsu phục dịch bằng cách thí mạng sống Ngài và trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Đây lại là lúc Ngài tự hủy chính mình, trở thành tôi tớ vì con người. Gương mẫu đó của Ngài thôi thúc chúng ta biết khiêm tốn, càng ngày càng khiêm tốn trong khi phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của mình, đồng thời khích lệ chúng ta trong việc coi thường mọi tước vị vinh hoa của thế gian để chọn theo một vinh dự mà thôi: là suốt đời sung sướng làm đầy tớ cho một vị Thiên Chúa đã yêu quí con người đến độ hóa nên đầy tớ hầu hạ con người để làm cho con người đời đời hạnh phúc.



THỨ TƯ

Kn 6,2-12; Lc 17,11-19

Những lời trong đoạn sách Khôn ngoan, tuy rõ ràng được nói rõ cho bậc vua chúa và các vị lãnh đạo quần chúng, nhưng cũng là những lời áp dụng được cho mọi kẻ có quyền nói chung - như các gia trưởng, bậc cha mẹ, các vị đứng đầu các nhóm, các cộng đoàn. Tác giả sách ấy muốn quả quyết rằng: quyền bính mà người ta có luôn luôn bởi Thiên Chúa. Đây là một vấn đề vô hình, nhưng là một sự thật. Sở dĩ Thiên Chúa muốn cho người này, người kia có quyền lãnh đạo, chính vì Người muốn dùng người đó làm hiện thân cho tình thương của Người, dùng người đó làm dấu chỉ giúp người ta thấy Thiên Chúa. Đặc biệt, các Kitô hữu cầm quyền hoặc có vai trò lãnh đạo trong xã hội phải là những kẻ làm cho người ngoại thấy đạo của chúng ta, thấy những nét đặc thù của đạo chúng ta.

Bởi đó, quyền hành là một ân huệ Thiên Chúa ban. Kẻ có quyền cần có lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và biết dùng quyền mà phục vụ anh chị em mình. Tác giả sách Khôn Ngoan hôm nay cho biết là Thiên Chúa sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng của kẻ cầm quyền, do đó các kẻ cầm quyền cần say mến Lời Chúa để biết thực thi sự công chính.

Tiếc thay, biết bao kẻ có quyền hành đã không biết ơn Thiên Chúa và đã lạm quyền, vừa làm hư hỏng chính mình, vừa làm khổ đồng loại. Có thể nói số người có quyền mà biết nhận thức cho đúng và biết dùng quyền cho đúng thật họa hiếm. Họa hiếm như trường hợp mười người phong cùi được hồng ân của Chúa Giêsu, tức là được ơn khỏi bệnh, mà chỉ có mỗi một người nhận biết ra hồng ân và quay lại cảm tạ Chúa, nguồn phát sinh ơn huệ mình đã nhận được.

Chính vì thế, hôm nay mọi người Công giáo đang ở địa vị nắm quyền - chẳng những nắm quyền trong xã hội, mà còn nắm quyền trong các gia đình, hay các hội đoàn, cộng đoàn - chúng ta hãy suy nghĩ về những điều mà sách Khôn Ngoan đã nêu ra. Nhất là trong đời sống, chúng ta hãy sống theo đường lối của Chúa Kitô Vua: Ngài thực sự là Vua trên hết các vua, nhưng Ngài đã lấy tình yêu thí mạng làm cung cách sống - Ngài thực sự là Thầy, đúng như các người phong cùi xưng hô, nhưng là vị Thầy chỉ biết xót thương và chỉ biết sống khiêm tốn, bằng chứng là Ngài vẫn tôn trọng lề luật và bảo các kẻ phong cùi lo đi trình diện tư tế - Ngài là Chúa, đáng cho người phong cùi trở lại "sấp mình dưới chân" thờ lạy, nhưng là vị Chúa chỉ thích phục vụ con người và xoa dịu những nỗi khổ của con người - cách hành xử quyền bính của Chúa hoàn toàn khác với cách hành xử kiêu căng và trịch thượng của đa số con người có một chút quyền.

Giờ đây, chúng ta sắp thực sự đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài chính là Đấng đã tự hạ đến cùng và nay đang là Vua hoàn vũ. Ngài nắm trong tay mọi quyền bính đối với trời đất. Nhưng Ngài là Vua trong tư thế thí mạng mình vì nhân loại, trong tư thế phục vụ hạnh phúc đời đời của con người. Chúng ta thiết tha xin Ngài ban cho chúng ta có được tinh thần khiêm tốn của Ngài, vừa biết ơn Thiên Chúa vì quyền hành Người ban, vừa biết dùng chính quyền hành ấy làm phương thế hầu hạ anh chị em, và qua thái hiền hòa dịu dàng của chúng ta, chúng ta sẽ giúp kẻ khác thấy được thế nào là tình thương và sự dịu hiền ân cần của Thiên Chúa.



THỨ NĂM

Kn 7,22-8,1; Lc 17,20-25

Lời Chúa hôm nay khuyên mời chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan và Nước Trời.

Đoạn sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe mô tả một cách phong phú về những đặc tính của sự khôn ngoan: nó duy nhất mà lại đa diện, nó tinh truyền, chắc chắn, nó thấu suốt mọi sự, vì nó hết sức trong sạch, nó xinh đẹp và trổi vượt hơn cả mặt trời và ánh sáng. Thậm chí, theo đoạn này, sự khôn ngoan gắn liền với Thiên Chúa: nó được coi là hơi thở của Thiên Chúa, là sự phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa và sinh hoạt hay tác động gần như một ngôi vị.

Với sự mô tả như thế, chắc chắn tác giả nghĩ đến sự khôn ngoan như một cái gì cao cả, đáng quí gấp bội so với sự khôn ngoan thông thường mà loài người vẫn hiểu. Chính vì thế, sự khôn ngoan là đối tượng đáng cho người ta nỗ lực tìm kiếm. Hơn nữa, những ý tưởng lạ lùng của tác giả còn khiến cho người Dothái ở cuối thời Cựu ước nôn nao chờ đợi một sự tỏ hiện nào đó của sự khôn ngoan, vì người ta cảm thấy sự khôn ngoan ấy giống như một ngôi vị, giống như một sứ giả mà Thiên Chúa có khi sẽ gởi vào trần gian để điều khiển và đổi mới mọi sự. Người ta ngày càng hướng về sự khôn ngoan không phải như hướng về và tìm kiếm một sự vật, mà như đợi chờ một người, một vị.

Và quả thật, đối với các Kitô hữu đầu tiên, điều người ta chờ đợi đã xảy đến thật: Chúa Giêsu, đã có vẻ là chính sự khôn ngoan ấy của Thiên Chúa. Mọi điều tác giả từng mô tả về sự khôn ngoan đều có thể được áp dụng cho Chúa Giêsu. Ngài chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến tỏ mình và hoạt động giữa loài người. Chính vì thế, đối với chúng ta là người sống trong thời Tân ước, lòng quí mến đối với sự khôn ngoan phải được chuyển sang cho Chúa Giêsu. Đối tượng mà từ nay chúng ta phải tìm kiếm và yêu quí trên hết mọi sự chính là Chúa Giêsu.

Theo đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gián tiếp cho thấy chính Công giáo là Nước Trời, và Nước ấy thật mầu nhiệm, vì vừa không biết bao giờ mới xuất hiện, vừa đã bắt đầu ở giữa loài người ngay từ hiện tại. Sở dĩ thế, bởi vì Nước ấy là chính Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của Nước Trời, người ta chỉ có thể gặp được Nước Trời ở nơi Ngài mà thôi, chứ chẳng mong gặp được ở nơi khác.

Do đó, kẻ sống ở thời Tân ước được mời gọi hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu, hãy mau mắn đón Ngài vào đời mình, hãy biến đổi đời mình theo Ngài, hãy đặt Ngài làm trung tâm đời sống.

Người Do Thái ở cuối thời Cựu ước phải hăm hở tìm kiếm sự khôn ngoan bao nhiêu để được nên người đẹp lòng Thiên Chúa, thì chúng ta bây giờ cũng phải dồn hết mọi cố gắng để tìm và gặp Chúa Giêsu như vậy. Đây là điều duy nhất đáng làm và cũng là điều duy nhất mang lại ý nghĩa thật cho đời làm người. Chúa Giêsu hôm nay nói: "Sẽ có ngày các con ao ước thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy". Ngài có ý nói đến giá trị vô cùng lớn lao của việc biết Nước Trời và việc gặp Ngài. Người ta có thể bỏ phí đi một cơ may ngàn vàng, nếu lơ là việc đến với Ngài. Chúng ta được mời gọi hãy đón Ngài ngay trong hiện tại, không để đến lúc có dấu hiệu tận thế và Ngài sắp trở lại mới hướng về Ngài.

Thật hạnh phúc cho chúng ta khi mỗi ngày chúng ta lại được đích thân gặp Ngài trong bí tích Thánh Thể. Những giờ phút này còn đáng giá hơn nhiều so với diễm phúc của người thời Cựu ước được hưởng nếm sự Khôn Ngoan. Bởi vì nhờ thánh lễ giây phút hiện tại của đời sống ta hoàn toàn đổi khác: nó trở thành lúc đời ta được ở trong Nước Trời, bởi vì được ở trong Chúa Giêsu là chính Nước Trời. Thánh lễ chính là lúc "Nước Trời ở giữa chúng ta". Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta luôn mau mắn đi đón gặp Ngài, để nhờ thế, ngay trong hiện tại, đã hằng được hưởng nếm đời sống êm đềm an bình của kẻ được sống trong Nước Trời.



THỨ SÁU

Kn 13,1-9; Lc 17,26-37

Người Công giáo chúng ta hay thắc mắc về ngày tận thế. Người ta nói đến việc tận thế sẽ xảy ra năm này năm nọ. Lắm kẻ dựa vào câu không rõ thuộc sách nào "chẳng qua 2000 năm đâu" để bảo rằng năm 2000 sẽ là lúc tận thế. Nhưng theo Tin Mừng của thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói rõ: "Về ngày ấy hay giờ ấy thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là một mình Cha" (24,36). Chúng ta hãy nhớ kỹ câu ấy và đừng thắc mắc về năm tháng ngày giờ xảy ra tận thế nữa.

Phải nói rằng, theo Tân ước, tận thế đã xảy ra rồi. Chính khi Ngôi Hai đến trần gian, thực hiện việc cứu thế, đúng như Cựu ước báo trước, là khi thời tận thế đã xảy ra. Nghĩa là việc Ngôi Hai nhập thể, chịu chết và sống lại đã chấm dứt thời cũ, khai mạc thời mới. Vậy tận thế đã bắt đầu từ hơn 2000 năm nay và hiện giờ chúng ta đang sống trong thời mới, thời tận thế, thời cánh chung, khác hẳn với thời Cựu ước là thời chuẩn bị. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca có ý mô tả tỉ mỉ về ngày tận thế hay không? Có lẽ những điều thánh Luca kể lại là những điều đã xảy ra năm 70, ít năm sau khi Chúa về trời, khi quân Rôma đánh chiếm Giêrusalem và gieo rắc nhiều kinh hoàng. Thánh Luca đã mượn những điều ấy để mô tả cho chúng ta hiểu rằng lúc tận thế, trời đất và cuộc sống cũng đảo lộn như vậy, giống như khi một trang sử cũ chấm dứt và một trang sử mới bắt đầu.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, tận thế đã xảy ra rồi. Dĩ nhiên sẽ còn một cuộc tận thế nữa, lúc Chúa từ trời đến lại, nhưng cuộc tận thế ấy chỉ hoàn tất cuộc tận thế thứ nhất, xảy ra lúc Chúa Giêsu chết và sống lại. Đối với chúng ta, ngày tận thế chung cuộc ấy xảy ra năm nào, có động đất, có mưa diêm sinh hay không, điều đó chẳng mấy quan trọng. Nó không khiến chúng ta phải lo sợ gì, vì lúc nào chúng ta cũng đã thuộc về Chúa và kể như chết cho thế giới cũ rồi.

Đối với chúng ta, trong lúc đang sống đây, chỉ còn hai bổn phận mà thôi: một là lo sống cho Chúa hết mình - như lời của Chúa Giêsu nói hôm nay: "Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất sự sống mình thì giữ được nó". Như thế chỉ có một điều chúng ta phải tránh là đừng bám vào thế gian, đừng lo vun vén cho sự sống thế tục của mình, mà lo dồn sức sống cho Chúa để chắc chắn được cứu rỗi. Bổn phận thứ hai là truyền giáo: vì biết rằng tận thế đã xảy ra và Chúa đang đến, khiến thời hiện tại là thời buộc người ta phải quyết định cấp kỳ về phần rỗi đời đời của mình, nên chúng ta vội vã loan báo Tin Mừng cho mọi người và khuyên giục người ta hối cải, tin nhận Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ mới, chung quanh chúng ta còn biết bao anh chị em chưa nhận biết Chúa. Họ là những kẻ - đúng như sách Khôn Ngoan hôm nay nói - đã nhìn thấy bao nhiêu kỳ công của Thiên Chúa trong trời đất mà không nhận ra chính Đấng đã dựng nên những kỳ công ấy. Họ chỉ mới đi được một phần của con đường đến với Thiên Chúa. Họ vừa không đáng trách, bởi vì có ý tìm Thiên Chúa nhưng lầm tưởng núi sông sấm chớp là Thiên Chúa - vừa đáng trách, vì đã có trí khôn hiểu biết các kỳ công trong vũ trụ, mà lại không nhận ra chính Thiên Chúa, Đấng dựng nên các kỳ công ấy.

Tất cả họ là những người đầy thiện chí. Chúng ta hãy dùng lời nói, nhất là dùng sự tiếp xúc thân tình và đời sống làm chứng của mình để giúp họ nhận biết Thiên Chúa và hiểu rằng họ đang được Thiên Chúa là Cha đợi chờ từ đời đời, để ban cho sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu, xứng với địa vị làm người.

Mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy nhớ là mình đang gặp Chúa Giêsu phục sinh và đang thuộc về thời đại cánh chung, tận thế. Ước gì khi bước ra khỏi nhà thờ, chúng ta quyết tâm coi nhẹ mọi bận tâm đối với cuộc sống thế tạm để đặt hai việc lên hàng đầu: đó là lo hạnh phúc đời đời của mình bằng cách sống hết mình cho Chúa - và lo cho phần rỗi đời đời của anh chị em ngoại giáo, bằng cách hăng say tham gia vào công cuộc truyền giáo của toàn thể Giáo Hội.



THỨ BẢY

Kn 18,14-16.19,6-9; Lc 18,1-8

Sách Khôn Ngoan được viết trước Chúa Giêsu chỉ một thế kỷ. Chắc chắn Thiên Chúa đã dùng tác giả sách này dọn lòng người ta chờ đón thời của Thiên Chúa sai Con Một đến thực hiện việc cứu thế. Thật vậy, nếu không có Chúa Giêsu, những lời của sách Khôn Ngoan hôm nay thật khó hiểu. Chúng ta chẳng biết tác giả nói về sự việc gì khi bảo rằng: sự khôn ngoan sẽ xuất hiện như một dũng sĩ rắn rỏi, xông tới miền đất bị tiêu diệt, gieo chết chóc khắp muôn loài, nhưng lại gìn giữ thần dân Chúa được an toàn, y như trong cuộc xuất hành khỏi Aicập ngày xưa.

Trái lại, nhờ có Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ngay rằng những điều khó hiểu đó đã xảy ra khi Chúa Giêsu đến. Chính Ngài là sự khôn ngoan, là dũng sĩ đến thực hiện cuộc băng qua Biển Đỏ lần thứ hai, vẻ vang hơn lần thứ nhất. Chính nhờ Ngài, nhân loại đã "như đoàn chiên nhảy mừng và đã tán dương Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ".

Tất cả con người, đời sống và sự nghiệp của Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài thật là Vị Cứu Tinh mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. Thêm vào đó, bài Tin Mừng hôm nay cũng giải thích cho chúng ta hiểu thêm về việc chúng ta được cứu rỗi: đó là vị Thiên Chúa là Đấng nhân lành, không bao giờ làm ngơ trước những lời kêu xin của con cái, không bao giờ bỏ mặc con cái trong cơn túng quẫn. Nếu ông thẩm phán "không kính sợ Thiên Chúa" mà còn nhận lời nài van của bà góa thì huống hồ là Thiên Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa yêu thương con người hơn ông thẩm phán ấy ngàn vạn lần. Chắc chắn Thiên Chúa không bịt tai trước những lời kêu xin thiết tha của chúng ta. Việc Thiên Chúa sai Con Một đến thực hiện cuộc Vượt Qua mới chắc chắn đã do việc Người không cầm lòng được trước tiếng kêu thống thiết của bao thế hệ con người, nhất là của bao người Do Thái đạo đức vào cuối thời Cựu ước, trong đó có Mẹ Maria.

Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta về hiệu năng của sự kiên trì cầu nguyện. Để có thể thoát khỏi mọi gian khó trong đời sống cá nhân, nhất là những gian khó thuộc phần hồn, chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện. Để giúp bao người chung quanh chúng ta nhận biết Chúa và giúp bộ mặt thế gian được đổi mới do ơn cứu rỗi, chúng ta hãy gia tăng lời cầu nguyện: cầu nguyện trong giáo xứ, trong gia đình, và trong tâm hồn cá nhân.

Xin Chúa Giêsu - Người Con mọi lúc hằng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa Cha bằng việc cầu nguyện liên lỉ - Xin Mẹ Maria, Đấng đã chuyên chăm cầu nguyện để sống trước nhan Chúa và lắng nghe Chúa phán dạy, giúp mọi người chúng ta trở thành những con người "thường trực cầu nguyện", để nhờ đó, chúng ta nhận được muôn ơn cho bản thân và cho mọi người chung quanh.

Mới hơn Cũ hơn