Suy niệm mỗi ngày, Tuần 34 Thường niên, năm lẻ



TUẦN XXXIV

THỨ HAI

Dan 1,1-6.8-20; Lc 21,1-4

Chúng ta đang sống tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, những ý tưởng về ngày chung thẩm ít nhiều cũng có âm hưởng trong cuộc sống người tín hữu hôm nay. Đã có một thời hình ảnh khắc nghiệt gieo trong tâm khảm mọi kẻ tin một tâm trạng sợ hãi đối với ngày phân xử ấy, và không ít tín hữu hôm nay vẫn còn những ấn tượng ghê sợ về ngày đó, dù chỉ là những ấn tượng rất mơ hồ. Lời Chúa hôm nay, dĩ nhiên không nhằm giải thể những "vang bóng một thời", nhưng giúp mỗi người nhận diện được dung mạo trung thực hơn của Thiên Chúa chúng ta.

Trước hết sự phân xử đã diễn ra không như một phiên tòa: theo đó đối tượng bị xét xử và Người xét xử là hai con người không có cùng một liên đới với sự kiện xét xử. Ở đây, Đấng xét xử chính là Đấng đã ban cho kẻ bị xét xử được dư tràn mọi ân huệ, kể cả ân huệ cho họ được mọi người thương mến, được trở nên xinh tươi đẹp đẽ phương phi ngay giữa những thiếu thốn… được một trí tuệ khôn ngoan hơn mọi người, để xét xử về mặt là người, họ được kể vào những con người ưu tú. Tuy nhiên, điều mà Đấng xét xử chờ đợi nơi họ, chính là họ nhận biết và trung thành nhận lấy mọi sự từ bàn tay nhân từ của Người. Bốn thiếu niên thuộc dòng tộc Giuđa tin và muốn tín trung với niềm tin rằng: chính Lời Hằng Sống và Lề Luật của Thiên Chúa mới là lương thực mỗi ngày của họ. Họ từ khước mọi của ăn vật chất cao lương mỹ vị của nhà vua để chỉ ăn theo lề luật Chúa dạy. Họ không chịu để những học thức và văn minh ngoại giáo đồng hóa tâm trí họ mà chỉ suy nghĩ theo lẽ khôn ngoan của Lời Hăng Sống.

Thái độ của bốn thiếu niên ấy được lặp lại dưới một hình thái đơn giản hơn trong thái độ của bà góa trong Tin Mừng: "Còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình". Thiên Chúa Đấng xét xử, luôn chờ đợi nơi mỗi người một thái độ như vậy.

Nói được rằng kẻ bị xét xử và Đấng xét xử có chung một vân mệnh trong sự kiện được xét xử.

Ý tưởng này khiến cho chúng ta đọc được dung mạo và tâm hồn của Đấng xét xử chúng ta mà hình ảnh người cha trong đoạn Tin Mừng "Đứa con phung phá" đã gợi lên Thiên Chúa ngóng chờ với một lòng dạ bồi hồi, lo lắng ngày đứa con trở về.

Ngoài ra, Lời Chúa hôm nay cũng muốn làm nổi bật một ý tưởng quan trọng khác về ngày phân xử: cuộc phân xử không phụ thuộc vào lời phán xét chung cuộc của Đấng xét xử, nhưng lời ấy đã được tuyên phán ngay trong quyết định là lựa chọn của chính con người chúng ta.

Bốn thiếu niên đã được giải thoát không phải bởi can thiệp kỳ diệu nào, nhưng là do sự chứng nhận của Thiên Chúa trong từng quyết định cuộc sống của họ. Cũng như đối với người đàn bà góa nọ, Đức Giêsu đã nhìn và ca tụng bà ngay trong lúc bà bỏ vào hòm tiền hai đồng tiền nhỏ.

Phải, số phận đời đời được quyết định ngay trong thời hiện tại. Vinh quang dành cho những ai trong ngày hôm nay biết làm nên với Đức Giêsu một định mệnh duy nhất.

Bàn tiệc Thánh Thể là nơi Chúa cống hiến định mệnh đời mình cho những kẻ tin. Nơi bàn tiệc Thánh này Ngài muốn cho chúng ta nên một thân thể với Ngài, để từ bàn thánh này ra đi mỗi người có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa Giêsu sống trong tôi".



THỨ BA

Đan 2,31-45; Lc 21,5-11

Ngay giữa thời đại văn minh vẫn nổi lên ở khắp nơi những tin đồn về ngày khánh tận, đặc biệt mỗi khi có nguy cơ chiến tranh cấp vùng: phải chăng nó phản ánh một cách đọc những đoạn Kinh Thánh hôm nay? Chúng ta cũng không chối bỏ những giá trị lịch sử khách quan của Lời Mạc Khải, nhưng Lời Mạc Khải không nhằm dạy những chân lý khoa học và lịch sử theo nghĩa thông thường của nó, mà chỉ nhằm dạy những chân lý cứu độ. Vì thế, chúng ta đừng quá tò mò, đừng để quá bị xúc động bởi những trường hợp lịch sử, nhưng hãy hết lòng chuyên tâm vào chân lý mạc khải.

Lời Chúa rõ ràng trình bày về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và quan tâm đến Nước ấy như là lời giải đáp cho mọi biến động của lịch sử nhân loại.

Nước Thiên Chúa xuất hiện ngay giữa lòng lịch sử, đó là chân lý đầu tiên mà cả bài tiên tri Đaniel lẫn bài Tin Mừng muốn khẳng định. Người ta không thể chờ đợi một Nước Thiên Chúa như là biến cố ngoài lịch sử, ngoài cuộc sống. Chân lý này có cả một bằng chứng lớn lao và sống thực của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngay giữa lòng của một dân tộc, một mảnh đất, một thời đại, mà Nước Thiên Chúa đã được khai sinh và phát triển. Chân lý này vẫn còn cần được rao giảng cho người thời đại hôm nay. Biết bao con người đã mang một thái độ vong thân khi đi tìm một Nước Thiên Chúa ở bên ngoài dân tộc, đất nước và xã hội của mình.

Tuy nhiên, chính Đaniel và rồi chính Đức Giêsu cũng quan tâm đến một thái độ sai lạc khác, khi Đaniel nhấn mạnh với đức vua rằng: Nước Thiên Chúa cho dù xuất hiện ngay giữa lòng lịch sử, nhưng lại không phải do bàn tay con người làm ra, nhưng "chính Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên…". Cũng như Đức Giêsu đã nói tới cái bối cảnh lịch sử khách quan khi Nước Thiên Chúa hoàn thành trong lịch sử, nhưng bối cảnh không phải là yếu tố cấu thành của "Nước Thiên Chúa". Nước Thiên Chúa là tiếng nói chung cuộc của lịch sử, sẽ thay thế toàn vẹn lịch sử, nhưng sự thay thế ấy không thể hiểu như là một cuộc chiến tranh tàn phá và hủy diệt. Điều quan trọng mà mạc khải muốn trình bày chính là lời Tin Mừng sau đây: "Chính Ta đây, và thời gian đã gần đến". Đấng đã tự xưng mình "chính Ta đây" ở đầu mạc khải cho Môisen (x. Xh) để mạc khải lịch sử, chính Người đã đi trong lịch sử tang thương của một kiếp người, của một dân tộc, của một nhân loại. Chính Người phải đến, phải xuất hiện như là một nói cuối cùng của lịch sử. Lịch sử không làm thành bởi bàn tay con người, nhưng là từng bước đi của Đấng luôn tự xưng mình "chính là Ta".

Bởi vậy, thái độ của những kẻ tin không phải là chạy theo những biến đổi của lịch sử khách quan, cho dù nó biến đổi theo một xu hướng như thế nào, nhưng họ luôn tỉnh thức tìm kiếm "vết chân Ngài", Đấng đã nhiều lần trong chuỗi dòng lịch sử khẳng định "chính là Ta". Họ muốn đặt từng bước chân đời mình vào "vết chân Ngài", Đấng đã bước vào lịch sử và còn đang đi cho đến ngày cùng tận. Những chuỗi ngày kinh hoàng của "Biển Đỏ" ngày xưa khi bước chân Người đi qua giữa cảnh từng đoàn lớp hùng binh của Pharaô ngã gục giữa lòng biển cũng như tha cho họ phải lê bước 40 năm trong sa mạc khô cháy và đói khát. Những tháng ngày sụp đổ trong biển máu và lửa của Giêrusalem dưới gót dầy của quân đội Rôma để vĩnh viễn xóa đi sự thống trị của đền thánh Giêrusalem với giao ước cũ, cũng không tha cho những kẻ tin vào giao ước mới những thế kỷ quằn quại ở các pháp trường. Quả thực, Đấng tự xưng mình "chính là Ta" đã đi trong những biến cố đó, nhưng không đồng hóa mình với bất kể là biến cố nào. Người vẫn bước đi trong lịch sử mầu nhiệm cứu độ của Người, và những kẻ tin luôn luôn bị đòi hỏi phải tỉnh thức để tìm kiếm Người.

Bàn tiệc Thánh Thể là mầu nhiệm của lịch sử bước chân Người: tất cả lịch sử dường như cô đọng lại nơi lời tuyên bố long trọng: "Này là Mình Ta… Này là Máu Ta", đó chẳng phải là lời của Đấng luôn tự xưng "chính là Ta" đó sao?

Những người tin hiểu rằng chính nơi bàn tiệc này mà tất cả lịch sử đã khởi đầu và hoàn thành, và họ có mặt ở đó, bám trụ vào giây phút trọng đại ấy để tin chắc mình đang đứng vào đúng "vết chân Ngài". Họ sẽ phải làm cho thánh lễ xuất hiện trong cuộc sống hôm nay, để thánh lễ là tiếng nói cuối cùng của cuộc sống ấy.



THỨ TƯ

Dan 5,1-6.13-14.14-16.23-28; Lc 21,12-19

Lời Chúa hôm nay rõ ràng có mục đích củng cố lòng tin và sự cậy trâng của các môn đệ trong những bách hại và đau thương họ phải chịu "vì Danh Thầy".

Trải qua từ đời Nabuchodonosor cho đến đời Baltassar, Đaniel và các bạn của ông đã chứng kiến tận trong xương tủy mình cảnh đau thương quằn quại của Dân Chúa trước các bạo lực của tối tăm, sự hủy hoại của đền thánh trước những gót dầy của quân xâm lược, sự khinh mạn ngang ngược mà dân ngoại phỉ nhổ trên nơi cực thánh. Tuy nhiên, Thiên Chúa của Isarael lại đã bước đi trong mọi khổ nhục và cùng Dân đi lưu đày nơi đất khách quê người, Người ở với họ ngay trong những tù ngục, và ở đó Người đã làm đổ nhào mọi quyền lực tối tăm.

Từ trong các nhà tù ở Babylon Người nắm mọi vận mệnh của vua chúa. Đaniel và các bạn của ông là những chứng nhân của quyền năng Thiên Chúa trên mọi dân nước và mọi triều đại. Câu chuyện xảy ra chung quanh bàn tiệc của vua Baltassar muốn chứng minh chân lý ấy. Đaniel và các bạn của ông hoàn toàn chỉ là công cụ tầm thường nhưng hết mực trung tín của Thiên Chúa. không thể cát nghĩa được về sự khôn ngoan, tài ứng đối và cách cư xử tuyệt vời của những chứng nhân khiêm hạ này, ngoài sự nhận biết "chính là Thiên Chúa" đang hành động, đang dẫn dắt dòng lịch sử của dân tộc nơi con người các tôi tớ của Thiên Chúa.

Những gì đã xảy ra Đaniel, những gì đã xảy ra thời Antiochô Epiphanê cho dân Israel, cũng sẽ xảy ra cho mọi thời đại các chứng nhân.

Điều mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay chính là: "Vì Danh Thầy".

Phải, chính Ngài đã được các tiên tri loan báo là "Người tôi tớ" của Thiên Chúa, là "người chứng" của Thiên Chúa, chính Ngài đã được Thiên Chúa đặt lên làm quan án xét xử mọi dân tộc ngay lúc Ngài bị treo trên thập giá. Và lời xét xử ấy là vĩnh viễn, và án xử đầu mục thế gian và quyền lực tối tăm đã được tuyên ra nơi thân xác bị treo lên.

"Vì Danh Thầy" mỗi thế hệ các môn đệ đều phải làm chứng về điều ấy. Lịch sử: quá khứ, hiện tại và tương lai mỗi người môn đệ đã trở nên rõ ràng trong biến cố xét xử mầu nhiệm này.

Cuộc sống người môn đệ, mà đặc biệt trong từng biến cố khổ đau nếu thực sự họ biết trở thành công cụ trung tín cho Lời Thiên Chúa, cho Thần Trí của Người, thì chính những biến cố ấy trở nên hành động của Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử mọi dân tộc "vì Danh Thầy".

Hơn lúc nào khác, chính khi tham dự sống động vào tiệc của Đức Giêsu, người môn đệ một mặt tự hiến mình trở nên công cụ khiêm tốn của Ngài, nhưng mặt kia lại "vì Danh Thầy" mà khai sinh ra một thế mới. Phải, chính khi trở thành công cụ cho Đức Giêsu, để làm ra Thánh Thể nơi bàn tiệc Thánh, thì chính Thánh Thể đã làm cho nhân loại trở nên Dân Thánh cho Thiên Chúa. Nhờ thế, người môn đệ thâm tín rằng trường dạy họ biết sống "vì Danh Thầy", trường dạy họ trở nên "chứng nhân về các điều ấy" chính là nơi bàn tiệc của Chúa mỗi ngày.



THỨ NĂM

Dan 6,11-27; Lc 21,20-28

Cho dù chúng ta phải khước từ lối nhìn ngày chung thẩm qua những hình ảnh chết chóc kinh hoàng gây khiếp sợ, vì nó làm biến dạng chân thực của Thiên Chúa đầy lòng từ bi và nhân hậu, nhưng chúng ta không thể đánh mất tính triệt để của ngày ấy. Những bài đọc hôm nay muốn trình bày cho chúng ta về những khía cạnh này.

Để trở thành chứng nhân cho lịch sử cứu độ, Đaniel phải chịu ném xuống hầm sư tử. Và tính triệt để đã được bộc lộ ở đó. Trong những bài đọc trước đó, Đaniel đã là chứng nhân qua những lời biện bạch khôn ngoan vượt trên mọi kẻ khôn ngoan, nhưng bản thân ông vẫn thênh thang từng bước đi lên những đỉnh cao danh vọng và địa vị. Sự khôn ngoan siêu phàm ấy cũng đầy tính thuyết phục. Thế nhưng, lịch sử vẫn lầm lì xây dựng thế lực chống đối là Dân Thiên Chúa chung quanh các ngai vàng. Chỉ khi Đaniel chịu bị ném xuống hầm sư tử, thì lịch sử mới triệt để trở thành lịch sử cứu độ. Hầm sư tử không phải là mồ chôn của những người chứng tá, nhưng thực sự là mồ chôn của các thế lực đối kháng. Đaniel không do tài sức bản thân để thoát khỏi nanh vuốt sư tử, nhưng chính là Thiên Chúa hằng sống đã giải thoát cho ông. Chứng từ của người tôi tớ là chứng từ về một sự sống chân thật ngay giữa nấm mồ kiên cố của sự chết.

Tính triệt để của ngày chung thẩm còn được trình bày sáng chói hơn nơi bài Tin Mừng: ngay giữa sự khốn cực cả thể: ngay cả những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ, từng lớp lớp ngã gục dưới lưỡi gươm, từng đoàn lũ trong xiềng xích lưu đày, giữa những rung chuyển của các vì sao tung vỡ… thì này đây Con Người hiện đến trong quyền năng và uy nghi cao cả bên cạnh những mái đầu các chứng nhân đang đứng dậy và ngẩng lên trong sự cứu độ.

Tính triệt để nằm ở điều này: những kẻ không tin vào chứng từ của các tôi tớ Thiên Chúa đều phải chết, và chỉ còn có các chứng nhân được sống.

Sự kiện ấy không bóp méo dung mạo nhân từ và xót thương của Thiên Chúa là bởi vì chứng nhân đã đứng dậy và ngẩng đầu lên từ trong chính miệng hầm sư tử, từ trong sự đổ tàn của thế giới kiêu sa: điều đó khẳng định lòng thương xót của Thiên Chúa đã đi xuống tột đỉnh với con người. Nếu con người tin tưởng cậy trông, họ lập tức được đưa lên ngay từ đáy thẳm của sự chết.

Trong cuộc sống mỗi ngày, người tôi tớ đã luôn mang tính triệt để ấy. Đaniel và các bạn của ông đã triệt để không đụng chạm tới của ăn ô uế theo lề luật, và cũng triệt để tiếp xúc với văn hóa ngoại giáo, và vì vậy ông đã được cứu thoát trong ngày cuối cùng.

Không thể có sự liên minh nào, không thể có sự khoan nhượng nào trong lòng tin và lòng cậy trông đối với sự dữ. Tính triệt để ấy vẫn được bày tỏ nơi mầu nhiệm bàn thờ mỗi ngày. Ở đó theo thánh Phaolô: "Thiên Chúa đã không dung tha ngay cả Người Con Một" để thương cứu chúng ta. Đó là sự triệt để của lòng thương xót tha thứ và cũng là sự triệt để của xét xử tội lỗi.

Chúng ta có chân thành đón nhận sự triệt để ấy chăng? Có lẽ chúng ta, trong thời đại văn minh này có xu hướng sống thỏa hiệp hơn! Đáng buồn thay!



THỨ SÁU

Dan 7,2-24: Lc 21,29-33

Đoạn sách Đaniel hôm nay khởi đầu cho phần hai của tác phẩm với một hình thức văn chương có tính khải huyền để chuyên chở một nội dung mới: loan báo về Nước Thiên Chúa và về Đấng Thiên Sai. Nếu cùng khởi đi từ những sự kiện lịch sử trần thế trải rộng qua bốn đế quốc kế tục thống trị trên mảnh đất Palestine nhỏ bé. Ở phần một với những hình ảnh và những câu chuyện chỉ nhằm loan báo sự tất thắng của các tôi tớ trung kiên của giao ước, hầu khích lệ lòng tin và niềm cậy trông của người Dothái bị Antiochô Epiphanê bách hại; ngược lại ở phần hai tác giả muốn trình bày mạc khải ý nghĩa tiên tri của lịch sử. Việc mạc khải có liên quan đến ý định thầm kín của Thiên Chúa trên Dân Người và các dân tộc. Và rõ ràng mạc khải xoay quanh mầu nhiệm về Con Người được đồng hóa với cộng đoàn các thánh, cũng là đầu của cộng đoàn, là thủ lãnh của nước cánh chung.

Việc liên kết cuộc bách hại dưới hình ảnh bốn con mãnh thú với thị kiến Con Người đến trong đám mây trên trời thực sự mang một ý nghĩa quan trọng của mạc khải. Trước hết mặc dù nhìn nhận Ngài có một vẻ bề ngoài giống "như một con loài người", nhưng không đồng hóa với loài người. Ngài có nguồn gốc thiên quốc, là ý muốn của Thiên Chúa. Theo ý muốn đó Con Người là thủ lãnh của Dân chư thánh, là dân mà vương quyền được ban cho. Theo Kinh Thánh, việc đồng hóa dân với vị thủ lãnh của họ là chuyện thường tình. Ở đây, sự đồng hóa nằm trên nhãn quan thi hành cùng một chức vụ: chức vụ nắm lấy vương quyền. Do đó, con người theo Đaniel là vị thủ lãnh thi chức vụ làm Chúa với tư cách kẻ có trách nhiệm về Dân chư thánh: là dân mà vương quốc vĩnh cửu được Thiên Chúa ban tặng cho họ là những kẻ vâng phục ý muốn của Thiên Chúa.

Vì vậy, con người có trách nhiệm ngay cả thái độ vâng phục ấy, và điều đó liên hệ đến những bách hại mà Dân chư thánh đang phải gánh chịu. Tước hiệu Con Người từ đó được khai triển trong truyền thống khải huyền như là con người được tuyển chọn để hoàn tất ý định của Thiên Chúa trên thế giới. Người được chuẩn bị nhằm mục đích để xét xử và cứu độ: là đưa mọi sự đến cùng đích của chúng, nghĩa là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Đây là một nhận vật đầy nghịch lý, bởi vì cho dù được mô tả dưới một khuôn mặt nhân linh, nhưng Con Người có những đặc ân thần linh. Người thuộc về hai thế giới: thế giới của Thiên Chúa mà Ngài là Đấng mạc khải cao thâm, nhưng đồng thời cũng thuộc thế giới loài người vì chức vụ được thi hành ở trần thế này mà mục đích là dẫn đưa nhân loại đến sự triển nở ơn gọi mà Thiên Chúa đã dành cho họ khi sáng tạo. Từ ý nghĩa ấy, Tân ước đã mau chóng khẳng định rằng tất cả chức vụ và phẩm tính của con người chỉ được sáng tỏ trong khuôn mặt lịch sử của Chúa Giêsu thành Nazareth.

Tuy nhiên đã có rất nhiều tranh luận và giải thích rất mâu thuẫn trong việc áp dụng tước hiệu ấy cho Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng hôm nay đi liền sau đoạn Tin Mừng trong đó thánh Luca đã để cho chính Đức Giêsu áp dụng tước hiệu ấy cho chính bản thân Ngài, là một hướng dẫn cần thiết cho chúng ta trong vấn đề này. Trọng tâm ở chỉ dẫn nằm ở câu kết luận "Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi". Nếu chỉ giới hạn Lời này cho những loan báo có tính tiên tri ở đoạn trên thì không phù hợp với bản văn, theo bản văn "Lời Ta" là tất cả giáo lý, học thuyết, Tin Mừng của Đức Giêsu. Tin Mừng của Ngài là vĩnh cửu.

Vì thế, người môn đệ sẽ không đồng hóa biến cố đền thờ Giêrusalem bị phá hủy với ngày cánh chung, ngày mà Con Người sẽ đến trong vinh quang. Nhưng người môn đệ nhìn trong biến cố ấy cũng như trong các biến cố khác Tin Mừng của Con Người đã khởi đầu, đang đi đến sự hoàn thành. Vì vậy, thái độ của người môn đệ phải có giống như người nông dân khi mùa xuân đến, mặc dù biết rằng vụ mùa đã gần kề, nhưng thành quả của ngày mùa hệ tại ở ngày hôm nay biết nhìn vào ngày mùa mà hết lòng ra công làm việc.

Niềm tin vào ngày cánh chung, thúc bách các môn đệ biết kiên nhẫn khiêm cung thực hiện tất cả Tin Mừng mà Đức Giêsu đã công bố bằng cả cuộc sống của một con người.

Giờ đây trong thánh lễ, mầu nhiệm của Con Người và mầu nhiệm của Lời Tin Mừng đang trở nên hiện tại hóa cho những kẻ tin. Các tín hữu muốn tự hiến cuộc sống cho Con Người dẫn đưa đến đỉnh ơn gọi làm người, họ tự hiến cho Lời Tin Mừng cũng như cho Lời đã thành Người ở giữa họ: và đó là mầu nhiệm của sự trông đợi ngày cánh chung vậy.



THỨ BẢY

Dan 7,15-17; Lc 21,34-36

Hôm nay ngày cuối cùng của năm phụng vụ, không ít người trong chúng ta rơi vào tâm trạng của Đaniel trong đoan sách hôm nay: "Lòng tôi kinh khiếp, tôi run sợ vì những sự đã thấy, các thị kiến trong đầu óc tôi khiến tôi bối rối".

Quả thật một năm thấm thoát trôi qua, những gì đã xảy đến, đã sống, đã thấy, đã cảm nghiệm trong một năm không phải chỉ là một giấc mơ thoáng qua, hay một cơn ác mộng: mà tất cả cả còn sờ sờ ở đó với bao cay đắng: quả như một vần thơ Việt Nam nọ:

"Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Một năm của tôi hay chuỗi dài lịch sử mà Đaniel đã nhìn thấy, đúng là thời gian toàn thắng của các mãnh thú. Nơi bản thân, cũng như nơi xã hội loài người ở đâu cũng chỉ là những lời phạm đến Đấng Chí Tôn và những kẻ thiện tâm lành thánh bị tàn sát. Một năm của bóng tối, một năm của những con cho mình có thể thay đổi cả thời gian và luật pháp… Nhưng kết cuộc lại chỉ là một địa cầu bị dày xéo, bị chà đạp, bị nghiền nát, và con người rơi vào trong bóng đêm kinh hoàng. Khó tìm lại một con người thực sự cảm thấy được thư thái, bình an và hạnh phúc trong ngày cuối năm.

Những gì Đaniel nói tới cái ngày mà "quyền xét xử được trao cho các thánh", ngày mà Dân Thánh trở nên cờ hiệu suy phục muôn dân, ngày của "Con Người" vẫn mãi mãi là một niềm hy vọng mong manh trải qua bao thế hệ.

Tâm trạng của tôi, hay của các thế hệ loài người chỉ là điều mà Đức Giêsu đã báo trước trong bài Tin Mừng. Thực sự, chỉ vì một năm qua đi, là một năm tôi đã để lòng mình "ra nặng nề, bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời". Niềm hy vọng về ngày của "Con Người" chỉ là một dự phóng của nhiều ảo vọng trần tục, chứ không phải là niềm tin và cậy trông mà mạc khải mời gọi con người.

Mạc khải trình bày ngày đó ập đến bất thình lình. Tuy nhiên, nó đã khởi sự nơi "Con Người". Phải, nếu một năm tôi đã luôn ngẩng đầu đứng vững trước Đức Giêsu, có nghĩa là tham gia vào chức vụ của Ngài, chức vụ dẫn đưa tôi đến ơn gọi tuyệt mỹ làm người mà Thiên Chúa đã trao ban; có nghĩa là tham gia vào cuộc sống vâng phục ý muốn Thiên Chúa thì giờ đây thời gian cùng tận sẽ đưa tôi vào vĩnh cửu. Theo cách trình bày của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này, thì lối sống của Ngài đã khởi sự để khai mạc vương quốc vĩnh cửu là một lối sống không nhiễm lây những cung cách buông thả của dân ngoại: chè chén, say sưa, và mải miết với những công việc trần thế.

Tuy nhiên, lối sống mới như chính Ngài đã thực hiện là lối sống khởi sự từ trong hoang địa: ở đó Ngài ăn chay cầu nguyện liên lỉ, ở đó Ngài tìm về với thế giới của Thiên Chúa qua một cuộc hoán cải tận căn mà việc để thánh Gioan Tẩy Giả thanh tẩy trong dòng nước Giordan là một biểu tượng. Lối sống ấy, như Luca luôn ghi nhận, được nâng đỡ bởi sự cầu nguyện thường trực. Chính vì thế, Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn", đó là lẽ sống của một năm, hay của cả lịch sử một đời người, để như Ngài kết thúc một cuộc sống bằng lời cầu nguyện vĩnh viễn của hiến tế Thập Giá.

Đức Giêsu muốn hiện tại hóa cuộc sống của Ngài làm dự phóng toàn mỹ cho các môn đệ nơi bàn tiệc Thánh. Ở đây là hoang địa, nơi Đức Giêsu nghiền tán thế giới thành tấm bánh và chén rượu để dâng về Cha của Ngài. Ở đây là dòng sông Giordan có nước thanh tẩy luôn đổ ra từ cạnh sườn Ngài. Ở đây là lời cầu nguyện ta ơn từ sáng sớm tới chiều hôm, từ Đông sang Tây. Đây là cuộc sống của một ngày, một tháng, một năm của mỗi người môn đệ Đức Giêsu.

Ước gì ngày cuối năm phụng vụ của tôi được hương trầm nơi bàn thánh này để đưa tôi về với Thiên Chúa vĩnh cửu.































Mới hơn Cũ hơn