Chúng ta trở nên giống Chúa Kitô Vua khi tình thương tự hiến của chúng ta dành để phục vụ những người đang cần giúp đỡ.
Sự xuất hiện của Chúa Kitô Vua trong vinh quang (Mt 25,31-46) đạt đến đỉnh điểm bằng một hành động kỳ lạ: tách chiên ra khỏi dê. Nếu phần lớn cuộc đời chúng ta đã sống như những “con dê” thì dụ ngôn của Tin mừng hôm nay thúc giục chúng ta thay đổi lối sống của mình. Vị Vua trên trời mà chúng ta thờ phượng đã khiến cho sự thay đổi căn bản đó có thể thực hiện được.
Hãy để Chúa ngự trị
Chúng ta chỉ có thể giống Chúa “bằng cách gạt bỏ những hạn chế trong nhân cách của chúng ta, để chính Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta” (Antonin Sertillange). Gạt bỏ những hạn chế trong nhân cách của chúng ta là tách chiên ra khỏi dê, thứ đang tồn tại nơi chính bản thân, để có thể cùng với chiên tuyên xưng như trong Thánh vịnh 23,1 của ngày hôm nay “Chúa là mục tử của tôi”. Một linh mục dòng Tên, Cornelius a Lapide +1637, đã mô tả về con dê như sau: nó “hung dữ, ô uế, dâm đãng; nó húc đầu và đi ở những nơi dốc đứng - và hay gây gổ”.
Nhưng không phải dễ để gạt bỏ những hạn chế đó ra khỏi bản thân chúng ta. Đức Bênêđictô XVI nói : “Vương quyền của Thiên Chúa, một quy luật yêu thương luôn tìm kiếm và tìm thấy con người theo những cách thức luôn mới mẻ”. Lý do những con chiên trong dụ ngôn cư xử một cách yêu thương, quan tâm, cho đi, nhân ái, hướng đến người khác, rộng lượng, vị tha, tử tế như vậy là vì chính chúng đã từng là những con chiên lạc… và Người Mục Tử Nhân Lành đã tìm và tìm thấy chúng. Nên giờ đây họ không thể không sống trong ký ức về lòng thương xót bao la đó, trung thành thực hành quy luật yêu thương đã giải cứu họ bằng cách hành động thương xót đối với những người khốn cùng nhất.
Thuộc tính yêu thương
Thuộc tính nổi bật nhất của Vua Mục Tử Nhân Lành là ngài muốn chia sẻ chính con người mình - cuộc sống và con người của mình - với chúng ta. “Quyền năng tối cao của Thiên Chúa không hệ tại ở việc giữ những gì thuộc về mình cho riêng mình mà là từ bỏ nó” (Fr. Hans Urs von Balthasar). Đó là lý do tại sao việc hy sinh bản thân cũng được coi là nét đặc trưng của cuộc sống chúng ta… nếu chúng ta muốn nên giống Thiên Chúa.
Chúng ta trở nên giống Chúa Kitô hơn khi tình thương tự hiến của chúng ta dành để phục vụ những người đang cần giúp đỡ. Thánh Peter Chrysologus giải thích rằng người “cho kẻ nghèo vay mượn đồng nghĩa với việc coi chính Thẩm phán là con nợ của mình”. Tội thiếu sót của chúng ta gây ra những hậu quả mà chúng ta có thể không để ý đến:
Chiếc bánh mà bạn giữ lại là của người đói. Người trần truồng đang đòi bộ quần áo mà bạn đang cất trong tủ. Chiếc giày đang mục nát trong nhà chính là đôi giày của những kẻ chân trần (St.Basil).
Kế thừa Vương quốc
Đối với chúng ta, những người đói, khát, xa lạ, trần truồng, bệnh tật, tù đày đều giống như các bí tích: những dấu hiệu hữu hình dẫn chúng ta đến ân sủng vô hình. “Người nghèo là đường tới thiên đường; hãy bắt đầu dâng cúng nếu bạn không muốn lạc lối” (Thánh Augustinô).
Đây chính là con đường lên Thiên đàng mà Vua Giêsu chỉ cho mỗi người chúng ta và cũng là logic của cuộc sống. Cuộc sống không phải giữ bo bo tất cả những gì mình có mà hãy biết cho đi để được nhận lại. Chính Chúa Giêsu là Vua và là Thẩm phán công minh sẽ xét xử về những hành động của chúng ta đối với tha nhân. "Thế đó, khi kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu mến, tình yêu mến cụ thể mà chúng ta dành cho Chúa, để phục vụ Chúa Giêsu hiện diện nơi những anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, những ai đang cần được trợ giúp. Đừng quên điều ấy. Những người nghèo khổ đang đưa tay ra, đó là Chúa Giêsu" (ĐTC Phanxicô).
G. Võ Tá Hoàng