Làm sao chúng ta biết Tin Mừng có nói thật về cuộc đời Chúa Giêsu hay không?



Độc giả Fiametta Fiori hỏi: Làm sao chúng ta biết Phúc âm có cho chúng ta biết sự thật về cuộc đời của Chúa Giêsu hay không?

Linh mục Francesco Carensi, giáo sư Thánh Kinh, trả lời:

Truyền thống Kitô giáo cổ xưa đã gán việc soạn thảo các Tin Mừng cho các tông đồ và các chứng nhân (Matthêu và Gioan) hoặc cho các môn đệ của các tông đồ (Máccô và Luca). Vào cuối thế kỷ 17, dưới ảnh hưởng của chủ thuyết duy ánh sáng và chủ nghĩa duy lý, Tin Mừng không chỉ được coi là những cuốn sách linh hứng mà còn là những tài liệu lịch sử cổ xưa, những cuốn sách cần được phân tích và nghiên cứu như mọi tác phẩm văn học khác.

Có rất nhiều điểm nổi bật quan trọng từ những nghiên cứu này:

1) Các sách Phúc âm là kết quả của một quá trình văn học kéo dài suốt 40 năm;

2) Các thánh sử đã làm việc dựa trên các truyền thống truyền miệng và chữ viết đã có từ trước;

3) Các thánh sử đã tập hợp các tài liệu có sẵn theo kế hoạch biên tập của riêng họ, như thánh Luca nói với chúng ta trong phần mở đầu tác phẩm của mình: “Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”.

Các Tin Mừng không phải là một cuốn cẩm nang lịch sử (không phải tất cả những điều Chúa Giêsu làm đều được kể lại) mà là một bộ sưu tập những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu được viết ra nhằm khơi dậy hoặc củng cố đức tin của cộng đoàn Kitô hữu.

Theo đó, không nên đọc các sách Phúc âm như thể chúng là những mô tả chính xác và chi tiết về những gì được thuật lại. Chắc chắn chúng trung thành với Chúa Giêsu của lịch sử. Nhưng bản văn chúng ta có không cho phép một sự hiểu biết khách quan về thực tế nữa. Các sự kiện được thuật lại dựa trên những sự kiện có thật mà Chúa Giêsu đã trải qua, nhưng được hoàn tất dưới ánh sáng của niềm tin phục sinh.

Tính độc đáo của những bài viết này ở chỗ nó gửi một thông tri đến các cộng đoàn Kitô hữu để nuôi dưỡng đức tin của họ.

Trong thế giới hiện đại, chúng ta nói về sự thật lịch sử của các sự kiện khi sự kiện đó được thuật lại theo cách khách quan nhất có thể. Đối với các nhà sử học của thế giới cổ đại, sự thật lịch sử phụ thuộc vào việc truyền đạt ý nghĩa của những gì được thuật lại. Vì lý do này, họ chọn lọc, lược bỏ, gạch chân, phóng đại, thêm chi tiết để làm cho ý nghĩa của những sự kiện mà họ kể trở nên quan trọng hơn.

Câu hỏi này thường được đặt ra cho các sách Phúc âm: những gì được kể trong các sách Phúc âm liệu có xảy ra đúng như chúng được thuật lại không? Câu hỏi bị nhầm lẫn hoặc không đầy đủ. Thánh sử không muốn phủ nhận chân lý lịch sử nhưng chắc chắn khởi đi từ lịch sử mà không chối bỏ nó, để thuật lại một biến cố làm phong phú thêm đức tin cho các tín hữu và đời sống của người Kitô hữu nơi con người Chúa Giêsu. Chúng ta có thể kết luận bằng cách nói rằng sự thật của Kinh Thánh và cũng là của các sách Phúc âm không phải là một sự thật lịch sử theo nghĩa thực chứng, mà là sự thật mang tính cứu độ (những gì được viết ra nhằm mục đích cứu rỗi chúng ta) bắt đầu từ những nền tảng lịch sử nhưng để mang đến một sứ điệp đức tin cho người tiếp nhận nó ở mọi thời đại.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn