NGÀY 17/12: Mt 1,1- 17:
Gia phả Chúa Giêsu
Bài tin mừng hôm nay đề cập đến ba danh hiệu trọng đại: Abraham, Đavit, Giêsu. Abraham là người đã lãnh nhận lời hứa và đức tin để trở thành cha của những kẻ tin. Đavit là người đã nhân danh Chúa các đạo binh chiến đấu cho Đấng tối cao và biến Giêrusalem nên thành trì Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng đã đích thân thực hiện mọi lời hứa, hình thành một dân tộc ưu tú gồm những kẻ tin vào Ngài, chiến thắng quân thù thiêng liêng của Thiên Chúa, xây đắp Giêrusalem mới và vương quốc thiêng liêng.
Qua việc Ngôi Lời Nhập thể làm người, Thiên Chúa đã hạ mình xuống giữa nhân loại,mang lấy dòng lịch sử và quá khứ của nhân loại cũng như thừa kế gia tài qua các thế hệ. Đó là bản lý lịch chính thức. Xét theo máu mủ, Ngài sinh ra từ dòng dõi Đavít, thuộc vể một dân tộc, trong đó không thiếu những bậc tổ tiên là người tội lỗi và ngoại giáo, như Đavít, Salomon,Tamar, Rahab, Bethsabê, Ruth. Đó là những yếu tố rất tầm thường, nhưng đã được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình Ngài, vì Thiên Chúa đã hứa và trung thành hoàn tất lời hứa.
Như thế, bên trong bản gia phả khô khan, đã hàm ngụ một Tin mừng "Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Kitô" bất chấp những khiếm khuyết và tội lỗi của nhân loại. Bài mở đầu Tin mừng Matthêu còn gây cho ta một xác tín : Thiên Chúa có thể nhìn đến và xử dụng chúng ta, không gì có thể cưỡng lại được ý định của Ngài, dù đó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của chúng ta. Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa được thanh tẩy, những gì vô nghĩa mặc một giá trị, và những gì trần tục sẽ được thần linh hóa.
NGÀY 18/12 : Mt 1, 18 - 24
Đấng Emmanuel
Giữa lúc dân Israel đang bị lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa đã sai Giêrêmia loan báo một Tin mừng là Ngài sẽ ban cho họ một vị vua sẽ đưa dân lưu đầy trở lại quê hương và thiết lập một dân Israel mới. Vị vua ấy được thánh Matthêu giới thiệu là Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.
Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Ngài. Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Nhưng vì muốn ở với họ một cách sâu xa hơn. Ngài đã trở nên Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.
Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và là gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bảo và mơ ước của mình, Người đã tự xóa bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xóa mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tính.
Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng tôi vẫn đang làm cho nhân loại xóa bỏ những chia rẽ, đố kỵ, ngăn cách để hợp nhất với nhau trong tình yêu, bởi vì Ngài là Tình yêu, Ngài sẽ không thể tìm được nơi ở, bao lâu nhân loại còn đầy những ích kỷ, oán hận, tranh chấp.
Nhưng trên tất cả, Ngài muốn có một chỗ trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho ta và cho nhân loại hôm nay.
NGÀY 19/12 : Lc 1,5 - 25 :
Truyền tin cho Giacaria
Bài Tin mừng hôm nay làm nổi bật tác động cứu độ của Thiên Chúa : Thiên Chúa không bỏ rơi ý định cứu độ của Ngài, nhưng Ngài chuẩn bị và thực hiện bằng những bước vững chắc suốt chiều dài lịch sử - cho đến Gioan, vị sứ giả sống sót thời Đấng Mêsia.
Việc Thiên Chúa can thiệp tích cực trong mầu nhiệm cứu độ chính là biểu hiện của tình thương hải hà. Thiên Chúa can thiệp và cứu độ chỉ có nghĩa là Ngài quá xót thương con người mà thôi. Bởi đó, càng nhìn lại những sự kiện, những hoàn cảnh hay những con người đã giúp thực hiện việc cứu độ,chúng ta càng nhận thấy vai trò chủ động của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn tất cả đến sự cứu độ viên mãn. Đây là một điểm quan trọng, bởi vì đứng trước hoạt động lớn lao của Thiên Chúa, con người thời này thường có thái độ phản kháng khi cho rằng Thiên Chúa xử sự bằng cách giữ phần chủ chốt tức là đã coi thường con người, trong khi lẽ ra họ phải bày tỏ tâm tình khiêm tốn, thán phục và biết ơn Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương, đã dấn thân và làm mọi sự chỉ vì hạnh phúc cho con cái mình.
Sống mùa vọng, ước gì chúng ta biết nhận ra tác động của Thiên Chúa trong đời mình và trong lịch sử nhân loại, đồng thời biết hướng theo lời mời gọi hoán cải tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
NGÀY 20/12 : Lc 1,26 - 38 :
Truyền tin cho Đức Maria
Người ta kể lại rằng : một hôm có người tìm đến thánh Gioan Bosco vấn kế về phương pháp xây dựng hòa bình thế giới. Nhằm lúc thánh nhân đang bận việc, con người thao thức về hòa bình ấy gõ cửa mỗi lúc một mạnh hơn. Mãi một lúc sau, thánh nhân ra mở cửa và niềm nở mời khách vào phòng. Ngài kiên nhẫn lắng nghe, chờ cho người đó trình bày hết ý kiến, rồi mỉm cười nói : "Ông không nghĩ rằng một trong những phương pháp hữu hiệu để xây dựng hòa bình là gõ cửa phòng người khác nhẹ hơn sao?".
Giai thoại trên minh họa phần nào thái độ đứng núi này trông núi nọ của rất nhiều người. Nhiều người chưa làm nổi những việc nhỏ đã nghĩ đến những việc lớn : nhiều người không đủ kiên nhẫn chịu đựng những việc thường ngày đã nghĩ đến việc tử đạo cho đại cuộc.
Trong lãnh vực đức tin cũng thế, nhiều người tưởng có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong bốn bức tường nhà thờ, trong những giờ phút thinh lặng, trong những giờ cầu nguyện liên tục. Thiên Chúa dường như không chấp nhận bị giam trong những giờ phút hay khung cảnh giới hạn nào đó. Ngài đến trong từng giây phút và biến cố cuộc sống, trong những cái nhỏ nhặt thường ngày của cuộc sống.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta lặp lại xác tín đó. Sứ thần được sai đến với một Trinh nữ khiêm hạ, thuộc một ngôi làng nhỏ bé Nazareth, xứ Galilê. Nhưng chính từ khung cảnh âm thầm ấy, thánh Luca đã làm nổi bật những tước hiệu của Đấng Cứu Thế : "Ngài sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối cao. Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp".
Một Thiên Chúa toàn năng đã đến gặp con người trong thân phận con người, trong khung cảnh bình thường, trong những bất ý nhất của cuộc sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta mỗi khi tuyên xưng : "Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria".
Nét độc đáo của niềm tin Kitô là tuyên xưng Thiên Chúa đã mặc xác phàm. Và tin nhận Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong từng phút giây cuộc sống, là biến mỗi phút giây cuộc sống thành cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.
NGÀY 21/12 : Lc 1,39 - 45 :
Đi thăm bà Isave
Đời người là một cuộc hành trình, và cuộc hành trình nào cũng là một thứ cưu mang : mơ ước được gặp gỡ, chia sẻ, sống trong tự do, xây dựng đời sống, do đó cuộc hành trình nào cũng chứa đựng nhiều hăm hở.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền sơn cước. Đức Maria đã chỗi dậy, vì cưu mang con trong lòng. Cưu mang con trong lòng cũng có nghĩa là nuôi dưỡng một niềm vui bất tận : đứa con càng lớn, niều vui càng tăng.
Niềm vui nào cũng đòi được chia sẻ. Đức Maria đã không cất giữ trong lòng niềm vui vừa cưu mang, nhưng Người đã vội vàng đem niềm vui đến cho người khác.
Đích điểm cuộc hành trình của Đức Maria là một miền núi. Núi cao là nơi trắc trở, nhưng cũng thường là nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người. Và cũng từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, con người mới có thể đến với người khác.
Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Maria và người chị họ Isave là kết thúc của cuộc ra đi. Không ai đi để tiến về cô đơn, để giam mình trong cõi chết, nhưng ra đi là để gặp gỡ, chia sẻ.
Đời người Kitô hữu là một hành trình trong đức tin. Hành trình nào cũng có khởi điểm và đích điểm. Cũng như Đức Maria đã tiến lên đường sau khi cưu mang Chúa Giêsu người Kitô hữu cũng khởi đầu cuộc hành trình bằng sự sống Thiên Chúa đã được thông ban qua Bí tích rửa tội.
Cưu mang sự sống mới, người Kitô cũng vội vã ra đi đem niềm vui cho người khác, đó là tất cả sứ mệnh và ý nghĩa của đời sống đức tin. Người cưu mang Đức Kitô phải ý thức rằng đạo của họ là đạo Tin mừng, đường của họ là đường của rộn rã, vui tươi.
Điểm đến của cuộc hành trình dĩ nhiên là cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cuộc sống này cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ nối dài những gặp gỡ mà con người đã thực hiện trong cuộc sống tại thế. Điểm đến ấy sẽ không đến với những ai đã chối bỏ gặp gỡ người anh em trong cuộc hành trình tại thế.
Mùa vọng là mùa của cưu mang, của cất bước ra đi. Chúng ta hãy để Đức Kitô lớn lên trong tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ra đi đến với người khác. Cùng với Đức Kitô,chúng ta hãy biến mọi gặp gỡ hằng ngày thành những trao đổi của yêu thương, phục vụ, quên mình, tha thứ và vui tươi.
NGÀY 22/12 : Lc1,46 - 56 :
Magnificat
Đức Kitô không những giao hòa con người với Thiên Chúa. ngài còn là kiểu mẫu của con người đã được giao hòa. Ngài đến để mang lại Tin mừng. Tin mừng ấy chính là con người được cứu rỗi, được yêu thương, và còn gì phù hợp với Tin mừng cho bằng thái độ phấn khởi vui tươi trong cuộc sống.
Đức Maria là người đầu tiên đã đón nhận ơn cứu độ. Thái độ của Ngài cũng là thái độ mẫu mực cho người Kitô hữu. Người đã mau mắn ra đi đến với Isave để báo tin vui, và trong một giây phút xuất thần, Người đã để cho lời ca của cả một dân tộc được hát lên. Bài ca ấy qua muôn thế hệ được Giáo hội lấy làm chính lời kính của mình.
Trong Giáo hội và cùng với Giáo hội, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi để không ngừng hát lên và sống bài ca ấy. "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Thần trí tôi hớn hở trong Đấng cứu độ tôi", đó phải là bài ca trong từng phút giây cuộc đời chúng ta. Không vui sao được khi biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc bằng chính máu của Con Một ngài ; không vui sao được khi biết rằng trong người Con Một ấy, chúng ta tìm được ánh sáng chân lý, bình an và hy vọng, không vui sao được khi biết rằng trong hành trình về nhà cha, có biết bao người cùng tiến bước với chúng ta.
Ước gì niềm vui ơn cứu độ luôn tràn ngập tâm hồn chúng ta, ước gì cùng với Đức Maria, lời kính muôn thủa của chúng ta luôn là lời ca tán dương Chúa trong từng phút giây cuộc sống.
NGÀY 23.12: Lc 1,57-66
BÀN TAY THIÊN CHÚA PHÙ HỘ
Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan tiền hô đã ra chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, gia tộc và làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc được một cậu con trai nối dõi tông đường, được một gậy chống cho tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban hơn lòng mong tưởng là không những được thoát khỏi điều sỉ nhục, không còn son sẻ mà con của họ trở thành “vị tiền hô của Đấng tối cao”.
Họ hàng bà con đều tới chúc mừng, không những vì Giacaria là tư tế mà còn vì cậu con sinh ra trong lúc ông bà tuổi đời muộn mằn, chắc phải có một nhiệm vụ gì hơn là nhiệm vụ đứa con của một gia đình (c.14). Và sau khi sinh ra được tám ngày, theo luật Do thái là làm lễ cắt bì cho con trẻ (St 17,12.21,4; Lev 12,3). Theo luật Môsê thì tám ngày sau khi sinh, dù là vào ngày Sabat (Ga 7,53).
Thật ra nghi lễ cắt bì không phải là việc riêng của hàng tư tế lúc ấy đâu, có thể do bất cứ một người Do thái nào có khả năng hay cả các bà cũng được phép nữa. Cũng có thể làm tại tư gia. Tuy nhiên tại mỗi thành phố cũng có một nhân viên về việc cắt bì mà người ta gọi là Mohel, là một người kinh nghiệm và có khả năng. Trường hợp con ông bà Giacaria làm tại nhà riêng. Và thường là vào giây phút lễ nghi này, người ta đặt cho con trẻ một tên gọi (St 17,5-15). Việc cắt bì đây là dấu chỉ làm hòa với Thiên Chúa và thuộc về dân tộc Do thái.
Khi cắt bì cho người con thì họ định lấy tên cha là Giacaria mà đặt tên cho cậu con (c.59) nhưng mẹ đã không bằng lòng, và đó cũng là ngược lại với phong tục Do thái vì phải tránh húy cha mẹ. Còn bình thường ra người cha chọn và đặt tên cho người con. Có thể vì Giacaria cha đã già nên họ muốn ghi nhớ một hoàn cảnh đặc biệt, cho nên muốn lưu niên tên Giacaria chăng. Nhưng bà mẹ Isave đã can thiệp ngay mà bảo gọi con trẻ là “Gioan” mà không chờ lệnh người cha. Làm thế đúng như lời thiên thần truyền (Lc 1,13). Các giáo phụ Theophil, Euthymiô giả thuyết rằng bà viết được tên đó là bởi ơn Chúa Thánh Thần. Cũng có thể là Giacaria dùng cách viết chẳng hạn mà báo trước cho bà ta rồi.
Nhưng khi thấy vậy, mọi người ngạc nhiên vì tên Gioan không có ai giống như thế trong gia tộc (c.61). Vì thế người ta đã làm hiệu cho Giacaria xem ý ông muốn ra sao. Giacaria lúc ấy vừa bị câm lại vừa có thể điếc (c.62). Có người bảo ông bị câm điếc như thế là để khỏi phải cãi nhau xem phải đặt tên nào. Nhưng khi ông xin tấm bảng để viết thì ông viết tên “GIOAN”. Vừa già cả lại vừa câm điếc mà viết đúng tên Gioan nên ai nấy đều chấp thuận vì hai ông bà muốn như thế !
Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông được mở ra nói và nghe được như thường (c.64), đúgnnhhư lời thei thần truyền (1,20). Ngay lúc ấy, ông dâng lời tạ ơn Chúa. Mọi người lấy làm sợ hãi (c.65). Tự nghĩ không biết rồi mai đây bé trai này sẽ làm trò trống gì ? Thế mà tin đồn về Gioan từ đây lan ra cắp vùng Giudê.
Đó là một câu chuyện mà Thiên Chúa quan phòng đã sửa soạn cho Gioan tiền hô, và là bài học cho mỗi người chúng ta nữa. Thiên Chúa đã tiền định cho đời chúng ta rồi. Vậy đừng tự ti mặc cảm cho rằng có thế giá gì, mình sinh lầm thế kỷ:
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Những người ấy hãy nhìn lên, hãy nhận ra địa vị thật của mình. Là con cái Chúa, Chúa không sinh ra để bỏ chợ đâu. Hãy tin vào bàn tay Chúa quan phòng cho đời mỗi người. Có thể chúng ta thấy ở đời mình chẳng có gì cả. Nhưng nên nhớ địa vị vĩnh cửu không hệ tại ở đời này có tiền rừng bạc biển, có sức khỏe như Samson... chú Vọi !!! Giá trị nằm trong tay Thiên Chúa, Thiên Chúa đang dành phần tốt nhất cho từng đứa con trung thành, trung tín hôm nay.
NGÀY 24/12 : Lc 1,67 - 79 :
Benedictus
Trong ngày lễ đặt tên cho người con của mình, ông Zacaria được đầy tràn Thánh Thần đã tuyên lời ngợi khen Thiên Chúa.
Bài thánh ca của Zacaria chính là lời tiên tri làm vọng lại sứ điệp của các ngôn sứ trong quá khứ, chuẩn bị tâm hồn toàn dân đón nhận hồng ân trong giai đoạn mới của lịch sử Dân Chúa.
Bài thánh ca có cung giọng thâm trầm, bình thản, tin tưởng. Đó là cung giọng của con người có đời sống nội tâm sâu xa, biết đón nhận mọi biến cố trong niềm hân hoan chúc tụng Chúa.
Zacaria chúc tụng Thiên Chúa Israel, Đấng đã thực hiện sự giải thoát Dân Ngài bằng cách làm nẩy sinh trong nhà Đavít một ông vua quyền năng đem đến ơn cứu độ như các tiên tri đã loan báo, Zacaria cảm tạ Chúa đã tỏ lòng nhân nghĩa với Tổ Phụ xưa, đã thực hiện lời giao ước, giữ trọn lời thế với Abraham. Sự cứu độ này không chỉ hệ tại sự giải thoát khỏi định thù bên ngoài, nhưng Thiên Chúa còn muốn đưa chúng ta đến một thời đại thánh thiện và công minh dứt khoát đã được khai mào.
Sau khi ca tụng sự thăm viếng cứu độ của Thiên Chúa, trong tâm tình của con người thật sự hạnh phúc, Zacaria âu yếu hướng nhìn và nói tiên tri về sứ mạng của con người : với tư cách Tiền hô, con trẻ rồi đây sẽ công bố sứ điệp, chuẩn bị lòng dân đón nhận Đấng Cứu Thế, khơi dậy trong tâm hồn Dân Chúa lòng khát khao ơn cứu độ. Ơn cứu độ này được thực hiện suốt dòng lịch sử Dân Chúa và sẽ được hoàn hảo trong Giao ước mới khi Ngài tha thứ tội lỗi cho Dân Ngài.
Zacaria kết thúc bài thánh ca khi cho ta biết lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa được tỏ hiện vì Ngài chạnh thương chúng ta. Chính vì lòng nhân nghĩa mà Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". "Thái dương" chính là Đấng Mêsia, Đấng Kitô của Thiên Chúa, nhờ đó Ngài sẽ soi sáng những kẻ ngồi trong bóng tói sự chết như những lữ hành lạc đường đợi trời sáng để tiếp tục cuộc hành trình, và dẫn đưa họ thẳng đường bình an.
Tâm tình của Zacaria mở ra con đường đầy hy vọng cho Dân Chúa.
Ước gì trong lúc chuẩn bị đón Chúa, chúng ta đừng quên nghĩ đến tình thương và muôn ơn lành Chúa ban cho chúng ta. Ước gì chúng ta thâm cảm được tâm tình của các chính thân trong luật cũ, và cố gắng thực hiện chương trình sống chứa đựng trong bài thánh ca Benedictus : "Phụng sự Chúa bằng cuộc sống thánh thiện, công chính mọi ngày trước nhan Ngài".