Âm nhạc Giáo hội như ơn của Chúa Thánh Thần


ÂM NHẠC GIÁO HỘI NHƯ ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN

HỒNG Y JOSEHP RATZINGER

Trích từ "Dẫn vào tinh thần phụng vụ", NXB San Paolo, Cinisello Balsamo 2001, trang 136.

Nếu dân Israel, trong luật lệ của họ, chủ yếu gán các Thánh vịnh cho vua Đavít, bằng cách đưa ra một số diễn giải về lịch sử cứu độ và thần học nhất định, thì đối với các tín hữu rõ ràng Chúa Kitô đích thực là Đavít, là Đavít trong Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong và với Đấng sẽ là con của ông, đồng thời cũng là Con một của Thiên Chúa.

Với chìa khóa chú giải này các Kitô hữu hòa mình vào lời cầu nguyện của dân Israel, biết rằng bằng cách này họ đã biến nó trở thành bài ca mới. Chúng ta nhận thấy rằng thông qua việc này, cách chú giải Ba ngôi về các Thánh vịnh đã được nêu ra: Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho Đavít hát và cầu nguyện, khiến ông nói về Chúa Kitô, trở nên Chúa Kitô thậm chí là tiếng của Ngài. Đó là lý do tại sao trong các Thánh vịnh chúng ta nói nhờ Chúa Kitô, đến với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.

Cách giải thích các Thánh vịnh theo Thần khí học và Kitô học không chỉ liên quan đến bản văn mà còn bao gồm cả yếu tố âm nhạc: đó là Chúa Thánh Thần dạy cho Đavít hát, và qua ông, Thánh Thần dạy cho dân Israel và cho Giáo hội. Ca hát, đúng vậy, vì nó vượt qua cách nói thông thường, nó giống như một sự kiện đầy Thần Khí. Âm nhạc Giáo hội mọc lên như “đặc sủng”, như ơn của Thánh Thần: đây thực sự là ơn “nói tiếng lạ”, một “ngôn ngữ” mới đến từ Chúa Thánh Thần. Nhất là trong đó xảy ra việc “say sưa” đức tin, vì nó vượt quá mọi khả năng của lý trí thuần túy. Nhưng việc say sưa này vẫn duy trì trong sự tỉnh táo, bởi vì Đức Kitô và Chúa Thánh Thần chỉ là một, bởi vì ngôn ngữ “say sưa” này vẫn hoàn toàn nằm trong “kỷ luật” của Logos, trong một sự hợp lý mới, vượt trên mọi ngôn từ, phục vụ cho lời nguyên thủy, đó là nền tảng của mọi lý lẽ. 


G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Xem thêm: Nền tảng thần học của bài ca Phụng vụ
Mới hơn Cũ hơn