Philip Kosloski
Sách Giáo lý cho thấy các tiên tri trong Cựu Ước đã phàn nàn với Thiên Chúa như thế nào, tuy nhiên họ đã làm như vậy trong tinh thần cầu nguyện.
Chúng ta thường không nghĩ rằng việc phàn nàn với Chúa giống như một kiểu cầu nguyện, nhưng Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nêu bật đời sống cầu nguyện độc đáo của các vị tiên tri.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã gợi hứng cho một số ngôn sứ khuyên dạy dân Israel và quay trở lại với Chúa. Đây không phải lúc nào cũng là nhiệm vụ dễ dàng, và thậm chí một số ngôn sứ đã chạy trốn Chúa.
Tuy nhiên, các ngôn sứ đã mở rộng lòng đón nhận ý muốn của Thiên Chúa và được củng cố nhờ những cuộc gặp gỡ với Ngài.
“Trong cuộc gặp gỡ một mình với Thiên Chúa, các ngôn sứ tìm được ánh sáng và sức mạnh cho sứ mạng của mình” (GLCG 2584).
Thường thì các ngôn sứ này được kêu gọi vào sa mạc, giống như ông Êlia, “không chạy trốn thế
giới bất trung nhưng lắng nghe Lời Thiên Chúa” (GLCG 2584).
Nhiều ngôn sứ khi được phái đến với dân Israel, họ giơ tay lên và phàn nàn với Chúa, thất vọng vì kinh nghiệm đã trải qua. Những lời phàn nàn này sau đó đã được chuyển thành những lời cầu nguyện.
“Đôi khi lời cầu nguyện của họ là một cuộc tranh luận hoặc một lời thở than, nhưng nó luôn là một lời chuyển cầu chờ đợi và chuẩn bị cho Thiên Chúa cứu độ, Chúa của lịch sử can thiệp vào” (GLCG 2584).
Đằng sau những lời phàn nàn của họ là niềm tin tưởng sâu sắc vào Chúa và vào kế hoạch thiêng liêng của Ngài.
Đây là chìa khóa chính để biện phân những lời than thở của chúng ta với Chúa. Khi chúng ta giận Chúa, chúng ta có còn tin cậy Ngài không?
Chúa muốn nghe những lời phàn nàn của chúng ta và Ngài là Đấng lắng nghe tốt nhất. Chúng ta cần ghi nhớ lòng nhân lành của Thiên Chúa, tin tưởng rằng trong mọi thử thách chúng ta gặp phải, Ngài vẫn luôn yêu thương chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng