Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về các tật xấu và nhân đức. Bài 5: Tính tham lam
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về các tật xấu và nhân đức và hôm nay chúng ta nói đến tính tham lam, tức là nói về hình thức của lòng quyến luyến tiền bạc, là thứ ngăn cản lòng quảng đại của con người.
Tội này không phải chỉ liên quan đến những người có khối tài sản to lớn mà còn là một tật xấu ngang, thường không liên quan gì đến số dư trong tài khoản ngân hàng. Đó là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền.
Các phân tích mà các giáo phụ sa mạc thực hiện về tội ác này đã nêu bật cách mà tham lam có thể chiếm lấy các tu sĩ, những người sau khi từ bỏ tài sản thừa kế to lớn, trong sự cô độc nơi phòng riêng họ đã trở nên quyến luyến với những đồ vật ít giá trị: họ không cho vay mượn, không chia sẻ chúng, càng không sẵn sàng cho đi. Sự gắn bó với những thứ nhỏ nhặt lấy mất tự do. Những đồ vật đó trở thành thứ họ tôn sùng và không thể thoát ra được. Một kiểu hồi quy về thời mà trẻ con cầm chặt đồ chơi và miệng lặp đi lặp lại: “của con, nó là của con!”. Trong yêu sách này ẩn giấu một mối quan hệ bệnh hoạn với thực tế, vốn có thể dẫn đến các hình thức tích trữ bắt buộc hoặc tích trữ bệnh hoạn.
Để chữa lành căn bệnh này, các tu sĩ đã đề xuất một phương pháp quyết liệt, nhưng rất hiệu quả: suy niệm về sự chết. Dù con người có tích lũy bao nhiêu của cải trên thế gian này, thì có một điều chúng ta hoàn toàn chắc chắn đó là chúng sẽ không đưa vào được trong quan tài. Chúng ta không thể mang nó theo chúng ta. Và sự vô nghĩa của tật xấu này bị vạch trần. Mối dây ràng buộc sở hữu mà chúng ta tạo ra với mọi thứ chỉ là cái bề ngoài, bởi vì chúng ta không phải là ông chủ của thế giới: trái đất mà chúng ta yêu mến thực sự không phải là của chúng ta, và chúng ta di chuyển khắp nơi như những người xa lạ và như những lữ khách (x. Lv 25, 23).
Những nhận xét đơn sơ này cho phép chúng ta hiểu được sự điên rồ của lòng tham, nhưng cũng là lý do sâu kín nhất của nó. Đó là một nỗ lực để xua tan nỗi sợ chết: tìm kiếm sự an toàn mà trong thực tế sẽ bị sụp đổ ngay khi chúng ta còn nắm chặt chúng trong tay. Hãy nhớ đến câu chuyện dụ ngôn về người đàn ông khờ dại, mảnh đất của anh ta đã mang lại cho anh ta một mùa màng bội thu, và anh ta tự ru mình với những suy nghĩ làm thế nào để mở rộng kho lẫm của mình để chứa tất cả mùa màng. Người đó đã tính toán mọi thứ, lên kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, anh vẫn chưa nghĩ đến yếu tố chắc chắn nhất trong cuộc sống đó là cái chết. "Đồ ngốc!" Tin Mừng nói. “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20).
Trong vài trường hợp khác, chính những tên trộm mang đến cho chúng ta sự giúp đỡ này. Họ cũng xuất hiện nhiều lần ngay cả trong Tin Mừng, và mặc dù công việc của họ đáng chê trách nhưng họ có thể trở thành một lời khuyên răn bổ ích. Vì thế, trong Bài Giảng Trên Núi Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20). Cũng trong những câu chuyện của các giáo phụ sa mạc, câu chuyện kể về một tên trộm đã gây bất ngờ cho vị tu sĩ đang ngủ và lấy cắp một số tài sản mà vị này cất giữ trong phòng riêng. Khi tỉnh dậy, không hề bối rối về những gì đã xảy ra, vị tu sĩ bắt đầu lần theo dấu vết của tên trộm, và khi tìm thấy hắn, thay vì đòi lại đồ đã đánh cắp, ông đưa cho tên trộm những thứ còn sót lại và nói: “bạn quên chưa lấy những thứ này”.
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể là chủ nhân của những thứ mình sở hữu, nhưng thường thì điều ngược lại xảy ra: cuối cùng, chính của cải chiếm hữu chúng ta. Người giàu không còn tự do, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, họ phải gánh gồng vì việc tích lũy của cải cũng đòi hỏi phải giữ an toàn. Họ luôn lo lắng, bởi vì một gia sản được xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi nhưng có thể tan biến chỉ trong chốc lát. Họ quên lời rao giảng của Tin mừng, vốn cho rằng giàu có tự nó không phải là cái tội, nhưng chắc chắn chúng là một trách nhiệm. Thiên Chúa không nghèo: Ngài là Chúa của mọi sự, nhưng, như Thánh Phaolô viết: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9).
Đây là điều mà người tham lam không thể hiểu được. Lẽ ra người đó có thể là nguồn phúc lành cho nhiều người, nhưng thay vào đó, anh ta rơi vào ngõ cụt của sự khốn khổ. Và cuộc sống của người hà tiện thì thật tồi tệ. Tôi nhớ đến trường hợp của một quí ông tôi gặp ở một giáo phận nọ, một người rất giàu có và mẹ của ông ta đang đau nặng. Ông đã kết hôn. Các anh em thay phiên nhau chăm sóc mẹ. Mỗi sáng mẹ ông được ăn sữa chua. Ông ta đưa cho mẹ một nửa vào buổi sáng, nửa phần còn lại ông để dành cho mẹ vào buổi chiều. Đây là tính tham lam, quyến luyến của cải. Sau này ông ta qua đời và những người đến cầu nguyện nhận xét về ông thế này: “bạn thấy đó, ông ấy chẳng có gì trên người, ông đã bỏ lại tất cả mọi thứ”. Rồi họ đùa cợt một chút, họ nói: “không, không, họ không thể đậy nắp quan tài vì ông ấy muốn mang theo mọi thứ bên mình”. Tính tham lam này khiến nhiều người cười nhạo: rốt cuộc, chúng ta phải dâng thân xác và linh hồn của mình cho Chúa và chúng ta phải bỏ lại tất cả. Chúng ta hãy cẩn thận. Hãy sống quảng đại, quảng đại với mọi người, với những người đang cần chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng