10 gennaio 2024 |
ROBERTO CETERA
Al-Maghtas, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "ngâm mình" hoặc "rửa tội" ám chỉ thánh địa bên bờ sông Giorđan, gần Biển Chết và Giêricô. Địa điểm này bị gài mìn sau cuộc chiến Sáu ngày, hiện nay khách hành hương có thể đến thưởng ngoạn.
“Lúc những người khiêng Hòm Bia vừa đến sông Giorđan, và chân các tư tế khiêng Hòm Bia vừa nhúng vào nước ở ven bờ, thì nước mạn ngược chảy xuống dừng lại, dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài… còn nước chảy xuống biển Arava, tức là Biển Muối, thì bị chặn hẳn lại, và dân đã qua sông, đối diện với Giêrikhô […] trong khi toàn thể Israel qua sông trên đất khô cạn, cho đến khi toàn dân đã qua hết” (Giôsuê 3, 14-17). Khoảng mười hai thế kỷ sau, một sự kiện khác đánh dấu sự thiêng liêng của nơi đó: “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình […] Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" ( Mt 3,13-17).
Địa điểm kết nối hai giai đoạn quan trọng trong lịch sử cứu rỗi được gọi là Al-Maghtas, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "ngâm mình" hoặc "rửa tội". Khu vực này nằm cách Biển Chết khoảng 9 km về phía bắc và cách Giêricô 10 km về phía đông nam. Địa điểm này, theo truyền thống cổ xưa nhất, đã được công nhận là nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, bao gồm hai khu vực, đó là đồi Elijah và khu vực của nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả, gần sông Giorđan.
Al-Maghtas cũng được xác nhận là điểm tương ứng ở bờ đối diện nằm trong lãnh thổ Giorđan, ít nhất về mặt lý thuyết, phù hợp hơn với câu chuyện Phúc âm nói về Bêtania "bên kia sông Giorđan". Bờ tây, nơi mà hàng năm người trông coi Thánh Địa cử hành lễ Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa, lại nằm trên lãnh thổ Israel hay nói đúng hơn là trên lãnh thổ bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967. Mặc dù bên này và bên kia chỉ cách nhau khoảng mười mét, bị ngăn cách bởi sông Giorđan, ngày nay có vẻ khá hẹp và lầy lội, do đó có hai nơi. Về phía Giorđan, việc cử hành được thực hiện bởi Thượng phụ của Giêrusalem theo nghi lễ Latinh, nơi có thẩm quyền giáo luật cũng bao gồm Giorđan.
Vào thời xa xưa, ba cuộc thần hiển mạc khải bản tính thần linh của Chúa Giêsu (Hiển linh, Phép Rửa và tiệc cưới Cana) được liên kết với nhau về mặt phụng vụ. Ngày nay điều này chỉ còn tồn tại trong các bài đọc năm C của Sách Lễ Rôma. Như chúng ta đã biết, Chính Thống giáo theo lịch Julian, cử hành Lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 và cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào ngày 19 tháng 1. Ngoài ra còn có nhiều khách hành hương Do Thái đến thăm địa điểm này để tỏ lòng kính trọng qua việc Giôsuê và dân được chọn vào Đất Hứa.
Trong những thập kỷ gần đây, người ta đã thực hiện các công trình khai quật quan trọng ở cả hai bờ sông, đưa ra ánh sáng phần còn lại của nhà thờ, tu viện và hồ rửa tội được xây dựng từ thời La Mã và Byzantine. Nhờ những khám phá trên, địa điểm này đã giành được danh hiệu di sản văn hóa nhân loại của UNESCO. Trong cuộc chiến Sáu ngày, vào tháng 6 năm 1967, khu vực này là nơi xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội Israel và Giorđan; vào cuối cuộc xung đột, người Israel đã cài mìn toàn bộ bờ tây vì mục đích phòng thủ. Chỉ khi hiệp ước hòa bình giữa hai nước được ký kết vào năm 1994 (sau hiệp định Oslo năm trước đó), Al-Maghtas mới bắt đầu được các nhà khảo cổ và các nhóm tôn giáo quan tâm trở lại. Công việc khai hoang và rà soát bom mìn rộng lớn đã bao trùm toàn bộ khu vực (dường như hơn ba nghìn quả mìn đã được tìm thấy và gỡ bỏ).
Vào năm 2020, giữa cơn đại dịch, các tu sĩ đã có thể vào lại Nhà thờ, và thật ấn tượng khi thấy phòng áo còn nguyên vẹn với lễ phục và bình thánh được sử dụng trong thánh lễ cuối cùng vào tháng 6 năm 1967. Cuốn sổ lễ cũng ghi lại nghi thức cuối cùng được cử hành trước khi buộc phải sơ tán.
Ngày 7 tháng 1 vừa qua, Cha Francesco Patton, quản thủ thánh địa, đã chủ trì thánh lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, bất chấp nhiều khó khăn liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Cha Patton đã khánh thành một con đường mới, đã rà soát bom mìn xong, cho phép tu viện được kết nối trực tiếp với bờ sông. Cam kết tiếp theo của các tu sĩ dòng Phanxicô là gửi một số tu sĩ đến sống lâu dài trong tu viện cách bờ sông Giorđan vài mét, nơi đang được cải tạo và mở rộng, chăm nom một đền thánh là một trong những nơi được khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới thăm viếng thường xuyên.
G. Võ Tá Hoàng