Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, từ 1-7 tháng Giêng



Ngày 1 tháng  1

ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.

Người Mẹ Thật Của Thiên Chúa Thật.

Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Người ta vẫn nói " Con người là một con vật có lý trí". Nói khác đi, con người là kép thể gồm xác và linh hồn. Phần xác con người được cha mẹ sinh ra, Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp linh hồn rồi phú vào xác kia như sách sáng thế ký 1, 26 đã mô tả.

Một người mẹ trần gian tuy chỉ có công với thân xác đứa con, nhưng lại là mẹ của con người " linh ư vạn vật" đó. Đứa trẻ đó có xác có hồn, có nhân phẩm, nhân vị, cho nên là mẹ của cả nhân phẩm đó, nhân vị đó. Cũng thế, mẹ Maria cộng tác với ChúaThánh Linh. Mẹ cung cấp chất liệu cần thiết làm nên thể xác Chúa Kitô. Mẹ Maria đã chỉ cưu mang và sinh con về thể xác ấy. Nhưng mẹ là Mẹ thật của Ngôi Hai, vì bản tính nhân loại kết hợp với thiên tính Ngôi Lời làm một. Đấy, một Đức Kitô vừa là người có thể xác như chúng ta, vừa là ThiênChuasr vô cùng toàn năng như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

a. Xét về phương diện nhân tính, Chúa Giêsu cũng có bao nhiêu nhu cầu của con người như đói khát, cô dơn, mệt mỏi. Chúa cũng có những tình cảm của con người:" Lạy Cha, nếu có thể được, xin hãy cất chén đắng..."( Mt25, 39). " Lạy Cha, sao Cha bỏ con?" ( Mt 27, 49). Cuối cùng, Chúa đã lãnh nhận cái chết như mọi người. Điều đó minh chứng rằng Chúa Giêsu là một người thật sự. Nhưng đồng thời Chúa Giêsu cũng là một vị Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa được biểu lộ qua những việc Chúa làm như phép lạ, quyền tha tội, lập luật...

Cho nên Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, là Mẹ của một vị Thiên Chúa lam người, là Mẹ của Thiên Chúa. Đấy là một tín điều, một chân lý. Chính chân lý này đã gói ghém trong lời chào mừng của bà Isave" Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi"( Lc 1, 43).

b. Với tư cách làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ có uy quyền đáng kính nể... Ngay ở đời này, không gì bằng danh dự. Người ta có thể hy sinh đói khát, kể cả sự sống vì danh dự " không công danh thời nát với cỏ cây"( Nguyễn Công Chứ). " Miếng đình làng hơn sàng xó bếp". Chúng ta lấy ví dụ một người mẹ có con làm lớn... đều được mọi người kính nể.

Vậy, Chúa Giêsu là Vua. Sự cao sang của Mẹ ở một địa vị trổi vượt. Nước của Chúa trải rộng trên trời dưới đất, vương quyền của Ngài lớn lao vô hạn, tồn tại muôn đời, thì chức làm Mẹ của Thiên Chúa cũng tùy vào đó và được nhiều uy quyền lắm, nhiều đến chỗ vô tận.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa.

Nhờ tước vị đó, Mẹ trở thành nữ tử của Ngôi Cha, là thân mẫu Ngôi Hai, là bạn thân thiết của Ngôi Ba. Một Eva Adong đã cùng nhau đưa nhân loại vào vòng tội lỗi tiêu diệt, thì Mẹ Maria là một Eva mới hợp tác với Chúa Giêsu là đầu, là thủ lĩnh đem ơn cứu rỗi cho nhân loại. Cho nên vai trò làm Mẹ đó cao quí cao sang lắm. Cao sang vì chính hoa quả của lòng Mẹ cao sang tuyệt vời.

Cao sang vì con Mẹ là Đấng tạo hóa mọi người thờ lạy. Cao sang vì Con Mẹ là nguồn mọi chân thiện mỹ. Cao sang vì mọi quyền hành trên trời dưới đất đều nằm gọn trong tay con của Mẹ.

Thiên Thần nói chí lý " tước vị của Mẹ Thiên Chúa cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể không cất nhắc Đức Mẹ lên bậc tốt lành và cao sang hơn được nữa" ( St. Th q. 25, a. 6ad 4).

Thánh Bonaventura đã phải thốt lên:" Chức làm Mẹ Thiên Chúa là ơn to lớn, phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho một loài thụ tạo". Ơn ấy Ngài đã ban cho Mẹ Maria. Thiên thần còn nói là Mẹ Maria đã đạt tới " biên giới của vô cùng"( 25. 6-4).

Người mẹ nào cũng dành dụm cho con. Chúng ta hãy đến và xin. Xin sẽ được.


Ngày 2 Tháng 1

Ga 1, 19- 28.

Ngài đang ở giữa anh em.

Nhân dịp những người Do thái chính thức cử các tư tế và họ Lêvi tới hỏi thăm về Gioan Tiền Hô là ai, Gioan được dịp làm chứng hùng hồn về Đấng Cứu Thế.

Họ hỏi Thánh Gioan ba câu : Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, có phải là êlia và có phải là tiên tri không?

1. Có phải là Đấng Cứu Thế không? Gioan Tiền hô hiểu ngay họ muốn gì khi đặt vấn nạn này, cho nên Gioan đã trả lời ngay rằng :"Tôi không phải là Đức Kitô"( c20). Gioan đã khiêm hạ nói lên một sự thật như thế, Gioan không là ánh sáng nhưng đến để làm chứng cho ánh sáng (Ga 1, 8). Gioan tự xưng mình "không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng đến sau ông", "nhưng Đấng ấy đã có trước ông" ( c 27. c 15). Đấng đang đến và sẽ rửa trong Thánh Linh ( Mc 1, 8) và trong lửa ( Mt 3, 11t). đấng ấy gọi là Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian ( Ga 1, 29). Đây là Gioan tuyên xưng đức tin về Đấng Cứu Thế mà ông hiểu được qua ơn Chúa dành cho đời ông.

b. Có phải là Êlia? ( c 21). Theo truyền thống bình dân dựa trên lời sấm của tiên tri Malachia ( 3, 1-2) và của sách Giáo sĩ ( 3,10) thì Êlia sẽ phải xuất hiện trước khi Đấng Cứu thế đến. Người Do thái hiểu những lời sấm ấy theo nghĩa đen, nghĩa chữ ( Mc 9,12. Mt 17,10. Mc 15, 35-36). Nhưng Chúa Giêsu đã cắt nghĩa về vấn đề này rồi. Người đến đó mang tinh thần của Êlia. Người đó là Gioan Tiền hô (Mc 9,12. Mt 7, 11-12). Gioan Tiền hô vào sa mạc ăn chay trường, mặc áo da thú, thắt lưng da giống Êlia xưa, cho nên người Do thái thấy vậy đã hỏi xem có phải là Êlia? Ngoài ra họ thấy Gioan giống Êlia ở một điểm nữa là lời nói hùng hồn nảy lửa. Nhưng Gioan cũng đã chân thành cho ông "không phải là Êlia" ( c21), Êlia không thể tái hồi luân hồi qua Gioan được.

3. Có phải là tiên tri? ( c 21). Hỏi như vậy là vì lời tiên báo trong sách ( DDnl 18, 15) "Ta sẽ cho nổi dậy một tiên tri như Ta...". người Do thái có khi hiểu lầm và áp dụng vào Đấng Cứu Thế ( Sdcv 6. 14), có khi cho đó là một đại tiên tri trong cỡ như Isaia ( 7, 40), Samuel, Giêrêmia ( Mc 8, 28. Mt 16, 14). Nhưng Gioan đã chối hết. Những người tới hỏi chưng hửng và họ cố nài ép ngài xem ngài là ai? Lúc ấy Gioan trả lời: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc" ( c 23).

Sa mạc là nơi tổ phụ Apraham đã sống, sa mạc là nơi dân Do thái đã được thử luyện, sa mạc là nơi sống của Môsê, sa mạc là nơi Chúa Giêsu đã ở 40 ngày, Gioan đã cùng sống giữa sa mạc như thế. Cho nên ông tự xưng là tiếng kêu trong sa mạc. Là tiếng kêu của thử thách, của từ bỏ, của khổ lụy, của thống hối. Và trong ý nghĩa đó, Gioan nói đến phép rửa của ông là phép rửa sửa soạn cho Đấng đến sau. Phép rửa của ông bằng nước chứ không bằng Chúa Thánh Thần như của Chúa Giêsu (Ga 1, 33t. Mt 3, 11. Mc 1, 8. Lc 1, 18). Phép rửa của Gioan được kèm theo nhân đức luân lý như bác ái, công bằng ngay thẳng (Lc 3, 10-11). Phép rửa của Gioan chưa có tính cách bí tích hay không thể tha tội như phép rửa của Chúa Giêsu. Phép rửa của Gioan chỉ để khơi lòng thống hối đón nhận phép rửa của Chúa Giêsu, là Đấng mà Gioan đã ở "giữa mọi người" nhưng không được biết tới. (c 26).

Đấy cũng là lời cảnh cáo chính chúng ta nữa chăng. Lời ấy cũng hao hao giống như lời Chúa trách môn đệ Philipphê : "Philipphê à, Thầy ở giữa các con bao lâu rồi mà vẫn chưa nhậ ra Thầy" (Ga 14,9). Có lẽ chúng ta đang sống mà cách xa Chúa như Ngài đã chết trong lòng chúng ta và trong đời chúng ta. Giữa chúng ta và Ngài hình như có một sự ngăn cách dày đặc. Chúng ta biết Thiên Chúa đứng sát chúng ta và gõ cửa lònh mọi người (Kh 3,20)..."Chiên Ta nhận ra tiếng Ta" (Ga 10,14).

Ngày 3 tháng 1

Ga 1,29-34.

Chiên Thiên Chúa Đã Xuất Hiện.

"Đây chiên Thiên Chúa. Đây Đấng gánh tội trần gian" ( c 29).

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã nhiều lần được gọi là chiên. Riêng sách Khải huyền nói tới 29 lần, thánh Gioan tiền hô nói tới Chiên Thiên Chúa hai lần như bài phúc âm hôm nay. Thánh Gioan tiền hô muốn nói gì khi gọi Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa?

1. Chữ "Chiên Thiên Chúa" nhắc nhở tới con chiên của nghi lễ Vượt Qua được dâng trong đền thánh để nhắc nhở dân Thiên Chúa được cứu ra khỏi đất Ai cập. Mỗi gia đình phải bắt một con chiên đực không tỳ ố mới đầy một năm (Xh 12,5) trong dịp lễ Vượt qua khoảng tháng ba, tháng tư, ho nướng chiên con bằng lửa rồi ăn hết cả con chiên không để dư phần nào, rồi lấy máu bôi lên bao cửa chính trong nhà, như vậy Thiên Thần chinh phạt sẽ rảo qua không sát phạt con trai đầu lòng. Chính nhờ máu chiên đó mà dân Do thái khỏi phải ách nô lệ Ai cập và các con trai đầu lòng được sống (Xh 12,4-11).

Ý tưởng này được gán cho Chúa Giêsu từ lâu rồi. Thánh Phêrô gọi Chúa Giêsu là con chiên vô tội và hoàn hảo (1Pr 1,19. Kh 5,6.9), Đấng đã dùng máu mình cứu rỗi nhân loại khỏi ách tội (1Pr 1,18-19. Ga 1,29). Bất kỳ ai được cứu rỗi đều nhờ máu chiên con (Kh 12,11) và hát bài ca "Con chiên" (Kh 15,3). Thánh Phaolô đã mặc nhiên quả quyết "Chiên vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã chịu sát tế" (1C5,7). Thánh Gioan (18,28) Chúa Giêsu chịu chết ngày lễ Vượt qua cũng là giờ sát tế chiên trong đền thờ. Theo Luca, xem ra Chúa Kito liên kết việc lập bí tích Thánh Thể với việc ăn lễ chiên Vượt qua (Lc 22,14).

2. Con chiên còn nói lên sự đau khổ trong im lặng không kêu ca trách oán. Tiên tri Giêremia đã ví đời tiên tri là "chiên con bị dẫn đến lò sát sinh" (11,19). Isaia đã có một tư tưởng thế khi nói "Chiên con bị đưa đến lò thịt như chiên mẹ yên lặng không hề mở miệng trước thợ vén lông" (Is 53,7). Chúa Giêsu đã im lặng trước hội đồng kết án Ngài (Mt 26,63) và không trả lời gì cho quan Philatô (Ga 19,9).

3. "Đây là Chiên Thiên Chúa..." (c. 29). Ở đây muốn nói đến nỗi oan khiên vô tội của Chúa Giêsu. Nhưng Ngài chấp nhận mọi đau khổ của mọi người bằng giá máu để tẩy sạch lâng mọi tội lỗi của nhân loại (1Ga 3,5. 2,2. 3,8). Sự tẩy xóa tội lỗi này thực hiện do cái chết đền tội được diễn tả qua chữ "chiên". Thánh Phêrô cũng như sách Khải huyền hằng nhắc nhủ chúng ta nhớ tới Chúa Giêsu là chiên vô tội, vô tỳ ố của tội lỗi, đã cứu chuộc nhân loại bằng giá máu Ngài (1Pr 1,18t. Kh 5,9t. Dt 9,12). Như vậy, Người đã giải thoát cho họ khỏi trái đất (Kh 14,3), khỏi trần gian xấu xa buông xuôi theo đà tội lỗi (1Pr 1,14. 18,4. 4,2t) để từ nay họ xa tránh tội lỗi (1Pr 1,15. 1Gio 3,5-9) và thành lập một tư tế mới, một dân tộc thánh thiện thực sự (1Pr 2,9. Kh 5,9). Cho nên đời tín hữu được ví là cuộc xuất hành thiêng liêng vượt về tiệc cưới con chiên (Kh19,7t) có ngai chiên mà từ đó vượt lên một dòng sông phun nước hằng sống (Ga 3,37-38) mà ai đến gần đều được sự sống đó (Kh22,1).

4. Chúa Giêsu được gọi là "Chiên Thiên Chúa", Đấng gánh tội trần gian: mọi tội lỗi của mọi người, của muôn thế hệ được Chúa gánh chịu lấy thay cho mọi người. Để hiểu được sức nặng của gánh tội này, chúng ta hãy tưởng tượng một gia đình có một đứa con vị thành niên đi phạm tội cướp giật chẳng hạn. thì cha mẹ phải chịu hình phạt thay cho con cái vị thành niên đó. Tội qui vu trưởng, đứng mũi chịu sào, gánh giữa đàng quàng vào cổ. Anh chị em cảm thấy khổ sở thế nào khi chịu đựng tội lỗi của một đứa con hư như thế? Chúa Giêsu nơi vườn cây dầu đã phải đổ mồ hôi máu không những cái chết tất tưởi sắp tới, nhưng cũng vì cái gánh tội phạt của tất cả mọi người kinh hoàng nặng nề quá.

Ước chi từ đây trong mọi thánh lễ chúng ta nghe được câu "Đây Chiên Thiên Chúa..." chúng ta hãy thương Chúa, thương Giáo hội, gia đình mà bớt đi nết xấu, tội lụy cho gánh đời mà quẳng gánh về trời...



Ngày 4 tháng 1

Ga 1,35-42

Các anh tìm gì ?

Kinh thánh hôm nay ghi rằng: "Hôm sau nữa, Gioan đứng đó với hai người trong nhóm môn đồ của ông. Ông ngó về phía Chúa Giêsu đang đi ngang qua và nói :"Này là Chiên Thiên Chúa" (c. 35). Thế là hai môn đồ đó theo tay chỉ của Gioan mà đi đến gặp Chúa Giêsu. Thấy họ đi theo mình, Chúa Giêsu phán hỏi:"Các ngươi tìm gì?" (c. 38). Câu hỏi có ý nghĩa là tại sao các ngươi đi theo Ta? Các ngươi chờ đợi hy vọng gì ở Ta? Hai môn đồ đó là Anrê (c.40) và có lẽ là Gioan nữa. Trước lời Chúa hỏi, họ sửng sốt trả lời thưa Chúa bằng một câu hỏi "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" (c.38).

Họ hỏi như vậy là họ có ý muốn gặp riêng Chúa Giêsu hoặc là để biết chỗ Chúa ở để lần sau tới gặp nữa.

Nhưng dù sao, ở đây cũng là một lần gặp gỡ quyết định thay đổi đời họ. Một ơn kêu gọi dứt khoát vì kinh thánh có dùng tới động từ "đến mà xem" (c.39). Rồi bản văn nói rõ giờ họ gặp gỡ Chúa là giờ thứ 10, tức là vào khoảng 4 giờ chiều. Giờ này đối với người Do thái đã là muộn màng lắm rồi. Ít ai đi đâu xa nhà vào giờ này để khỏi trọ đêm ở nhà người khác. Như vậy, cuộc đàm thoại với các môn đệ này đã khá muộn giờ.

Bài học cần suy nghĩ hôm nay "Các ngươi đi tìm gì?" (c.38). Theo phúc âm thứ tư, đây là lời đầu tiên Chúa Giêsu đặt thành câu hỏi. Chúng ta phải biết đó là câu hỏi đầu tiên Chúa hỏi chúng ta hôm nay nữa. Chúa muốn hỏi như thế để nhấn mạnh đến sự tự do lựa chọn, ý thức rõ rệt điều mình xin. Có nghĩa là Chúa muốn chúng ta sống đích thực, không được lưng chừng hay cá mè một lứa.

Đối với Chúa, không được ương ương dở dở, một là theo Ngài, hai là không, chứ không có thái độ thứ ba. Chúng ta nhớ lại ngày chịu phép Rửa tội Giáo hội cũng hỏi chúng ta một câu tương tự: "con xin gì cùng Hội thánh". Thưa :"xin phép Rửa tội, xin Đức tin nước Trời". Cũng một câu hỏi tương tự, Chúa đã hỏi quân dữ ở vườn cây dầu: "Các ngươi đi tìm ai?" (Ga 1,4). Sau khi phục sinh, Chúa đã hỏi chị Maria Mađalena đang đi tìm quanh quẩn bên mộ trống : "chị tìm ai đó?" (Ga 20,15). Hình như giờ này giữa muôn công việc bon chen, Chúa Giêsu đã hỏi chúng ta "Con đang tìm ai?".

Xin cho một đời chúng ta sống là một đời đi tìm Chúa không ngừng. Xin đừng đi tìm Chúa như Hêrôđê, đừng tìm Chúa như các luật sĩ, biệt phái trong năm lần tranh tụng. Đừng tìm Chúa như chàng thanh niên giàu có trong Phúc âm (Mc 10,17t). Đừng tìm Chúa như những ai nơi vườn cây dầu bằng sự quen thuộc và lạnh nhạt (Mt 2,1t). Nhưng hãy tìm Chúa thực sự như các môn đệ của Gioan tiền hô hôm nay, như các Đạo sĩ phương đông (Ga 20,15), như Nicôđêmô (Ga 3,5), như Mađalêna (Ga 20,15), như Gioan, Phêrô (20,1t), như Tôma (Ga 20,16t). những ai thực tình đi tìm Chúa, chắc chắn sẽ gặp Ngài. Những ai đem lòng thành tín đến gõ cửa Trời, nhất định sẽ được đón tiếp như đại khách, Chúa không bao giờ để họ lang thang lạc lối đâu.

Đáng lẽ chúng ta phải hăm hở đi tìm Chúa dù phải vất vả đêm hôm như một Nicôđêmô (Ga 3,5), dù phải cực nhọc như người gieo giống (Mt 13,1-9), dù phải hy sinh từ bỏ tất cả như người đi tìm kho tàng đá ngọc (Mt 15,44-46). Họ phải biết cố gắng đi tìm mãi như chủ chiên của một con chiên lạc (Lc 15,1), như người kia đốt đèn đi tìm đồng bạc trong nhà (Lc 18,8).

Chúa bảo chúng ta phải "tìm Nước Trời trước hết, còn mọi sự khác Ta sẽ ban cho sau" (Mt 6,33). Có khi chúng ta lại đi tìm mọi sự khác trước để rồi mất cả chì lẫn chài.


Ngày 5 tháng 1

Ga 1,43-51.

Thầy là Con Thiên Chúa.

Bài Phúc âm hôm nay là phần kết thúc việc Chúa kêu gọi một số môn đệ đầu tiên. Người đó là Nathanael. Nathanael quê tại Cana miền Galilê (Ga 21,2). Ong được Chúa kêu gọi làm môn đệ đồng thời với Philiphê là người dẫn mối cho Nathanael. Buổi đầu được giới thiệu, ông còn hồ nghi đôi chút vì cho rằng Nazareth có gì tốt đâu" (c. 46), vì thực sự Kinh thánh Cựu ước chưa hề nói tới Nazareth một lần nào. Cho nên, khi nghe người bạn Chúa Giêsu quê Nagiareth, ông tỏ ra ngại ngùng như thế. Nhưng khi cảm nghiệm được sự hiểu biết siêu nhiên đặc biệt của Chúa Giêsu về đời tư của ông thì ông đã nhận ra Chúa Giêsu là "Con Thiên Chúa" (c. 49). Từ đó Nathanael là môn đệ của Chúa thực thụ.

Tên của Nathanael không có trong danh sách tông đồ đoàn 12 người. Từ thế kỷ thứ IX, những người miền Syria và thế kỷ XII những người gốc Latinh đã đồng hóa Nathanael với Batôlômêô là người có trong danh sách các tông đồ (Mc 10,3. Mc 3,18).

Nathanael đã cảm phục Chúa, đi theo Chúa vì thấy rằng Chúa biết về đời tư của ông, Chúa nói :"Ta đã thấy ngươi dưới bóng cây vả" (c.48). Đó là một sự hiểu biết của một vị Thiên Chúa dành cho riêng đời ông. Trước khi ông đến gặp Chúa, Chúa đã biết ông ngồi dưới gốc cây vả. Chúa biết ông là một người "công chính ngay thật" (c.47). đó là hai cái biết. Nathanael ngạc nhiên hỏi lại Chúa: "Bởi đâu mà Ngài biết được vậy?" (c. 48). Chúa quả quyết thêm: "Trước khi Philiphê gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi dưới gốc cây vả" (c. 48).

Cây vả, cây nho, cây ôliu là ba thứ cây quen thuộc của miền Do thái, được Kinh thánh nhắc nhở nhiều lần. Đừng tưởng cây vả của họ giống như của Việt Nam đâu. Người Do thái cấy cây vả bên những giàn nho để tạo khí ấm. Quả cây vả này ăn mát lịm và cũng dùng pha chế để làm bánh Gatô (1Sm 25,18). Xưa kia tiên tri Isaia đã khuyên nhủ vua Ezechias lấy tấm bánh quả vả đắp lên bệnh nhọt ung thư và được Thiên Chúa cho khỏi qua dấu hiệu bánh quả vả (2V 20,7).

Trong Tân ước, có hai lần cây vả được nhắc đến. Một lần Chúa chúc dữ cho cây vả không sinh hoa trái (Mc 11,12-14). Một lần nữa là Chúa nói không thể tìm quả vả nơi bụi gai (Mt 7,16).

Kiểu nói dưới bóng cây vả mang nhiều ý nghĩa:

1. Chỉ sự an bình an lạc, an cư lạc nghiệp (Mt 4,4), vui vẻ như kiểu thả sáo diều Việt nam.

2. Bóng cây vả còn ý nghĩa là để suy gẫm và việc học hỏi sách luật nữa. Hãy cho rằng trường hợp Nathanael dưới bóng cây vả là để học hỏi lề luật. Như vậy là ông cần mẫn đi tìm ý Thiên Chúa qua Kinh thánh, cho nên ông được Chúa ca tụng là người rất mực ngay thẳng không quanh co, gian lận, xảo trá (c.47). Việc ông suy nghĩ và học hỏi lề luật dẫn đưa ông tới gặp chính Đấng làm ra lề luật, mà chính ông đã tuyên xưng lòng tin qua câu:" Ngài là Con Thiên Chúa, là Vua Israel" (c. 49).

3. Sự ngay thẳng của Nathanael mời gọi chúng ta hãy có một tấm lòng trung thực nhay chính như ông khi học hỏi lời Chúa. Cùng đích chóp đỉnh của Phúc âm, của lời Chúa là chính Chúa. Chúng ta đừng cắt nghĩa lời Chúa theo tư lợi ích kỷ hay dục vọng của lòng mình. Lời Chúa luôn luôn là khuôn vàng thước ngoc, là đèn soi bước chân đi (Tv 119), là lời hằng sống (Ga 6,68). Như vậy đừng bao giờ làm bể thước đo đó, cũng đừng làm mờ bóng đèn đó, và tệ hơn nữa là tắt đèn đi gây bóng tối cho mình và người khác đang cần tới ánh sáng đó... để về với Thiên Chúa hằng sống.

Xin cho mỗi tấm lòng chúng ta được trở nên mềm ải trước lời Thiên Chúa và tiếng Chúa kêu gọi bước tới.



Ngày 6 tháng 1

Mc 1,6-11

Con là con yêu dấu của Cha

Theo cuốn "Les noms et les titres de Jesus" (1963), tác giả L. Sabourain đã thu thập được gần 50 tên gọi khác nhau để chỉ về Chúa Giêsu. Ngoài hai tên chính là Giêsu và Kitô ra, Chúa Giêsu được gọi bằng nhiều tước hiệu khác nữa. Thí dụ như Đấng Cứu thế, Đấng công chính, Vua Bình an, Emmanuel, Mục tử, Ánh sáng, Đường đi, Tình yêu... Nhưng có một tên được nhắc nhở rõ ràng, trở thành chân lý do chính Thiên Chúa mạc khải đó là "Con Thiên Chúa".

Chúa Giêsu ý thức rõ rệt mình là "Con Thiên Chúa", Con Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa vì nguyên ngữ Do thái nói như thế.

1. Trước hết, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn những người làm vườn nho hung ác để ám chỉ chính mình là đứa con duy nhất của Thiên Chúa (Mt 21,33). Chính Chúa Giêsu đã từng phân biệt Thiên Chúa Cha của riêng Ngài và Thiên Chúa Cha của nhân loại. Ít ra là 17 lần trong Matthêu. Thí dụ 7,21 :"Không phải cứ nói Lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành thánh ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời" (x 10,32.12,50. Lc 24,49). Chúa Giêsu đã từng phân biệt giữa Cha của Ngài và của chúng ta, vì chúng ta được Thiên Chúa Cha chấp nhận, còn Chúa Giêsu là con tự nhiên. Trong Matthêu 6,9 "Chúng con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời..." Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế chứ chính Chúa Giêsu không làm kinh đó để Ngài xin với Cha Ngài đâu. Rồi hồi lên 12 tuổi, Chúa Giêsu ý thức rõ rệt bản tính làm Con Thiên Chúa (Lc 2,19).

2. Một số lần, Chúa Giêsu tự xưng mình là Con một cách rất đặc biệt, tuyệt đối và độc quyền (Mt 11, 25-27. Lc 10,22. Mc 13,32. Mt 28, 19). Những tiếng xưng tụng Con-Cha luôn luôn có mạo từ xác định ( Ho Hyics Ho Pater!). "Khi ấy Chúa Giêsu cất tiếng nói : Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã dấu những điều ấy với kẻ hiền triết mà lại đem tỏ bày với kẻ hèn mọn. Không ai biết được Con trừ ra Cha và không ai biết được Cha trừ ra Con" ( Mt 11,25). Chúa Giêsu dùng tiếng Abba  khi cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Mt 14,34).

3. Chính thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin (Mt 16, 15-19): "Thầy là con Thiên Chúa hằng sống".

4. Chính thánh Gioan tiền hô cũng làm chứng chân lý này (Ga 1, 34). Nathanael (1, 49). Martha  11,27): "Con tin Ngài là Đức Kito Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian".

5. Chính lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước hội đồng công tòa Do thái (Mt 26,63-66). Khi được hỏi Ngài có phải là "Con Thiên Chúa" thì Chúa đã trả lời khẳnh định và cũng vì đó mà Ngài bị lên án là nói lộng ngôn (Gio 10, 29.33). Người Do thái tố cáo Chúa tự xưng mình là "Con Thiên Chúa" (19,7).

6. Chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận hai lần rõ rệt việc làm Con theo bản tính của Chúa Kitô. Đó là lúc làm phép rửa ở Giođan (Mt 3,17) và dịp biến hình (Mt 17,5).

7. Ngoài ra chúng ta có thể gặp 100 lần nơi Gioan, Chúa Giêsu xưng tụng Thiên Chúa là "Cha Ta" nơi Mt 31 lần, Mc 3 lần, Lc 4 lần.

Giờ đây, chúng ta nhớ lại, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nghĩa là Thiên Chúa, cùng đồng bản tính, đồng uy quyền như Chúa Cha. Đôi khi, chúng ta đọc được một số đoạn văn Kinh thánh nói như là Chúa Giêsu phụ thuộc vào Thiên Chúa Cha như là "nhận mệnh lệnh nơi Cha" (Ga 10,18), cầu xin cùng Thiên Chúa Cha (14,16), kém vế Thiên Chúa (14,28)... Nhưng tất cả ngững đoạn văn ấy, nói về Chúa Giêsu theo nhân tính mà thôi (1,5) và Kh 5,12 có nói đến nhân tính Chúa Giêsu.

Biết được Chúa Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta trực tiếp cầu nguyện với Ngài như một Thiên Chúa (Ga 14,14). Cho nên có những lời trực tiếp với Chúa Giêsu như lời cầu nguyện về phép Thánh Thể "Lạy Chiên Thiên Chúa"... Dĩ nhiên, cũng có những lời cầu nguyên hướng về Thiên Chúa Cha qua Chúa Con. Chúng ta nhớ rằng cả Ba Ngôi đều làm việc. Và chúng ta nhớ cầu nguyện từng Ngôi vị cũng là cầu nguyện lên Ba ngôi.

Ngày 7 tháng 1

Ga 2,1-12

Phép lạ đầu tiên

1. Hoàn cảnh không gian: Ngay từ năm thứ nhất đời công khai của Chúa Giêsu, và quãng tháng năm, Chúa Giêsu cùng các môn đệ được mời dự tiệc cưới ở Cana. Cana là một thành phố nhỏ, cách phía nam Nazazeth, quê mẹ của Người chừng 10 cây số về phía đông bắc. Người Do thái thường cưới gả vào tháng ba, là tháng có thời tiết đầm ấm, hoa cỏ đua vui. Họ thường mở tiệc khánh hạ đủ 7 hôm hoặc 3 hôm. Đối với người góa tái hôn, mỗi ngày thường có người khách mới tới bất ngờ, nên số người không tính kỹ trước và số rượu không dự trù sẵn thì rất có thể bị thiếu đồ ăn thức uống giữa chừng. Mà bị thiếu rượu như thế là một sỉ nhục ba đời nữa, mất hết danh dự và xấu hổ vì mang tiếng "keo kiệt". Ở đây, tiệc Cana đã rơi vào tình trạng đó. Thấy họ băn khoăn, tinh ý, Đức Mẹ nhắc khéo với con Mẹ :"Họ hết rượu rồi" (c.3). Chúa Giêsu trả lời "Giữa tôi với Bà có việc nào đâu" (c. 4).

2. Giải thích đoạn văn: Chúa Giêsu gọi Mẹ mình bằng tiếng "Bà". Nếu như xưng với người khác như thế là điều dễ hiểu (x. Ga 4,21. 20,13. 8,10. Mt 25,28. Lc 13,12). Nhưng xưng tụng với chíng mẹ mình như thế như có vẻ thiếu thân mật. Nhưng thực ra đó cũng là một kiểu nói đầy kính trọng các bà nơi công chúng. Cũng như chúng ta quen gọi cha mẹ nói chung là ông bà nội ngoại.

"Tôi với bà nào có việc gì đâu, có liên hệ gì đâu"  c. 4). Đây không phải là câu trách móc, vì Đức Mẹ đề nghị chỉ vì lòng thương mà thôi và qua câu nói đó, như là diễn tả một sự từ chối. Theo Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu làm phép lạ không phải người ta xin bao giờ cả. Ví dụ viên sĩ quan xin Chúa chữa bệnh cho con trai ông thì điều kiện là ông phải tin rằng Chúa có thể chữa bệnh từ xa bằng một lời nói (4,50). Chính Chúa Giêsu tự ý quyết định làm phép lạ bánh hóa ra nhiều nuôi dân (6,5), và chính Ngài quyết định chữa người mù (9,3). Chị em Lazarô xin Chúa đến giúp lúc em hấp hối, nhưng rồi vẫn cứ chết. Và Chúa để hai ngày sau đó, rồi Chúa mới tới (11,3-7). Ở đây trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu nói với Mẹ Ngài như thế nói lên một chân lý mà Chúa làm mọi sự đều bởi Ngài, bởi Thiên Chúa Cha mà thôi.

Thật ra Chúa Giêsu liên hệ với Đức Mẹ bằng tình mẫu tử. Mối dây liên hệ này không thể chối cãi... Nhưng Chúa Giêsu đến trần gian này để lập một đại gia đình thiêng liêng của Nước Trời, một gia đình lớn gồm bất cứ ai có lòng tin và thực thi giới luật của Ngài. Cho nên mối liên hệ nhục thể gia đình thường không có tầm quan trọng nào đối với sứ mệnh nước Trời. Nhưng chỉ có một cộng đồng thiêng liêng này giá trị mà thôi (Mt 12,48-50). Vậy thì xét về sứ mệnh cứu rỗi, Chúa Giêsu chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha mà thôi. Cho nên trong lúc đó, do thánh ý Thiên Chúa Cha, Đức Mẹ cũng không dự phần vào sứ mệnh ấy. Đức Mẹ hiểu thế, nên vận dụng vào lòng tin "Hễ Ngài bảo gì hãy làm như thế" (c.5). Và một phép lạ lẫy lừng đã xảy ra.

3. Ý nghĩa phép lạ:

a. Nước trở nên rượu là hình bóng phép Thánh Thể sau này Ngài sẽ làm cho rượu trở nên máu thánh của Ngài.

b. Chúa đến dự đám cưới này, để thánh hóa hôn nhân. Như thế, chế độ hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập ngay từ đầu lịch sử nhân loại và được tăng uy thế qua phép lạ hôm nay. Cũng như định luật bất khả phân ly trong hôn nhân cũng được gián tiếp đóng ấn ở đây (Mt 19,3).

c. Dù sao phép lạ Cana được thực hiện do chính sự can thiệp của Mẹ. Mẹ Maria là dấu chỉ rằng đã đến giờ Mẹ có dự phần: một sứ mệnh đặc biệt trong công nghiệp cứu rỗi nhân loại. Khi can thiệp, Mẹ Maria không nhất thiết ép buộc Chúa Giêsu phải làm phép lạ theo như ý của Mẹ, nhưng Mẹ xin theo như ý Thiên Chúa Cha mà thôi. Mẹ vẫn là trung gian.

d. Sự biến đổi nước thành rượu cũng ám chỉ luật Tân ước thay thế cho luật cũ của các tiên tri.

e. Chữ Bà trong phép lạ Cana này nhắc tới bà Eva cũ trong St 3,15. Đức Mẹ được gọi là Eva mới chiến thắng cùng Chúa Giêsu, nhờ sự vâng lời. Chữ bà cũng nhắc nhớ tới một người nữ "chân đạp mặt trăng" ( Kh12,1).

Mới hơn Cũ hơn