Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày - Tuần I Thường Niên



TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

Sau khi được ông Gioan làm phép rửa, Đức Giêsu vừa lên khỏi nước, các tầng trời mở ra và có Thánh Thần tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người và có tiếng Chúa Chúa Cha phán rằng: “ Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Là Con Một của Chúa Cha, Đức Giêsu luôn là con yêu dấu và luôn đẹp lòng Cha. Nhìn về biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio đan, chúng ta học được gì?


Đức Giêsu chính là Đấng mà Gioan tuyên bố rằng ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (x. Mc 1,7). Nay Đấng ấy hòa mình vào đám tội nhân, khiêm tốn đứng xếp hàng, chờ đến lượt được chịu phép rửa. Khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã mặc lấy thân phận con người nhưng ngoại trừ tội lỗi. Vậy mà nay, Đấng ấy làm một việc đến cả Gioan cũng phải bối rối, không dám: “ Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa” (Mt 3, 14). Gioan đã chiều theo yêu cầu của Đức Giêsu. Gioan biết rõ Đấng nhờ mình làm phép rửa là ai, là Đấng mà ông đến để dọn đường trước. Nhìn về biến cố này, chúng ta được mời gọi nhìn về hồng ân làm con Chúa trong ngày chịu phép Rửa tội.


Gioan làm phép rửa để mời gọi người ta tỏ lòng sám hối. Ngày này, phép Rửa tội ta được lãnh nhận không chỉ kêu mời ta tỏ lòng sám hối mà còn tha hết tội lỗi ta phạm từ trước đến nay, tội tổ tông. Trong bài giáo lý về bí tích Rửa Tội được ban hành ngày 11 tháng 4 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giải, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta nhận được ơn tha tội và được tái sinh vào cuộc sống mới và vĩnh cửu trong Đức Kitô; đây là bí tích đầu tiên trong các bí tích, vì nó như cánh cửa cho phép Đức Kitô cư ngụ nơi con người mình và cho mình được chìm ngập trong Mầu Nhiệm của Người. Ta cũng biết rằng, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa chúng ta, dẫn đưa chúng ta đến ơn làm con Chúa. Hơn nữa, bí tích Rửa Tội là “nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1213).


Có thể, theo truyền thống bao đời, đa số chúng ta được bố mẹ đưa đến nhà thờ từ lúc còn rất nhỏ để chịu phép Rửa tội. Bởi đó, chúng ta chưa có cơ hội để ý thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của ơn cao cả ta lãnh nhận. Nhưng bây giờ, khi đã lớn, được học hỏi, được dạy dỗ, được trải nghiệm, chúng ta nghĩ gì về bí tích Rủa tội? Thật ra, không phải là nghĩ gì về bí tích Rửa tội, nhưng đúng hơn, chúng ta đã sống bí tích đó như thế nào và chúng ta đã làm gì để xứng đáng là con cái Chúa? Đời sống của chúng ta có diễn tả một sự hiện diện đầy sống động của một Thiên Chúa làm người nơi cuộc sống của ta? Mọi người có nhận biết Thiên Chúa qua cách sống của ta? Thiết nghĩ, khi sống theo các giáo huấn của Đức Giêsu cách triệt để, ta sẽ có thể sống xứng đáng là con cái Chúa. Nhờ liên đới với Đức Giêsu Kitô, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Hãy để Đức Giêsu Kitô sống trong ta, khi ấy, Thiên Chúa Cha sẽ nói với ta: “ Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Thiết nghĩ, đó cũng là cách ta sống trọn vẹn bí tích Rửa tội.



THỨ BA

1Sm 1,9-20; Mc 1,21-28

Loài người chúng ta luôn coi là một tin mừng, một điều đáng mừng khi chúng ta gặp một việc nan giải, vượt qua khả năng giải quyết của mình, mà được ai giúp giải quyết tốt đẹp. Chắc chắn việc không có con đối với bà Anna và việc bị quỉ ám (mà Thánh Kinh hôm nay nói đến) là hai việc nan giải, khiến con người bó tay. Chắc chắn sau khi được Chúa nhậm lời, cho sinh con trai, bà Anna và người chồng của bà đã rất vui mừng, cũng như người bị quỉ ám cùng với thân nhân anh ta và nhiều người Do Thái chứng kiến đã vui mừng sau khi Chúa Giêsu trừ quỉ. Đây thật là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người và dùng quyền năng của Chúa đáp cứu những kẻ bất hạnh.

Với đà tiến của khoa học, của nhận thức, con người ngày càng giải quyết được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều vấn đề hay nhiều nỗi bất hạnh khi trước là nan giải nay không còn là nan giải nữa. Và xem ra khoa học còn đẩy lùi thêm mãi nhiều nỗi bất hạnh từng ám ảnh con người.

Tuy vây, chúng ta phải nhận rằng, dù con người tiến bộ và tài giỏi đến mấy, chắc chắn đời sống đang và sẽ còn nhiều vấn đề khó khăn, vượt qua khả năng giải quyết của con người. Chẳng hạn con người bị ảnh hưởng của sự dữ, sự tội; việc con người muốn nên tốt mà không thể được; việc con người mang đủ thứ tật tích phần hồn và nhất là phải chết phần hồn. Khoa học và tiến bộ có lẽ không đẩy lùi được những thứ bệnh nan giải đó.

Đối với các nỗi bất hạnh đó, con người chỉ có một cách duy nhất là chạy đến với Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay muốn nói tới uy quyền của Lời Chúa và uy quyền ấy không chỉ có trong quá khứ, khi Chúa Giêsu giảng dạy, mà đang có trong hiện tại của Hội Thánh. Ai biết đón nhận, biết tin theo, biết thực thi Lời Chúa thì có nguy cơ may thoát được các bất hạnh trong đời sống, nhất là đời sống tinh thần và thiêng liêng. Ai bắt chước bà Anna, biết chân thành cầu nguyện và nắm chặt lấy Chúa, kẻ đó cũng có cơ may nhận được sự giải phóng từ Chúa.

Chúng ta cảm ơn Chúa đã quan tâm đến cảnh huống nhân loại và vì yêu thương, đã lấy quyền năng của Chúa, đã sai Con của Người để đến đáp cứu chúng ta. Đời sống chúng ta, về nhiều điểm, đã được đưa ra khỏi nỗi bất hạnh. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta thêm lòng tin và lòng gắn bó với Lời Chúa, Lời duy nhất có thể mang lại cho đời chúng ta ánh sáng, sự giải phóng và hạnh phúc đích thực.



THỨ TƯ

1Sm 3,1-10.19-20; Mc 1,29-39

Trước kia người ta vẫn nói thánh Marcô là thư ký ghi lại những bài giảng của thánh Phêrô. Mà thánh Phêrô là người thuyền chài, ít học, chỉ nói cách mộc mạc, bình dân. Nay các nhà chú giải thấy thánh Marcô cũng là đại diện của một cộng đoàn tiên khởi, ngài viết lên niềm tin đối với Chúa phục sinh của cộng đoàn đó, nên Phúc Âm ngài có một sứ điệp thần học, mỗi đoạn mỗi câu không chỉ có nghĩa mộc mạc, mà chứa đựng cả một ý nghĩa thần học thâm thúy.

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Chúng ta có thể nói đây là một bài giới thiệu về hoạt động cứu thế và những hoài bão, những ước mơ của Đấng Cứu Thế.

Trước hết, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường Do Thái, đến miền Galilê. Chi tiết này có ý nói Chúa Giêsu mở rộng hoạt động của mình ra khỏi khu vực Do Thái, báo hiệu hoạt động “đến với muôn dân” sau này, vì Galilê tượng trưng cho miền Dân Ngoại.

Cách Chúa chữa bà nhạc Simon bằng cầm tay, nâng dạy, ám chỉ đến mầu nhiệm phục sinh, trong đó Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết.

Chiều đến, tất cả các bệnh nhân được đưa tới, tất cả đã thành tụ tập lại: việc Chúa làm cho bà nhạc Simon sẽ được Chúa thực hiện cho cả mọi người. Trường hợp bà nhạc Simon chỉ là cái mẫu, như nố điển hình cho các trường hợp khác: Chúa phục sinh nâng người ta dậy từ thân phận bại liệt do tội lỗi, do ma quỉ, để người ta đứng lên và đi phục vụ Chúa.

Nhưng thánh Marcô không nói tiếp là Chúa chữa tất cả, mà lại nói Chúa chữa nhiều bệnh nhân, trừ nhiều quỉ: Chúa không chữa tất cả, vì có kẻ chưa có lòng tin. Người ta phải muốn được chữa mới được và người ta phải nhớ Chúa đi qua thập giá, phải tin mầu nhiệm khổ nạn mới được (nên Chúa cấm quỉ tuyên xưng về Ngài trước khi Ngài chịu chết).

Vì nhiều người:

- Chưa có lòng tin.

- Khó tin Chúa phải đi qua mầu nhiệm thập giá.

- Khó bỏ nhãn giới trần tục về Đấng Thiên Sai.

Họ giống kẻ còn ngồi trong tối tăm, còn chưa tỉnh ngủ, nên giữa khi họ còn ngủ, lúc sáng tinh mơ, Chúa phải đi cầu nguyện để mọi người có thêm lòng tin.

Simon chạy đến tìm Chúa. Nhưng chắc chưa dễ bỏ quan niệm trần tục, nên Chúa bảo phải đi nữa, ra khỏi chỗ hiện tại, đi thêm để cứu thế.

Vậy đoạn Tin Mừng này đầy những ý thần học sâu sắc. Chỉ bằng những câu có vẻ đơn sơ dễ hiểu, thánh Marcô đã gởi tới chúng ta một sứ điệp thâm thúy về Đấng Cứu Thế.

Và điểm “Chúa Giêsu cầu nguyện vì ta” lại phù hợp đặc biệt với bài đọc I: muốn có lòng tin, chúng ta phải bắt chước Samuel thưa với Chúa: “Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” và không bỏ mất một lời nào của Chúa như con gà không bỏ phí một hạt thóc nào. Có lắng nghe Chúa một cách chăm chú kỹ càng và thực thi ý Chúa chúng ta mới dần dần hiểu Chúa và thêm lòng tin.

Xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe Chúa, biết đi sâu ngày một hơn theo con đường khổ nạn phục sinh và từ bỏ những quan niệm trần tục, biết đi thêm, đi mãi trên bước đường theo Chúa, tin Chúa và cùng Chúa cứu đời.


THỨ NĂM

1Sm 4,1-11; Mc 1,40-45

Thánh Marcô hôm nay tiếp tục giới thiệu những bước đầu của việc Chúa Giêsu hoạt động công khai để cứu độ bằng quyền năng của Ngài. Theo đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu chữa lành một người phong cùi. Các phép lạ Chúa Giêsu làm là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã đến. Chúa Giêsu sẽ bảo người cùi đến trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê: việc ấy có ý nhắc cho các tư tế biết là Nước Trời đã đến, vì nay đã có người làm được phép lạ chữa lành bệnh cùi.

Phép lạ hôm nay có thể sánh với phép lạ làm cho kẻ chết sống lại, vì người cùi kể như chết đối với xã hội Do Thái, nay Chúa Giêsu ban lại quyền sống khi cho anh hội nhập lại vào trong xã hội.

Phép lạ này là một cuộc cách mạng lớn lao, lật đổ quan niệm về sạch và dơ, quan niệm đã từng khai trừ người cùi, coi họ là ô uế, bắt họ sống cách ly, phải rung chuông hay la lên khi người ta biết và đừng đến gần, vì ai chạm phải họ kể ra như ô uế theo sự qui định của lề luật.

Phép lạ này cũng là hình ảnh và hậu quả được hưởng trước của ơn cứu rỗi do việc Chúa Giêsu chết và sống lại. Nay Chúa Giêsu chưa chết, nên Ngài cấm người cùi loan truyền sự việc, sợ người ta hiểu lầm Chúa chỉ là một vị phù thủy và hiểu sai về đường lối cứu thế của Chúa.

Nhưng chi tiết đáng để ý nhất là trước khi chữa, Chúa Giêsu đặt tay lên anh ta, nghĩa là Ngài tự để cho mình mắc ô uế, Ngài tỏ dấu liên đới với người cùi, bất chấp hiểm nguy thiệt thòi cho mình. Điều này nói lên tình thương vô tận của Chúa Giêsu đối với những người bị xã hội nhờm tởm và đồng thời báo trước việc gánh lấy nỗi khốn cùng của chúng ta, thậm chí “trở thành sự tội” vì chúng ta trong mầu nhiệm khổ nạn.

Điều này cũng khiến chúng ta nhớ đến tình thương của Giavê trong Cựu ước: Giavê cũng liên đới với Dân của Người như vậy. Bài đọc I hôm nay kể về Hòm Bia Thiên Chúa: vì thương con người, Giavê đến ở giữa Dân Người, tuy là Đấng tạo thành vũ trụ, Người tự thu mình trong Hòm Bia để con người muốn đưa đi đâu thì đưa, rồi Người cùng giao chiến bên cạnh Dân, thậm chí Người chấp nhận trở nên yếu đuối và bất lực, khi con người sống tội lỗi, không muốn tin nghe Người, không muốn cộng tác với Người. Nghe đoạn sách hôm nay, chúng ta thấy khí thế và sự phấn khởi của phía Israel. Chúng ta thấy nỗi kinh hoảng của phe Philitinh và chờ cuộc chiến thắng vẻ vang do Hòm Bia Chúa mang lại cho phía Israel. Thế nhưng, hôm ấy Israel đã đại bại, lý do có lẽ là tại có hai con của thầy cả Hêli đi đón Hòm Bia và đi cạnh Hòm Bia: hai người ấy có đời sống xấu xa, tội của họ khiến Giavê cũng đành bó tay không cứu nổi Israel. Thiên Chúa đã liên đới với con người, đã gánh lấy cả sự yếu đuối bất lực của con người tội lỗi.

Trong hiện tại, Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu cũng đang ở gần chúng ta, liên đới mật thiết với đời chúng ta. Trong thánh lễ mỗi ngày, Chúa đang ở giữa chúng ta, Chúa thương mọi người như nhau, không đặt hàng rào ngăn cách, Chúa liên đới với chúng ta để chống lại sự dữ, Chúa lấy chính Máu Ngài rửa tội lỗi chúng ta làm chúng ta nên lành sạch. Do tình thương đó của Ngài, chúng ta xin ơn biết sống yêu mến đối với Ngài và sống yêu thương với anh chị em, nhìn mọi người bằng con mắt của Chúa: không phân biệt, không loại trừ ai, bởi vì ai ai cũng được Chúa yêu thương đến cùng, bất luận họ tốt hay xấu.


THỨ SÁU

1Sm 8,4-7.10-22a; Mc 2,1-12

Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp tục giới thiệu Chúa Giêsu ở những bước đầu thời kỳ Ngài hoạt động cứu thế. Tuy Chúa Giêsu mới khởi sự, nhưng bóng dáng sự chống đối đã thấp thoáng. Khi vừa nghe Chúa Giêsu nói với người bất toại “tội lỗi con được tha” vì thấy lòng tin lớn lao của người ấy và những người khiêng người ấy, các luật sĩ đã thắc mắc và chống đối trong lòng. Chính ra điều họ nghĩ không phải là sai “ai có quyền tha tội, ngoại trừ một mình Thiên Chúa”. Nhưng trong trường hợp Chúa Giêsu thì nghĩ như thế không còn đúng nữa: sao họ không mở mắt để thấy bao điều kỳ diệu Chúa đang thực hiện trong thời gian gần đây; sao họ không thấy Chúa giảng dạy đầy uy quyền và hiệu quả; sao họ không thấy dân chúng nườm nượp kéo đến để nghe Chúa Giêsu? Đàng sau sự thắc mắc có tính cách chống đối của họ, chúng ta phải nhận ra lý do là họ lấy mình làm trung tâm, lấy ý nghĩ của mình làm đúng và bắt mọi người phải theo đúng như thế mới được. Đàng sau thái độ của họ, chúng ta phải thấy lòng dạ con người:tự cao, tự tôn, hẹp hòi, cứng ngắc. Từ chỗ là những người lo đọc Thánh Kinh, lo giải thích luật để hướng dẫn Dân biết kính thờ Thiên Chúa, họ đi đến chỗ nâng mình lên, coi mình là tiêu chuẩn và khuôn phép của mọi sự, đến nỗi mù quáng không còn nhận ra những việc kỳ diệu và sự hiện diện của Chúa, cũng như những dấu hiệu mời gọi của Chúa, đến nỗi bắt cả Thiên Chúa cũng phải vào khuôn của họ, cũng phải hành động theo quan niệm cứng ngắc của họ. Họ chống đối Chúa Giêsu chỉ vì đã để lòng dạ mình lớn quá.

Ảnh hưởng độc hại của lòng dạ con người cũng đã được thấy trong thời Cựu ước, theo bài I hôm nay cho chúng ta thấy:

Ban đầu dân Do Thái được Thiên Chúa yêu thương, họ sống ngoan hiền với Chúa, đi theo chế độ thần quyền, nhận Thiên Chúa là vua. Với thời gian, do lòng dạ xấu, họ đòi có vua như các dân khác. Họ chấp nhận trở thành dân phàm tục khi họ đòi hư danh như các dân khác (x. NTT, p.584).

Qua lời Samuel, Thiên Chúa báo trước về những khốn đốn do chế độ quân chủ gây ra: các vua có thể tốt lành lúc đầu, nhưng do lòng dạ xấu xa tự nhiên, họ sẽ hà khắc độc ác với Dân. Những chi tiết thuộc đoạn sách Samuel hôm nay sẽ xảy ra dưới thời Salômôn và nhiều vua kế tiếp.

Vậy lòng dạ là cái mà chúng ta phải luôn cánh chừng. Mọi sự trong liên lạc với Thiên Chúa và với tha nhân sẽ xấu đi, nếu chúng ta chiều theo những khuynh hướng đồi bại cố hữu của bản tính con người.

Xin Chúa Giêsu uốn lòng chúng ta nên giống trái tim hiền lành khiêm nhường và thánh thiện của Chúa. Xin Chúa ban ơn để chúng ta ngày càng chế ngự được cõi lòng xấu xa của mình, hủy diệt được ảnh hưởng của con người cũ, thuộc xác thịt nặng nề hư đốn, để chúng ta phục vụ Chúa và anh em với cõi lòng tốt lành và trong sáng.


THỨ BẢY

1Sm 9,1-4.17-19.10,1a; Mc 2,13-17

Việc Thiên Chúa kén chọn hay kêu gọi bao giờ cũng là một mầu nhiệm, bởi vì việc đó hoàn toàn thuộc sự tự do và quyết định riêng tư của Thiên Chúa.

Ngay việc Thiên Chúa kén chọn Saolê làm vua đầu tiên của dân Israel đã chứng tỏ điều đó. Dĩ nhiên đây là việc kén chọn thuộc lãnh vực chính trị, xã hội nhiều hơn. Trong lãnh vực này, việc kén chọn đòi hỏi một số điều kiện chúng ta khá quen thuộc, do đó chúng ta dễ đoán trúng được là Thiên Chúa thích chọn ai: chọn một người có những đặc điểm phù hợp cho lãnh vực chính trị, xã hội. Saolê có những đặc điểm như: tốt lành, cao lớn, lanh lẹ khiến việc ông được

Thiên Chúa chọn không lạ lùng lắm. Tuy vậy, chính việc Thiên Chúa chọn Saolê vẫn là một mầu nhiệm diễn tả sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa, nhất là khi Saolê không phải là người của một chi họ lớn, mà chỉ là người thuộc chi họ Bengiamin nhỏ bé.

Đến lãnh vực Nước Trời, chúng ta thấy việc Thiên Chúa chọn là một mầu nhiệm lạ lùng hơn nữa. Ở đây có những điều mà chúng ta không thể hiểu được, vì vượt ngờ tưởng của chúng ta. Cụ thể như bài Tin Mừng vừa cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đã kêu gọi Lêvi, một kẻ bị xã hội thời bấy giờ đàm tiếu khinh bỉ. Lêvi, đối với người Do Thái, chỉ là một kẻ tội lỗi, một kẻ đáng vất bỏ và không xứng đáng thuộc Dân Chọn, vì nghề ông làm là một nghề xấu xa. Việc lựa chọn của Chúa Giêsu ở đây chỉ có một lý do giải thích: đó là tình thương. Chúa Giêsu gọi một kẻ tội lỗi theo Chúa chỉ vì Chúa yêu thương kẻ ấy. Mà tình thương bao giờ cũng chảy xuống kẻ đáng thương hơn cả, kẻ cần được yêu thương, cần được sửa đổi hơn cả. Bởi đó, chúng ta không thể hiểu nổi tại sao Chúa Giêsu lại chọn Lêvi, nhưng việc Chúa chọn Lêvi đó tỏ lộ ra tình thương và cõi lòng của Chúa. Hơn nữa, việc Chúa Giêsu chọn Lêvi giúp chúng ta thấy rõ chính bản thân của Chúa, đó là Ngài là Đấng yêu thương và trước hết yêu thương kẻ tội lỗi.

Như thế câu chuyện về Lêvi hôm nay phải giúp chúng ta hiểu về Thiên Chúa của chúng ta một cách khác hẳn.

Trước hết, trong khi đối với chúng ta, chọn lựa là hướng về một người hay một cái gì tốt lành, phù hợp với chúng ta, thì đối với Thiên Chúa, chọn lựa lại là hướng về kẻ có tội, xấu xa, kẻ đáng thương, kẻ chưa trọn hảo, bởi vì việc chọn lựa của Chúa bao giờ cũng được điều khiển bởi tình thương mà thôi.

Thứ hai, đối với chúng ta, chọn lựa luôn là một Tin Mừng, cách riêng là Tin Mừng cho kẻ tội lỗi, vì chính họ là đối tượng hàng đầu của Thiên Chúa.

Thứ ba, Thiên Chúa kén chọn một người không có nghĩa là vất bỏ, loại trừ những người khác mà lại chính là để phục vụ, để làm ích cho những người khác. Một cá nhân Saolê được chọn để cả Israel được có vị cai trị, bảo vệ. Một cá nhân Lêvi được gọi làm Tông Đồ, để cả Hội Thánh được nhờ. Vậy hết mọi người, kẻ được chọn và kẻ không được chọn đều là đối tượng của tình thương Thiên Chúa.

Cuối cùng, việc Thiên Chúa kén chọn không khiến ai mặc cảm hay lo sợ, vì Thiên Chúa không đòi họ phải là kẻ tài cán xuất chúng hoặc thánh thiện gương mẫu, trái lại chính kẻ bất xứng lại là kẻ được Thiên Chúa quan tâm đầu tiên để đổ tràn tình thương cho và để mời gọi vào Nước Trời.

Trong thực tế, chúng ta hiện giờ đã có diễm phúc được Thiên Chúa kén chọn khi ban đức tin và cho làm Kitô hữu, mặc dù ai trong chúng ta cũng tội lỗi nhiều hay ít. Chúng ta hãy biết ơn Thiên Chúa, đừng vênh vang về mình, đừng phải lo củng cố cái tôi và những giá trị kiểu thế gian, vì Thiên Chúa đã yêu thương và kén chọn chúng ta một cách nhưng không, không cần dựa vào tài cán địa vị của chúng ta, chỉ cốt để chúng ta đem con người và tài sức mình cộng tác với Thiên Chúa, phục vụ anh em mà thôi. Đó cũng chính là bài học mà Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria đang gởi đến chúng ta hôm nay.
Mới hơn Cũ hơn