Điều chúng ta tin, Phần 1: Bắt đầu với Đức Giêsu và Kinh thánh



Joshua J. Whitfield

Tất cả bắt đầu với Đức Giêsu. Để khám phá đạo Công giáo – tức khám phá điều chúng ta tin – người ta phải nhận thức về Ngài. Nhưng bằng cách nào? Ý tưởng đơn thuần về Đức Giêsu rất phổ biến đến độ ngay cả trong những nền văn hóa hậu đức tin, hầu hết mọi người ít nhất cũng có một vài ý niệm mơ hồ về Ngài. Hãy xem vô số những chân dung về Đức Giêsu trong mỹ thuật, văn học và phim ảnh. Tuy nhiên, làm thế nào Đức Giêsu được định vị như là đối tượng của niềm tin và phụng tự của hàng tỷ người chứ không chỉ là sản phẩm văn hóa?

Dĩ nhiên, một ai đó có thể nhận thức được Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô về mặt triết học. Thánh Phaolô đã ám chỉ điều này, rằng Thiên Chúa hiển nhiên tồn tại ngay cả đối với dân ngoại nhờ bằng chứng tự nhiên thông qua “những thuộc tính vô hình của quyền năng vĩnh cửu và thần tính” (Rm 1,19-20). Sau này, thánh Tôma Aquinô đã bàn về việc nhận biết Thiên Chúa nhờ cả tự nhiên và ân sủng. Niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, có được nhờ con đường sau [ân sủng], nhờ “một khoa học khác, được Thiên Chúa linh hứng”, mà ngài cho rằng nó “vượt ra ngoài các môn triết học” (Tổng luận thần học 1.1).

Tất nhiên, cuối cùng thì triết học tìm kiếm thần học cũng như tự nhiên tìm kiếm ân sủng. Điều chúng ta có thể biết về Thiên Chúa nhờ trí tuệ của mình lại không bao hàm toàn bộ những gì chúng ta được tạo ra để biết, một mầu nhiệm gây bồn chồn căng thẳng nơi bản tính chúng ta. Chúng ta được tạo ra để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể tự mình làm điều đó. Vậy nên chúng ta luôn tìm kiếm.

Đó là lý do tại sao tất cả những gì chúng ta tin về Đức Giêsu, thì chúng ta tin rằng chúng do Thiên Chúa đã tự mặc khải. Rốt cuộc, Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta hơn là chúng ta tìm kiếm Người. Về cơ bản, nếu điều chúng ta nói về Đức Giêsu là đúng thì cũng nhờ một cách khả thi duy nhất: vị Thiên Chúa vĩnh cửu, phi vật chất và vô hình đã mặc khải chính Người, làm cho chính Người trở nên có thể tìm kiếm, theo cách thế chúng ta có thể thừa nhận. Các Giáo phụ, như thánh Athanasiô, nói rằng chúng ta chỉ có thể bắt đầu lĩnh hội Thiên Chúa từ những hệ hình và biểu tượng (paradeigmata và eikonas) khả tri, bởi vì rốt cuộc chúng ta là những thụ tạo hữu hạn còn Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo vô hạn (Chống Ariô 2.32). Sau tất cả, như thánh Augustinô khẳng định, chúng ta đang nói về Thiên Chúa thượng trí và về con người (Về Thiên Chúa Ba Ngôi 1.23). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể biểu tỏ chính mình cách trọn vẹn.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần Kinh thánh. Cũng như nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa được nhìn thấy trong thân xác nhân loại, thì cũng vậy, như Công đồng Vaticanô II đã dạy, lời của Thiên Chúa cũng phải được diễn tả bằng lời nhân loại để có thể hiểu được (Dei verbum, số 13). Lại nữa, vì nếu không có mặc khải có thể tiếp nhận từ chính Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể chứng minh được sự hiện hữu của Người nhờ nguyên tắc nhân quả, một vị Thượng đế được mô tả cách triết lý “mà mọi người gọi là Thiên Chúa”, như thánh Tôma Aquinô đã dạy (Tổng luận Thần học 2.2-3).

Tuy nhiên, triết lý vừa nêu, dù khá quan trọng lại không phải là vấn đề cần đi sâu ở đây. Quan trọng là điều nó gợi mở, đó là niềm tin của người Công giáo vào Đức Giêsu “tương hợp với Kinh thánh”, theo cách nói của thánh Phaolô (1Cr 15,3-4). Qua lối nói này, thánh Phaolô muốn diễn đạt rằng, cách thế chính xác để hiểu biết Đức Giêsu là tìm hiểu Ngài qua sách thánh, đặc biệt là trong mạng lưới ý nghĩa được Kinh thánh Hípri [Cựu ước] cung cấp.

Đây cũng chính là cách mà Đức Giêsu giải thích về chính mình. Thánh Luca viết, bắt đầu với “Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho họ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả sách thánh” (Lc 24,27). Chẳng hạn, trong Công vụ Tông đồ, thánh Phêrô nói về Đức Giêsu dưới sự soi chiếu của Đnl 18,15. Thánh Phêrô tuyên bố, Đức Giêsu là vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo mà mọi người phải đi theo (Cv 2,22-23). Trong các Tin mừng, nhiều lần Đức Giêsu được trình bày bằng những lời lẽ dành cho Môsê. Trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu thậm chí còn nói, “nếu các người tin ông Môsê, hẳn các ngươi cũng tin Ta” (Ga 5,46). Đây là điều mà từ đầu chúng ta có ý muốn nói, rằng điều mà chúng ta tin về Đức Giêsu thì “dựa theo sách thánh”. Tuy nhiên, các Kitô hữu cũng áp dụng cụm từ này cho tất cả các tác phẩm được đưa vào quy điển. Vậy nên, gặp gỡ Đức Giêsu cách chân xác nhất không đâu khác là gặp gỡ Ngài trong văn chương Tân ước.

Như thế, điều chúng ta tin bắt đầu với Kinh thánh. Để khám phá đạo Công giáo, người ta phải khám phá Kinh thánh. Chẳng có gì phải sợ sệt. Đôi khi chúng ta e ngại việc đọc Kinh thánh, nghĩ rằng chuyện này chỉ dành cho các học giả hay linh mục. Nhưng như thế là không đúng. Kinh thánh dành cho tất cả mọi người. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bắt đầu đọc Kinh thánh như bất kỳ cuốn sách nào khác. Điều đó thật sự đơn giản. Bạn có thể đọc cùng mới một vài người bạn, hoặc đọc những đoạn Kinh thánh theo ngày thường hay theo ngày Chúa Nhật mà Giáo hội áp dụng trong phụng vụ. Mục tiêu của việc đọc Kinh thánh không phải là để trở thành học giả hay chuyên viên. Đúng hơn chỉ đơn giản là để hiểu biết một câu chuyện, để trình thuật đưa ta bay bổng như với bất kỳ một cuốn sách hấp dẫn nào khác. Chỉ khác ở chỗ việc đọc câu chuyện này có thể mở ra con đường đến với một kinh nghiệm thần bí, một cuộc gặp gỡ, một mối tương quan. Khi đọc Kinh thánh – đặc biệt là đọc và gặp gỡ Kinh thánh trong phụng vụ hoặc trong kinh nguyện của Giáo hội – điều gì đó khác với việc đọc thông thường sẽ xảy ra.

Điều xảy ra là chúng ta tìm thấy một người khác. Hay đúng hơn, chúng ta được một người khác tìm thấy. Nghĩa là, nói cách rõ ràng, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô; Ngài gặp gỡ chúng ta. Trong cuốn Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, đan sĩ Zosima là điển hình cho tính đơn sơ mà huyền nhiệm của thực tại này. Zosima nói rằng, tất cả những điều một linh mục cần làm đó là “mở Sách thánh ra” và đọc nó cho giáo dân của mình nghe. “Chẳng cần dài dòng những lẽ khôn ngoan hay những lời phách lối kiêu ngạo”. Vị linh mục chỉ cần đọc cách rõ ràng cho họ về những câu chuyện trong Kinh thánh. Vậy là đủ. Cuối cùng, Zosima nói rằng, con tim sẽ “hiểu được mọi sự”! Quả thật là đơn giản. Và với cuốn Kinh thánh – bản sao của bạn, trên kệ tủ hoặc đầu giường – bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu khám phá đức tin Công giáo.

Cuối Tông huấn Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói về “một cách nghe Lời Chúa mới mẻ” (Verbum Domini, số 122). Đây thực sự là cách thế tuyệt vời để bắt đầu – hay đối với một số người là để lại bắt đầu. Bởi vì điều những người Công giáo chúng ta tin bắt đầu với Kinh thánh và Đức Kitô theo Kinh thánh. Mọi điều chúng ta tin – thần học, tín điều – đều đặt nền từ Kinh thánh. Vì thế, nếu bạn muốn biết Đức Giêsu, nếu bạn muốn biết điều chúng ta tin, hãy bắt đầu từ đây, từ Kinh thánh. Hãy tìm kiếm Đức Giêsu nơi đấy. Vì như thánh Giêrônimô từng nói một câu rất thời danh đầu tác phẩm “Chú giải sách Isaia” của ngài, “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Vậy nên, hãy đắm mình trong Kinh thánh. Bởi vì sẽ không có cái gọi là Công giáo nếu không có nó.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ



Mới hơn Cũ hơn