Joe Heschmeyer
Một vị thánh thời xưa chỉ cho ta điều cần làm khi đối diện với cuộc tranh luận gay gắt.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ một số vị giám mục, Đức Giáo hoàng quyết định tiết giảm phụng vụ. Trong khi những vị tiền nhiệm của ngài tán thành hai hình thức cử hành khác nhau, Đức Giáo hoàng giờ đây lại đòi hỏi mọi người phải cử hành theo cùng một cách. Những động cơ của ngài dường như rất tốt: thúc đẩy sự hợp nhất về mặt phụng vụ trong Giáo hội và loại bỏ sự chia rẽ giữa những người Công giáo. Tuy nhiên, việc này nhanh chóng bị xem như một sự đe dọa đối với Truyền thống. Vì xét cho cùng, thực hành phụng vụ đang được bàn đến đã “xuất phát từ một truyền thống lâu đời hơn”, một truyền thống cổ xưa có từ tận thời các tông đồ. Hầu như chỉ sau một đêm, sự ly giáo và việc rút phép thông công đột nhiên có thể xảy ra.
Dĩ nhiên, vị Giáo hoàng mà tôi đang nói đến là Đức Giáo hoàng Victor I (trị vì khoảng những năm 189-199 A.D.), và cuộc tranh luận lúc ấy còn được gọi là Cuộc tranh luận Lễ Vượt qua (Quartodeciman controversy), liên hệ đến thời điểm cử hành lễ Phục sinh.
Nếu bạn không quen thuộc với cuộc tranh luận này thì nó bắt đầu với vấn đề niên lịch. Vào thời của Đức Kitô, người Do Thái sử dụng hai loại lịch: lịch âm của họ và lịch Julian (tiền thân của lịch Gregorian), được dùng khắp Đế quốc Rôma.
Chúng ta thấy cả hai loại lịch này được áp dụng trong Tuần thánh. Khi Bữa tiệc ly được nối kết với “Lễ Vượt qua và Lễ Bánh không men” (Mc 14,1), điều này quy chiếu đến lịch Do Thái. Vào ngày 14 tháng Nisan, người ta sát tế chiên con, và ăn thịt của nó vào buổi tối (Xh 12,5-8). Điều này cũng đánh dấu việc bắt đầu 7 ngày của Lễ Bánh không men (Xh 12,18-20). Nhưng khi thánh Máccô nói rằng ba ngày sau, Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết “vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2), thì ngài đang sử dụng lịch Julian.
Việc này gây ra một vấn đề: các Kitô hữu phải làm sao khi lễ Vượt qua không bắt đầu vào thứ 5? Nếu bạn theo lịch Do Thái, bạn sẽ cử hành lễ Phục sinh vào một ngày bất kỳ trong tuần. Còn nếu bạn theo lịch Rôma, bạn sẽ duy trì Thứ 5 Tuần thánh vào ngày thứ 5 và Chúa nhật Phục sinh vào ngày Chúa nhật, nhưng truyền thống này của bạn sẽ không còn đồng bộ với lịch phụng vụ Do Thái.
Thoạt nhìn, các tông đồ đã chọn những giải pháp khác nhau cho vấn đề này. Theo Eusebius (khoảng năm 260-340), một nhà lịch sử Giáo hội, các giáo hội ở Tiểu Á (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), được các tông đồ Gioan và Philípphê thành lập, đã giữ truyền thống tuân theo lịch Do Thái. Trong khi đó, “các giáo hội còn lại trên thế giới”, được mười vị tông đồ khác thiết lập, lại tuân theo lịch Rôma. Lúc đầu thì chuyện này chẳng phải là vấn đề: đơn giản là các khu vực khác nhau trên thế giới sử dụng các lịch phụng vụ khác nhau. Nhưng gần cuối thế kỷ thứ hai, người ta ngày càng mong muốn chứng kiến toàn thể Giáo hội cử hành lễ Phục sinh vào cùng một ngày.
Kết quả là “các công nghị và hội nghị các giám mục được tổ chức vì lý do này”, bao gồm cả công nghị tại Rôma với sự tham dự của Đức Giáo hoàng Victor và thánh Irênê thành Lyon. Những công nghị này đã nhất trí “soạn thảo một sắc lệnh, [quy định] rằng mầu nhiệm phục sinh của Chúa sẽ được cử hành không vào một ngày nào khác ngoài ngày của Chúa, và rằng chúng ta phải tuân giữ việc kết thúc giữ chay phục sinh vào ngày này mà thôi”. Những người theo Quartodeciman, khi chứng kiến lịch phụng vụ của mình đột nhiên bị Giáo hội cấm sử dụng, đã cảm thấy bị xúc phạm. Giám mục Polycrates thành Êphêsô đã viết cho Đức Giáo hoàng, nhấn mạnh thực hành phụng vụ của họ đã có từ thời hai vị tông đồ và chỉ ra rằng các vị đại thánh của Giáo hội (như thánh Polycarp thành Smyrna) đã giữ lịch Quartodeciman.
Polycrates nhấn mạnh rằng ngài viết không chỉ nhân danh chính mình, nhưng còn nhân danh “các giám mục hiện diện, những người mà tôi [Polycrates] đã triệu tập theo mong muốn của ngài [Đức Victor]; tên của họ, nếu tôi viết ra, sẽ tạo thành một đám đông lớn”. Theo tài liệu tham khảo này, có vẻ như chính Đức Giáo hoàng Victor đã khuyến khích các giám mục theo Quartodeciman nhóm họp trong một công nghị của chính họ. Nếu thế, chắc chắn kết quả trên không phải là điều mà Đức Giáo hoàng mong muốn. Thay vì đồng ý, Polycrates đã trực tiếp phản đối Đức Giáo hoàng Victor để bảo vệ truyền thống Quartodeciman khi tuyên bố “không sợ hãi trước những lời nói gây hoang mang” và trích lại lời của thánh Phêrô: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Đức Victor trong cơn giận dữ đã dùng đến lựa chọn cực đoan nhất, lên án các giáo hội ở Tiểu Á là lạc giáo và tuyên bố “toàn bộ các anh em ở đây đều bị rút phép thông công”.
Nhìn trở lại vấn đề, chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi. Trước hết, Đức Giáo hoàng có quyền làm việc này không? Dĩ nhiên là có. Thứ đến, ngài có nên làm như thế không? Thực ra là không nên. Thứ ba, các tín hữu nên phản ứng lại như thế nào?
Thật dễ bị cám dỗ, một đàng là đứng về phía Đức Giáo hoàng một cách thiếu óc phê phán, tập trung vào chuyện ngài có thể mà bỏ qua vấn đề liệu ngài có nên làm như thế; đàng khác là đứng về phía những người chê bai Đức Giáo hoàng, tập trung vào sự thiếu thận trọng trong quyết định mà bỏ qua thẩm quyền hợp pháp của ngài.
Tuy nhiên, Irênê lại chỉ cho chúng ta một lối đi khác.
Irênê sinh ra tại Smyrna và là môn đệ của Polycarp, nghĩa là ngài tuân giữ lịch Quartodeciman trong phần lớn cuộc đời mình. Nhưng khi trưởng thành, ngài đã di chuyển sang phương Tây, đầu tiên đến Rôma rồi sau đó là vùng đất thuộc nước Pháp ngày nay, nơi ngài trở thành vị giám mục thứ hai của thành phố hiện tại được gọi là Lyon. Ngài từng là một trong các giám mục dự công nghị Rôma, nhất trí bỏ phiếu cho việc sử dụng độc nhất lịch Rôma, dù hầu như chắc chắn rằng ngài biết rất rõ các giám mục ở cả hai phía trong cuộc tranh luận.
Như thế, Irênê giữ một vị thế thăng bằng độc đáo để trở thành tiếng nói trung dung và hữu lý khi hai đặc tính này dường như bị thiếu hụt. Irênê đã viết cho Đức Victor, thuyết phục Đức Giáo hoàng “không nên cắt đứt với toàn thể các giáo hội của Thiên Chúa, vốn tuân giữ truyền thống theo một tập tục từ xa xưa”. Ngài chỉ ra rằng sự khác nhau về phụng vụ đã tồn tại không chỉ liên hệ đến việc xác định ngày lễ Phục sinh, nhưng còn về thời gian giữ chay Phục sinh (sau này trở thành mùa Chay). Tuy nhiên, như Irênê nhận xét, “sự đa dạng trong việc tuân giữ này không bắt nguồn từ trong thời đại của chúng ta, nhưng từ lâu trước đây trong sự tuân giữ của các bậc cha ông chúng ta”.
Vậy các bậc cha ông, đặc biệt là các vị Giáo hoàng đầu tiên đã xử lý những bất đồng này như thế nào? Bằng việc [tất cả họ] sống “trong hòa bình, và chúng tôi cũng sống trong hòa bình với nhau; và sự khác biệt liên hệ đến việc giữ chay chứng thực cho sự đồng thuận trong đức tin”. Nói cách khác, sự hiệp nhất trong đức tin của Giáo hội không đòi hỏi sự đồng nhất về phụng vụ. Cách đặc biệt, Irênê đưa ra điển hình của Đức Giáo hoàng Anicetus và Polycarp. Khi Policarp đến Rôma, “họ bất đồng đôi chút về những vấn đề khác” nhưng “ngay lập tức họ vẫn giữ hòa bình với nhau, không hướng sự chú ý đến cuộc tranh cãi về vấn đề này”. Sau cùng, “Anicetus đã chấp nhận cho Polycarp cử hành thánh lễ ngay trong nhà nguyện [của Đức Giáo hoàng], một dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng. Và họ chia tay nhau trong hòa bình, cả những người tuân giữ lẫn không tuân giữ, duy trì sự hòa bình trong toàn thể Giáo hội”.
Irênê đã không lập luận rằng phái Quartodeciman được ưu tiên hơn truyền thống Rôma; chứng từ của chính ngài cho thấy ngài nghiêng về quan điểm của Rôma. Thay vào đó, ngài đã kêu gọi sự tỉnh táo và hòa nhã, không để việc bé xé ra to, khi đề cập đến những khác biệt hợp pháp trong thực hành phụng vụ.
Sự khiển trách nhẹ nhàng này dường như đã có hiệu quả, và Đức Giáo hoàng Victor xem ra đã nhượng bộ. Eusebius kết luận bằng việc tuyên bố rằng Irênê (có nghĩa là “hòa bình” hay “hiệp nhất”) mang một cái tên “danh xứng với thực”, bởi vì ngài “đã trở thành người kiến tạo hòa bình trong vấn đề này, khi ủng hộ và dàn xếp vấn đề theo cách thế nhân danh hòa bình của các giáo hội”. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một nhận xét tương tự: trong sắc lệnh gần đây của ngài, khi công bố thánh Irênê là Tiến sĩ Hội Thánh, ngài gọi thánh nhân là “chiếc cầu linh đạo và thần học giữa các Kitô hữu Đông và Tây phương” và gợi lên rằng tên của thánh nhân “diễn tả sự hòa bình đến từ Chúa và có sức hòa giải, khôi phục hiệp nhất”.
Mặc dù hầu hết chúng ta không thể kể lể với Đức Giáo hoàng như cách của Irênê, nhưng chúng ta lại đang sống trong một thời đại mà ở đó những người Công giáo online nhanh chóng “rút phép thông công” lẫn nhau. Chúng ta có thể noi gương vị Tiến sĩ Hiệp nhất vĩ đại bằng cách lên tiếng mà không đánh mất sự bình tĩnh… hay đức ái của chúng ta.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn: https://www.catholic.com/