Những tật xấu và các nhân đức. Bài 8: Lười biếng

Vatican Media


Bài giáo lý hàng tuần của Đức Thánh cha về những tật xấu và các nhân đức.

Bài 8: Lười biếng

Trong số tất cả các tật xấu căn cốt, có một tật xấu thường không được chú ý, có lẽ do cái tên của nó khá khó hiểu đối với nhiều người: đó là tật lười biếng. Vì vậy, trong danh mục về các tật xấu, từ lười biếng (pigrizia) thường được dùng để thay thế cho từ: "accidia" - lười biếng. Thật vậy, lười biếng thường là hệ quả hơn là nguyên nhân. Khi một người nhàn nhã, biếng nhác, dững dưng, chúng ta gọi họ là người lười biếng. Tuy nhiên, như sự khôn ngoan của các giáo phụ sa mạc ngày xưa dạy rằng, gốc rễ của sự lười biếng là uể oải, mà theo nguyên nghĩa từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "thiếu quan tâm".

Đây là một cám dỗ rất nguy hiểm, không nên coi thường. Những ai trở thành nạn nhân của nó thì như thể bị nghiền nát bởi ý muốn chết: người đó cảm thấy chán ghét mọi thứ; mối tương quan với Chúa trở nên nhàm chán đối với họ; và ngay cả những hành động thánh thiện nhất, những hành động trước đấy từng sưởi ấm lòng họ, giờ đây dường như hoàn toàn vô dụng đối với họ. Người đó bắt đầu hối hận về thời gian trôi qua và tuổi trẻ đã qua không thể lấy lại được.

Lười biếng được định nghĩa là “con quỷ ban trưa”: nó tóm lấy chúng ta giữa ban ngày, khi sự mệt mỏi đạt đến đỉnh điểm và thời gian phía trước dường như đơn điệu, không thể sống được. Trong một mô tả nổi tiếng, tu sĩ Evagrius diễn tả sự cám dỗ này như sau: “Đôi mắt của người lười biếng liên tục dán vào cửa sổ, và trong tâm trí anh ta thả hồn mơ về những người đến thăm […] Khi đọc sách, người lười biếng thường ngáp và dễ dàng bị cơn buồn ngủ khuất phục, anh ta dụi mắt, xoa tay và rời mắt khỏi cuốn sách, nhìn chằm chằm vào bức tường; sau đó quay lại lật sách, đọc thêm một chút nữa [...]; cuối cùng, gục đầu, kê cuốn sách xuống dưới và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ, cho đến khi cơn đói đánh thức và buộc anh phải quan tâm đến những nhu cầu của mình”; tóm lại, “kẻ lười biếng không thể nhanh chóng thực hiện công việc của Thiên Chúa” [1].



Các độc giả đương thời nhận ra trong những nét mô tả này một điều gì đó gợi nhớ đến tình trạng tồi tệ của bệnh trầm cảm, cả từ góc độ tâm lý và triết học. Thực tế, đối với những người bị tính lười biếng trói buộc, cuộc sống mất đi ý nghĩa, việc cầu nguyện trở nên nhàm chán, mọi cuộc chiến dường như vô nghĩa. Ngay cả khi ở tuổi thanh xuân, chúng ta nuôi dưỡng những đam mê thì giờ đây chúng có vẻ phi logic đối với chúng ta, những ước mơ không mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta buông thả bản thân và xao lãng, không suy nghĩ, dường như đó là lối thoát duy nhất: chúng ta muốn bị choáng váng, muốn tâm trí trở nên trống rỗng hoàn toàn... Điều đó hơi giống như chết sớm, và nó thật tệ hại.

Đứng trước tật xấu này, điều mà chúng ta nhận thấy rất nguy hiểm, các bậc thầy về linh đạo đã đưa ra nhiều phương thuốc khác nhau. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến điều mà tôi cho là quan trọng nhất và tôi gọi là sự kiên nhẫn của đức tin. Mặc dù dưới cú đánh của lười biếng, ước muốn của con người là được “ở một nơi khác”, để thoát khỏi thực tại, nhưng chúng ta phải dũng cảm ở lại và tiếp nhận cái “ở đây và bây giờ” của mình, vào trong tình trạng hiện tại vốn có của mình, là sự hiện diện của Thiên Chúa. Các tu sĩ nói rằng đối với họ, phòng riêng là người thầy tốt nhất của cuộc sống, bởi vì đó là nơi mà mỗi ngày nó nói chuyện với bạn về câu chuyện tình yêu của bạn với Chúa. Con quỷ lười biếng muốn tiêu diệt chính niềm vui đơn giản này ở đây và bây giờ, là lòng biết ơn đầy kinh ngạc đối với thực tại; nó muốn bạn tin rằng mọi thứ đều vô nghĩa, chả có ích gì, không có gì hoặc bất cứ ai đáng để quan tâm. Trong cuộc sống, chúng ta gặp những người "lười biếng", những người mà chúng ta nói: "Sao nhàm chán thế này!" và chúng ta không thích ở với họ; Người có thái độ buồn chán dễ lây lan. Đây là con lười.

Biết bao người, rơi vào tình trạng lười biếng, bị lay động bởi sự bồn chồn vô diện, đã dại dột từ bỏ con đường lương thiện mà họ đã theo đuổi! Cuộc chiến đấu với sự lười biếng là một cuộc chiến quyết định, chúng ta phải thắng nó bằng mọi giá. Và đó là một cuộc chiến mà thậm chí các vị thánh cũng không tránh khỏi, bởi vì trong nhiều trang nhật ký của các vị có một số trang kể lại những khoảnh khắc khủng khiếp, về đêm tối thực sự của đức tin, nơi mọi thứ dường như trở nên tăm tối. Các vị thánh này dạy chúng ta cách vượt qua đêm tối bằng sự kiên nhẫn, chấp nhận sự nghèo khó của đức tin. Dưới sự đè nén của lười biếng, các vị khích lệ chúng ta nên giữ mức độ cam kết nhỏ hơn, đặt ra những mục tiêu trong tầm tay hơn, nhưng đồng thời hãy kháng cự và kiên trì bằng cách nương tựa vào Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ.

Niềm tin, dù đang chịu đựng sự thử thách của lười biếng, vẫn không mất đi giá trị của nó. Trái lại, đó là một niềm tin thực sự, rất nhân bản, bất chấp mọi sự, dù bị bóng tối che phủ, vẫn khiêm tốn tin tưởng. Niềm tin đó lưu giữ trong lòng như than hồng nằm dưới đống tro tàn. Nó mãi tồn tại. Và nếu bất kỳ ai trong chúng ta rơi vào tật xấu này hoặc rơi vào cơn cám dỗ lười biếng, chúng ta hãy cố gắng nhìn vào bên trong và bảo vệ những ngọn lửa đức tin: đây là cách chúng ta tiến về phía trước.


_________________________________________________________

[1] Evagrius Ponticus, Tám thần khí độc ác

G. Võ Tá Hoàng


Mới hơn Cũ hơn