SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V
THỨ HAI
1V 8,1-7.9-13; Mc 6,53-56
Ngày nay, những người Do Thái rất trân trọng “bức tường than khóc” tại Giêrusalem. Họ thường kéo nhau đến đây cầu nguyện rất đông đảo. Bởi vì đây chính là bức tường của chính đền thờ mà vua Hêrôđê ngày xưa đã xây cất, và Chúa Giêsu cũng đã từng chiêm ngắm. Đồng thời đây cũng là vị trí của ngôi đền thờ Giêrusalem đầu tiên mà vua Salômôn đã cho xây cất vào năm 960 trước Công Nguyên, mà bài đọc I hôm nay đã kể lại. Trước khi qua đời, vua Đavít đã trối lại cho Salômôn, người con của mình, là hãy xây một đền thờ cho Thiên Chúa. Và Salômôn, sau đó, đã thực hiện ý muốn của cha mình. Ông đã cho xây một ngôi đền thờ vĩ đại để kính thờ Thiên Chúa Giavê. Ông đem đặt vào đó Hòm Bia giao ước. Và trong khi thánh hiến ngôi đền thờ mới, có một đám mây bao phủ đền thờ. Đám mây này đã từng xuất hiện, khi dân Do Thái còn đi trong sa mạc tiến về đất hứa. Nó là biểu tượng của Thiên Chúa ở giữa Dân Người. Và giờ đây đám mây đó lại xuất hiện và bao phủ đền thờ, trong lúc các thầy cả cử hành nghi lễ. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa đã ưng nhận của lễ của vua Salômôn, và Thiên Chúa đã thánh hiến ngôi đền thờ này.
Từ nay, nó trở thành dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa Dân Người. Do đó, đền thờ Giêrusalem được coi như là trung tâm của đời sống dân Israel, là thánh điện duy nhất, và ngai tòa cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng vì vậy, mọi người Do Thái hằng năm phải hành hương lên Giêrusalem ba lần, và nhất là vào dịp lễ Vượt Qua. Ngày nay, mặc dù đền thờ không còn nữa, nhưng những người Do Thái vẫn còn tiếp tục đến cầu nguyện trước “bức tường than khóc”. Còn ngay trên nền cũ của đền thờ Giêrusalem, ngày nay mọc lên một giáo đường của người Hồi Giáo. Và người Hồi Giáo cũng thường đến đây cầu nguyện, bởi vì họ coi đây là một trong ba thành phố thánh của họ. Vậy mà trong khi đó, những người Kitô lại đi đến những ngôi nhà thờ khác trong thành Giêrusalem để mà cầu nguyện. Đó là vì đối với họ, sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa không phải nơi đền thờ Giêrusalem, nhưng là nơi thân xác phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Và từ chân lý đó, thánh Phaolô đã rút ra một kết luận, khi dạy rằng: Thiên Chúa cũng hiện diện nơi những người Kitô, bởi vì người Kitô cũng chính là thân mình của Chúa Giêsu. Họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Cũng vì vậy mà trong Tin Mừng, đặc biệt trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất quí trọng con người, đặc biệt là những người đau khổ, bệnh hoạn. Mặc dù sau khi Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ muốn lẩn trốn họ, đi sang bên kia biển hồ để nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi đến nơi, Chúa Giêsu và môn đệ lại gặp thấy họ. Các Ngài không thể chốn chạy họ nữa. Các Ngài phải lo cho họ, còn vấn đề nghỉ ngơi được dời đến lúc khác. Và thánh Marcô kể lại: khi hay tin Ngài đến nơi, người ta chạy đi khắp cả vùng ấy, và bắt đầu đem đến cho Ngài những kẻ ốm đau trên giường chõng, và Ngài chữa họ được lành bệnh.
Còn chúng ta có biết quí trọng những người anh chị em của chúng ta hay không? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tâm hồn các tín hữu, cũng như nơi tâm hồn của chúng ta hay không? Ước gì chúng ta ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta và nơi những người anh chị em của chúng ta, để chúng ta biết yêu thương và kính trọng họ. Chính sự ý thức này sẽ giúp chúng ta tránh được những tư tưởng, những lời nói và việc làm xúc phạm đến chính mình, cũng như đến người anh chị em chúng ta. Và giờ đây, trong thánh lễ, Chúa Giêsu sẽ biến bánh rượu trở thành Mình Máu Ngài, để có thể ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, hầu nhắc nhở cho chúng ta biết: tâm hồn của con người là đền thờ của Ngài, để chúng ta biết kính trọng và yêu thương, như thể chúng ta muốn yêu thương và kính trọng chính con người của Ngài.
THỨ BA
1V 8,22-23.27-30; Mc 7,1-13
Sau khi vua Salômôn đã xây cất đền thờ Giêrusalem, là nơi để gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người, là nơi để tế lễ và cầu nguyện, ông đã cung hiến đền thờ cho Thiên Chúa. Bài đọc I hôm nay đã ghi lại những lời cầu nguyện của ông trong nghi lễ cung hiến đó. Trước hết, chúng ta thấy ông ca ngợi sự cao cả và siêu việt của Thiên Chúa. Còn ông, mặc dù là vị vua cai trị cả một nước, nhưng ông đã khiêm tốn nhìn nhận mình là một thụ tạo quá bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa. Rồi sau đó, vua đưa ra những lý lẽ giải thích cho chúng ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa. Đối với ông, Thiên Chúa cao cả không có nghĩa Thiên Chúa là một Đấng ở nơi cao xa, hay Thiên Chúa là một Đấng đầy uy quyền khiến mọi người phải khiếp sợ. Nhưng Thiên Chúa cao cả ở đây có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận tự hạ mình xuống để ở trong quyền sử dụng của con người, để kết thân với con người, để lập một giao ước với con người. Do đó, Thiên Chúa siêu việt đã trở nên gần gũi với con người. Thiên Chúa là một Đấng cao cả, nhưng đồng thời cũng vừa gần gũi với con người.
Và quả thật, vua Salômôn đã không lầm lẫn, khi thốt lên những lời cầu nguyện như vậy. Thiên Chúa quả thật ở trên trời cao, nghĩa là một Đấng không ai có thể đạt đến. Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa ẩn mình, con người rất khó nhận biết Thiên Chúa, và không thể nắm bắt được Thiên Chúa. Thiên Chúa ở ngoài tầm ảnh hưởng của chúng ta, Thiên Chúa ở ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Vì vậy, con người cần phải có những trung gian để đến với Thiên Chúa. Chúng ta cần phải có những người làm môi giới để mình tìm gặp được Thiên Chúa. Và rồi, ngôi đền thờ được coi như là một phương thế để biểu tỏ, để cho chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúng ta biết là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng thật khó lòng mà đạt đến với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần phải có những nơi chốn, những chỗ đã được thánh hiến, để nó giúp chúng ta cầu nguyện. Nó cụ thể hóa sự hiện diện của Thiên Chúa, và giúp chúng ta dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Và rồi sau này, chúng ta được biết: Chúa Giêsu cùng với thân mình của Chúa, mới là Đấng trung gian duy nhất và đích thực giữa loài người với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu là Đấng cụ thể hóa sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đấng giúp chúng ta được dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Đây chính là ngôi đền thờ duy nhất và đích thực, được xây dựng trong ba ngày. Chúa Giêsu là nhà lập pháp duy nhất, có khả năng qui định những điều luật giúp cho con người đạt đến Thiên Chúa.
Vậy mà qua bài Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái đã không nghe theo lời của Chúa Giêsu, họ chỉ muốn trung thành tuân giữ truyền thống của người xưa, như phải rửa tay trước khi dùng bữa, và giữ nhiều cổ lệ khác như rửa chén bát, bình chè và các đồ đồng, trước khi dùng bữa. Sở dĩ, Chúa Giêsu chỉ trích họ, bởi vì họ đã thêm thắt và thổi phồng quá đáng những điều luật về sạch và dơ mà ông Môsê đã qui định. Đồng thời qua những lời dạy dỗ này, Chúa Giêsu cũng muốn cho các tông đồ của Chúa, tức là những vị truyền giáo tương lai, có được một cái nhìn phổ quát, nghĩa là Chúa Giêsu muốn cho họ hiểu rằng khuôn khổ hẹp hòi của tôn giáo cũ không còn thích hợp với những đòi hỏi của một tôn giáo mới mà Chúa Giêsu thiết lập. Bởi vì các ông sẽ được sai đi đến với mọi dân nước, thuộc mọi nền văn hóa, rất khác biệt với môi trường Do Thái. Khi đó, các ông phải chú ý đến điều chính yếu, đừng lúng túng vì những cổ lệ, là những cái làm cho những người ngoại giáo thành tâm thiện chí, là những người không có những tục lệ ăn uống giống như những người Do Thái, không thể nào gia nhập vào đạo thánh Chúa. Và thánh lễ mà chúng ta sắp cử hành đây, là một nhắc nhở cho chúng ta biết: Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra là để cứu chuộc tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho những người Do Thái mà thôi, để chúng ta nhận ra được tính cách phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã ban phát cho chúng ta.
THỨ TƯ
1V 10,1-10; Mc 7,14-23
Từ xa xưa, những nên văn hóa Đông Phương thường lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Bởi vì sự khôn ngoan giúp cho con người biết cư xử thận trọng và khôn khéo, để có thể thành công trên đời. Trong khi đó, bối cảnh của bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy: vào thời vua Salômôn, người ta quan niệm rằng ai thành công trong lãnh vực của cải vật chất, thì người đó được coi là kẻ được Thiên Chúa yêu mến và chúc phúc. Trong khi đó, triều đại của vua Salômôn lại thành công trên lãnh vực thương mại, cộng vào đó danh tiếng về sự khôn ngoan của nhà vua đã khiến cho nữ hoàng Saba phải lặn lội đến thăm.
Quả thực, giữa các nước thuộc vùng cận đông thời bấy giờ, Salômôn là một vị vua quan trọng. Ông đã gặt hái được nhiều thành công, một phần là nhờ sự nghiệp của vua cha là Đavít để lại, phần khác là nhờ sự thông minh trong đường lối chính trị của riêng ông. Và tiếng tăm lẫy lừng của vua Salômôn đã khiến cho Saba, một vị nữ hoàng ở một nước xa xôi, một nước ở phía nam Ai-cập, phải lặn lội đến xem. Trong Thánh Kinh, cuộc gặp gỡ giữa vua Salômôn và nữ hoàng Saba, có một ý nghĩa lớn. Điều này cho thấy vua Salômôn đã khôn ngoan thực thi một chính sách ngoại giao cởi mở. Thánh Kinh cho biết ông đã ký kết giao ước với vua Pharaon của Ai-cập, ông cho gọi những chuyên viên nước ngoài đến để xây dựng đền thờ cho Thiên Chúa, ông đã ký kết những giao ước thương mại với nước Tyrô. Và việc làm cao quí hơn hết, đó là ông đã biết đưa những sự khôn ngoan của loài người lúc đó, vào trong những tư tưởng tôn giáo của dân tộc Do Thái.
Vì những lý lẽ trên mà sách Thánh đã ca ngợi nhà vua bằng những lời này: sự khôn ngoan của Salômôn lớn hơn sự khôn ngoan của tất cả người Trung Đông và hơn cả sự khôn ngoan của Ai-cập (1V 5,9-14). Lời khen tặng này nhắm đến trí thức cá nhân cũng như nghệ thuật cai trị khéo léo của nhà vua. Nhưng đối với những người có lòng tin, sự khôn ngoan của nhà vua không đặt thành vấn đề, vì đó là hồng ân Thiên Chúa mà Salômôn đã cầu xin được, khi ông mới lên ngôi. Sách Sáng Thế Ký (chương 41; 47) cũng có những nhận định tương tự như vậy, khi quan niệm rằng: trong khi các luật sĩ của triều đình trau dồi mọi thứ khôn ngoan, thì các thánh sử ca tụng Giuse, người điều hành giỏi giang đã nhận được sự khôn ngoan từ nơi Thiên Chúa.
Và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự khôn ngoan đích thực, đó là chúng ta biết được đâu là điều chính yếu trong lề luật của Chúa mà tuân giữ. Lề luật của Chúa Giêsu dạy, có tính cách phổ quát, dành cho mọi dân nước. Còn lề luật và cổ lệ của người Do Thái thì khắt khe và hạn hẹp, đặc biệt là về những tập tục sạch dơ theo quan niệm truyền thống của họ. Những lời dạy dỗ này của Chúa Giêsu rất quan trọng đối với công việc truyền giáo sau này. Bởi vì mỗi một quốc gia, mỗi một vùng đất đều có những tập quán nấu nướng riêng, cho nên khi Chúa Giêsu dạy: không phải đồ ăn là những thứ ở ngoài vào, làm cho con người ra ô uế, nhưng chính những điều tự bên trong xuất ra, mới làm cho người ta ra ô uế, chúng ta thấy Chúa Giêsu có một cái nhìn rộng rãi, có tính cách phổ quát, và giải phóng con người khỏi những ràng buộc tỉ mỉ, nô lệ hóa con người vào những tập tục.
Vì vậy, khi tuyên bố: tất cả mọi thức ăn đều sạch, Chúa Giêsu không nghĩ tới những người Do Thái, nhưng còn nghĩ đến tất cả những người ngoại giáo sau này sẽ gia nhập vào đạo thánh của Chúa. Và giờ đây, Chúa Giêsu, qua tay linh mục, sẽ tái diễn cuộc hiến tế của Ngài ngày xưa trên thánh giá, để ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài, là sự khôn ngoan cao siêu và tuyệt diệu. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan Thần Khí đó, để chúng ta biết tái khám phá những điều cốt yếu trong giáo lý của Chúa, hầu chúng ta có thể đi đúng đường lối mà Chúa đã mong muốn.
THỨ NĂM
1V 11,4-13; Mc 7,24-30
Chính sách ngoại giao cởi mở của vua Salômôn không thể nào thực thi được, nếu nhà vua không chấp nhận những sự nhường bộ về phía mình. Đặc biệt là những mối dây liên hệ thương mại rất rộng rãi của nhà vua, đôi khi được hỗ trợ nhờ những cuộc kết hôn có tính cách chính trị. Do đó nhà vua có rất nhiều bà vợ ngoại giáo. Và một khi các bà vợ ngoại giáo này đến Giêrusalem, họ cũng mang theo việc thờ cúng các bụt thần và đám các tư tế của họ.
Mặt khác, chúng ta cũng nên biết là vào thời đó, việc nhà vua có nhiều vợ còn được coi là dấu chỉ của sự giàu có và tiếng tăm lừng lẫy. Thế nhưng, việc đưa các bà vợ ngoại giáo này vào đất nước Do Thái đã làm nguy hại cho việc dân chúng phải thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Bởi vì sự hiện diện của các bụt thần làm cho dân chúng nghĩ rằng Thiên Chúa Giavê của mình cũng là một trong những vị thần. Do đó, địa vị của Thiên Chúa không còn mang tính cách độc tôn, duy nhất nữa, nhưng đã trở nên tương đối trước mặt người Do Thái. Rồi không những thế, sự du nhập những thần ngoại này con kéo theo những tập tục phóng đãng và dâm loạn của họ, đã lôi kéo dân Do Thái xa rời Thiên Chúa và dấn mình vào con đường tội lỗi, trụy lạc và dễ dãi.
Vả lại ngày xưa, người ta còn quan niệm rằng phụ nữ được coi là một thứ bí hiểm của những lực lượng không ai kiểm soát được. cho nên những người phụ nữ này đã phải cầu cứu đến những thứ pháp thuật, hầu có thể chế ngự những lực lượng này trong con người của họ, những lực lượng có khả năng điều khiển sự sinh sản hay là làm cho vô sinh. Do đó, các bà vợ của vua Salômôn vẫn trung thành với việc thờ cúng của bộ lạc hay dân tộc của họ.
Cũng vì vậy mà những người Do Thái có qui luật rất khắc khe, ngăn cấm họ không được tiếp xúc hay vào nhà của người dân ngoại; nếu không sẽ bị ô uế. Còn nếu họ có đi vào miền đất của dân ngoại, thì khi trở về lúc bước vào miền đất thánh của người Do Thái, họ phải giũ bụi chân lại, để chứng tỏ là họ không muốn mang một cái gì của dân ngoại ô uế vào mảnh đất thánh của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu trong những năm rao giảng Tin Mừng, ít khi đi vào vùng đất của dân ngoại, không phải vì Chúa Giêsu khinh khi những người ngoại giáo giống như những người Do Thái khác. Bởi vì ơn cứu độ được dành cho dân Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa trước. Chúa Giêsu không có khinh khi dân ngoại, bằng chứng là ngày hôm nay Chúa muốn đưa các tông đồ sang vùng đất dân ngoại để nghỉ ngơi, và không bị ai quấy rầy. Mặt khác, khi Chúa Giêsu nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho đàn chó”. Chúa Giêsu không có ý so sánh dân ngoại với chó như những người Do Thái khác. Nhưng chó ở đây, có nghĩa là những con chó con, được sống bên cạnh chủ, được chủ bồng ẵm, yêu thương như là một thành phần ở trong gia đình. Và họ sẽ đón nhận bánh cứu độ, sau khi những người Do Thái, là những người con của Thiên Chúa đã được lãnh nhận.
Bằng chứng thứ ba cho thấy Chúa Giêsu không khinh khi người phụ nữ ngoại giáo, đó là Chúa Giêsu đã cứu chữa người con gái của bà trước kỳ hạn, nghĩa là chó con cũng được chia bánh cùng một lượt với con cái, chứ không phải sau khi con cái đã ăn no. Và giờ đây, Chúa Giêsu lại ban bánh thần linh cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể, bởi vì chúng ta là những con cái của Chúa. Ước gì chúng ta hãy biết quí trọng món quà cao quí mà Chúa sắp ban tặng cho chúng ta. Và chúng ta hãy dọn mình sốt sắng mà rước lấy. Nếu không, nó sẽ trở nên cớ cho chúng ta bị xét xử và luận phạt đời đời.
THỨ SÁU
1V 11,29-32;12,19; Mc 7,31-37
Tuy bài đọc I không trực tiếp nêu rõ, nhưng chúng ta hiểu căn bệnh chính của vua Salômôn là bệnh bịt tai không nghe lời Thiên Chúa, tức là bệnh điếc về tinh thần. Khi được Thiên Chúa quí thương, ban sự khôn ngoan, giàu sang, giúp đạt tới một triều đại huy hoàng, Salômôn đã phụ bạc với Thiên Chúa, chạy theo những thói tục của dân chung quanh, đem việc thờ bái ngẫu tượng vào đạo độc thần của Dân Chọn. Hai lần Thiên Chúa đã hiện ra nhắc khuyên cảnh tỉnh, nhưng vua không nghe. Bệnh điếc về tinh thần ấy là đầu mối gây ra bao nhiêu đại họa cho nhà Đavít: vương quốc Đavít gầy dựng sẽ bị giựt khỏi tay Salômôn và một phần lớn bị trao cho Giêrêbôam.
Bệnh điếc về tinh thần này cũng chính là bệnh của nhân loại mà Chúa Giêsu muốn chữa khỏi. Phép lạ mà Tin Mừng Marcô hôm nay kể lại là sự báo trước về việc Chúa Giêsu sẽ chữa cho nhân loại khỏi bệnh điếc và câm.
Chúa chữa bằng cách nào? Theo lối mô tả của Tin Mừng Marcô thì Chúa muốn tỏ ra là một thầy thuốc giống như một thầy thuốc khác: Chúa Giêsu cũng lấy ngón tay đặt vào tai người bệnh, lấy nước miếng đụng vào lưỡi người ấy. Chúa Giêsu đánh tan quan niệm người ta đang có là khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ làm những việc lẫy lừng, hào nhoáng, kinh thiên động địa. Không, Chúa Giêsu không muốn tỏ ra là người khác thường. Chúa không muốn phô trương về mình, không muốn người ta hiểu sai trước khi nhìn thấy con đường Chúa sẽ đi. Chúa muốn chuẩn bị người ta đón nhận mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm Ngài cứu thế bằng cách chịu khổ nạn. Chúa sẽ cứu loài người khỏi bệnh câm và điếc về tinh thần bằng cái chết thập giá của Ngài, một điều người ta không ngờ trước.
Vì thế, để giúp Chúa Cứu Thế – đưa con người ra khỏi bệnh câm và điếc về tinh thần – chúng ta cũng đi vào con đường thập giá, bỏ mình, hy sinh, yêu mến Thiên Chúa hết lòng qua việc tự hủy mình đi, mở tai nghe và làm theo lời Thiên Chúa, để cao Thiên Chúa trên hết.
Hôm nay chúng ta xin cho mình được nên người môn đệ luôn ngoan ngoãn và chứ tâm nghe Chúa và cao rao tình thương Chúa bằng đời sống, bằng lời nói. Chúng ta cũng gia tăng việc hy sinh, kết hiệp với cuộc khổ nạn Chúa để cùng với Chúa cứu nhân loại.
THỨ BẢY
1V 12,26-32;13,33-34; Mc 8,1-10
Bài đọc I hôm nay cho thấy, sau khi xảy ra một cuộc ly khai về mặt chính trị giữa mười chi tộc ở phương Bắc và hai chi tộc ở phương Nam, lại có cuộc ly khai của vương quốc phía Bắc với vương quốc phía Nam về mặt tôn giáo. Chúng ta được biết, trước khi có triều đại quân chủ trên đất nước Do Thái, mối dây liên kết duy nhất giữa mười hai chi tộc với nhau, đó là niềm tin của họ vào Thiên Chúa Giavê. Rồi khởi đi từ triều đại của vua Saolê, và nhất là dưới triều đại của vua Đavít và Salômôn, mối dây liên kết giữa các chi tộc với nhau lại có tính cách chính trị. Tuy nhiên, mối dây liên kết này luôn luôn là mỏng dòn. Mặc dù được điều khiển bởi một vị vua cai trị, nhưng các chi tộc vẫn giữ tính cách đặc thù riêng biệt của mình. Và sau đó, những vụng về trong lãnh vực kinh tế của vua Salômôn và vua Rôbôam, khiến cho mười chi tộc phương Bắc phẫn nộ đến cùng cực. Trước sự thử thách này, mỗi nhóm quay về với chi tộc của mình, và như thế sự hiệp nhất của đất nước Do Thái đã bị vỡ tan.
Tuy nhiên, các chi tộc phương Bắc thường có thói quen đi xuống phương Nam, để hành hương ở đền thờ Giêrusalem, là nơi có Hòm Bia Thiên Chúa. Vua Giêrêbôam ở phương Bắc, không muốn cho thần dân của mình tiếp tục gắn bó với đền thờ Giêrusalem ở phía Nam như vậy. Ông đã cho phục hồi lại hai thánh điện cũ ở phương Bắc: đó là Béthel và Dan, để dân chúng đến đây hành hương, không cần phải xuống Giêrusalem làm chi nữa. Và như vậy cuộc ly khai có tính cách trần tục xảy ra, giờ đây lại được củng cố bởi sự ly khai trên lãnh vực tôn giáo.
Tất cả những sự kiện tương tự như vậy ngày nay vẫn còn xảy ra. Chúng ta ý thức rất rõ rằng: ngày nay hoàn cảnh kinh tế và chính trị có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống con người. Có lẽ khi chúng ta nghe điều này, chúng ta có thể cảm thấy bị chói tai, nhưng đó là một sự kiện có thực: đó là trong nhiều gia đình, chúng ta đời sống kinh tế tác động rất nhiều trên đời sống tâm linh. Dó đó, nhiều người tín hữu chúng ta phải sáng suốt mà nhận chân những điều kiện của công việc truyền giáo ngày nay: đó là tin vào Chúa, muốn làm sứ giả của Thiên Chúa, điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải biết tranh đấu và thăng tiến cho sự công bằng xã hội. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã làm, đặc biệt là bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay.
Quả thực, Chúa Giêsu không những ra đi từ làng này sang làng nọ để mà rao giảng Tin Mừng, nhưng Chúa Giêsu còn cứu chữa bệnh tật cho dân chúng, và thậm chí còn làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn. Giống như các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa, chúng ta không những có bổn phận ra đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, mà còn có trách nhiệm cộng tác với Chúa Giêsu để nuôi đám đông dân chúng.
Đứng trước đám đông dân chúng mệt lử vì đói khát, các ngài biết rõ là các ngài phải làm gì để giúp đám đông dân chúng. Thế nhưng, các ngài không có khả năng, các ngài không có phương tiện. Ngày nay cũng vậy, người tín hữu chúng ta cũng được Chúa sai đi để làm chứng cho Tin Mừng nước Thiên Chúa, và chúng ta cũng được Chúa Giêsu mời gọi làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, và Chúa Giêsu sẽ làm nốt phần còn lại. Đó là lời mời gọi Chúa Giêsu muốn nhắc lại với chúng ta qua thánh lễ hôm nay. Chúa Giêsu sẽ tái diễn lại phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Và một khi chúng ta đã lãnh nhận của ăn thần linh của Chúa, Chúa cũng mời gọi chúng ta ra đi phân phát chính con người, chính sức khỏe, chính tài năng, chính của cải của chúng ta, cho những người anh chị em đang túng thiếu. Đó chính là đòi hỏi của công cuộc làm chứng tá trong xã hội ngày nay.