Philip Kosloski
Dù Chúa Giêsu không có tên trong Kinh thánh sách Sáng thế, nhưng Giáo lý về Chúa Ba Ngôi dạy rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều hiện diện ngay từ khởi đầu.
Khi đọc Cựu Ước, người ta dễ quên rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện qua mọi biến cố của lịch sử cứu độ.
Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần đều hiện diện trong mọi biến cố được kể ra trong Kinh Thánh, mặc dù không được mạc khải đầy đủ cho chúng ta.
Lời sáng tạo
Thánh Gioan bắt đầu Tin Mừng của mình bằng cách công bố Chúa Giêsu đã hiện diện thật sự trong công trình sáng tạo, được gọi là “Ngôi Lời”:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,1-5).
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định rằng công trình sáng tạo là công trình của Chúa Ba Ngôi, trong đó có Chúa Giêsu:
Tân Ước mặc khải rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu dấu của Ngài. “Trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất… Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (GLCG 291).
Theo truyền thống của các tín hữu Chính Thống giáo Đông phương, Chúa Giêsu được miêu tả qua các biểu tượng của Sự Sáng Tạo. Đó là một lời nhắc nhở hữu ích rằng sự sáng tạo thực sự là hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hơi thở của Thiên Chúa
Chúa Thánh Thần có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn trong sách Sáng thế, khi Kinh thánh bắt đầu nêu rõ về cách “Thần khí của Thiên Chúa” bay lượn trên sự sáng tạo:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2)
Từ trong tiếng Do Thái được các tác giả kinh thánh sử dụng là Ruah, và các thần học gia Kitô giáo đã nhiều lần nhấn mạnh từ ngữ này đầu tiên ám chỉ về Chúa Thánh Thần. Trong một bài viết về “Nguồn gốc Do Thái của Chúa Thánh Thần”, Lea Sestieri đã viết: “Mặc dù trong Kinh thánh Do Thái, Chúa Thánh Thần không bao giờ được trình bày như một ngôi vị mà là một sức mạnh thần thiêng, có khả năng biến đổi con người và thế giới, thực tế thuật ngữ Thần khí của Kitô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo”.
Tác giả tiếp tục: Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, không khí, gió. Chúa Giêsu dùng đúng hình ảnh khả giác “gió” để gợi ý cho ông Nicôđêmô hiểu sự mới mẻ siêu việt của Đấng, theo Ngôi Vị, là Hơi Thở của Thiên Chúa, là Thần Khí” (GLCG 691).
Ba Ngôi có thể không được nêu tên cách cụ thể trong sách Sáng thế, nhưng rõ ràng là Ba Ngôi ở đó, hiện diện xuyên thời gian và cho đến muôn đời.
G. Võ Tá Hoàng