Thánh vịnh Đáp ca trong phụng vụ Thánh Thể



Enzo Bianchi

Sách Thánh vịnh có điểm riêng đáng được chú ý đặc biệt... Nó ghi lại những dấu ấn và viết ra những chuyển động của tâm hồn và cách mà linh hồn ấy thay đổi, sửa chữa, để người chưa có kinh nghiệm, nếu muốn, họ có thể tìm và gặp thấy nơi đó hình ảnh của tất cả những điều này trong Sách Thánh vịnh và hình ảnh của bản thân đã được viết ra ở đó[1].

Trong phụng vụ và với phụng vụ, sự hiểu biết về các Thánh Vịnh phát triển không ngừng. Chính việc cử hành cho phép phát triển về tính uy hùng, linh hoạt, chiều sâu và sức sống của chúng[2].

[…]

Thánh vịnh đáp ca trong phụng vụ Thánh Thể[3]

Trong phụng vụ Thánh Thể, các Thánh Vịnh xuất hiện (hoặc có thể xuất hiện) vào nhiều dịp khác nhau: lúc nhập lễ, khi chuẩn bị lễ vật và lúc rước lễ. Bài ca cổ xưa nhất của thánh lễ latinh, được xác nhận trong toàn bộ gia đình phụng vụ Tây phương, là Thánh vịnh Đáp ca hoặc Ca tiến cấp; được gọi như vậy vì thói quen hát thánh vịnh từ một trong những bậc cấp (gradus) của giảng đài, thấp hơn so với bậc dùng để công bố Tin mừng.

Tôi chỉ trích dẫn dưới đây hai trong số các chứng từ của các giáo phụ nói về điều đó:

Sau các bài đọc… một (thừa tác viên) khác sẽ hát các bài thánh ca của Đavít và mọi người sẽ đáp lại bằng cách hát các điệp khúc[4].

Chúng tôi vừa nghe hát một bài Thánh Vịnh và chúng tôi đáp lại bằng bài ca[5].

Bỏ qua phần lịch sử phát triển của việc hát Thánh vịnh Đáp ca[6], tôi muốn suy tư ngắn gọn về ý nghĩa của nó. Điều cốt yếu đã được nói đến trong các đoạn của Ordo Lectionum Missae dành riêng cho nó:

Thánh vịnh đáp ca, còn được gọi là ca tiến cấp, “là thành phần trọn vẹn, không thể thiếu, của phụng vụ lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ” (QCSL 61). Do đó, cần phải hướng dẫn cẩn thận cho các tín hữu biết cách đón nhận Lời Chúa đang nói với họ trong các Thánh vịnh và biến các Thánh vịnh thành lời cầu nguyện của Giáo hội… Những chỉ dẫn ngắn gọn trên giải thích cho sự lựa chọn Thánh vịnh và câu đáp, chủ đề phù hợp với các bài đọc… Việc hát Thánh vịnh hoặc chỉ hát câu điệp khúc thôi cũng là một phương tiện hiệu quả để đào sâu thêm ý nghĩa thiêng liêng của chính Thánh vịnh và tạo thuận lợi cho việc suy niệm về nó[7].

Về các phương thức mục vụ cần thực hiện để đem lại cho Thánh vịnh Đáp ca sự nổi bật xứng đáng trong phụng vụ Lời Chúa, - tôi không có trách nhiệm đưa ra những lời khuyên cụ thể -, bản văn được trích dẫn nói về “những lời chỉ dẫn ngắn gọn”, và có lẽ hữu ích khi đề cập đến nó ngay cả trong bài giảng hoặc trong giờ Lectio Divina chung.

Những phương cách này và phương cách khác sẽ chỉ mang lại kết quả tốt nếu chúng ta hiểu được giá trị thực sự của Thánh Vịnh này[8]. Nó không đơn giản chỉ là một văn bản được đặt giữa các bài đọc, như thể cần có một đoạn thơ, trong đó ít nhất phần điệp khúc được hát, để tách biệt các bài đọc phụng vụ khác nhau. Không phải vậy. Thánh vịnh đáp ca là câu trả lời mà cộng đoàn đang cử hành đón nhận việc công bố Lời Chúa trong Kinh thánh: Thiên Chúa nói và cộng đoàn tín hữu xác nhận việc lắng nghe Lời Ngài bằng cách sẵn sàng đáp lại dưới hình thức phụng vụ cầu nguyện, “vì với Thánh vịnh, các tín hữu biến chính những lời Kinh thánh thành của riêng mình để bày tỏ lời cầu xin hay tạ ơn Thiên Chúa”[9].

Hơn nữa, vị trí mà Thánh vịnh này được đặt vào tạo nên sự kết nối giữa Cựu ước và Tin mừng. Nó tạo nên bản lề giữa hai Giao Ước. Thánh vịnh đáp ca cho phép kết nối giao ước cũ với giao ước mới, đặt nền tảng trên cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Khi cầu nguyện với Thánh vịnh, chúng ta có thể hiểu được Thánh vịnh được ứng nghiệm trong Chúa Kitô như thế nào, đặc biệt là trong đoạn Tin mừng của ngày hôm đó: một lần nữa, điều này đòi hỏi chúng ta thực hiện việc đọc Thánh vịnh trong Chúa Kitô, bằng cách đón nhận mạc khải về dung mạo của Ngài vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo.

Cuối cùng, mặc dù với nhiều hạn chế liên quan đến việc đọc Thánh vịnh theo những đoạn trích nhỏ, Thánh vịnh Đáp ca vẫn phù hợp theo cách của nó trong tính năng động xuyên suốt toàn bộ phụng vụ Thánh Thể, đó là tính năng động của giao ước, “là bài ca của giao ước. Chuẩn bị cho giao ước, nó cho phép chúng ta tiếp cận, khẩn xin Thiên Chúa giữ chúng ta trung thành với giao ước… Mỗi khi cộng đoàn cầu nguyện bằng Thánh vịnh, họ được tiến triển trong giao ước, Thánh vịnh hoàn thành chức năng thiết yếu của nó”[10].

G. Võ Tá Hoàng 
Nguồn: www.notedipastoralegiovanile.it

-------------------------

[1] Athanasius thành Alexandria, Thư gửi Marcellino 10 (PG 27,12).

[2] F. M. Arocena, J. A. Goñi, Thánh vịnh Phụng vụ, quyển I; Các Thánh Vịnh trong Sách lễ Rôma và Phụng vụ Giờ Kinh, NXB Vatican, thành Vatican 2005, trang 17.

[3] Để biết danh mục các Thánh vịnh được sử dụng cho mục đích này trong phụng vụ Thánh Thể, xem F. M. Arocena, Thánh vịnh Phụng vụ, quyển II; Các Thánh Vịnh trong Sách Bài đọc của Sách lễ Rôma, Nxb Vatican, tp Vatican 2005.

[4] Tông hiến II, 57,6 (SC 320,312).

[5] Agostino thành Ippona, Trình bày về các Thánh vịnh 119,1 (CCL 40,1776).

[6] Về phần này, xem R.-J. Hesbert, “Ca tiến cấp, Thánh vịnh Đáp ca”, trong Tập san Phụng vụ 95 (1981), trang 316-350; W. Danze, “Thánh vịnh Đáp ca: mở ra con đường vào tâm hồn”, trong Cộng đoàn và Phụng vụ 2 (1982), trang 123-136; A.-G. Martimort, “Chức năng của Thánh vịnh”, trang 75-96.

[7] Ordo lectionum missae. Ấn bản thứ hai, Nxb vatican, tp Vaticano 1981, 19.21 (x. Dẫn nhập các sách phụng vụ mới, trang 226-227).

[8] Rất hữu ích trong vấn đề này là nghiên cứu của L. Deiss, “Thánh vịnh Đáp ca”, trang 61-82. Xem thêm của S. Napoleone, “Giá trị chú giải về Thánh vịnh Đáp ca giữa bài đọc tiên tri và bài Tin mừng”, trong P. Sorci; Lời Chúa sống động và hiệu quả. Ba mươi năm sau khi ban hành Sách lễ Rôma: Kỷ yếu Hội nghị Mục vụ-Phụng vụ VI (Palermo 10-12/3/1999), Sciascia, Caltanissetta 2001, trang 97-118

[9] M. Gitton, Khai nhập vào phụng vụ Rôma, Qiqajon, Magnano 2008, trang 76.

[10] L. Deiss, “Thánh vịnh Đáp ca”, trang 80.
Mới hơn Cũ hơn