Nếu sánh ví cuộc đời mỗi người từ lúc được sinh ra trên trần gian cho đến khi từ giã cõi trần như chiếc thuyền nan bềnh bồng từ bờ bên nầy sang bờ bên kia của một hồ chứa nước, thì cuộc đời mỗi người luôn phải đối diện với những con sóng, có khi sóng to, có khi sóng nhỏ. Những con sóng ấy là hình ảnh của những thử thách của cuộc đời, cách riêng những thử thách của đời sống đức tin mà mỗi người kitô hữu phải vượt qua. Ngoài nỗ lực của riêng mình, chúng ta còn sự trợ giúp nào để vượt qua những thử thách không ?
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi dẫn chúng ta:
Có những vấn đề nhân sinh không thể lý giải bằng sự khôn ngoan của con người. Chẳng hạn sự đau khổ của con người, một vấn đề lắm khi rất vô lý, bất công, giống như cơn giông tố của cuộc đời, một vấn đề được tác giả sách Gióp suy tư và đã lý giải rất nhiều nhưng không thể thuyết phục. “Từ cơn giông tố”, Thiên Chúa ngỏ lời : “Cửa đại dương ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu? Đường ranh giới của nó chính Ta đã vạch sẳn” (Bài đọc 1). Văn chương Cựu Ước thường dùng cảnh tượng giông tố vừa là dấu hiệu báo trước cho những cuộc hiện ra của Thiên Chúa vừa là để quét sạch “rác rưởi” suy tư cạn đường của con người nhằm dọn đường cho Thiên Chúa xuất hiện. Thiên Chúa mới là Đấng giải quyết nan đề của con người về cuộc sống.
Khi suy niệm sự kiện Thánh sử Máccô tường thuật hôm nay, Thánh Augustinô đã viết: “ Chúng ta chèo chống trên mặt hồ không thiếu sóng to gió lớn; các chước cám dỗ hằng ngày của thế gian nầy hầu như nhận chìm con thuyền của ta. Bởi đâu như thế nếu không phải là tại vì Chúa Giêsu thiếp ngủ? Nếu Chúa Giêsu không ngủ trong bạn, làm gì bạn phải chịu bão tố thế kia; Nếu Chúa Giêsu cùng thức với bạn, hẳn bạn sẽ được yên tĩnh trong lòng.
Chúa Giêsu ngủ có nghĩa là gỉ? Có nghĩa là đức tin bạn đang thiếp ngủ.
Bão táp nổi lên trong hồ; bạn thấy kẻ dữ được thịnh vượng còn người lành phải chịu thử thách; đó là một cơn cám dỗ, một con sóng va mạnh vào thuyền. Và bạn thầm nghĩ: “Lạy Chúa, Ngài để kẻ lành chịu khổ và cho người dữ được sung túc. Công bằng của Chúa như vậy đó sao?” Vâng, bạn hạch hỏi Chúa: “Công bằng của Chúa như vậy đó sao?” Và Chúa đáp: “Đức tin của con như vậy đó sao? Cha đã hứa gì với con? Con vào đạo để được thành công ở đời nầy sao? Con khổ tâm vì kẻ dữ được thịnh vượng ở đời, con không biết rằng mai sau họ sẽ bị hành hình muôn kiếp sao?” Nhưng bởi đâu bạn ăn nói như thế? Bởi đâu bạn phải lắc lư vì sóng gió trong hồ? - Bởi vì Chúa Giêsu ngủ; tôi muốn nói, bởi vì lòng tin của bạn vào Chúa Giêsu đã thiếp ngủ trong lòng bạn”.
Thức tỉnh niềm tin mới có thể chiếu tỏa được niềm tin. Thánh Phaolô tâm sự với chúng ta: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (Bài đọc II). Đây là một kinh nghiệm thức tỉnh của Phaolô. Phaolô đã biết Đức Kitô và tìm cách tiêu diệt những kẻ theo Ngài, đó là Phaolô biết Đức Kitô theo quan điểm loài người. Sau khi Phaolô “ngã ngựa” trên đường đi tìm bắt các kitô hữu, Phaolô đã qui hàng, trở nên tông đồ của Đức Kitô.
Khi bị “ngã ngựa”, Phaolô đối diện với cuộc khủng hoảng nội tâm, Phaolô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22,10). Đây là mẫu mực cho chúng ta khi phải đối diện với những nan đề của cuộc sống. Những nan đề này cuốn hút chúng ta vào trong cơn bão của nghi ngờ tình thương của Chúa, cơn bão của lo toan không biết phải chọn hành động như thế nào.
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: Chính Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài ban cho chúng ta bình an trong cơn giông tố của những nghi ngờ, buồn phiền, lắng lo, tư lự. Trong những cơn giông tố ấy, thảm kịch thường xảy ra là chúng ta không chịu hạ mình lắng nghe, tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài. Hỏi ý Chúa và can đảm thi hành thánh ý là đường dẫn đến bình an trong những giông bão của cuộc đời. Đó chính là chiếu tỏa niềm tin qua những thử thách của cuộc sống.
Lm. Gioan Võ Đình Đệ