Đức Thánh cha khuyên các tín hữu siêng năng đọc kinh thánh và các linh mục đừng giảng lễ quá 8 phút



G. Võ Tá Hoàng

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 12/6/2024, ĐTC Phanxicô khích lệ các tín hữu biết siêng năng đọc Kinh thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bởi Kinh thánh chính là Lời Chúa, là đèn soi dẫn bước đường sống đức tin: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả dao hai lưỡi...”

Ngài nói: “Một cách đọc sách thiêng liêng bằng cách đọc Lời Chúa là thực hành Lectio Divina, một cụm từ mà có lẽ chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa của nó. Phương pháp này bao gồm việc dành một khoảng thời gian trong ngày để đọc một đoạn Kinh Thánh một cách cá nhân và suy niệm đoạn Kinh Thánh.

Và vì lý do này, tôi khuyên anh chị em: hãy luôn có một cuốn Tin Mừng bỏ túi và mang theo trong túi, trong túi của anh chị em... Vì vậy, khi đi du lịch hoặc khi rảnh rỗi một chút, hãy lấy Sách Tin Mừng và đọc một điều gì đó. Điều này rất quan trọng đối với cuộc sống. Hãy mang một cuốn Tin Mừng bỏ túi và đọc trong ngày một, hai lần, khi có thời gian”.

Việc đọc Kinh thánh mang lại hiệu quả sâu sắc khi được đọc trong cộng đoàn, trong các cử hành phụng vụ, vì ở đó, chúng ta thấy một sự kiện hay một giáo huấn được trình bày trong Cựu Ước được ứng nghiệm trọn vẹn trong Tin Mừng của Chúa Kitô như thế nào.

Ngoài việc nhắn nhủ các tín hữu chuyên cần đọc Kinh thánh, Đức Thánh cha cũng nhắc nhở các vị giảng thuyết lưu tâm đến bài giảng của mình. “Và đây là điều mà tôi muốn nói với các linh mục, những người nói rất nhiều và không rõ họ đang nói về điều gì. Bài giảng phải ngắn gọn: một suy tư, cảm thức, một điểm nhấn để hành động và cách thực hiện. Bài giảng không nên kéo dài quá tám phút, vì sau đó người nghe sẽ mất tập trung và có thể buồn ngủ, và điều này là hợp lý. Bởi vì bài giảng phải giúp chuyển tải Lời Chúa từ cuốn sách vào cuộc sống.

Và trong số rất nhiều huấn giáo của Thiên Chúa mà chúng ta nghe hàng ngày trong Thánh Lễ hoặc trong các Giờ Kinh Phụng vụ, luôn có một lời dành riêng cho chúng ta. Một điều gì đó chạm đến con tim. Khi được con tim đón nhận, nó có thể làm cho ngày của chúng ta tươi sáng hơn, làm sinh động lời cầu nguyện của chúng ta. Điều quan trọng là đừng để nó rơi vào khoảng trống!”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh cha đề cập đến vấn đề này. Cách đặc biệt, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ngày 24 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành một phần trong chương III tập trung về bài giảng. Điều đó cho thấy ngài đã quan tâm đến việc giảng lễ của các linh mục trong các buổi cử hành phụng vụ như thế nào.

Dưới đây là một số đoạn quan trọng trích từ Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh cha liên quan đến bài giảng. Bản dịch của HDGM Việt Nam.

135. Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng.

Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân khổ vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ khổ vì phải giảng bài!

136. Chúng ta hãy lấy lại niềm tin tưởng nơi bài giảng, dựa trên xác tín rằng chính Thiên Chúa tìm cách đến với người khác thông qua người giảng thuyết, và Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua ngôn ngữ nhân loại

137. Nên nhớ rằng “việc rao giảng Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong cuộc tụ họp Thánh Thể, không phải là thời gian suy niệm hay huấn giáo cho bằng một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người.

Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi.

138. Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành.

Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ: sự cân bằng và nhịp độ.

Việc giảng phải hướng dẫn cộng đoàn và giảng viên tới một sự hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, để giúp họ thay đổi cuộc sống. Muốn được thế, các lời giảng của giảng viên phải điều độ, để cho tâm điểm của sự chú ý Chúa, chứ không phải là thừa tác viên của Chúa.

140. Cho dù bài giảng đôi khi có thể có phần tẻ nhạt, nhưng nếu có tinh thần từ mẫu và hội thánh, nó sẽ luôn luôn hiệu quả, giống như những lời khuyên bảo nhàm chán của một người mẹ, khi đến lúc, cũng sinh hoa kết quả trong lòng các con của bà.

141. Chúa thực sự vui thích nói chuyện với dân của Ngài; người giảng thuyết cũng phải cố gắng thông truyền cùng một niềm vui thích ấy cho các thính giả của mình.

142. Một bài giảng mà chỉ nhắm dạy đạo đức hay lý thuyết, hoặc biến thành một bài giảng về chú giải Kinh Thánh, là đi lạc khỏi sự thông truyền đích thực từ trái tim đến trái tim diễn ra trong bài giảng và mang một tính chất gần như bí tích: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10:17).

Thay vì nói về các chân lý trừu tượng và các kiểu lý luận khô khan, bài giảng truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh đã được Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện.

143. Giảng với sự hội nhập văn hoá cần phải đối diện với thách thức là công bố một tổng hợp, chứ không phải các ý tưởng hay các giá trị rời rạc.

Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của dân Người. Đối thoại giữa Thiên Chúa với dân của Người kiện cường giao ước giữa họ và củng cố tình bác ái.

145. Chuẩn bị giảng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi chúng ta phải dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ.

Một số mục tử lý luận rằng một sự chuẩn bị như thế là không khả thi vì khối lượng công việc họ phải làm quá nhiều; tuy nhiên, tôi muốn xin rằng mỗi tuần phải dành một phần thời gian cá nhân và cộng đoàn đủ cho công việc này, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc quan trọng khác.

Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không “có thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận.

150. Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình.

Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”.

154. Người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân.

158. Đức Phaolô VI nói rằng “các tín hữu... mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp”. Đơn sơ là về ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Phải là ngôn ngữ người dân có thể hiểu được, bằng không chúng ta như nói vào chỗ không người.

159. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. 
Mới hơn Cũ hơn