Hai cột trụ của Giáo hội



Hai thánh Phêrô và Phaolô thường được gọi với cái tên là “hai cột trụ của Giáo Hội”. Cả hai đều đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập giáo hội sơ khai. Dù vậy, họ là những con người khác nhau và có những hoạt động khác nhau.

Thánh Phêrô là người của gia đình, một ngư phủ, trình độ học vấn thấp và khá bình thường. Theo những gì chúng ta biết về Phêrô, trước khi được ơn kêu gọi, không có điều gì khiến ngài đủ điều kiện để trở thành cột trụ của Hội thánh do Chúa Giêsu thiết lập. Đơn giản, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô và ông đã đáp lại lời mời gọi “Hãy theo Thầy”. Bước lên thuyền của Phêrô, Chúa Giêsu ra lệnh cho ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá" và ông đã bắt một mẻ cá lớn. Khi chứng kiến phép lạ này Phêrô đã sấp mình dưới chân Chúa và thừa nhận mình là người bất xứng trước mặt Chúa : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" (Lc 5,8). Nhưng ngay sau đó Chúa Giêsu bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta". Lập tức Phêrô đã bỏ mọi sự sau lưng để bước theo Người.

Còn Phaolô nhận mình là người Do Thái, sinh ở Tácxô miền Kilikia. Kể về cuộc đời mình, ngài nói: “Dưới chân ông Gamalien, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị” (Cv 22,3-5).

Phaolô được giáo dục để “giữ luật của cha ông”, hiểu biết về triết học và khá nhiệt thành khi còn trẻ. Trước khi cải đạo, Phaolô từng là người “hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa” (Gal 1, 13). Dưới góc cạnh này, Phaolô khó có thể được chọn làm cột trụ của Hội thánh, bởi ông không chấp nhận một tôn giáo nào ngoài tôn giáo mà ông đang phụng sự. Thậm chí, Phaolô còn là người ủng hộ việc giết chết Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi.

Điều gì khiến cả hai con người ấy trở thành cột trụ của Giáo hội. Đó chính là sự hoán cải và tình yêu. Phêrô đã yêu mến Chúa hết mực. Tình yêu ấy khiến ngài thốt lên: “Con yêu mến Thầy” sau khi nghe Chúa hỏi về mức độ của lòng mến yêu. Ý thức được những sai lỗi trước Chúa, Phêrô đã sửa sai bằng sự dấn thân để bảo vệ cho niềm tin mà mình đã gắn bó và chấp nhận cái chết đau đớn trên thập giá khi tuổi đã xế chiều. 

Còn Phaolô sau khi hoán cải đã đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng, thành lập các giáo đoàn trên khắp miền Tiểu Á và Châu Âu. Cuối cùng ngài bị bắt ở Giêrusalem, đưa về Rôma để xét xử và bị chặt đầu ở đó. Như chúng ta đã biết, hơn một nửa sách Công vụ Tông đồ trình bày chi tiết về hành trình truyền giáo của Phaolô. Ngài được được biết đến với cái tên “Tông đồ của dân ngoại”. Cũng như thánh Phêrô, thánh Phaolô cũng yêu mến Chúa khôn cùng, đến nổi ngài nói: Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi. Ngài luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng và bàn tay che chở của Thiên Chúa: “Mọi người đã bỏ mặc tôi. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời” (2Tm 4, 16-18).

Vai trò của Phêrô thực sự là độc nhất vô nhị. Ngài được Chúa Giêsu đổi tên từ “Simon” thành “Phêrô”. Chúa nói: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Từ Phêrô trong tiếng Hy Lạp nghĩa là Petros, nghĩa là một hòn đá có thể di chuyển. Tuy nhiên, từ petra trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một tảng đá khối rắn chắc, cố định, không thể di chuyển và bền bỉ. Do đó, Chúa Giêsu đã chọn biến Phêrô, hòn đá duy nhất, thành một nền tảng vững chắc bằng đá không thể di chuyển để rồi Hội thánh được xây dựng trên nền tảng đó.

Chúng ta được Chúa mời gọi đến với một sứ mạng độc đáo trong Giáo hội mà không phải ai khác. Chúa cũng muốn dùng chúng ta để đem Tin mừng đến cho mọi người như thánh Phaolô. Và giống như thánh Phêrô, Chúa cũng muốn tiếp tục thiết lập Giáo hội của Ngài trên chúng ta và trên niềm tin của chúng ta.

Ngày hôm nay chúng ta cùng suy gẫm về hai cột trụ độc đáo này của Giáo hội. Đồng thời chúng ta cũng nhìn xem Chúa đang muốn sử dụng tôi như thế nào để tiếp tục sứ mạng của Ngài trên thế giới. Xin ơn Chúa mỗi ngày để chúng ta đủ sức dấn thân trên cánh đồng mà chúng ta được mời gọi.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ của Chúa, để con tiếp tục sứ mạng Chúa trao, để đức tin có thể được gieo trồng vững chắc trong mọi tâm hồn của tất cả mọi người trên khắp thế giới.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn