Hãy trung thành với niềm xác tín đức tin của mình




Đây là thông điệp trọng tâm của Đức Thánh Cha trong cuộc đối thoại trực tuyến với các sinh viên trong sáng kiến "Xây dựng những nhịp cầu xuyên Châu Á Thái Bình Dương" do Đại học Loyola Chicago cùng với Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh tổ chức.

Trong số những người tham dự cuộc gặp gỡ là sinh viên theo học nhiều chuyên ngành từ Đại học Ateneo de Manila, (Manila, Philippines); Đại học Công giáo Australia (Brisbane, Australia); Đại học Công giáo Phụ Nhân (Đài Bắc, Đài Loan); Đại học Sogang (Seoul, Hàn Quốc); Đại học Sophia (Tokyo, Nhật Bản); Đại học Sanata Dharma (Yogyakarta, Indonesia). Các sinh viên cũng đến từ Singapore, Đông Timor, Papua New Guinea, những quốc gia mà Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm vào tháng 9.

Các nhóm sinh viên đã được giới thiệu với Đức Thánh Cha và đưa ra những suy tư, và sau đó Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời khuyên, sự quan tâm và đề xuất của ngài.

"Nhờ người khác giúp đỡ khi bị tổn thương"

Nói chuyện với nhóm đầu tiên về cảm giác thuộc về xã hội, và sự "thuộc về" của chúng ta nâng cao cảm giác an toàn và phẩm giá con người của chúng ta như thế nào. Đức Thánh Cha lưu ý rằng tất cả những yếu tố này "cứu chúng ta khỏi tình trạng dễ bị tổn thương, bởi vì giới trẻ ngày nay rất dễ bị tổn thương. Chúng ta phải luôn bảo vệ cảm giác thuộc về này để tránh bị tổn thương". Ngài nói: "Hãy nhìn vào nơi bạn dễ bị tổn thương nhất và nhờ ai đó giúp đỡ".

Ngài cũng thảo luận về sức khỏe tâm thần, sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị và căn tính, đồng thời kêu gọi làm chứng tá. Ngài nói: "Hãy tập trung vào việc có căn tính riêng của bạn", đồng thời khuyến khích tất cả những người có mặt luôn hợp tác với nhau và luôn đoàn kết. Ngài lên án mọi sự kỳ thị coi thường phẩm giá con người.

"Không được quên sự vĩ đại của phụ nữ"

Đức Thánh Cha than thở rằng phụ nữ đôi khi bị coi là công dân hạng hai và nhắc nhở rằng điều này không đúng. Ngài nói: "Không được quên sự vĩ đại của phụ nữ. Phụ nữ giỏi hơn nam giới về tầm nhìn sâu sắc và khả năng xây dựng cộng đồng", và khen ngợi những phẩm chất và năng lực đặc biệt chỉ có ở phụ nữ.

"Không bao giờ loại trừ người khác"

Ngài gọi các sinh viên thể hiện sự gần gũi và tình yêu thương với người khác, và không bao giờ loại trừ. Nhắc lại lời của một sinh viên nói về giới tính cũng như đề cập đến tỷ lệ HIV cao ở Philippines, ngài nói: "Chúng ta phải đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe được chuẩn bị để điều trị và giúp đỡ tất cả mọi người, không loại trừ".

Giáo dục hiệu quả: "Trái tim, khối óc và đôi tay"

Đức Thánh Cha cũng thảo luận về nền giáo dục hiệu quả, điều mà theo quan điểm của ngài, đòi hỏi "giáo dục" và điều phối "trái tim, khối óc và đôi tay" của chúng ta. Theo ngài, đây là cách chúng ta nên giáo dục giới trẻ và lưu ý rằng không bao giờ được quên động lực này.

"Hãy luôn xác tín về niềm tin của chính mình"

Đức Thánh Cha cũng thừa nhận rằng việc tham gia và "thuộc về" xã hội có thể gặp nhiều thách thức đối với các Kitô hữu trẻ. Trước thực tế này, ngài kêu gọi họ hãy bám chặt vào đức tin của mình và giữ cho tâm hồn họ luôn kết nối với lời cầu nguyện. Điều này sẽ giúp ích trong vấn đề này và giúp họ luôn gắn kết với người khác một cách hiệu quả hơn.

Sau đó Đức Thánh Cha đề cập đến thực tế là trong một số trường hợp, người trẻ bị chế nhạo hoặc bị thách thức vì đức tin của họ. Ngài đưa ra lời khuyên: "Hãy luôn xác tín về niềm tin của chính mình", đồng thời cảnh báo không nên trở nên cô lập, điều mà theo ngài có thể dẫn đến những thói quen và vấn đề xấu. Vì thế, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được giáo dục về đức tin và trở thành những Kitô hữu đích thực và "thực sự".

Đức Thánh Cha nhận xét rằng các Kitô hữu đã bị bách hại ngay từ đầu và hiện tượng này không có gì mới. "Mặc dù có thể có một sự cám dỗ có một Kitô giáo nửa vời và nguội lạnh," nhưng chúng ta không thể nhượng bộ nó. Đúng hơn, ngài kêu gọi, "chúng ta phải vững vàng và phải sống một kiểu tử đạo, theo nghĩa này".

Căn bệnh ý thức hệ

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi nâng cao nhận thức hơn về những bi kịch trong quá khứ, rút ra những bài học cho tương lai và nỗ lực hướng tới hòa bình. Ngài nói: "Ý thức hệ là một căn bệnh", đồng thời kêu gọi tất cả mọi người xây dựng sự hòa hợp và thúc đẩy đối thoại với các nền văn hóa khác.

Ngài đề nghị "Nói không với chiến tranh," và kêu gọi hòa bình. Ngài giải thích: "Trong một thế giới tuyệt vọng, chúng ta phải kêu gọi sống các giá trị của mình".

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng việc cảm ơn các sinh viên vì những suy tư của họ, nói rằng họ đã giúp ngài hiểu họ, đặc biệt là khi ngài chuẩn bị cho chuyến tông du đến khu vực của họ vào đầu tháng 9.

Mới hơn Cũ hơn