Philip Kosloski
Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta không chỉ cầu xin sự giúp đỡ trong hiện tại mà còn xin ơn kiên trì để chịu đựng những cơn cám dỗ sau cùng vào cuối đời.
Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện phức tạp đáng ngạc nhiên với nhiều lớp ý nghĩa. Mỗi lời khẩn cầu có thể đề cập đến nhiều thực tại thiêng liêng nếu chúng ta dành thời gian để suy ngẫm về nó.
Chẳng hạn như lời cầu "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ ", không chỉ ám chỉ đến cám dỗ trong hiện tại mà còn cả tương lai.
Trận chiến cuối cùng
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo giải thích về ý nghĩa cánh chung này trong phần cầu nguyện, khích lệ chúng ta hãy cảnh giác:
Cần phải cầu nguyện thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được. Chính nhờ việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu chiến thắng tên Cám dỗ ngay từ buổi đầu, và trong cuộc chiến cuối cùng khi hấp hối. Trong lời cầu xin này dâng lên Chúa Cha, Đức Kitô kết hợp chúng ta vào cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người. Tâm hồn phải tỉnh thức, hiệp thông với sự tỉnh thức của Người, là điều không ngừng được nhắc đi nhắc lại. Sự tỉnh thức là “kẻ canh giữ trái tim” và Chúa Giêsu xin Cha Người gìn giữ chúng ta trong Danh Cha. Chúa Thánh Thần không ngừng hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức” (GLCG 2849).
Cảnh giác trước cám dỗ là một nhu cầu luôn hiện hữu, vì chúng ta liên tục bị ma quỷ lôi kéo rời xa Thiên Chúa.
Ngoài ra, Kinh Lạy Cha còn kêu gọi chúng ta hãy cảnh giác trước cơn cám dỗ cuối cùng, vào lúc cuối đời cũng như vào ngày tận thế:
“Lời cầu xin này mang đầy ý nghĩa bi thảm khi nghĩ đến cơn cám dỗ cuối cùng của cuộc giao tranh trên đời này; lời cầu xin này xin ơn bền đỗ đến cùng. “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức” (GLCG 2849).
Sách Giáo lý trích dẫn từ sách Khải Huyền, có thể được hiểu như một cái nhìn trước về những gì có thể xảy ra vào lúc kết thúc mọi sự.
“Bấy giờ từ miệng Con Mãng Xà, từ miệng Con Thú và từ miệng ngôn sứ giả, tôi thấy ba thần ô uế nhảy ra như những con ếch. Chúng quả là những thần khí của ma quỷ, chúng làm những dấu lạ và đi đến với vua chúa trên khắp cả thiên hạ, nhằm tập hợp họ lại để giao chiến trong Ngày lớn lao của Thiên Chúa Toàn Năng. - "Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình! " - Chúng quy tụ họ tại một nơi, tiếng Hípri gọi là Armageddon" (Kh 16,13-16).
Chúng ta không biết ngày giờ nào chúng ta sẽ phải đối mặt với cơn cám dỗ cuối cùng, vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha để có được sức mạnh chịu đựng cơn cám dỗ đó.
G. Võ Tá Hoàng