Suy niệm mỗi ngày, Tuần 11 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

1V 21,1-16; Mt 5,38-42

Nghe lại câu chuyện trong sách Các Vua, chúng ta nhận ra ngay cách xử sự của vua A-cáp và hoàng hậu I-gia-ben là độc ác. Họ đã dùng quyền của mình, dùng mưu gian vu khống để hại người và cướp của. Hành động ấy hoàn toàn trái ngược với giáo lý trong bài Phúc Am.

Thoạt đầu A-cáp có vẻ đàng hoàng, ông thèm khu vườn của Na-bốt, ông muốn dàn xếp với Na-bốp cách êm đẹp, ông có dư đầy tiền bạc để mua với giá cao, ông có nhiều mảnh đất tốt hơn để đổi. Không may cho ông, Na-bốt quá tha thiết gắn bó với mảnh vườn ấy, vì đó là gia sản tổ tiên để lại. Thế là ông vật vã mình quá đáng không xứng với cung cách của một vị vua. Ông để cho I-gia-ben tự do thao túng và phạm tội ác; và sau khi nghe tin Na-bốt đã chết, ông như mở cờ trong bụng. Ông chỗi dậy, điềm nhiên đi tịch thu vườn nho của nạn nhân Na-bốt vô tội.

Rõ ràng đó là tội giết người cướp của không thể biện minh được. Nhưng có những điều ác khác lại được luật pháp cho phép. Đó là luật ăn miếng trả miếng, lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, bỏng đền bỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng (Xh 21,24-25). Đó cũng là luật báo phục được sách Lêvi ghi lại (Lv 24,17-20): người nào gây thương tích cho người khác làm sao, người ta cứ việc làm cho nó như vậy. Lấy ác báo ác là điều hợp lý với luật Môsê, miễn cái ác sau phải tương xứng với cái ác trước.

Luật Môsê kể cũng đã là tiến bộ đối với con người ở thời đại ông. Luật áp dụng cho một dân ô hợp sống cảnh chung đụng và di tản liên tục trong sa mạc, đương nhiên có những nét cứng cỏi và quá đáng. Luật này cần được kiện toàn nhờ một Môsê mới, tức là Đức Giêsu, Đấng mà Môsê trước khi qua đời đã loan báo: “Từ giữa các anh em ngươi, Giavê Thiên Chúa của ngươi sẽ cho chỗi dậy một tiên tri như ta” (Đnl 18,15).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã nghe Đức Giêsu kiện toàn luật Môsê như thế nào rồi. Luật mới không còn vấn đề ác báo ác, nhưng lấy điều thiện đáp lại điều ác. Luật mới là bác ái yêu thương, hiền hòa và khiêm tốn, chịu đựng tất cả, cho đi mà không tính toán, sẵn sàng giúp đỡ anh chị em khi họ cần.


THỨ BA

1V 21,17-29: Mt 5,43-48

Nếu chúng ta đã bực tức trước những hành động ngang ngược và độc ác của vua A-cáp và hoàng hậu I-gia-ben trong vụ giết ông chủ vườn Na-bốt vô tội, hôm nay chúng ta sẽ cảm thấy hả dạ khi nghe những lời cảnh cáo của tiên tri Isaia. Chúng ta nhận ra Thiên Chúa không làm ngơ trước những tội ác của con người. Điều đó đúng, nhưng chúng ta hãy đọc lại các bài đọc hôm nay kỹ hơn, bài sách Các Vua, và nhất là bài Tin Mừng xem Thiên Chúa của chúng ta có phải là Thiên Chúa báo thù như chúng ta chờ đợi không?

Vua A-cáp có tội đúng như chúng ta nghĩ: tội giết người và cướp của. Isaia cũng nói thẳng cho nhà vua biết như thế. Đó là sự dữ trước mắt Thiên Chúa, đó là hành động khiêu khích và chọc tức Thiên Chúa, đó là điều quái gở gây cớ cho Israel vấp phạm. Để trừng phạt tội ác đó, Thiên Chúa sẽ giáng họa, sẽ quét sạch cả vua và con cháu nhà vua khỏi mặt đất, xác họ sẽ bị chó ăn hoặc chim trời rúc rỉa.

Nghe những lời như thế, chúng ta chờ xem Thiên Chúa ra tay hành động. Nhưng A-cáp đã hiểu Thiên Chúa hơn cả chúng ta. Ông tự xé áo mình, quấn bao bị, giữ chay… Ông biểu lộ lòng thống hối về tội ác ông đã phạm. Và như thế, ông đã làm cho Chúa đổi lòng. Cuối bài đọc sách Các Vua, chúng ta lại nhận ra hình ảnh Thiên Chúa dễ khoan dung tha thứ.

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu hơn khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Người là Cha chúng ta, Người ngự trên trời. Thiên Chúa dựng nên và điều khiển sự vận hành của vũ trụ càn khôn chỉ vì lòng tốt lành của Người. Thiên Chúa là Cha yêu thương, luôn thi ân giáng phúc cách rộng rãi, không ai trong loài người mà không được Người yêu thương. Chúa Giêsu đã mạc khải: “Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành người dữ, và làm mưa trên người ngay kẻ ác”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta biết chúng ta có một người cha như thế trên trời, và để trở nên những người con đích thực của Cha trên trời ấy, chúng ta phải có một tình yêu rộng mở, yêu thương không giới hạn, không loại trừ ai, yêu thương và cầu nguyện cho cả những kẻ thù ghét, làm hại và bắt bớ chúng ta. Đó là khía cạnh của sự trọn lành lý tưởng mà Chúa Giêsu đòi hỏi rất cao: “Các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.

Ai trong chúng ta dám nghĩ mình có thể trọng lành như Chúa, tốt như Chúa. “Như” ở đây không có nghĩa là tương đương hoặc ngang bằng, nhưng có thể hiểu là “giống như”, “theo kiểu” của Thiên Chúa. Nhìn vào lòng tốt lành của Thiên Chúa, nhìn vào lòng yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta sống tốt lành với anh em, yêu thương anh em mình, phải vượt qua quan niệm thông thường đã được thế gian công nhận: yêu người thân và ghét địch thù để vươn lên tới tình yêu của Thiên Chúa Cha chúng ta và tình yêu của Đức Kitô Anh Cả của chúng ta.

Thánh Thể chúng ta đang cử hành chính là bí tích của tình yêu lớn nhất. Chúng ta sống sốt sắng đón nhận dấu chỉ tình yêu này và để cho Chúa Kitô biến đổi cõi lòng chúng ta, hầu chúng ta có thể bộc lộ tình yêu thương với mọi người anh em đang sống xung quanh chúng ta.


THỨ TƯ

2V 2,1.6-14; Mt 6,1-6.16-18

Để diễn tả lòng đạo đức hay tình mến, con dùng đến các phương thế như: việc làm, đời sống, con người của mình.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến ba việc phúc đức chính mà người Do Thái thường thực thi: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Sau khi tìm Chúa Giêsu và nhập vào đạo mới, có lẽ các Kitô hữu cũng đã thực thi ba việc này ngay. Chúa Giêsu muốn các môn đệ và các tín hữu của mình làm những việc đó một cách đúng đắn để đạt tới giá trị vững chắc, không rơi vào cách làm nặng tính cách giả hình, phô trương và do đó vô giá trị của nhóm biệt phái, luật sĩ thời của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhấn mạnh ba thái độ người ta phải có: đó là hết sức thật thà – không tìm mình, không lo khoe mình, đề cao mình, do đó không phô trương, không lôi kéo sự chú ý của người khác, không trông chờ lời khen hay sự thán phục của kẻ khác; trái lại, hoàn toàn làm vì Cha trên trời, vì mến Thiên Chúa, quy hướng về Thiên Chúa và để tùy Thiên Chúa đánh giá, khen thưởng.

Đó chính là cách người ta sống đúng ý nghĩa và chủ đích của những việc đạo đức ấy. Vì bố thí tự nó đã là việc người ta bắt chước Thiên Chúa sống quảng đại, hy sinh, quên mình, hạn chế bớt quyền lợi mình – việc bố thí không thể đi đôi với việc đề cao mình. Việc cầu nguyện tự nó là đi tìm gặp Thiên Chúa, chứ không phải tìm gặp kẻ khác. Việc ăn chay cũng vậy, nó có ý nghĩa là người ta hãm dẹp bớt nhu cầu của mình, để triệt để mở ngõ cõi lòng cho Thiên Chúa, chờ đợi mọi sự từ tay Người. Người Do Thái đạo đức vẫn cầu nguyện vào một số giờ nhất định trong ngày (9 giờ sáng, 3 giờ chiều) và tự nguyện ăn chay vào những ngày thứ hai, thứ năm (bằng cách hạn chế ăn uống, cạo râu, tắm rửa) hoặc thỉnh thoảng bố thí là để làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng dần dần, thói giả hình, chiếu lệ, phô trương lây nhiễm vào, làm giảm giá trị của các việc đạo đức đó.

Khi thực thi lời dạy của Chúa Giêsu, người ta sẽ diễn tả được tình mến sâu đậm nhờ ba việc đạo đức quen thuộc này và sẽ có đời sống đạo đức thật, sẽ nhận được phần thưởng từ Cha, Đấng “nhìn thấy những điều ẩn khuất”, và nhất là nhận được phần thưởng là chính Thiên Chúa.

Ngoài việc làm, có những còn dùng chính đời sống và cả con người mình để diễn tả tình mến. Chẳng hạn, ngôn sứ Êlia mà bài đọc I hôm nay nói đến. Êlia đã là con người mọi lúc lắng nghe Thiên Chúa để hiểu ý muyốn Thiên Chúa và sẵn sàng lên đường thực thi –Êlia là con người đầy nhiệt huyết và tình mến, đến độ có “tâm hồn nóng như lửa” và mọi lúc ở trong lửa, cuối cùng biến đi trong lửa tức là trong Thiên Chúa, vì lửa là biểu tượng cho Thiên Chúa – và nhất là Êlia đã liều mạng cho Thiên Chúa.

Êlia đã không mến Thiên Chúa bằng một số việc đạo đức, mà bằng cả tâm hồn, cả đời sống. Chính vì thế, trong khi các kẻ đạo đức chỉ có một đời sống được đổi thay hay canh tân, thì Êlia đã thành “lửa”, đã nên hiện thân của Thiên Chúa, đã đầy Thần Khí và sự hiện diện của Thiên Chúa. Và tuy biến đi, ông vẫn sống mãi, ông thông chuyển Thần Khi mình cho Êlisê và các ngôn sứ sau đó. Chiếc áo choàng tượng trưng cho vai trò ngôn sứ của ông lại được các vị ngôn sứ khoác trên vai để làm sứ mạng phục vụ Thiên Chúa.

Êlia thật là con người gương mẫu về việc mến yêu, phục vụ Thiên Chúa. Ông là mẫu lý tưởng đê chúng ta được mời gọi đạt tới. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng cũng yêu mến Cha tận tình giúp chúng ta làm các việc đạo đức với tình mến chân thành của những người con, luôn luôn chỉ làm vì Cha, vì muốn mến Cha, để nhờ chân thành và kiên trì trong những việc làm, dần dần cả con người và cả đời sống của chúng ta được thấm nhiễm tinh thần đạo đức sâu xa như Chúa Giêsu, như Êlia để chúng ta trở thành hiện thân sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.


THỨ NĂM

Hc 48,1-15; Mt 6,7-15

Nhìn lại đời sống của tiên tri Êlia hay của Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự cầu nguyện có vai trò rất lớn lao. Có thể nói sự cầu nguyện quyết định lối sống và hành động. Cầu nguyện làm sao, thì sống và hành động như vậy.

Tiên tri Êlia được tác giả sách Huấn Ca hết lời khen ngợi. Nào là lời nói của ông đầy uy thế và sự hữu hiệu. Ông làm được nhiều phép lạ. Nào là đời sống ông đầy những điều kỳ diệu, thậm chí sau khi ông chết, “xác ông vẫn nói tiên tri” và ông vẫn có ảnh hưởng lớn…

Nhưng sở dĩ tiên tri Êlia đã nên lớn lao và thực hiện được nhiều việc vĩ đại như vậy, chính vì ông đã là người của Thiên Chúa và đã cầu nguyện. Ông đã từng sống trong sa mạc, đã từng chiêm ngắm Thiên Chúa như Môsê, đã từng được đặc ân trông thấy Thiên Chúa (1V 19,4-14). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa trong cô tịnh, trong kinh nguyện, trong lắng nghe tiếng Thiên Chúa, đã biến ông thành vị đại diện vĩ đại của Thiên Chúa và hăng say bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa và của con người, xứng đáng với tên ông “Êlia, Giavê là Thiên Chúa của tôi”.

Hơn Êlia, Chúa Giêsu còn là chính Đấng Thiên Sai và còn thực hiện được muôn điều kỳ diệu. Nhưng cũng như đối với Êlia, sự cầu nguyện đã là bí quyết của đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã coi cầu nguyện như là hơi thở của đời sống, như lương thực giúp Ngài sống vui, như nguồn ánh sáng và sức mạnh giúp Ngài hoạt động. Trước khi ra hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã có thời gian 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong hoang địa. Trước mỗi khi làm một việc quan trọng, Chúa Giêsu đều cầu nguyện với Cha. Và giữa khi đang hoạt động, đang miệt mài với quần chúng, Chúa Giêsu vẫn có lúc xa bỏ mọi sự, tìm đến nơi kín đáo, để dìm mình trong kinh nguyện. Sự cầu nguyện đã là sức mạnh cho đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu.

Chính vì thế, khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải nhận ra hồng ân và tình thương quá lớn lao mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta khi dạy chúng ta cách thức cầu nguyện và nhất là trao ban cho chúng ta chính những lời kinh Ngài vẫn sử dụng, hoặc những lời xin Ngài biết là thích hợp cho chúng ta.

Chúng ta phải nói rằng, qua lời dạy của Chúa Giêsu, chẳng những chúng ta biết để mà tránh thói lải nhải nhiều lời kiểu dân ngoại và biết tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa hơn, mà chúng ta còn hưởng được chính bí quyết đã giúp Ngài sống, hành động và cư xử như chúng ta thấy. “Kinh Lạy Cha” không phải chỉ là một kinh chúng ta lo học để biết cách cầu nguyện mà còn là bí quyết giúp chúng ta sống như Chúa.

Thật vậy, nếu chúng ta đặt tâm hồn và sự chú ý vào những lời kinh mình đọc, nếu chúng ta hiểu ý nghĩa mỗi lời và đưa mỗi lời ra sống, dần dần cuộc đời của chúng ta sẽ thay đổi.

Nếu mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha:

- Ta sung sướng có Thiên Chúa là Cha, được làm con Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu.

- Ta lo cho quyền lợi của Cha, chỉ xin cho Cha được mọi người nhận biết và yêu mến.

- Chỉ mong hằng ngày sống nhờ ân huệ Cha.

- Chỉ xin Cha tha tội, nghĩa là giúp mình bớt khép kín với Cha và với anh em.

- Chỉ xin Cha ngự mãi trong chúng ta, đừng để chúng ta ra khỏi ơn thánh và địa vị làm con.

Nếu chúng ta luôn cầu nguyện theo ý hướng ấy, chắc chắn chúng ta sẽ ngày càng sống nên con Cha, sẽ xa dần điều xấu và thêm dần nhiều việc tốt. Con người và đời sống của chúng ta sẽ có lúc được biến đổi và nên diệu kỳ như chính đời Êlia và đời Chúa Giêsu.

Xin Chúa Giêsu, Đấng đã thổ lộ chính kinh nguyện thân thiết của Ngài giúp chúng ta biết cầu nguyện như Ngài để ngày càng sống và cư xử như Ngài.


THỨ SÁU

2V 11,1-4.9-20; Mt 6,19-23

Đoạn sách Các Vua chúng ta vừa nghe, cho chúng ta thấy Thiên Chúa làm chủ mọi biến cố lớn nhỏ xảy ra trong lịch sử. Bài Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm Thiên Chúa thay vì tìm kiếm các giá trị trần gian.

Sau thời vàng son của Israel dưới triều đại Đavít và Salômôn, dân chúng bắt đầu chứng kiến một giai đoạn hỗn loạn. Đó là một thời ký đen tối. Các vương tướng tranh dành nhau ngai vàng, gây ra bao cuộc chém giết dã man. Mỗi lần đổi ngôi là mỗi lần cả dòng giống vị vua trước bị tận diệt (ở Việt Nam tru di tam tộc). Hoặc để trả thù, hoặc để bảo vệ cho ngai vàng của mình và con cháu mình sau này, vị vua thắng trận cho chém đầu hàng trăm con cái của vua bại trận. Số phận kẻ thắng mà không có lòng đạo đức kết thức cách bi thảm. Thiên Chúa nâng đỡ người ngay chính trung thành với đường lối của Thiên Chúa. Kẻ ác nhân sẽ bị tiêu diệt.

Atalia là hoàng thái hậu, con bà bị giết, bà tìm cách sát hại hết các cháu nội của mình để bà lên nắm giữ ngai vàng, nhưng cậu bé Gioas đã được bà cô của mình cứu thoát và đem dấu khuất mặt bà Atalia. Cậu được nuôi dưỡng trong nhà Thiên Chúa cho đến ngày lấy lại ngai vàng. Số phầnj bà Atlia cũng kết thúc một cách hết sức bi thảm. Bà bị giết bằng gươm nơi đền vua, sau khi chạy trốn khỏi đền thờ.

Chức quyền và giàu sang vẫn là những cám dỗ đối với con người ở mọi thời đại. Người ta tranh nhau để được làm vua, nhưng địa vị ấy cũng thật bấp bênh. Nếu một vị vua đủ mạnh để bảo vệ được ngai vàng lâu dài, thì cuối cùng cũng chẳng ai làm vua quá giới hạn thời gian mình sống. Của cải vật chất cũng thế. Chúa Giêsu gọi đó là những kho tàng dưới đất, tức là những giá trị thuộc về trần thế này, luôn bị đe dọa bởi mối mọt hoặc bởi trôm cắp. Chỉ có những kho tàng trên trời mới bền vững và bảo đảm không bao giờ bị gặm nhấm và không bao giờ bị tước đoạt. Vậy người khôn ngoan phải tìm cách tích lũy cho mình những kho tàng chắc chắn ấy. Tiên vàng hãy tìm kiếm Nước Trời và những gì cần thiết để được hưởng Nước Trời. Hãy tin kính, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự. Hãy chia sẻ buồn vui, chia sẻ tinh thần cũng như vật chất với anh chị em đồng loại. Hãy nghèo đi về của cải để trở nên giàu các nhân đức.

Người Kitô hữu được Chúa Giêsu gọi là ánh sáng cho trần gian. Thấy rõ đâu là thật đâu là giả tức là sáng. Biết phân biệt những gì là tuyệt đối, những gì là tương đối tức là sáng. Biết chọn lựa những giá trị bền vững thay vì tìm kiếm các giá trị chóng qua tức là sáng. Sống đúng với nhận thức của mình trong thực tế, đời sống chúng ta sẽ tỏa sáng. Và như thế, chúng ta soi sáng cho người khác để họ cũng thấy được rõ ràng như chúng ta.

Thánh lễ chúng ta đang cử hành đưa Đức Giêsu Kitô đến với chúng ta. Chúng ta gặp gỡ Ngài. Chúng ta kết hiệp với Ngài. Đức Giêsu Kitô mới thật sự là ánh sáng thế gian. Bước đi theo Đức Giêsu Kitô, chúng ta không sợ đi trong tối tăm. Có Chúa là ánh sáng trong chúng ta, chúng ta sẽ rực sáng lên để chẳng những bản thân chúng ta thấy rõ đường đi về Nước Trời vinh quang sáng làng, mà chúng ta còn có thể soi sáng cho mọi người nữa.


THỨ BẢY

2Ks 24,17-25; Mt 6,24-34

Nghe những lời Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, hẳn chúng ta cảm thấy bối rối. Hoặc vì chúng ta đã làm ngược lại những điều mà Chúa Giêsu đã đòi hỏi, chúng ta quá lo lắng về cái ăn, cái mặc, gieo, gặt, bỏ vốn kiếm lời, mua sắm,… hoặc vì chúng ta không biết làm sao dung hòa được giáo huấn này với trách nhiệm làm cha, làm mẹ phải bảo đảm được đời sống cho gia đình và nuôi dạy con cái. Phó thác hoàn toàn nơi Chúa quan phòng đến độ không lo gì cho ngày mai có phải là đi ngược lại với ơn khôn ngoan không?

Thái độ sống và hoạt động của chúng ta liên hệ đến ông chủ mà chúng ta phục vụ. Chúa mời gọi chúng ta phải chọn lựa: chọn phục vụ Thiên Chúa hoặc chọn làm nô lệ cho tiền của thế gian. Tiền của thế gian sẽ qua đi với thế gian. Đó là những thứ mau hư nát, mối một, trộm cắp có thể cướp mất. Dẫu vậy, đã có biết bao người bị tiền của mê hoặc. Chạy theo tiền của, họ không biết đâu là giới hạn và cứ đeo đuổi con đường tìm kiếm của cải, tích lũy và tiêu pha cách xa xỉ vào các tiện nghi. Những bận tâm lo lắng trong cuộc chạy không ngừng ấy khiếm lòng trí họ bị chi phối, họ sao lãng dần Thiên Chúa và công việc của Người.

Người biết chọn Thiên Chúa và ra sức phục vụ Thiên Chúa là người thanh thoát đối với của cải thế gian. Họ hưởng dùng như không hưởng dùng như thánh Phaolô nói. Đối với ho, đủ ăn đủ mặc là được. và ngay cái ăn, vừa đủ ấy họ cũng không bận tâm lắm, bởi vì họ ý thức mình đang phục vụ ai. Họ tin tưởng vào ông chủ mà họ đang phục vụ. Ông chủ ấy là chủ tể trời đất và mọi thứ trên trời dưới đất; Người giàu sang và rất hào phóng. Bởi thế, họ không phải lo lắng khi có được một người chủ như thế.

Hình ảnh Thiên Chúa quan phòng xuất hiện rõ ràng qua những lời Tin Mừng hôm nay: Chúa cho chim trời ăn dù chúng không vất vả gieo trồng, Chúa tô điểm cho hoa củ dù chúng không sản xuất son phấn, vải vóc. Với cây cỏ, chim muông, Chúa còn lo cho như thế, con người “linh ư vạn vật” cao quí hơn các tạo vật ấy, là con cái của Chúa, được Chúa yêu thương đặc biệt, chẳng lẽ Chúa lại không ưu đãi?

Bài đọc trong sách Sử Niên Biên mà chúng ta vừa nghe đã cho chúng ta một gương sống. Gioas được cứu thoát, được che dấu và nuôi dưỡng trong đền thờ, được ngai vàng của vua cha. Ông có công trong công cuộc cải tổ tôn giáo của đất nước, ông đốc thúc việc xây dựng lại đền thờ và lo lắng cho việc phụng tự ở đền thờ được tươm tất. Thế mà ông đổi lòng đổi dạ quay sang các tượng thần. Ông đổi chủ và hậu quả là sự diệt vong. Quân đội Aram ít hơn vẫn đánh bại được quân của Gioas. Sách Thánh nói: “Giavê đã phó nộp trong tay chúng cả một đạo binh rất đông, vì họ đã bỏ Giavê”.

Giáo huấn của Chúa trong thánh lế hôm nay mời gọi chúng ta lựa chọn đúng ông chủ để phục vụ. Ông chủ mạnh nhất, giàu sang nhất, tốt lành nhất chính là Thiên Chúa. tìm kiếm Chúa và sự công chính của Người, chúng ta không phải bận tâm, vì chính Chúa lo lắng cho chúng ta - Người là Chúa quan phòng.

Mới hơn Cũ hơn