Suy niệm mỗi ngày Tuần 12 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

2V 17,5-8.13-15; Mt 7,1-5

Một thế kỷ sau khi nước Samari phía Bắc thất thủ, một tác giả đã viết ra cuốn sách Các Vua. Mục đích của tác giả này là nhìn lại quá khứ, nhìn lại thời các vua đã qua để xem đau là lý do khiến nước Samari rơi vào thảm hỏa mất nước. Theo bài đọc I mà chúng ta vừa nghe hôm nay, lý do chính đó là “con cái Israel đã phạm tội, đã xúc phạm đến Thiên Chúa, đã cứng đầu cứng cổ vất bỏ giao ước và các lời dạy dỗ hoặc các lời nhắc nhở của Thiên Chúa, để noi theo tập tục của dân ngoại là thờ các thần ngoại bang và cử hành các nghi lễ không đúng với lề luật quy định”. Vì tôi đó, Thiên Chúa đã nổi giận và xua đuổi dân Israel khỏi mặt Thiên Chúa. Đây là cách nói của tác giả để nói đến hình phạt và họa khốn người ta tự chuốc lấy khi rời bỏ Thiên Chúa. Chứ chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha đầy tình thương, nơi Người chỉ có một thứ hành vi là yêu thương và ban ân huệ, chứ không hề bao giờ có hành vi nổi giận, xua đuổi, giáng họa, trừng phạt, giống như mặt trời chỉ chiếu sáng chứ không hề bao giờ giáng sự tối tăm trên ai cả. Ý của tác giả là chứng minh rằng: do xúc phạm đến Thiên Chúa, hất bỏ giao ước Thiên Chúa, dân phía Bắc đã tự đưa mình đến hố diệt vong. Và ông viết lại điều đó chính là để kêu mời và thôi thúc người dân nước Giuđa hãy xét mình, hãy kiểm lối sống hiện tại của mình và lo hoán cải để khỏi bị diệt vong như nước Samari phía Bắc.

Ý hướng của tác giả đó cũng gặp lời khuyên của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu khuyên người ta đừng xét đoán kẻ khác mà hãy lo kiểm điểm chính mình, hãy nhìn vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của chính mình – những lỗi lầm có khi lớn lao như cái xà nằm chắn ngang cả con mắt mình. Sở dĩ, Chúa Giêsu khuyên người ta như thế vì có những lý do sau đây:

- Thứ nhất, kẻ nào xét đoán kẻ khác sẽ bị Thiên Chúa xét đoán lại. Thế mà ai trong chúng ta lại không có lỗi và ai lại không mong chờ sự thứ tha của Thiên Chúa. Muốn được Thiên Chúa tỏ ra khoan dung với mình, người ta cũng phải tỏ ra khoan dung đối với kẻ khác.

- Lý do thứ hai: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán con người và mới thấy rõ hành vi bề ngoài cũng như ý hướng bên trong của mỗi người để mà xét xử một cách tuyệt đối công minh. Còn chúng ta phải bao giờ có thể hiểu rõ về anh em, về các hành vi của anh em khác được. chúng ta làm sao nắm hết được mức ảnh hưởng của sự di truyền, của môi trường, của nên giáo dục, của tính khí, của những ý hướng sâu xa của một người được (Quesson). Bởi đó, chúng ta được quyền và phải biết xét định nhiều chuyện trong đời sống – vì Chúa không có ý cấm chúng ta sáng suốt xét định – nhưng chúng ta không bao giờ nên kết án anh em theo những nhận định chủ quan lắm khi rất sai lầm của chúng ta.

- Lý do thứ ba: Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài luôn khiêm tốn, đừng tưởng mình đã thuộc Nước Trời, đã được Thiên Chúa thương, đã nên con cái Thiên Chúa, đã thành mẫu người mới mà có quyền vênh váo tự cao, làm như mình vượt trên người khác và được làm cha chú xét đoán kẻ khác. sống như thế là người ta lại mắc “thói giả hình” của biệt phái.

Vậy khiêm tốn nhìn vào chính bản thân mình và càng mau mắn kiểm điểm khi trông thấy sai lỗi nơi anh em khác: đó là sự khôn ngoan giúp chúng ta sống xứng đáng là người môn đệ của Chúa và củng cố nền đạo đức nơi chúng ta. Đó cũng là cách chúng ta sống với tinh thần mới của kẻ đã thuộc về Nước Trời, đã nên con cái của vị Thiên Chúa không xét xử ai mà chỉ yêu thương mọi người.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta hoán cải không ngừng và luôn có lòng bao dung đối với mọi người khi chúng ta gặp gỡ.


THỨ BA

2V 19,9-36; Mt 7,6.12-14

Sách Các Vua, tuy là một cuốn sách sử, kể lại nhiều chuyện thuộc lịch sử, nhưng cũng là cuốn sách có mục đích giáo huấn dạy dỗ Dân Chọn. Tác giả kể lại một chuyện quá khứ để rút ra một bài học nào đó cho người thuộc thời đại của mình. Đoạn trích sách Các Vua mà chúng ta nghe hôm nay, kể lại biến cố vua Assyria, tên là Sennakêríp, phái sứ giả đến buộc vua Giuđa là Êgiêkia đầu hàng. Theo lịch sử, lần ấy nước Giuđa kể như đã nguy kịch, bỗng dưng lại thoát nạn vì Sennakêríp bất ngờ lui binh, không vây hãm Giêrusalem nữa. Có sứ giả cho là ban đêm chuột đã ra gặm bao tên dây nỏ của đội binh bắn cung của Assyria. Có kẻ khác cho là vì xảy ra ôn dịch hoặc vì sắp có nội loạn ở quê nhà nên Sennakêrip phải bất ngờ rút quân. Dù sao, lần ấy Giuđa hú hồn một trận. Còn theo tác giả sách Các Vua, lý do khiến Giuđa thoát nạn, đó là vì vua Giuđa biết tin tưởng vào Thiên Chúa, biết xác tín rằng các dân khác bị diệt vong trước quân Assyria chỉ vì tin vào các ngẫu tượng, tức là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, cácngẫu tượng đó không phải là thần linh hằng sống, chẳng cứu rỗi được ai. Vậy chủ đích của tác giả khi kể lại chuyện cũ chính là nhắc nhở Dân Chọn rằng chỉ một mình Giavê là Thiên Chúa thật, chỉ một mình Giavê mới cứu thoát được và nếu họ biết bám víu lấy Giavê, chắc chắn Người sẽ cứu họ như đã cứu vua Êgiêkia một cách lạ lùng. Chắc chắn đây là lấy chuyện quá khứ để dạy một bài học cho hiện tại. Chúng ta có quyền nghĩ rằng lời dạy của tác giả đã được nhiều người Do Thái thời đó đón nhận, vì lời dạy đó được nói ra đúng lúc, khi Dân đang lo sợ mất nước và đang tìm cách để thoát họa diệt vong.

Nếu chúng ta theo lời dạy của Chúa Giêsu, tác giả đó đã “không lấy của thánh mà ném cho chó, đã không lấy châu ngọc mà quăng trước bầy heo”. Vì ông đã biết dạy Dân đúng lúc, đúng thời. Chúa Giêsu cũng dặn các môn đệ của Chúa đừng đem các chân lý Nước Trời, các lời giáo huấn đặc biệt và thánh thiêng của Chúa hoặc đem Tin Mừng và đạo thánh nói chung mà nói cho người ô uế, đắm mình trong đam mê tội lỗi, hư hỏng, hay cho người đầy thành kiến, thiếu thiện tâm, vì họ không có tâm trạng tốt để đón nhận. Nghe các chân lý đó, họ không “ăn” được, sẽ đâm ra tuyệt vọng, đả kích, phỉ báng…

Cũng thế, chính hai Lời dạy còn lại của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay là “mọi điều cac ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa hãy làm cho người ta như thế” và “hãy vào cổng hẹp”, chúng ta phải tùy lúc tùy người mà dạy. Ngược lại, có những hoàn cảnh khiến lời dạy của chúng ta như gặp mảnh đất tốt và dễ sinh hoa kết quả. Ở đây, Chúa Giêsu muốn khuyên người ta đừng làm việc tốt để trông báo đáp, nhưng hãy tích cực khởi xướng làm việc thiện, tự nghĩ ra những sáng kiến trong lãnh vực bác ái với tha nhân và đó là chu toàn cả lề luật. Chúa Giêsu cũng khuyên hãy tìm đến với cổng hẹp, tức là sống theo những đòi hỏi của “bài giảng trên núi”, là sẵn sàng từ bỏ mọi sự, chấp nhận gian khó để đi theo Chúa Giêsu. Nhưng dần dần, nhờ cảm nghiệm, nhờ ơn Chúa, nhờ hoàn cảnh, người ta mới dễ nhận và sống theo hai lời khuyên đó.

Riêng đối với bản thân, chúng ta xin cho mình được ơn lúc nào cũng nghe ra lời mời gọi của Chúa và ơn nhận ra hoàn cảnh nào cũng cơ hội thuận tiện để chúng ta sống theo Chúa. Chúng ta phải nhẫn nại với kẻ khác nhưng không được chần chừ với bản thân. Chúng ta phải chọn lúc thích hợp để nói về đạo hay khuyên nhắc cho kẻ khác, nhưng không bắt Chúa đợi chờ chúng ta. Anh em có thể còn sống theo đa số người đời, nhưng cá nhân chúng ta – như Chúa muốn – luôn phải thuộc “số ít người” hiểu Chúa, dám sống khác người và biết nỗ lực phấn đấu. Khi đã biết rõ ở đâu có sự sống, chúng ta không còn có thể chậm chân và để lỡ nhịp.

Xin Chúa biến chúng ta nên những tông đồ hữu hiệu cho Chúa bên cạnh người khác, nhất là biến chúng ta nên những tông đồ đắc lực cho chính bản thân mình trước.


THỨ TƯ

2V 22,8-13;23,1-3; Mt 7,15-20

Sau khi công bố thiết lập Nước Trời và gầy tạo một mẫu người mới giữa trần gian, Chúa Giêsu đã không quên những đe dọa có thể có cho cộng đoàn mới của Chúa và Chúa đã ân cần cảnh giác họ về sự xuất hiện của các tiên tri giả. Chúng ta biết rằng các tiên tri và các lời tiên tri đã rất được coi trọng trong các giáo đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thế nhưng thỉnh thoảng có hạng tiên tri giả. Họ thường gây ra nhiều xáo trộn và chia rẽ. Họ giả nhân giả nghĩa rất tài tình, bề ngoài có vẻ sốt sắng ngoan đạo, nhưng chỉ đưa ra những lý thuyết loài người, chỉ thích giật dây để người này hiểu lầm người nọ, phá vỡ hòa khí trong cộng đoàn. Đa số họ có mưu lược rất khéo léo, lắm khi lường gạt được cả kẻ đã được chọn, nên Chúa Giêsu đã phải gióng tiếng: “Hãy coi chừng! Hãy mở mắt cho to để nhận ra con chiên ghẻ, hãy luôn đề cao cảnh giác kẻ thù ở ngay giữa nội bộ”. Chúa Giêsu bảo hãy nhìn vào “quả” tức là cách sống, lối cư xử hay hạnh kiểm cụ thể của họ, diễn bày trong lời nói và nhất là việc làm của họ để biết “cây”, tức là con người thật của họ. Nếu họ ngụy trang khéo léo thì cứ theo dõi lâu, cứ nhẫn nại, họ không đạo đức lâu được, trước sau sẽ bại lộ. Vì người xấu không làm được những việc tốt mãi và không làm cho kẻ khác nên tốt được.

Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu khiến chúng ta nghĩ đến một sự thật đắng cay đã xảy ra cho bao nhiêu cộng đoàn và nghĩ lại cảm tưởng ghê tởm đối với một kẻ mà chúng ta biết rõ là “chiên ghẻ” hay “sói đội lốt chiên” từng gieo rắc khổ sở và phân hóa cho cộng đoàn của chúng ta.

Hạng tiên tri giả đó đối chọi với triều thần vua Giôsia biết bao! Bởi vì vua này đã là “cây tốt sinh trái tốt”. Tuy lên ngôi lúc mới được tám tuổi, nhưng khi trưởng thành, Giôsia tỏ ra là một ông vua minh mẫn, mạnh bạo. Rút bài học từ cuộc suy vong của nước phía Bắc, ông muốn thực hiện hoài bão của cả dân là thống nhất tất cả Israel mười hai chi họ. Trước hết, ông đứng đầu một cuộc cải cách sâu rộng về tôn giáo, tập trung việc tế tự nơi đền thờ duy nhất Giêrusalem, với hy vọng củng cố lại lòng tin và nhờ đó củng cố được sức mạnh quốc gia.

Tình cờ, vào năm 622, khi xúc tiến việc sửa chữa đền thờ, người ta đã tìm thấy cuốn Thứ Luật có lẽ được ai đem dấu ở đền thờ. Biến cố này đem lại khí thế đặc biệt cho phong trào cải cách tôn giáo do nhà vua chủ xướng. Vua tập họp toàn dân, đọc cho họ nghe Lời Chúa trong cuốn sách trong một lễ nghi long trọng, rồi chính thức ký kết lại giao ước với Thiên Chúa.

Theo như bài đọc I hôm nay mô tả, một con người tốt là vua Giôsia đã lập tức tạo được một ảnh hưởng tốt đẹp rộng lớn, đã khiến mọi thành phần trong Dân hoán cải, quay về với Thiên Chúa – và một người tốt đã lập tức làm cho Lời Chúa lan rộng từ người này sang người khác: ban đầu tư tế Helxia tìm thấy sách Thứ Luật – ông đem cho thư ký nhà vua- thư ký đọc cho nhà vua nghe – nhà vua họp Dân đọc cho Dân nghe… Đúng là một biến cố tốt lành đã thay đổi cả một xã hội. Sự hoán cải của một người đã kéo theo sự hoán cải của cả một tập thể. Người ta không trở nên xấu một mình, mà cũng không trở nên tốt một mình.

Ngẫm nghĩ về câu chuyện thời Cựu ước ấy, chúng ta phải cảm kích biết bao! Xin Chúa Giêsu Thánh Thể hôm nay cũng an bài cho đời chúng ta có những biến cố có sức xoay chiều những quãng đời tầm thường của chúng ta để chúng nên tốt lành hơn – hoặc ban cho chúng ta thường xuyên được như Giôsia, tái khám phá ra tình Chúa trung thành yêu chúng ta đến nỗi làm cho chúng ta phải xúc động, phải “xé áo” – nhất là giúp chúng ta trở nên một con người tốt giữa cộng đoàn để tạo ra trái tốt cho mọi người, tức là nên nhân tố thay đổi đời sống kẻ khác và giúp ích cho họ.



THỨ NĂM

2V 24,8-17; Mt 7,21-29

Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời, nhưng Chúa Giêsu không nói suông, mà Ngài đã Nhập Thể và thể hiện Lời Thiên Chúa bằng tất cả đời sống của mình. Bởi đó, để kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ. Chúa Giêsu bắt tay vào việc, thực thi những lời giảng mà họ đã nghe. Họ cần nhớ kỹ: “Không phải những kẻ nói… mà là những kẻ làm… mới được vào Nước Trời”. Theo ý của Chúa Giêsu, ngay cả những kẻ “cầu nguyện” mà không “làm” cũng không được vào Nước Trời.

Làm theo ý Thiên Chúa còn quan trọng hơn lời cầu nguyện. Thậm chí chính những Kitô hữu hay những thừa tác viên đã rao giảng về Chúa, đã trừ quỉ, đã làm được các phép lạ nhân danh Chúa, mà trong đời sống cá nhân đã không thực thi ý Thiên Chúa vẫn bị Đấng Thẩm Phán kết án. Như thế, đối với cả bậc có trách nhiệm trong Hội Thánh, đời sống vẫn phải đi đôi với lời nói.

Tóm lại, đối với Chúa Giêsu, chỉ có hai điều kiện giúp đời sống thiêng liêng người ta vững vàng như căn nhà được xây trên đá: đó là lòng chân thành sống theo các lời dạy của Chúa và kiên trì thực thi các lời đó. Kẻ chỉ nghe suông mà không đem ra thực hành, hoặc chỉ bi bô trên môi miệng trong khi nói cho kẻ khác hoặc khi cầu nguyện với Thiên Chúa chứ không diễn tả cách cụ thể trong cuộc sống và việc làm, kẻ đó chỉ như căn nhà đặt nền trên cát và dễ dàng sụp đổ.

Ngay bài đọc thứ nhất hôm nay cũng là một chứng mình cho lời dạy đó của Chúa Giêsu. Như chúng ta vừa nghe, vào năm 598 trước Công Nguyên, dưới triều đại vua Gioakim, nước Giuđa đã bị vua Babylon đánh chiếm lần thứ nhất và bắt một phần lớn đi lưu đầy. Lý do là vì “tuy trẻ tuổi, vua đã làm mất lòng Chúa cũng cha vua đã làm xưa”. Chắc hẳn, lỗi của nhà vua phạm ở đây là để cho xã hội có những bất công, có sự xuống dốc về luân lý, có thói thờ ngẫu tượng, và vua áp dụng một nền chính trị thuần túy trần tục, không dựa vào lòng tin.

Nói cách khác, theo lời của các ngôn sứ từng cảnh cáo: “Vua đã không nương tựa vào Thiên Chúa cho đủ… mà chỉ cậy vào sức riêng mình, chỉ lo liên minh với vua này vua nọ mà hất bỏ giao ước với Thiên Chúa”. Rồi tại đền thờ, vua và hàng tư tế chỉ lo tổ chức nghi lễ bên ngoài, chỉ bám vào bình vàng mà Salômôn đã đúc cho cung thánh của Chúa, tức là chỉ an tâm với những chuyện bề ngoài mà không nhớ rằng Thiên Chúa cần cõi lòng người ta hơn là nghi lễ… Chính vì thế, nước Giuđa đã sụp đổ như căn nhà đặt nền trên cát!

May mà trước đó dưới triều Giôsia, đã có một giai đoạn “Giuđa xây nhà trên đá” khi tiến hành cuộc cải cách tôn giáo, quay về với giao ước và quyết tâm sửa đổi đời sống. Chính nhờ có giai đoạn chấn hưng đạo đức ấy mà số sót đạo đức đã thành hình và nước Giuđa đã khác hẳn nước Israel phía Bắc: đó là khi bị lưu đày, nước Israel như biến mất, còn nước Giuđa vẫn sống tại Babylon và đào sâu lòng tin vào Giavê hơn, duy trì đến cùng tín ngưỡng đã có của mình và chuyển đi mạc khải họ đã chịu lấy (Nguyễn Thế Thuấn, Lời Thiên Chúa, 58, Isaia).

Nhà đã xây trên đá, căn nhà Giuđa đã đứng vững giữa biết bao thử thách. Vậy cùng một biến cố lưu đày đã chứng minh cho hai khía cạnh trong lời dạy của Chúa Giêsu.

Lời dạy đó vẫn còn hiệu lực cho chính chúng ta hôm nay. Đứng trước những lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta xin ơn được có can đảm bắt tay vào việc, dấn thân, đem lời Chúa ra thực hành. Chúng ta đặc biệt xin Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm giúp chúng ta trở nên Lời, thi hành Lời, nhập thể Lời trong cuộc sống, hành vi, lời nói hằng ngày của chúng ta, để Lời Chúa trở nên hiện thực, nên sự phục vụ cụ thể, nên nền móng vững chãi cho đời sống của chúng ta.


THỨ SÁU

2V 25,1-12; Mt 8,1-4

Sau diễn từ quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu, thánh Matthêu sẽ kê khai một loạt các phép lạ. Việc Chúa Giêsu chữa người phong cùi là phép lạ cụ thể đầu tiên do thánh Matthêu kể lại. Cũng như khuyên dặn các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ “nói suông” mà còn chuyển sang “hành động”: Chúa Giêsu sẽ cụ thể cứu chữa một số người để báo trước về thời thế mạc, lúc mọi sự dữ sẽ bị đánh bại.

Sở dĩ, Chúa Giêsu chữa người phong cùi trước hết, vì bệnh này ngày xưa người ta coi là một hình phạt điển hình của Thiên Chúa, là dấu chỉ người mắc bệnh đã phạm tội nặng, đáng bị đuổi ra khỏi cộng đồng, không còn được tham dự việc tế tự, không còn được gần kẻ khác kẻo truyền sự ô uế sang cho kẻ khác. Chấp nhận chữa thứ bệnh đó là Chúa Giêsu muốn mạc khải sứ mạng của Ngài: Ngài đến để tẩy uế, tha tội, tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa (khi cho người cùi nên sạch và được dự lễ tế) tái lập sự hiệp thông với kẻ khác, khi cho được về lại với hàng xóm, sống với thân nhân và xã hội. Ở đây trước khi chữa, Chúa Giêsu còn đụng đến người bệnh, vừa để tỏ tình liên đới sâu xa, vừa để phá bỏ quan niệm sạch và dơ nơi người Do Thái vào thời của Chúa Giêsu. Tuy vậy, Chúa Giêsu không phải là người coi rẻ lề luật chính đáng (vì Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho người được chữa lành lo thi hành các thủ tục thanh tẩy theo pháp luật để được trở lại cuộc sống bình thường) và đồng thời Chúa Giêsu không tự cao khoe mình, trái lại, Chúa Giêsu thật kín đáo, vì không muốn dân chúng bồng bột và hiểu sai Ngài là vị Thiên Sai chính trị và chinh chiến. Thái độ của Chúa Giêsu hoàn toàn xuất phát từ lòng xót thương sâu thẩm trước con người bất hạnh.

Bệnh cùi này có lẽ là hình ảnh thích hợp để chúng ta hiểu về biến cố mất nước của dân Giuđa mà bài đọc I hôm nay nói đến. Sự tường thuật của đoạn sách Các Vua về biến cố ấy thật sống động và bi thảm: sau một năm rưỡi Giêrusalem bị vây hãm, tình cảnh trở nên nguy kịch, dân chúng đói khổ. Vua quan lẻn trốn ra ngoài nhưng vẫn bị địch bắt, buộc phải giữ mãi hình ảnh đau thương cuối cùng mình trông thấy đó. Số phận dân nước Giuđa hôm ấy khác nào số phận hẩm hiu của bệnh phong cùi vô phương cứu chữa. Giuđa mất mọi sự, rơi vào cảnh tuyệt vọng hoàn toàn. Biến cố bi thảm ấy luôn được người đồng thời và các thế hệ về sau coi như hình phạt khủng khiếp Thiên Chúa đã giáng xuống trên Dân Người. Dân Chọn khi bị Thiên Chúa hất bỏ, xua đuổi, cắt đứt mọi hiệp thông. Họ giống như người phong cùi bị khai trừ khỏi xã hội.

Thế nhưng, đàng sau bề mặt bi thảm đó, biến cố lưu đày dần dần trở thành một sự kiện may mắn, ngọt ngào cho Dân Chọn. Giữa nơi đất khách quê người, giữa lúc không còn đền thờ, nghi lễ, tế tự, vua quan… Dân Chúa bắt đầu cảm nghiệm được một sự hiện diện trìu mến khác của Giavê, một liên hệ thân tình khác với Giavê Thiên Chúa, họ hiểu, sống và đào sâu giao ước hơn xưa và đi đến một lòng tin sâu sắc hơn. Dân Chọn trong lưu đày giống hệt người cùi đang mang bệnh được Giavê nhìn đến, dạt dào yêu thương và ân cần băng bó, chữa lành cho.

Vì thế, cả biến cố mất nước của dân Giuđa lẫn việc Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi đều nói lên tình thương ân cần của Thiên Chúa, và đều là lý do khiến chúng ta ngợi khen Người. Thiên Chúa của chúng ta đúng là Đấng có mặt trong mọi cảnh huống của đời ta, và là Đấng luôn yêu thương giúp đáp. Chúng ta xin ơn biết vui lòng đón nhận mọi thử thách trong cuộc sống với lòng mến tin đối với Chúa và cới xác tín rằng các thử thách chính là những nhân tố thanh luyện chúng ta, giúp ích cho chúng ta và làm phong phú đời ta hơn. Chính Chúa đang ở gần chúng ta và đang đào luyện chúng ta qua các thử thách ấy.



THỨ BẢY

Ac 2,2.10-14; Mt 8,5-17

Rất nhiều Kitô hữu thường nghĩ rằng Thiên Chúa của Cựu ước hoàn toàn khác với Chúa Giêsu của Tân ước.

Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thật là Đấng cởi mở và đầy tình thương. Sau khi làm phép lạ cho một phần tử của Dân Chọn bị khai trừ do mắc bệnh phong cùi, Chúa Giêsu đã dành phép lạ thứ hai cho một người ngoại. Chỉ bằng hai hành vi đầu tiên ấy, Chúa đã cho người ta cõi lòng Ngài là cõi lòng yêu thương mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da và hé mở cả một chương trình truyền giáo: đó là đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không được dành riêng cho một số người, vì mọi người đều được yêu thương. Tình thương của Thiên Chúa dẹp tan mọi rào cản mà con người dựng lên giữa người này và người nọ. Vừa nghe lời xin của viên bách quản, Chúa Giêsu đã lập tức trả lời: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài sẵn sàng, Ngài đáp ứng ngay, Ngài đem cả con người phục vụ một kẻ xa lạ, thậm chí chấp nhận đến tận nhà một người ngoại, dù theo luật, việc đó khiến Ngài mắc sự ô uế. Và khi thấy viên bách quản gắn bó với Chúa Giêsu, mặc dù ông chưa diễn tả một nội dung gì, Chúa Giêsu đã khen đức tin đơn thuần của ông.

Sau phép lạ đó, thánh Matthêu còn kể lại việc Chúa Giêsu đón tiếp mọi kẻ bị bệnh tật hoặc bị quỉ ám và chữa lành “tất cả các bệnh nhân” để nói rằng thật sự Chúa không dửng dưng trước những bất hạnh của con người, trái lại, Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ Giavê gánh lấy tội lỗi và bệnh tật của con người và chia sẻ mọi tình cảnh của chúng ta để giải thoát chúng ta.

Càng nghĩ về Chúa Giêsu đó, người ta càng cảm động trước khuôn mặt, cõi lòng và thái độ dễ mến của Ngài. Một Chúa Giêsu như thế có vẻ ngược hẳn với vị Thiên Chúa của Cựu ước. Bài đọc I hôm nay là lời khóc than thống thiết của ngôn sứ Giêrêmia trước cảnh Dân Chọn nước mất nhà tan. Bên kia những lời than khóc đó, người ta dễ hình dung về sự tàn nhẫn, độc ác của Thiên Chúa. Dường như Thiên Chúa không biết tha thứ, không nương tay với đoàn con lầm lỡ mà chỉ thích nổi giận và giáng họa.

Thật ra Thiên Chúa của Cựu ước không khác với Chúa Giêsu của Tân ước:

- Trước hết, Thiên Chúa không dửng dưng với những bất hạnh của con cái và càng không bao giờ là Đấng đã giáng họa xuống cho con cái. Dân Giuđa bị mất nước là do họ phản bội Thiên Chúa, tự chuốc họa vào mình. Số phận bi thảm của họ làm Thiên Chúa tan nát ruột gan. Lời khóc than của vị ngôn sứ cũng một phần nào là chính nỗi lòng của Thiên Chúa sẽ cho thấy Người cúi xuống “gánh lấy” tội lỗi và bệnh tật của con cái.

- Đàng khác, Thiên Chúa cũng không phải là Đấng chỉ giới hạn tình thương nơi một mình Dân Chọn. Vì Thiên Chúa kén chọn một Dân chính là để chuẩn bị cho Ngày Người ban ơn cứu độ cho muôn dân.

Bởi đó, chúng ta không được nghĩ Thiên Chúa của Cựu ước là Đấng độc ác và nghiêm khắc, còn Chúa Giêsu là Đấng yêu thương. Vì Thiên Chúa chỉ có một: bao giờ Người cũng là Đấng yêu thương đến nỗi lãnh lấy tội của con người và cứu chữa – bao giờ Người cũng nhắm đến phần rỗi của mọi người, cho dù Người chỉ chọn một số người.

Chính chúng ta bây giờ đang được hưởng tình thương đó của Thiên Chúa. có thể là trong đời ta, có những lúc chúng ta cảm thấy xa Thiên Chúa, bị Thiên Chúa bỏ mặc hoặc chúng ta đau khổ. Những lúc đó chúng ta hãy nhớ: rất có thể Thiên Chúa xa chúng ta vì chính chúng ta đang phản bội Người, vì chính chúng ta là con cái trong nhà đang đáng bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài – hoặc Thiên Chúa đang dùng những đau khổ của chúng ta (như dùng cuộc lưu đày ngày xưa của Dân Chọn) để mưu ích cho nhiều người khác.

Khi đó, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu – Người Tôi Tớ Giavê – để thêm can đảm chấp nhận các khổ đau và thêm xác tín rằng cá nhân chúng ta đang là trung gian và sự chuẩn bị của Thiên Chúa nhằm chứ độ nhiều người.
Mới hơn Cũ hơn