Suy niệm mỗi ngày, Tuần 13 Thường niên, năm chẵn



TUẦN XIII

THỨ HAI

Am 2,6-10.13-16; Mt 8,18-22

Câu chuyện về hai người đến xin theo Chúa Giêsu là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về ơn gọi, về việc đi theo Chúa. Ơn gọi của Chúa có thể đến với con người nhiều cách khác nhau: có khi là cách đột xuất do phía Chúa hoàn toàn, ví dụ việc Thiên Chúa ngày xưa kêu gọi tổ phụ Abraham – có khi là cách từ từ, gián tiếp, hoặc do tác động này tác động khác, ví dụ trường hợp hai người trong bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ họ xin theo Chúa Giêsu, chắc hẳn vì họ đã cảm kích, đã bị thu hút do các lời dạy và các phép lạ của Chúa Giêsu.

Dù sao, sau khi nghe Chúa Giêsu gọi hoặc sau khi ước muốn đi theo Chúa, người được gọi cũng cảm thấy phải đứng trước nhiều đòi hỏi. Ngày xưa Thiên Chúa đòi Abraham rời bỏ quê cha đất tổ và cất bước lên đường. Đối với hai người xin đi theo, Chúa Giêsu cũng đòi từ bỏ của cải, sự an ổn, sự cố định và từ bỏ gia đình. Chúa Giêsu đòi họ sống thanh thoát tuyệt đối, không còn bám víu vào của cải, không còn lo toan việc đời, nhưng từ bỏ đời sống tiện nghi, vượt trên cả tình cảm gia đình, và bổn phận đạo hiếu buộc phụng dưỡng cha mẹ, để cùng Chúa Giêsu lên đường, luôn luôn tiến bước, dấn thân vào hành trình truyền giáo lưu động vì phần rỗi của nhiều người.

Sở dĩ, Chúa Giêsu đặt người ta trước nhiều đòi hỏi, vì Chúa Giêsu muốn thẳng thắn nêu lên sự thật vừa để thử thách ý chí và quyết tâm của họ, vừa để người ta tự nguyện kén chọn trong sự hiểu biết rõ ràng. Lý do thứ hai: vì đây là vấn đề tình yêu, mà tình yêu đương nhiên đi kèm với từ bỏ hy sinh để có Chúa là hạnh phúc lớn hơn. Lý do thứ ba: vì Chúa và đời sống bên Chúa là giá trị cao quí, là kho tàng vô giá, người ta có mất mọi sự để mua lấy, chiếm lấy vẫn không thua lỗ. Cuối cùng: vì chính Chúa đang từ bỏ mọi sự để lo cho việc Nước Trời và lo cho phần rỗi mọi người. Những đòi hỏi của Chúa Giêsu không có tính cách nặng nề, khe khắt mà chính là điều kiện để người ta lớn lên ngang tầm Chúa, nên giống Chúa, để người ta trung thành thi hành sứ mạng mà Chúa muốn trao phó.

Dĩ nhiên, đứng trước ơn gọi và những đòi hỏi của nó, có người đã chấp nhận và đồng thời có lkẻ đã khước từ. Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay thuộc hạng chỉ nổi hứng chóng qua, ban đầu hí hửng muốn theo Chúa, nhưng về sau không thể trở thành môn đệ được, vì không đủ sự thực lòng và quyết chí. Họ là hai “ơn gọi hụt”, thiếu sẵn sàng, thiếu dấn thân. Thời Cựu ước, Do Thái cũng là ví dụ về hạng thiếu nhiệt tình và thiếu bền đỗ trong việc theo Chúa. Theo đoạn sách của ngôn sứ Amốt hôm nay, vào thời các vua, nước phía Bắc đã ngày càng suy đồi về đạo đức. Ông vạch ra ba, bốn thứ tội khiến đất nước họ đang tiến dần đến chỗ đại họa, đó là: sự bất công xã hội; sự chà đạp công lý; đời sống dâm dật; ham mê lạc thú; ưu thích hưởng thụ; khinh màng Thiên Chúa. họ khác hẳn với tổ phụ Abraham của mình và những người công chính, là những kẻ đã quảng đại và trung thành đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Đấng yêu thương và tin tưởng mọi người, hiện nay cũng đang kêu gọi trong thâm tâm mỗi người chúng ta hoặc đang âm thầm tác động để chúng ta nghe ra tiếng gọi của Chúa. Chung quanh chúng ta, còn nhiều khu vực chưa biết đến ảnh hưởng của Nước Trời, còn nhiều người đói nghèo ơn cứu độ, đang cần đến những chứng nhân mang ơn cứu độ cho họ. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, là người đầu tiên chí tình sống chết cho tiếng gọi của Thiên Chúa Cha giúp tất cả chúng ta thêm đại độ và sẵn sàng để ngày càng sống xứng tư cách những người được gọi, trong chỗ đứng và hoàn cảnh cụ thể hôm của mình.




THỨ BA

Am 3,1-8;4,11-12; Mt 8,23-27

Sự việc do đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại trước hết có mục đích giới thiệu và mạc khải về Chúa Giêsu: Ngài chính là Con Thiên Chúa đang khi là người thật, biết mệt mỏi, biết ngủ say. Vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và mãnh lực thiên nhiên như sấm sét, mưa bão chỉ là những đầy tớ trong quyền năng của Thiên Chúa, nên giữa cơn bão táp, Chúa Giêsu vẫn ngủ ngon, giống như con cái trong nhà vẫn ngủ yên khi chó dữ sủa vang làm người ngoài sợ hãi. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được chia sẻ quyền hành với Cha, nên Ngài truyền lệnh cho gió bão với tư cách Chúa Tể vũ hoàn và tỏ mình là Đấng điều khiển đất trời đã bị các thế lực xấu làm hư hỏng, tỏ mình là Đấng chiến thắng trên sự dữ mà biển cả và cơn bão tượng trưng.

Sự việc của đoạn Tin Mừng này còn có mục đích thứ hai là huấn luyện các môn đồ. Họ đã là những kẻ được Chúa gọi, những kẻ bỏ mọi sự theo Chúa. Thế nhưng lúc đời sống êm ả, họ chưa thâý được con người và tình trạng thật của mình. Chỉ có thử thách mới giúp họ thấy được sự thật. Vừa gặp bão (dĩ nhiên đây là cơn bão nguy hiểm hơn mọi khi trên Biền Hồ) họ đã tỏ ra lo âu, sợ hãi, vậy là:

- Họ còn đang tin một đàng, sống một nẻo: khi bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, họ đã tin Chúa Giêsu là Đấng quyền năng phép tắc, vậy mà giờ đây họ vẫn sợ, tuy Đấng quyền năng có mặt ở giữa họ: rõ ràng họ chưa sống theo ánh sáng mà đức tin soi chiếu cho.

- Thứ hai, họ chỉ thấy mãnh lực thiên nhiên đang ập đến đe dọa mình, chứ không nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa, thậm chí họ lầm tưởng là Thiên Chúa bó tay bất lực.

- Vì yếu tin, họ bị Chúa quở trách và bị thánh Matthêu viết là “các người kia” giống như khi gọi những người không tin.

Như thế, cơn bão là cơ hội Chúa thử thách và huấn luyện các môn đồ: vừa nhằm cho họ thấy đức tin còn non kém của họ, vừa nhằm nhắc nhở họ là phải từ bỏ mọi sự theo Chúa – phải làm việc vất vả, phải chống chọi với các thế lực chống đối Nước Thiên Chúa là thế gian và ma quỉ – nhất là phải tin mạnh vào Chúa của mình, Đấng hằng có mặt ở giữa họ, mặc dù âm thầm như đang ngủ say, không hay biết gì.

Bài học cho các môn đồ cũng rất có giá trị cho chúng ta và cho mọi thời. Chúng ta đừng căn cứ vào lúc đời sống êm ả để quả quyết về đức tin của mình. Lúc êm ả, chúng ta tỏ ra sốt sắng, trung thành và phấn khởi. Có khi đó chưa phải là sự thật. Chúng ta hãy nghĩ lại xem mình có chán nản, có nghi ngờ Chúa, có trách móc Chúa, có vội tìm những sự giúp đỡ hay những cách giải quyết của thế gian không, khi gặp thử thách trong cuộc sống. Những lúc sắp gặp khó khăn, nguy hiểm, những lúc mắc vào hoàn cảnh đen tối, chúng ta có tin thật vào Chúa là Đấng đã thắng sự chết và đã phục sinh, Đấng đã ngủ nhưng đã chỗi dậy và mọi lúc Đấng ấy đang ở cùng chúng ta không?

Rất nhiều lúc chúng ta chẳng khác gì dân Do Thái mà bài đọc I hôm nay đã nói tới. Họ là dân được Thiên Chúa yêu thương riêng hơn mọi dân, nhưng với thời gian, họ đã để lòng tin của mình bị mai mọt, nhất là khi gặp gian khó do các nước lân bang, họ đã quên vai trò làm chứng nhân cho Thiên Chúa giữa muôn dân và họ bỏ Thiên Chúa. Tai họa là cơ hội lay tỉnh họ, thế mà tuy bị Thiên Chúa thử thách, triệt hạ, làm cho điêu tàn giống thanh củi cháy dở, họ vẫn từ rẫy tình yêu của Thiên Chúa.

Chỉ trong thử thách, chúng ta mới dễ thấy mức độ vàng đá trong lòng mình. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chúng ta và chọn gọi chúng ta làm tín hữu của Chúa, luôn luôn uốn nắn và tăng cường lòng tin còn yếu kém của chúng ta để mọi lúc chúng ta trung tín với diễm phúc mình, chúng ta keo sơn với Chúa và nên chứng nhân cho Chúa giữa xã hội.



THỨ TƯ

Am 5,14-15.21-24; Mt 8,28-34

Đàng sau những sự lộn xộn mà hai bài Thánh Kinh hôm nay mô tả, chúng ta thấy rõ sự có mặt của ma quỉ và hiểu được phần nào ảnh hưởng khốc hại của ma quỉ.

- Đối với dân Do Thái xưa – sống vào quãng năm 750 trước Công Nguyên và dưới triều đại vua Giêrêbôam II – chính ma quỉ đã làm cho họ sa đọa khi họ sống giàu sang xa xỉ. Họ đã tự hào mình là Dân giao ước với Thiên Chúa, họ dùng lời ca tiếng hát đề cao diễm phúc của mình. Thế nhưng giữa khi được văn minh, họ lại để cho cảnh bất công lan tràn trong xã hội, và về mặt đạo đức, họ chỉ sống hình thức chiếu lệ, đức tin và đời sống chẳng đi đôi với nhau. Lễ tế kinh kệ vẫn có trong đền thờ, nhưng đó chỉ toàn là những việc rỗng tuếch không hồn, và khiến Thiên Chúa ghê tởm.

- Đối với hai người miền Gađara thời Chúa Giêsu, cũng chính ma quỉ gây ra bao điều đau đớn: chúng biến họ thành kẻ mất tính người, thành kẻ hung dữ khiến mọi người qua lại khiếp sợ, chúng ngăn cản người ta đi qua, nghĩa là cản trở con người trong việc đi theo con đường đưa đến hạnh phúc và ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ghì giữ người ta trong nơi ô uế do mồ mả người chết.

Cuộc sống con người từ lâu vẫn là lãnh địa của ma quỉ, vẫn là nơi ma quỉ tác yêu tác quái và gieo rắc muôn vàn sự lộn xộn. Thế nhưng, theo ý tưởng của đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đến đảo ngược tình thế. Chúa Giêsu đến với tư cách Đấng tiêu diệt nước của satan và khai mạc thời Thiên Sai. Chúa Giêsu đã đến “trước thời buổi” giữa lúc ma quỉ còn đang được hoành hành vì chưa đến ngày phán xét. Phép lạ Chúa Giêsu làm trên đất dân ngoại, bằng cách cho ma quỉ nhập vào đàn heo là loài ô uế, cho chúng ta thấy sự dữ phải bị nhận chìm, cho thấy cuộc giải phóng khỏi quyền lực ma quỉ sẽ được thực hiện cho mọi dân tộc. Phép lạ này cũng báo trước cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa trên ma quỉ.

Vậy đoạn Tin Mừng hôm nay vừa giới thiệu Chúa Giêsu như Đấng đến thống trị và triệt hạ ma quỉ vừa nhắc đến diễm phúc mà tin theo Chúa Giêsu đã nhận được. Thực sự, trong hiện tại, Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta con đường chiến thắng trên mọi ảnh hưởng của ma quỉ. Muốn có đời sống thánh thiện, muốn trở về hay muốn thực hiện sự thờ phượng đích thực bằng cách sống trong công lý và lòng mến – muốn mạnh tiến trên con đường dẫn đến sự sống đời đời – muốn sống trong sạch, yên lành, chúng ta có Chúa Giêsu, chúng ta hãy bám chặt vào Ngài.

Chúng ta chỉ xin Chúa Giêsu đừng để chúng ta mắc vào thái độ của dân thành Gađara “ra đón Ngài nhưng khẩn xin Ngài rời khỏi vùng họ”, nghĩa là từ khước không chịu đi vào con đường giải phóng Chúa đã mở ra – hoặc muốn đặt Chúa ra bên lề của cuộc sống, coi Chúa như không quan hệ gì đến cuộc sống của mình. Họ muốn Chúa đi khỏi, bởi họ muốn coi chỉ có đời sống này, chỉ có các hoạt động trần tục, chỉ có vấn đề kinh tế, của cải là quan trọng, là cụ thể!

Xin Chúa giúp chúng ta đón Ngài vào đời sống, giúp chúng ta mọi lúc gắn bó với Ngài, để chúng ta được thoát khỏi mọi chi phối của ma quỉ và được hưởng sự tự do sâu xa vững bền mà Chúa đã mang đến.


THỨ NĂM

Am 7,10-17; Matthêu 9,1-8

Theo sự sắp xếp của phụng vụ, các bài đọc I của các tuần 10,11,12 kể lại cho chúng ta về giai đoạn dân Do Thái theo chế độ quân chủ, tức là có các vua cai trị, còn các bài đọc I của tuần này đến hết tuần 20 cho chúng ta nghe lại lời dạy của các tiên tri hay ngôn sứ đã lên tiếng trong giai đoạn quân chủ đó (Quesson IV, 152).

Các ngôn sứ là ai? Họ là những chứng nhân quan trọng nhất của Thiên Chúa, họ là những chiến sĩ chiến đấu bằng tay không, khí giới của họ chỉ là kinh nguyện và lời nói. Họ bảo vệ giao ước tức là kế hoạch của Thiên Chúa, bằng cách bênh vực kẻ nghèo hèn, kẻ bị áp bức (Quesson).

Hôm nay, suy nghĩ về đời sống của ngôn sứ Amos và của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ vĩ đại nhất, chúng ta thấy trước hết ngôn sứ là kẻ được Thiên Chúa kén chọn để thi hành sứ mạng Người trao phó, họ buộc lòng phải hành động, buộc lòng phải nói. Cả Amos lẫn Chúa Giêsu đều không làm gì tự mình, mà luôn luôn làm vì Thiên Chúa muốn thế. Hôm trước, chúng ta nghe Amos bảo là Thiên Chúa bắt ông nói. Thiên Chúa giống như sư tử đã gầm lên, giống như người gác đã thổi kèn lên báo hiệu khiến ông buộc lòng phải hành động. Thiên Chúa đã gọi và ông phải đáp lời, cho dù hành động của ông có làm cho kẻ khác căm ghét, có làm cho tư tế Amasia bực bội vì sợ mất uy tín và quyền lợi của kẻ đang làm nghề tiên, đoán tương lai co kẻ khác và thu tiền công hậu hĩnh. Cả Amos lẫn Chúa Giêsu đều không thể không chu toàn sứ mạng. Cho dù bị đối thủ ngăn cản, thù ghét, hai vị vẫn rao giảng, vẫn làm việc của Thiên Chúa, chứ không lùi bước. Các vị đã trở thành những khí cụ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa cầm nắm, điều khiển, sung vào công cuộc lớn lao của Người.

Thế nhưng không phải các ngôn sứ chỉ phục vụ Thiên Chúa vì bị bắt buộc phải nói thay Thiên Chúa. Không phải chỉ lời nói của các ngài làm chứng về Thiên Chúa, mà chính đời sống và chính con người của các ngài làm chứng. Chính đời sống của các ngài để lộ ra tư cách của các ngài và mạc khải ra ý muốn của Thiên Chúa. Chỉ cần trông thấy Amos sống ngay thẳng khí khái, dám vạch trần các tội lỗi của vua và của dân, dám nói thẳng những tai họa sắp ập đến, chứ không cố bảo vệ những đặc ân và lợi lộc như hạng tiên tri khác, không lựa lời nói cho êm tai người nghe và ve vuốt tự ái của họ, chỉ cần nhìn đời sống của Amos, người ta đã hiểu ông là người của Thiên Chúa. Cũng vậy, nhìn vào đời sống và cách hành động của Chúa Giêsu, người ta đã hiểu Chúa Giêsu đến từ một thế giới khác, Chúa Giêsu thật là kẻ phục vụ Thiên Chúa.

Nhiểu khi, vị ngôn sứ của Thiên Chúa, hoàn toàn không có ý tỏ ra mình thế này thế khác, nhưng tự nhiên, từ con người họ, vẫn lộ ra một cái gì khác người. Giống như người thánh thiện, trong trắng, dù không cố ý, vẫn tự nhiên vẫn có khuôn mặt trong sáng. Nhất định từ một đời sống thuộc về Thiên Chúa và đã được biến hình, sẽ sớm muộn lộ ra nét thánh thiện và khác hẳn với thế gian. Chính vì thế, Amos và Chúa Giêsu không cần tỏ mình và làm chứng về Thiên Chúa bằng lời nói, vì chính con người và đời sống của các ngài đã để lộ ra tư cách của các ngài và chứng tá của các ngài. Dù muốn dấu mình, Chúa Giêsu vẫn tự nhiên lộ mình ra. Dù không muốn cho biết mình là Thiên Chúa, tự nhiên Chúa Giêsu vẫn sống tốt lành với mọi người, vẫn tự nhiên nói lời tha tội là lời thuộc về một mình Thiên Chúa, thế là Chúa Giêsu vẫn lộ ra mình là Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta bây giờ cũng được Thiên Chúa chọn và coi là ngôn sứ của Người. Chính lời nói, hành động và con người của chúng ta đang làm chứng đúng hay sai về Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu Thánh Thể – vị ngôn sứ ưu đẳng đã làm chứng bằng trọn cả mạng sống của mình – chúng ta xin cho mình được ơn can đảm sống theo sự thật và nói theo sự thật, nhất là khi chúng ta ở địa vị một kẻ có trách nhiệm nói lên sự thật. Đặc biệt, chúng ta xin cho mình ơn có đời sống được đổi mới, được biến hình, để từ đời sống thánh thiện của chúng ta, mọi người nhận ra sự có mặt và tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa vô hình. Xã hội hôm nay đang cần gặp được nhiều chứng nhân thánh thiện. Mỗi người chúng ta hãy là một chứng nhân như thế trong môi trường của mình.



THỨ SÁU

Am 8,4-6.9-12; Mt 9,9-13

Vì đã quen với quan niệm “ở hiền gặp lành, ác trả ác báo”, nên chúng ta hiểu ngay những lời loan báo đáng sợ của ngôn sứ Amos trong bài đọc I hôm nay. Theo lời buộc tội của ngôn sứ, xã hội nước Israel phía Bắc thời đó là một xã hội đầy dãy những bất công. Bề ngoài, người ta vẫn giữ các kỳ lễ buộc (như nghỉ ngày hưu lễ, nghỉ dịp trăng mới) nhưng thật ra họ chỉ giữ một cách chiếu lệ cho xong. Họ khó chịu vì những ngày mất đà làm ăn đó và chỉ mong cho các ngày đó mau qua để tiếp tục buôn bán và thu lợi. Họ chỉ giả vờ đạo đức trong lúc ở đền thờ, còn trong đời sống thực tế, họ bóc lột kẻ nghèo, coi thường sự công bằng: làm cân giả, tăng giá, lừa đảo bằng cách bán lúa mục nát. Họ làm mọi cách để trở nên giàu có, dù phải chà đạp trên kẻ khác, hút máu anh em và bịt tiếng lương tâm. Những con người vô đạo đức như thế đáng bị trừng phạt. Và chúng ta hẳ dạ khi nghe ngôn sứ Amos chúc dữ cho họ: nào là đến “ngày của Thiên Chúa”, mọi bất công sẽ bị nghiêm trị – mọi của cải và cơ đồ của kẻ giàu sẽ tiêu tan – nào là họ đã bỏ Thiên Chúa thì sẽ rơi vào sự trống rỗng, Thiên Chúa không còn thèm lên tiếng, không còn thèm sai phái các đại diện của Người tới nữa; dù họ muốn hối lỗi và kiếm tìm Thiên Chúa, họ cũng chẳng gặp được gì. Đúng là làm ác gặp ác, gieo gió gặp bão. Chúng ta thấy điều ấy quá đúng ở đây. Rồi giả như nhìn lại chính đời mình, chúng ta cũng nghiệm ra sự thật ấy: biết bao lần, vừa khi làm điều sai, điều xấu, chúng ta lập tức gặp họa.

Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhận rằng nhiều lúc, xem ra sự thật ấy không xảy ra. Chúng ta làm điều xấu mà đời sống vẫn êm ả. Biết bao kẻ quanh chúng ta ăn ở thất đức, thế mà họ vẫn sống an lành và phát đạt. Tội không đi với họa. Thiên Chúa không giáng phạt kẻ ác, thậm chí có lúc làm như Thiên Chúa chúc lành và hỗ trợ kẻ ác nữa.

Thật ra, nói về Thiên Chúa, chỉ có một sự thật này: đó là bao giờ Thiên Chúa cũng yêu thương mà thôi. Các họa khốn trong đời người không bao giờ xuất phát từ Thiên Chúa. Với tư cách là Cha, Người có để cho xảy ra sự gì thì cũng vì lợi ích cho con cái. Nhất là Thiên Chúa luôn là Đấng chờ mong con cái hiểu và đáp lại tình thương của Người để giữa Cha và con có tình nghĩa đậm đà. Qua việc Chúa Giêsu kêu gọi Matthêu như đoạn Tin Mừng vừa kể lại, Thiên Chúa muốn chứng tỏ Người là Đấng chỉ muốn kêu gọi mọi người, không trừ ai, đi vào gia đình và tình nghĩa của Người. Vì thương, Thiên Chúa có thể có những hành vi “lạ đời và quái gở” đối với mắt phàm chúng ta: chẳng hạn, Người kêu gọi ngay một người thu thuế là hạng bị coi là tội lỗi làm môn đệ – Người lại kêu gọi kẻ ấy ở chính nơi làm việc, chính nơi kẻ ấy đang làm cái nghề mang tai tiếng – trường hợp của Matthêu chứng tỏ “Người ngỏ lời với những ai đang sống lương thiện và được khen ngợi, cũng như đối với những kẻ bị đàm tiếu. Người gọi mỗi người trong chính thực trạng tốt hay xấu của họ” (Martini Marc) – đã thế, qua việc Chúa Giêsu đồng bàn với kẻ tội lỗi, Thiên Chúa muốn bảo Người gọi mọi người vào bàn tiệc Nước Trời.

Đó mới là khuôn mặt thật và cách cư xử thật của Thiên Chúa chúng ta. Thiên Chúa là Đấng yêu thương chứ không hề là Đấng giáng họa. Đối với chúng ta hiện giờ, bất kể ta ra sao, Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta vào gia đình của Người và nên nghĩa thiết của Người. Thiên Chúa chỉ chờ đợi một điều: chúng ta hiểu ra và đáp lại tình thương của Người – chúng ta từ giã quá khứ tội lỗi, nếu có, và bắt đầu một cuộc đời mới, giống như Matthêu ăn với bạn bè lần cuối để sau đó lên đường đi theo Đấng đã kêu gọi mình.




THỨ BẢY

Am 9,11-15; Mt 9,14-17

Trước khi Giuđa mất nước và bị lưu đày do đời sống quá suy đồi, ngôn sứ _ruwowcs khi Giudda maats nuwowcs vaf bij luwu ddaayf do đời sống quas suy ddooif ngoon suws Amos, đại diện Thiên Chúa, đã loan báo lúc vui mừng: lúc Thiên Chúa đưa dân ra khỏi cảnh lưu đày và cho hồi hương. Lúc vui mừng đó được diễn tả bằng hình ảnh rượu nhảy chan hòa. Các lời của ngôn sứ muốn nói rằng chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Người sẽ tỏ tình thương kể cả khi con người không tốt lành hay không có công trạng gì hết. Lúc bị lưu đày, không phải ai cũng ăn năn và thay đổi đời sống, mặc dù vậy, Thiên Chúa sẽ cứu, vì Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước trong tình thương.

Đến thời Tân ước, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn và nhiều hơn về việc Thiên Chúa là Đấng yêu thương và là Đấng yêu thương chúng ta trước. Giưa lúc con người không có công trạng gì, Thiên Chúa đã sai Con Một đến, thiết lập Nước Trời, ban tặng ơn cứu độ. Ơn của Thiên Chúa vượt quá mọi công nghiệp của con người và hoàn toàn do tình thương của Người. Bởi đó, Chúa Giêsu nói lúc Ngài đến là lúc vui mừng, ví được lúc nhân loại được dự tiệc cưới. Đây là lúc người ta phải có tinh thần mới: sống hân hoan, thong dong, không phải tự làm khổ mình bằng mọi cách chay kiêng – cũng không buông trôi theo tội lỗi – và đầy lòng biết ơn để tha thiết đáp đền tình thương của Thiên Chúa. Tinh thần này khác hẳn với tinh thần của biệt phái, của nhóm Étsênô, những kẻ tưởng rằng mình có thể lập công để Nước Trời mau đến. Tinh thần mới này được Chúa Giêsu so sánh với rượu mới, nó cần được đổ vào bình mới. Vậy sự ăn chay, tự làm khổ mình để lập công không còn cần thiết nữa. Trong thời mới, người ta có một thứ ăn chay mới: đó là nhận biết tình thương của Thiên Chúa, cố gắng đáp đền bằng một đời sống làm con hiếu thảo. Thứ ăn chay này do tình mến, nên nó làm cho lòng của chúng ta thơ thới và nó không gây khổ cho anh chị em sống xung quanh mình. Chúng ta sẽ làm thành một cộng đoàn hân hoan cảm tạ tình thương của Cha và thiết tha báo đáp, chứ không chau mày gò lưng chịu cực chịu khổ và bắt người khác cũng phải khổ để tạo công nghiệp cho Nước Trời mau đến.

Đời sống của Mẹ Maria thật là một đời sống của thời mới: Mẹ an vui trong Chúa, Mẹ ca ngợi tình thương Chúa và thong dong đáp đền bằng một đời sống thánh thiện. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ như tấm gương, chúng ta hãy sống niềm vui của thời mới như Chúa Giêsu mời gọi, để đời sống cá nhân cũng như đời sống cộng đoàn trở thành một đời hân hoan, nhẹ nhõm, nhưng đầy tình mến, đầy tâm tình cảm tạ đáp đền trước tình thương bao la của Thiên Chúa.
Mới hơn Cũ hơn