TUẦN XIV
THỨ HAI
Hs 2,14.15b-16.19-20; Mt 9,18-26
Đàng sau hai đoạn Thánh Kinh hôm nay, chúng ta gặp hình ảnh một vị Thiên Chúa luôn tha thiết yêu thương và sẵn sàng giúp đáp con người.
Để phần nào diễn tả tình yêu điên cuồng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã mượn chính đời sống và lời giảng dạy của ngôn sứ Hôsê. Ông có một mối tình nhiều cay đắng, chỉ sau một thời gian chung sống, vợ ông đã sớm bội tình. Ông đặt tên cho ba đứa con là “Isrơel” nghĩa là “không được yêu thương” và “không phải dân Ta” để diễn tả sự tuyệt vọng của ông và qua đó, cũng diễn tả chính sự tuyệt vọng của Thiên Chúa về Dân Israel. Giống như vợ ông, dân Israel là dân đĩ điếm, bạc tình, phản bội Thiên Chúa và chạy theo các tà thần, Tuy thế, qua lời giảng của Hôsê, Thiên Chúa vẫn yêu thương Dân Chọn. Thiên Chúa sẽ quên hết quá khứ bội bạc cho Israel, sẽ tiếp tục yêu nó nồng nàn, sẽ đưa nó vào sa mạc để thủ thỉ lời yêu đương bên lòng nó và say đắm yêu nó như thuở ban đầu.
Lời giảng dạy của ngôn sứ Hôsê là một trong những mạc khải sâu sắc nhất của Thánh Kinh về Thiên Chúa, là tất cả Tin Mừng về “lòng thương xót” của Thiên Chúa, về tình thương hoàn toàn nhưng không và vô vị lợi của Thiên Chúa. Qua Hôsê, Thiên Chúa muốn xác nhận Người là Đấng yêu thương mọi kẻ tội lỗi và sau khi con người bội bạc, tình thương của Thiên Chúa vẫn nồng nàn và còn nồng nàn hơn trước. Đối với mỗi kẻ tội lỗi, Thiên Chúa luôn sẵn sàng nói: Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi. Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng công chính, công minh, nhân nghĩa, xót thương” như Thiên Chúa đã nói với Israel ngày xưa.
Thiên Chúa cũng là Đấng luôn sẵn sàng giúp đáp con người. Điều này được chứng tỏ qua hành vi và thái độ của Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đáp cứu ông trưởng hội đường và người phụ nữ băng huyết. Trước thái độ tôn kính và lời khẩn thiết van xin của ông trưởng hội đường, Chúa Giêsu đã hiểu nỗi lo của ông là người cha có đứa con bị chết và cả nỗi lo mất chức trưởng hội đường vì bị nghi là phạm tội gì nặng và bị Thiên Chúa phạt, và Chúa Giêsu đã nhận lời ông. Chúa Giêsu cũng không quở trách người phụ nữ đã liều lĩnh chạm đến tua áo của Ngài, mà lại gọi bà bằng tiếng “con” để bảo bà hãy tín nhiệm, vì thông cảm với nỗi khổ của người mắc ô uế, bị cấm tham dự các buổi tế lễ và cấm đi lại công khai giữa xã hội. Tấm lòng của Chúa Giêsu chính là tấm lòng của Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm đến mọi nỗi khổ của con cái.
Tất cả vấn đề là trước vị Thiên Chúa yêu thương như thế, con người có chịu mở ra bằng lòng tin hay không? Việc Chúa Giêsu ban hai phép lạ cho thấy con người chỉ cần có một lòng tin thô thiển – như lòng tin liều lĩnh của ông trưởng hội đường hay lòng tin gần như pha mê tín dị đoan của bà băng huyết – là Thiên Chúa đã có thể thực hiện được những việc lớn lao, thậm chí làm kẻ chết sống lại một cách dễ dàng, bởi lẽ đối với Thiên Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ.
Thế hệ chúng ta ngày nay đang nghi ngờ về sự có mặt và tình thương của Thiên Chúa. Rất nhiều người sống hững hờ và thiếu niềm tin đối với Thiên Chúa biết bao, trong khi Thiên Chúa vẫn có mặt bên chúng ta như xưa với tình thương, quyền năng và sức mạnh. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết đáp lại Chúa bằng tình mến nồng nàn và biết tin tưởng đến với Chúa là nguồn sống và nguồn hạnh phúc đích thực để đời sống của chúng ta được trở nên phong phú và an lành.
THỨ BA
Hs 8,4-7.11-13; Mt 9,32-38
Điều đắng cay nhất cho Thiên Chúa là cấp lãnh đạo hoặc những kẻ được ưu ái, được nâng cao trong đạo lại phản bội Thiên Chúa.
Đó là sự thật mà Hôsê đã chứng kiến, khi ông được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ. Khi ra hoạt động, trước hết ông chạm trán với đủ thứ tội tầy đình của cấp lãnh đạo trong Dân. Theo bài đọc I hôm nay, họ coi thường Thiên Chúa nên đã tự ý đặt nhau lên làm kẻ cai trị Dân, ngoài sự chấp thuận của Thiên Chúa – họ du nhập thói thờ ngẫu tượng vào Dân Chọn và dung túng những kiểu tế tự đầy mê tín, dâm dật theo kiểu dân ngoại để lấy lòng dân và thỏa mãn đam mê đê hèn của dân – họ coi rẻ lề luật Thiên Chúa, họ tiếp tục cúng tế cho Thiên Chúa nhưng đó chỉ là những lễ nghi rỗng tuếch.
Vào thời Chúa Giêsu, cấp lãnh đạo là biệt phái, ký lục cũng chính là hạng người chống đối Ngài hơn cả. Vừa khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người câm, dân chúng thì khen Ngài, còn họ lại chê và hơn thế nữa, họ cáo buộc Chúa Giêsu là “tay sai của ma quỉ”, để càng lúc càng dồn Chúa Giêsu đến cái chết.
Chính do cấp lãnh đạo như thế mà dân Israel thời Hôsê đã lây nhiễm thói thờ ngẫu tượng của các dân chung quanh, đã phản bội Thiên Chúa, đã đi đến biết bao họa khốn: như đói khát, thất trận, “phải trở về cảnh nô lệ như ở Ai-cập xưa”, tức bị lưu đày, vì không chu toàn sứ mạng làm chứng cho giao ước – và cũng do cấp lãnh đạo sứ điệp của Chúa Giêsu không đến được với những người thành tâm.
Hôm nay, chúng ta cầu xin cách đặc biệt cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh, để các vị có lòng thương xót như chính Chúa “động lòng thương xót trước đoàn lũ dân chúng” – để các vị đừng giống các hạng chăn thuê hay lái buôn, chỉ bóc lột và làm tan tác đàn chiên – để các vị đừng là những kẻ dẫn đường mù lòa.
Đồng thời bản thân của mỗi người chúng ta cùng ý thức bổn phận của mình và tha thiết xin Chúa ban ơn giúp chúng ta chu toàn.
Thực sự, chúng ta đang sống trong một nền văn minh bị thế tục hóa, coi vàng bạc, của cải và lạc thú là thần tượng, không khác gì dân Israel thờ ngẫu tượng ngày xưa. Bổn phận của chúng ta là giữ mình không lây nhiễm vào trào lưu đó và sống ngược với dòng đời để nên phản chứng và nên trung gian cứu độ cho thời đại này.
Chúng ta cũng đang sống bên cạnh biết bao người câm về mặt thiêng liêng – những kẻ chưa biết hé môi để cầu nguyện, hoặc chưa biết nói lời Chúa cho kẻ khác, hoặc chưa biết khen ngợi Chúa trong gia đình, trong nhà thờ, ngoài xã hội. Bổn phận của chúng ta là đem Tin Mừng Chúa đến mở lòng, mở miệng cho họ.
Hợp ý với Chúa Giêsu, chúng ta cố gắng trở nên những tông đồ đắc lực theo khả năng và điều kiện hiện có của mình. Chúng ta thiết tha cầu xin để Cha trên trời lôi kéo, tác động nhiều tâm hồn và chọn gọi họ làm cộng sự viên của Chúa. Bởi vì nhân loại hôm nay vẫn là cánh đồng mênh mông đang còn rất thiếu thợ gặt, vẫn là đoàn chiên đông đảo đói khát Tin Mừng và ơn cứu độ do các chủ chăn đích thực cung cấp.
THỨ TƯ
Hs 10,1-3.7-8.12; Mt 10,1-7
Việc Chúa Giêsu chọn Mười Hai Tông Đồ gợi đến con số mười hai chi tộc Israel và ám chỉ Hội Thánh Kitô giáo kế tiếp Hội Thánh Cựu ước và cũng được Thiên Chúa tuyển chọn như Hội Thánh Cựu ước. Dĩ nhiên, Hội Thánh Đức Kitô hơn Israel ngày xưa, vì được thánh hóa nhờ Máu Đức Kitô, nhờ Thánh Thần, và vì sứ mạng của Israel chỉ là chiếm Đất Hứa để lập một quê hương trần thế, còn Mười Hai Tông Đồ và Hội Thánh Chúa có sứ mạng chinh phục cả thế giới để thiết lập một Vương Quốc Mới của Thiên Chúa.
Về việc chu toàn sứ mạng, Dân Chọn ngày trước rõ ràng đã thiếu sót và sai lỗi. Khi vào Đất Hứa, thay vì ngày càng củng cố đời sống trung thành với giao ước, phát huy lòng đạo để nên xứng tư cách Dân Chọn, họ đã liên tục phản bội Thiên Chúa và sống ngược lại với giao ước. Theo bài đọc I hôm nay, chính Thiên Chúa là Đấng ban cho họ nên cây nho xanh tốt, xum xuê hoa trái, tức là được hùng cường thịnh vượng, thế mà thay vì cảm tạ Thiên Chúa, họ lại cảm tạ các ngẫu tượng, dựng nhiều bàn thờ cúng tế cho tà thần và hướng cả trí lòng về các thần ngoại. Chính họ dại khờ đưa mình đến đại họa: họ sẽ mất nước, mất vua, mất đền thờ và chỉ còn mong cái chết, mong được núi đồi đổ xuống đè chết để bớt khốn cực. Họ đã bạc tình với vị Thiên Chúa mà lúc nào Thiên Chúa cũng yêu thương họ và giữa lúc họ sa vào vũng lầy tội lỗi, vẫn tiếp tục mời gọi họ hối cải và mở ra một chân trời hứa hẹn.
Từ ngày được thành lập, Hội Thánh Chúa – tiếp nối chương trình của Chúa Giêsu là đem Nước Trời vào trần gian và được chia sẻ những quyền hành của Chúa Giêsu – đã thực hiện được nhiều việc, đã chiến đấu chống lại sự dữ qua việc trừ quỉ và chữa bệnh, qua việc truyền bá Tin Mừng cứu độ, nhưng dĩ nhiên, Hội Thánh còn lâu mới chu toàn xong một sứ mạng bao la và kéo dài đến tận thế.
Công việc mà Hội Thánh thực hiện được ở mỗi giai đoạn chỉ có tính cách giới hạn, giống như Mười Hai Tông Đồ chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel, chứ chưa thể ôm choàng cả nhân loại.
Có lẽ vấn đề chủ chốt không phải là Hội Thánh phải làm xong ngay sứ mạng của mình, phải chinh phục thế theo kiểu một đoàn quân hùng hậu. Nhiệm vụ của Hội Thánh có tính cách làm chứng, mời gọi và từ từ biến đổi nhiều hơn. Đó là điều Chúa Giêsu nhắm khi thiết lập Nhóm Mười Hai à Nhóm ô hợp, gồm nhiều con người có tính tình, hoàn cảnh, trình độ, khuynh hướng rất khác nhau, thậm chí đối chọi nhau. Chúa Giêsu muốn Nhóm đó làm chứng bằng chính đời sống và cảm nghiệm của họ.
Họ phải là chứng tá về tình thương của Chúa đối với họ: dù họ hèn kém, bất xứng, đầy khuyết điểm, họ đã được Chúa thương và kén chọn.
Họ phải là chứng tá về sức đổi mới của ơn Chúa: tuy là con người xác thịt, với thời gian và nhờ sống bên Chúa Giêsu, họ đang thay đổi cách sống, cách nghĩ và thấm nhiễm dần ảnh hưởng của Nước Trời.
Họ phải là chứng tá về sự hiệp nhất, về sự keo sơn có thể có được giữa nhiều con người đầy khác biệt mâu thuẫn với nhau.
Và họ phải là chứng ta về quyền năng của Thiên Chúa và về vai trò chủ động của Thiên Chúa: họ chỉ là đầy tớ vô dụng, làm không được bao nhiêu, chính Thiên Chúa làm tất cả trong việc cứu thế.
Vậy sứ mạng chủ chốt của Hội Thánh không phải là gặt hái thành công hữu hình, nhưng là lấy chính sự thay đổi đời sống, sự hiệp nhất, sự biết ơn Thiên Chúa để cho người ngoài trông thấy tình thương của Thiên Chúa và ảnh hưởng của Nước Trời.
Mỗi cá nhân chúng ta là phần tử của Hội Thánh và chia sẻ sứ mạng của Hội Thánh. chúng ta cũng nên tông đồ của Chúa và góp phần xây dựng Nước Trời, khi chính đời sống của chúng ta trở nên chứng tá sống động. Xin Chúa Giêsu – Đấng đã muốn cho con người cộng tác vào công việc lớn lao của Ngài – nâng đỡ và dìu dắt chúng ta mọi lúc, để dù ở đâu, chúng ta cũng luôn là những chứng nhân xứng danh, chứ không phản bội sứ mạng cao quí của mình.
THỨ NĂM
Hs 11,1b.3-4.8c-9; Mt 10,7-15
Chúng ta dựa vào Lời Chúa hôm nay để cùng tìm hiểu về người tông đồ và về việc truyền giáo. Người tông đồ là người được Chúa Giêsu sai đi để rao giảng rằng Nước Trời đã gần đến. Nước Trời ở đây là gì? Là lúc Thiên Chúa ngự đến để thống trị bằng tình thương, để thi thố tình thương đối với mọi người, để nâng cao con người, ban cho con người một đời sống mới, vừa cho họ được nên con cái của Thiên Chúa, vừa cho họ được hưởng ơn cứu độ và hạnh phúc toàn diện, trọn vẹn. Bài đọc I mà chúng ta vừa nghe đã mạc khải cho chúng ta thấy về một vị Thiên Chúa dạt dào tình thương đối với dân Israel: Thiên Chúa ân cần nâng niu Dân ấy như người mẹ nâng niu bú mớm con thơ, Thiên Chúa ấp yêu Dân ấy, dắt dìu Dân ấy và tuy Dân ấy bội bạc, Thiên Chúa vẫn quí yêu nồng nàn, không đành lòng đánh phạt, bởi vì Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và chỉ biết ban sự sống, chứ không thích tiêu diệt. Nước Trời mà Chúa Giêsu nói đến chính là lúc Thiên Chúa lại muốn yêu thương từng người một bằng tình thương nồng nàn như thế đó. Vậy rao giảng về Nước Trời chính là rao giảng về lúc Thiên Chúa chứng tỏ tình thương, chính là giới thiệu và đề nghị người ta đón nhận một quà tặng vô giá, một diễm phúc vượt mọi diễm phúc, đó là được Thiên Chúa yêu thương.
Tuy vậy, đề nghị ấy sẽ phải đối diện với sự tự do của con người: người ta có quyền tin hay không tin, có quyền nhận hay không nhận. Bởi đó, khi lên đường rao giảng – theo lời Chúa nhắn nhủ hôm nay – người tông đồ cần nhớ kỹ ba điều này:
- Trước hết, họ không hoạt động lẻ loi mà có Chúa ở cùng, vì họ là người của Chúa, đã được Chúa chia sẻ các quyền năng của Chúa để họ nên những cánh tay nối dài, tiếp tục và hoàn tất công việc của Chúa. Chính vì thế, họ được ban quyền chữa các bệnh nhân, phục sinh kẻ chết và trừ quỉ.
- Nhưng để lời rao giảng của họ đáng tin và có sức thuyết phục, họ phải sống thanh thoát tuyệt đối, không bám víu vào của cải và cố hòa mình với kẻ nghèo. Họ khỏi cần mang bị dự trữ đồ ăn, vì dân chúng sẽ cung cấp lương thực cho họ – họ khỏi cần mặc hai áo, vì thời đó người nghèo chỉ có một cái cũng đủ – họ khỏi cần dày dép, vì người nghèo vẫn đi chân không – họ khỏi cần gậy gộc phòng thân, vì họ đâu có tiền vàng tiền bạc gì cần bảo vệ. Chính sự nghèo khó của họ giúp họ nhẹ nhàng, không vướng víu, dĩ di chuyển nhanh và nhất là làm chứng cho thiên hạ rằng họ và mọi người không nên dính bén của cải trần gian, vì Nước Trời đã gần bên cửa. Họ hãy nhớ mình là lữ khách, không trú ngụ vĩnh viễn ở đâu và ai tiếp nhận thì lưu lại và giảng Tin Mừng cho họ. Ai khước từ thì để họ tự chịu trách nhiệm và mình giũ bụi chân trả lại, bởi đất đai nơi đó còn ô uế.
- Và quan trọng nhất, người tông đồ phải là người đã đích thân cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa, về ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mình. Làm tông đồ không phải là học thuộc lòng một số điều rồi ra đi lặp lại mớ hiểu biết ấy. Làm tông đồ ra đi làm chứng về điều mình đã gặp, là chia sẻ điều mình đang sống và đang làm cho đời mình thay đổi và hạnh phúc. Phải cảm “điều mình đã lãnh nhận nhưng không”, rạo rực cho kẻ khác cùng biết để cùng hưởng.
Chúng ta đang là phần tử của một Hội Thánh truyền giáo và đang là những tông đồ được Chúa sai đi. Chúng ta xin cho mình được ơn thấu hiểu tình thương của Chúa, thấu hiểu vinh dự của một đời được làm con Chúa để chúng ta thật sự thỏa nguyện và khát khao chia sẻ diễm phúc mình cho những anh em chưa được may mắn nghe biết Tin Mừng Chúa đã mang đến.
THỨ SÁU
Hs 14,2-10; Mt 10,16-23
Có một sự thật phũ phàng, đó là nhiều người làm việc cho Chúa thường gặp gian khó bắt bớ. Chắc chắn các ngôn sứ thời Cựu ước và chính ngôn sứ Hôsê đã bị người đương thời thù ghét ác cảm khi các ông nói Lời Thiên Chúa. Còn người tông đồ thời Tân ước – như bài Tin Mừng cho thấy- đã gặp đau khổ ngay từ khi Hội Thánh mới thành lập tại đất Do Thái: họ đã bị các vị lãnh đạo Do Thái giáo ngăn cấm, điệu đến các công nghị địa phương và đánh đòn. Rồi suốt lịch sử Hội Thánh, biết bao vị đã phải mất đến cả mạng sống để làm chứng cho Chúa.
Tại sao có sự thật phũ phàng đó? Dĩ nhiên đó là vì người ta hiểu sai về việc rao giảng Lời Chúa hoặc việc truyền giáo. Có người có thành kiến rằng rao giảng Lời Chúa là Hội Thánh hay người của Chúa ép buộc lương tâm người ta, áp đặt những điều trái ý người ta. Thật ra, rao giảng Lời Chúa chỉ là giới thiệu một sứ điệp tình thương và để cho người nghe tự do tin nhận hay không tin nhận. Dù là Hôsê rao giảng hay các tông đồ thời Tân ước rao giảng, thì nội dung lời giảng vẫn chỉ là giới thiệu với người ta về cõi lòng của một vị Thiên Chúa quá yêu thương con người và chỉ muốn con người được hạnh phúc. Bài đọc I hôm nay là một bằng chứng, khi đọc lên, chúng ta thấy Thiên Chúa quá yêu thương Dân Chọn: Thiên Chúa dịu dàng khuyên nhủ họ hãy hối cải, hãy bỏ tà thần, đừng tin vào mưu mô thế gian hay quyền lực của vua ngoại bang, mà hãy trông cậy vào Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả, sẽ ban cho một tương lai huy hoàng. Sứ điệp Chúa muốn ngỏ với con người – bất cứ ở thời nào – bao giờ cũng chỉ là sứ điệp tình thương.
Ngoài việc hiểu sai, sâu xa ra mà nói, nhiều khi người ta căm ghét người tông đồ chỉ vì người ta không có can đảm giã từ đời tội lỗi. Lời rao giảng của người tông đồ thường vạch trần tính cách giả tạo phù du của những tượng thần mà người ta tin cậy, như tiền bạc, quyền bính, tiện nghi, lạc thú – thường đòi một xã hội chẳng những phải thay đổi các cơ cấu và nhất là phải đổi mới tận cõi lòng, thế là lời rao giảng đi ngược lại các đam mê tự nhiên của con người, xáo trộn cuộc sống đang hưởng thụ, và gây khó chịu. Hôsê ngày xưa đã từng đả kích việc Dân Chọn chờ mong sự thịnh vượng phong nhiêu qua việc thờ tà thần ban sự phong nhiêu. Ông nói thẳng sự phong nhiêu đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Nói như thế là ông buộc kẻ tội lỗi phải xét mình, phải hoán cải và khi họ muốn sống trong tội, đương nhiên họ căm ghét ông.
Bởi đó, Chúa Giêsu so sánh người tông đồ với “những con chiến được sai đến giữa sói rừng” – chắc chắn lời giảng của họ sẽ khiến nhiều người nghe bực tức, vì nó lay động một lương tâm đang bị ru ngủ – chắc chắn ma quỉ sẽ không để yên khi Nước Trời lan rộng và lãnh địa của nó bị thu hẹp. Biết như thế – như Lời Chúa khuyên – người tông đồ khi lên đương:
- Càng phải cầu nguyện nhiều, càng phải nhớ đến Chúa Thánh Thần và bám víu vào Người để Người trợ giúp và ban cho sự tinh khôn khi phải đối phó với những thử thách.
- Họ phải luôn có thái độ dịu dàng, khiêm tốn đối với mọi người.
- Nhất là luôn luôn cư xử bằng tình mến, ân cần tôn trọng kẻ khác, nhưng thiết tha mời gọi mọi người mở ra cho một vị Thiên Chúa quá yêu thương mọi …
Sau mỗi thánh lễ, chúng ta lại được Chúa Giêsu sai đi như sứ giả của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm sống tư cách của kẻ đã thuộc về Nước Trời và hiền hòa thổ lộ Tin Mừng cho mọi người trong môi trường mà chúng ta gặp gỡ.
THỨ BẢY
Is 6,1-8; Mt 10,24-33
Sau hai tuần trích đọc hai ngôn sứ Amos và Hôsê, từ hôm nay phụng vụ cho chúng ta nghe một số đoạn của ngôn sứ Isaia. Đoạn chúng ta vừa nghe kể lại lần ông được kêu gọi. Việc xảy ra khi mới dự lễ trong đền thờ và còn đứng đó vừa nhìn tế đàn nghi ngút khói, vừa trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng dưng ông được nhìn thấy cảnh tượng cõi trời khiến ông khiếp sợ. Thị kiến này sẽ ảnh hưởng rất sâu đậm trên đời của ông. Ngày nay trong thánh lễ, phụng vụ còn giữ lại ca vãn tung hô “Thánh, Thánh, Chí Thánh” của các thiên thần và trước khi đọc Tin Mừng rồi diễn giảng, linh mục vẫn đọc “Lạy Chúa, xin tẩy rửa tâm hồn và miệng lưỡi con…” như Isaia đã thưa. Nhất là thị kiến này của Isaia đã giúp chúng ta hiểu rõ về ơn gọi và lời giảng của các ngôn sứ Cựu ước. Bởi vì chính trong thị kiến này:
- Chúng ta gặp cái ý thức về uy quyền và sự chí thánh của Thiên Chúa như điều căn bản của tất cả mọi sự.
- Chúng ta thấy con người ở trước nhan Thiên Chúa, vừa bị lên án, vừa được tha thứ.
- Chúng ta gặp lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếng ứng đáp của con người.
Các ngôn sứ Cựu ước đã dấn thân lo việc cho Thiên Chúa chính vì họ đã có cảm nghiệm rằng Thiên Chúa đang đứng trước mặt loài người, trong sự phán xét và trong lòng thương xót của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang gióng lên một tiếng mời gọi đòi phải đáp lại. Thành ra lần Isaia được kêu gọi này giúp chúng ta hiểu tại sao các ngôn sứ đã có cảm hứng mà say sưa phục vụ Thiên Chúa, người ta phải có cảm nghiệm thật về Thiên Chúa.
Với các nhà truyền giáo thời Tân ước cũng thế: để nên cộng sự viên đắc lực của Thiên Chúa, người ta phải có cảm nghiệm về Chúa trước, phải có lần gặp Chúa thật, say mê Chúa thật. Cảm cách này hay cách khác, tùy mỗi người.
Khi đã cảm và mến Chúa rồi, người tông đồ sẽ lên đường vì rạo rực muốn chia sẻ diễm phúc mình đang được hưởng và muốn “rao to trên mái nhà những điều mình đã may mắn nghe hay gặp trong nơi kín ẩn”. Khi đó, họ biết trước rằng mình sẽ gặp muôn vàn khó khăn do sự thờ ơ hay chống đối, thậm chí mình có thể bị đe dọa về tính mạng như bao lớp đàn anh đã cho thấy, nhưng – theo lời dặn của Chúa – họ vẫn có thể an tâm vững dạ, vì ba lý do:
- Cho dù loài người có làm hại đến thân xác và mạng sống đi nữa, thì linh hồn mình vẫn an toàn và mình càng thuộc về Thiên Chúa.
- Lý do thứ hai, vì trong mọi lúc, đã có Cha trên trời quan phòng chi li, không để một sự gì ngoài ý Cha xảy đến.
- Thứ ba, nếu mình bền đỗ đến cùng và can đảm xưng nhận Chúa Giêsu thì Chúa Giêsu sẽ xưng nhận mình trước mặt Cha.
Đó chính là tâm trạng vừa phấn chấn vừa an bình của biết bao vị truyền giáo thời Tân ước. Giờ đây tất cả chúng ta, như Isaia, đang hiện diện trước vị Thiên Chúa chí thánh và Đức Kitô vinh hiển của Thiên Chúa. chúng ta cũng đang được Thiên Chúa mời gọi góp phần vào việc cứu thế. Chúng ta thiết tha xin Chúa ban cho chúng ta ơn được hiểu Chúa, gặp Chúa, cảm biết tình thương và sự có mặt của Chúa trong đời phàm hèn của chúng ta, để sau khi được sống trong sự êm đềm dịu dàng của đời gần Chúa, chúng ta hứng khởi thật sự và lên đường làm chứng về Chúa.