Suy niệm mỗi ngày tuần 15 Thường niên, năm chẵn




TUẦN XV

THỨ HAI

Is 1,10-17; Mt 10,34-11,1

Thời Cựu ước cũng như thời Tân ước, nhiều kẻ tự hào hoặc đinh ninh là mình đang theo Chúa, kỳ thực họ đang theo chính mình.

Trước hết, đó là điều đã xảy ra thời ngôn sứ Isaia vào Thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Bấy giờ ngôn sứ lo sợ trước đời sống đạo đức của những người đồng hương với mình. Theo ông, nước phía Bắc đã sa vào tay quân thù do tội họ bỏ Thiên Chúa và chà đạp giao ước thì chính nước ông sớm muộn gì cũng chịu cùng một số phận. Bởi vì, người dân Giuđa bấy giờ cũng xấu xa, đến nỗi ông phải gọi họ bằng tên Gômôra và Sôđôma của hai thành tội lỗi ngày xưa đã bị tiêu diệt. Dĩ nhiên đời sống đạo vẫn còn những tổ chức lễ bái như mọi khi: tại đền thờ, các cuộc lễ vẫn diễn ra long trọng, bò chiên vẫn bị tế sát để kính dâng Thiên Chúa, các tế đàn vẫn nghi ngút khói và sặc mùi mỡ béo. Người ta cũng vẫn cặn giữ luật về những ngày trăng mới và những ngày lễ trọng bằng cách nghỉ việc và việc tụ tập cầu nguyện ở đền thờ. Thế nhưng đó chỉ là những cái vỏ không hồn. Đó chỉ là hình thức bề ngoài. Đó chỉ là chiếu lệ và vụ luật. Chúa biết người ta chẳng đặt tâm hồn vào những việc đó và chẳng mến Chúa thật. Bằng chứng là trong đời sống xã hội, cảnh bất công, cá lớn nuốt cá bé, người nghèo hèn bị khinh bỉ chà đạp xảy ra nhan nhản. Rõ ràng họ đâu có còn theo Chúa như họ rêu rao, họ đang theo đam mê mình thì có. Qua miệng Isaia, Thiên Chúa nói thẳng là Thiên Chúa gớm ghét các thứ lễ tế, các việc giả đò giữ luật của họ rồi, Thiên Chúa chẳng còn muốn nghe lời họ cầu xin nữa vì đã quá ngán ngẩm.

Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng tha thiết xin các môn đệ của Chúa Giêsu đừng chỉ là những kẻ theo Ngài bằng cái mã bề ngoài, theo mà muốn hưởng ngay sự dễ dãi, an bình.

- Chúa Giêsu nói rõ Ngài không đến để lập lại trật tự và bình an như người Do Thái vẫn quan niệm về Đấng Thiên Sai đến. Đúng là vào lúc thế mạc, Chúa Giêsu sẽ ban bình an, còn trong hiện tại, Chúa Giêsu không chủ tâm gieo rắc chiến tranh và ly tán, nhưng Chúa Giêsu sẽ là cái cớ khiến người ta mâu thuẫn với nhau. Bởi vì người ta phải lựa chọn dứt khoát, hoặc theo hoặc chống lại Chúa Giêsu. Để xứng với Chúa Giêsu, người ta có lúc phải vượt trên cả liên hệ máu mủ, nếu cha mẹ anh em bà con trở thành chướng ngại cản trở mình mến Chúa. Mọi liên hệ đều phải được đặt bên dưới tình mến đối với Chúa.

- Chúa Giêsu cũng đòi người ta chấp nhận mọi hy sinh, mọi đau khổ và thậm chí liều mạng vì Chúa Giêsu.

- Vậy làm tông đồ của Chúa Giêsu không phải là chỉ có cái tên suông mà phải thực sự sống chết và cam khổ với Chúa Giêsu.

Như thế, Thiên Chúa của Cựu ước và Chúa Giêsu có quá khe khắt và đòi hỏi không? Chúng ta chỉ hiểu được khi nhớ rằng Chúa cao trọng hơn mọi sự ở đời, hơn cả bản thân của chúng ta, hơn cả cha mẹ và người yêu, hơn mọi lý tưởng khác mà chúng ta theo đuổi. Và nhất là theo Chúa chính là chúng ta chọn lấy sự sống cho đời mình. Ở ngoài Chúa, dân Do Thái xưa và con người vẫn gặp được sự sống, nhưng đó chỉ là thứ sự sống ngắn hạn. Còn ai làm môn đệ Chúa – thậm chí ai quí trọng và ân cần tiếp đón một môn đệ dù nhỏ hèn của Chúa – kẻ đó sẽ nhận được phần thưởng, theo nghĩa là nhận được chính Chúa, nhận được thứ lợi lộc và hạnh phúc không gì ở đời này sánh bằng.

Lời Chúa hôm nay vạch rõ cho chúng ta về những gian khó và hy sonh của bước đường theo Chúa, nhưng cũng mời gọi chúng ta chân thành và đại độ đi vào con đường mà thế gian ghê sợ nhưng chắc chắn là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến phúc lạc vô tận.



THỨ BA

Is 7,1-9; Mt 11,20-24

Một sai lầm thông thường của con người mọi thời là quanh quẩn với chuyện phàm tục và đặt Thiên Chúa ra bên ngoài lề cuộc sống của mình.

Theo bài đọc I, vào thời ngôn sứ Isaia, khi nước Giuđa phía Nam bị binh đội hai nước Syria và Israel phía Bắc vây hãm, vua dân Giuđa đã rối loạn tinh thần. Sở dĩ như thế vì vua dân nước ấy không biết tin cậy vào Thiên Chúa mà chỉ dựa vào sức tự vệ của riêng mình. Đứng trước sự liên minh của hai nước kia, họ thấy mình bất lực và chỉ biết run sợ như cây trong rừng rung động trước gió. Isaia đại diện Thiên Chúa đã đến trấn an nhà vua, đoan chắc sự thất bại của quân tấn công và kêu gọi vua dân Giuđa đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thay vì phớt lờ Thiên Chúa đi và chuốc họa vào thân.

Vào thời Chúa Giêsu, sau khi Gioan Tẩy Giả bị giết, và Chúa lui về miền Galilê rao giảng, hai thành Khôragin và Betsaiđa cũng đã đặt Chúa bên lề cuộc sống. Tuy được may mắn nghe lời rao giảng và chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, họ đã không niềm nở tiếp đón Chúa, đã không hoán cải, trái lại đã tỏ ra là một thế hệ tráo trở, lãnh đạm, cứng tin, đến nỗi Chúa phải thất vọng và quở trách.

Và ở chính thời đại của chúng ta bây giờ, biết bao nhiêu người đang coi Thiên Chúa như không còn có trong đời sống của họ. Họ xử sự như những người con cho mình là đã khôn lớn, đã tự xoay sở được, tự làm lấy hết mọi việc, không cần đến cha mẹ nữa. Càng có đời sống tiến bộ và thành công nhờ khoa học kỹ thuật hoặc nhờ tài làm ăn, họ càng đặt Thiên Chúa ta rìa, coi Thiên Chúa không hiện hữu.

Chắc chắn người Do Thái ngày xưa và nhiều người thời nay chẳng cần nghe mà cũng chẳng muốn hiểu những lời cảnh cáo hay quở trách đầy cay đắng của Chúa. Chúa có chúc dữ hai thành thờ ơ với Chúa và báo trước trách nhiệm cũng như hình phạt nặng nề của họ trong ngày phán xét thì họ cũng coi như không có vấn đề.

Trong khi đối với Chúa, đây lại là vấn đề nghiêm trọng bậc nhất. Bởi vì việc người ta không để tâm đến sự có mặt hay lời giảng của Chúa không đơn giản là việc không biết đến một việc xảy ra gần mình, mà chính là vấn đề sống hay chết, vấn đề tồn tại hay bị tiêu diệt. Khi người ta thờ ơ với Chúa thì hậu quả không giống như người ta không nghe tin về một tai nạn xảy ra gần mình, bởi vì biết tai nạn đó hay không, không quan hệ, tai nạn đó ở ngoài đời của chúng ta, không mấy liên quan đến chúng ta. Còn thờ ơ với Chúa lại chính là điều gây họa gây khốn cho đời chúng ta.

Bởi lẽ chính Chúa là nguồn sự sống và hạnh phúc. Đối với hai thành ở Galilê, Chúa là Đấng duy nhất mang lại ơn cứu độ, Tin Mừng Nước Trời, và sự đổi mới cho đời họ. Thờ ơ với Chúa, chính là họ đã để lỡ dịp không mở lòng nhận lấy một ân huệ và một diễm phúc sống còn cho đời họ. Họ quên mất rằng mỗi lần họ chọn theo Chúa hay từ khước Chúa là mỗi lần họ tỏ lập trường đối với Chúa, tỏ lập trường chọn sự sống hay chọn sự chết.

Chính vì thế, mỗi người chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giữ chúng ta trong tình keo sơn gắn bó với Chúa và mọi lúc biết dành cho Chúa chỗ đứng hàng đầu trong đời của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống, biết tìm kiêm và yêu mến Chúa lúc chúng ta được sống êm ả thịnh vượng cũng như lúc gặp thử thách, để mọi lúc chúng ta ở trong tình thương và sự chúc lành của Chúa.


THỨ TƯ

Is 10,5-7.13-16; Mt 11,25-27

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta nhiều sự thật quí giá. Trước hết, Thiên Chúa là Đấng cầm nắm và điều khiển lịch sử. Đối với con mắt tự nhiên của người phàm, lịch sử là một chuỗi dài những biến cố, còn chiến tranh hay hòa bình là do quyết định của các nhà cầm quyền; thắng trận, bại trận, nước mạnh, nước yếu là tùy tài điều khiển binh bị hay tài tổ chức của người cai trị, Thiên Chúa không dính dáng gì trong những chuyện ấy. Thế nhưng, đối với con mắt đức tin hay theo sự hiểu biết của các ngôn sứ, Thiên Chúa chẳng những có mặt mà còn nắm quyền điều khiển vô hình trong các biến cố lịch sử. Qua miệng Isaia, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, Thiên Chúa cho biết chính Thiên Chúa đã chủ động trong việc cho Asyria trở thành một đế quốc hùng cường để thể hiện cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với các dân cứng tin. Chính Thiên Chúa ban phép cho đế quốc đó thôn tính nhiều nước, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm… Asyria chính là công cụ trong tay Thiên Chúa.

Khốn thay nó lại quên mất điều đó và lên mặt kiêu căng, huênh hoang là chính mình tự làn được mọi sự. Bởi đó, Thiên Chúa lại truất quyền nó và giữa lúc nó hùng cường, Thiên Chúa sẽ làm cho nó bị điêu tàn và bị đốt cháy bởi tay một đế quốc khác.

Sự thật thứ hai là trước mặt Thiên Chúa, kẻ kiêu căng sẽ bị hạ xuống và nên nghèo hèn, kẻ khiêm hèn lại được cất nhắc và nên dư đầy. Đế quốc Asyria kiêu căng, đạt tới thời hoàng kim vào giữa Thế kỷ thứ 8, rồi tan vỡ trước cuộc thôn tính của đế quốc Babylon vào Thế kỷ thứ 7, là một bằng chứng. Ngược lại – như Chúa Giêsu ngợi khen Cha trong bài Tin Mừng – kẻ bé mọn ở vào thời đại của Chúa Giêsu lại đã là những kẻ chân thành đón nhận Tin Mừng do các tông đồ rao giảng, tức là đã được Cha tỏ lộ cho biết những điều mà hạng khôn ngoan thông thái không được biết.

Tại sao lại có sự thật ngược đời ấy? Chỉ vì con người của chúng ta mang thân phận của loài thụ tạo, tự mình, chúng ta chẳng có một sự gì và chẳng làm cho mình được một sự gì. Mọi điều chúng ta có đều bởi Thiên Chúa ban và bởi chúng ta nhận lãnh. Khi con người kiêu căng, khép lòng trước Thiên Chúa, khước từ mọi ơn huệ Thiên Chúa, thì họ tự làm cho mình nghèo đi, bởi tự cắt đứt với nguồn ban những cái có cho mình. Giống như một căn nhà cố quyết đóng cửa trước ánh sáng, sẽ chỉ còn sự tối tăm. Thiên Chúa chỉ có thể đổ đầy ơn huệ cho kẻ mở tay ra đón nhận. Trên cõi trời, Chúa Con đời đời rỗng hóa mình đi và lúc nào cũng mở lòng đón nhận mọi ơn huệ từ Cha, nên Chúa Con nghèo nhất lại là Đấng giàu nhất.

Nhất là kẻ biết sống nghèo hèn chính là kẻ biết đi vào đường lối tình yêu, mà trong tình yêu, người ta chỉ hạnh phúc tràn trề khi quên mình, khi nên rỗng không, không còn ích kỷ, cậy mình, tự mãn; trong tình yêu, nghèo lại là giàu vì được người yêu, hạ mình xuống lại là có nhiều nhất vì được người yêu. Đó cũng là điều Thiên Chúa vẫn sống, vì Thiên Chúa là tình yêu. Cha nghèo đi, thấp nhỏ mình đi vì Con, Con nghèo đi, rỗng mình đi vì Cha, và hai Đấng đời đời giàu có nhất, hạnh phúc nhất.

Vì thế, chúng ta đừng coi việc phải khiêm tốn nhỏ hèn trước mặt Thiên Chúa là sự thật ngược đời, là sự ép buộc khó chịu của Thiên Chúa. Không, Thiên Chúa đang muốn chúng ta lớn lên, cao quí lên vì nên giống như chính Chúa mà thôi. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể – Đấng chẳng những dạy mà còn đang sống sự nhỏ bé, khiêm hèn trước mặt Cha trong bí tích Thánh Thể – dạy chúng ta biết nhìn thấy Thiên Chúa đang có mặt trong các biến cố trong đời sống của chúng ta, nhất là dạy chúng ta biết sống nghèo hèn trước mặt Cha để được đầy tràn muôn ơn huệ của Cha.



THỨ NĂM

Is 26,7-9.12.16-19; Mt 11,28-30

Mơ ước sâu xa của con người là tìm cho đời mình được hạnh phúc và sự nhàn nhã tư thái. Là một dân nhược tiểu, long đong từ đời cha đến đời con, dân Do Thái hơn ai hết đã khát khao sự an nghỉ cho mình. Thế nhưng, họ đã phải kinh qua ba hình thức bất an, lận đận:

- Một là hình thức do các vua gây ra: ban đầu, nhìn cách tổ chức của các nước lân bang, họ thèm khát cũng được giống như thế, cũng được có chế độ quân chủ, và họ đinh ninh rằng các vua sẽ mang lại thái bình thịnh vượng cho họ hơn vị Thiên Chúa vô hình và đầy uy quyền, nhiều khi khiến họ khiếp sợ. Mặc dù có lời can gián của Thiên Chúa, họ vẫn nằng nặc đòi cho có vua. Quả nhiên, chế độ quân chủ càng lúc càng làm cho họ khổ vì thuế má, vì bất công, vì loạn ly. Vào thời ngôn sứ Isaia, mười chi tộc phía Bắc đã bị mất nước, hai chi tộc làm thành nước phía Nam cũng đang điêu đứng.

- Hình thức bất ổn thứ hai do việc vua và dân xa rời Thiên Chúa gây ra. Khi đất nước bị địch thù đe dọa, thay vì tin cậy vào Thiên Chúa, họ lại loay hoay tự vệ bằng cách tăng cường binh bị, liên minh với các nước khác. Kết quả là họ và các đồng minh không đủ sức cứu thoát họ. Các ngôn sứ kêu gào họ trở về với Thiên Chúa, vì đó là con đường duy nhất cứu mạng họ được. Bài đọc I hôm nay là lời kinh của ngôn sứ Isaia xin Thiên Chúa nhìn đến nỗi khổ của Dân Người như cho “kẻ nằm trong tro bụi thức dậy”.

- Đến thời Chúa Giêsu, họ gặp hình thức bất ổn thứ ba do các lãnh đạo tôn giáo gây ra: các vị này giải thích và áp dụng lề luật cách quá tỉ mỉ gắt gao, biến luật thành một cái ách mang không nổi (Cv 15,10) và biến quyền tôn giáo thành sự áp bức dân ngu, kẻ hèn yếu.

Ngôn sứ Isaia, như ta thấy, gián tiếp nhìn nhận có sự bình an cho dân mình nơi Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu – trong bài Tin Mừng – nói rõ là chính Ngài mới ban sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Ngài kêu gọi mọi kẻ lai đao vì vác đủ thứ luật do Biệt phái, Luật sĩ đặt ra hãy đến với Ngài. Sở dĩ Ngài là nơi an nghỉ thật sự cho con người.

Trước hết, vì Ngài là vị Thầy nhân hậu, là chính Thiên Chúa đầy tình nhân ái và sự nhún nhường, khác các lãnh đạo bất nhân tàn bạo trước kia.

Rồi Ngài “Hiền lành và khiêm nhượng” tức là thuộc nhóm “Người nghèo của Giavê” và Ngài đã tỏ con người thật của mình trong cuộc Giáng sinh và khổ nạn.

Lý do thứ ba: vì đời sống của Ngài dựa trên tình con và lòng mến do Thánh Thần ban, nên việc sống theo luật rất nhẹ nhàng. Kèm theo Ngài vẫn có những luật phải giữ, nhưng lòng mến giúp việc giữ luật luôn dễ dàng.

Ngài cũng là chính sự an nghỉ của Thiên Chúa, chính cõi trời của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa thoả lòng, không còn cần tìm kiếm gì khác. Bây giờ Ngài được Thiên Chúa chia sẻ cho con người, để ai đến với Ngài, thì không còn thiếu gì và không cần lao đao vất vả tìm kiếm nữa.

Vậy lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta chìa khóa để mở vào sự an thái nghỉ ngơi đích thực: đó là nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu. Chúng ta xin cho mình luôn nhớ đến sự thật đó để giữa cuộc sống trăm công nghìn việc, chúng ta biết chạy đến với Chúa trong tin tưởng phó thác nhiều hơn. Nhất là chúng ta xin ơn biết vun đắp tình con thảo đối với Chúa hơn và quyết tâm xa tránh mọi phương tiện của xã hội tiêu thụ và hưởng thụ, như rượu chè, ma túy, ăn chơi và những phương tiện người ta cho là mang lại sự giải khuây và nghỉ ngơi, thực ra chỉ càng khiến tâm hồn bất an, chán chường và trống rỗng.



THỨ SÁU

Is 38,1-8; Mt 12,1-8

Bài Tin Mừng hôm nay, tuy đơn sơ, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa:

Trước hết, nó minh chứng Chúa Giêsu thật là ĐẤng đến giải cứu người ta khỏi luật ngày hưu lễ là cái ách đã thành quá nặng do sự thêm thắt của luật sĩ và biệt phái. Họ đặt ra nhiều điều cấm và ai cố ý vi phạm sẽ bị ném đá! Họ quan trọng hóa nhiều chuyện cỏn con, đến nỗi coi việc bứt vài gié lúa tương đương với việc gặt lúa. Họ không còn hiểu ý nghĩa của hưu lễ là giúp con người được an toàn thư thái để nếm trước và hướng về sự an nhàn và sự cứu độ của Thiên Chúa. Thay vì giúp con người sống nhẹ nhõm, họ lại dùng luật hưu lễ áp bức con người.

Tranh luận với họ, Chúa Giêsu tỏ lộ nhiều tư cách cao trọng của Chúa Giêsu qua câu chuyện mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại:

- Chúa Giêsu gián tiếp mạc khải, Chúa chính là ơn cứu độ và sự nghỉ ngơi mà Thiên Chúa ban cho loài người, Chúa Giêsu là Chúa của ngày hưu lễ, ai đến với Chúa Giêsu thì được an nhàn thư thái thật sự.

- Chúa Giêsu là đền thờ mới, nên các tông đồ giống các tư tế đang phục vụ đền thờ khỏi phải giữ luật hưu lễ, đó là ý nghĩa câu mà Chúa Giêsu nói: “Đây có Đấng trọng hơn đền thờ”.

- Chúa Giêsu là Con Người, là chủ Nước Trời, đến để lập ra chế độ mới, lối sống mới.

- Chúa Giêsu có quyền ngang với Thiên Chúa và có quyền giải thích luật cho đúng, vạch cho người ta hiểu Thiên Chúa cần tình con và lòng nhân nghĩa hơn là việc giữ luật tỉ mỉ mà không có hồn.

- Nhất là Chúa Giêsu cho thấy Chúa nhân hậu, Chúa sống vì con người, Chúa đề cao và quan tâm đến hạnh phúc của con người trước khi đề cao lề luật. Con người có những nhu cầu chính đáng (như khi đói được ăn vài gié lúa) và trong những trường hợp đó, các luật cứng ngắc do con người bịa đặt thêm phải nhường bước cho các nhu cầu đó.

Vậy nhân một sự việc đơn sơ, Chúa Giêsu đã cho thấy Chúa khác hẳn với những vị lãnh đạo bất nhân và áp bức, nhất là Chúa Giêsu gián tiếp mạc khải Chúa là Thiên Chúa, là hình ảnh của chính Thiên Chúa yêu thương. Bởi vì, Thiên Chúa thật là Đấng nhân hậu và đầy tình thương. Ngay bài đọc I hôm nay đã là một bằng chứng. Thiên Chúa đã yêu thương vua Êgiêkia và đoái thương lời cầu xin thống thiết của nhà vua, đến nỗi Thiên Chúa bóy định chấm dứt đời sống của vua, ban cho vua được sống thêm 15 năm nữa và còn đoan chắc với vua bằng một dấu hiệu tỏ tường.

Chúng ta sung sướng khi được đọc hai bài Thánh Kinh minh chứng rằng Thiên Chúa mà chúng ta tin thờ là Thiên Chúa đầy tình thương và thiết tha sống con người. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta ngày một hiểu biết và đáp đền tình thương của Cha chúng ta, Đấng đã sống và đã làm mọi sự “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta ngày một nên giống Cha trên trời, biết sống đầy lòng nhân hậu và cảm thông đối với mọi người anh em chúng ta, biết quan tâm đến những nhu cầu của họ và giúp đáp họ, cầu nguyện cho họ.


THỨ BẢY

Mk 2,1-5; Mt 12,14-21

Điều xót xa nhất đối với Thiên Chúa đó là trong Dâng Riêng của Chúa, chính hàng lãnh đạo Dân lại thường là hạng hư hốt và sống ngược lòng Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc một số đoạn trích trong sách ngôn sứ Mica. Ông cũng là người thuộc nước Giuđa phía Nam và hoạt động cùng thời với các ngôn sứ Hôsê và Isaia. Thay mặt Thiên Chúa, ông lên án tội phản bội giao ước và tội sa sút về luân lý của Isaia, nhất là – như chúng ta vừa nghe trong bài đọc I – ông thóa mạ các kẻ giàu cướp bóc, các kẻ cho vay vô lương tâm, những con buôn gian lận, các tư tế tham lam, các thủ lãnh độc tài, các quan tòa ăn hối lộ. Ông báo trước hình phạt dành cho họ, đa số thuộc cấp lãnh đạo mà sống vô đ.

Theo bài Tin Mừng, vào thời Chúa Giêsu, hàng lãnh đạo Dân về mặt tinh thần là biệt phái cũng chính là hạng người đối địch với Chúa Giêsu nhất. Sau một số lần tranh luận với Chúa Giêsu, vừa biết được những ý kiến mới lạ không thể chấp nhận được của Chúa Giêsu, vừa sợ uy tín và địa vị mình lung lay, họ đã họp nhau bàn tính mưu kế hãm hại Chúa Giêsu.

Hàng lãnh đạo như thế khác xa với Chúa Giêsu biết bao. Họ hoàn toàn sống ngược với tư cách của mình. Còn Chúa Giêsu, Chúa thật là Người Tôi Tớ hiền lành của Thiên Chúa, là vị chủ chăn gương mẫu, là mẫu môn đệ của Thiên Chúa.

Thánh Matthêu hôm nay trích bài ca thứ nhất về Người Tôi Tớ Giavê trong sách Isaia để nói về Chúa Giêsu, để nêu rõ sự khiêm tốn, hiền từ nhịn nhục của Chúa Giêsu. Vừa nghe tin biệt phái bàn mưu hại Chúa Giêsu, thay vì đối đầu với họ và lấy uy quyền của mình để khử trừ họ, Chúa Giêsu lại tự ý lánh đi nơi khác, vừa để nhường nhịn kẻ ác tâm, vừa tiếp tục hy vọng họ hiểu Chúa Giêsu và hối lỗi.

Bài Tin Mừng cũng phần nào cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thật là người chủ chăn đầy tình thương và tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu tiếp tục lưu tâm đến mọi kẻ khốn khổ và ra tay cứu giúp họ.

Đối với Thiên Chúa, Chúa Giêsu là gương mẫu cho kẻ được yêu riêng và cất nhắc: thay vì vô ơn và ngỗ nghịch như biệt phái, kẻ được Thiên Chúa ưu ái phải tận lực đáp đền bằng cách sống ngoan hiếu và đem hết sức phục vụ anh em.

Ở trong Hội Thánh Chúa, chúng ta cũng có thể gặp sự kiện con cái trong nhà phản bội tình Cha và một người được nhiều hồng phúc và ưu đãi hơn lại sống tệ bạc đối với Chúa hơn. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các chủ chăn của mình và bản thân chúng ta xin ơn cho mình được nên những Tôi Tớ của Thiên Chúa, giống như Chúa Giêsu trong mầu nhiệm bàn thờ: nghĩa là nên những người con ngoan hiếu của Cha, vừa chân thành yêu mến Cha, vừa trung tín chu toàn các bổn phận của người con trong môi trường mình sống và theo khả năng của mình.
Mới hơn Cũ hơn