Suy niệm mỗi ngày tuần 16 Thường niên, năm chẵn




TUẦN XVI

THỨ HAI

Mk 6,1-4.6-8; Mt 12,38-42

Có thể nói hai bài Thánh Kinh hôm nay đề cập đến đức tin và lối sống đạo hời hợt đáng khiển trách của người Do Thái.

Trước hết, qua miệng ngôn sứ Mica, Thiên Chúa đã khiển trách Dân Người đang sa sút về lòng đạo vào Thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Người tỏ ra là vị Thiên Chúa biết xúc cảm, biết đau lòng như một người yêu bị thất vọng. Mica kêu mời núi non là tạo vật vững chắc làm chứng cho lời của mình. Mica cáo tội Dân về lòng vô ơn đối với Đấng đã giải cứu họ khỏi đời nô lệ bên Ai-cập, về đời sống xoàng xĩnh của kẻ đã được các ngôn sứ cho biết lễ tế đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là lo sống công bằng nhân hậu đối với anh em và sống khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, mà lại không thực thi. Rõ ràng tuy mang danh là Dân Chọn của Thiên Chúa, đã kết ước với Thiên Chúa, nhưng họ đâu có sống xứng tư cách đó, trái lại chỉ có một lòng đạo nông cạn.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng phải trách thế hệ những kẻ sống thời Chúa là “gian dâm” nghĩa là thế hệ hư đốn, cứng tin, bất trung với giao ước giống như người vợ gian dâm bất trung với chồng. Bởi lẽ đó, họ đòi Chúa Giêsu cho họ một dấu lạ. Qua đòi hỏi này, không phải hị chỉ muốn có bằng chứng rõ ràng để tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật, mà sâu xa ra, họ có ý khiêu khích, thách thức Chúa Giêsu, bởi họ vừa không tin trong lòng ngay từ đầu, vừa cho là các phép lạ mà Chúa Giêsu chưa đủ thuyết phục họ. Chúa Giêsu trả lời cho họ là họ sẽ được xem thấy dấu lạ “sự chết và sự phục sinh của Ngài”. Đó là dấu lạ vĩ đại hơn việc Giona ngày xưa ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Và Chúa Giêsu cảnh cáo sự phán xét nặng nề hơn đối với họ khi họ cứng tin, bởi vì dân thành Ninivê đã biết hối cải, khi gặp dấu lạ Giona kém lớn lao hơn biến cố chết và sống lại của Chúa Giêsu, và nữ hoàng Saba đã biết nghe lời khôn ngoan của vua Salômon chưa sánh được với Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Sau khi nghe về dân Do Thái, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại chính đời sống đạo của mình.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta, tuy đã là Kitô hữu lâu năm, mà đến nay chỉ mới có cái tên suông, và còn theo Chúa một cách hời hợt, vừa không hiểu biết sâu xa về Chúa, vừa chỉ “thờ Chúa ngoài môi ngoài miệng”.

Tuy là người tin đạo, nhưng đời sống của chúng ta không có những thay đổi và không khác mấy so với người ngoài.

Đồng thời, lắm khi chúng ta tỏ ra ưa thích những phép lạ và những sự can thiệp nhãn tiền của Chúa để thêm lòng phấn khởi, hay đắc thắng, hơn là lo đào sâu đức tin bằng cách mộ mến Thánh Kinh và chăm chú với lời rao giảng, hoặc lo đào sâu thái độ sống đạo bằng cách sống bác ái gương mẫu.

Chúng ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể uốn nắn những sai lỗi có thể còn có trong đời sống đạo của mình. Xin Chúa giúp chúng ta ra sức tăng cường mối liên hệ và lòng gắn bó với Chúa để lòng đạo của chúng ta ngày một nên sâu xa hơn. Và trong khi Thiên Chúa vẫn đang thực hiện bao nhiêu dấu lạ quanh chúng ta như những lời mời gọi chúng ta nhận ra sự có mặt và tình thương của Chúa, chúng ta xin cho mình được luôn có những con mắt mới để nhìn ra Chúa và thêm lòng tin vào Chúa.




THỨ BA

Mk 7,14-15.18-20; Mt 12,46-50

Khi hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã đụng phải một thực tế phủ phàng: đó là ban đầu Ngài khá thành công, dần dần Ngài đã bị nhiều hạng người chống đối, nhất là Biệt phái, hạng nắm quyền lãnh đạo về tôn giáo sợ vị thế mình bị lung lay, hạng vụ luật không chấp nhận được lối giải thích mới về luật. Bài Tin Mừng trong mấy ngày vừa qua đã kể lại cho chúng ta về cuộc đối đầu đó giữa Chúa và các đối thủ. Còn bài hôm nay là màn kết của những đối đầu ấy. Lần này chính người nhà của Chúa Giêsu tỏ thái độ với Ngài. Thánh Matthêu chỉ viết: “Họ tìm cách nói với Ngài”. Thánh Maccô nói rõ hơn: “Họ đến để bắt Ngài, vì họ bảo Ngài đã mất trí” (Mc 3,20). Có lẽ họ thấy Chúa Giêsu rao giảng khác người và bị chống đối, họ sợ cho Ngài và cũng sợ lôi thôi phiền hà cho họ, nên họ mời Đức Maria cùng đi để dễ gây áp lực, buộc Ngài về sống yên thắm ở nhà.

Chúa Giêsu đã đến lúc phải xác định rõ lập trường của Ngài.

Trước mặt Ngài, có hai phe rõ rệt: một phe của thần ô uế là satan – một phe của Ngài và Thánh Thần, Đấng quyền năng làm Ngài thắng ma quỷ. Ai tin và thực hành Lời Ngài dạy thì thuộc về phe Ngài và thuộc gia đình mới của Ngài.

Với cuộc nhập thể, Ngài đã mang thân phận một con người và sống trong một gia đình, một dòng họ, một môi trường. Như mọi người, Chúa Giêsu coi gia đình dòng họ là môi trường giúp mình sống và lớn lên, Ngài sâu xa yêu quý cha mẹ, anh em, nhất là Ngài dành cho mẹ Ngài một tình mến tế nhị nồng nàn. Thế nhưng phải đến lúc Ngài buộc lòng cho mẹ và bà con thân thích biết: liên hệ huyết nhục dù quan trọng đến đâu cũng phải nhượng bộ sứ mạng Cha trao phó. Vì Thiên Chúa, người ta phải từ bỏ cha mẹ, vợ con và mọi sự để lo việc Thiên Chúa. Và với tư cách Đấng đến mở ra Nước Trời, Ngài đang lập một gia đình thiêng liêng mới mà Ngài là trung tâm, họp thành bởi những ai thuộc cái gốc duy nhất là làm theo ý Cha trên trời.

Đối với Chúa Giêsu, gia tộc, huyết nhục không được coi như một cái gì tuyệt đối hay như thần thánh, như mục đích, nhất là khi bà con anh em trở thành cản trở cho sứ mạng, cho liên hệ giữa Ngài và Cha. Đối với Chúa Giêsu, Cha mới là tuyệt đối, mới là tất cả, mới là Đấng đáng tôn thờ trên hết.

Nói theo ngôn sứ Mika trong bài đọc I hôm nay: ai bằng Thiên Chúa, ai giống như Thiên Chúa? Chỉ có Thiên Chúa là Đấng muốn mình sống nhân hậu, xót thương. Thiên Chúa luôn là mục tử nhân hiền, Người sẵn sàng tha thứ mọi lúc, quăng xa và quên hẳn tội lỗi của con cái mình. Thiên Chúa trung tín qua muôn thế hệ. Một vị Thiên Chúa như thế đáng con người khám phá không ngừng và chí tình mến yêu. Dù dân Do Thái có được thịnh vượng, hùng cường, tiền rừng biển bạc, cũng chẳng thể nào sánh bằng khi biết quay về với Thiên Chúa, Đấng đáng quý hơn mọi sự trên đời.

Chúng ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể nâng đỡ chúng ta trong việc hiểu và sống theo thánh ý Cha trên trời, để dù là người thuộc giai cấp hay hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên anh chị em của Ngài. Chúng ta cũng xin hứa dành cho Thiên Chúa một chỗ đứng quan trọng hơn trong đời ta, hơn cả bản thân ta, hơn cả những lo toan của ta để một khi gần gũi Người và nên con cái của Người, chúng ta trở về thánh hóa chính gia đình, hàng xóm và môi trường của ta.




THỨ TƯ

Gr 1,1.4-10; Mt 13,1-9

Từ hôm nay và trong ba tuần, các bài đọc I sẽ được trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia. Ong sống tại nước Giuda phía Nam. Sau ngôn sứ Amos, Isaia và Mika hơn 1 thế kỷ, ông được chứng kiến thời buổi rối loạn và cả cuộc sụp đổ của nước Giuda. Nhờ lời rao giảng của ông, dân Do Thái bị lưu đày đã không tuyệt vọng, nhưng đã thanh luyện đời sống tôn giáo và giữ cho đức tin được tinh ròng hơn. Nhờ ông, Do Thái giáo đã tồn tại và đi vào chiều sâu, làm cho Israel tiếp tục là Dân Chọn, Dân dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Bài đọc 1 hôm nay là lời Giêrêmia kể lại ơn gọi của mình. Cách ông được gọi khác với Isaia được gọi: nó âm thầm, kín đáo nhưng trong sự thinh lặng nội tâm. Có lẽ đây là một cảm nghiệm hay là một xác tín riêng tư: ông cảm thấy Thiên Chúa đã đi bước trước, đã yêu thương từ lâu, trước cả khi ông chào đời. Thiên Chúa từ muôn đời đã có một dự tính về ông. Tuy ông nhút nhát, Thiên Chúa đã biến ông thành sứ giả đắc lực: Thiên Chúa ban lời Người cho ông và truyền cho ông công bố một sứ điệp khiến khiếp sợ, truyền cho ông làm những việc đảo lộn: “lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, nhưng để xây dựng và vun trồng”.

Mặc dù việc ông được kêu gọi có tính cách cá nhân, nhưng vai trò và sứ điệp của ông lại có tính cách phổ quát. Ong được kêu gọi để phục vụ nhiều người, phục vụ toàn dân, thậm chí như Chúa phán: “Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc”. Ong cũng như các ngôn sứ Cựu ước chính là những con người báo trước về các kẻ tin thời Tân ước, trong đó có chúng ta, bởi vì theo mong ước của Chúa, mọi kẻ tin đều nên sứ giả hay cộng sự viên của Chúa. Bây giờ Chúa cũng muốn cất tiếng mời gọi mọi người và từng người, Chúa chỉ muốn ban ơn huệ cho mọi người không trừ ai.

Bởi vì thực sự ai cũng có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa và trở nên kẻ tin Chúa, kẻ phục vụ Chúa được. Điều này thuộc quyền tự do của mỗi người. Đây là điều Chúa muốn nói qua dụ ngôn “Người gieo giống”. Như chúng ta đã biết, sau một thời gian đầu thành công, Chúa đã bị nhiều kẻ chống đối tránh xa. Tại sao có chuyện đáng buồn đó? Có phải vì Chúa bất lực không? Có phải vì lời rao giảng của Chúa không thu hút không?

Bằng dụ ngôn “Người gieo giống”, Chúa có ý trả lời: Lời Thiên Chúa và Lời rao giảng của Ngài không sinh hoa kết quả một cách tự động. Tự nó, nó có thể kết quả. Thế nhưng kết quả của nó không nguyên do nó mà còn do phẩm chất của khu đất nó được gieo xuống, nghĩa là có thể có nhiều sự đáp trả khác nhau. Người ta giống như những khu đất, nhưng nếu muốn, ai cũng dùng sự tự do mình để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa được. Chìa khóa vấn đề nằm ở mỗi người. Khi muốn, lập tức người ta trở thành những kẻ tin, những Giêrêmia phục vụ Chúa! Ngày xưa chỉ một mình Giêrêmia cảm thấy được kêu gọi, thời nay Thiên Chúa ngỏ lời gọi ấy với mọi người và ai cũng có điều kiện làm cộng sự viên của Chúa.

Hiểu như thế, diễm phúc của Giêrêmia bấy giờ cũng có thể trở thành diễm phúc của mỗi người chúng ta hôm nay.

Chúng ta hãy xác tín rằng mình không sinh ra làm người một cách ngẫu nhiên, mà chắc chắn do ý Thiên Chúa, Đấng có sẵn một dự tính về mỗi người chúng ta từ đời đời.

Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời gọi của Chúa trong tâm hồn mình hơn và tuy hèn yếu, chúng ta hãy quảng đại đáp lại.

Chúng ta hãy bằng mọi cách gợi lên và vun đắp ơn gọi nơi nhiều người quanh ta, nhất là nơi những thanh thiếu niên mà ta có trách nhiệm coi sóc để Chúa có nhiều cộng sự viên nhiệt thành và ảnh hưởng của Chúa được mở rộng, làm cho nhiều người được cứu độ.



THỨ NĂM

Gr 2,1-3.7-8.12-13; Mt 13,10-17

Rất nhiều lần lịch sử dân Do Thái minh chứng một sự thật đau lòng: con cái trong nhà lại bội bạc và bị hất ra ngoài, kẻ ở trong diễm phúc lại từ khước và để mất diễm phúc.

Trên trái đất, có dân tộc nào diễm phúc cho bằng dân tộc Do Thái. Theo lịch sử có thật và theo cuốn Thánh Kinh ghi lại lịch sử có thật ấy, họ là đối tượng có một không hai của tình yêu say đắm của Thiên Chúa. Thiên Chúa tuôn đổ muôn diễm phúc cho họ. Theo đoạn trích sách ngôn sứ Giêrêmia hôm nay, Thiên Chúa nhắc lại những việc mà Thiên Chúa đã làm cho họ: như cứu họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập, dẫn dắt và bảo vệ họ trong sa mạc, đem họ vào Đất Hứa phì nhiêu. Thế mà, giữa những diễm phúc đó, họ đã phản bội: các cấp lãnh đạo như tư tế, vua quan, tiên tri quên lãng Thiên Chúa, chạy theo việc thờ ngẫu tượng, làm Đất Hứa ra ô uế. Họ bạc tình đến nỗi tai họ trở thành điếc trước mọi đề nghị yêu đương của Thiên Chúa và phải “la lớn vào tai Giêrusalem” những lời than phiền của Thiên Chúa. Họ đần độn đến nỗi bỏ nguồn nước hằng sống là Thiên Chúa và đi tìm sự sống hay hạnh phúc ở nơi không thể có.

Thế hệ Do Thái thời Chúa Giêsu cũng không hơn gì. Mặc dù Chúa Giêsu đi lại giữa họ rao giảng Nước Trời, làm các phép lạ, gián tiếp minh chứng Ngài là Đấng Thiên Sai, họ chỉ nghe Ngài lúc đầu và một cách hời hợt, rồi ngày càng chống đối xa cách Ngài. Chúa Giêsu đến hoàn tất các loan báo của các ngôn sứ, nói với những lời mà nhiều người đạo đức từng muốn nghe không được, thế mà họ đã cứng tin và khước từ. Đến nỗi – theo bài Tin Mừng hôm nay – Chúa Giêsu chỉ có thể nói với họ bằng dụ ngôn mà thôi, không phải vì Chúa Giêsu muốn dấu kín mầu nhiệm với họ, mà vì mắt của họ chưa có khả năng nhìn thẳng vào ánh sáng chói lòa của sự thật Nước Trời. Việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy họ là cách Chúa Giêsu thương họ, ban cho họ ánh sáng mờ mờ vừa tầm mắt họ và tiếp tục trông đợi họ, hy vọng họ mở lòng ra, đến gặp Chúa, xin tìm hiểu thêm về Nước Trời để Chúa giải thích và mạc khải cho. Vậy chính phía họ không có lòng và chẳng còn thực tâm tìm, trong khi phía Chúa vẫn không ngừng dạy sự thật một cách hợp với họ và ban diễm phúc cho họ.

So với họ, có lẽ chúng ta, cũng như các tông đồ, còn may mắn chưa để mất diễm phúc. Các tông đồ và chúng ta – như Chúa Giêsu nói – đã được ban cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Thế nhưng chúng ta cũng cần xét mình luôn và coi chừng về chính mình. Để tránh mắc lại lỗi lầm của dân Do Thái, chúng ta cần tích cực cộng tác với Chúa để bảo tồn và phát huy những điều chúng ta đã lãnh nhận tư Chúa – chúng ta cần coi nhẹ và từ bỏ những quan điểm cá nhân, để mở lòng cho Thiên Chúa – cần nhạy bén lắng nghe Chúa tiếp tục nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống – cần biết sử dụng những hồng ân Chúa ban như sử dụng một gia tài mình được thừa hưởng.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta ôn nhớ luôn diễm phúc của mình là được Thiên Chúa yêu thương và được biết những mầu nhiệm cao cảm để chúng ta ngày càng là đoàn con lớn lên trong tình thương, biết đáp đền tình thương – ngày càng thấu hiểu và phát huy diễm phúc mình đã may mắn lãnh nhận.




THỨ SÁU

Gr 3,14-17; Mt 13,18-23

Cách gieo lúa ở miền đất thổ Palestin: gieo xong mới cày úp, nên hạt gieo rơi vào gai, đá, đường mòn, đất tốt…

Chúa Giêsu dùng hình ảnh gieo giống ấy nói về việc rao giảng Lời Thiên Chúa là để nói rằng Thiên Chúa giàu tình thương, Thiên Chúa không loại trừ ai, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, Thiên Chúa chứng tỏ tình thương và công bố Lời Người cho mọi người, bất kể người tốt hay người xấu.

Chỉ có sự đáp trả ở phía con người là khác. Mỗi người đáp trả một cách, sau khi đón nhận tình thương hay Lời của Người. Nhiều khi chính kẻ mà Thiên Chúa chờ đợi, hy vọng, tin tưởng hơn cả lại là kẻ đáp trả một cách hời hợt hơn cả.

Đó là trường hợp của nước Giuđa, một nước được Thiên Chúa đặt nhiều kỳ vọng hơn, nhưng cuối cùng lại phản bội nặng hơn. Những lời mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I là những lời Thiên Chúa bảo ngôn sứ Giêrêmia lên phía Bắc nói với dân Isaia: khi trước họ bị nguyền rủa hơn Giuđa, nay Thiên Chúa thấy Giuđa phản bội hơn, nên Thiên Chúa kêu gọi nước phía Bắc ăn năn hối lỗi. Thiên Chúa hứa sẽ tha thứ tất cả, sẽ qui tụ họ trở lại, sẽ không cần lập lại Khám Giao ước vì dân sẽ hiểu ý Thiên Chúa, sống theo ý Thiên Chúa và nhân Giêrusalem làm ngai Thiên Chúa ngự.

Nhưng đâu là lý do khiến người ta không sống theo Lời Thiên Chúa và đi đến chỗ phản bội Thiên Chúa? Theo bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nêu ra hai lý do từ bên ngoài: đó là quỷ dữ đến giật đi và cấm cách bắt bớ xảy ra. Đồng thời Chúa Giêsu nêu ra hai lý do bên trong, do chính người ta: đó là nghe Lời Thiên Chúa một cách nông cạn, hời hợt, nên lòng tin chỉ có tính cách nhất thời, hoặc sau khi nghe Lời Thiên Chúa, người ta lại lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến Lời Thiên Chúa bị chết nghẹt.

Vậy hôm nay chúng ta kiểm xét chính bản thân xem mình nghe Lời Thiên Chúa như thế nào và mình thuộc hạng nào trong số bốn hạng mà Chúa Giêsu nói đến .Liệu hiện nay, chúng ta có làm cho Thiên Chúa thất vọng do thái độ nông cạn hoặc ham mê sự đời không?

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban ơn giúp chúng ta nên mảnh đất tốt, để Lời Chúa sinh hoa két quả nơi ta, vừa thánh hóa ta, vừa làm ích cho mọi người khác sống xung quanh ta.


THỨ BẢY

Gr 7,1-11; Mt 13,24-30

Bài đọc I hôm nay nói lên nỗi tức bực của Thiên Chúa đối với Dân Chọn. Sau khi Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ Isaia loan báo rằng đền thờ Giêrusalem sẽ không thể bị phá hủy, vì đó là nơi Thiên Chúa ngự (Is 37,10.20.33.35), người Do Thái đã dựa vào đó tự nhủ là Thiên Chúa sẽ bảo vệ đền thờ một cách vô điều kiện, dù gì gì xảy ra đi nữa. Thế là họ chẳng còn áy náy về đời sống đạo của mình nữa. Lúc nào họ cũng tự hào có đền thờ vững chãi như sự bảo đảm không thể nào mất được. “Đây có đền thờ Chúa, đền thờ Chúa”. Và họ càng ngày càng xuống dốc: việc thờ phượng của họ trong đền thờ hoàn toàn có tính cách chiếu lệ hình thức, mâu thuẫn với đời sống, họ chỉ sốt sắng bề ngoài ở đền thờ, còn rất thiếu gương mẫu khi sống với nhau. Họ dùng đền thờ làm nơi bóc lột kẻ nghèo, đổ máu người vô tội, khác nào biến nơi thánh thành hang trộm cướp. Họ chạy theo thói thờ ngẫu tượng và sống bất công trong xã hội. Vì tội họ, Thiên Chúa buộc lòng phải nói rõ là Người sẽ không bảo vệ đền thờ, Người sẽ bỏ đền thờ và đất nước họ, để mặc họ rơi vào tai họa.

Tuy bất mãn và tức bực như thế, Thiên Chúa vẫn cho thấy Người tiếp tục yêu thương họ. Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Người thiết tha kêu gọi họ đổi mới đời sống, nhất là bằng cách thực thi lòng bác ái đối với nhau, và hai lần Thiên Chúa hứa sẽ ở lại với họ.

Với bài Tin Mừng, chúng ta còn thấy tình thương và lòng nhẫn nại của Chúa rõ ràng hơn nữa.

Có nhiều lý do khiến Chúa Giêsu kể dụ ngôn “cỏ lùng” mà chúng ta vừa nghe:

- Chúa Giêsu kể để trả lời cho nhiều nhóm đạo đức tưởng là tận thế đến nơi và họ lo vội vã thâu họp các kẻ lành thánh, loại trừ kẻ tội lỗi.

- Chúa Giêsu kể để trả lời cho các môn đệ đang nóng lòng muốn thấy Nước Trời chiến thắng ngay lập tức.

- Hoặc Chúa Giêsu kể để trả lời nhóm Biệt phái chỉ trích Chúa là Đấng Thiên Sai mà tụ họp một nhóm lẫn lộn kẻ tốt người xấu.

Khi kể dụ ngôn này Chúa Giêsu có ý bảo:

- Nước Trời có một thời gian kéo dài, nó có lúc khởi sự và lúc chấm dứt, nó có hiện tại là thời gieo vãi, thời sinh hoa kết quả trước khi đến thời phán xét.

- Chính Thiên Chúa là Đấng đang cầm nắm và điều khiển hiện tại của Nước Trời để đưa nó đến thành công, cho dù có khó khăn trở ngại. Đừng lầm là lịch sử diễn tiến cách ngẫu nhiên như vô chủ.

- Nhất là Chúa Giêsu có ý nói: Nước Trời không phải là nguồn sự phán xét, trừng phạt tiêu diệt kẻ tội lỗi, nhưng Nước Trời là nguồn cứu vớt, ngược hẳn với quan niệm của nhóm đạo đức.

Dụ ngôn này nhắn nhủ con người nhiều điều:

- Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại, bởi vì lòng Người chỉ nhắm yêu thương và cứu vớt.

- Thiên Chúa không phán xét ai trong hiện tại, không cố định ai là tốt, ai là xấu, vì hiện tại còn là lúc mỗi người có thể hoán cải, thay đổi và là lúc Thiên Chúa đang tích cực ban ơn tác động.

Và do đó, trước khi đến ngày phán xét:

- Chúng ta không nên xét đoán ai, không nên thất vọng về ai cả, quyền phán xét chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa.

- Chúng ta đừng ngủ để kẻ thù thừa dịp lợi dụng, nghĩa là chúng ta đừng lơ là để anh em nào lún sâu vào sự lầm lạc, nhất là đừng lơ là để chính mình bị các nết xấu chi phối đời sống càng ngày càng mạnh.

- Chúng ta hãy lo tận dụng hiện tại và vun đắp đức tin, tăng cường tình mến, uốn nắn cách sống để tương lai là lúc gặp Chúa, đời sống chúng ta đầy hoa trái tốt lành.

- Cuối cùng chúng ta cảm ơn Chúa vì Chúa còn nhẫn nại với chúng ta và xin Chúa đừng để chúng ta phụ bạc tình thương của Chúa.

Mới hơn Cũ hơn