Suy niệm mỗi ngày tuần 17 Thường niên, năm chẵn



TUẦN XVII

THỨ HAI

Gr 13,1-11; Mt 13,31-35

Nếu ngày nào, anh chị em nghĩ rằng mình “lớn” thật, mình quan trọng thật, thì ngày đó, Lời Chúa hôm nay có thể giúp anh chị em xác định lại tư cách của mình.

Thân phận của con người chúng ta chỉ như một hạt cải, như một chút men, chút bột, như một cái đai lưng, nghĩa là nhỏ bé, không có gì đáng kể. Hạt cải chỉ có giá trị nếu được một bàn tay gieo xuống đất, để rồi nẩy mầm, lớn lên thành một cây to đến nỗi chim trời có thể nương tựa. Chút men chút bột có giá trị vì được đôi bàn tay hòa trộn vào nhau, để biến thành những tấm bánh thơm ngon nuôi dưỡng con người. Cái đai lưng có giá trị vì được một bàn tay nhận lấy thắt quanh người. 

Chính bàn tay Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nên như thế. Từ những thứ vụn vặt, Thiên Chúa làm nên chuyện to lớn. Từ những cái không đáng kể, Thiên Chúa làm thành chuyện quan trọng. Israel chỉ là một dân tộc vừa ít người vừa yếu kém: Thiên Chúa đã chọn làm thành “dân riêng” (x. Xh 19,5). Như thế đời họ là một hồng ân; cuộc sống của họ mà họ đang vui hưởng là một ân huệ do Thiên Chúa ban nhưng không.

Đấy không phải là một lối sống mất tự do, trái lại, khi nhận biết Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta, khi nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch tuyệt đối, chúng ta càng là mình hơn bao giờ hết. Bởi vì lúc ấy chúng ta được tháp vào chính Đấng là nơi xuất phát ra chúng ta.

Vả lại, Chúa Kitô mà chúng ta sắp nhận lấy, đã nêu gương cho chúng ta về điểm này: Chúa Kitô đã trở thành bột bèo mỏng manh (x. Pl 2) để sống hoàn toàn theo Thánh Ý Cha.

Hôm nay, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu sống thật là mình, nhờ: 

- Nhận biết Thiên Chúa là Đấng sinh ra chúng ta.

- Cao rao thánh danh, vinh dự và vinh quang của Thiên Chúa.

Khi nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, chúng ta không còn có thể nào ở yên được nữa.


THỨ BA

Gr 14,17-22; Mt 13,36-43

Nếu chúng ta chú ý nghe Lời Chúa hôm nay, làm sao chúng ta khỏi bàng hoàng kinh ngạc: Thiên Chúa mà lại “rơi lệ” vì thương loài người.

Ít nhất kiểu nói này đủ cho chúng ta thấy: Thiên Chúa của chúng ta không phải là một vị thần được quan niệm như các thần của thế giới ngoại giáo Hylạp. Các vị thần ấy không màng tới con người, không yêu thương con người, còn nếu có quan tâm đến, là để quấy nhiễu, mong được dâng cúng nhiều lễ vật, hoặc ít ra là được ca tụng bằng những lời nịnh hót.

Thiên Chúa của chúng ta rất quan tâm đến loài người, không phải vì những ý hướng quá tầm thường vụ lợi như thế, nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người , vì Thiên Chúa là tình yêu, như mạc khải của Tân ước cho biết. Cứ cho đi là công thức Thiên Chúa “rơi lệ” là một kiểu diễn tả hoa mỹ, nhưng một ngày nào đó, loài người sẽ thấy điều đó thực sự xảy ra với Ngôi Lời Nhập Thể: Đức Giêsu đã khóc thương Lazarô (Ga 11,35), và Ngài khóc thương Giêrusalem (Lc 19,41).

Vì Thiên Chúa yêu thương con người, nên Thiên Chúa không đẩy con người đến chỗ làm điều xấu hoặc gài con người vào tội ác. Và cũng vì thế, nếu cần, Thiên Chúa sẽ dùng những tai họa như những hình phạt nhằm thức tỉnh tâm hồn chai đá của con người. Trong thực tế, tình thương của Thiên Chúa thường được diễn tả ra bằng một sự kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải, và phong phú trong sáng kiến nhằm cứu chữa con người.

Do đó, Lời Chúa hôm nay vừa là một lời tuyên xưng vào tình thương vô biên của Thiên Chúa, vừa là một lời mời gọi tin tưởng và cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa.

Chúng ta sắp được đón lấy vị Thiên Chúa tình thương đó, khi rước lấy Mình Thánh Chúa vào lòng. Chúng ta hãy để cho Chúa thấm nhuần lòng trí bằng tình thương ấy. Và một khi đã thâm cảm tình thương đầy kiên nhẫn và tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng làm chứng về tình thương ấy trong vô số các quan hệ làm nên cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.

 

THỨ TƯ

Gr 15,10.16-21; Mt 13,44-46

“Nước Trời giống như một kho báu dấu trong ruộng, như một thương gia đi tìm ngọc quý”.

Quả thật, đời sống với Chúa, đời sống của người Kitô hữu thật quý giá, như một kho tang, như một viên ngọc hiếm. Thế nhưng, mấy khi chúng ta dám nghĩ như thế? Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta về giá trị của đời sống chúng ta, để chúng ta thêm trân trọng: đời sống Kitô hữu của chúng ta là một ân ban, không phải do công trạng của chúng ta mà có, cũng chẳng phải do tài khéo của chúng ta xây dựng nên. Đời sống này được ban nhưng không cho chúng ta. Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng đây là một ơn gọi, tức phát xuất sáng kiến từ, hoàn toàn tự do của Thiên Chúa.

Đây là một quà tặng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tuy nhiên, đã bắt gặp, chúng ta phải biết đón nhận và giữ gìn lấy: Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta biết cách xây dựng và củng cố đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Người nào đã tình cờ gặp kho báu chôn dấu trong ruộng, thì lo bán hết tất cả những gì đang có để mà mua lấy thửa ruộng có kho tàng ấy, bởi vì có toàn thể gia tài hiện có cũng không đáng kể so với kho báu kia. Một thương gia đã bôn ba đó đây, tình cờ gặp được một viên ngọc quý, thì lo bán tất cả mọi sự ông đang có để mua cho được viên ngọc ấy, bởi vì tất cả vốn liếng của ông có to lớn đến mấy, cũng không đáng kể so với giá trị của viên ngọc.

Chúng ta đã được Chúa ban cho đời sống Kitô hữu, tức được biết Chúa và được sống với Chúa: đây là một nếp sống mới, có khả năng mở ra một viễn tượng hoàn toàn mới mẻ và vĩnh cửu cho định mệnh của chúng ta. Để đạt được mục tiêu quý báu này, có phải bỏ những tập quán cũ, những cách thức xử sự hay ăn nói nào đó, tưởng cũng chẳng phải là quá đáng.

Tuy nhiên, để biết cách tiến hành công việc từ bỏ và đón nhận lấy ân huệ cao quý là nếp sống Kitô hữu, chúng ta cần phải để cho lòng trí thấm nhuần Lời Chúa. Lời Chúa sẽ cày xới tâm hồn, làm chúng ta đau đớn, Lời Chúa sẽ thúc bách khiến chúng ta phải vội vã. Nhưng có thế mới có thể sống nếp sống mới này. Bởi vì, cuối cùng nếp sống ấy là kết quả của sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người.

Kitô hữu là Lời và lương thực dưỡng nuôi chúng ta, sẽ giúp chúng ta trong công việc gian khổ nhưng hào hứng này.


THỨ NĂM

Gr 18,1-6; Mt 13,47-53

Thiên Chúa là Đấng có sáng kiến tuyệt đối trên chúng ta, về đời sống của chúng ta. Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta trở nên một tuyệt tác, và Thiên Chúa sẽ làm được, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa làm.

Nói “nếu chúng ta để cho Thiên Chúa làm”, bởi vì Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người một cách trọn vẹn. “Thiên Chúa không thể cứu con người mà không có con người”. Chúng ta cũng có thể nói Thiên Chúa không làm cho cuộc đời của chúng ta thành một tuyệt tác, nếu chúng ta không muốn. Thật ra, là thân phận thụ tạo, lúc nào con người cũng ở trong tay Chúa như khối đất sét ở trong tay người thợ gốm, hoặc như cá nằm trong lưới. Tuy nhiên, là thụ tạo được tạo nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, con người chúng ta được mời gọi hãy chọn lựa ở trong tay Chúa, cách ý thức và tự do. Tấn bi kịch thời nguyên sơ đã cho thấy một cách chọn lựa: Ađam và Eva đã chọn lựa đi ra ngoài Chúa, do đó đã rời xuống dưới mức độ Chúa muốn cho con người.

Chọn lựa ở trong tay Chúa, chúng ta phải như khối đất sét, không ướt quá, cũng không khô quá, phải dẻo. Chọn lựa ở trong tay Chúa, chúng ta phải như những con cá tốt, đúng tiêu chuẩn của người đánh cá. Như vậy, chọn lựa ở trong tay Chúa có nghĩa là chúng ta phải ở trong tư thế sẵn sàng cho Chúa sử dụng, bất cứ lúc nào, trong bất cứ công cuộc nào, bằng bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Điều này đòi hỏi biết bao tâm tình khiêm nhường, tin yêu và tín thác.

Tuy nhiên, khi đã ý thức đòi hỏi trên đây, rất có thể chúng ta sinh ra nao núng và chán nản: có mấy khi chúng ta thực sự tự do chọn lựa ở hoàn toàn trong tay Chúa đâu? Kinh nghiệm về những năm tháng qua là kinh nghiệm về biết bao thăng trầm dệt nên cuộc đời của chúng ta! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, Thiên Chúa sẽ bắt đầu lại. Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được bắt đầu trở lại. Thiên Chúa luôn mở ra cho chúng ta một tương lai. Tiệc Thánh Thể là một bảo đảm kiên quyết cho chân lý trên đây.

Vậy, để sau này khỏi bị lửa ngàn thu dày vò khủng khiếp, hôm nay chúng ta hãy để cho Lửa Thánh Thần nung nấu, luyện sạch và soi sáng.


THỨ SÁU

Gr 26,1-9; Mt 13,54-58

Lời Chúa hôm nay là một bài học phong phú về đức tin cho cả người nghe lẫn người loan báo Tin Mừng: 

1. Về phía người nghe:

Đức tin chân chính là một thử thách.

Những chân lý đức tin sẽ đến, người tín hữu phải biết lắng nghe tận chiều sâu, phải biết chú ý với con tim trong sạch và khiêm nhường, phải chấp nhận sự quấy rầy, vì các chân lý sẽ đặt vấn đề về nhiều điểm trong đời sống của người Kitô hữu. Những người đồng hương của ngôn sứ Giêrêmia không vượt qua được những thử thách này: “Ngươi phải chết! Tại sao ngươi dám tuyên sấm?…”. Họ đã không nhìn ra ông là một sứ giả của Thiên Chúa. Dân làng Nazareth cũng đã khựng lại trước những thử thách ấy: họ tưởng rằng họ đã biết hết về Chúa Giêsu, từ thân thế, đến trình độ học vấn, tài năng, nghề nghiệp… của Chúa Giêsu: “Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ ông… anh em ông… chị em ông không ở giữa chúng ta cả sao? Vậy bởi đâu mà ông được tất cả như thế?”. Những con người này vì thiếu một đức tin chân chính, nên cũng mất luôn khả năng ngạc nhiên thích thú trước những can thiệp vừa tế nhị vừa độc đáo của Thiên Chúa.

2. Về phía người loan báo Tin Mừng:

Đức tin chân chính cũng là một thử thách.

Tuy xác tín mình mang chân lý và có sứ mạng truyền đạt chân lý, người sứ giả cũng phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Phải chấp nhận bị bạc đãi, bị loại trừ, bị xua đuổi. Phải chấp nhận thấy mọi bảo đảm nhân loại sụp đổ tan tành, nghĩa là phải sáng suốt mà nhận ra viễn tượng tử đạo gần kề.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cố gắng, đã trung thành với sứ mạng. Nhưng những “lời tự tình” của ông (x. ví dụ Gr 20,7tt) cũng cho thấy tất cả những niềm đau, những ê chề của cuộc đời làm sứ giả cho Lời Chúa. Đức Giêsu còn hơn thế nữa, trung thành với Chúa Cha đến nỗi quên ăn quên uống, vì thi hành thánh ý Cha là lương thực nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng đã phải đau đớn vấp phải những cách sống tiêu cực của con người. Và những lời ghi chú đó đây của các thánh sử cũng cho thấy tất cả sự ray rứt Chúa Giêsu cảm thấy trong tâm hồn: “Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin” (Mc 6,8).

Trong thực tế, chúng ta vừa phải lắng nghe vừa phải loan báo Tin Mừng cứu độ nên chúng ta phải chấp nhận mọi thử thách của đức tin. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ trợ giúp chúng ta, khi chúng ta tiếp nhận Chúa vào lòng, bởi vì Chúa vừa là Ngôi Lời thường xuyên đón nhận mọi sự từ Chúa Cha, vừa là Nhà Thừa Sai đầu tiên, tha thiết đi gieo rắc Tin Mừng. 


 THỨ NĂM 

Gr 26,11-16.24; Mt 14,1-12

Lời Chúa của ngày cuối tuần trình bày cho chúng ta rõ thân phận của người sứ giả và kêu gọi trung thành với ơn gọi làm chứng nhân cho Lời Chúa.

Trước hết, người sứ giả phải nhớ rằng, khi dấn thân thi hành sứ mạng, là đi vào lòng một cuộc xung đột giứa tinh thần và bản năng, giữa tinh thần và chính trị. Do đó, người sứ giả sẽ cảm thấy bị giằng co, có khi phải hy sinh, phải đau khổ nhiều. Người ấy phải nhớ rằng mình chỉ là kẻ giúp người khác chuẩn bị đón nhận Lời Chúa, và đồng thời giúp họ đón nhận chính Chúa.

Người ấy lại không được hy vọng thấy thành quả công việc mình đã làm.

Muốn như thế, sứ giả không bao giờ được chia lìa với sứ điệp, với Đấng ban sứ điệp, cũng là Đấng là Sứ Điệp. Khi đó, được sự khôn ngoan, được tinh thần xây dựng khiêm nhường thúc đẩy, người ấy cứ nhiệt thành dấn thân không nản chí sờn lòng trước biết bao gian khổ.

Đôi khi chúng ta có lối sống y như thế, nếu ông Giêrêmia, ông Gioan Tẩy Giả hoặc chính Chúa Giêsu, nếu sống ở thời ấy, thì cũng không xử sự như xưa đâu! Không! Ngay từ đầu, đã có đối kháng giữa Lời Chúa và sức mạnh thế gian rồi (con rắn cám dỗ bà Eva). Do đó, điều quan trọng là chọn lựa. Đã chọn lựa ở về phía Thiên Chúa, chúng ta phải nhớ mình đã là “thiên sai”, là kẻ mà Thiên Chúa sẽ nói qua miệng. Hơn nữa, phải sống tâm tình hoán cải cho sâu sắc, và phải chứng minh được sự vô tội của mình.

Chúng ta sắp đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể cũng là Lời Chúa vào lòng. Khi ấy Lời Chúa là một sức mạnh giải phóng chúng ta, và thúc đẩy chúng ta đi giải thoát cho các anh em khác. Vậy, ngày qua ngày, chúng ta hãy kiên nhẫn thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Những gian khổ sẽ đến, nhưng người sứ giả luôn đón nhận với một niềm vui, vì biết rằng mình đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha.


Mới hơn Cũ hơn