Sau khi đọc chương sáu của Tin Mừng theo Thánh Gioan suốt năm Chúa nhật, đề cập đến Chúa Giêsu chính là “Lời và Bánh ban sự sống”, chúng ta trở lại với Tin mừng Marcô. Bỏ lại câu chuyện hóa bánh ra nhiều ở chương sáu (Mc 6,30-44), chúng ta tiếp tục với chương bảy, nơi Chúa Giêsu tranh luận với một số luật sĩ và người Pharisêu.
Những người này từ “Giêrusalem” đến Galilêa, giống như đã xảy ra khi trước đây, trong một cuộc tranh luận với Chúa Giêsu về quyền năng trừ quỷ, họ đã kết án Ngài bị quỷ vương ám và đã lên án hành động của Ngài (xem Mc 3,22-30). Lần này, họ lại chỉ trích hành vi cụ thể của các môn đệ của Chúa Giêsu và yêu cầu Ngài phải giải thích. Vấn đề nằm ở việc tuân thủ luật lệ, cụ thể là việc các môn đệ ăn uống mà không rửa tay, tức là ăn với đôi tay bị ô uế (koinós). Thực ra, Luật pháp - Torah - chỉ yêu cầu các thầy tế lễ rửa tay khi dâng lễ tại đền thờ (xem Xh 30,17-21). Nhưng vào thời của Chúa Giêsu, có những phong trào đã làm cực đoan hóa lề luật và gia tăng các quy tắc của lề luật, đặc biệt là vấn đề về sự thanh sạch. Trong đó họ coi trọng việc rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác để duy trì sự thanh sạch, vì sự thanh sạch có thể bị vi phạm do tiếp xúc với người hoặc vật ô uế [1].
Chúa Giêsu đã giải thoát các môn đệ khỏi những nghi thức không do Thiên Chúa đòi hỏi, mà là do các kinh sư áp đặt, tự coi đó là “truyền thống” và trao cho nó quyền tương đương với lời của Chúa. Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc phân định cẩn thận, phân biệt rõ ràng những gì là biểu hiện do ý muốn của Chúa và những gì chỉ là thói quen của con người. Quy định do những người lãnh đạo tôn giáo tạo ra, nếu được tuyệt đối hóa, chúng có thể trở thành chướng ngại cho chính lời của Chúa và làm sai lệch hình ảnh của Ngài. Luật pháp là nguồn cảm hứng cho hành vi, nhưng theo thời gian, thói quen và nghi thức có thể mâu thuẫn với sự ưu tiên của Lời Chúa, với tính trung tâm của nó trong cuộc sống của người tín hữu. Và thường thì những người nại đến truyền thống, biến chúng thành “truyền thống”, chính là những người đã nghĩ ra và tạo ra chúng. Trong trường hợp này, thay vì phục vụ con người và mối quan hệ giao hòa với Chúa, những quy tắc này trở nên bóp nghẹt, hạn chế tự do của tín hữu, dựng lên các rào cản và vạch ra các ranh giới giữa con người với nhau.
Trước những chỉ trích của các luật sĩ và người Pharisêu, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách chỉ trích họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng :
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. (Is 29,13). “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Chúa Giêsu xác nhận sự cảnh cáo của tiên tri đối với dân thành Giêrusalem và tố cáo sự giả hình của việc tôn vinh Chúa bằng môi miệng trong khi lòng lại xa cách.
Những luật sĩ và Pharisêu này chắc chắn là những người tham gia vào việc thờ phượng, chăm lo phụng vụ, tuyên xưng Chúa cách mạnh mẽ, nhưng tâm hồn họ thực sự thiếu gắn bó, ngôn hành bất nhất. Đây là vấn đề liên quan đến tính duy nhất trong con người, một con tim gắn bó, không phân chia, không giả dối (xem Tv 12,3)!
Phê phán của Chúa Giêsu trở nên gay gắt và triệt để: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,13). Ý muốn của Thiên Chúa bị bỏ qua, bị gạt sang một bên, bị mâu thuẫn, trong khi ưu tiên được dành cho truyền thống tự cho mình là quyền lực. Chính vì vậy, việc phân định trở nên cấp bách đối với các Kitô hữu, và công việc này được thực hiện trước hết bằng cách đưa mọi quy tắc và nghi thức soi kiểm trước Tin Mừng, trước lời nói và hành động của Thiên Chúa, và do đó, không bao giờ quên rằng tình yêu mới là tiêu chuẩn cuối cùng để xác định sự tốt đẹp hoặc sự biến chất của những gì được yêu cầu. Isacco della Stella, tu sĩ bậc thầy của dòng xitô thế kỷ XII, đã viết: “Tiêu chuẩn cuối cùng của những gì nên được giữ lại hoặc thay đổi trong đời sống của Hội Thánh luôn là agápe, tình yêu”.
Chúa Giêsu không bao giờ mâu thuẫn với Luật pháp và những đòi hỏi của Thiên Chúa, ngược lại, Ngài luôn trở về với ý định của Đấng lập pháp, chính Thiên Chúa, như các tiên tri đã làm, để Luật pháp được đón nhận bằng con tim và tuân theo trong tự do, với sự thuyết phục và tình yêu. Nhưng trước truyền thống và sự gia tăng các quy tắc của nó, Chúa Giêsu yêu cầu điều mà chính Ngài đã thực hiện: phân định. Sự gia tăng các quy tắc làm gia tăng cơ hội của sự giả dối. “Lời của Chúa vẫn luôn tồn tại” (1Pr 1,22; Is 40,8), trong khi các truyền thống thay đổi theo những thay đổi của văn hóa và các thế hệ loài người; và dù có thể đáng kính vì tính cổ xưa của chúng, chúng vẫn là của con người, lớp vỏ bọc lời của Thiên Chúa.
Sau khi chỉ ra một số trường hợp vi phạm luật của Thiên Chúa nhân danh việc tuân thủ quy tắc của loài người (xem Mc 7,10-13), Chúa Giêsu trở lại với đám đông và nói: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” Những lời ngắn gọn và khẳng định chắc nịch. Không có gì bên ngoài cơ thể con người có thể làm cho người môn đệ trở nên ô uế: không phải thức ăn, không phải sự tiếp xúc, không phải các mối quan hệ. Những gì làm cho con người ô uế xuất phát từ bên trong và thể hiện qua hành vi của con người. Cần chú ý ở đây đó là cái bên trong và bên ngoài không phải là những phạm trù tách biệt, bởi trong mỗi người chúng là những chiều kích không thể tách rời. Đối với Chúa Giêsu, cũng như đối với toàn bộ Kinh Thánh, “sự ác, tội lỗi nằm ở cửa” (xem St 4,7) của trái tim mỗi người và từ trái tim sinh ra cảm xúc dẫn đến hành động.
Giáo huấn của Chúa Giêsu dường như mâu thuẫn với sự lo lắng của nhiều luật sĩ, những người chú trọng chủ yếu đến hành vi bên ngoài. Những lời của Ngài không dễ hiểu, vì vậy Ngài buộc phải giải thích những động cơ, suy nghĩ và dự định làm cho ô uế; một danh sách ấn tượng và chi tiết về các tội lỗi được liệt kê trong Tân Ước : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng (Mc 7, 21-22). Đáng lưu ý, nó liên quan đến các tội lỗi chống lại tình yêu, chống lại tha nhân, vì tội lỗi luôn gắn liền với các mối quan hệ giữa người với người (xem Mt 25,31-46), trong các mối quan hệ nhân loại mà luật của Thiên Chúa yêu cầu là tình thương, lòng từ bi, sự chân thành và sự trung thành. Sự đê tiện, ô uế không nằm ở các thực tại trần gian mà nằm trong chính chúng ta, nơi mà chúng ta chỉ khẳng định chính mình và không nhận ra người khác.
Cuối cùng, xét thấy rằng toàn bộ cuộc tranh luận xuất phát từ một vấn đề liên quan đến bàn ăn, có thể rút ra một lời cảnh báo quan trọng từ toàn bộ lý luận của Chúa Giêsu: chúng ta không thể loại trừ ai khỏi bàn ăn, và nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ bị loại trừ khỏi bàn tiệc của Nước Chúa!
Còn về bàn tiệc Thánh Thể, không ai bị loại trừ; nếu là người tội lỗi, miễn là họ nhận thấy mình như kẻ nghèo khó và đưa tay ra cách khiêm tốn hướng về Chúa; trái lại người nên nhận thấy mình bị loại trừ là người không biết phân định thân thể của Đức Kitô (xem 1Cr 11,29) trong anh chị em, trong người nghèo, trong kẻ tội lỗi, trong người bị bỏ rơi, trong người không có phẩm giá.
--------------------------
[1] Thời xa xưa, việc chôn cất hiếm khi được phép trong các khuôn viên của thành phố, nơi chôn cất phổ biến nhất là bên lề đường công cộng. Bạn có thể thấy nhiều ngôi mộ này, hơn 2000 năm, ngoài thành Rôma, dọc theo đường Appian dẫn đến Naples. Một biến thể cụ thể của việc này là, ngay trước Lễ Vượt qua, ở Palestine, các con đường đến Giêrusalem đông nghẹt những người hành hương. Nhưng theo Luật Môsê, bất kỳ ai chạm vào xác chết hoặc tiếp xúc mộ người chết đều trở nên ô uế và do đó bị cấm tham dự các nghi lễ Lễ Vượt qua ở Giêrusalem. Để ngăn chặn thảm họa như vậy, người Do Thái có phong tục quét vôi trắng tất cả các ngôi mộ ven đường trước dịp lễ, để chúng trở nên dễ thấy hơn, do đó dễ tránh hơn. Trong ánh nắng mùa xuân, những ngôi mộ này trở nên nổi bật hơn, trông xinh hơn, mặc dù bên trong chúng là những xác chết đang phân hủy, những thứ mà khi chạm vào sẽ bị ô uế.
G. Võ Tá Hoàng