Linh mục trẻ và nhân bản đối nhân xử thế




LINH MỤC TRẺ VÀ NHÂN BẢN ĐỐI NHÂN XỬ THẾ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Dẫn nhập

“Linh mục trẻ và ông lão – một câu chuyện buồn”, tiêu đề bài viết trên trang diễn đàn các linh mục Ái Nhĩ Lan đã đủ nói lên hết nội dung câu chuyện. Bài viết kể chuyện một ông già giúp lễ đãng trí quên chiết rượu và nước vào bình lúc dâng lễ, bị một vị linh mục trẻ nhăn nhó khó chịu. Cuối thánh lễ, linh mục trẻ xin lỗi cộng đoàn nhưng cũng không quên nặng lời với ông già giúp lễ. Tình huống không hay này đã gây phản ứng nơi những người tham dự thánh lễ: “Tôi cảm thấy ghê tởm vị linh mục. Không hề có lòng trắc ẩn đối với ông lão tội nghiệp đang làm hết sức mình. Vị linh mục đã chọn cách làm nhục ông trước mặt cộng đoàn, những người dường như không thấy có vấn đề gì với sự chậm trễ thoáng qua này. Thưa ông linh mục trẻ, Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh bạn trên bàn thờ đó - già nua, đãng trí, dễ bị tổn thương và bạn đã không nhận ra Ngài. Bạn đã không đối xử với Ngài đúng mực bởi vì bạn quá bận rộn với những nghi thức và “cái tôi” của mình… Tôi tự hỏi thái độ của vị linh mục trẻ này đối với người già có tính đại diện như thế nào. Có bằng chứng trong nhiều lĩnh vực xã hội ngày nay về sự thiếu vắng lòng khoan dung, đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết và tôn trọng đối với người già của chúng ta. Dường như cũng có sự thiếu nhận thức ở những người chưa già đến nỗi một ngày nào đó họ cũng sẽ già và có thể trở nên đãng trí. Hy vọng rằng tình yêu agape thực sự thay vì thành kiến ​​sẽ được thể hiện trong Thánh lễ”.[1] Câu chuyện nêu lên vấn đề hai mặt: Một là cách đối xử của người trẻ đối với người già, hai là thái độ của một linh mục trẻ đối với giáo dân, mà mặt nào cũng không ổn xét dưới khía cạnh nhân bản.

ĐỐI NHÂN XỬ THẾ: MỤC TIÊU ĐÀO TẠO NHÂN BẢN

Đào tạo nhân bản trong chủng viện là nền tảng và mục tiêu cần thiết. Trong và qua nhân tính của mình, linh mục được mời gọi trở thành khí cụ của Đức Kitô và các hồng ân cứu chuộc của Người. Vì thế, “linh mục cần phải trau dồi nhân cách của mình sao cho mình trở nên một “nhịp cầu” chớ không phải một chướng ngại vật cho tha nhân trong việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô Đấng cứu chuộc loài người” (Pastores dabo vobis, số 43). Chính nhân cách cho phép linh mục chia sẻ hiệu quả các hồng ân của Chúa Kitô với cộng đoàn mà ngài chăn dắt. Nhân cách này được hình thành qua chương trình đào tạo, sự nhận biết những giới hạn của con người để khiêm tốn hơn trong những mối tương giao đòi hỏi tính nhân bản phù hợp với con người linh mục.

1. Chương trình đào tạo

“Về những mối tương quan của con người trong xã hội, văn hóa Việt Nam đề cao những đức tính nhân bản: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Hiếu, Trung. … Cần khám phá lại, đào sâu và luyện tập những đức tính này của truyền thống văn hóa. “Phải tập cho quen điều hòa thích hợp cá tính mình, và nói chung, phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô, ví dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch thiệp khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ” (OT 11).[2]

Các đức tính này được thực hiện thông qua một chương trình đào tạo đa diện, kết hợp từ cả bốn chiều kích trọng tâm của việc đào tạo linh mục: Nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Trước hết, sách GLHTCG đã đề cập bốn nhân đức nhân bản cần thiết:

Khôn ngoan: Có suy tư, thận trọng, phán đoán quân bình cũng như biết bàn hỏi, tế nhị, lịch thiệp trong giao tiếp (biết đối nhân xử thế, biết “khôn ngoan chọn cách ứng xử” trong cách chào hỏi, đi đứng, nói năng, ăn uống, giải trí…)

Công bằng: Tôn trọng sự thật, quyền lợi của người khác (không nói dối, sòng phẳng trong tiền của, có trách nhiệm, có ý thức bổn phận, trọng chữ tín).

Can đảm: Kiên trì, cố gắng, vượt khó, biết đặt kế hoạch và quyết tâm thực hiện điều thiện dù khó khắn.
Tiết độ: Quân bình trong cách sống, tự chủ trước đam mê, có kỷ luật và trật tự trong ngày sống, yêu thích đời sống nội tâm, thinh lặng.

Tiếp đến những đức tính xoay quanh những tương quan trong cuộc sống:

Tương quan trong cuộc sống, nhất là qua “công việc”: Khả năng sống chung, hòa đồng, đối thoại (lắng nghe, trao đổi chân thành), làm việc chung, tinh thần chung. Những tương quan này được nhấn mạnh với cao điểm là tinh thần phục vụ: quảng đại và biết quan tâm đến người khác.

Tương quan giao tiếp: Quân bình trong tương quan với người khác phái, cùng phái và với trẻ em; biết kính trên nhường dưới, chân thành với bạn bè, biết cảm thông và tôn trọng người dưới. Tương quan giao tiếp này được nhấn mạnh với cao điểm là sự vui tươi và khiêm tốn.[3]

Sau khi được thụ phong, kinh nghiệm của những năm đầu làm linh mục, niềm vui khám phá về đức tin của mọi người nhưng đồng thời cũng là thách đố của việc phục vụ bằng sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng, và những khủng hoảng mà người ta phải đối mặt trong đời sống linh mục. Trong một cuộc gặp gỡ với các linh mục trẻ, Đức Phanxicô nhận xét: “Trong khi niềm vui và sức mạnh của việc xức dầu phong chức gần đây được cảm nhận cách sâu sắc, thì đôi vai của vị tân linh mục dần dần trở nên “gánh nặng” bởi sức nặng của trách nhiệm với những dấn thân mục vụ khác nhau và những kỳ vọng của đàn chiên. Làm thế nào một linh mục trẻ sống tất cả những điều này? Ngài mang trong lòng điều gì? Ngài cần những gì để đôi chân của mình, khi chạy đi mang theo niềm hân hoan loan báo Tin Mừng, không bị tê liệt trước nỗi sợ hãi về những khó khăn đầu tiên?". Quả thật, đào tạo trong Chủng viện thì không thể thay thế được vì bảo đảm được sự đào tạo cơ bản, nhưng nó cũng không đủ, vẫn cần một kiến thức thực tiễn, một thích ứng mà chỉ có kinh nghiệm được tích lũy dần theo năm tháng mới mang lại. “Vì thế, bước đầu phải xác định như thế này: 1/ Khiêm nhường chấp nhận ý tưởng rằng mình không biết mọi chuyện (chẳng có gì xấu hổ khi chấp nhận điều đó. 2/ Đừng quả quyết hay tuyệt đối trong phán đoán của mình. 3/ Hãy kính trọng các vị lớn tuổi, đừng xét đoán mà hãy xin lời khuyên của họ. 4/ Khi xin lời khuyên của họ, bạn sẽ hiểu được những lý do mà bạn bỏ qua khi làm điều này điều kia. Trong mọi trường hợp, bạn hãy hành động khi hiểu biết rõ những lý do. 5/ Trong năm đầu tiên, đừng tìm cách làm quá hơn “những điều phải làm” mà hãy làm tốt “những điều phải làm”.[4]

2. Những giới hạn của con người.

Đời sống như là cuộc thăng thiên ngắn. Buổi sáng, ta bắt đầu bằng sự tươi mới với năng lực mới. Sự lôi cuốn của cái mới rất mạnh mẽ trong trí tưởng. Ta tiến bước và điều này vẫn còn trong chương trình của Chúa quan phòng. Tuổi trẻ sẽ làm mới lại tất cả. Nhưng điều sau đây cũng là bình thường, sự mệt mỏi sẽ được cảm nhận, khó khăn lộ ra và nhiệt tình giảm sút. Buổi trưa đến với con quỷ của nó: sự chán nản. Phải biết điều đó ngay từ buổi sáng của chức linh mục mình. Những khao khát chính đáng sẽ vấp phải những giới hạn của con người.

Có lẽ sức khỏe là điều làm ta suy nghĩ. Khi còn trẻ, đừng phung phí nó như thể chẳng bao giờ cạn kiệt. Tới độ tuổi tứ tuần là cảm nhận được những vết rách nứt của nó. Và rồi sau đó tuổi già sẽ kéo theo những giảm sút. Và có thể ngay lập tức một căn bệnh nặng hay biến cố trầm trọng buộc ta phải nghỉ ngơi. Đừng quên rằng giờ khắc đau buồn này khi mà sự bất lực lên tiếng thì cũng là giờ khắc giúp ta thấy những giới hạn.

Chỉ được một vài năm, thật bình thường khi ta thấy rõ những giới hạn tri thức, luân lý và thực hành của mình. Ta mệt mỏi và mơ đến những thay đổi để có thể làm mới chính mình. Cũng có đôi điều đúng như vậy. Mọi cánh đồng tông đồ mới đều làm nảy sinh các ý tưởng, năng lực mới, nhưng cũng có một phần lớn là ảo tưởng, sự chán nản thứ hai và thứ ba cũng sẽ không kéo dài hơn. Phải chấp nhận làm việc với những phẩm chất mình có và đừng than van về những khiếm khuyết của mình mà không thể vượt qua. Ta cứ tự hiến thân như mình có cho công việc hiện tại và bỏ qua những chán nản.

Những thời điểm chán nản là điều không tránh khỏi trong đời sống linh mục. Sau khi đã làm việc cật lực, chẳng có gì khá hơn; sau khi lao tâm khổ trí, các linh hồn chẳng nhúc nhích gì thêm lên. Chúng ta là những con người, luôn gấp gáp vì cuộc đời quá ngắn, không thể ngăn được nỗi buồn nào đó. Chính Đức Giêsu cũng có những lúc buồn chán như vậy. Ngài đã than vãn vì Giêrusalem không nghe mình. Làm sao chúng ta có thể khác đi được khi mình không làm được phép lạ và cũng chỉ có một phần nào đó quyền bính của Thầy mình? Những thời khắc đau buồn thật là thời khắc hạnh phúc: Thay vì kéo chúng ta ra xa, nó kéo ta đến gần Nhà Tạm, với điều kiện sự chản nản của chúng ta đơn thuần chỉ là sự buồn chán, không đến từ lòng tự ái bị tổn thương. Và còn điều này nữa, không gì hạnh phúc hơn sự thất bại khi ta có đúng một phần còn lại. Nó giúp ta loại bỏ sự kiêu căng và sự tự tin vào mình luôn chờ dịp sống dậy.

Sự thất vọng cũng có thể đến từ đồng sự của ta, từ môi trường ta sống. Ta thấy rằng cũng là con người như bao người; tham vọng, sự tìm kiếm tư lợi đã lấy đi vầng hào quang của tuổi trẻ. Ta hãy lợi dụng nó để trở nên thương xót hơn. Thay vì nhìn thấy vẻ bên ngoài, hãy nhìn bên trong. Tránh sự ghét người vì nó nhân đôi nỗi bất hạnh.

Trong lãnh vực thánh thiện cá nhân, chẳng cần lâu lắm ta mới nhận ra mình đầy lòng tự ái, dù rất muốn hoàn thiện. Những giải pháp quảng đại có được khi vừa ra khỏi cuộc tĩnh tâm thường không giữ lại được một năm. Sau 20 năm linh mục, thói quen là sự han rỉ của lòng đạo đức, nó bắt đầu tàn phá: Kinh thần vụ đọc như máy, cầu nguyện rút gọn, tìm kiếm tiện nghi, tiện lợi của cuộc sống, khát vọng được nổi bật, được đặt ở vị trí ngon lành, tất cả được cảm nhận. Và đó là một ân huệ khi điều này được cảm nhận. Đó là bằng chứng cho thấy rằng linh hồn tiến gần hơn với ánh sáng. Chính trong ánh sáng này, linh hồn cảm thấy những vết bẩn mà ngày xưa nó không thấy.

Sự khốn cùng lớn nhất là sự tầm thường. Nhún mình trôi nổi giữa sự lành và sự dữ, sử dụng của cải và thú vui trần thế, bằng lòng làm việc với vẻ bề ngoài, đây chính là sự bất hạnh lớn đe dọa đời sống linh mục. Nếu có một ơn gọi nào mà sự khốn cùng này được cảm thấy, đó chính là ơn gọi của chúng ta. Làm sao giải quyết vấn đề, giữ lại những tham vọng chính đáng và chấp nhận giới hạn của con người? Câu trả lời rất rõ. Qua tình yêu, qua sự trao ban quảng đại và không do dự tất cả đời sống ta cho Đấng đòi hỏi chúng ta trao ban cho Ngài.[5]

“Trong những năm đầu tiên sau khi thụ phong, các linh mục hăng hái tìm kiếm những điều kiện sống và sứ vụ cho phép họ thực hành những lý tưởng đã học được trong thời gian đào tạo tại chủng viện. Những năm đầu tiên của chức linh mục, hình thành một củng cố cần thiết về việc đào tạo ban đầu sau tiếp xúc khó khăn đầu tiên với thực tại, là điều có tính quyết định nhất cho tương lai. Do đó, những năm này đòi hỏi một sự trưởng thành hài hòa để đối mặt với những thời điểm khó khăn bằng đức tin và lòng can đảm”.[6]

3. Những mối tương quan nhân bản

3.1. Tương quan giữa các linh mục

Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám mục của mình trong một giáo phận, các ngài qui tụ cách đặc biệt thành một Linh mục đoàn (presbyterium) duy nhất” (Presbyterorum Ordinis, số 8). “Tính huynh đệ bí tích” phải được biểu lộ qua những mối dây bác ái, nhưng là đức ái bằng sự cộng tác trên bình diện sứ vụ được hướng dẫn qua mối bận tâm chung là tình yêu Đức Kitô như là Người mục tử (Pasteur)… Nhưng thật quan trọng khi nhấn mạnh ở đây nền tảng vững chắc của đòi hỏi tình huynh đệ này. Nó được xác định là “tình huynh đệ do bí tích” (fraternité sacramentelle). Thật vậy, các linh mục được tham dự cùng nhau vào sứ vụ duy nhất của Đức Kitô. Họ cùng được thánh hiến cho sứ mệnh có tầm vóc hoàn vũ: Kêu mời mọi người đến ơn cứu độ.

Nếu đức ái phải được thực thi với tất cả mọi người thì nó đòi buộc hàng đầu đối với những người tham dự vào cùng chức linh mục. Giới răn của Chúa chẳng phải là đức ái giữa các tông đồ sao? Đức ái thật sự giữa các linh mục “non solum verbo et lingua sed opere et veritate” (không bằng lời nói hay miệng lưỡi mà bằng hành động và sự thật). Đây là một trong những cách xử thế có tính xây dựng hiệu quả nhất đối với các tín hữu và là một trong những lý luận hộ giáo tốt nhất đối với những người không tin: “In hoc cognoverunt omnes” (Chính vì điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ thầy). Vì ơn gọi của chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho các linh mục những trái tim nhiệt tình và rộng lượng. Đức ái huynh đệ đối với chúng ta là một nhu cầu và sức mạnh. Vậy thì đừng tỏ ra lạnh nhạt, sống phớt lờ bất cần đời kiểu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất). Hãy quan tâm đến những gì anh em chúng ta làm, vui mừng vì sự thành công của họ, giúp đỡ họ bằng cách khuyến khích, bày tỏ cảm tình tích cực. Cha Faber đã nói: “Biết bao trái tim cao quý đã gục ngã dưới sức nặng của sự mỏi mệt vì thiếu đi tình cảm ủng hộ! Biết bao kế hoạch vì vinh quang Thiên Chúa đã chịu thất bại vì thiếu một nụ cười và một tấm lòng huynh đệ!”. Hãy biết khích lệ người anh em mình. Đức Giêsu không ngại hứa hẹn sự khích lệ, “euge, serve bone et fidelis” (Làm tốt lắm, hỡi người tôi tớ tốt lành và trung tín!). Chính ngài cũng đã cầu xin sự an ủi và khích lệ nơi vườn dầu Giếtsêmani.

Trong những cuộc gặp gỡ huynh đệ, hãy tránh mọi phê bình về đàn anh của mình. Trong tác phẩm “Éducation et adolescence”, cha Rimbaud nhận xét: “Một cảm tình cao quý xâm chiếm lấy những người trẻ quanh độ tuổi 25, lúc mà họ trở nên những người trai trẻ, lúc mà họ có khao khát thay đổi thế giới và làm tốt hơn những bậc đàn anh mình. Nhưng khao khát này chỉ thật phong phú với điều kiện người mang lấy nó trong tâm hồn trước hết phải nỗ lực vượt qua chính mình, chứng tỏ bằng khả năng không thể phủ nhận của mình. Một vài linh mục trẻ cư xử cứ như thể “trái đất chỉ vừa mới xoay từ khi họ có ở trên đó”. Đừng bao giờ rơi vào trò cười này và hãy tránh mọi phê bình.

Đừng bao giờ ném đá một người anh em yếu đuối. Phải đặt tình hằng hữu hay tình cảm chức linh mục lên hàng đầu. Hồng y Verdier nói rằng: “Sự gục ngã dẫu nặng nề cũng có thể là điểm khởi đầu cho một đời sống linh mục mới mẻ trong sự nhiệt tình với điều kiện gặp một bàn tay, một tâm hồn huynh đệ giúp đỡ để lại leo lên dốc!” Để là một linh mục thật sự, tất cả mọi sứ vụ đều tốt: Dạy giáo lý, thăm viếng bệnh nhân, giảng dạy, … Nhưng không có sứ vụ nào đẹp hơn khi giúp đỡ các linh mục anh em trở nên linh mục hơn.[7]

3.2. Tương quan giữa linh mục và giáo dân

Cha Congar đã mở đầu cuốn Jalon pour une théologie du laicat bằng giai thoại vui được trích dẫn rất nhiều. Một tân tòng hỏi vị linh mục về vị trí của giáo dân trong Giáo Hội. Vị linh mục trả lời rằng giáo dân có hai vị trí: Quỳ gối trước bàn thờ và ngồi trước tòa giảng. Tuy nhiên có một vị thế thứ ba nữa là thò tay trong túi móc ví ra! Cấu trúc phẩm trật của Dân Thiên Chúa được hiểu như là mô hình kim tự tháp. Đức Kitô là đỉnh tháp, vô hình, nhưng là tác nhân thường xuyên của ơn cứu độ. Ở tầng nền là dân Thiên Chúa. Ở giữa là “những trung gian”, các thừa tác viên. Theo sơ đồ này thì các linh mục ít nhiều gì cũng thoát ra khỏi điều kiện của dân Thiên Chúa. Làm trung gian thì ít ra cũng cách khoảng giữa hai bên. Cuối cùng thì, nhiều người được rửa tội đã xem linh mục như một thể loại người được rửa tội cấp cao mà việc truyền chức đã làm cho linh mục đến gần với Đức Kitô hơn. Dù chiêm ngưỡng Đức Kitô “dịu hiền và khiêm nhường” trong lòng khiến mình cũng trở nên khiêm nhường, song không phải lúc nào linh mục cũng thay đổi được cách nhìn trên.

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh lại điểm chính yếu trong Truyền thống. Quy chiếu đến vị Mục tử duy nhất, qua bí tích Truyền chức thánh, linh mục chỉ là người Tôi tớ nghèo nàn, được truyền chức để phục vụ Giáo hội. Trong thư Êphêsô 4, 11-12, chính thánh Phaolô đã giải thích nhãn quan về điều mà chúng ta gọi là phẩm trật: “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô”. Vì thế, sự phục vụ này trong một Giáo hội đang xây dựng không nhằm đưa đến vinh quang nào hết. Phẩm trật Kitô giáo chỉ để phục vụ cho số đông người mà Đức Kitô đã chịu chết vì họ. Là thừa tác viên của phụng tự mới, các linh mục không có ưu thế nào trên các Kitô hữu khác. Công đồng nhấn mạnh: “Các linh mục là những người anh em giữa các anh em, như những chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng” (PO, số 9).[8]

“Giáo dân” phải hiểu không chỉ là những người đến nhà thờ, thành viên các hội đoàn … mà những cư dân trong địa bàn giáo xứ, tin hay không tin, lãnh đạm hay nhiệt tình. Là linh mục trẻ, cha phó, bạn phải chia sẻ với cha sở sự chăm sóc, mối quan tâm và phục vụ những linh hồn này. Điều quan trọng đầu tiên, đó là cần phải biết về giáo xứ của bạn. Không chỉ là địa lý lãnh thổ (géographie territoriale) mà bạn còn phải biết địa lý nhân sinh (géographie humaine). Thật thú vị biết bao! Biết rõ những người mà bạn có trách nhiệm là điều kiện đầu tiên để bạn có thể đáp ứng được những gì mà họ có quyền chờ đợi nơi bạn cũng như để cho họ điều mà tâm hồn họ cần. Đây là những điều mà một cha phó trẻ phải biết về giáo xứ của mình trong những tháng đầu tiên: Lịch sử giáo xứ, lịch sử các cha sở và các linh mục tiền nhiệm, vài ý niệm về đời sống kinh tế của giáo dân trong giáo xứ.

Đừng quên điều mà giáo dân chờ đợi nơi một linh mục, ngay cả người thờ ơ nhất, đó là bạn phải hoàn toàn là một linh mục và chỉ là linh mục. Hồng y Verdier thường lập đi lập lại: “Linh mục như bí tích thứ tám, là người mang ân sủng đến khi ông hành động như là một linh mục”. Hãy là linh mục trong trọn cuộc sống, trong mọi lời nói trong cách hành động với mọi người. Hãy siêng năng và chính xác, dù là giờ lễ, giờ giải tội, buổi họp nhỏ, đừng bao giờ để người ta phải chờ đợi. Bạn không thể đòi hỏi sự đúng giờ nếu bạn không nêu gương.

Hãy cẩn thận với vẻ bên ngoài. Bạn hoàn toàn có quyền nghèo khó nhưng có bổn phận phải luôn sạch sẽ, không “bụi bặm”, “hầm hố”! Nếu không cẩn thận, rất dễ đi đến chỗ bê bối về điểm này. Một linh mục phải kính trọng chính chức linh mục của mình – ngay trong vẻ bên ngoài, nếu muốn được người khác kính trọng.[9]

II. TƯƠNG QUAN CHA SỞ VÀ CHA PHÓ TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHẬN

Truyền thống giáo phận cũng lâu đời như chính sự hiện diện Giáo phận. Bổn phận của chúng ta là bảo tồn, lưu truyền, đồng thời trong một vài trường hợp có thể cập nhật truyền thống này cho phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ ràng là những nguyên tắc lâu đời này vẫn còn nguyên giá trị. Xin được trích và trích dịch một số các tài liệu của Giáo phận nói về tương quan giữa cha sở và cha phó xếp theo thứ tự niên đại.[10]

1. Mémorial de Quinhon, số 152, 26 Juillet 1919, tr. 92-95.

I. Bổn phận của cha sở đối với cha phó

1. Dạy dỗ và hướng dẫn: Cha sở có kinh nghiệm mà cha phó thường còn thiếu sót. Điều này thật đúng khi cha phó là một linh mục trẻ mới chịu chức. Đại chủng viện không thể dạy cho cha phó cái môn thực hành và thực nghiệm này mà thiếu nó thì ta chỉ có mò mẫm và sai lầm. Cha sở có bổn phận phải giúp cha phó đạt được điều đó. Chính vì thế mà cha sở phải nhìn cha phó không chỉ như một người cộng tác hữu ích mà còn là một linh mục mà ngài còn phải kết thúc và hoàn thành việc huấn luyện. Tùy theo việc ngài làm trọn vai trò của mình cách tốt xấu thế nào thì Chúa sẽ cũng được vinh hiển ít nhiều, con số các linh hồn được cứu rỗi cũng ít hay nhiều …

Mối tương quan với cha phó của mình cũng được rút ra từ nguyên tắc này.

Vì thế, cha sở phải khai tâm cho cha phó công việc quản trị phần đạo và đời của giáo xứ ; dạy cách làm sổ chi tiêu, sổ sách giáo xứ ; dạy cách điều khiển công việc ; hướng dẫn những công việc mục vụ khác nhau ; nhờ giảng lễ thường xuyên để huấn luyện, báo cho cha phó sớm và cho ngài đủ thời gian để soạn bài giảng ; cảnh báo với lòng bác ái những lỗi mà ngài có thể phạm phải khi rao giảng, khi dạy giáo lý, khi giao tiếp với giáo dân, etc…. Một cha sở sẽ phải thẹn với lương tâm khi không làm trọn những bổn phận này.

2. Ei invigilet. Sự trông chừng này không chỉ về cách mà cha phó làm trọn những bổn phận khác nhau của sứ vụ, nhưng còn trên toàn bộ đời sống, trên những sách báo ngài đọc, sự siêng năng học hỏi … sự trung thành với các việc đạo đức, suy gẫm, lần hạt, viếng thánh thể … về các mối quan hệ (relations).

Một sự cảnh báo đúng lúc và với thiện chí về những điểm khác nhau này có thể có một ảnh hưởng quyết định trên toàn bộ một đời sống linh mục.

Thiết tưởng không cần phải lưu ý rằng khi thi hành những bổn phận này, Cha sở cấm ngặt mọi tra vấn không cần thiết, mọi phương pháp gây khó chịu, tóm lại, tất cả những gì mà tự nhiên có thể gây thương tổn cho cha phó cách không cần thiết.

3. Ít nhất mỗi năm một lần, Cha sở buộc phải báo cáo cho giám mục về hạnh kiểm của cha phó. Báo cáo này phải thật chính xác. Nếu vì quá hài lòng, ta có thể một mặt nói quá về những phẩm tính tốt mà lại im lặng về những lỗi phạm mà chúng luôn hữu ích cho Giám mục nếu ngài được biết. Sự thái quá về điều ngược lại còn đáng chê trách hơn nữa; và cũng dễ dàng rơi vào điều đó nếu không lưu ý.

Tinh thần mà một cha sở phải có khi thực hiện những bổn phận khác nhau này được đánh dấu bằng từ paterne mà Giáo luật đã sử dụng. Cha sở phải có những tâm tình như một người cha đối với cha phó. Một người cha không ganh tị với những thành công của con mình mà trái lại phải hãnh diện, và không bỏ qua điều gì để giúp đỡ, làm gia tăng và trải rộng những thành công này ra. Một người cha phải biết đúng lúc pha lẫn răn dạy và khuyến khích, trách cứ và khen tặng, không nói để vừa lòng hay nói gay nói gắt, nhưng với sự cương nghị dịu dàng và đầy tình cảm. Một người cha đối xử với con bằng một tình cảm chân thật, một sự tận tụy vô bờ, đầy tín cẩn. Để cho các bài học của mình thêm hiệu quả, người cha phải củng cố các bài học bằng chính gương sáng của mình.

II. Bổn phận của các cha phó

Theo tinh thần của Giáo Hội, cha phó phải đặt ra một mục tiêu kép: tự rèn luyện mình về thừa tác vụ chăm sóc các linh hồn và giúp đỡ cha sở cách hữu hiệu trong việc thi hành bổn phận của ngài.

Tình trạng của cha phó trong giáo xứ là tình trạng của người dưới quyền: subest parocho (người dưới quyền cha sở) : đó là trật tự phẩm trật. Là người dưới quyền, cha phó không thể vắng mặt, dù là một thời gian ngắn, mà không có phép rõ ràng của cha sở; cha phó không có quyền thay đổi gì trong việc điều hành giáo xứ, trong sự hiện hữu cũng như tiến trình các hội đoàn. Lời nói cũng như hành động phải mang dấu ấn sự vâng lời. Hẳn nhiên, cha phó không buộc phải đồng ý trong thâm tâm về một vài biện pháp, phương pháp tông đồ, một vài thói quen sống mà mình cho là không tốt, nhưng ít nhất phải giữ đừng chê trách chúng trước mặt giáo dân hay trước các anh em đồng sự với mình. Chẳng phải như thế là nghịch với bổn phận riêng của mình sao - Quod Deus avertat! (Đó là điều Thiên Chúa cấm!) – nếu như ngài gây trở ngại bằng cách lập bè lập phái, chống đối, về phe với những người phàn nàn cha sở, nói cho người lạ biết những khó khăn mà có thể chính mình gặp phải với cha sở?

Quyền và bổn phận có tính tương quan: nếu cha phó có quyền được cha sở đối xử như người cha (paternellement) thì ngược lại cha phó có bổn phận biểu lộ những tình cảm của một người con yêu mến và tùng phục.

Kính trọng sâu xa, gắn bó thân thiết, phục tùng hoàn toàn, cộng tác tích cực và tận tụy, đó là bốn từ tóm gọn đường lối cư xử của cha phó đối với cha sở.

III. Chung sống và đời sống chung

Không buộc nhặt cha sở và cha phó phải chung sống, nhưng sống chung cùng nhau thì rất thuận lợi cho nhau, rất ích lợi cho các linh hồn và hoàn toàn nằm trong tinh thần của Giáo Hội…

Ngoài các bữa ăn, khuyên nên làm việc đạo đức chung và cuối cùng không khó khăn nào không thể vượt qua được trong đời sống chung giữa cha sở và cha phó, trừ vài trường hợp bất thường …”

2. Mémorial de Quinhon, tháng Ba 1928, tr. 45

“Chính vì lòng thương yêu đến thăm nhau, nhưng đừng lấy dịp viếng thăm làm vậy mà ăn uống bỉ bàng trọng thể chi, vì thường hay sinh mất thể diện thầy cả, nhất là cải cọ nhau om sòm, nói hành nói tỏi, xét đoán việc anh em cùng bề trên ta trước mặt trẻ giúp, trước mặt bổn đạo hoặc kẻ ngoại đến coi. Ta phải làm gương tốt ở mọi nơi mọi chỗ, mọi giờ mọi khắc luôn chớ quên.

Khi ta đi thăm người Tây hay quan quyền, thì chớ thị thường quá, chớ buông lời trách móc đứng bề trên, anh em cùng bổn đạo ta, vì tỏ ra gương mù gương xấu hoặc làm cho bổn đạo thường cùng người ngoài biết rõ việc trong hội ta. Hãy giữ thế khi ăn uống; chớ gì sự ta đi thăm viếng vậy nên gương tốt cho người mà chẳng hề để dịp cho họ khinh bỉ đạo thánh cùng chức quyền thầy cả ta.”

3. Mémorial de Quinhon, số tháng Bảy 1928, tr. 111-112

Tóm bài giảng tĩnh tâm của cha G.B. Nguyễn Bá Tòng cho các linh mục địa phận Qui Nhơn từ ngày 15 đến 21 tháng Hai 1928.

I. Phải yêu mến nhau thế nào ? Phải giúp đỡ nhau, phụ giúp nhau trong thừa tác vụ, bảo vệ nhau, cảnh báo cho nhau, correctio fraterna, xây dựng cho nhau bằng cách phục vụ nhau, làm sáng tỏ cho nhau (s’éclairer), cứu giúp nhau, tin tưởng nhau, luôn sẵn sàng phục vụ trong mọi sự và cho mọi người.

II. Phải tránh : 1. Vu khống : như vậy hãy nói tốt, hãy cẩn trọng, tôn trọng trong lời nói ; 2. Nói xấu : tốt thì khoe, xấu thì che, 3. Ghen tuông, từ đó phát sinh những lời phê bình, đả kích, ác cảm và nhất là trả thù mà các linh mục hay có khuynh hướng này.

4. Kim chỉ nam Địa phận Qui Nhơn[11]

Các cha phó

89. Các cha phó được gởi đến giáo xứ để giúp đỡ cha sở. Họ không có quyền chọn lựa phần thừa tác vụ của mình, cũng không được tự ý làm điều trái với ý muốn cha sở hay cha sở không biết. Họ không được vắng mặt mà không có phép. Vắng mặt ở đây phải hiểu là sự xa vắng khiến họ không thể chu toàn những bổn phận của cha phó. Phép lịch sự đòi hỏi họ phải báo cho cha sở biết ngay cả những lúc vắng mặt ngắn hạn.

90. Cha phó có thể chứng hôn trong giới hạn giáo xứ được chỉ định, nhưng phải có phép rõ ràng của cha sở, trừ phi có lý do chính đáng.

Cha phó không có quyền cấp giấy chứng nhận rửa tội, thêm sức hay hôn phối trừ khi ngài giữ sổ sách của giáo xứ ở nhà mình, trong trường hợp này, ngài phải ký: ký thay cha sở N…

91. Khi vì thừa tác vụ của mình, một cha sở muốn nhờ một cha phó của giáo xứ lân cận, cha phó chỉ được làm với sự đồng ý của cha sở có liên quan.

92. Các cha phó phải tỏ ra dễ mến, dễ dạy, kiên nhẫn, tránh xét đoán vội vàng những lời nói việc làm của cha sở mình ; các cha phó không phải tìm cách thoát khỏi sự bảo hộ của cha sở nhưng tìm cách thực hành những bài học đạo đức và nhiệt tâm được trao ban cho họ.

KẾT LUẬN

Bài viết này dựa trên các tài liệu cũ xưa của thập niên 1940 nhưng giá trị vẫn còn mãi với thời gian, vẫn còn là mục tiêu khó đạt của lớp người ngày nay. Con người cứ lần lượt ra đi hết thế hệ này đến thế hệ khác nhưng giá trị của cái chân thiện mỹ vẫn trường tồn và là “ngọn đèn soi bước chân đi” (Tv 119, 105).

Triết gia Hy Lạp Platon đã nói rằng: “Hành vi nhân bản xuất phát từ ba nguồn chính: Ước muốn, cảm xúc và kiến thức”. Vì thế, để thi hành thừa tác vụ linh mục cách hữu hiệu theo như “lòng Chúa mong ước”, các linh mục tương lai cần phải học hỏi tu luyện những đức tính nhân bản, cần thiết cho sự kiến tạo những nhân cách quân bình, mạnh mẽ và tự do: chính vì để có khả năng chịu đựng sức nặng của các trách nhiệm mục vụ. Bởi đó có nhu cầu phải được giáo dục về lòng yêu mến chân lý, về sự chân thành, về sự tôn trọng nhân vị đối với mọi người, về ý thức công bằng, về chữ tín trong lời nói, về lòng trắc ẩn thực thụ, về tính nhất quán, cách riêng về sự quân bình trong phán đoán và trong cách cư xử (PDV số 43).

Là con người có những lỗi lầm cũng như khiếm khuyết của con người, một phần trong con người linh mục là tội lỗi và hư hao. Và với phần tội lỗi đó thì linh mục cử hành các bí tích “nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi). Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, sau khi truyền phép thì linh mục cúi mình hay quỳ gối xuống trước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, cử chỉ đó cho thấy rằng dù người linh mục hành động nhân danh Đức Kitô nhưng không phải là Đức Kitô. Trước Giáo hội, linh mục đặt mình là người hướng dẫn, làm việc hướng tới việc thánh hóa các tín hữu được giao phó cho thừa tác vụ của mình, về cơ bản là mục vụ. Sứ vụ linh mục như một “bổn phận yêu thương” (amoris officium) như Thánh Augustinô đã nói “Sit amoris officium pascere dominicum gregem” (Yêu thương là nhiệm vụ và bổn phận để chăn dẫn đoàn chiên của Chúa - In Iohannis Evangelium Tractatus 123,5). Thực tại này phải được sống với sự khiêm tốn…. Linh mục sẽ hiến dâng cuộc đời cho anh em mình, sống như một dấu chỉ của lòng bác ái siêu nhiên, trong sự vâng phục, khiết tịnh độc thân, với sự đơn sơ và tôn trọng kỷ luật trong sự hiệp thông của Giáo hội.[12]

---------------------------

[1] Xem https://associationofcatholicpriests.ie/the-young-priest-and-the-old-man/
[2] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đào tạo linh mục: Định hướng và chỉ dẫn, số 220, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 125
[3] Ibid., tr. 144
[4] Gaston Courtois, Jeune prêtre, Notes de pastorale pratique, Centre d’Études Pastorales et Pédagogiques, 1945, tr. 8
[5] Chanoine Joseph Robert, Petit manuel du Prêtre en paroisse, Maison Aubanel Père, 1953, tr. 123-127
[6] Thánh bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục, Tota Ecclesia (31/1/1994), số 93.
[7] Những lời khuyên được góp nhặt trong Gaston Courtois, Jeune prêtre, Notes de pastorale pratique, Centre d’Études Pastorales et Pédagogiques, 1945, tr. 22-31.
[8] Émile Marcus, “Les prêtres après Vatican II”, trong Prêtres et pasteur, Mane,1968, tr. 138-140.
[9] Gaston Courtois, Jeune prêtre, Notes de pastorale pratique, Centre d’Études Pastorales et Pédagogiques, 1945, tr. 32-39.
[10] Phần này đã được trình bày trong khóa Thường huấn các linh mục trẻ Giáo phận Qui Nhơn ngày 14/7/2016, chép lại đây để lưu giữ và ước mong tiếp nối một truyền thống tốt đẹp.
[11] Directoire du Vicariat Apostolique de Quinhon, Imprimerie de Quinhon, 1942, tr. 42-43.
[12] Thánh bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục, Tota Ecclesia (31/1/1994), phần kết luận.


Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Mới hơn Cũ hơn