Một Hội Thánh hiệp hành - tham gia nơi “Các chức việc’” và “Giáo lý viên”



Một Hội Thánh hiệp hành - tham gia nơi “Các chức việc’” và “Giáo lý viên”.

“Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. (x. Mc 16,15). Mệnh lệnh của Chúa Giêsu, thông truyền cho các Tông đồ vừa bày tỏ tình thương vô cùng của Ngài đối với nhân loại và sự tín nhiệm của Ngài nơi các Tông đồ và sau này thông truyền lại cho Giáo Hội. Vì thế việc Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội cũng là bản chất của mỗi người Kitô hữu được mời gọi tham gia.

Tin Mừng (x. Mt 20,7) “Cả các anh nữa, hãy đi vào làm vườn nho cho Ta”, chính Chúa muốn mời gọi mọi người vào Giáo hội cùng tham gia đi làm vườn nho cho Chúa.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tháng 9 năm 2013 có định hướng: “Việc tham gia xây dựng Giáo Hội là sứ mạng của mỗi người Kitô hữu. Qua Bí tích Thánh tẩy, chúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, là thành viên của gia đình Giáo Hội, là anh em trong Đức Kitô, cùng tham gia vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người ….”. Trong khuôn khổ bài viết này xin đưa ra vài gợi ý cho đề án một Hội Thánh hiệp hành- tham gia nơi “các chức việc” và “Giáo lý viên”.

1. Đề án một Hội Thánh hiệp hành- tham gia nơi “Các chức việc”.

Trong Tông huấn “Các Kitô hữu giáo dân” được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đúc kết (năm 1988), có nhấn mạnh đến chiều kích hiệp thông trong Giáo Hội nói chung cũng như các cộng đoàn Giáo hội địa phương nói riêng. Trong đó giáo dân có trách nhiệm tham gia vào ba chức vụ, rao giảng, tư tế và quản trị (số 14), và được kêu gọi để nên thánh (số 16 và 17). Cách riêng giáo dân được mời gọi tham gia vào đời sống hiệp thông có cơ cấu của Giáo Hội (số 18- 20). Theo những giáo huấn trên đây của Giáo Hội, những anh chị em được tín nhiệm vào các chức vụ trong Hội đồng Giáo xứ (các chức việc) cần ý thức mình đang được vinh dự cùng với chủ chăn chia sẻ trách nhiệm với vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu Kitô, Đấng đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng luôn hạ mình phục vụ đến hiến dâng chính mạng sống mình (x. Mc 10,45). Để qua đó góp phần xây dựng Giáo xứ dưới sự hướng dẫn của Cha xứ, theo các quy tắc do Đức Giám mục Giáo phận ấn định (x. GL 536).

a. Cộng tác với Cha xứ tham gia vào việc quản trị Giáo xứ.

- Các chức việc, dưới sự hướng dẫn của Cha xứ, chia sẻ những công việc điều hành Giáo xứ, tìm hiểu và phân tích tình hình Giáo xứ về mọi mặt, nhất là về đức tin và phong hóa, để xác định những ưu tiên mục vụ và đưa ra những chương trình hoạt động cho Giáo xứ, đồng thời giúp Cha xứ quản lý tài sản của Giáo xứ.

- Các chức việc tích cự tham gia vào các sinh hoạt mục vụ của các giáo họ hay đoàn thể hiện có trong Giáo xứ nhằm xây dựng Giáo xứ ngày càng phát triển hơn.

- Các chức việc tham gia vào các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, cùng với Cha xứ động viên mọi người quán xuyến mọi công việc trong giáo xứ, tạo bầu khí hiệp thông, cộng tác giữa các thành phần dân Chúa trong giáo xứ. Đôn đốc và kiểm tra về các ban ngành như: Phụng vụ, Thánh nhạc, Khánh tiết, Giáo lý, Truyền giáo, Đoàn thể, Bác ái ……

- Các chức việc tham gia vào các chực vụ Thư ký và Thủ quỹ : phổ biến các chương trình sinh hoạt mục vụ, lưu giữ hồ sơ, thông tin liên lạc, cũng như bảo vệ tài sản giáo xứ như ruộng đất, nhà thờ, nhà xứ, nghĩa trang …

b. Các chức việc được mời gọi tham gia đặc trách vào Phụng vụ và các Bí tích.

- Cộng tác với Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ chăm lo các công việc liên quan đến Phụng vụ, các hoạt động của ca đoàn và giúp Cha xứ trong việc cử hành các Bí tích. Phân chia người đọc sách, giúp lễ, bắt kinh, cũng như bảo quản các đồ liên quan đến Phụng vụ. Chăm sóc mỹ quan trong khuôn viên nhà thờ, trang trí trong các dịp đại lễ ….

- Các chức việc nhiệt tình quan tâm chăm sóc giúp các kẻ liệt, chuẩn bị tâm hồn để họ được xưng tội và rước mình Thánh Chúa sốt sắng. Giúp đỡ các gia đinh lo an táng, cầu hồn và hướng dẫn giúp những người sắp kết hôn đến gặp Cha xứ làm các thủ tục chuẩn bị kết hôn….

c. Các chức việc được mời gọi tham gia đặc trách Truyền giáo, Đoàn thể và công tác Bác ái.

- Chăm lo các sinh hoạt dự tòng, các sinh hoạt đoàn thể theo chương trình chung của giáo xứ. Siêng năng thăm viếng những người già cả bệnh tật, những người lơ là trễ nải, gặp gỡ và giao tiếp với những người ngoài Công giáo và các tôn giáo khác, để tạo mối thiện cảm và yêu thương để có cơ hội giới thiệu Chúa cho họ khi họ cần.

- Cộng tác với Cha xứ lo việc bác ái cho người nghèo, góp phần bài trừ và xa lánh những tệ nạn xã hội …

- Cộng tác với Cha xứ trong việc xây dựng, trùng tu nhà thờ, nhà xứ và các cơ sở vật chất của Giáo xứ.

II. Đề án một Hội Thánh hiệp hành- tham gia nơi “các Giáo Lý Viên”.

Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa (9- 2023) về “Giáo Hội tham gia” có đề nghị :

“…… Cách riêng, các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách phụng vụ, thành viên các hội đoàn, cần có đời sống nội tâm và học hỏi Giáo huấn của Giáo hội để tham gia sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên, tích cực nhiệt thành mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và công đoàn”.

- Giáo lý viên là ai ? Giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh chính thức quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Kitô ủy thác qua Giáo hội. Giáo lý viên là người luôn tìm cách khám phá ra tình yêu Chúa trong đời mình, cũng như khám phá ra điều gì Chúa đang chờ đợi nơi mình để nhờ đó có thể dễ dàng giúp đỡ người khác tìm gặp và yêu mến Chúa.

- Ơn gọi nên thánh của giáo lý viên, là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, nhưng theo chức năng của mình, giáo lý viên đòi hỏi phải sống ở mức độ cao hơn. Có thể nói rằng Linh đạo giáo lý viên hệ tại việc sống những đòi hỏi của Tin Mừng đó là :Yêu mến Chúa hết lòng (x. Lc 10,27), Vâng lời người đại diện Chúa (x. Lc 10, 16), và mỗi ngày nên tốt hơn (x. 1 Tx 4,3)

1. Yêu Mến Chúa Kitô hết lòng

a. Đặt Chúa lên trên hết.

- Đòi hỏi trước tiên cần nhiều cố gắng trong đời sống giáo lý viên là đặt Chúa trên hết mọi sự bằng cách qui tụ tất cả về Thiên Chúa như đỉnh cao duy nhất, để Ngài hướng dẫn và chi phối tất cả hoạt động của nình.

- Sau một thời gian hăng say trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên sẽ xác tín rằng sứ mệnh và rời rao giảng của mình không có ý nghĩa gì nếu không phải Thiên Chúa ban cho, do đó mối tương quan giữa giáo lý viên và Thiên Chúa chính là lòng mến.
Yêu mến Chúa.

Qui hướng tất cả công việc về Chúa chưa đủ mà còn gắn kết mật thiết với Chúa bằng mối dây tình yêu thể hiện qua những Thái độ:

- Học hỏi và sống Lời Chúa: Lời Chúa không chỉ để đọc mà đón nhận như lương thực nuôi sống tâm hồn, làm đổi mới cung cách sống của giáo lý viên trở nên nhân chứng cho Lời Chúa. Thường xuyên lắng nghe, học hỏi và chia sẻ Lời Chúa sẽ giúp cho giáo lý viên nhận ra sự hiện diện của Chúa và sống tình con thảo với Ngài.

- Tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ cách chủ động và ý thức qua các lời kinh tiếng hát cũng như những đối đáp giữa chủ tế với cộng đoàn nơi Thánh lễ, làm cho việc cử hành phụng vụ sinh động và sốt sắng hơn. Giáo lý viên, khi tham gia tích cực và chủ động trong phụng vụ qua những thái độ và cử chỉ như đứng, quỳ, ngồi, đồng thời giúp người khác cùng tham dự với tinh thần đồng tâm nhất trí trong tình huynh đệ sẽ góp phần làm cho đời sống đạo mỗi người thăng tiến hơn.

- Giáo lý viên, con người của cầu nguyện: cầu nguyện không chỉ là nỗ lực của con người hướng về Chúa mà là tìm gặp Chúa Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế giáo lý viên cần dành nhiều thời gian và siêng năng cầu nguyện nhất là những lúc vất vả giang khổ, để tỏ bày chúng ta đang cần đến Chúa. Đồng thời giáo lý viên cũng tích cực hướng dẫn và giúp các em thiếu nhi cầu nguyện, để các em dần tiếp cận và làm quen việc gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, ngõ hầu các em ngày càng yêu mến Chúa hơn.

b. Vâng theo ý Chúa

- Trong bất cứ việc gì, nếu chúng ta làm với tinh thần vui vẻ, hăng hái vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, việc ấy sẽ trở nên nhẹ nhàng và sinh nhiều kết quả tốt đẹp.

- Là giáo lý viên, càng ý thức hơn với tinh thần vâng phục và sẵn sàng cầu nguyện dứt khoát làm điều hợp ý Chúa. Thái độ tin yêu phó thác sẽ giúp cho các giáo lý viên luôn thức tỉnh, lắng nghe tiếng Chúa nói và sẵn sàng thi hành.

c. Gắn bó với Giáo Hội

Giáo lý viên khi đã yêu mến Chúa thì không thể không yêu mến Giáo Hội là thân thể của Người. Hơn nữa qua Giáo Hội, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người. Vì thế, yêu mến Giáo Hội là bổn phận tự nhiên của con cái đối với Thiên Chúa là Cha, sự yêu mến này được thể hiện qua những thái độ như sau:

- Vâng phục và yêu mến Giáo Hội: Lòng vâng phục Giáo hội không chỉ là tình cảm tự nhiên nhưng bắt nguồn từ đức tin, vì Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô và chính Chúa Kitô đã trao quyền này lại cho Giáo hội khi xác định điều này: “Ai nghe các con là nghe ta, ai không nghe các con là không nghe chính ta …” (Lc 10,16). Như vậy, vâng phục và yêu mến Giáo hội là vâng phục và yêu mến chính Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta.

- Bênh vực Giáo Hội: Giáo lý viên, là người qua Giáo hội được Chúa sai đi rao giảng, vì thế trong mức độ của mình, Giáo lý viên có bổn phận bênh vực Giáo Hội, không phải bằng những cuộc đấu khẩu nhưng bằng việc phổ biến giáo lý lành mạnh của Giáo Hội và bằng cách sống gương mẫu của mỗi thành viên.

- Cộng tác với Giáo Hội: Sứ điệpTin Mừng mà Giáo lý viên trình bày không phải của riêng mình, nhưng được Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội, vì thế Giáo lý viên không trình bày theo ý riêng mà phải truyền đạt theo đúng ý của Giáo Hội. Để cho sứ điệp Lời Chúa được nảy sinh trong tâm hồn người khác, các Giáo lý viên cần có những thái độ sau đây:

    + Từ bỏ thái độ thầy dạy nhưng chấp nhận ra khỏi mình.

    + Đặt cho đúng trách nhiệm của mình.

    + Không chặn đứng sự tiến triển đức tin của người khác.

    + Giáo lý viên tích cực làm mới bộ mặt nhân loại bằng cách thay đổi từ bên trong con người của mình.

    + Làm chứng tá bằng sự hiện diện, bằng thái độ sống, bằng gương lành, gương sáng.

    + Dấn thân trong các hoạt động Tông đồ.

- Tích cực tham gia xây dựng cộng đoàn xứ đạo: Trách nhiệm của Giáo lý viên là tích cực cộng tác với Cha xứ để xây dựng xứ đạo. Việc xây dựng này có thể đánh đổi bằng mất mát, những đau thương, những hiểu lầm, những va chạm, nhưng chính qua những cái đó, giáo lý viên mới có thêm kinh nghiệm và khả năng kiến tạo và trao tặng hạnh phúc cho người khác.

Là thành viên của một xứ đạo, Giáo lý viên không có quyền tách biệt khỏi nhịp sống của xứ đạo nhưng phải là sợi dây nối kết mọi người trong tình huynh đệ hiệp thông, tất cả đều hướng về mục đích làm sáng danh Chúa.

Một người Giáo lý viên tham gia vào đời sống Giáo Hội đúng nghĩa là phải biết dung hòa cả hai đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ. Thật ra, để dạy giáo lý cho có hiệu quả, giáo lý viên không ngừng trau dồi về đời sống tâm linh và khả năng tông đồ, nhưng cuối cùng điểm phải nhắm tới trước tiên là việc gắn bó với Chúa Kitô và lấy Lời Ngài làm nền tảng cho mọi lời rao giảng của chúng ta.

Những gợi ý trên dựa vào hai nguồn chính : Qui chế Hội Đồng Giáo xứ của Giáo phận Qui Nhơn và Giáo trình huấn luyện Giáo Lý Viên của ban Giáo lý Giáo tỉnh Sài Gòn.

Giáo hạt Mằng Lăng
Mới hơn Cũ hơn