Suy niệm mỗi ngày, Tuần 18 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

Gr 18,1-17; Mt 14,13-24

Tin Mừng ngày hôm nay cho thây sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, Chúa Giêsu đã lên đò, đi vào nơi thanh vắng, không phải vì sợ những tai họa sẽ giáng xuống trên Ngài, nhưng để khẳng định hơn nữa sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu. Vị ngôn sứ của Thiên Chúa là người chỉ biết nói Lời Thiên Chúa, sống chết với Lời ấy chứ không tìm cách mị dân, nịnh chính quyền, dối láo như Khanania trong bài đọc I hôm nay mà chúng ta vừa được nghe. Bằng chứng cụ thể là khi đã lui vào trong nơi thanh vắng, nghe biết dân chúng từ các thành đi bộ tới tìm Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã ra với họ. Thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo, Chúa Giêsu đã chạnh lòng xót thương họ.

Tin Mừng còn cho thấy, Chúa Giêsu ở đâu thì ở đó luôn luôn có một đám đông dân chúng vây quanh Ngài. Họ luôn được Chúa Giêsu yêu thương, săn sóc vì Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Ta thương dân này vì họ bơ vơ như chiên không người chăn giữ”. Thế là Chúa Giêsu đã đến với họ, chữa lành bệnh tật, giảng dạy cho họ y hệt như người mục tử săn sóc đàn chiên của mình. Hành động ấy của Chúa Giêsu cho thấy Chúa Giêsu đến để thiết lập một dân mới của Thiên Chúa. Dân mới này được Chúa Giêsu yêu thương, săn sóc, được tẩy sạch mọi thứ thần ô uế và bệnh tật, lại còn được nuôi dưỡng bằng lời hằng sống của Thiên Chúa và nhất là bằng chính thịt và máu Đức Kitô mà phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ là hình bóng báo trước Tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập vào lúc cuối đời của Ngài.

Bởi được Chúa Giêsu yêu thương, săn sóc, được nuôi dưỡng chính Mình và Máu Chúa, dân mới này có nhiệm vụ phải loan báo Lời Thiên Chúa, sống chết với Lời Chúa và nhất là noi gương Chúa Giêsu, họ cũng phải biết chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói túng cực. Tin Mừng kể lại: trời đã xế chiều, các môn đệ đến thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ tản vào các làng mạc mà ăn uống”. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy cho họ ăn”. Lệnh truyền cho người đói ăn của Chúa Giêsu hôm nay làm cho chúng ta nhớ lại những lời chung cuộc của buổi xét xử thế gian: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta mình mình trần các ngươi đã cho mặc… hãy vào hưởng Nước vinh quang đã sắm cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa…”. Như thế, Lời Chúa Giêsu hôm nay: “Hãy cho họ ăn” trở thành một lệnh truyền chung quyết buộc mọi Kitô hữu phải thi hành, trở thành dấu chỉ quyết định của dân mới của Thiên Chúa. Ai không cho người đói ăn, người ấy chưa phải là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, chưa phải là công dân của Nước Trời và chắc chắn sẽ phải được hưởng vinh quang đời đời với Thiên Chúa.

Hôm nay, xung quanh chúng ta còn biết bao người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, còn biết bao người đang phải lam lũ, cơ cực trong cuộc đời không xứng hợp với phẩm giá con người. Biết bao trẻ thơ “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải bươn chải, lượm lặt rác rưởi, đổ mồ hôi lấy bát cơm thừa. Trước lệnh truyền của Chúa Giêsu “hãy cho họ ăn” chúng ta đã làm được gì? Hay chúng ta vẫn chỉ biết mình mà chẳng nghĩ tới ai. Đến với Chúa Giêsu mà lại không biết đến thân thể Chúa là anh em của chúng ta đây, thì chúng ta vẫn chưa thực sự đến được với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu vừa nuôi chúng ta bằng lời hằng sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sắp một lần nữa lại âu yếm nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta”. Chúa Giêsu nuôi chúng ta bằng chính mình và máu của Ngài. Chả lẽ chúng ta lại để cho thân mình Chúa là anh em của quanh ta cứ lây lất một đời cơ cực, thiếu đói. Vậy gì hôm nay, khi đón nhận của nuôi sống mình từ nơi Thiên Chúa, chúng ta cũng biết sống chết với Lời Chúa, biết đem cơm áo cho người bất hạnh, kém may mắn hơn chúng ta. Có thế, chắc chắn Đức Giêsu Kitô sẽ hài lòng với chúng ta và ngay hôm nay, Đức Giêsu Kitô cũng sẽ nói với chúng ta: “Hãy vào hưởng vui mừng với Cha các con, vì Ta đói, các con đã cho ăn, Ta khát, các con đã cho uống”.



THỨ BA

Gr 30,1-2.12-15.18-22; Mt 14,22-26

Tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I hôm nay đã làm nổi bật lên chân dung của Thiên Chúa. Trước lỗi lầm phản bội của dân, Thiên Chúa đã trừng phạt họ nhưng rồi Người lại xót thương: “Ta sẽ trả lại nguyên vẹn lều trại Giacóp, sẽ trạnh thương doanh trướng nó”. Thiên Chúa đã phục hồi địa vị của họ, địa vị mà khi xúc phạm đến Người, họ đã làm mất đi. “Họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ”. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Người quên mất chính bản thân và danh dự đã bị xúc phạm của Người. Thiên Chúa như thể không cầm lòng nổi trước khổ đau của loài người, cho dù khổ đau ấy là hậu quả của lỗi lầm của họ. Thiên Chúa như thể cùng đau chung một nỗi đau với loài người. Thiên Chúa như thể chỉ thực sự hạnh phúc khi loài người được hanh phúc. Thiên Chúa của chúng ta là thế. Cho đến muôn đời, chúng ta vẫn không sao hiểu nổi tình yêu thương của Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ấy chỉ thực sự sáng tỏ cách tuyệt đối nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh Matthêu trong Tin Mừng hôm nay đã thuật lại: sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Canh tư đêm tối, tức khoảng 3 giờ sáng, Chúa Giêsu đi trên biển mà đến cùng họ. Người Do Thái vẫn thường coi biển cả, bão táp, sóng gió là những thế lực của ma quỷ, nên thấy Chúa Giêsu họ hốt hoảng tưởng là ma. Chúa Giêsu nói với họ: “Thầy đây, đừng sợ!”, Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Nếu thật là Thầy, thì xin cho con được đi trên nước mà đến với Thầy”. Chúa Giêsu đồng ý và ông đã đến với Ngài, nhưng khi thấy có gió, ông phát hoảng và bắt đầu chìm xuống. Ông kêu cứu và Chúa Giêsu đã cứu vớt ông. Khi cả hai thầy trò đã lên bờ, thì sóng gió liền im lặng. Thấy thế, mọi người trên thuyền bái lạy Ngài mà rằng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.

Qua đoạn Tin Mừng này, Matthêu đã cho chúng ta thấy: Đức Giêsu quả là Thiên Chúa thật. Nếu như theo người Do Thái, sóng gió, bão táp, biển cả là những mãnh lực của ma quỷ thì Đức Giêsu quả là vị Thiên Chúa thật có quyền trên ma quỷ và ma quỷ phải phục tùng Ngài. Quyền này, Chúa Giêsu không giữ cho riêng Ngài mà Ngài đã ban cho Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh, để Hội Thánh cũng có quyền trên mọi lãnh vực của ma quỷ. Quyền này, Chúa Giêsu ban cho Hội Thánh, để Hội Thánh có thể đến được với Thiên Chúa. Do đó, cùng đích, danh dự, địa vị của Hội Thánh không thuộc về thế gian này mà thuộc về Thiên Chúa. Chính vì thế, sau khi cho dân chúng ăn no nê, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò, sang bờ bên kia là chiến thắng satan và mọi quyến rũ của nó để đến với Thiên Chúa, để đi vào trong vương quốc Thiên Chúa, để cùng ở với Thiên Chúa.

Như thế, với Đức Kitô, chúng ta được mời gọi không chỉ để làm dân Thiên Chúa thôi mà còn được Thiên Chúa cất nhắc lên ngang tầm với Chúa Giêsu, có quyền trên satan và ma quỷ. Với Đức Giêsu, chúng ta được cất nhắc lên một địa vị mới, địa vị được làm con cái Thiên Chúa, được hưởng tình yêu, hạnh phúc và sự sống như Chúa Giêsu đã được. Dẫu chúng ta yếu tin, phản bội, chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương như thế đó. Đức Giêsu vẫn ở bên chúng ta, sẵn sàng đáp cứu bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Thật, không có loài người, thiếu vắng loài người, Thiên Chúa như thể thiếu một cái gì đó nơi Người, mà loài người chúng ta có là chi trước mặt Người! Tình yêu của Thiên Chúa chúng ta là thế đó, chúng ta vẫn không sao có thể hiểu được.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được nên một với Chúa Giêsu, được ở trong Chúa Giêsu, mà đã nên một với Ngài, tất nhiên chúng ta có quyền trên satan và sự dữ. Ước gì hôm nay chúng ta biết thực sự hợp nhất với Ngài trong mọi suy nghĩ và hành động, để mọi người, kể cả satan cũng phải bái phục chúng ta rằng: “Người này đích thực là Con Thiên Chúa”.


THỨ TƯ

Gr 31,1-7; Mt 15,21-28

Đoạn Tin Mừng hôm nay làm chúng ta thấy khó chịu với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu như thể chai dạn với lời van xin của một người mẹ đau khổ. Trước lời van xin của bà, Chúa Giêsu đã im lặng không đáp một lời. Tiếng kêu gào của bà đã phá vỡ sự im lặng của Chúa Giêsu, nào ngờ, lời của Chúa Giêsu nói ra còn bi đát hơn cả sự im lặng nặng nề trước đó. “Ta chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Irael”. Nói thế tức là từ chối không đáp ứng nguyện vọng chính đáng của một người mẹ đau khổ! Người đàn bà ấy vẫn chưa thua. Bấp chấp những can ngăn, bất chấp những ánh mắt ác cảm của những người xung quanh, bà đã lì lợm đến quì trước mặt Chúa Giêsu, năn nỉ: “Lạy Thầy, xin thương xót tôi”. Nhưng thái độ chân thành của bà như thế đã bị Chúa Giêsu nhẫn tâm chà đạp: “Không nên lấy bánh của con mà quăng cho đàn chó”, Đây là một từ chối quyết liệt nhất của Chúa Giêsu. Người đàn bà tội nghiệp ấy vẫn chưa chịu thua. Bà cúi đầu chấp nhận thân phận thấp bé, bất xứng của bà. Một lần nữa, bà mạnh dạn thưa với Ngài: “Nhưng đàn chó cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống chứ, thưa Ngài”. Trước lòng tin thật khiêm tốn của bà, Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật, bà muốn sao thì sẽ được thế!”. Lúc ấy bà đã được như ý muốn.

Matthêu muốn nói gì khi trình thuật về giai thoại chị phụ nữ Canaan này? Chúa Giêsu có nhẫn tâm trước đau khổ của con người chăng?

Điều thánh Matthêu muốn nhẫn mạnh ở đây là lòng tin lớn lao của người phụ nữ ngoại đạo. Lòng tin của bà không hời hợt bên ngoài, cũng không phải là một thứ trang sức cho phẩm giá của bà mà lòng tin ấy là tất cả những gì cao quý nhất của bà nên dầu có bị coi là chó, bị chà đạp đến đâu bà vẫn cương quyết bám chặt lấy lòng tin ấy. Với bà, rơi mất lòng tin là mất tất cả.

Qua đoạn Tin Mừng này, thánh Matthêu còn hé mở cho chúng ta thấy một phương thế tuyệt hảo để có thể làm được những điều Chúa Giêsu làm. Chúa Giêsu như thể tỏ ra nhẫn tâm được người đàn bà Cacaan này không phải để chọc tức hay chà đạp phải giá bà nhưng để đào luyện cho bà một lòng tin sắt đá. Chỉ khi có được một lòng tin sắt đá, chúng ta mới có thể làm được những gì chính Chúa Giêsu đã làm mà còn làm được những việc lớn lao hơn nữa như chính Ngài đã khẳng định: “Ai tin Ta thì những việc Ta làm, người ấy xũng sẽ làm mà còn làm được cả những việc lớn lai hơn thế nữa” (Ga 14,12). Chính vì thế, trước lòng tin không hề suy suyển của bà, Chúa Giêsu không nói: “Bà về đi, con bà đã được chữa lành”, nhưng đã nói: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật, bà muốn sao thì sẽ được như vậy”.

Ai đặt hết lòng tin vào Thiên Chúa, người ấy sẽ làm được những việc lơn lai. Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã sai Con Người làm người như chúng ta để khỏa lấp tất cả những ngăn cách giữa Thiên Chúa với chúng ta. Chúa Giêsu cũng đã yêu thương chúng ta đến sẵn sàng hy sinh chết cho chúng ta trên thập giá. Yêu là muốn nên một với người mình yêu, muốn chia sẻ mọi sự mình có cho người mình yêu. Điều Chúa Giêsu muốn chia sẻ cho chúng ta Kitô chỉ là địa vị được làm con Thiên Chúa mà Ngài còn muốn chia sẻ cho chúng ta tất cả quyền năng Thiên Chúa của Ngài, nghĩa là, Ngài cho chúng ta làm được những việc Ngài làm mà cả những việc lớn lao hơn nữa. Tình yêu nồng nàn và thủy chung mà Thiên Chúa dành cho chúng ta đã được mô tả từ lâu vào các thời tiên tri như bài đọc I hôm nay nói rõ: “Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu muôn thuở. Bởi thế, với người ta giữ bên lòng ân nghĩa… nên các ngươi sẽ hân hoan nói với nhau: dậy nào, ta lên núi Sion, đến với Thiên Chúa ta thờ”.

Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã cho phép chúng ta được đến với Người. Điều kiện để có thể đến được với Thiên Chúa là tin vào Người, tin cho đến độ trở thành như không trước mặt Người; đến độ thiếu Người đời ta thành vô nghĩa; có Người là mọi sự. Tin như chị phụ nữ Canaan, dầu bị xua đuổi, từ chối vẫn cứ tin. Hôm nay, chắc chắn Thiên Chúa vẫn đang đào luyện lòng tin của chúng ta để nó cũng trở nên sắt đá như lòng tin của chị phụ nữ Canaan ngoại đạo này. Nếu chúng ta có được lòng tin như thế, chúng ta sẽ được hưởng quyền làm Chúa của Chúa Giêsu đến độ muốn gì được nấy.

Chúa Giêsu sắp hiến mình cho chúng ta trên bàn thờ này để chúng ta được nên một với Ngài. Ước gì hôm nay khi đến với ta, Ngài cũng sẽ nói với ta như đã nói với chị phụ nữ Canaan: “Lòng tin của các con lớn thật, các con muốn gì thì sẽ được như vậy”.


THỨ NĂM

Gr 31,31-34; Mt 16,13-23

Tin Mừng hôm nay thuật lại: Khi tới địa hạt Cêsarê Philiphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Sau khi họ cho Chúa Giêsu biết dư luận đang đồn thổi thế nào về Ngài, Ngài lại hỏi họ: “Còn các con bảo Thầy là ai?”. Sao Chúa Giêsu không hỏi: các con tin gì hay trong các điều Thầy dạy điều nào chí lý nhất? Sao Ngài lại hỏi: “Thầy là ai?”. Thầy là ai, đó là một câu hỏi quan trọng và độc đáo nhất của Kitô giáo. Vì Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một đạo lý, một mớ những điều phải tin mà Kitô giáo trước hết là một con người, tên là Giêsu Kitô.

Giêsu Kitô nghĩa là gì?

Giêsu là một người Do Thái, con bà Maria, sonh ở Belem, lớn lên ở Nazareth, chết trên đồi Golgôtha.

Kitô là người được xức dầu để làm ngôn sứ, tư tế và làm vua. Cựu ước thường nhắc tới những nghi thức xức dầu tấn phong như việc Thiên Chúa tách riêng một người nào đó ra để trao cho họ nhiệm vụ phụng sự Thiên Chúa và phục vụ dân Người.

Chính Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”, cũng không hiểu hết sứ mạng và nhiệm vụ của người được xức dầu, nên ngay sau đó, chính ông đã ngăn cản, không muốn thầy mình chu toàn sứ mạng của vị Kitô.

Là người được xức dầu để chỉ lo phụng sự Thiên Chúa và phục vụ dân Người, Đức Kitô đã để Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ đời Ngài đến nỗi Ngài đã hoàn toàn sống và chết cho Thiên Chúa. trong vườn Giêtsêmani, trong cơn hấp hối hãi hùng, mồ hôi máu đẫm ướt thân mình, Chúa Giêsu đã thưa với Cha: “Nếu có thể được xin Cha cất chén đắng này khỏi nơi Con, nhưng đừng theo ý Con mà là theo ý Cha”. Rồi trên thập giá, thoi thóp trong hơi tàn sức kiệt, Chúa Giêsu đã thưa với Cha: “Đã hoàn tất”. Quả là Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng mà vị Kitô đòi hỏi như Ngài đã tuyên bố với Phêrô sau khi tuyên xưng “Thấy là Đức Kitô” rằng: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị giết đi nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Như thế, Chúa Giêsu Kitô chính là Đấng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa đến độ, sự sống của Ngài là của Ngài thật, song Ngài đã để Thiên Chúa có toàn quyền trên sự sống ấy. Khi Thiên Chúa đã có toàn quyền trên sự sống Ngài, thì Thiên Chúa cũng làm cho sự sống ấy trở nên vĩnh cửu như Thiên Chúa. Thế nên, ngay từ lúc tình nguyện chết vì vâng phục Cha, Chúa Giêsu đã được cất nhắc lên tới Thiên Chúa, đến độ trước mặt Ngài mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: “Giêsu Kitô là Chúa”. Chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đã là thật như ta, nên khi Ngài đã được cất nhắc lên làm Chúa, được lên ngôi Chúa, chúng ta cũng có quyền nói rằng: con người đã được đặt lên làm Chúa, được lên ngôi Chúa, được đến tận nơi Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, loài người chúng ta đã được cất nhắc đến tận nơi Thiên Chúa. Đó chính là chìa khóa Đức Giêsu trao cho con người qua tay Phêrô, để họ mở toang cửa lòng cho Thiên Chúa bước vào làm chủ cuộc đời và trái tim mình. Đó cũng là chìa khóa Thiên Chúa trao cho con người để họ bước vào tân trong cung lòng Thiên Chúa.

Chỉ khi ấy, Lời Thiên Chúa loan báo trong ngôn sứ Giêrêmia mới thực sự được ứng nghiệm: “Ta sẽ ký kết với Israel một giao ước mới, sẽ đặt luật Ta vào bên trong chúng, sẽ viết luật Ta trên tim lòng chúng. Chúng sẽ hết thảy biết Giavê bởi Ta sẽ tha tội cho chúng và không còn nhớ đến các lỗi lầm của chúng nữa. Từ nay sẽ không cần ai nói với ai về Ta nữa, vì mỗi người trong chúng sẽ biết Ta”. “Biết” ở đây là được kết hợp, nên một với Thiên Chúa hết như Đức Giêsu với Thiên Chúa, đến nỗi, nếu Đức Kitô là Thiên Chúa thật, thì nhờ Ngài, chúng ta cũng thực sự nên một với Thiên Chúa thật.

Kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết mà cà chính Đức Giêsu Kitô; không phải là một mớ những điều phải tin mà là một hành động chung cuộc để nên một với Thiên Chúa. Không trở nên vị Kitô của Thiên Chúa, nghĩa là không để Thiên Chúa chiếm trọn cuộc sống, trái tim, nghị lực, suy nghĩ và hành động của chúng ta biến tất cả những cái của chúng ta thành của Thiên Chúa, chúng ta vẫn chưa phải là Kitô hữu đích thực. Như thế, lời tuyen xưng: “Thầy là Đức Kitô” không phải chỉ là một lời tuyên xưng suông mà phải là phương châm của mọi hoạt động của chúng ta, phải là cùng đích của đời ta. Chúng ta phải trở thành vị Kitô của Thiên Chúa.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm hữu lấy đời ta, biến đổi ta thành sở hữu của Người và thành hiện thân của Đức Giêsu Kitô. Vì thế mà, sau thánh lễ này, chúng ta phải trở một vị Kitô sống động của Thiên Chúa giữa thế gian này, để càng ngày càng có nhiều người hơn được mời gọi trở nên những vị Kitô của Thiên Chúa. Có thế, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời ngay từ hôm nay.


THỨ SÁU

Nk 2,1-3;3,1-3.6-7; Mt 16,24-28

Chẳng phải trước đây, thập giá đối với người Do Thái mới là một cớ vấp phạm còn đối với người Hylạp là một sự điên rồ, mà thời nay Jean Paul Sartre và một số lớn loài người vẫn đang còn la toáng lên rằng thập giá thật là vô nghĩa, đau khổ thật là phi lý. Thế nhưng thập giá không phi lý, đau khổ không vô nghĩa mà trái lại, còn làm cho cuộc sống con người và vũ trụ này trở nên có nghĩa, thị vị và đáng sống.

Đã một lần mở mắt chào đời, tất có ngày con người sẽ phải nhắm mắt xuôi tay. Đã một lần xuất hiện trên trần thế, các nền văn minh dù rực rỡ đến đâu, có ngày cũng sẽ bị chôn vùi trong quên lãng. Tiên tri Nakhum hôm nay loan báo cho Israel một Tin Mừng rằng đã đến lúc Thiên Chúa trừng phạt Ninivê, kẻ thù của họ, tan hoang đến độ không ai còn có thể an ủi nó được. Ninivê cũng như bao nền văn minh xưa và nay, tưởng sẽ trường tồn vạn kỷ, nhưng khi thời mạc vận tới, chúng có hơn gì một làn mây trước gió! Thế ra, con người được sinh ra để chết sao?

Chắc chắn con người không sinh ra để chết nhưng để vươn tới một sự sống khác trường cửu hơn, phong phú hơn và hạnh phúc hơn sự sống trần gian này. Không phải chỉ có loài người mà muôn loài, muôn vật đều được mời gọi tiến tới một sự sống phong phú hơn sự sống hiện tại. Hạt lúa được mời gọi để thối rữa ra, nảy mầm, lớn lên rồi sinh hoa kết trái, phát sinh hàng trăm hạt lúa mới. Con sâu, cái kén được mời gọi lột xác thành bướm, nhởn nhơ tô điểm cho đời. Quả trứng được mời gọi nứt toác ra, phát sinh sự sống phong phú hơn, bay từ phương trời này tới phương trời kia, cất giọng líu lo với đời. Chẳng lẽ con người lại thua kém các sinh vật vô hồn đó sao? Chắc chắn là không. Vì Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vượt ra khỏi sự sống này, tiến tới một sự sống mới không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian, một sự sống phong phú, bất diệt. Đó mới là cùng đích của cuộc sống loài người trên trần gian này. Chính vì mục đích ấy mà Con Thiên Chúa đã làm người như chúng ta, khi chấp nhận chết đi, Ngài đã sống lại. Chính khi phục sinh từ cõi chết, Chúa Giêsu đã cho thấy tột đỉnh viên mãn của sự sống mới mà Ngài sẽ ban cho loài người. Đó là một sự sống không bị giới hạn bởi thời gian, không gian và các định luật sinh hóa nữa: nhà các tông đồ họp cửa đóng kín, Chúa Giêsu vẫn vào được; rồi khi đã ăn uống, trò chuyên xong, chẳng cần qua cửa, Chúa Giêsu vẫn ra khỏi nhà.

Đó là “sự sống” mà khi còn trong trần gian mà Chúa Giêsu đã mô tả là “sự sống đời đời”; lúc khác, Chúa Giêsu lại nói là một “sự ra khỏi thế gian để về cùng Cha”. Và rất nhiều lần Chúa Giêsu đã hứa cho chúng ta được sự sống ấy: “Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời” hoặc “Ai ăn Thịt Ta sẽ được sống muôn đời”.

Như thế, khi phục sinh, Chúa Giêsu đã đem cả sự sống nhân loại mà Ngài đã sống, đã mặc lấy suốt 33 năm về hợp nhất sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa là vĩnh cửu nên khi được hợp nhất hoàn toàn với Thiên Chúa, sự sống của con người cũng trở nên vĩnh cửu, đời đời như Thiên Chúa.

Điều kiện để đạt tới sự sống đời đời là: “Từ bỏ mình, vác thập giá đi theo Đức Kitô”. Đây là điều kiện hiển nhiên thôi. Vì nếu quả trứng không chịu nứt toác ra, nó sẽ bị ung thối. Nếu hạt lúa không thối rữa ra, nó sẽ trơ trọi một mình. Hơn nữa, con người được mời gọi để vươn lên cùng Thiên Chúa, để hợp nhất sự sống của mình với sự sống của Thiên Chúa, vươn lên tới Thiên Chúa mà lại cứ muốn ở mãi thế gian này thì vươn lên thế nào được! Muốn hợp nhất với Thiên Chúa mà lại cứ khư khư giữ lấy bản thân mình, không để cho Thiên Chúa một chỗ nào trong đời sống thì hợp nhất thế nào được. Ở những quân trường, người ta thường treo các khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Để duy trì sự sống trần gian mà người ta còn phải tập bỏ mình đến thế, huống hồ là để giữ lấy sự sống đời đời. Để hợp nhất sự sống mình với Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã hủy mình ra không đến nỗi Ngài sống nhưng không phải là Ngài mà là chính Thiên Chúa sống trong Ngài. Đó là con đường duy nhất mà chúng ta phải theo nếu muốn được sống đời đời với Thiên Chúa.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, là mỗi lần chúng ta để cho Thiên Chúa làm chủ đời ta hơn, để Thiên Chúa sống trong chúng ta nhiều hơn. Ước gì hôm nay khi được nên một với Đức Kitô, chúng ta biết hoàn toàn từ bỏ mình, để Chúa Giêsu sống, hành động và yêu thương thực sự đối với chúng ta. Có thế, chúng ta đang thực sự chuyển mình từ sự sống mau qua này để tới sự sống bất diệt nơi Thiên Chúa.


THỨ BẢY

Hbc 1,12-2,4; Mt 17,14-20

Thế giới chúng ta đang sống vẫn tràn lan tội ác. Kẻ bất chính, gian tham vẫn gặp may như diều gặp gió. Con người công chính, lương thiện lại gặp toàn những trái ngang, thất bại. Ngay từ thời tiên tri Habacúc, trước tất cả những nghịch cảnh ấy, có người vẫn tự hỏi: nếu Thiên Chúa tốt lành, sao Thiên Chúa không hủy diệt sự dữ và kẻ ác? Sao Người cứ để cho kẻ ác kìm kẹp người công chính? Thiên Chúa đã lên tiếng trả lời cho những người ngờ vực ấy rằng: “Kẻ bất chính có ngày sẽ lụn bại, còn người công chính bởi tin sẽ được sống! Thế mà cho tới hôm nay, tình trạng bi đát vẫn nhan nhản khắp nơi, nên có người lại vẫn tự hỏi: Có Thiên Chúa chăng? Sao Thiên Chúa không hủy diệt sự dữ? Có phải vì Thiên Chúa không thể hủy diệt hay tại Thiên Chúa không muốn hủy diệt?

Theo Tin Mừng Matthêu hôm nay quả quyết rằng Thiên Chúa không những muốn hủy diệt sự dữ, mà Thiên Chúa còn ban cho con người quyền hủy diệt sự dữ ấy nữa. Bằng chứng là hôm nay, có người nói với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin thương xót con tôi. Nó bị quỷ ám. Bao lần quỷ xô nó vào lửa cho nó chết đi. Tôi đã đem nó đến xin các môn đệ chữa nhưng họ không chữa được”. Qua ông này, Chúa Giêsu đã nặng lời nói với tất cả đám đông vây quanh Ngài: “Thế hệ cứng tin và tà vạy. Ta còn phải ở với các ngươi bao lâu nữa!”. Không phải Chúa Giêsu không muốn ở mãi với loài người vì Ngài đã nói: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Nên khi Chúa Giêsu nói: “Ta còn phải ở với các ngươi bao lâu nữa” phải hiểu là Chúa Giêsu trách cứ lòng yếu tin của họ. Vì Chúa Giêsu đã ban cho họ mọi quyền năng của Chúa Giêsu để họ cũng làm được mọi sự mà Chúa Giêsu đã làm, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con bảo núi này: hãy bỏ đây qua đó, nó sẽ chuyển qua và các con sẽ không phải bó tay trước bất cứ sự gì”.

Như thế chỉ cần có đức tin, chúng ta sẽ làm được mọi sự, sẽ nên quyền năng như Thiên Chúa. nhưng tin là gì? Làm thế nào để có đức tin bằng hạt cải để chúng ta khỏi phải bó tay trước bất cứ điều gì?

Tin không phải là một mớ lý thuyết nhưng tin là đặt mình trước mặt Thiên Chúa, là giao phó mọi sự cho Thiên Chúa, là không còn tự ý quyết định gì về mình nữa. Kinh nghiệm cho thấy khi tin vào ai, chúng ta thường bàn hỏi với người ấy từ việc lớn tới việc nhỏ nhoi. Khi tin vào ai, chúng ta thường lắng nghe và thực hiện mọi sự chỉ giáo của họ mà lại còn vui mừng làm theo mọi sự chỉ giáo ấy nữa. Như thế, tin vào Đức Giêsu Kitô, tin vào Thiên Chúa là hoàn toàn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu Kitô và của Thiên Chúa. Càng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu Kitô, chúng ta càng trở nên giống Ngài. Càng vâng theo sự chỉ giáo của Đức Giêsu Kitô, thì con người của chúng ta, hành động của chúng ta càng nên giống con người và hành động của Đức Giêsu Kitô. Khi ấy, chúng ta mới có khả năng tiêu diệt được sự dữ, chỉ khi ấy chúng ta mới không phải bó tay trước bất cứ sự gì. Nhưng làm sao chúng ta dám quả quyết rằng Đức Giêsu Kitô đang hướng dẫn chúng ta? Đức Giêsu Kitô vẫn đang thực sự hướng dẫn chúng ta qua Lời Ngài, qua Thánh Thần của Ngài, và nhất là Ngài chính là đường cho chúng ta tiến bước, và là sự thật mà chúng ta đang theo đuổi và là sự sống mà chúng ta đang khao khát. Muốn thực sự để Ngài hướng dẫn chúng ta, chúng ta hãy sống, suy nghĩ, hành động và yêu thương như Ngài. Khi ấy, chúng ta mới thực sự là kẻ tin vào Ngài và thực sự hưởng trọn quyền năng Ngài đã phú ban cho chúng ta.

Đức Giêsu Kitô mỗi ngày vẫn dâng mình trên bàn thờ này cho chúng ta, để chúng ta được nên một với Ngài. Khi thực sự nên một với Ngài, chúng ta sẽ làm được mọi việc Ngài làm. Ước gì hôm nay, khi đón Chúa Giêsu vào lòng, chúng ta sẽ để Ngài sống, hành động và yêu thương nơi chúng ta, có thế, chúng ta sẽ không bị bó tay trước bất cứ sự gì.
Mới hơn Cũ hơn