THỨ HAI
Ed 1,2-5.24-28c; Mt 17,22-27
Bài sách tiên tri Êgiêkel hôm nay mô tả những hình ảnh thật khó hiểu. Nhưng đó là những hình ảnh mà thời đó người ta vẫn dùng để cho thấy sự oai nghiêm của Thiên Chúa như: gió thổi mạnh, vầng mây to lớn, ngọn lửa sáng rực, các vật có hình nhân… Những hình ảnh này thường được khắc tại đền thời Giêrusalem để nói lên sự vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa.
Sự vinh quang này cũng tương tự như vinh quang của ngày Chúa phục sinh, được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng: “Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”.
Nếu Chúa Giêsu không sống lại, nhân loại không có tương lai. Khi nghe Chúa Giêsu cho biết sự việc tử nạn sắp tới, thánh Phêrô và các tông đồ tỏ ra buồn phiền. Nhưng sau này thánh Phêrô đã tuyên bố: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời giảng của tôi và đức của anh em chỉ là hão huyền.
Nếu Đức Giêsu không sống lại, nhân loại không có tương lai. Tương lai ở đây không có ý nói một thời gian nhất định nào, nhưng tương lai là một sự vĩnh cửu của con người. Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì con người sẽ kết thúc tại cái chết. Và nếu vậy thì cái chết là một mức tới đầy tuyệt vọng, và từ viễn ảnh đầy tuyệt vọng đó, đời sống con người là một sự phi lý hoàn toàn. Nếu Chúa Giêsu không sống lại như lời Ngài đã tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay thì ước vọng tiến bộ, ước vọng hoàn hảo của con người sẽ trở thành những cố gắng trong nỗi thất vọng.
Nhưng quả thật, Chúa Giêsu đã sống lại. Chính vì thế mà nhân loại có tương lai, bước đi của nhân loại không bị tắc nghẽn. Chúa Giêsu sống lại không có nghĩa là Ngài trở lại con người cũ, nhưng là Ngài đã đến mức hoàn thành viên mãn của thân phận con người. Điều đó cũng có nghĩa là qua sự sống lại của Chúa Giêsu, nhân loại đã tới mức trưởng thành.
Có điều cần để ý là khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ xuất hiện với một số người. Điều đó có nghĩa là chỉ có những tin mới nhận ra được, còn những ai chưa tin hoặc không tin thì chỉ thấy tất cả như là những khổ đau, những thất bại ê chề.
Thật vậy, với đức tin, chúng ta có thể hướng mọi tư tưởng về Chúa. Sự sống lại của Chúa Giêsu đem lại một giá trị mới cho nhân phẩm, cho giá trị cho con người. Nhờ tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không buồn rầu như các tông đồ lúc bấy giờ, nhưng Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta một đời hy vọng. Và chúng ta đã nhận ra ơn sống lại từ Chúa cho cả cuộc đời chúng ta, một cuộc sống vơí niềm tin, niêm vui và tràn đầy niềm hy vọng.
THỨ BA
Ed 2,8-3,4; Mt 18,1-5.10.12-14
Trong hầu hết các bài tường thuật về ơn gọi của các tiên tri, người ta đều thấy nói đến những khó khăn mà các tiên tri gặp phải khi nói đến nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó. Hôm nay tiên tri Êgiêkiel cũng mô tả việc Thiên Chúa gọi ông đi rao giảng. Tiên tri đã dùng cách nói gợi hình để nói về ơn gọi đó, như quyển sách cuộn lại, được viết cả hai mặt, vì có nhiều tai ương phải loan báo cho nhà Israel. Việc tiên tri phải nuốt cả cuốn sách để biểu lộ sự sẵn sàng thi hành nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó cho. Và cuối cùng là sự ngọt ngào được nếm thử do việc rao giảng Lời Chúa.
Tất cả những điều trên đây cho thấy nội dung sứ điệp mà tiên tri Êgiêkiel đã loan báo, các trở ngại ông gặp phải và thái độ sẵn sàng trước lời mời gọi của Thiên Chúa.
Những hình ảnh đó cũng nói lên tâm trạng của những người đón nhận Lời Chúa. Vừa mới nghe thì cảm thấy khó khăn đau đớn, như phải nuốt một cuốn sách, nhưng khi đã đón nhận rồi thì mới cảm thấy ngọt ngào khi sống Lời Chúa.
Chẳng hạn khi nghe bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cũng cảm nghiệm được điều đó. Vừa mới nghe chúng ta thấy thật là chói tai: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, sẽ không được vào Nước Trời”. “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, sẽ là người lớn nhất”… Nhưng nếu chúng ta thực sự sống được tinh thần của trẻ thơ, thì quả thực sẽ thấy được sự hạnh phúc trong tâm hồn.
Qua hình ảnh trẻ thơ, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta một bài học tự hạ, khiêm nhường, đơn sơ. Tâm hồn trẻ thơ giống như mảnh đất hoang, một đám đất tốt, trên đó hạt giống dễ bám rễ. Trên mảnh đất đó không có những gai góc của thành kiến, của tính tự mãn, tính kiêu căng và kheo khoang thường bóp nghẹt Lời Chúa.
Trong cái nhìn của người lớn thì lời nói của trẻ nhỏ chẳng có giá trị gì, việc làm của trẻ nhỏ cũng chẳng đáng để quan tâm, vì trẻ nhỏ bị liệt vào hạng người không có tiếng nói trong xã hội. Không chỉ trẻ nhỏ mà thôi, nhưng cả người lớn, những ai chỉ biết âm thầm phục vụ cũng chẳng được để ý tới. Không để ý tới, vì con người chỉ thấy bên ngoài, và chỉ đặt tiêu chuẩn giá trị trên những điều thấy được. Nhưng tiêu chuẩn của Chúa để đo giá trị siêu nhiên nhiều ngược lại với tiêu chuẩn của nhân loại. Theo Chúa thì ai có tâm hồn đơn sơ như trẻ nhỏ là kẻ cao trọng trong Nước Trời.
Quả thật, trẻ em là tiêu biểu của sự hồn nhiên, ngây thơ, chân thật. Nơi trẻ em sẽ không có những thái độ kiêu hãnh, tự mãn ích kỷ, tự cao tự đại, gian xảo… là những đức tính không thể có trong Nước Trời. Nhưng trái lại trong Nước Trời chỉ có sự hồn nhiên, chân thật như tinh thần của một trẻ thơ.
THỨ TƯ
2Cr 9, 6-10; Ga 12,24-26
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe về những bi kịch vẫn xảy ra trong các gia đình. Đôi khi các bi kịch đó trầm trọng đến độ gia đình phải tan nát, phải ly dị hoặc thậm chí có khi gây đổ máu. Nhưng thiết nghĩ các sự kiện đó chỉ là đoạn chót của một bi kịch. Không biết đoạn đầu đã khởi sự từ lúc nào, nhưng chắc chắn là những bi kịch nho nhỏ đã xảy ra từ lâu, như những giọt nước từ từ nhỏ xuống một chiếc ly, đến lúc nước tràn đầy miệng ly là lúc bi kịch xảy ra.
Khi nghe xảy ra những bi kịch như vậy, chúng ta không khỏi ngậm ngùi đặt giả thiết: giá mà trong giai đoạn những bi kịch nho nhỏ xảy ra giữa hai người, họ đã có thể hòa giải. Những người láng giềng không khỏi tự trách là có lẽ là họ quá rụt rè ích kỷ, sống theo chủ trương “đèn nhà ai nhà nấy sáng” nên không ai bận tâm đóng vai trò trung gian, hòa giải.
Hòa giải là đề tài chính của bài Tin Mừng hôm nay. Trong đó Chúa Giêsu đã nêu lên những phương pháp hữu hiệu để có thể giúp tiến tới sự hòa giải, từ giai đoạn dàn xếp cá nhân, đến nhờ người trung gian, và cuối cùng là đưa ra cộng đoàn.
Công cuộc hòa giải mà Chúa Giêsu đề nghị trước tiên là hãy can đảm nói thẳng nhận xét của mình về những vấn đề gây ra mối bất hòa giữa hai người. Đây không phải là chuyện dễ, nhưng đây là biện pháp tốt nhất. Thông thường thì thay vì nói thẳng với đương sự, chúng ta lại đi nói với người thứ ba, để câu chuyện trở thành đề tài đàm tiếu trong lúc đương sự vắng mặt. Và như vậy, chuyện bé xé ra to, càng làm trở ngại cho việc hòa giải.
Nếu biện pháp nói thẳng nói thật không đem lại kết quả, Chúa Giêsu khuyên hãy nhờ một số người làm trung gian hòa giải. Dĩ nhiên phải chọn những người khôn ngoan kín miệng và được cả hai tín nhiệm để câu chuyện được giãi bày trắng đen.
Nếu bước thứ hai này cũng thất bại, Chúa Giêsu khuyên hãy đem sự vụ ra trình bày cùng người có trách nhiệm trong cộng đoàn để nhờ dàn xếp.
Ba bước trên đòi rất nhiều can đảm, kiên nhẫn và nhất là sự khiêm nhường, chứng tỏ theo giáo huấn của Chúa Giêsu, sự hòa hợp và hòa giải giữa các cá nhân rất quan trọng. Vì nó là nên tảng cho cuộc sống thuận hòa và hạnh phúc không những cho từng người mà con cho cả xã hội.
Vì thế để sống Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để giữ mối hòa hợp, và nếu xảy ra sự xích mích, bất hòa, phải cố gắng nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, khiêm nhường hơn để tái lập sự hòa hợp qua sự hòa giải.
Khẩu hiệu để thực thi sự hòa giải có thể là:
- “Đừng để cho mặt trời lặn xuống trước khi bạn làm hòa với người có chuyện xích mích”.
- “Hãy làm hòa trước, dâng lễ vật sau”.
THỨ NĂM
Ed 12,1-12; Mt 18,21-19,1
Lịch sử dân Israel là lịch sử của những phản bội và của ơn tha thứ. Mỗi lần dân chúng đi quá đà, Thiên Chúa lại sai các tiên tri đến rao giảng sám hối. Tiên tri Êgiêkiel cũng được sai đi rao giảng cho dân Israel về những tai họa họ sẽ phải chịu để nhờ đó họ ăn năn trở lại và được tha thứ. Việc rao giảng của tiên tri Êgiêkiel được thực hiện qua những sự việc tượng trưng và có mục đích gợi ý rõ rệt. Chẳng hạn để ám chỉ việc dân chúng sẽ bị lưu đầy đi phương xa, Thiên Chúa đã truyền cho tiên tri thu dọn hành lý vào bọc rồi vác đi trước mặt mọi người. Làm thế để nay ra họ tò mò hỏi lý do sự việc ông đang làm. Thế nhưng không một ai mở miệng hỏi ông.
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, Thiên Chúa cũng thường dùng những dấu chỉ của thời đại hoặc những con người để dạy chúng ta về sự tha thứ. Chẳng hạn cách đây mấy năm, các báo chí và đài truyền hình quốc tế đã tường thuật việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tận phòng gian tên tù nhân đã bắn ngài tại quãng trường Roma năm 1981. Trong lần viếng thăm này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại cho anh ta và cả thế giới lời tha thứ của ngài. Cử chỉ tha thứ vô điều kiện này chỉ có nơi những tâm hồn chân chính, biết noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Chúa.
Hình ảnh tha thứ của Đức Gioan Phaolô II đưa chúng ta vào chủ đề của Lời Chúa hôm nay: “Chúng con phải tha thứ và tha thứ luôn luôn”. Tại sao phải tha thứ? Vì trong chúng ta, ai cũng cần sự tha thứ. Lời Kinh Lạy Cha luôn luôn nằm ở trên môi miệng chúng ta mỗi ngày. Đây là điều kiện cần có trong luật yêu thương. Luật Chúa khác với luật của thế gian, vì luật thế gian thì mắt đền mắt, răng đền răng, phân biết rõ bạn và thù, còn Chúa Giêsu thì phải lấy ân báo oán. Vì tha thứ là một đặc điểm của tình yêu. Trong tình yêu Chúa vô hạn, chúng ta tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Tha thứ cũng là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể, và còn phải đi xa hơn nữa, rộng hơn nữa…
Tha thứ không phải là yêu nhược, nhưng là sức mạnh của tình yêu, đó là khí cụ của hòa bình. Thật là quá khó khăn khi phải tha thứ cho một người đã xúc phạm đến chúng ta, nếu chúng ta có tâm tình mến Chúa thực sự và nếu không có tinh thần bắt chước Chúa. Người Kitô hữu cần có ơn Chúa trong tâm hồn để làm vốn viếng cho cuộc sống hằng ngày và nhờ đó có sức mạnh để thi hành việc tha thứ thường xuyên.
THỨ SÁU
Ed 16,1-15.60-63; Mt 19,3-12
Tại Việt Nam chúng ta ngày nay, nhiều nơi cúng đã có thói quen tổ chức lễ cưới vàng, cưới bạc, để kỷ niệm ngày cưới của các đôi vợ chồng đã chung thủy giữ trọn lời mình tuyên hưa trước Thiên Chúa và cộng đoàn lúc cử hành lễ thành hôn: “Tôi xin nhận em làm vợ, xin nhận anh làm chồng… và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”.
Trong những ngày kỷ niệm lễ thành hôn này, người ta hân hoan chào mừng những mẫu gương có thể được gọi là anh hùng của những người sống như ngược dòng của những trào lưu tự do thái quá trong đời sống luân lý và vợ chồng. Lối sống đó ảnh hưởng của một não trạng hưởng thụ ích kỷ, sống vội yêu hờ, thay đổi vợ chồng như thay áo.
Đối với các đôi vợ chồng mừng cưới vàng, cưới bạc, bài Tin Mừng hôm nay chắc chắn sẽ mang lại cho họ một nguồn sinh lực mới để làm chứng nhân cho giá trị cao quý của cuộc sống hôn nhân Kitô giáo.
Người Do Thái nêu ra luật ly dị được quy định trong đoạn 24 của sách Đệ Nhị Luật: “Một người nào lấy vợ, đã cưới hỏi rồi, nếu xảy ra là người vợ không được vừa mắt chồng, vì chồng gặp thấy nơi vợ có điều thô bỉ, thì chồng viết cho vợ một tờ ly hôn, trao tay nó và thảy hồi khỏi nhà mình”.
Đối với Chúa Giêsu, Ngài một mạch phê bình đạo luật ly dị như trong đoạn 24 Đệ Nhị Luật trên là chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra luật đó. Và Chúa Giêsu đã đi ngược về tận nguồn, Ngài cũng đã trích một câu Thánh Kinh để đối đáp lại và câu Thánh Kinh này có nguồn gốc cựu trào hơn câu trong sách Đệ Nhị Luật, đó là lời trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ, bởi thế người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình và cả hai sẽ trở nên một huyết nhục”. Và Chúa Giêsu đã đưa đến kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân rẽ”.
Và Thiên Chúa đã dùng hình ảnh “chung thủy” của hôn nhân này để làm biểu tượng cho sự chung thủy của Thiên Chúa đối với Dân Người. Mặc dầu dân phản bội, ngoại tình, nhưng Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương, trung thành như được diễn tả trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe.
Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu không chỉ ra luật, mà Ngài còn trao ban phương thế, nghị lực để giữ trọn luật đó. Trong trường hợp hôn nhân, Chúa Giêsu đã nâng lên hàng bí tích, có nghĩa là đã đặt hôn nhân Kitô giáo trong nguồn tình yêu của Ngài. Qua bí tích hôn nhân, Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống lứa đôi, để từ đây vợ chồng thương yêu nhau không chỉ như thương yêu một cá nhân, một con người, nhưng là yêu thương chính Chúa Giêsu. Và nhờ đó hai người sống trọn Lời Chúa trong Thánh Kinh: “Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình và cả hai sẽ trở nên một huyết nhục”.
THỨ BẢY
Ed 18,1-10.13b.30-32; Mt 19,13-15
Tâm hồn trẻ thơ luôn luôn như là những đóa hoa làm đẹp cuộc đời, như ánh trăng sáng trong những đêm tối, như ánh bình minh làm lóe lên những tia hy vọng. Có một trẻ thơ ở trong gia đình, sẽ làm cho bầu khí gia đình trở nên vui tươi ấm cúng.
Trẻ thơ cũng chiếm một chỗ đặc biết trong trái tim của Chúa Giêsu như trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Vẻ đẹp của bài tường thuật này càng thêm rạng rỡ, nếu chúng ta chú ý đến thời gian xảy ra câu chuyện. Chúa Giêsu đang trên đường dẫn đến Giêrusalem, và Chúa Giêsu biết rõ những gì đang chờ đợi Chúa tại đó. Đây là con đường dẫn Chúa Giêsu đến cuộc thương khó và tử hình thập giá. Trong tâm trạng căng thẳng đó, Chúa Giêsu vẫn có sự bình tĩnh của tâm hồn và có thời giờ cho các trẻ nhỏ. Không cần Tin Mừng ghi lại, nhưng chúng ta biết chắc là trong những giây phút ấy, Chúa Giêsu vui cười với chúng và hưởng được một thời gian thư thái.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu không bỏ lỡ dịp thuận tiện để rao giảng về Nước Trời với lời quả quyết: Nước Thiên Chúa là của người giống như các trẻ nhỏ.
Có lần nào chúng ta đã nhìn ngắm một trẻ nhỏ đặt bàn tay nhỏ của mình vào tay người cha để đi dạo chơi? Cử chỉ đơn sơ này nói lên tâm tình tin tưởng cậy trông phó thác và vâng phục của em bé đối với người cha. Có người cha bên cạnh, nó sẽ không còn phải sợ hãi ai, không sợ đi lạc lối, không sợ vấp ngã. Có người cha bên cạnh, nó sẽ vững tin, hoàn toàn trông cậy vào người cha và không sợ bất cứ hiểm nguy nào.
Vì thế khi nói: “Nước Trời là của những người giống như trẻ nhỏ” không có nghĩa là chúng ta phải luôn giữ mãi tâm hồn ấu trĩ, không trưởng thành, hoặc là luôn sống lệ thuộc, không biết tự do quyết định. Nhưng mà ở bất giai đoạn nào trong cuộc sống, liên lạc giữa chúng ta với Thiên Chúa vẫn phải được xây dựng trên sự tin tưởng, cậy trông, phó thác và vâng phục như một trẻ nhỏ đối với cha nó. Chúng ta có thể thấy rõ thái độ đó trong cuộc đời của Chúa Giêsu, được thể hiện rõ rệt nhất trong những lúc Chúa Giêsu cầu nguyện, nhất là trong vườn Cây Dầu và trên thập giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén đắng này, nhưng không phải theo ý Con, một theo ý Cha”.
“Lạy Cha, Con xin phó dâng linh hồn Con trong tay Cha”.