Suy niệm mỗi ngày, tuần 20 thường niên, năm chẵn

TUẦN XX




THỨ HAI

Ed 24,15-24; Mt 19,16-22

Làm nô lệ cho tiền bạc là một trong những nguy hiểm của sự giàu có. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa trong việc nêu lên những nguy hiểm khác về sự nhiều tiền lắm bạc.

Ngược với tâm thức của đa số người Do Thái thời bấy giờ quan niệm rằng của cải vật chất là phần thưởng Chúa trao ban cho người công chính. Những người giàu là những kẻ đạo đức tốt lành, được Thiên Chúa chúc phúc. Vì thế, họ đã đừng kề cửa Thiên Đàng rồi. Nhưng Chúa Giêsu đã nêu lên những nguy hiểm của sự giàu có: nó có thể cản trở con người trên đường về quê thật. Bởi lẽ muốn hành trình mau chóng và nhẹ nhàng, khách lữ hành phải ăn mặc gọn gàng, phải mang hành trang thật nhẹ, mà những người có quá nhiều của cải lại thích mang theo tất cả. Nhất là sự giàu có làm cho cái “tôi” của họ trở nên quá to lớn, cái kiêu hãnh của họ trở nên quá cao ngạo. Cái quan niệm sai lầm của họ: “có tiền mua tiên cũng được” không ai có thể sửa chữa được. Cái căn bệnh xem tiền như “núm ruột” của họ vô phương cứu chữa.

Với cái hành trang vai mang túi bạc kè kè ấy, với cái thái độ xem mình là người quan trọng, xem mình là cái rốn của vũ trụ ấy, thì làm sao mà họ có thể sống đẹp lòng người và thuận ý trời được. vì thế, Đức Giêsu so sánh họ như những con lạc đà muốn chui qua lỗ kim.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chạy ăn từng bữa của ngày hôm nay, chúng ta có cảm tưởng như Lời Chúa hôm nay nói với người khác, nói đến những dân sống ở các nước khác. nhưng dù ít dù nhiều, tiền bạc ở trong hoàn cảnh nào cũng là một cơn cám dỗ có thể làm hạ giá nhân phẩm con người, có thể làm sứt mẻ tình nghĩa vợ chồng, anh em chòm xóm, và có thể làm con người bán rẻ lương tâm.

Để tránh nguy cơ này, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có tinh thần từ bỏ, hãy tập đặt cho thật rõ ràng bậc thang giá trị và quyết chí hành động theo đó.

Tất cả những ai đức tin vào Thiên Chúa, đặt tình yêu Thiên Chúa và tha nhân lên trên những bậc thang cao nhất trong cuộc sống, đều được kinh nghiệm Lời Chúa hứa luôn trở thành sự thật: “Ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ vợ con ruộng đất vì danh Ta, sẽ được thưởng gấp trăm” và những kẻ ấy có lý để hy vọng vào phần sau của lời hứa “sẽ được sống đời đời” cũng sẽ được thực hiện nơi đích điểm của cuộc hành trình dương thế của họ.



THỨ BA

Ed 28,1-10; Mt 19,23-30

Khi nói rằng người giàu khó vào Nước Thiên Đàng, chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn kết án người giàu có. Vì bên bàn tiệc Nước Trời của Ngài vẫn còn sự hiện diện của các người giàu có: Ba Đạo Sĩ Phương Đông, Giakêu, Giuse Arimathia…họ chắc chắn không phải là những người nghèo.

Thế nhưng, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”: vì của cải và sự giàu sang đã dựng nên một bức tường vây kín lấy người giàu có. Nhìn vào đâu họ cũng chỉ thấy của cải và tiền bạc. Phê phán dựa trên sự giàu sang, đánh giá trên tiêu chuẩn tiền bạc của cải đã làm cho cuộc sống họ tắc nghẽn, đầu óc đầy lo lắng tính toán, con tim chai cứng và bàn tay nắm chặt.

Người phú hộ phải ở trong lửa hồng, không phải vì ông giàu có, nhưng vì ông đã đóng chặt cửa lòng trước Lazarô. Thiên Chúa không cấm người phú hộ ăn uống tiệc tùng, nhưng Chúa không thể chấp nhận những kẻ ngày ngày yến tiệc, trong lúc bên cạnh họ, lắm người đang đói khát, nằm chờ chút phần ăn bố thí.

Của cải làm mờ đục lương tri, không những chúng ngăn chặn không cho thấy đồng loại mà còn cản ngăn không cho phép tìm đến với Thiên Chúa. chúng tạo nên cho con người một hình thái an toàn giả tạo như toan tính của người phú hộ đi xây cất kho lẫm cho mình: “Hồn ơi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi ăn uống vui chơi cho thoải mái”.

Những nguồn hạnh phúc tạm bợ này lại dần dần ngự trị trong tâm hồn con người, khiến họ không còn nhớ đến Thiên Chúa. Của cải ở đâu, lòng trí ở đó. Chúa tể của họ bây giờ là sự giàu sang. Của cải đời này thực tế hơn là một Thiên Chúa đang xa xôi nào đó. Và mơ ước thực tế này luôn là cám dỗ đối với con người.

Thánh Phêrô không dằn được tò mò khi ông lên tiếng hỏi Chúa Giêsu về phần thưởng dành cho những kẻ đã bỏ hết của cải thực tế này mà theo Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu là một đoan chắc cho các tông đồ và những kẻ biết sẵn sàng từ bỏ của cải vì Ngài và vì Tin Mừng. Nếu của cải không còn là bức tường ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa, hoặc giữa con người với nhau. Nếu con người biết dùng của cải để làm nhịp cầu nối liền với Thiên Chúa và anh em, thì chắc chắn của cải cũng vẫn được Thiên Chúa chúc phúc. Chúng là nguồn vốn đầu tư cho gia tài Thiên Quốc.

Tuy nhiên đây không phải là điều dễ thực hiện nếu không có sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, con người sẽ tìm được đâu là kho tàng đích thực, con người sẽ sẵn sàng từ bỏ tất cả để đánh đổi lấy kho tàng ấy, vì của cải ở đâu thì lòng trí ở đó.

Ước mong rằng qua lời đoan hứa của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, và với sự hướng dẫn của Thánh Thần, mỗi người trong chúng ta sẽ biết làm giàu cho chính mình, không phải bằng gia tài hay hư nát ở đời này, nhưng với kho báu vô tận trên Nước Trời.


THỨ TƯ

Ed 34,1-11; Mt 20,1-16

Gợi ý 1:

Ở nước Do Thái, mỗi khi đến mùa làm vườn bho, có rất nhiều người đứng đầy ngoài phố xá. Họ không phải là những người đi dạo phố cho vui, họ là những nông dân nghèo túng, đang cần tiền để lo cho gia đình. Họ cố gắng đứng đợi ngoài phố, họa may có người nào thuê mình làm, còn hơn là phải về nhà, thấy cảnh túng thiếu của con cái nheo nhóc.

Người chủ vườn nho thấy ngày chóng qua, ông cần phải hái nho cho kịp thời vụ nên cho lệnh thuê thêm người làm vườn càng nhiều càng tốt. Càng về chiều, số người lại càng thêm đông. Một đồng là lương chính thức để trả cho mỗi người làm một ngày. Các người công nhân đến từ sáng sớm đã hăng hái làm việc với số lương hậu này. Họ chỉ thay đổi tâm tình, từ bằng lòng đến bất mãn, khi thấy những kẻ đến muộn cũng được trả công một đông như họ. Chính ra họ phải chia vui với những người bạn đến sau, vì ông chủ tốt bụng, rộng rãi trả một đồng.

Nhìn theo lý thuyết xã hội Công Giáo ngày nay, chúng ta phải ca tụng người chủ vườn có đầu óc xã hội tân tiến, vì ông đã phát lương theo tiêu chuẩn nhu cầu thiết yêu của người thợ, chứ không theo chuẩn sức lao động cứng nhắc. Quả thật là một ông chủ đáng khen.

Khởi đầu, khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn người chủ vườn, là để trả lời cho những kẻ chỉ trích Ngài, vì Ngài đã mất rất nhiều thời giờ với những kẻ hà tiện tội lỗi. Chúa Giêsu ít để ý tới thành phần cao cấp đáng nể trong xã hội. Ơn cứu độ được đem đến cho mọi người một cách quảng đại, chứ đâu phải chỉ cho những người tốt lành, những người công chính. Nhưng sau này, khi dụ ngôn được truyền miệng, kể lại trong thời Giáo Hội sơ khai, thì câu cuối cùng là: “Kẻ sau hết sẽ nên trước hết”, được chỉ vào dân Do Thái đã từ chối ơn cứu độ và việc dân ngoại theo đạo muôn màng.

Trong Giáo Hội không có đặc ân thâm niên. Những người lãnh đạo và giáo hữu trung thành giữ đạo chính chắn lâu năm cần đặc biệt lưu ý về điểm này để khỏi rơi vào tội kiêu căng, tưởng mình là con chính tông của Chúa. Bệnh kiêu căng sẽ làm cho lỗ tai trở nên điếc, không còn nghe được tiếng Chúa kêu gọi thống hối mỗi ngày.

Chúa Giêsu đến thế gian để bắt nhịp cầu giữa hai con đường hành động: theo kiểu con người và theo kiểu của Thiên Chúa. Đừng nhìn người khác được may mắn với cặp mắt ganh tị, nhưng hãy nhìn với cặp mắt chia vui.

Gợi ý 2:

Nghe qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy dường như mình có thể cảm thông với tâm trạng của đám thợ đã phải đổ mồ hôi, phơi nắng dầm sương suốt cả ngày trời,mà chỉ lãnh công thợ bằng với lũ đến làm vào giờ sau cùng. Đây có thể là phản ứng, là thái độ của tất cả mỗi một người chúng ta trước lối cư xử xem ra bất công ấy, vậy Thiên Chúa của chúng ta được thánh Matthêu diễn tả bằng hình ảnh ông chủ vườn nho lại là một Thiên Chúa thiếu công bình, một Thiên Chúa thiên tư tây vị như thế sao?

Để trả lời vấn nạn trên, chúng ta hãy đọc lại từ đâu đoạn Tin Mừng. Trước hết chúng ta dừng lại ở câu: “Ngay vừa tảng sáng, ông chủ đã ra thuê thợ cho vườn nho của mình…”. Tảng sáng nghĩa là vừa hừng sáng, là chưa sáng hẳn, thì ông chủ đã ra đi. Tại sao ông lại phải hối hả, gấp gáp vậy? Phải chăng vườn nho của ông đã chín mùi, nếu không vội vàngnó sẽ ra hư thối? Thế sao ông không biết chuẩn bị trước mà lại để đến giờ này? Hay bao lâu nay ông không tìm ra được người làm? Trở lại câu: vừa tảng sáng, chúng ta đã thấy ngay chẳng phải vì lâu nay không tìm ra người làm mà là có rất nhiều, rất nhiều cần có việc làm, họ đã chờ sẵn bất kể giờ giấc để được gọi vào làm, thế nên ngay từ tảng sáng ông vừa ra đi thì đã gọi được thợ vào làm vườn nho, và như vậy có nghĩa là ông biết trước được nhu cầu của họ và lòng ông đã chẳng sao xuyến đến nỗi thúc ông phải hối ha, gấp gáp vậy sao? Rồi cách nhau những giờ tiếp sau đó, ông lại vẫn ra đi thu nạp tất cả những người vô công rỗi nghề giữa chợ vào làm vườn nho của ông cho đến giờ chót, giờ thứ 11, và như vậy là vào bất cứ giờ nào cũng có những kẻ đang chờ đợi được gọi vào làm, vì khi ông hỏi họ, sao vô công rỗi nghề thế? Họ đáp: “Không có ai thuê chúng tôi cả”. Họ không được thuê hay người ta biết họ vô dụng? Thế nhưng ông không thắc mắc, ông đã dẫn vào vườn nho của ông tất cả và trả công cho họ đầy đủ như giá đã thỏa thuận với những người ban đầu, ông điên ư? Sao lại vung vãi tiền một cách thiếu tính toán đến thế? Thật ra ông chủ đây chính là Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có được một lòng nhân từ đi quá sự công bình, và quả thực “điều mà nơi loài người là không thể được thì đều có thể nơi Thiên Chúa” (Mt 19,26), và vì là loài người nên chúng ta vẫn luôn dõi mắt đến người anh em chung quanh, không phải để ân cần cảm thông chia sẻ những nỗi thống khổ, những thiếu thốn, những giọt nước mắt với họ mà là để soi mói, bới móc, ganh tị với những may mắn, những hạnh phúc bất ngờ, những ân huệ hỏ nhoi của họ để rồi kêu ca trách cứ Thiên Chúa, đang khi Người lại là một Thiên Chúa giàu lòng từ bi, nhân hậu, huệ ái, bao dung, Người luôn đi bước trước để tìm hiểu, để yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân, khi chúng ta còn chưa biết Người, Thiên Chúa như vị mục tử tốt lành như lời Người đã phán qua miệng tiên tri Êgiêkiel: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng” (Ed 34,11).

Hiểu được điều đó chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết đón nhận anh em bằng cặp mắt cảm thông, bằng nụ cười gần gũi hồn nhiên, biết chia sẻ những đau khổ thử thách của anh em, nhưng không bao giờ biết ganh tị với những hồng ân, những ơn lành anh em có, để Chúa cũng không bao giờ nói với chúng ta: “Này bạn, bạn khó chịu vì Ta tốt lành sao, Ta không có quyền tự do ban phát tình yêu của Ta sao?”.



THỨ NĂM

Ed 36,23-28; Mt 22,1-14

Bài đọc I hôm nay làm cho chúng ta thấy phấn khởi bởi lời hứa của Thiên Chúa cho dân Israel đã được thực hiện cho chúng ta, những kẻ đã được Thần Khí đổi mới từ bí tích Rửa tội bằng nước và Thánh Thần. Thế nhưng, chúng ta đã đáp trả thế nào, và có xứng đáng với ơn gọi cao quí đó không?

Chúng ta hãy đọc kỹ bài Tin Mừng được thánh Matthêu mô tả về Nước Trời bằng hình ảnh một bữa tiệc cưới nhà vua tổ chức cho Hoàng tử. Sau ví dụ ông chủ vườn nho tốt lành, thánh Matthêu hôm nay muốn nâng cao ngôi vị nên lại dùng hình ảnh nhà vua để đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ. Chúng ta không lạ gì những bữa tiệc và tính chất của nó: vui mừng. Và dĩ nhiên những người được mời phải có tương quan mật thiết với gia chủ, và đó cũng chính là niêm vinh hạnh cho kẻ được mời. Ở đây niềm vinh hạnh còn lớn hơn vì gia chủ là đức vua. Thế nhưng, lạ thay mọi người được mời đều không them đến, họ xem thương quốc vương. Ngày xưa, đã có những chuyện kể nhà vua có quyền ra lệnh tru di tam tộc cho kẻ xúc phạm đến nhà vua; ấy thế mà ở đây vua lại nhẫn nại sai đầy tớ đến nói với khách: “Tiệc đã sẵn, hãy đến”; nhưng họ vẫn không màng, lại còn đối xử tàn tệ với gia nhân của nhà vua. Chúng ta đã biết đức vua đây chính là Thiên Chúa, và khách được mời là chúng ta, và còn lạ gì những lầm chúng ta khước từ lời mời gọi đến với Chúa, sống kết hiệp với Chúa, những lần chúng ta đang tâm làm mất lòng Chúa, nhưng Chúa vẫn mời gọi, đôi tay Chúa trên thánh giá vẫn giang rộng để chờ đợi chúng ta. Chúa vẫn mang lấy hình ảnh của một linh mục nơi tòa giải tội để đón mời chúng ta một lần trở lại.

Sau cùng, chẳng đừng được, vì kẻ được mời đã không đáng dự (cứ nhìn con số thống kê về tín hữu Công Giáo khắp hoàn cầu chỉ chiếm một con số nhỏ nhoi thì biết) vua cho các đầy tớ ra khắp các nẻo đường gặp bất cứ ai cũng mời vào, và phòng tiệc cưới đã đầy khách. Điều này chẳng làm chúng ta ưu tư và đau khổ sao? Thiên Chúa, Người yêu thương mà chọn chúng ta giữa bao người, thế mà chúng ta một cách nào đó đã bao lần luôn từ chối Người, làm đau lòng Người. Và khi phòng tiệc đã đầy, vua đi vào coi khách dự tiệc, một người không có y phục lễ cưới, không thể tha thứ được vua đã cho người đuổi y ra chốn tối tăm, nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng. Điều này làm cho chúng ta phải lo lắng, y phục lễ cưới là gì, và làm sao có sẵn khi người ấy bị gọi vào một cách bất ngờ? Phải chăng là những chuẩn bị tâm hồn ngay từ bây giờ trong mỗi giây phút của cuộc đời, khởi sự từ những sinh hoạt hằng ngày, nghĩa là luôn ở trong tư thế sẵn sàng và tỉnh thức để bất cứ giờ nào Chúa đến, bất cứ giờ nào Người gọi chúng ta cũng sẵn sàng và y phục tươm tất.

Ước chi mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình chiếc áo cưới để sẵn khi được mời. Nhưng tự mình làm sao chúng ta có thể hoàn tất sự chuẩn bị ấy nếu không biết cậy trông và liên kết với Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu Kitô chúng ta sẽ tìm ở đâu nếu không đến với bàn tiệc Thánh Thể, là nơi khai mạc và là hình bóng của bàn tiệc Thiến Quốc, để chúng ta xứng đáng là dân con, và Chúa là Thiên Chúa của chúng ta.



THỨ SÁU

Ed 37,1-14; Mt 22,34-40

Người ta chỉ có thể được một người con sống nếu nhịp tim người ấy còn đập, và người ta đã dùng hình ảnh trái tim để biểu thị cho tình yêu, lẽ tất nhiên vì tim còn đập là còn sống mà chỉ có sống mới có thể yêu.

Bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã làm cho kẻ chết được hồi sinh nhờ Thần Khí Người, cho họ được trở nên con người sống, con người bằng đa bằng thịt để họ sẽ biết Người là Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần nơi bí tích Rửa tội. Chính Đức Kitô phục sinh cũng ban cho chúng ta sự sống và là sự sống đời đời, nên Chúa luôn hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của sự sống. Hãy biết yêu, yêu Thiên Chúa và yêu anh em.

Chúng ta đã biết biệt phái và luật sĩ là những người được gọi là thông luật, là những người am tường và dạy người ta tuân giữ các giới luật, dĩ nhiên họ đã quá rõ bản thập giới của Môsê được tóm gọn trong hai điều: mến Chúa và yêu người,nhưng họ luôn luôn muốn tìm những sơ hở của Chúa Giêsu để bắt bẻ Ngài, nên hôm nay một luật sĩ đến hỏi thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong lề luật?”. Chúa Giêsu đáp: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, và yêu mến đồng loại như chính mình, toàn thể lề luật đều quy vào hai giới răn ấy”. Chúa Giêsu đã không nói điều gì mới mẻ hơn luật của họ, vì Ngài đã từng nói: “Ta không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17), nghĩa là Ngài canh tân mà hoàn bị luật cũ, thế nên Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới là hãy yêu thương nhau, để mọi người nhờ đó mà biết các ngươi là môn đệ Ta” (Ga 13,34-35), bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8).

Chúa Giêsu là tác phẩm của tình yêu Thiên Chúa, và Thiên Chúa yêu thương con người là hình ảnh của Người (St 1,27) mà Người đã cho Đức Giêsu nhập thế và nhập thể để đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho con người, và để bày tỏ tình yêu ấy Đức Giêsu đã vâng phục Thiên Chúa Cha mà chịu chết trên thập giá, và chính trên thập giá ấy Ngài đã đổ máu và nước ra để cứu chuộc chúng ta, để phát sinh Giáo Hội và bí tích, để máu và nước ấy đem lại sự sống mới cho chúng ta.

Khi làm cho những đống xương khô được hồi sinh trong bài sách Êgiêkiel, Thiên Chúa đã muốn cho họ sống để họ sẽ biết Người là Thiên Chúa. từ biết trong Thánh Kinh có nghĩa là kết hiệp mật thiết, là sống thật, là cảm nghiệm điều ấy, vậy chúng ta đã được sống bởi sự sống của Đức Giêsu Kitô, và hơn thế nữa, chúng ta đã mang lấy hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta phải cũng trở nên giống Người, không gì khác hơn là chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu mà yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau, vì chúng ta đã được Thiên Chúa chuẩn bị và ban cho quả tim bằng thịt, để mỗi nhịp đập của trái tim là một tiếng gọi yêu thương, mà yêu thương trước hết là mọi người chúng ta gặp gỡ trong quan hệ hằng ngày, vì thánh Gioan, tông đồ Chúa yêu đã khẳng định trong bức thư thứ nhất của ngài: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì nó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em mà nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó không thấy”. (1Ga 4,20).


THỨ BẢY

Ed 43,1-7a; Mt 23,1-12

Chủ đề của đoạn Tin Mừng hôm nay được thánh Matthêu gọi là biệt phái giả hình và hư danh. Thế nhưng, nếu chúng ta thật lòng tìm hiểu bằng con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận thấy rằng bài Tin Mừng này dường như nói với chính chúng ta, cho riêng chúng ta, hay nói khác đi mỗi người chúng ta đều có thể là những ký lục, những biệt phái giả hình kia vậy.

Cứ sự thường, xét về mặt tâm lý thì ai cũng thích được khen ngợi, được đề cao và chính cái tâm lý ấy mà trong mọi câu chuyện vô tình hay hữu ý, một cách nào đó không nhiều thì ít chúng ta cũng tự đưa cái tôi của mình lên nếu là chuyện đó người ta không chứng kiến, còn nếu họ biết thì chúng ta chờ đợi một lời khen ở nơi họ, cho dù đó là những việc đạo đức trăm phần trăm, điều đó có nghĩa là luôn luôn chúng ta vẫn muốn để cho tay trái biết việc của tay phải làm (Mt 6,3). Hoặc chúng ta có thể tuôn ra với mọi người những lời khuyên, những bài giáo lý thuộc lòng, những câu Thánh Kinh có ý nghĩa, nhưng chính chúng ta, có thể chẳng bao giờ chúng ta thử áp dụng, thử sống đạo, nói chung chúng ta chỉ dễ nói mà khó làm, chúng ta chỉ giữ đạo mà thiếu sống đạo, đang khi đó xã hội hằng ngày vẫn chờ đợi một sự dấn thân tích cực hơn là những lời giảng đạo khô khan, một người nào đó có lý khi nói một câu bất hủ: “A good example Isaia the best sermen” (nên làm gương tốt hơn là những lời giảng đạo); hay câu khác: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Lời nói của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua như còn vang vọng và nhắc nhở chúng ta: hãy yêu mến Thiên Chúa và phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. Ở đây, Chúa Giêsu không dùng tiếng anh em mà là “đồng loại”. Đồng loại là gì? Là cùng loài với nhau, như vậy trước khi là anh em thì chúng ta đã là cùng loại, nghĩa là không chờ đến khi là anh em mới phải yêu nhau mà phải yêu mến nhau vì biết mình cùng loài với nhau; hay nói cách khác: hãy biết yêu thương nhau chí ít thì cũng vì tình người trước khi trở nên anh em trong niềm tin. Trong suốt ba năm giảng đạo chung cuộc của Chúa Giêsu, Ngài cũng chỉ dạy người ta điều này, và để bài dạy của Chúa Giêsu được cụ thể, Ngài đã chấp nhận chịu đau khổ và chịu chết cho mọi người, không có tình yêu nào lớn hơn là kẻ đã thí mạng sống mình vì bạn hữu (x. Ga 15,13). Chúa Giêsu không tuyên bố thí mạng mình cho dân Do Thái, hay cho Gioan tông đồ Chúa yêu, hoặc cho riêng người Kitô hữu, mà là cho bạn hữu, cho loài người mà đã hơn 30 năm mà Chúa Giêsu cũng đã mang kiếp làm người.

Ước chi âm vang của lời Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau, để mọi người nhận biết các copn là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35), sẽ là kim chỉ nam giúp chúng ta sống đạo đích thực hầu mọi người nhìn vào đời sống của chúng ta mà nhận ra khuôn mặt của Giáo Hội hiền thê của Đức Giêsu Kitô mà tìm đến nương náu.
Mới hơn Cũ hơn