Trong những trường hợp nào linh mục có quyền từ chối giải tội



Lm Francesco Scutellà

Hỏi: Tôi muốn biết lý do tại sao linh mục có thể từ chối việc giải tội cho hối nhân (Marta Giusti)

Linh mục Francesco Scutellà, giáo sư Giáo luật, trả lời câu hỏi bằng cách nhắc lại ngắn gọn các quyền/nghĩa vụ của cha giải tội và hối nhân.

Liên quan đến thừa tác viên bí tích, truyền thống cho rằng cha giải tội là một thẩm phán và là lương y. Là thẩm phán vì ngài cân nhắc mức độ nghiêm trọng của tội lỗi và “kết tội” chúng, bởi vì ngài phán xét tính toàn vẹn của việc xưng tội và tình trạng của hối nhân. Là lương y, bởi vì ngài phải đưa ra một chẩn đoán nhất định về căn bệnh của linh hồn, chỉ ra loại thuốc thích hợp, ra việc đền tội giúp chữa lành và khôi phục lại sự công bằng đã bị tổn hại.

Thật vậy, Giáo luật điều 978 nhắc nhở linh mục rằng : “Khi giải tội, vị tư tế thực hiện nhiệm vụ của mình vừa là thẩm phán, vừa là lương y, và cùng lúc được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên của công lý và của lòng nhân hậu của Chúa, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ các linh hồn. Khi ban bí tích, cha giải tội phải trung thành theo sát giáo huấn của huấn quyền và những quy tắc do nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập”.

Hơn nữa, theo điều 980: “Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối và cũng không được hoãn ban ơn xá giải”.

Vì vậy, linh mục giải tội phải phán đoán khuynh hướng của hối nhân và dựa vào đó để quyết định liệu có ban phép giải tội hay không, hoặc có nên hoãn lại hay từ chối. Do đó, việc xưng tội tự nó không mang lại quyền được tha tội, nhưng tùy thuộc vào linh mục giải tội, phân định về sự chân thành trong việc ăn năn, sự từ bỏ tội lỗi đã phạm và quyết tâm không tái phạm. Có thể nói rằng ban phép giải tội là quy tắc chung, và chỉ khi có những nghi ngờ nghiêm trọng về sự ăn năn của hối nhân – với dấu hiệu rõ ràng nhất là không tái phạm – thì không thể ban phép xá giải. Đây là việc chẳng đặng đừng và đau đớn, và ngài cần giải thích rõ ràng cho hối nhân biết rằng việc không thể ban phép giải tội là do thiếu những điều kiện cần thiết để thực hiện bí tích một cách hợp lệ. Linh mục có trách nhiệm phán quyết trong trường hợp này, dĩ nhiên, không theo ý riêng, mà dựa trên giáo huấn của Giáo hội, vì linh mục hành động như là thừa tác viên của Thiên Chúa và của Giáo hội.

Do đó, “để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình” (điều 987).

Cần nhớ rằng các tín hữu, khi có sự chuẩn bị hợp lý, có quyền nhận được sự giúp đỡ của các bí tích từ các mục tử (x. điều 213); quyền này được tông huấn Reconciliatio et Paenitentia định nghĩa là "bất khả xâm phạm và bất khả nhượng, nó còn là một nhu cầu của linh hồn" (số 33). Nhưng quyền này gắn liền với sự chuẩn bị tâm hồn của tín hữu. Đây là các quyền lợi và nghĩa vụ công bằng, dựa trên bản chất của năng quyền mà Thiên Chúa đã ban cho các thừa tác viên của Người để ràng buộc, tháo gỡ và ban phát lòng thương xót của Chúa khi hối nhân không gây ra bất kỳ trở ngại nào đối với điều đó.

Các quyền lợi và nghĩa vụ này, vượt trên mọi hình thức pháp lý, hoàn toàn phù hợp với ý muốn rõ ràng của Thiên Chúa, “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

Cũng nên nhớ rằng, bất kể sự chuẩn bị tâm hồn của người tín hữu như thế nào, một số tội lỗi đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến vạ tuyệt thông thì không thể được giải bởi một linh mục "thông thường", mà việc giải tội này phải được dành riêng cho Tòa Thánh, ví dụ: xúc phạm đến Mình Máu Chúa; vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích; giải tội cho đồng phạm liên quan đến điều răn thứ sáu; xúc phạm nhục thể Đức Giáo Hoàng; phong chức linh mục cho phụ nữ và tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm từ Đức Giáo Hoàng.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn