Suy niệm mỗi ngày, Tuần 22 thường niên, năm chẵn




TUẦN XXII

THỨ HAI

Gr 1,17-19; Mc 6,17-29

Mỗi lần có những cuộc bầu cử là chúng ta lại thấy có những cuộc vận động rấ sôi nổi, với những bài diễn văn, những hứa hẹn. Và các ứng cử viên, vị nào cũng vậy, đều muốn trở về quê quán của mình để vận động. Thường thì dân chúng với tâm thức địa phương, hay dồn hết phiếu cho người địa phương của mình, với hy vọng là khi đắc cử, người đó sẽ ưu tiên lo cho những vấn đề của địa phương mình trước. “Một người làm quan cả , cả họ được nhờ”, đó là tâm thức thông thường của người đời.

Nhưng tâm thức đó xem ra khác xa với tâm thức của Chúa Giêsu khi Chúa trở về làng Nazareth quê hương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trở về không phải để vận động dân chúng ủng hộ Ngài trong sứ mạng rao giảng, bởi vì sứ mạng của Chúa Giêsu đến từ trên cao chứ không phải từ con người. Và khi Chúa Giêsu nói tới sứ mạng đó thì dân chúng tỏ ra nghi ngờ, họ bàn tán với giọng khinh thường: “Người này chẳng phải là con ông Giuse sao?”.

Nhưng dù sao thì họ cũng đã nghe biết các phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở các nơi khác, nên họ chỉ muốn Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ đó để làm lợi cho dân làng chứ họ chẳng màng chi tới sứ mạng thiêng thiêng của Chúa Giêsu. Và trước thái độ không tin của họ, Chúa Giêsu đã nêu lên một tâm trạng thông thường của con người, đó là “không có tiên tri nào được hoan nghênh tại quê hương mình”.

Cách mô tả của thánh Luca cho chúng ta thấy rằng: cái khuyết điểm quan trọng đã ngăn cản con người đón nhận sứ điệp của Chúa, đó là tinh thần vụ lợi, muốn hưởng thụ ích kỷ cho riêng mình. Dân làng Nazareth muốn độc quyền chiếm hữu Chúa Giêsu, muốn Chúa Giêsu thực hiện phép lạ để phục vụ riêng cho dân làng mà thôi. Họ dừng lại ở giới hạn vật chất, không thể nào vươn lên cao hơn nữa, để có thể nhận ra ý nghĩa cao cả của sứ mạng Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu muốn cải hóa tâm trạng vụ lợi đó, muốn khơi lại tâm tình tốt đẹp nơi họ khi nhắc lại hai thí dụ cụ thể xảy ra thời tiên tri Êlia và Êlisê. Hai tiên tri này đã không giành ưu tiên việc thi ân cho dân riêng mình, nhưng đã thi ân cho bà góa thành Rarepta và cho viên quan Naaman từ Syrie tới, đó là hai người dân ngoại.

Lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở cho chúng ta hãy kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta. Chúng ta có tôn kính Chúa như một Thiên Chúa đáng được tôn thờ, hay chỉ muốn lợi dụng Thiên Chúa để mưu cầu lợi ích vật chất. Vả lại, xin cho chúng ta có tâm hồn mềm mại, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, chứ đừng cứng lòng như dân làng Nazareth.


THỨ BA

1Cr 2,10-16; Lc 4,31-37

Thánh Luca muốn mô tả cho chúng ta một dung mạo đặc biệt của Chúa Giêsu. Luca không kể gì về những lời rao giảng của Chúa Giêsu ở Capharnaum, nhưng chỉ nhằm nhắc đến dung mạo đầy uy quyền của Chúa Giêsu. Uy quyền đó được chứng thực bằng một việc làm cụ thể là Chúa Giêsu đã ra lệnh cho thần dữ, và thần dữ lập tức nghe theo.

Thông thường Chúa Giêsu chỉ làm phép lạ khi có người đến xin, nhưng ở đây, người bị quỉ ám chưa hề mở miệng xin Chúa, và cả những người trong hội đường cũng chưa ai xin, nhưng Chúa Giêsu đã có sáng kiến muốn chữa anh ta và đã ra lệnh cho thần dữ ra khỏi anh ta.

Người bị quỉ ám là người sống trong quyền lực của thần dữ, bị quyền lực của sự dữ chiếm đoạt. Hiểu theo nghĩa này thì cả trong thời đại chúng ta đây cũng còn có những người có thế nói được là đang bị quỉ ám. Đó là quỉ ghen tương, quỉ hận thù ghen ghét, quỉ dâm ô, quỉ tham lam… Những con người như vậy khi phải đối diện với Lời Chúa, đối diện với ánh sáng sự thật của Chúa thì không thể không có phản ứng. Hoặc là họ lẩn trốn Lời Chúa, hoặc là họ lên tiếng chống lại để che đậy cho những điều xấu của mình, giống như phản ứng của người bị quỉ ám hôm nay mà bài Tin Mừng thuật lại, nó đã chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa: “Ông đến đây làm gì? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi hay sao?”.

Nhưng bất chấp sự chống đối của người bị quỉ ám, Chúa Giêsu vẫn ra lệnh cho thần dữ ra khỏi người đó. Vì sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn là sự hiện diện có tác động giải phóng con người khỏi lệ thuộc vào sự dữ. Chúa Giêsu không thể chấp nhận để cho thần dữ tung hoành làm hại con người.

Sức mạnh của Lời Chúa đó ngày nay vẫn còn tác động trong đời sống của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Giêsu vẫn còn thể hiện qua Giáo Hội để tìm cách loại trừ các sự dữ ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta có đón nhận ơn cứu rỗi Chúa mang đến và cộng tác với ơn Chúa, hay chúng ta tìm cách lẫn tránh hoặc chống đối ơn đó.


THỨ TƯ

1Cr 3,1-9; Lc 4,38-44

trong đời sống đạo cũng như trong bất cứ phương diện nào của cuộc sống, không được lẫn lộn phương tiện và cùng đích. Phải nắm đích chứ không được dừng lại và trói buộc lòng mình ở các phương tiện.

Thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã cảnh cáo thái độ đó. Thay vì học hiểu và tuân giữ các giáo huấn, các chỉ dẫn của thánh nhân và các cộng sự viên của ngài rao giảng, thì họ lại chia thành phe nhóm, người ủng hộ thánh nhân, kẻ khác lại ủng hộ các cộng sự viên của ngài. Thái độ đó thật sai lạc, vì họ đã cho lòng mình bị trói buộc vào các phương tiện, các dụng cụ Chúa ban để chuyển đạt ơn cứu độ đến cho họ, mà quên rằng ơn cứu độ, cùng đích của đời họ chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa.

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, người ta cũng yêu cầu Chúa làm nhiều phép lạ. Nhưng nếu người ta chỉ nhắm vào phép lạ như cùng đích, để thử thách Chúa, để thỏa mãn tính tò mò, thỏa mãn những nhu cầu nhất thời thì chẳng bao giờ Chúa làm: phép lạ Chúa làm chỉ là phương tiện để chuyển thông một sứ điệp, để củng cố hoặc khơi dậy niềm tin để hướng tới cùng đích là ơn cứu độ.

Hơn nữa, khi làm các phép lạ để chữa các bệnh tật, Chúa Giêsu còn muốn chứng tỏ rằng: Thiên Chúa không những chỉ cứu rỗi linh hồn, mà còn cứu cả thân xác, cả con người toàn diện. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời không tưởng, một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng đến ngay trong thực tại trần thế của con người. Do đó, Chúa Giêsu không chỉ tha tội, trừ quỉ, chữa phần linh hồn, mà còn chữa bệnh phần xác, làm phép lạ để nhiều người được ăn no nê.

Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của ông Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình của một tình yêu trải rộng đến mọi người, đến từng người, đến từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu đang muốn Giáo Hội của Ngài tiếp tục.

Mến Chúa yêu người, người tín hữu Kitô chỉ có thể sống theo gương Chúa Giêsu khi họ biết hòa hợp hai giới răn ấy làm một. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ, nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy sức sống, nhưng trở lại cuộc sống hàng ngày để gặp gỡ và yêu thương tha nhân.



THỨ NĂM

1Cr 3,18-23; Lc 5,1-11

“Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô”. Thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay muốn kêu gọi chúng ta đừng nghĩ rằng tự chúng ta, chúng ta có được sự khôn ngoan, sự tài giỏi, nhưng hãy luôn nhớ rằng mọi sự mà chúng ta có là đều bởi Chúa mà đến.

Chân lý đó được bài Tin Mừng hôm nay chứng mình cụ thể. Mặc dù là những thuyền chài chuyên nghiệp, nhưng Phêrô và các môn đệ đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng đánh được con cá nào. Đó là hình ảnh của một cuộc sống thiếu sức sống siêu nhiên, chỉ cậy dựa vào tài năng riêng, thiếu sự cầu nguyện, thiếu sự tìm hiểu thánh ý Chúa để hướng dẫn hành động.

Phêrô và các môn đệ chỉ cần thả lưới theo sự chỉ dẫn của Chúa Giêsu, lập tức các ông đã được một mẻ cá nhiều đến nỗi rách cả lưới. Trước mẻ cá ấy, Phêrô đã nhận ra thân phận bất lực yếu hèn của ông. Sau này chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: “Không có Ta, các con không làm được gì cả”.

Thiếu sự cầu nguyện, thiếu sự tìm hiểu thánh ý Chúa, chúng ta sẽ chết dần chết mòn trong sự khô cằn yếu nhược của chúng ta. Nhưng thế nào là cầu nguyện? Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho biết cầu nguyện thì Chúa Giêsu đã dạy cho các ông Kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu không chỉ dạy một công thức mà Chúa Giêsu dạy cả một thái độ sống tức là sống như Ngài, sống hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha: “Xin ý Cha thể hiện”. Kết quả của sự vâng phục mà các môn đệ thấy trước mắt chính là mẻ lưới đầy cá: “Vâng lệnh Thầy, chúng con xin thả lưới”.

Cầu nguyện thiết yếu là vâng phục thánh ý Chúa. Và vâng phục thánh ý Chúa có nghĩa là sống trọn vẹn từng phút giây cho Chúa: “Thức ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Người tín hữu Kitô cũng phải thực thi thánh ý Chúa như lương thực hằng ngày của mình. Thiếu lương thực là thiếu sức sống. Cũng thế, thiếu thánh ý Chúa, người tín hữu Kitô cũng sẽ chết dần chết mòn.

Chúng ta đọc kinh, chúng ta tham dự thánh lễ mỗi ngày, ước gì những kinh kệ ấy không trở thành những cố gắng cực nhọc suốt đêm mà không được gì, nhưng giúp chúng ta khám phá ra được thánh ý Chúa và đem ra thực hành trong từng phút giây của cuộc sống. Như vậy, những thực thi thánh ý Chúa qua những hành động bác ái phục vụ hy sinh từng ngày, cũng là những lời nguyện đẹp lòng Chúa nhiều hơn cả. Xin cho tâm tình, suy nghĩ, hành động của chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống cũng chính là của Đức Kitô, bởi vì không phải chúng ta sống mà chính Đức Kitô sống trong chúng ta.



THỨ SÁU

1Cr 4,1-5; Lc 5,33-39

Cuộc đời của mỗi Kitô hữu phải là lời rao giảng về Tin Mừng Đức Kitô. Hay nói khác đi, mỗi Kitô hữu là một thừa tác viên của Đức Kitô, là những người thân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và như lời thánh Phaolô quả quyết trong bài đọc I: “Người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là phải trung tín”.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta về chữ “tín” của người tín hữu Kitô. Nếu ăn chay là một cử chỉ nói lên sự chờ đợi Đấng Cứu Thế, thì những người môn đệ của Chúa Giêsu không có lý do gì để ăn chay, bởi vì họ đang ở với Đấng ấy. Không giữ luật ăn chay như người Do Thái khác, các môn đệ của Chúa Giêsu nói lên niềm xác tín của họ là họ đang sống với Đấng Cứu Thế. Cách hành động của họ hoàn toàn phù hợp với niềm tin của họ. Và đó là một khía cạnh của chữ “tín”.

Sự phù hợp giữa niềm tin và cuộc sống đã được Chúa Giêsu diễn tả qua hình ảnh chiếc áo và bình rượu. Người ta không thể lấy vải mới vá trùm lên áo cũ, cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ. Áo mới đi với vải mới , rượu mới đi với bầu da mới. Cũng thế, niềm tin phải đi đôi với cuộc sống, cuộc sống phải phản ảnh niềm tin.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự lừa lọc giả dối đang là luật sống của rất nhiều người. Chữ “tín” đã bị đánh mất, lòng tin tưởng lẫn nhau đã bị sa sút hẳn. Ai trong chúng ta cũng than phiền về sự băng hoại của xã hội. Nhưng biết đâu chúng ta lại chả giống như Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” trong khi chính Chúa Giêsu là sự thật đang đứng trước mặt ông.

Lắm khi chúng ta cũng có thái độ giống như Philatô, chúng ta than phiền về tình đời giả dối lừa lọc, chúng ta tự hỏi đâu là sự thật trong khi sự thật đang ở trước mặt chúng ta và chúng ta đang đóng đinh sự thật mà không hay biết. Chúng ta đang đóng đinh sự thật, đang chối bỏ sự thật, đang chà đạp chữ “tín”, bởi vì cuộc sống hằng ngày của chúng ta hoàn toàn xa lạ với niềm tin. Chúng ta đóng đinh sự thật, chúng ta thất tín, mỗi lần chúng ta chối bỏ người anh em, mỗi lần chúng ta hoạt động ngược lại với Tin Mừng.

Xin Chúa là chân lý luôn soi sáng hướng dẫn để cuộc sống chúng ta là một thể hiện trung thành của niềm tin chúng ta.


THỨ BẢY

1Cr 4,9-15; Lc 6,1-5

“Nhu nhược thắng cương thường” đó là triết lý của người Á Đông chúng ta. Phần đông con con người ngày nay quen dùng cường lực, cho nên thái độ điềm đàm là sự yếu hèn khiếp nhược. Nhưng người xưa coi sự điềm đạm là dấu chứng của sự mạnh mẽ hùng dũng nhất của tâm hồn. Những kẻ đứng trước những khiêu khích thậm tệ mà vẫn thản nhiên trầm tĩnh ung dung, người ấy bên trong phải có một sức mạnh hùng dũng phi thường.

Trong bài đọc I, thánh Phaolô cũng cho thái độ điềm đạm của ngài và các độ đệ trước những cay đắng khổ cực và ngược đãi phải chịu trong cuộc đời mà các thừa tác viên phải chịu. Dù gặp phải đói khát trần truồng, bị hành hạ, ngược đãi và thỏa mạ, các ngài vẫn chúc lành cho những người gian ác. Đó là thái độ của các bậc thánh nhân.

Thái độ ung dung bình tĩnh đó cũng được Chúa Giêsu và các môn đệ thực hiện trong bài Tin Mừng hôm nay cũng như trong suốt cuộc đời rao giảng. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu luôn luôn gặp sự chống đối, bắt bẽ của đám luật sĩ, biệt phái. Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến trường hợp tranh chấp giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về luật lệ ngày Sabát khi các môn đệ đi qua đồng lúa, đã giơ tay bứt vài bông, vò ra ăn cho đỡ đói. Trước những thái độ gây hấn đó, Chúa Giêsu luôn luôn bình tĩnh đối đáp lại cách điềm đạm và hợp lý. Ngày Sabát được đặt ra để phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ ngày Sabát. Con người dùng ngày Thứ Bảy để đến với Thiên Chúa chứ không phải ngày Thứ Bảy với những luật lệ phức tạp, đàn áp con người, làm cho con người quên mất việc chính yếu là đến với Thiên Chúa.

Những biết phái thường dùng hình thức tranh luận, bắt bẻ chống đối để mong hạ giá Chúa Giêsu, nhưng thái độ thô bạo cương cường bên ngoài đó chỉ bộc lộ sự hèn yếu bạc nhược của tâm hồn họ. Bạo động là con đẻ của cái sợ, của một tâm hồn yếu đuối không làm chủ được mình. Chúa Giêsu không nóng nảy để đàn áp lại họ, nhưng luôn mềm mỏng, bình tĩnh, biểu lộ một sức mạnh phi thường bên trong.

Người biệt phái không ngừng rình rập để xem Chúa và các độ đệ có lỗi luật ngày Thứ Bảy không. Họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu hiện diện giữa họ là mục đích, là chủ của ngày Thứ Bảy. Tuy nhiên trong tâm thức hẹp hòi và không tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu, những người biệt phái lấy việc tuân giữ các chi tiết phức tạp của ngày Thứ Bảy làm tiêu chuẩn để xét giá trị của Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Họ không nhận ra rằng họ đã lầm to khi muốn lấy truyền thống của cha ông, truyền thống của con người làm tiêu chuẩn xét đoán những hành động của Thiên Chúa.

Không thiếu những người trong thời đại của chúng ta hôm nay cũng rơi vào những lỗi lầm ấy. Khi chúng ta muốn dúng sức mạnh, muốn dùng tài hùng biện, dùng địa vị trong xã hội, và nhất là dùng phán đoán riêng của chúng ta để mạnh mẽ đàn áp, phê phán người khác thì rất dễ rơi vào sự sai lầm.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết canh tân tâm thức sống đạo của mình, đừng để rơi vào sự phê phán theo những luật lệ hình thức bên ngoài, nhưng biết phân biệt đâu là điểm tinh thần chính yếu bên trong cần phải tuân giữ khi tuân hành những hình thức bên ngoài.
Mới hơn Cũ hơn