Suy niệm mỗi ngày, Tuần 23 Thường niên, năm chẵn



THỨ HAI

1Cr 5,1-8; Lc 6,6-11

Chúng ta thường hiểu mến Chúa yêu người như một giới răn, một bổn phận mà chúng ta phải chu toàn. Lời Chúa hôm nay thì cho thấy lòng mến Chúa thay đổi tình yêu người và thay đổi lối sống, cách cư xử của người ta một cách sâu xa.

Chúa Giêsu là Đấng mến Chúa: thánh Phaolô gọi Ngài là Bánh không men, Con Chiên vô tì tích, vì cõi lòng Ngài yêu mến Thiên Chúa nồng nàn trở nên hiến lễ, trở nên nơi Thiên Chúa ngự trị, và mọi bóng dáng tội lỗi bị xua trừ.

Vì cõi lòng đầy tình mến Cha, nên Chúa Giêsu cũng có thái độ đặc biệt đối với tha nhân. Chúa Giêsu chữa một người có tay khô bại, điều này có thể nói Ngài rất quảng đại, rất quan tâm đến hạnh phúc của người khác, thậm chí lấy người khác làm trung tâm cho hành động của mình, coi việc bác ái là việc tối thượng, vượt quá những quy định về đạo nghĩa, luật lệ.

Chính vì thế, Chúa Giêsu là con người mẫu của thời đại Nước Trời. Thánh Phaolô luôn luôn nhìn vào Ngài như tiêu chuẩn: cần khuyên nhủ giáo đoàn Côrintô, thánh nhân nại đến chính gương sống của Chúa Giêsu.

Ngược lại, khi thiếu yếu tố “mến Chúa”, người ta dễ đi đến những lệch lạc:

Người tà dâm ở Côrintô: phạm tội nhỏ, tội lớn, lỳ lợm trong tội lớn – cả cộng đoàn không nhậy cảm nữa trước điều xấu, còn tự phụ lên mặt.

Hoặc luật sĩ, biệt phái chỉ biết có mình, ỷ vào công nghiệp của mình, và cứng cỏi lạnh lùng đối với kẻ khác, dù họ bất hạnh.

Vậy xin Chúa hun đúc lòng mến nơi mình để cách cư xử của chúng ta với Thiên Chúa và với anh em đổi khác. sin Chúa Giêsu hằng ngày tế lễ mình nên Bánh không men khử trừ mọi tội lỗi nơi chúng ta, mọi sự cứng cõi với tha nhân, qua việc phú ban cho chúng ta cõi lòng đầy tình mên Cha của Ngài.


THỨ BA

1Cr 6,1-11; Lc 6,12-19

Việc Chúa Giêsu chọn Mười Hai Tông Đồ là việc “ngắn ngủi, chóng vánh”, việc của một đêm cầu nguyện và một buổi sáng chọn lựa, nhưng đây thật là biến cố quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đối với Giáo Hội và lịch sử loài người.

Bởi vì Chúa Giêsu chọn Mười Hai Tông Đồ để làm cộng sự viên đặc biệt của Ngài, để nối tiếp sứ mạng của Ngài là cứu thế: đem người ta ra khỏi quyền lực sự tội, thánh hóa họ trong Thánh Thần, làm họ nên con cái Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng cho thấy sau lúc chọn, Chúa Giêsu xuống với các tông đồ: từ đây Ngài và Mười Hai Tông Đồ làm thành nhóm người đến với trần gian, đối diện với trần gian và lo cứu rỗi trần gian.

Bên cạnh việc tiếp tục sứ mạng của mình, Chúa Giêsu còn gọi Mười Hai Tông Đồ để thiết lập một nhân loại mới, một dân mới mà Thiên Chúa ưa thích được sống ở giữa, một cộng đoàn.

Sống như chính Con Thiên Chúa.

Tiếp tục ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian.

Tiếp tục ở trên mặt đất nhưng hết mình sống cho Thiên Chúa và Nước Trời.

Tiếp tục mang nặng xác thịt và nhiều đam mê xấu, nhưng cố gắng dần để có những đức tính của cõi trời.

Nhóm Mười Hai này sẽ nên nền móng của Giáo Hội, nên nguồn gốc một nhân loại mới. Từ họ, sẽ có cộng đoàn những kẻ sống theo Nước Trời.

Bởi đó, kẻ tin Chúa Giêsu phải sống khác hẳn với thế gian. Đó là lý do khiến thánh Phaolô luôn buồn bực, khi thấy các tín hữu Côrintô không sống được như con cái Nước Trời, thậm chí lôi nhau ra trước người đời để họ phân xử.

Thánh nhân nhắc đến ngay tư cách họ là kẻ được thánh hóa trong Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, đã thuộc về Nước Trời , để khuyên nhủ họ lo sống đúng cương vị cao vời hiện tại của mình.

Chúng ta thuộc về Giáo Hội có Chúa Giêsu làm đầu và các tông đồ làm nền móng. Chúng ta cũng được mời gọi sống nên con cái Thiên Chúa với những đức tính của kẻ đã được cứu độ.

Thế nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi chúng ta còn thấy mình còn mang nặng xác thịt nặng nề với những tính xấu muốn lấn át tư cách con cái Thiên Chúa nơi chúng ta. Bởi vậy, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần chuộng tinh thần cầu nguyện. Như Chúa Giêsu luôn cầu nguyện trước khi làm một việc gì quan trọng và trong cuộc sống thường ngày, luôn dành cho việc cầu nguyện một số giờ phút riêng, chúng ta cũng cầu nguyện để kết hợp trí lòng với Cha – để sống cho Cha – để sống khác và có lúc phải sống ngược với thế gian – để tiếp nối Chúa Giêsu cứu rỗi loài người.


THỨ TƯ

1Cr 7,25-31; Lc 6,20-26

Tinh thần của đạo Chúa có thể thay đổi đời sống con người và khiến người ta có cái nhìn mới về nhiều chuyện ở đời, đó là điều Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy nơi thánh Phaolô và thánh Luca.

Khi trả lời cho những kẻ muốn hỏi về việc sống đông trinh, thánh Phaolô cho biết việc sống đồng trinh là một việc tốt, nhưng việc lập gia đình và trung tín trong bậc vợ chồng cũng là điều tốt. Người sống độc thân thì được thong dong, không bị ràng buộc và gặp những khốn khổ của bậc gia đình, nhưng nếu cần lập gia đình, họ cứ lập, không việc gì cả. Hai bậc đều tốt. Và đến đây, thánh Phaolô mời gọi người ta hãy vượt hơn sự thường tình đó để nhìn cuộc sống bằng con mắt đức tin. Khi đó, ngài đến một thực tế tốt đẹp hơn nữa: đó là Nước Trời, đó là thời Chúa đến trị vì. So với Nước Trời, mọi sự ở đời không còn là tuyệt đối nữa, và không đáng để con người bấu víu đến cùng nữa. Ngài bảo: những ai sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng. Đời này chỉ còn là phương tiện, chỉ còn có tính cách nhất thời, Nước Trời mới là đối tượng con người phải nhắm đạt tới, chiếm lấy và tận hưởng.

Thánh Luca cũng tỏ ra là một con người đã thấm nhiễm tinh thần đạo. Khi sống giữa nhiều môi trường thiếu sự công bằng vì tài sản không được phân chia đồng đều, ngài đã có những thiện cảm với những người nghèo vì ngài chịu ảnh hưởng của đức ái Kitô giáo và ngài ái ngại cho số phận của những kẻ giàu, vì họ khinh miệt kẻ nghèo và không mở lòng đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Những sự thoải mái của đời sống chiếm trọn sự mong muốn của họ và ngăn mắt họ nhìn lên một chân trời vượt cõi thế. Đối với ngài, kẻ giàu bị dành cho bất hạnh. Còn đối với các tín hữu đa số thuộc giới nghèo, giới bị khinh miệt, ngài lại an ủi và cầu phúc cho họ vì đặc ân của họ là không có một niềm hy vọng thế tục nào, mọi sự trong đời thế tục đều xua đuổi họ.

Chính vì thế, đoạn văn của thánh Luca chẳng những khác “bài giảng trên núi” của thánh Matthêu (vì thánh Matthêu có tám lời chúc phúc, còn thánh Luca có bốn lời chúc phúc và bốn lời chúc dữ) mà còn khác ở điểm thứ hai là bài của thánh Matthêu có tính cách đạo đức, nhấn đến những thái độ nội tâm cần có để chiếm Nước Trời, còn bài của thánh Luca có tính cách xã hội hơn (Nil Guillemette). Tuy vậy, thánh Luca cũng không quên khía cạnh Nước Trời của thánh my, đó là tình cảnh vật chất nghèo túng của kẻ nghèo dễ giúp họ có lòng sẵn sàng đón nhận Nước Trời. Vậy thánh Luca cũng vẫn nhìn vấn đề xã hội theo con mắt đức tin và theo Nước Trời.

Gương của thánh Phaolô và thánh Luca nhắc nhở chúng ta nhìn lại chính mình và tự hỏi mình đã thực sự được thấm nhuần đức tin và tinh thần của đoạn chưa? Liệu đứng trước những chuyện thuộc đời sống, chúng ta có những cái nhìn đức tin, những suy nghĩ đức tin, những lời nói đức tin chưa? Hay chúng ta vẫn sống và phản ứng như những kẻ không có đức tin? Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta ngày càng nên nghèo về những sự thuộc về thế gian và nên giàu về những sự thuộc Nước Trời, bớt bám víu vào cõi thế và hướng nhìn nhiều hơn về Nước Trời, theo đúng niềm tin và tinh thần của kẻ đã nên tín hữu của Chúa.


THỨ NĂM

1Cr 8,1-13; Lc 6,27-38

Hết mọi khía cạnh cốt yếu thuộc luật yêu người được gói ghém trong Lời Chúa hôm nay.

Trước hết tha nhân mà người ta phải yêu mến, đó là mỗi người khác, ngay cả kẻ thù của mình.

Và nói yêu mến đây không chỉ là cảm thấy một tâm tình, mà là một cái gì cho kẻ khác – dù kẻ đó “oán ghét nguyền rủa, ngược đãi” mình – và luôn làm những điều có lợi cho họ: làm ơn đáp lại oán ghét, chúc lành đáp lại nguyền rủa, khẩn cầu đáp lại ngược đãi. Khẩn cầu nghĩa là xin Thiên Chúa ban điều mình không thực hiện nổi, là bỏ luôn cả ý định thầm mong Thiên Chúa trị phạt cách nào đó.

Nói yêu cũng là chứng tỏ cho kẻ khác hay kẻ thù những thái độ và những hành vi cụ thể và để cho mọi sự, mọi chỗ, từ hành động bên ngoài, đến những ước muốn, lời nói và cõi lòng mình, đâu đâu cũng được thấu nhập bởi tình mến.

Nói yêu tha nhân còn là nói hãy có sáng kiến, hãy đi bước trước trong việc làm ơn mà không mong được đáp trả – là sống niềm vui của kẻ cho đi, ban phát đi – là không còn theo luật “ác giả ác báo” như thế gian vẫn áp dụng, nhưng theo luật huynh đệ và yêu mến vì mọi người đều là con cái Cha chung trên trời. Qui luật tối cao trong liên hệ giữa chúng ta và kẻ khác không còn là sự công bình, nhưng là tình thương, là sự vô vị lợi, sự quảng đại và tha thứ.

Đoạn thư của thánh Phaolô cũng bổ túc một khía cạnh nữa của luật yêu người: đó là nhớ rằng tha nhân là kẻ mà Đức Giêsu Kitô đã đổ máu để chết cho và do đó, người ta không làm một sự gì khiến người anh em đó bị mất ơn cứu độ. Cụ thể là trong vấn đề ăn của cúng. Tại Côrintô, nơi còn theo văn minh ngoại giáo, người ta cúng thịt cho các thần trước khi đem bán ở chợ. Khi mua về ăn thịt đó là như người ta ăn chung với các thần và tin nhận các thần.

Đối với kẻ đã tin Đức Giêsu Kitô thì chỉ một mình Thiên Chúa là Thần Linh, ngoài Thiên Chúa chẳng có thần linh nào khác, do đó thịt cúng vẫn là thịt thường, vì nó chẳng được cúng cho thần nào hết và việc ăn thịt cúng chẳng có vấn đề gì cả. Thế nhưng một số anh em mới theo đạo, chưa có đức tin mạnh, vẫn tin rằng ăn thịt đó là tin nhận các thần và họ lo sợ áy náy trong lương tâm. Họ có thể nghĩ là chúng ta vẫn tin các thần khi thấy chúng ta ăn thịt đã cúng. Vậy thì, theo thánh Phaolô, người ta ăn thịt riêng ở nhà được, còn khi được mời ăn ở nơi công cộng, Kitô hữu sẽ không ăn thịt để các tân tòng khỏi dị nghị. Vì phần rỗi những anh em đó, người ta sẽ không làm điều gì khiến họ vấp phạm.

Những lời dạy hôm nay đúng là khó thực hiện đòi chúng ta phải anh hùng. Các lời dạy đó cho thấy cách xử sự thông thường của con người còn xa với ý muốn của Thiên Chúa biết bao và Nước Trời còn phải chi phối để thay đổi con người biết bao. Có lẽ khi đưa ra nhiều ví dụ khác nhau, Chúa không nhắm dạy chúng ta thực hiện như thế khi gặp các nố như vậy, mà nhắm dạy chúng ta có một thái độ yêu thương và nhân từ căn bản, rồi đem áp dụng thái độ đó khi đối xử với tha nhân. Chúa muốn đánh thức chúng ta, lay động chúng ta, hoán cải chúng ta, muốn chúng ta nhớ mình còn xa lý tưởng Nước Trời và ngày càng tiến tới.

Chúng ta biết rằng để tiến tới, chúng ta phải chết đi cho con người xác thịt và tính ích kỷ của mình, chết đi cho những tâm tình và phản ứng tự nhiên của mình. Thế nhưng chính khi chết đi cho mình để sống nhân từ với anh em là chúng ta khám phá ra đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta trở nên giống Cha trên trời và nên giống Đức Giêsu Kitô. Đó là diễm phúc lớn nhất của đời làm người.


THỨ SÁU

1Cr 9,16-27; Lc 6,39-42

Khi đến thiết lập Nước Trời giữa trần gian, Chúa Giêsu không chỉ nhắm mang ơn cứu độ và hạnh phúc đến cho loài người, mà còn ước mong Nước Trời ngày một tỏ hiện nơi các cá nhân, bằng việc họ hoán cải hoặc đổi mới.

Đoạn Tin Mừng hôm nay là những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu muốn họ đừng đui mù như biệt phái mà hãy là những người trông rõ. Bởi vì họ đã được chọn để dẫn dắt kẻ khác. họ trông rõ khi nhận cùng một giáo huấn như Ngài, khi thấu hiểu những lời của Ngài, tuy rằng họ không bao giờ vượt hơn Ngài, vì Ngài mãi mãi là tôn sư độc nhất. Họ cũng là những người trông rõ trong việc dẫn dắt kẻ khác hoặc đưa kẻ khác ra khỏi sự lầm lạc, nếu họ khiêm tốn và công bằng với kẻ khác. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh cái xà và cái dằm để ám chỉ đến lòng nhiệt thành bất công: coi những lỗi nhỏ của kẻ khác là lớn, còn coi những lỗi lớn của mình là nhỏ. Chúa Giêsu cũng muốn ám chỉ đến sự giả hình: kẻ muốn lấy dằm khỏi mắt anh em, tức là muốn chống lại sự xấu, mà lại không chống lại sự xấu nơi mình trước, tức là bên trong sống khác, bên ngoài sống khác.Ý của Chúa Giêsu là Nước Trời đã đến, môn đệ Chúa hãy hối cải, hãy nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi và lo kết án những gì sai bậy nơi mình trước, rồi từ đó mới đến với anh em trong thái độ nhẫn nại, tha thứ và trao ban.

Với thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ hơn ảnh hưởng của Nước Trời đối với một con người. Thánh nhân can đảm đưa ra những câu trả lời đúng với Tin Mừng khi phải giải quyết những vấn đề mà tín hữu Côrintô gặp phải. Phaolô ý thức mình có nghĩa vụ phải loan báo Tin Mừng, vì mình đã được diễm phúc nhận biết Tin Mừng, mà Tin Mừng không phải là một đồ vật để dùng hay để giữ, nhưng là một tin vui phải được truyền bá.

Và vì muốn mọi người nhận biết Tin Mừng, Phaolô sẵn sàng trở thành “tôi tớ” của mọi người theo gương Đức Giêsu “người Tôi Tớ của Giavê”. Thánh nhân cũng sẵn sàng hy sinh, khổ chế, tự chủ, bởi vì để thành công, bao giờ cũng có sự hy sinh chịu khó trong các môn thể thao hoặc các nghề nghiệp, nhất là bởi vì để thành công, chính Chúa Giêsu còn phải chịu đóng đinh thập giá!

Chúa Giêsu muốn Nước Trời tỏ hiện dần nơi các cá nhân và thánh Phaolô đã đáp lại được mong muốn đó của Chúa. chúng ta cũng đã là những môn đệ của Chúa và đã được sống trong thời đại của Nước Trời. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, vị Thầy lý tưởng của chúng ta, giúp chúng ta trở nên những môn đệ xứng danh và nên kẻ dẫn đường cho nhiều anh em khác, bằng cách trở nên gương mẫu nơi chính mình, chỉ trích và uốn nắn những sai lỗi của mình trước và bằng cách theo Chúa trung thành, không đi theo những kẻ dẫn đường sai lạc. Xin Chúa cũng giúp chúng ta sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng hơn nữa, không chỉ bo bo giữ đạo cho mình, để như thánh Phaolô, chúng ta nên những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết trong xã hội hôm nay.


THỨ BẢY

1Cr 10,14-22a; Lc 6,43-49

Ơn gọi của kẻ đã thuộc về Đức Giêsu Kitô phải hoán cải và có lối sống mới, khác với thế gian.

Trước hết, theo bài Tin Mừng, người môn đệ Chúa phải trách thói giả hình, nghĩa là phải có những hành vi hoàn toàn phù hợp với tâm tình bên trong. Các hành vi và lời nói – là điều người ta thấy bên ngoài – chỉ tốt khi cái căn bản bên trong phát sinh ra chúng cũng tốt. Theo biệt phái và luật sĩ thì một hành vi được coi là tốt khi nó phù hợp với luật. Còn theo Chúa Giêsu, một hành vi chỉ tốt khi phát xuất từ một nội tâm, một cõi lòng tốt. Cõi lòng chính là nguồn của những hành vi tốt hoặc xấu. Hành vi bên ngoài xấu chứng tỏ cõi lòng xấu, giống như trái xấu chứng tỏ cây xấu. Và Chúa Giêsu so sánh cõi lòng – nơi chứa đựng những quyết định luân lý hoặc tôn giáo của con người – với một kho tàng. Chính cái lõi cái nhân của con người, chính cái trung tâm của mọi quyết định khiến cho các hành vi và lời nói của con người thành tốt hay xấu, do đó cả con người thành tốt hay xấu.

Nhưng muốn có lòng mình nên một kho tàng, người môn đệ phải được thầy mình là Chúa Giêsu trang bị hoặc chuẩn bị cho, nghĩa là họ phải nhận lấy lời của Chúa, họ phải được Thiên Chúa và sự công chính của Người chiếm trọn, họ phải hoán cải trở về với Thiên Chúa. Khi biết đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành, đời sống người môn đệ sẽ vững vàng như căn nhà được xây trên đá, không bấp bênh như kẻ nghe Lời Chúa mà không thực hành trong đời sống.

Vậy bổn phận của người môn đệ Chúa là biết đón nhận và sống theo Lời Chúa, nhờ đó cõi lòng mình nên tốt, làm phát sinh những hành động và lời nói tốt lành, khác với kẻ không phải là môn đệ Chúa.

Thánh Phaolô, trong bài đọc I, còn nói rõ hơn về bổn phận kẻ đã thuộc về Đức Giêsu Kitô, đó là họ phải đoạn tuyệt với các bữa ăn cúng bái của dân ngoại. Họ phải nhớ mình đã được ăn bánh và uống chén chúc tụng, tức là được thông phần Mình và Máu Đức Kitô và nên một với Ngài rồi. Họ không thể tiếp tục tham dự các bữa ăn cúng bái của dân ngoại, vì như vậy chính là thông phần với thần linh, nên một với thần linh và chính là chọc tức Thiên Chúa. kẻ đã nên một với Đức Kitô rồi không thể lại nên một với tà thần nữa.

Chúng ta hiện giờ đã là những kẻ thuộc về Đức Kitô và ở trong ảnh hưởng của Nước Trời. Chính ra chúng ta đã phải được đổi mới thật nhiều và có cõi lòng cũng như lối sống ngày một thấm nhuần Tin Mừng và đối chọi với thế gian. Nhưng chúng ta thấy rõ mình còn nhiều hèn yếu và căn nhà đạo đức của chúng ta chưa vững chãi như được xây trên đá. Xin Chúa Giêsu lấy Lời Ngài và trái tim Ngài uốn nắn mỗi người chúng ta hơn nữa, để chúng ta nên những môn đệ xứng đáng của Chúa Giêsu Kitô.
Mới hơn Cũ hơn