Suy niệm mỗi ngày, Tuần 24 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

1Cr 11,17-26.33; Lc 7,1-10

Bài thư Côrintô của thánh Phaolô hôm nay đưa chúng ta đi vào khung cảnh bữa tiệc ly khi thánh nhân nhắc lại thể thức lập bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu để từ đó thánh Phaolô nhắc chúng ta ba yêu cầu phải có khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, đó là: niềm tin, hầu nhờ niềm tin, chúng ta sẽ trân trọng đối với Mình và Máu Thánh để rồi từ đó chúng ta sẽ loan báo ơn Cứu Độ của Chúa, và vì cùng ăn một bánh là Mình Thánh Chúa chúng ta phải hiệp nhất với nhau, nên một với nhau như mọi chi thể của một thân thể vậy.

Những lời nhắc nhở của thánh Phaolô làm chúng ta phải nhìn lại mình để rồi có thể nói được là chúng ta cảm thấy hổ thẹn với viên bách quản trong bài Tin Mừng của Luca, bởi vì viên bách quản chỉ là một người ngoại giáo, chưa một lần đối diện Chúa Giêsu, thế mà chỉ do những lời đồn thổi về Chúa Giêsu, ông đã đặt hết lòng trông cậy vào Chúa Giêsu, nên đã cho người đến mời Chúa Giêsu đến chữa cho tên đầy tớ của mình, nhưng tại sao ông không thân hành đến gặp Chúa Giêsu khi ông có vẻ tin phục Ngài thế kia? Trước hết ông là một viên quan được cắt đặt coi hàng trăm tên lính, ông có quyền sai thuộc hạ, hơn nữa như lời ông nói với Chúa Giêsu: “Vì tôi không đáng được Ngài vào mái nhà tôi, bởi thế mà tôi đã nghĩ mình không đáng đến cùng Ngài, song Ngài hãy phán một lời cho tên hầu tôi khỏi”. Một người ngoại giáo, chưa hề có một khái niệm gì về Thiên Chúa, về giáo lý của Chúa Giêsu, thế mà lòng tin của ông xem ra mạnh mẽ hơn cả những ký lục, biệt phái, hơn cả mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận chính Mình Chúa, lãnh nhận chính sự sống của Chúa trong cùng một tấm bánh là thân thể của Chúa. chúng ta lại càng hổ thẹn hơn khi biết rằng tâm hồn chúng ta là đền thờ của Chúa, thế mà lắm khi chúng ta đến rước Chúa không một chút chuẩn bị, chúng ta rước Chúa như là một thể thức, một thói quen hơn là một nhu cầu cần thiết, một sự đói khát của tâm hồn, chân chúng ta đến với Chúa mà lòng chúng ta ngổn ngang những lo lắng, những suy tính cho cuộc sống hôm nay, ngày mai… Dường như chúng ta không biết hay không muốn nhìn nhận sự thấp hèn và bất xứng của mái nhà tâm hồn chúng ta là nơi chúng ta không đáng cho Chúa Giêsu ngự đến. Mà nơi Chúa, Chúa chỉ chờ đợi ở chúng ta một đức tin, dù đức tin chỉ bằng hạt cải, vì chính đức tin đó mới nhận ra ý nghĩa của phép lạ: “Thật, Ta chưa hề gặp một lòng tin lơn thế trong Israel”.

Con Thiên Chúa nhập thể đã không chọn những cung điện cao sang mà Ngài chỉ chọn một hang đá thấp hèn với những con người phận nhỏ, vậy chúng ta hãy mặc lấy tâm hồn đơn sơ nhỏ bé nhưng đầy tin tưởng như viên bách quản trước tình yêu của Thiên Chúa nhân lành đối với con người tội lỗi, bất xứng, để mỗi khi đến với Chúa chúng ta biết khiêm hạ thưa với Chúa: Lạy Chúa, con thật không đáng được Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.


THỨ BA

1Cr 12,12-14.27-31a; Lc 7,11-17

Thiên Chúa là tình yêu, quả thật càng chiêm ngắm chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa lời tuyên tín của thánh Gioan: Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Vì yêu thương con người tội lỗi Thiên Chúa đã sai Con Một Người nhập thế làm người để yêu thương và ban phát tình yêu cho con người. Chúng ta sẽ nhận ra điều đó khi đọc ra Tin Mừng của thánh Luca hôm nay.

Chúng ta không quên Luca là một bác sĩ, vì thế cái nhìn về lòng thương xót của Chúa đã thấm nhuần và ảnh hưởng sâu xa nơi các trình thuật của ông như một điều mà người ta thường gọi là bệnh nghề nghiệp. Thật vậy, Luca là một tác giả Tin Mừng nói nhiều đến lòng thương xót, rõ ràng như bài Tin Mừng hôm nay duy chỉ có Luca là một trong bốn tác giả tường thuật. Đọc qua đoạn Tin Mừng này mắt chúng ta như muốn dừng lại ở câu: thấy bà ấy Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Phải chăng nước mắt vì sợ mất mát của người mẹ đã làm Chúa xúc động? Phải chăng vì Chúa Giêsu cũng có một người mẹ mà Chúa biết trước rằng rồi đây khi thực hiện chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha bằng cái chết trên thập giá Mẹ Ngài cũng sẽ khóc thương Ngài như vậy? Có thể bởi vì khi nhập thể làm người Chúa Giêsu hoàn toàn có trong mình bản chất của một con người ngoại trừ tội lỗi, thế nên mọi cảm xúc của con người Ngài đã không tránh khỏi: trước cái chết của Lazarô Chúa Giêsu đã khóc (x. Ga 11,35), tại vườn Cây Dầu, đối diện với cái chết Chúa Giêsu đã phải buồn phiền quá đỗi, đến nỗi Chúa Giêsu phải cầu xin cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho Con qua khỏi chén này! Song không phải ý Con mà là ý Cha” (Mt 26,39). Theo trình thuật của Luca thì sau khi chữa lành người đầy tớ của viên bách quản hôm qua, thì đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại như một phép lạ để biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa hầu nhờ đó mọi kẻ chứng kiến và nhất là chính kẻ lãnh nhận phép lạ sẽ có được một niềm tin sâu xa vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu luôn luôn làm mọi việc để tôn vinh Cha (x. Ga 17,1) mà đó chẳng phải là ý của Cha sao, và làm theo ý Cha thì như lời của Chúa Giêsu đã tuyên bố đó chính là lương thực của Ngài (x. Ga 4,34), và quả như mong muốn của Chúa Giêsu, mọi người chứng kiến phép lạ hôm nay của Chúa Giêsu đã cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã đến, đã chỗi dậy giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân của Người”.

Mỗi người chúng ta đều mang trong thân mình thân phận bệnh hoạn chết chóc vì tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót mà cứu chữa chúng ta bằng những ân huệ của các bí tích qua tay Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết tận dụng các đặc sủng, các khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho riêng từng người trong Thánh Thần như lời thánh Phaolô trong thư Côrintô hôm nay, để bằng cách này hay cách khác có thể loan báo cho mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa để tôn vinh Người cũng như để mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu.


THỨ TƯ

1Cr 12,31.13,13; Lc 7,31-35

Bài thư của thánh Phaolô hôm nay nhấn mạnh đến lòng mến, một lòng Mến chân thật vượt lên trên tất cả các ơn, như câu cuối cùng của bài thánh thư, thánh Phaolô đã nói: “Vậy nay còn lại Tin, Cậy, Mến, ấy là bộ ba, nhưng trong bộ ba ấy, Mến lớn hơn cả!

Quả thật lòng mến lớn hơn cả vì khi một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong lề luật?”. Chúa Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đó là giới răn lớn nhất, thứ đến cũng giống điều ấy: phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Mt 22,35-39). Như vậy, đối với Chúa Giêsu, con người không chỉ được mời gọi thực thi lòng mến như một mời mọc rồi tự do chọn lựa, mà để trở thành một giới răn, một điều luật trong lề luật, nghĩa là một điều bắt buộc không thể chối bỏ, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8), do tình yêu Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa để trở nên con Thiên Chúa tình yêu, và là hiện thân của tình yêu, và vì yêu thương Thiên Chúa đã ban Con Một Người nhập thể làm người để yêu thương cho đến chết, và chính vì yêu thương mà trước giờ chết, Chúa Giêsu người Con Một ấy đã cầu xin Cha gìn giữ và tác thánh để chúng ta được nên một: Con trong chúng, và Cha trong Con, để chúng hoàn toàn nên một, ngõ hầu thế gian biết là Cha đã sai Con; luôn luôn Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta chính điều mà Ngài đã sống: Cha yêu mến Con, Con yêu mến chúng. Và Chúa Giêsu còn tiếp: “Lạy Cha, điều Cha đã ban Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng được ở đó với Con” (Ga 17,23-24), ở một đoạn khác Chúa Giêsu cũng đã nói: “Xác ở đâu thì diều hâu tụ tập lại đó” (Mt 24,28), mà Chúa Giêsu nên một trong Cha và chúng ta nên một trong Chúa Giêsu, mà Thiên Chúa là tình yêu thì đương nhiên chúng ta cũng phải là tình yêu, bởi lẽ Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các ngươi yêu mến Ta, sẽ giữ các lệnh truyền của Ta” (Ga 14,15) mà lệnh truyền của Chúa Giêsu là gì? Đó là: “Các con hãy yêu mến nhau để mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).

Tóm lại, trong suốt ba năm rao giảng Chúa Giêsu đã không dạy điều gì khác hơn là yêu thương, là lòng mến, không phải Chúa Giêsu chỉ dạy bằng lời nói, bằng những bài diễn văn dài dòng văn tự, mà bằng chính cái chết để sinh ơn cứu độ cho nhân loại, điều này đã được cả bốn sách Tin Mừng chứng minh. Chớ gì chúng ta đã nghe, biết, và đón nhận Lời Chúa, chúng ta cũng sẽ lưu lại trong Chúa, lưu lại nơi lòng mến của Chúa, và cũng như Mẹ Maria, khi đã đón nhận cưu mang Con Thiên Chúa qua việc truyền tin của sứ thần, Mẹ đã vội vã đem niềm vui ơn cứu độ đến cho người khác. chúng ta đã đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, đã trở nên hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết chiêm ngưỡng cây thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu đã dùng để hoàn tất mầu nhiệm tình yêu, hầu chúng ta cũng biết yêu mến Thiên Chúa và mọi người, đó chính là dụng cụ để tạo nên cây thập giá sống động của chúng ta làm chứng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người.


THỨ NĂM

1Cr 15,1-11; Lc 7,36-50

“Ai được tha nhiều cảm mến nhiều, ai được tha ít cảm mến ít”. Thật vậy, lời nói của Chúa Giêsu quả không sai, dù là đem áp dụng cho con người hôm qua, hay hôm nay, hoặc ngày mai.

Kinh nghiệm hằng ngày đã cho chúng ta xác nhận điều trên, vì nếu chúng ta thọ ơn ai dĩ nhiên chúng ta sẽ yêu mến họ và sẵn sàng chờ có dịp để trả ơn, huống chi một kẻ có tội, một kẻ bị loại bỏ trước mặt mọi người, chạy đến với Chúa và tỏ lòng thống hối. Đối với Chúa một người tội lỗi có lòng thống hối ăn năn còn cao trọng hơn chín mươi chín người công chính (x. Lc 15,7), vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại tha tội cho người ấy: “Tội lỗi của ngươi đã được tha”. Nhưng, tại sao người đàn bà ấy lại chạy đến với Chúa Giêsu để chờ đợi một lời tha tội, đang khi cái nhìn của mọi người lúc đó thì Chúa Giêsu chỉ là một Gioan Tẩy Giả, một Êlia, một Giêrêmia hay một tiên tri nào đó (x. Mt 16,13-14), thế thì ở người đàn bà này thì: “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, nghĩa là ở người đàn bà này tội lỗi đã không làm con mắt tâm hồn bà ra tối tăm để không thể nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tin vào Người, trái lại những người được coi là công chính, được chân trọng trước mặt mọi người thì con mắt đức tin lại bị che dấu để không nhận ra Chúa, quả thật, họ nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe (Mt 13,13).

Chúng ta hãy thật đưa tầm mắt nhìn vào cuộc sống để không thể phủ nhận một điều thật phũ phàng: đôi khi chúng ta hết sức nghiêm khắc, chỉ trích, nguyền rủa một người nào đó phạm một sai lầm nhỏ nhưng quá rõ ràng trước mắt mọi người, nhưng xét ra hậu quả của nó lại không mang tính cách trầm trọng bằng lỗi phạm của chúng ta được phủ kín tinh vi dưới một lớp áo đạo đức hay một tước vị để rồi con mắt phàm trần không thể nhận ra. Cũng thế mà người biệt phái đã mời Chúa Giêsu tự nói với mình: “Ông này nếu thật là tiên tri, thì phải biết người đàn bà này là hạng tội lỗi chứ!”. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là những kẻ tội lỗi” (Mt 9,13b), và điều kiện trên hết để được cứu chữa là lòng tin (x. Lc 7,9; Mc 5,34; Mt 15,28).

Mỗi người chúng ta đều là những con người tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa luôn sẵn sàng giang rộng đôi tay trên thập giá để chờ đợi chúng ta thật lòng ăn năn quay trở về với Chúa nơi bí tích hòa giải với niềm tin sâu xa vào tình yêu của Chúa, hầu được ơn tha thứ và bình an, nhờ đó lòng mến nơi chúng ta sẽ gia tăng và sẽ thúc đẩy chúng ta năng đến với Chúa, kết hợp với Chúa và mạnh dạn loan báo Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho mọi người như sứ điệp của thánh Phaolô trong bài thư Côrintô hôm nay.


THỨ SÁU

1Cr 15,12-20; Lc 8,1-3

Có nhiều người đã đặt câu hỏi: chuyện kẻ chết sống lại có thật không? Chúng ta sẽ trả lời sao cho ổn và khả dĩ có thể dẫn dắt người ta vào mầu nhiệm đức tin về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô? Chúng ta phải tìm đâu là lời giải đáp ngoài bài thư của thánh Phaolô hôm nay.

Trong bài đọc I hôm qua thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, Ngài đã bị chôn cất, ngày thứ ba Ngài đã sống lại theo lời Thánh Kinh” và hôm nay thánh Phaolô lại khẳng định: Đức Giêsu Kitô đã sống lại theo lời Thánh Kinh tức phải có sự kiện kẻ chết sống lại, mà nếu Đức Kitô không sống lại thì việc rao giảng của các tông đồ cũng như việc chúng ta tin đều là hão huyền. Vì nếu chúng ta chỉ đặt mối hy vọng vào Đức Kitô cho lúc sinh thời này thôi thì quả thực Ngài cũng chỉ là một con người như mọi người tội lỗi bất toàn trên thế gian này thôi. Bởi cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã trở thành một sự kiện lịch sử, và niềm tin của giới cộng đồng Công Giáo vào sự kiện đó nên nó đã là mối băn khoăn, thắc mắc cho con qua bao thời đại, vì thế vào tháng 3 năm 1988 đã có một số các nhà bác học sử dụng carbon 14 để khám phá tẩm liệm của Chúa Giêsu hầu mong tìm ra một giải đáp, hay đúng hơn một sự thật về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Ba phòng thí nghiệm ở Oxford (Anh), Zurich (Thụy Sĩ) và Tucson (bang Arizona, Mỹ) đã sử dụng kỹ thuật Carbon 14 để khám phá tấm vải liệm này và cả ba đều cho là nó đã có mặt vào thế kỷ XIV, chứ không phải thế kỷ thứ I nếu Chúa Giêsu quả thật đã được liệm trong tấm vải này. Thật ra, chính chân thực của tấm vỉa này đã bắt đầu bị nghi ngờ vào đầu thế kỷ XX. Tại Turin vào năm 1898, lần đầu tiên Secundo Pia đã chụp ảnh tấm vải liệm dài 4m36, rộng 1m10 này và ngay lập tức người ta bàng hoàng nhận xét tấm vải có hình nổi âm bản (négatif) Đức thi thể một người bị xử giảo đóng đinh (crucifié). Từ đó đến nay, người ta đã dùng nhiều phương pháp vật lý và hóa học để phân tích tấm vải này với mục đích tìm ra sự thật. Đến tháng 9 năm 1989 cuộc tranh cãi lại bùng lên sôi nổi. Những người theo phái “tính chân thật của tấm vải liệm” (Les tenants de L’authenticité) đã đưa ra một câu hỏi hóc búa: “Làm sao mà một tay giả mạo nào đó thời Trung Cổ có thể tái tạo lại, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, một hình người bị đóng đinh và bản thể có tính khảo cổ rất phức tạp của Chúa Giêsu mà dứt khoát vào thời Trung Cổ con người khó lòng biết được?”. Đây là một vụ xử giảo vào thế kỷ thứ I, do người La Mã thi hành, vì vậy nó không thể xảy ra vào thế kỷ XIV. Hình người trên tấm vải liệm không phải là người Phương Tây, mà đó là một người Do Thái và có mái tóc quấn theo kiểu các “Rabbis” với một lọn tóc bím phía sau.

Mặt khác người ta còn tìm thấy những kiểu chữ Hy Lạp và Latinh trên đó (đó là chữ “ad necun” có nghĩa là dấu chứng người đã chết) cùng với dấu in hai đồng tiền Pilate có in hình nổi của César (theo một tục lệ lúc đó là đặt hai đồng tiền này lên mắt người chết). Sau có nhiều chi tiết cho thấy hình người đã bị đóng đinh theo tư thế thẳng đứng do nghiên cứu những dòng máu chảy và vấn nạn lớn nhất là: tại sao vào thời Trung Cổ lại có người có thể tái tạo hình âm bản - négatif photogarphique – và hình nổi – photo en relief – với một sự chính xác tuyệt vời đến nỗi ở ngưỡng cửa của thế kỷ XXI có trên một chục phòng thí nghiệm vẫn không làm nổi? Làm thế nào mà người đó lại có thể thấu đáo về y phục và các cổ tục vào thế kỷ thứ I nếu ông ta sống vào thế kỷ XIV? Và nhất là tại sao ông ta lại phải đi xử giảo một người đàn ông có gương mặt đẹp đến thế để đóng đinh và cuộn trong tấm vải liệm? (Bác sĩ Baima Bollone, người được chính thức ủy nhiệm nghiên cứu dấu máu trên tấm vải đã kết luận đó là máu người, chứ không phải máu vật). Ngoài ra chi tiết hấp dẫn nhất, theo lời các tông đồ của Chúa Giêsu được ghi lại trong Thánh Kinh thì khi mở mộ Chúa Giêsu ba ngày sau, người ta thấy xác Chúa Giêsu đã “biến mất” mà không hề làm xáo trộn áo quan hay có vết rách, cào nào (Tiến sĩ Jackson của cơ quan Nasa và Moroni cố gắng giải thích tại sao tấm vải Turin lại có hình người).

Đây là một trong những tài liệu tìm hiểu và kết luận về sự sống lại của Chúa Giêsu, đồng thời những lời rao giảng của thánh Phaolô, của các tông đồ Chúa Giêsu, và nhất là của Gioan, người tông đồ Chúa yêu đã từng nằm vào ngực Chúa Giêsu để nghe tiếng thổn thức của con tim Chúa trước giờ chết (Ga 21,24), chúng ta càng thêm tin tưởng và mạnh dạn tuyên xưng và loan báo cho mọi người, hầu ngày càng có thêm số những người nhờ chúng ta mà tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh.


THỨ BẢY

1Cr 15,35-37.42-49; Lc 4,8-15

Hôm nay chúng ta len lỏi vào đám đông dân chúng tề tụ quanh Chúa Giêsu để nghe Chúa giảng dạy ví dụ về người gieo giống. Và những lời giải thích ví dụ của Chúa Giêsu sẽ đặt lại cho mỗi người chúng ta một vấn nạn: tôi là hạng người nào khi đón nhận hạt giống Tin Mừng, đón nhận Lời Thiên Chúa?

Nhưng, trước hết chúng ta cũng muốn đặt lại vấn đề: tại sao khi đi gieo giống, người gieo lại không tìm một mảnh đất tốt màu mỡ phì nhiêu để hạt lúa sẽ chắc chắn mọc lên tươi tốt? Phải chăng người gieo giống đã quá bất cẩn khi để hạt thì rơi ở dọc đường, hạt rơi bên đá, hạt lại rơi vào bụi gai? Nếu quả thực người ấy là một người gieo giống chuyên môn thì phải có ít nhiều kinh nghiệm để chọn đất tốt chứ! Thật ra, đó chỉ là ý Thiên Chúa, Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác (x. Mt 5,45). Bởi đó mà thánh Augustinô đã nói một câu bất hủ: “Khi tạo dựng con người Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến họ, nhưng để cứu rỗi con người, Thiên Chúa lại ban cho họ một sự tự do, và Người không muốn can thiệp vào sự tự do ấy”. Bởi đó, Thiên Chúa không tuyển lựa cách đặc biệt một mảnh đất màu mỡ, những tâm hồn hết sức đạo đức mà loại trừ những tâm hồn tội lỗi, vì Thiên Chúa không đến để kêu gọi người công chính mà là những kẻ tội lỗi (x. Mt 9,13b), chính vì thế mà sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một và nói với họ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), nghĩa là đi khắp nơi, khắp cùng bờ cõi trái đất, và rao giảng cho mọi người không loại trừ ai. Như vậy, là Thiên Chúa đã chủ ý gieo hạt giống ở khắp nơi, cho mọi miên, còn hậu quả mọi giai đoạn biến thái của hạt giống là tùy ở chúng ta, tùy ở sự đón nhận và làm nẩy nở của mỗi người.

Mảnh đất tâm hồn chúng ta đã được Thiên Chúa gieo mầm hạt giống tốt, tuy nhiên chúng ta đã làm gì cho những hạt giống ấy?

Một văn sĩ kể lại giấc mơ của ông: một hôm tôi mơ thấy được vào Thiên Đàng và đứng trước cửa tiệm có nhãn hiệu: cửa tiệm Hồng Ân. Tò mò vì cái nhãn hiệu ấy tôi tiến đến thì được một Thiên Thần cho biết ở đây bán tất cả mọi điều thiện hảo của Thiên Chúa. Tôi đứng lại để kiểm xem trong túi còn được bao nhiêu tiền, song Thiên Thần lại nói: Hồng Ân của Thiên Chúa chỉ cho nhưng không. Tôi rảo quanh để xem thì thấy nơi đây là những thứ hoa của tình yêu, kia là lọ chứa niềm tin, góc nọ là gian hàng của hy vọng và ơn cứu rỗi.

Tôi tiến đến nói với vị Thiên Thần: “Xin gói cho tôi tình yêu của Thiên Chúa, và sự tha thứ càng nhiều càng tốt, một ít hy vọng cùng với ơn cứu rỗi”.

Thấy vị Thiên Thần đi gói đầy đủ, tôi chờ đợi và nghĩ rằng mình sẽ khệ nệ khiêng một gói thật to, nhưng lạ thay, làm thế nào vị Thiên Thần đã gói lại thành một gói thật nhỏ, nhỏ đi bằng một quả tim của tôi thôi. Và Thiên Thần mỉm cười nói với tôi: “Bạn à! Cửa tiệm Hồng Ân của Thiên Chúa không bán hoa quả mà chỉ bán hạt giống mà thôi”.

Thật vậy, hoa quả của Thiên Chúa lại đang chờ để nhận lại từ tay chúng ta.
Mới hơn Cũ hơn