TUẦN XXV
THỨ HAI
Cn 3,27-34; Lc 8,16-18
Câu “không ai thắp đèn rồi lấy vò phủ đi” ám chỉ đến việc Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mạng cứu thế thì Ngài phải chu toàn sứ mạng đó, chứ đâu lại đình chỉ ngay, như người thắp đèn rồi chụp cho tắt đi ngay.
Hình ảnh đèn sáng cũng được áp dụng cho kẻ tin Chúa Giêsu: giống Chúa Giêsu, họ phải chu toàn sứ mạng cứu thế, chiếu ánh sáng vào đêm tối. Đời họ cũng được hiểu là “đèn sáng”: dù họ tốt hay xấu, họ cũng bị người đời xem thấy, vì họ nổi bật như ngọn đèn được đặt ở trên cao. Hạnh kiểm của họ giá trị tông đồ: kéo người khác đến với Chúa, nếu đời họ tốt – che khuất Tin Mừng đi, nếu đời họ xấu. Nó cũng có giá trị định đoạt về số phận đời đời của họ: ngay hiện tại, không có gì thuộc đời họ lại là kín ẩn đối với Thiên Chúa – và đến khi phán xét, mọi sự kín ẩn lại càng lộ rõ để họ bị phán xét theo đó. Nếu hiện tại họ sống đầy “ánh sáng”, họ thực thi các đức tính mà sách Cách Ngôn nói tới, họ sẽ được hưởng. Nếu họ sống ngược đòi hỏi của Chúa, họ sẽ bị số phận của tên đầy tớ không làm lời nén vàng chủ trao: nó bị quở mắng, bị tước cả cái nó tưởng có và tống vào ngục tối.
Chúng ta xin ơn biết nghe, hiểu và thực thi Lời Chúa, để hôm nay đời của chúng ta đầy giá trị tông đồ và mai ngày chúng ta được nghe lời khen thưởng của Chúa.
THỨ BA
Cn 21,1-6.10-13; Lc 8,19-21
Gợi ý 1:
Câu nói của Chúa Giêsu cho Ngài dẹp giới hạn máu mủ, mở rộng điều kiện cho mọi người.
Nhờ tình thương phổ quát đó, chúng ta được trở nên anh em của Chúa Giêsu.
Chúng ta có tấm lòng phổ quát, đại độ đối với mọi người.
Nhưng muốn có tình huynh đệ thật sự, chúng ta phải bám vào Lời Chúa, phải sống theo những đức tính hay đẹp mà sách Cách Ngôn nói tới, phải nhìn vào người anh của chúng ta là Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi lấy đời mình minh chứng liên hệ mới và minh chứng hình ảnh một người thuộc đại gia đình Nước Trời.
Xin Mẹ Maria, con người thi hành Lời Chúa, giúp chúng ta.
Gợi ý 2:
Khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, nếu là bà mẹ khác, chắc Đức Mẹ đã đau lòng, vì lời đó có vr phủ nhận vai trò làm Mẹ của Mẹ Maria. Nhưng đối với Mẹ Maria thì không: liên hệ với Chúa Giêsu vốn đã không chỉ là liên hệ dựa trên xác thịt, mà dựa trên lòng tin (“Tôi không biết việc phu thê”). Đàng khác, với biến cố Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem và tiệc cưới Cana, Mẹ đã được chuẩn bị đê vượt lên trên liên hệ xác thịt, bước vào liên hệ thuộc bình diện cứu độ. Vậy câu của Chúa Giêsu không xúc phạm gì, mà còn đề cao Mẹ Maria, con người hơn ai hết đã “nghe và làm theo Lời Thiên Chúa”.
Câu của Chúa Giêsu nói chỉ có ý phá tung hàng rào liên hệ máu mủ – một điều kiện chỉ rất ít người có – để mở rộng cửa để đón mọi người gần xa vào gia đình Chúa. chúng ta không cần là anh em ruột thịt, là người đồng hương, vẫn có thể và thực sự là anh em của Chúa nếu sống theo Lời Thiên Chúa. Câu Chúa Giêsu còn mở ra cơ may để hằng ngày, mọi lúc, khi chúng ta sống theo những đức tính mà Thiên Chúa cổ võ qua đoạn sách Cách Ngôn và sống theo Lời Thiên Chúa, Lời Chúa Giêsu, chúng ta lập tức ở trong liên hệ huynh đệ với Chúa Giêsu…
THỨ TƯ
Cn 30,5-9; Lc 9,1-6
Tuy ngắn ngủi, đoạn Tin Mừng hôm nay có thể nói đã đưa ra những nét chính của một vị thừa sai tông đồ của thời Tân ước:
Thứ nhất, người tông đồ được sai đi – tham dự vào tư cách “được Cha sai đi” của Chúa Giêsu.
Có quyền trên mọi quỉ ma và mọi bệnh tật: nghĩa là trở nên người đi thiết lập Nước Trời, xua tan vương quốc của ma quỉ và bệnh hoạn tật nguyền.
Họ có sứ mạng đặt Nước Trời ở mọi nơi: mọi địa phương, mọi nhà, mọi tâm hồn, là những nơi đó trở nên nơi Thiên Chúa ngự trị, nên họ được khuyên ở lại, chứ không đi phớt qua như kẻ rao hàng.
Sức mạnh của họ không nằm ở của cải thế lực, mà nằm ở ơn Chúa và Lời Chúa.
Họ có thể bị khước từ, bách hại, như Đức Giêsu và các ngôn sứ thời Cựu ước.
Đoạn sách Cách Ngôn mô tả lối sống đạo đức của thời Cựu ước cũng có thể gợi ý thêm cho chúng ta về đời sống người tông đồ: họ bám chắc vào Lời Chúa, coi Lời Chúa như qui phạm đời sống mình và như ánh sáng cho mọi người – họ luôn qui hướng về Chúa, dù giàu hay nghèo, dù sướng hay khổ. Nhưng họ cầu xin Chúa – và cũng chọn – nếp sống trung dung: không giàu có hay nghèo quá.
Chúng ta nhìn vào lối sống và cách làm việc của Chúa Giêsu để nên tông đồ đắc lực như Ngài, cho Nước Trời.
THỨ NĂM
Gv 1,2-11; Lc 9,7-9
Sách Giảng Viên đối với viết vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, thời Hy Lạp đô hộ Do Thái và Do Thái chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hy Lạp. Theo quan niệm một số triết gia Hy Lạp, đời là phù vân, không có thật, và dưới ánh mặt trời, không có gì mới mẻ. Mặt trời mọc rồi lặn, gió thổi Đông Tây Nam Bắc, điều đang có là điều sẽ có. Họ có lý một phần. Nhưng khi tác giả sách Giảng Viên – là một người Do Thái, sống trong niềm tin vào Giavê – cũng có quan niệm y như vậy thì phải nói là ông sai. Vì chính lịch sử dân tộc ông đang là một sự mới mẻ chưa bao giờ có: Thiên Chúa can thiệp… hiện diện… biến cố lưu đày rồi hồi hương mới xảy ra cách ông hơn một thế kỷ là những sự mới lạ quá mức, vì qua đó, dân tộc ông thấy bàn tay Thiên Chúa đang đến điều khiển thay đổi dòng lịch sử, đang hướng lịch sử ấy về một tương lai mới mẻ chưa bao giờ có.
Về khả năng nhận xét, có lẽ phải nhận là vua Hêrôđê hơn tác giả ấy. Nghe thấy Đức Giêsu xuất hiện… Hêrôđê đã thấy đây là một con người mới, và ông tìm cách gặp cho được.
Tiếc rằng, theo Luca viết ở đoạn 23, Hêrôđê chỉ có ý gặp Đức Giêsu để may ra xem được một phép lạ. Ông không có ý mở tai nghe Lời Ngài, đổi mới đời sống, do đó đời ông sẽ tiếp tục “cũ” và ngai vàng ông, địa vị ông – đúng như lời sách Giảng Viên – sẽ hoàn toàn là phù vân.
Chỉ những ai mở lòng cho Chúa Giêsu, đón lấy và thực thi Lời Ngài mới gặp sự mới mẻ, mới đi vào thời đại mãi mãi mới mẻ mà Đức Giêsu mang vào trần gian.
THỨ SÁU
Gv 3,1-11; Lc 9,18-22
Vũ trụ vật chất và đời sống con người nằm trong thời gian nên gồm nhiều thời khác nhau, nhiều lúc thăng hay trầm, vui hay buồn, tươi sáng hay tối tăm. Nó luôn luôn thay đổi, biến dịch, mau qua, bấp bênh. Mà chiều hướng đi từ tốt đến xấu mạnh hơn. Càng sống người ta càng đi dần đến cái già, và người ta dễ thấy đời vô nghĩa, phi lý.
Nhưng vào thời tác giả sách này, Israel lại đang ở vào tình trạng ổn định hơn bao giờ hết: tuy đã trở thành một nhược quốc, mất thời đại vàng son của thời Đavít, Salômôn khi xưa, mất sự hùng cường giàu mạnh, Israel lại thấy như mình đang tựa vào một Tảng Đá vững chắc, vì họ đã trở thành một cộng đoàn đạo đức, chuyên chăm sống cho Giavê hơn mọi lúc trước. Họ ý thức Giavê mới là Đá Tảng của mình, cậy dựa vào Giavê, sống cho Giavê mới mang lại cho mình sức mạnh thật, sự vững bền thật. Đời người chao đảo sẽ ổn vững, thân phận con người nhỏ nhoi sẽ đang sống, vì ở dưới mắt nhìn của Thiên Chúa.
Cũng thế, khi các tông đồ tin vào Chúa Giêsu, tuyên nhận Ngài là Đức Kitô, đời các ông bắt đầu ổn vững. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các ông ra đi rao giảng Nước Trời, bị trao đảo phiêu bạt, thăng trầm, nhưng các ông vẫn ổn định trong tâm tư. Vì các ông đã gắn bó với Chúa Giêsu – Đấng cả đời chỉ có một “thời” là sống cho Cha, chu toàn sứ mạng Cha trao. Dù được thành công hay bị thất bại, dù được tôn quí hay bị bắt bớ giết chết, Chúa Giêsu vẫn là Con Cha.
Vậy chúng ta cũng thế: khi kết hợp với Chúa Giêsu, khi sống cho Chúa Giêsu là chúng ta tìm được con đường ra khỏi những chao đảo biến động cuộc đời, để bắt đầu bước vào đời sống ổn định, chỉ còn một thời: thời làm con Cha, thời sống cho Nước Trời.
THỨ BẢY
Gv 11,9-12,8; Lc 9,44-45
Thoạt nghe bài sách Giảng Viên, chúng ta cảm thấy như cung giọng của tác giả đầy sự bi quan. Ông nói đến lúc con người về già và phải chết, lúc người ta kiệt sức, chẳng còn thích sự gì và sự tối tăm ảm đạm chụp xuống trên đầu người ta, lúc anh hùng cũng trở thành kẻ khiếp nhược, kẻ giữ nhà cũng run sợ, kẻ có nhiệm vụ xay bột cũng ngưng việc, vì tay chân đã rã rời. Và ông than “mọi sự ở đời đều chỉ là phù vân”.
Thế nhưng, đọc kỹ, chúng ta lại nhận thấy là tác giả đã hơn nhiều tác giả Cựu ước khác ở chỗ là có niềm tin vào đời sau, ông tin rằng con người sẽ bị Thiên Chúa xét xử theo công hay tội của mình khi còn sống, và khi chết, người ta không tiêu tan thành tro bụi mà hồn sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Như thế vào thời ông, ý tưởng về đời sau đã có trong dân Do Thái, khác với thời đầu, người Do Thái chỉ tưởng là nguyên có đời hiện tại mà thôi.
Và chính vì tin có đời sau mà tác giả ấy đưa ra lời khuyên thực tế cho tuổi trẻ: theo ông, những người trẻ đương nhiên thích sống theo khuynh hướng của lứa tuổi của mình, theo những đam mê, thậm chí những sự ngông cuồng của mình. Tuy vậy, họ đừng quên trở nên đạo hạnh dần, bởi lẽ vào lúc cuối đời, họ sẽ phải gặp vị Thiên Chúa xét xử họ và số phận đời sau của họ được định đoạt tùy vào cuộc sống hiện tại của họ.
Có lẽ nhiều người trẻ và nhiều người còn khỏe mạnh ít thực thi những lời khuyên ấy. Chỉ có Chúa Giêsu – một người trẻ đã mọi lúc làm cho tuổi trẻ của Ngài đầy việc tốt và việc giá trị. Chúa Giêsu miệt mài rao giảng Nước Trời, Ngài làm nhiều phép lạ, Ngài đem hết sức trẻ mình có mà sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Ai gặp Chúa Giêsu cũng đều bỡ ngỡ thán phục các việc Ngài làm. Tuy đã sống tốt và thật đáng khen, Chúa Giêsu còn mọi lúc hướng đến cuộc khổ nạn như đỉnh cao đời mình, bởi đó mới là lúc Chúa Giêsu yêu mến hết sức, chứng tỏ con người mình hết mức. Các tông đồ sống lâu bên Chúa Giêsu chưa hiểu nổi Ngài, vì họ còn ham mê địa vị và sự dễ dãi.
Xin Chúa Giêsu giúp mọi người chúng ta, trẻ cũng như già, có một tinh như Ngài.